Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 97: VIỆC TÔNG ĐỒ TRONG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Administrator
2020-07-09 00:51 UTC+7 23
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 97: VIỆC TÔNG ĐỒ TRONG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH Cuộc sống hôn nhân như một con đường thánh thiện là chủ đề của bài giáo lý ngày 03 tháng 08. Trung thành với mối quan hệ trong hôn nhân và sự quảng đại trong việc sinh […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 97: VIỆC TÔNG ĐỒ TRONG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Cuộc sống hôn nhân như một con đường thánh thiện là chủ đề của bài giáo lý ngày 03 tháng 08. Trung thành với mối quan hệ trong hôn nhân và sự quảng đại trong việc sinh sản và nuôi dưỡng con cái là hai khía cạnh thiết yếu của sự thánh thiện này, và đối với cặp vợ chồng Kitô hữu, ân sủng của Thiên Chúa qua Bí tích Hôn nhân giúp củng cố và làm mới tình yêu của họ.

1. Chúng tôi đã nhấn mạnh đến vai trò của người nữ trong Giáo hội. Và rõ ràng, nhiệm vụ của người nam cũng quan trọng không kém. Giáo hội cần sự cộng tác của cả hai để thực hiện sứ vụ của mình. Bối cảnh nền tảng của sự cộng tác này thể hiện nơi đời sống hôn nhân, gia đình , là “biểu hiện tiên khởi, nguyên thủy của chiều kích xã hội của con người” (CL 40).

Sự thánh thiện của hôn nhân Kitô giáo: dấu chỉ của tình yêu Đức Kitô đối với Giáo hội

Công đồng Vaticanô II, khi nhìn nhận “một sự thánh thiện duy nhất trong những lối sống và chức vụ khác biệt”, đã trưng dẫn cụ thể đời sống hôn nhân như là đường nên thánh: “Còn bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ đạo lý Kitô giáo và các nhân đức của Tin Mừng. Nhờ thế, họ nêu mẫu gương cho mọi người về mặt tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng tình bác ái huynh đệ, nên chứng tá và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo hội, Mẹ của chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu mà Chúa Kitô dành cho Hiền Thê: Người đã yêu thương và đã hiến mạng sống vì Hiền Thê” (LG 41).

Do đó, con đường của vợ chồng và gia đình có hai khía cạnh thiết yếu: thánh hóa trong sự kết hợp của tình yêu chung thủy, và thánh hóa trong sự sinh sản, bằng cách chu toàn nhiệm vụ nuôi dạy con cái nên người Kitô hữu.

Hôm nay chúng tôi muốn suy tư đường nên thánh của các Kitô hữu lập gia đình, và do đó của đa số các tín hữu. Đây là một con đường quan trọng, nhưng ngày nay đã bị lung lay do ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa khoái lạc lan tràn khắp xã hội.

2. Chúng ta hãy trở lại với khẳng định đẹp đẽ của Công đồng theo đó, đời sống hôn nhân là đường nên thánh, bởi vì nhắm trở nên một “dấu chỉ và thông phần vào tình yêu mà Chúa Kitô dành cho Hiền Thê: Người đã yêu thương và đã hiến mạng sống vì Hiền Thê”.

Dưới nhãn giới Giáo-hội-học, tình yêu của Chúa Kitô là nguồn mạch và nền tảng của tình yêu kết hợp vợ chồng. Cần nhấn mạnh rằng đây là tình yêu vợ chồng đúng nghĩa, chứ không phải là một xung lực theo bản năng. Ngày nay, tính dục thường được đề cao đến mức che khuất bản chất sâu xa của tình yêu. Đành rằng đời sống tính dục cũng có giá trị đích thực của riêng nó và không được phép hạ giá, nhưng đó chỉ là một giá trị có giới hạn và không đủ thiết lập việc kết hợp hôn nhân, mà bản chất dựa trên sự cam kết giữa hai cá vị với nhau. Tất cả mọi học thuyết lành mạnh về tâm lý học và triết học về tình yêu đều tán đồng tư tưởng này. Đạo lý Kitô giáo cũng nhấn mạnh đến các đặc tính của tình yêu liên cá vị và chiếu vào đó một luồng sáng cao hơn, qua việc nâng cao tình yêu này -nhờ hiệu lực Bí tích – đến tầm mức ân sủng và chia sẻ trong tình yêu thần linh của Chúa Kitô. Theo nghĩa này, thánh Phaolô nói về hôn nhân: “Mầu nhiệm này thật là cao cả” (Ep5,32), liên quan đến Chúa Kitô và Giáo hội. Đối với người Kitô hữu, mầu nhiệm thần học này là cội rễ của đời sống luân lý hôn nhân, tình yêu vợ chồng và đời sống tính dục: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (Ep 5,25).

Ân sủng và mối dây bí tích cho phép đời sống vợ chồng là một con đường nên thánh cho các đôi vợ chồng Kitô hữu, vì là dấu chỉ và thông dự vào tình yêu của Đức Kitô Lang quân và, đồng thời, đối với Giáo hội, nó cũng là một động lực hữu hiệu để tăng cường cho tình yêu hiệp thông là nét đặc trưng của mình. Công đồng khẳng định rằng, các cặp vợ chồng “xây dựng tình bác ái huynh đệ” (LG 41).

3. Công đồng tuyên bố và giải thích những đòi buộc về tình yêu cao cả này đối với các cặp vợ chồng Kitô giáo. Khi khẳng định rằng họ phải trợ giúp nhau, tức là Công đồng nhấn mạnh bản chất vị tha của tình yêu của họ, một tình yêu tìm thấy biểu hiện cụ thể trong việc tương trợ lẫn nhau qua sự tận tâm và bao dung. Khi nói đến “một tình yêu chung thủy suốt đời:, Công đồng lưu ý đến tính chung thủy như là một cam kết dựa trên lòng trung tín tuyệt đối của Đức Kitô –Đức Lang Quân. Việc nhắc nhở sự cam kết này, vốn luôn luôn cần thiết, lại càng cấp bách hơn bao giờ hết đứng trước một trong những tệ nạn lớn của xã hội đương đại, đó là sự lan tràn của việc ly hôn, với những hậu quả trầm trọng đối với đôi vợ chồng và với con cái của họ. Khi ly hôn, vợ chồng gây ra vết thương sâu đậm cho nhau, vì đã không giữ lời cam kết và phá vỡ một mối tương quan sống còn. Đồng thời, họ còn làm tổn hại đến con cái. Có biết bao trẻ em phải chịu đựng cảnh chia tay của người cha hay người mẹ! Phải nhắc đi nhắc lại với mọi người rằng, bằng tình yêu tuyệt đối trung tín của mình, Chúa Giêsu Kitô tặng ban cho các đôi vợ chồng Kitô hữu sức mạnh của lòng chung thủy và cho phép họ chống lại cơm cám dỗ phân ly, mà ngày nay đang lan tràn và quyến rũ họ.

Tình yêu hôn nhân cộng tác vào công cuộc cứu chuộc

4. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, bởi vì tình yêu của Đức Kitô -Lang quân dành cho Giáo hội là một tình yêu cứu chuộc, cho nên tình yêu của đôi bạn Kitô hữu cũng trở nên một sự cộng tác tích cực vào công cuộc cứu chuộc.

Sự cứu chuộc được gắn với mầu nhiệm Thập giá. Điều này giúp chúng ta hiểu và trân trọng ý nghĩa của những thử thách mà đời sống vợ chồng không thể tránh được, nhưng trong kế hoạch của Thiên Chúa, chúng có giá trị củng cố tình yêu và mang lại hoa trái phong phú cho cuộc sống hôn nhân. Chúa Giêsu Kitô không hề hứa hẹn cho các môn đệ một thiên đường giữa trần gian, nhưng đã cung cấp cho họ cơ hội và ơn gọi để cùng Người trải qua một hành trình nhiều khó khăn và đau khổ; chính Người tăng cường sự kết hợp của họ và dẫn đến một niềm vui lớn hơn, như được chứng minh bằng kinh nghiệm tốt đẹp của rất nhiều cặp vợ chồng Kitô hữu, kể cả vào thời đại chúng ta.

5. Như chúng tôi đã nhận xét khi nói đến thiên chức làm mẹ, việc chu toàn nhiệm vụ sinh sản góp phần vào việc thánh hóa đời sống hôn nhân. Tình yêu của đôi vợ chồng không khép kín trong chính mình, nhưng do sự thúc đẩy và luật của tự nhiên nó mở ra với những sự sống mới, và nhờ ơn Chúa giúp đỡ, nó trở thành việc thực thi đức ái thánh thiện và thánh hóa, nhờ đó vợ chồng góp phần vào sự tăng trưởng của Giáo hội.

Nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ

Điều tương tự cũng diễn ra trong việc chu toàn nhiệm vụ giáo dục, là một nghĩa vụ gắn liền với việc sinh sản. Như Công đồng Vaticanô II đã nói, các cặp vợ chồng Kitô giáo “đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ đạo lý Kitô giáo và các nhân đức của Tin Mừng” (LG 41). Đó là hoạt động tông đồ thiết yếu nhất trong phạm vi gia đình. Công việc đào tạo tâm linh và luân lý cho con cái cũng giúp thánh hóa cha mẹ, bởi vì chính họ được cơ hội đổi mời và đáo sâu đức tin, như kinh nghiệm của các gia đình Kitô giáo thường cho thấy.

Một lần nữa chúng ta có thể kết luận rằng, đời sống hôn nhân là một con đường nên thánh và làm tông đồ. Do đó, giáo lý này giúp nâng cao ý thức của chúng ta về gia đình, trong năm nay được dành làm Năm của Gia đình đối với Giáo hội cũng như đối với thế giới.