Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 11

Administrator
2019-11-11 00:44 UTC+7 22
BÀI 11: HỘI THÁNH SỐNG TRONG TÌNH YÊU CỦA BA NGÔI Hội Thánh phổ quát xuất hiện như đoàn dân được hiệp nhất từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống trong tình yêu của mầu nhiệm này. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 9 tháng Mười, Đức […]

BÀI 11: HỘI THÁNH SỐNG TRONG TÌNH YÊU CỦA BA NGÔI

Hội Thánh phổ quát xuất hiện như đoàn dân được hiệp nhất từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống trong tình yêu của mầu nhiệm này.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 9 tháng Mười, Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh. Trong bài thứ 11 này, ngài bàn về tương quan giữa Hội Thánh và mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh. 

1. Công đồng Vatican II tóm kết phần trình bày đầu tiên về Hội Thánh trong hiến chế Lumen gentium bằng một câu ngắn gọn và sâu sắc, được lấy lại của thánh Cyprianô: “Hội Thánh phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần’” (LG, 4). Vì thế, theo Công đồng, Hội Thánh tự bản tính là mầu nhiệm đức tin, được kết hiệp mật thiết với mầu nhiệm Ba Ngôi cao cả. Bây giờ, chúng ta phải chuyển hướng suy tư sang mầu nhiệm này trong mầu nhiệm kia, như các bài giáo lý trước đây về Hội Thánh trong giáo huấn của Đức Giêsu và trong cuộc vượt qua (opus paschale) mà Người đã hoàn tất nhờ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh, và được tôn vinh vào ngày lễ Ngũ Tuần với biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ. Tiếp nối truyền thống, công đồng Vatican II dạy rằng: mầu nhiệm Hội Thánh cắm rễ sâu trong Thiên Chúa Ba Ngôi, và vì thế, mang chiều kích Ba Ngôi như là chiều kích tiên quyết và nền tảng của mình, vì Hội Thánh phải lệ thuộc vào và sống trong Ba Ngôi từ khởi đầu cho đến cuối lịch sử và trong đích đến vĩnh cửu của mình. (x. St Cyprian, De oratione dominica, 23:PL 4, 553).

2. Quan điểm Ba Ngôi về Hội Thánh này được Đức Giêsu mạc khải trong lời cuối với các Tông đồ trước khi về với Chúa Cha: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Vốn được mời gọi hiệp nhất trong cùng một đức tin, “muôn dân” được ghi dấu bằng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Họ được mời gọi đến với Phép Rửa, nghĩa là được đưa vào trong sự sống thần linh của Ba Ngôi chí thánh, nhờ Hội Thánh của các Tông đồ và những người kế vị là nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất các tín hữu.

3. Quan điểm Ba Ngôi được Đức Giêsu chỉ ra khi sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới. Thánh Phaolô đã diễn tả quan điểm này trong lời chào cộng đoàn Côrintô: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2Cr 13,13). Đây cũng là lời chào mà vị chủ tế gửi đến cộng đoàn trong phụng vụ thánh lễ đã được canh tân sau công đồng Vatincan II. Lời này cầu chúc mọi Kitô hữu được chung phần vào các ân điển vốn được quy cho Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần: tình yêu của Chúa Cha – Đấng Tạo Dựng, ân sủng của Chúa Con – Đấng Cứu Chuộc, sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần là mối dây tình yêu liên kết trong Ba Ngôi mà Hội Thánh được thông phần.

4. Quan điểm Ba Ngôi lại được tìm thấy trong một thư quan trọng khác của thánh Phaolô theo cái nhìn từ sứ vụ của Hội Thánh: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cr 12,4-6). Rõ ràng, sự hiệp nhất của Hội Thánh phản ánh sự hiệp nhất của Thiên Chúa; nhưng đồng thời, Hội Thánh cũng nhận được sức sống từ Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần, và phản ánh sức sống ấy qua sự phong phú trong đời sống của mình. Sự hiệp nhất này sản sinh muôn vàn dấu chỉ sự sống. Mầu nhiệm vương quyền của Thiên Chúa Ba Ngôi trải dài trên toàn bộ mầu nhiệm hiệp nhất phong phú của Hội Thánh.

5. Trong sự sống của Hội Thánh, người ta có thể khám phá ra những suy tư về sự duy nhất và bộ ba thần linh. Ở nguồn mạch của sự sống này, người ta đặc biệt nhận ra tình yêu của Chúa Cha, Đấng khởi xướng, cả trong việc sáng tạo cũng như cứu chuộc, qua đó, Người quy tụ mọi cá nhân lại với nhau như con cái trong Con Một chí ái của Người. Vì thế, sự sống của Hội Thánh chính là sự sống của Đức Kitô, Đấng sống trong chúng ta, bởi đã cho chúng ta thông phần vào tương quan tử hệ của Người. Và sự thông phần này được Chúa Thánh Thần thực hiện khi làm cho chúng ta gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15), như Đức Kitô và cùng với Đức Kitô.

6. Trong tiếng kêu này, cái ý thức mới của con người về việc dự phần vào tương quan tử hệ của Con Thiên Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát ân sủng, tìm thấy một lối diễn đạt về nguồn gốc thần linh – và Ba Ngôi – của mình. Bằng ân sủng, Thần Khí thực hiện điều Đức Kitô đã hứa về việc Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong các nghĩa tử. Thực ra, lời hứa của Đức Giêsu “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23) đã được giải thích bởi một lời hứa trước đó: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,15-16). Thánh Phaolô cũng dạy chúng ta như thế, khi gọi các Kitô hữu là “đền thờ của Thiên Chúa” và giải thích đặc ân tuyệt vời này như sau: “Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cr 3,16; x. Rm 8,9; 1Cr 619; 2Cr 6,16).

Từ các bản văn trên, chúng ta học được một chân lý lớn lao: Trong Hội Thánh, mỗi người là một nơi cư ngụ của Thiên Chúa Ba Ngôi, và toàn thể Hội Thánh, gồm những người mà Ba Ngôi ngự trị, là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi.

7. Nguồn mạch cốt yếu cho sự hợp nhất của Hội Thánh cũng được tìm thấy nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Điều này được chỉ ra trong lời cầu nguyện “tư tế” của Đức Giêsu khi ở Phòng Trên: “… để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,21-23). Đây là nguồn mạch và cũng là khuôn mẫu của sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Đức Giêsu nói: để họ nên một, “như chúng ta là một”. Nhưng thành tựu của sự tương tự thần linh này lại nảy sinh trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi: “họ trong chúng ta”. Hội Thánh trung thành trong sự hiệp nhất mang tính Tam Vị này và sống trong chân lý và tình yêu của Cha, Con và Thánh Thần. Nguồn mạch cho mọi nỗ lực hiệp nhất các Kitô hữu trong sự duy nhất của Hội Thánh, vốn đã bị tổn thương trong chiều kích con người và lịch sử, luôn ở nơi Ba Ngôi duy nhất và không phân chia. Tại nền tảng đại kết này, chúng ta tìm thấy chân lý về sự hiệp nhất Hội Thánh, mà lời cầu nguyện tư tế của Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta, đó là từ nơi Thiên Chúa Ba Ngôi.

8. Sự thánh thiện của Hội Thánh – và mọi sự thánh thiện trong Hội Thánh – đều bắt nguồn từ sự thánh thiện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bước chuyển từ sự thánh thiện của Ba Ngôi sang sự thánh thiện của Hội Thánh diễn ra, trên hết, là trong cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa, như thấy rõ trong những lời truyền tin cho Đức Maria: “đứa trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh” (Lc 1,35). “Đấng Thánh” đó là Đức Kitô, Người Con đã tự thánh hiến chính mình nhờ hy tế của bản thân để thông truyền cho các môn đệ chính sự thánh hiến và thánh thiện của chính mình: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19). Được Chúa Cha tôn vinh nhờ sự thánh hiến đó (x. Ga 13,31; 17,1-2), Đức Kitô phục sinh trao ban Thánh Thần cho Hội Thánh (x. Ga 20,22; 7,39), chính Thánh Thần làm cho Hội Thánh nên thánh (x. 1Cr 6,11).

9. Tôi muốn kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng, sự duy nhất và thánh thiện của Hội Thánh được kêu gọi và được đặt vào thế giới như là mạc khải về tình yêu là Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu” như thánh Gioan viết (1Ga 4,8). Và nếu Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, thì sự sống, hiểu biết và tình yêu vô biên của mỗi Ngôi Vị thần linh là một thực tại Ba Ngôi siêu việt. Đúng hơn, “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Vì thế, Hội Thánh – “dân được sự hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần”, như thánh Cyprianô đã nói với chúng ta – là một “bí tích” của tình yêu Tam Vị. Mầu nhiệm thâm sâu nhất của Hội Thánh hệ tại ở tình yêu này.