Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 94: CÁC ĐẶC SỦNG VÀ SỨ MẠNG CỦA PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI

Administrator
2020-07-06 00:24 UTC+7 23
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 94: CÁC ĐẶC SỦNG VÀ SỨ MẠNG CỦA PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI Ngày 13 tháng 07, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, nêu bật sự quảng đại và phục vụ lớn lao của họ trong […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 94: CÁC ĐẶC SỦNG VÀ SỨ MẠNG CỦA PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI

Ngày 13 tháng 07, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, nêu bật sự quảng đại và phục vụ lớn lao của họ trong việc truyền bá vương quốc Thiên Chúa.

1. Tất cả những người theo Chúa Kitô có thể và phải là thành phần tích cực trong Giáo hội do Bí tích Rửa tội và Thêm sức, và đối với các cặp vợ chồng do bí tích Hôn phối. Tuy nhiên, hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh một vài điểm về việc dấn thân của phụ nữ vào sứ vụ của Giáo Hội, qua lời mời gọi cộng tác hết sức cao quý và quan trọng.

Cũng như tất cả các tín hữu, các phụ nữ được chia sẻ vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, và diễn tả qua những nét tương ứng và phù hợp với nữ tính: vì thế mà họ nhận được các đặc sủng mở ra những cách thế cụ thể cho sứ vụ của mình.

2. Tôi không thể nhắc lại ở đây tất cả những gì tôi đã viết trong Tông thư “Phẩm giá của phụ nữ” (Mulieris Dignitatem) và trong Tông huấn “Kitô hữu Giáo dân” (Christifideles Laici) về phẩm giá của người phụ nữ và những nền tảng nhân học và thần học về điều kiện phụ nữ. Ở đó, tôi đã nói về việc tham gia vào cuộc sống xã hội và tôn giáo, và vào sứ vụ Giáo hội liên quan đến gia đình, văn hóa, các thái trạng khác nhau của cuộc sống, các lĩnh vực hoạt động khác nhau của con người, những kinh nghiệm khác nhau về niềm vui và nỗi buồn, sức khỏe và bệnh tật, thành công và thất bại, hiện diện trong cuộc sống của mỗi người.

Sự đóng góp của phụ nữ vào sứ vụ của Giáo hội

Theo nguyên tắc được phát biểu tại Thượng hội đồng giám mục năm 1987 và được ghi lại trong Tông huấn Christifideles Laici: “Các phụ nữ tham gia vào đời sống của Giáo hội không bị một kỳ thị nào, ngay cả trong việc tham khảo và soạn thảo các quyết định” (số 51). Do đó, phụ nữ có khả năng tham gia vào các hội đồng mục vụ giáo phận và giáo xứ, cũng như trong các công nghị giáo phận và các công đồng địa phương. Theo kiến nghị của Thượng hội đồng, phụ nữ “phải được tham dự vào việc soạn thảo các tài liệu mục vụ và những sáng kiến trong việc truyền giáo; họ phải được nhìn nhận như là những cộng tác viên trong sứ mạng của Giáo hội nơi gia đình, trong đời sống chức nghiệp và trong cộng đồng xã hội” (CL 51). Đó là tất cả những lĩnh vực mà việc tham gia của các phụ nữ chuyên môn có thể đóng góp nhiều về sự chín chắn và ôn hòa, can đảm và tận tâm, tâm linh và nhiệt thành, vì lợi ích của Giáo hội và xã hội.

3. Toàn bộ sự dấn thân của phụ nữ trong Giáo hội có thể và nên phản chiếu ánh sáng mặc khải của Tin Mừng, theo đó, một người phụ nữ, với tư cách là đại diện của nhân loại, được mời gọi đón nhận việc Nhập thể của Ngôi Lời. Trình thuật Truyền tin cho chúng ta biết chân lý ấy: chỉ sau lời thưa “Xin vâng” của Đức Maria đã chấp nhận làm Mẹ của Đấng Mêsia, “sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1,38). Sứ thần đã hoàn tất nhiệm vụ của mình; ngài có thể mang về cho Thiên Chúa lời “xin vâng” của nhân loại mà Đức Maria Nadarét đã tuyên bố.

Theo gương Mẹ Maria, đấng mà bà Êlisabét đã gọi là có phúc vì đã tin (x. Lc 1,45), và nhớ lại việc Chúa Giêsu cũng đòi hỏi một đức tin nơi cô Mácta trước khi Ngài cho Ladarô sống lại (x. Ga 11,26), người nữ Kitô hữu sẽ cảm nhận được cách đặc biệt lời mời gọi tuyên xưng và làm chứng cho đức tin. Giáo hội cần những chứng nhân cương quyết, kiên định và trung thành, là người sẽ biểu lộ trong lời nói và việc làm lòng gắn bó với Chúa Kitô hằng sống, khi đối diện với những hoài nghi và ngờ vực đang lan tràn trên nhiều cấp độ trong xã hội ngày nay.

Chúng ta không thể quên rằng, theo trình thuật Tin Mừng, vào ngày Chúa Giêsu phục sinh, các phụ nữ là chứng nhân đầu tiên chân lý này. Họ đã gặp phải sự dè dặt và ngờ vực nơi các môn đệ, những người không muốn tin nhưng cuối cùng đã chia sẻ đức tin với những người phụ nữ. Cả trong việc này, ta thấy tỏ lộ bản năng trực giác của tâm hồn của người phụ nữ, khiến họ cởi mở hơn với chân lý mặc khải, có khả năng nhạy bén nắm bắt ý nghĩa của các sự kiện và đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Trải qua các thế kỷ, đã có biết bao chứng cứ về khả năng cũng như nhạy bén này.

4. Phụ nữ có một thái độ độc đáo để thông truyền đức tin, và do vậy, chính Chúa Giêsu đã kêu gọi họ để loan báo Tin mừng. Điều này đã diễn ra nơi người phụ nữ Samari, người mà Chúa Giêsu đã gặp gỡ tại “giếng ông Giacóp” và chọn lựa cô trước tiên cho việc loan truyền đức tin mới vào lãnh thổ ngoài dân Do Thái. Tác giả Tin Mừng lưu ý rằng, sau khi đích thân bày tỏ niềm tin của mình vào Chúa Kitô, người phụ nữ Samari đã vội vã chia sẻ niềm tin ấy với những người khác, một cách nhiệt tình cùng với sự chân thành, thúc giục đón nhận đức tin: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?” (Ga 4,29). Người phụ nữ Samari khiêm tốn đặt ra một câu hỏi và mời gọi dân làng của cô đến với Chúa Giêsu, với sự khiêm tốn chân thành kèm theo lời tường thuật về cuộc khám phá kỳ diệu của cô.

Trong cách ứng xử của cô, chúng ta cũng có thể thoáng thấy những nét đặc trưng của hoạt động tông đồ nơi người nữ trong thời đại chúng ta: khởi đầu ​​khiêm tốn, tôn trọng người nghe chứ không tìm cách áp đặt một lối nhìn, việc mời gọi lặp lại cảm nghiệm như là một con đường đạt đến cùng một xác tín bản thân về đức tin.

Truyền thông đức tin trong gia đình

5. Cần nêu bật rằng, trong gia đình, phụ nữ có cơ hội và trách nhiệm truyền đạt đức tin trong việc giáo dục tiên khởi cho con cái. Cách riêng họ hân hạnh có trách nhiệm dẫn dắt chúng khám phá thế giới siêu nhiên. Sự hiệp thông sâu sắc giữa người mẹ với con cái, cho phép họ hướng dẫn chúng đến với Chúa Kitô cách hiệu quả.

Tuy nhiên, đối với phụ nữ, nhiệm vụ thông truyền đức tin này không chỉ dừng lại ở trong gia đình, nhưng như chúng ta đọc thấy trong Tông huấn Christifideles Laici, “trong những phạm vi khác nhau của môi trường giáo dục, hay theo nghĩa tổng quan hơn, ở bất cứ nơi đâu có liên quan đến việc tiếp nhận, tìm hiểu và thông truyền Lời Chúa, kể cả bằng việc nghiên cứu, học hỏi và giảng dạy thần học” (số 51). Đây là tất cả những dấu chỉ cho thấy vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực giáo lý, ngày nay đã lan rộng ra các lĩnh vực rộng lớn và đa dạng, mà không thể lường được cách đây không bao lâu.

Những đức tinh của phu nữ trong việc truyền thông đức tin

6. Người phụ nữ có một trái tim thấu suốt, nhạy bén và đồng cảm, cho phép họ tiếp cận với công tác bác ái theo một nét tinh tế và cụ thể. Chúng ta biết rằng, trong Giáo hội luôn có nhiều người nữ -tu sĩ lẫn giáo dân, các bà mẹ trong gia đình hay còn độc thân- tận tâm xoa dịu nỗi khổ của con người. Họ đã viết nên một trang sử hào hùng trong việc chăm sóc người nghèo, bệnh tật, đau yếu, tàn tật và tất cả những người trong quá khứ và hiện tại thường xuyên bị xã hội loại bỏ hay khước từ. Có bao nhiêu danh tánh được gợi lên từ con tim đến đôi môi mỗi khi chỉ nhắc nhớ những khuôn mặt anh hùng của bác ái, được thi hành cách khéo léo với kỹ năng hoàn toàn nữ tính, trong gia đình và các tổ chức, đối với các trường hợp đau yếu thể lý hoặc những người nạn nhân của những cảnh xao xuyến, áp bức hoặc bóc lột. Chắc chắn Thiên Chúa thấu nhìn tất cả những tấm gương ấy, và Giáo hội cũng mang trong mình những danh tính và mẫu gương sống động của các đại biểu cao quý của đức bác ái cao quý, và đôi khi cũng đã ghi họ vào sổ bộ các thánh.

7. Cuối cùng, một lĩnh vực tông đồ quan trọng của phụ nữ trong Giáo hội là công tác linh hoạt phụng vụ. Sự tham gia vào các buổi cử hành của các phụ nữ thường đông hơn là nam giới, cho thấy sự dấn thân về đức tin, nhạy cảm về tâm linh, sự cuốn hút đối với lòng đạo đức và sự gắn bó trong việc cầu nguyện phụng vụ và Bí tích Thánh Thể.

Trong việc hợp tác của phụ nữ với linh mục và các tín hữu khác vào buổi cử hành Thánh Thể, chúng ta thấy phản chiếu hình ảnh sự hợp tác của Đức Trinh Nữ Maria với Chúa Kitô trong việc Nhập thể và Cứu Chuộc. Ecce ancilla Domini: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Đức Maria là hình mẫu của người nữ Kitô hữu trong tinh thần và hành động, loan truyền khắp thế giới mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc.

Trong Giáo hội, Chúa Giêsu đã giao phó việc tiếp tục công trình cứu chuộc của mình cho nhóm Mười Hai và những người cộng tác và kế nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh họ, Chúa Giêsu cũng muốn sự hợp tác của người nữ, cũng giống như đã kết nạp Đức Maria vào trong công trình của Người. Cụ thể hơn, Chúa Giêsu đã bày tỏ ý định này bằng cách chọn chị Maria Mađalêna làm sứ giả đầu tiên loan truyền sự phục sinh của Người cho các tông đồ. Đó là một sự cộng tác đã xuất hiện ngay từ lúc khởi đầu cuộc loan báo Tin mừng. Điều này được lặp đi lặp lại muôn ngàn lần từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, tựa như hoạt động giáo dục và học hiệu, hoặc tham gia vào hoạt động tông đồ văn hóa, hoặc bác ái xã hội, hoặc cộng tác tại các giáo xứ, giáo phận và các tổ chức Công giáo khác. Dù thế nào đi nữa, sứ vụ của phụ nữ đã được soi sáng nhờ ánh quang của “Người nữ tì Thiên Chúa” (Ancilla Domini) và của các phụ nữ khác được Tin mừng ghi lại. Cho dù cả khi nhiều người vẫn chưa được biết đến, nhưng không ai bị Chúa Kitô lãng quên. Khi đề cập đến bà Maria Bêtania đã đổ dầu thơm lên đầu mình, Chúa Giêsu nói: “Đâu mà Tin mừng được rao giảng, khắp cả thế giới, thì người ta sẽ nhắc tới điều mà cô đã làm…” (x. Mt 26,13).