Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 98: GIÁO HỘI VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐƠN ĐỘC

Administrator
2020-07-10 00:01 UTC+7 27
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 98: GIÁO HỘI VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐƠN ĐỘC Sau khi đã đề cập đến sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân trong bài trước, lần này Đức Thánh Cha suy tư về hoàn cảnh của những người đơn độc: góa vợ hay góa chồng, độc thân, […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 98: GIÁO HỘI VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐƠN ĐỘC

Sau khi đã đề cập đến sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân trong bài trước, lần này Đức Thánh Cha suy tư về hoàn cảnh của những người đơn độc: góa vợ hay góa chồng, độc thân, ly thân và ly dị; những người mẹ ngoài hôn nhân.

1. Từ buổi đầu của truyền thống Kitô giáo, người ta đã chú ý đặc biệt đến những người phụ nữ, sau khi chồng qua đời, phải sống trong cảnh đơn chiếc và thường rơi vào cảnh túng quẫn và không được bảo vệ. Trong Cựu Ước, các góa phụ thường được nhắc đến vì tình cảnh cơ cực của họ, và cần được quan tâm trong tình liên đới của cộng đoàn và cụ thể là nơi những người có trách nhiệm theo lề luật (x. Xh 22,21; Đnl 10,18; 24,17; 26,12; 27,19).

Những quả phụ trong Tân ước và Hội thánh nguyên thủy

Các sách Tin Mừng, Công vụ Tông đồ và các Thư luôn dành một tinh thần bác ái đối với các góa phụ. Chúa Giêsu nhiều lần chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với họ. Chẳng hạn, Ngài công khai ca ngợi sự dâng cúng của một góa phụ nghèo cho Đền thờ (x. Lc 21,3; Mc 12,43); Người xúc động khi thấy bà góa thành Nain trước đám tang của đứa con trai đã chết. Người đến gần bà và nói nhẹ nhàng: “Đừng khóc nữa”, và trả lại cho bà người con trai được cho sống lại (x. Lc 7,11-15). Tin Mừng cũng nhắc nhở chúng ta lời của Chúa Giêsu nói về việc “luôn luôn cầu nguyện, và cầu nguyện không mệt mỏi”, dẫn chứng từ người góa phụ đạt được công lý từ vị thẩm phán bất lương nhờ vào sự kiên trì của bà (Lc 18,5); và những lời của Chúa Giêsu nghiêm khắc khiển trách các Kinh sư đã “nuốt hết tài sản của các bà góa”, nhưng lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ (x. Mc 12,40; Lc 20,47).

Thái độ của Chúa Kitô, kiện toàn tinh thần tinh túy của giao ước cũ, trở thành cội rễ của những lời khuyên mục vụ của thánh Phaolô và thánh Giacôbê liên quan đến việc trợ giúp tinh thần và bác ái cho các góa phụ: “Anh hãy kính trọng các bà góa” (1 Tm 5,3); “Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân…” (Gc 1,27).

2. Tuy nhiên, trong các cộng đoàn Kitô giáo, vị trí của góa phụ không chỉ là những người cần trợ giúp, nhưng họ họ cũng có một vai trò tích cực, tựa như một sự tham gia đặc thù vào ơn gọi phổ quát của các môn đệ Chúa Kitô trong đời sống cầu nguyện.

Thư thứ nhất gửi ông Timôthê cho thấy rằng một nghĩa vụ cơ bản được trao phó cho các góa phụ là “ngày đêm kiên trì đọc kinh cầu nguyện” (5,5). Tin Mừng thánh Luca giới thiệu một mô mẫu về vị thánh góa phụ nơi bà “Anna, con gái của Pơnuên”, trở thành góa bụa chỉ “sau bảy năm chung sống”. Tin Mừng nói rằng bà “không rời bỏ Đền thờ, phụng sự Thiên Chúa ngày đêm bằng việc ăn chay cầu nguyện” (Lc 2,36-37). Bà đã được hưởng niềm vui lớn lao trong Đền thờ, khi Hài nhi Giêsu được tiến dâng. Trong cơn buồn sầu, các góa phụ có thể và cần cậy dựa vào những ân sủng quý giá của đời sống tâm linh, mà họ được kêu mời đáp trả cách quảng đại.

3. Trong khung cảnh mục vụ và tâm linh của cộng đoàn Kitô hữu, cũng có một “danh sách” để một góa phụ được đăng ký vào sổ các bà goá. Dựa vào những lời trong Thư được trích ở trên, bà ấy phải “ít nhất sáu mươi tuổi [nói cách khác là người lớn tuổi], chỉ có một đời chồng, được chứng nhận là đã làm việc thiện: nghĩa là đã nuôi nấng dạy dỗ con cái, đã tỏ ra hiếu khách, đã rửa chân cho các người trong dân thánh [một nghi thức cổ xưa bày tỏ lòng hiếu khách, được du nhập vào Kitô giáo], giúp đỡ người gặp gian truân, siêng năng làm mọi việc lành….“ (1 Tm 5,9-10).

Trong tất cả những điều này, Giáo hội tiên khởi đã đưa ra một minh chứng về tình liên đới bác ái (x. Cv 6,1), mà chúng ta vẫn còn gặp thấy trong nhiều thời kỳ khác của lịch sử Kitô giáo, nhất là khi, vì những lý do xã hội, chính trị, chiến tranh và dịch bệnh, v.v., hiện tượng góa bụa hoặc các hình thức khác của đời sống đơn độc đạt đến những con số đáng sợ. Lòng bác ái của Giáo hội không thể nào làm ngơ.

Hoàn cảnh những người đơn độc trong xã hội ngày nay

Ngày nay, có nhiều hoàn cảnh những người đơn độc mà Giáo hội cần thể hiện sự nhạy bén và quan tâm. Trước hết, là những người “ly thân” và “ly dị”, là các tín hữu mà tôi dành chú ý cách đặc biệt trong Tông huấn Familiaris Consortio (x. số 83). Sau đó, là những “bà mẹ không chồng”, phải đối diện nhiều khó khăn đặc biệt về mặt luân lý, kinh tế và xã hội. Tôi muốn nói với tất cả những người này rằng, cho dù trách nhiệm cá nhân trong hoàn cảnh bi đát hiện tại thế nào đi nữa, họ vẫn tiếp tục là thành phần của Giáo hội. Các mục tử chia sẻ những thử thách của họ, không bỏ rơi họ một mình, nhưng muốn làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ, an ủi họ, và khiến họ cảm thấy mình vẫn còn gắn bó với đàn chiên của Chúa Kitô.

Ngay cả khi không thể cho phép các thực hành trái ngược với đòi hỏi của chân lý và thiện ích chung của gia đình và xã hội, nhưng Giáo hội cũng không bao giờ ngừng thương xót, thấu hiểu và gần gũi với tất cả những tín hữu đang gặp khó khăn. Giáo hội cảm thấy đặc biệt gần gũi với những người đã rơi vào cảnh tan vỡ hôn nhân nhưng vẫn kiên trì trung thành, và khước từ bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, và dành hết tâm sức để nuôi dạy con cái. Họ xứng đáng nhận được sự ủng hộ và khuyến khích từ mọi người. Giáo hội và Đức Giáo hoàng phải ca ngợi vì chứng tá tốt đẹp của họ về sự kiên định Kitô giáo, sống hào hùng giữa cơn thử thách.

4. Tuy nhiên, bởi vì bài giáo lý này (cũng giống với các bài khác trong loạt dành để bàn về hoạt động tông đồ giáo dân trong Giáo hội), một lần nữa tôi muốn nói tới số đông những người đơn độc, đặc biệt là người góa chồng và góa vợ, vì không bận bịu với các nghĩa vụ trong gia đình, nên sẵn sàng tình nguyện dấn thân vào các hoạt động Kitô giáo tại các giáo xứ hoặc trong các dự án lớn lao. Vì thế, cuộc đời của họ được hướng vào việc tham gia vào đời sống Giáo hội, như một thành quả của tình yêu cao cấp hơn. Như thế, Giáo hội và thế giới được hưởng lợi do sự cống hiến rộng lượng của những người tìm thấy một phương thức thể hiện cuộc đời một cách cao cả hơn qua việc phục vụ tha nhân.

5. Đến đây, chúng tôi xin tạm kết bằng việc lặp lại những điều đã đọc ở Công đồng Vaticanô II, đó là mẫu gương của bác ái không chỉ tìm thấy nơi những đối vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, mà còn nơi “những người góa bụa và độc thân, vì họ cũng có thể góp phần không nhỏ vào sự thánh thiện và nỗ lực hoạt động trong Giáo hội” (LG 41). Dù nguồn gốc của lối sống của họ thế nào đi nữa, nhiều người vẫn có thể nhận ra kế hoạch cao vời của Thiên Chúa Cao minh hướng dẫn cuộc đời của họ và giúp họ nên thánh trên con đường Thập Giá; trong hoàn cảnh của họ, Thập Giá tỏ lộ sự phong phú đặc biệt.