Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 88: GIÁO DÂN ĐƯỢC KÊU GỌI PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Administrator
2020-06-30 00:36 UTC+7 23
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 88: GIÁO DÂN ĐƯỢC KÊU GỌI PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Chủ đề chính của buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng 04 là sự dấn thân của các giáo dân vào việc phát triển xã hội. 1. Có một trật tự của thực tại – các thể […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 88: GIÁO DÂN ĐƯỢC KÊU GỌI PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Chủ đề chính của buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng 04 là sự dấn thân của các giáo dân vào việc phát triển xã hội.

1. Có một trật tự của thực tại – các thể chế, giá trị, hoạt động- mà thường được gọi là “trần thế” bởi liên quan trực tiếp đến những điều thuộc về phạm vi đời sống hiện tại, cho dẫu chúng cũng được hướng tới cứu cánh ở đời sống mai hậu. Thế giới hiện tại không được thành hình bởi những dáng vẻ hay hình bóng dối trá, hay cũng không thể chỉ có giá trị nhờ mối liên hệ với thế giới mai sau. Như Công đồng Vaticanô II tuyên bố: “Tất cả những thực tại cấu thành trật tự trần thế… không những là phương thế giúp con người đạt đến mục đích tối hậu nhưng mà chúng còn có giá trị riêng “ (AA 7).

Trình thuật Kinh thánh về sự sáng tạo trình bày giá trị này cho chúng ta như là điều Thiên Chúa thừa nhận, mong muốn và thiết lập. Theo sách Sáng Thế, Thiên Chúa “thấy công trình sáng tạo tốt đẹp’ (x. St 1,12. 18. 21) thậm chí “rất tốt đẹp” (x. St 1,31), sau khi dựng nên người nam và người nữ. Với việc Nhập thể và Cứu chuộc, giá trị của những điều trần thế không bị loại trừ hoặc giảm thiểu, như thể công trình của Đấng Cứu Chuộc trái ngược với công trình của Đấng Tạo Hóa; nhưng nó được phục hồi và nâng cao, trong kế hoạch của Thiên Chúa, để “quy tụ muôn loài trong Chúa Kitô” (Ep 1,10) và “Nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với Thiên Chúa” (Cl 1,20). Do đó, trong Chúa Kitô, mọi sự gặp thấy sự bền vững của mình (x. Cl 1,17).

Người giáo dân phục vụ con người và xã hội

2. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào bỏ qua kinh nghiệm lịch sử về sự dữ, và, đối con người, tội lỗi của con người, mà chỉ có thể được lý giải nhờ mặc khải về sự sa ngã của nguyên tổ và những sự sa ngã của các thế hệ kế tiếp. Công đồng tuyên bố, “Trải qua dòng lịch sử, việc sử dụng những sự vật trần thế đã bị hoen ố vì những thiếu sót nghiêm trọng” (AA 7). Ngày nay cũng vậy, không ít người, thay vì điều khiển vạn vật theo kế hoạch và huấn lệnh của Thiên Chúa, nhờ các tiến bộ khoa học và công nghệ, thì lại trở thành nô lệ cho chúng, bởi vì quá tín tưởng vào những quyền lực mới này. Và từ đó đưa đến nhiều tổn hại nghiêm trọng.

Nhiệm vụ của Giáo hội là giúp mọi người định hướng đúng đắn toàn bộ trật tự trần thế và quy hướng chúng về Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô (x. AA 7). Do đó, Giáo hội trở thành thành tôi tớ của nhân loại và giáo dân “tham phần vào sứ vụ phục vụ con người và xã hội” (CL 36).

3. Về vấn đề này, trước hết cần nhớ rằng giáo dân được mời gọi góp phần vào việc thăng tiến con người, hiện nay là một nhiệm vụ hết sức cấp bách và khẩn thiết. Vấn đề là cứu độ – và thường là phục hồi- giá trị trọng yếu của con người, cần phải được tôn trọng như là nhân vị, chứ không thể đối xử “như một đối tượng hữu dụng, một dụng cụ, một đồ vật” (CL 37).

Xét về phẩm giá nhân vị, tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau: không thể chấp nhận sự kỳ thị về chủng tộc, tính dục, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị hoặc địa lý. Đứng trước những sự khác biệt bắt nguồn từ những điều kiện thời gian và không gian mà mỗi người đã sinh ra và cư ngụ, nảy ra nghĩa vụ liên đới để bù đắp lại bằng sự nâng đỡ đắc lực của tình người và Kitô giáo, được thể hiện dưới các hình thức cụ thể của sự công bằng và bác ái, như lời thánh Phaolô giải thích và khuyên nhủ các tín hữu Côrintô: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ, nhung là san sẻ đồng đều… Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều” (2 Cr 8,13-14).

Bảo vệ sự sống

4. Việc thăng tiến phẩm giá con người được gắn liền với “việc tôn trọng, bảo vệ và cổ võ các quyền lợi con người” (CL 38). Trước hết, điều này có nghĩa là sự công nhận về quyền bất khả xâm phạm của mạng sống con người: quyền được sống là điều cốt yếu và có thể được coi là “quyền lợi nền tảng và căn bản nhất, và là điều kiện cho tất cả các quyền lợi khác” (CL 38). Hệ quả là, “Tất cả những gì đi ngược với chính sự sống…tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của nhân vị con người…tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm của con người…tất cả những điều ấy…đều xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hóa” (GS 27), Đấng muốn con người được tạo ra theo hình ảnh và giống như Ngài (x. St 1,26), và được đặt dưới sự cai quản của Ngài.

Trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ phẩm giá nhân vị và quyền được sống thuộc về cha mẹ, các nhà giáo dục, nhân viên y tế và tất cả những người nắm quyền lực kinh tế và chính trị (x. CL 38). Đặc biệt, Giáo hội mời gọi giáo dân phải dũng cảm đối diện với những thách thức về các vấn đề mới của đạo đức sinh học (x. CL 38).

5. Trong số các quyền lợi của nhân vị cần được bảo vệ và thăng tiến có quyền tự do tín ngưỡng, tự do lương tâm và tự do thờ phượng (x. CL 39). Giáo hội tuyên bố rằng, xã hội có trách nhiệm đảm bảo quyền tuyên xưng niềm tin và thực hành tôn giáo cá nhân, trong những giới hạn được xác định bởi trật tự công (x. Dignitatis Humanae 2, 7). mạng để bảo vệ và cỗ võ quyền này, không ít người đã dám hy sinh tính mạng, vào mọi thời đại.

Các giáo dân được mời gọi dấn thân vào đời sống chính trị, tùy theo khả năng, điều kiện thời gian và nơi chốn, nhằm cổ võ thiện ích chung trong mọi yêu sách của nó, và cụ thể là thực thi công lý trong việc phục vụ các công dân như những nhân vị. Như chúng ta đã đọc trong Tông huấn Christifideles Laici: “Một chính sách chính trị vì nhân vị và sẽ tìm thấy đường lối hành động kiên trì trong việc bảo vệ và cỗ võ công lý” (số 42). Rõ ràng, hoạt động này thuộc về tất cả mọi công dân trần thế, trong đó các Kitô hữu được mời gọi nên chứng tá gương mẫu về hành động chính trị thanh liêm, không tìm lợi lộc cá nhân hoặc chủ trương phục vụ ích lợi phe nhóm hay đảng phái bằng những phương tiện bất chính, dẫn đến sự sụp đổ ngay cả những lý tưởng cao quý và thiêng thánh nhất.

6. Các Kitô hữu giáo dân không được vắng mặt trong việc cộng tác vào các nỗ lực của xã hội để tái lập hòa bình trên thế giới. Đối với họ, đó là nhiệm vụ thi hành hòa bình do Đức Kitô ban tặng (x. Ga 14,27; Ep 2,14) trong các khía cạnh chính trị và xã hội, ở mỗi quốc gia và trên thế giới, theo như lương tâm con người càng ngày càng đòi hỏi. Để được như vậy, họ có nhiệm vụ thực hiện một công việc giáo dục thấu đáo để đánh bại văn hóa cổ hủ của sự ích kỷ, bóc lột, hiềm khích và thù địch, và phát triển văn hóa đoàn kết và yêu thương tha nhân (x. CL 42).

Các giáo dân Kitô hữu cũng có nhiệm vụ dấn thân vào việc phát triển kinh tế và xã hội. Đây là một yêu sách của việc tôn trọng nhân vị, công bằng, liên đới và tình huynh đệ. Các giáo dân có bổn phận hợp tác với những người có thiện chí để tìm kiếm các phương cách đảm bảo cho các tài sản được phục vụ tất cả mọi người, dù dưới bất chế độ xã hội nào đi nữa (x. CL 43). Ngoài ra, họ cũng có bổn phận bảo vệ quyền lợi của người lao động, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề nghiêm trọng nhất của hiện tượng nạn thất nghiệp đang gia tăng, và tranh đấu chống mọi bất công. Là Kitô hữu, họ diễn tả cho thế giới cách thức thực hành học thuyết xã hội của Giáo hội. Tuy nhiên, họ phải nhận thức về tự do cá nhân và trách nhiệm của mình trong các vấn đề còn tranh cãi, trong đó, các lựa chọn của họ, mặc dù luôn được khởi hứng bởi các giá trị Tin Mừng, cũng không nên được trình bày như đường lối duy nhất cho các Kitô hữu. Tôn trọng các quan điểm ​​chính đáng và lựa chọn khác biệt với mình cũng là một đòi hỏi của tình yêu.

7. Cuối cùng, các Kitô hữu giáo dân có nhiệm vụ giúp phát triển văn hóa nhân loại, cùng với tất cả các giá trị của nó. Hiện diện trong nhiều lĩnh vực khác nhau về khoa học, sáng tạo nghệ thuật, tư tưởng triết học, nghiên cứu lịch sử, v.v., họ sẽ đóng góp nguồn cảm hứng cần thiết xuất phát từ đức tin của mình. Và bởi vì sự phát triển văn hóa bao hàm sự dấn thân vào các phương tiện truyền thông đại chúng, một phương tiện quan trọng để đào tạo tâm thức và phong hóa, cho nên họ nên có ý thức trách nhiệm trong việc dấn thân vào báo chí, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, tuồng kịch, luôn thực hiện công việc của họ dưới ánh sáng của sứ vụ loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Điều này mang tính thời sự trong thế giới ngày nay, vốn rất tỏ ra cho thấy những con đường cứu chuộc mà Chúa Giêsu Kitô đã mở ra cho mọi người (x. CL 44).