Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 82: GIÁO DÂN THÔNG DỰ VÀO CHỨC NGÔN SỨ CỦA ĐỨC KITÔ

Administrator
2020-06-24 00:09 UTC+7 22
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 82: GIÁO DÂN THÔNG DỰ VÀO CHỨC NGÔN SỨ CỦA ĐỨC KITÔ Sự thông dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô là chủ đề của bài giáo lý ngày 26 tháng 01 năm 1994: Các giáo dân thi hành chức vụ này qua việc làm […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 82: GIÁO DÂN THÔNG DỰ VÀO CHỨC NGÔN SỨ CỦA ĐỨC KITÔ

Sự thông dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô là chủ đề của bài giáo lý ngày 26 tháng 01 năm 1994: Các giáo dân thi hành chức vụ này qua việc làm chứng tá và loan báo Tin mừng.

1. Như chúng ta đã thấy trong các bài giáo lý về “chức tư tế phổ quát”, theo Công đồng Vaticanô II, trong Giáo hội là Thân thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, mọi người cùng chia sẻ phẩm giá và sứ vụ của Chúa Kitô, Vị Thượng tế vĩnh cửu. Trong bài giáo lý hôm nay, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về việc các tín hữu chia sẻ phẩm giá và sứ vụ của Đức Kitô, Vị “Ngôn sứ vĩ đại”.

Chúng tôi bắt đầu bằng cách đọc lại bản văn của Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, trong đó khẳng định rằng, “Chúa Kitô, vị ngôn sứ cao cả, Đấng đã dùng chứng tích đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố Vương quốc của Cha; Người chu toàn chức vụ ngôn sứ cho đến lúc tỏ hiện vinh quang không những nhờ vào hàng giáo phẩm là những người giảng dạy nhân danh và với quyền hành của Người, mà còn nhờ các giáo dân đã được Người đặt làm chứng nhân, đồng thời ban cho họ cảm thức đức tin (sensus fidei) và hồng ân ngôn từ, ngõ hầu sức mạnh Tin Mừng được chiếu tỏa trong cuộc sống hằng ngày, trong gia đình và xã hội” (LG 35; x. GLCG 904).

Các giáo dân làm chứng cho Tin mừng ở giữa thế gian

2. Như văn bản đã viết, chính Chúa Kitô đã trao cho các giáo dân một nhiệm vụ: Người đặt họ “làm chứng tá cho Người, ban cho họ “cảm thức đức tin” và “hồng ân ngôn từ”, với một mục tiêu mang tính cách giáo hội và tông đồ đích thực. Thực vậy, mục đích của chứng tá và sứ vụ này là làm cho Tin Mừng Chúa Kitô lan tỏa trên “trần thế”, nghĩa là trong các lĩnh vực khác nhau nơi giáo dân sinh sống và đảm trách các bổn phận trần thế của họ. Công đồng nói: “Công cuộc rao giảng Tin Mừng này, tức là loan báo Chúa Kitô bằng chứng tá của đời sống và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt bởi vì được thực hiện trong những hoàn cảnh thông thường của trần thế” (LG 35; x. GLCG 905). Như vậy, đây là nét đặc trưng của ơn gọi các giáo dân chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, vị Chứng Nhân chân thật và trung thành (x. Kh 1,5): họ phải cho thấy rằng không có gì đối nghịch giữa việc đi theo Chúa với việc chu toàn những nhiệm vụ mà người giáo dân phải thực hiện trong hoàn cảnh “trần thế” của họ; trái lại, lòng trung thành với Tin Mừng thực sự giúp tăng cường và hoàn thiện các cơ cấu và thể chế trần gian.

Xác tín về chân lý đức tin

3. Tuy nhiên, đến đây, cùng với Công đồng, ta cần phải xác định bản chất chứng tá của giáo dân và, thậm chí “chức ngôn sứ” của họ, cũng như của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Chúa Giêsu đã bàn về điều này khi nói với các môn đệ, trước khi về trời: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh bởi Thánh Linh sẽ ngự xuống trên anh em và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Sự can thiệp của Thánh Linh là điều cần thiết để chu toàn sứ vụ chứng tá, cũng tương tự như trong việc thực thi chức tư tế phổ quát. Đây không phải là chuyện liên quan đến tính tình ngôn sứ hiểu như một “đặc sủng” tự nhiên theo nghĩa của tâm lý học và xã hội học hiện đại. Đúng ra nó là tính ngôn sứ siêu nhiên, đã được Giôen tiên báo (Ge 3,2), và được thánh Phêrô trích dẫn vào Lễ Ngũ Tuần: “Trong những ngày cuối cùng…con trai con gái các người sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2,17) ). Điều này có nghĩa là loan báo, truyền đạt và làm cho vang vọng trong con tim những chân lý mặc khải mang lại sự sông mới mà Thánh Linh ban tặng!

4. Vì thế, Công đồng nói rằng các tín hữu giáo dân được chọn làm chứng tá, vì được đào luyện nhờ “cảm thức đức tin và hồng ân ngôn từ” (LG 35). Tông huấn Christifideles Laici nói thêm rằng họ được trao ban khả năng và nhiệm vụ “đón nhận Tin Mừng bằng đức tin và loan truyền Tin Mừng bằng lời nói và hành động, mà không ngần ngại nhận diện và can đảm tố cáo tội ác” (CL 14). Họ có thể làm tất cả điều ấy bởi họ đã được Thánh Linh ban ơn ngõ hầu họ tuyên xưng đức tin và tìm ra phương thế phù hợp nhất để trình bày và truyền đạt Tin Mừng cho mọi người.

Trả lời về niềm hy vọng

5. Các Kitô hữu giáo dân, như là “con cái của lời hứa”, cũng được mời gọi làm chứng cho thế gian về sự vĩ đại và sự phong phú của niềm hy vọng mà họ đang ấp ủ. Niềm hy vọng này dựa trên giáo huấn và công trình của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại để cứu chuộc muôn người. Trái ngược với những vẻ hào nhoáng bên ngoài, con người vẫn thường cảm thấy những giới hạn, thiếu thốn, trống rỗng trước những cơ cấu tạo ra để mang lại hạnh phúc. Trong bối cảnh này, chứng tá của niềm hy vọng rất là quan trọng, để hướng tâm trí vào việc tìm kiếm sự sống mai hậu, vượt lên trên giá trị tương đối của các thực tại trần thế. Về điểm này các giáo dân, như là những người phục vụ Tin Mừng qua các cơ cấu của đời sống trần thế, giữ một vị trí nổi bật: họ cho thấy niềm hy vọng Kitô giáo không có nghĩa là chạy trốn khỏi thế gian, cũng không phải là khước từ tìm kiếm sự thành tựu trong cuộc sống trần thế, mà là sự mở ra với chiều kích siêu việt của đời sống vĩnh cửu, mà chỉ mình nó mới mang lại giá trị đích thực cho cuộc sống hiện tại.

Can đảm sống theo niềm tin của mình

6. Đức tin và đức cậy, dưới sự thúc đẩy của đức mến, mở rộng chứng tá của các giáo dân vào mọi môi trường sinh sống và làm việc, bởi vì họ được mời gọi làm cho “sức mạnh của Tin Mừng … được chiếu tỏa trong cuộc sống hằng ngày, trong gia đình và xã hội” (LG 35). “Sức mạnh của Tin Mừng” được thể hiện trong “việc hoán cải không ngừng” của linh hồn về với Thiên Chúa, trong việc chiến đấu chống lại các thế lực sự dữ đang tung hoành trên thế giới, trong nỗ lực khắc phục những tổn thất gây ra bởi những thế lực, âm ỉ hay tỏ tường, luôn tìm cách làm lung lạc con người khỏi cứu cánh cuộc đời. “Sức mạnh của Tin Mừng” tỏa rạng trong cuộc sống thường nhật, khi các Kitô hữu can đảm bày tỏ niềm tin của mình trong mọi cảnh huống, nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thiên sứ” (Lc 9,26; x. Mc 8,38). “Phàm ai tuyên bố nhìn nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhìn nhận người ấy trước mặt các thiên sứ của Thiên Chúa” (Lc 12,8). “Sức mạnh của Tin Mừng” được tỏ lộ khi người ta duy trì lòng kiên nhẫn trong những thử thách trường kỳ và cư xử như những chứng tá của thập giá Chúa Kitô.

7. “Sức mạnh của Tin Mừng” không chỉ cần thiết đối với các linh mục và tu sĩ trong sứ vụ làm thừa tác viên của Lời và ân sủng Đức Kitô, nhưng cũng cần thiết đối với các giáo dân trong công tác loan truyền Tin Mừng cho các môi trường và cơ cấu trần thế, là nơi họ sinh sống mỗi ngày. Như Công đồng đã nhắc lại, trong những lãnh vực trần thế, chứng tá ​​của các giáo dân thậm chí còn có ảnh hưởng và tác động vượt trội hơn, bắt đầu từ đời sống hôn nhân và gia đình (x. LG 35). Chúng ta hãy cầu cho họ và cho các môn đệ Chúa Kitô được kêu gọi làm ngôn sứ của đức tin và hy vọng, ngõ hầu họ nhận được sức mạnh của Thánh Linh, mà ta chỉ có thể lãnh nhận nhờ lời van nài tha thiết và kiên trì.