Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 2

Administrator
2019-11-02 19:34 UTC+7 21
BÀI 2: LỜI MỜI GỌI CỦA ĐỨC KITÔ THIẾT LẬP HỘI THÁNH Hội Thánh là cuộc quy tụ thiên sai của Dân Thiên Chúa nhờ máu giao ước của Đức Kitô để sống đời sống mới của ơn thánh. Trở về sau kỳ nghỉ ngắn ngày ở vùng Val d’Austa, ở Tây Bắc Italia, Đức […]

BÀI 2: LỜI MỜI GỌI CỦA ĐỨC KITÔ THIẾT LẬP HỘI THÁNH

Hội Thánh là cuộc quy tụ thiên sai của Dân Thiên Chúa nhờ máu giao ước của Đức Kitô để sống đời sống mới của ơn thánh.

Trở về sau kỳ nghỉ ngắn ngày ở vùng Val d’Austa, ở Tây Bắc Italia, Đức thánh cha có buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ Bảy, 20 tháng Bảy. Trong bài nói chuyện này, Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về Hội Thánh đã bắt đầu từ tuần trước đó. Chủ đề hôm nay là sự liên tục giữa Dân Thiên Chúa trong Cựu Ước và Hội Thánh của Đức Kitô. Đức thánh cha nói bằng tiếng Ý.

1. Tiếp tục phần dẫn nhập Giáo hội học, trong bài giáo lý hôm nay, chúng tôi muốn phân tích ngắn gọn hạn từ “Hội Thánh”, vốn có nguồn gốc từ Tin Mừng và từ những từ ngữ mà Đức Kitô đã dùng. Theo cách này, chúng ta sẽ theo lối nghiên cứu cổ điển, mà bước đầu tiên là tìm hiểu ý nghĩa các thuật ngữ được dùng để nói về vấn đề. Với một tổ chức to lớn và cổ xưa như Hội Thánh mà chúng ta đang lưu tâm, thì việc quan trọng là tìm hiểu xem vị thiết lập Hội Thánh gọi thực thể này là gì, bởi lẽ, tên gọi hầu như diễn tả tư tưởng, kế hoạch và sáng kiến của vị này.

Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, Đức Giêsu đã tuyên bố thiết lập “Hội Thánh của Người” khi đáp lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (“Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” [Mt 16,18]). Đức Giêsu đã dùng một thuật ngữ phổ thông thời bấy giờ và đã được dùng trong nhiều bản văn Cựu Ước khác. Điều này cho phép chúng ta khám phá ý nghĩa về mặt ngữ học của nó. Câu này được diễn tả trong Tin Mừng Mátthêu bản Hy Lạp như sau: “mou tên ekklésian”. Từ ekklésia được dùng trong bản LXX để dịch từ qah’l trong tiếng Hípri, và đồng nghĩa với từ qahal’ trong tiếng Aram, và chắc hẳn Đức Giêsu đã dùng từ này trong câu trả lời với Simon Phêrô. Đây là điểm khởi đầu cho việc phân tích từ ngữ trong lời tuyên bố của Đức Giêsu.

2. Cả hai từ qah’l trong tiếng Hípri và ekklesia trong tiếng Hy Lạp đều có nghĩa là “sự quy tụ, cuộc hội họp”. Theo từ nguyên, ekklesía có liên quan đến động từ kalein có nghĩa là “kêu gọi”. Áp dụng vào câu nói trong bản LXX, từ này có nghĩa là “cuộc hội họp” (“được kêu gọi (đến) với nhau”), và trong Cựu Ước, từ này được dùng để chỉ về “cộng đồng” dân được tuyển chọn, đặc biệt trong sa mạc (x.Đnl 4,10; Cv 7,38).

Vào thời Đức Giêsu, từ này vẫn được sử dụng. Cụ thể, trong một bản văn của phái Qumran viết về cuộc chiến giữa những đứa con của bóng tối, từ qehál ‘El (“cuộc hội họp của thần linh”) được khắc cùng với những từ khác trên phù hiệu của quân đội (1QM 5,10). Đức Giêsu cũng sử dụng từ này để nói về cộng đồng thiên sai của Người, một nhóm người mới được quy tụ nhờ máu giao ước của Người. Giao ước này được loan báo trong Bữa tiệc ly (x.Mt 26,28).

3. Trong lối dùng từ của người Sêmit và Hy Lạp, đặc tính riêng của mỗi cuộc tụ họp là do ý muốn của người triệu tập và mục đích của người ấy. Ở Israel và trong các thành bang Hy Lạp cổ đại (paleis), có nhiều nhóm người được quy tụ, trong đó có cả người thế tục (chính quyền, quân đội hoặc nghề nghiệp), cũng như những người có tôn giáo và phụng tự.

Cựu Ước cũng đề cập đến nhiều hình thái hội họp khác nhau. Nhưng khi nói về cộng đồng dân được tuyển chọn, Cựu Ước nhấn mạnh đến bản chất tôn giáo và, thậm chí, tính thần quyền của dân ấy vốn được quy tụ với nhau nhờ lời tuyên bố thuộc về một Đấng là Thiên Chúa. Vì lý do này, toàn dân Israel được coi là qah’l của YHWH; và gọi họ như vậy là chính xác, bởi bì họ là “sở hữu riêng” của YHWH, và “được yêu mến hơn các dân khác” (Xh 19,5). Đây là một sự thuộc về hoàn toàn và là tương quan mật thiết với Thiên Chúa dựa trên nền tảng giao ước với Người và sự đón nhận Mười Lời được trao ban bởi những người trung gian giữa Thiên Chúa và Dân vào ngày được kêu gọi, mà Kinh Thánh nói đến là “ngày đại hội” (“yàm haqqah´l” [Đnl 9,10; 10,4]). Kinh nghiệm được thuộc về này trải dài suốt dòng lịch sử dân Israel và kéo dài mãi, cho dẫu sự phản bội lặp đi lặp lại và những cuộc khủng hoảng, thất bại tái diễn nhiều lần. Đó là một vấn nạn thần học chất chứa trong lịch sử mà các ngôn sứ đã kêu lên trong những lúc thất vọng, chẳng hạn như Isaia (đệ nhị) nói với dân Israel nhân danh Đức Chúa vào cuối thời lưu đày: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43,1). Đây là lời loan báo Thiên Chúa sẽ sớm can thiệp để giải phóng dân Người theo giao ước cũ.

4. Giao ước với Thiên Chúa, do chính Người chọn, đem lại cho toàn thể dân Israel một đặc tính tôn giáo và cho toàn thể lịch sử của họ một đích điểm siêu việt, cho dẫu dòng chảy của nó trải qua những lúc thăng trầm. Sự kiện này làm rõ từ ngữ mà Kinh Thánh gọi dân Israel là “đại hội của Đức Chúa” (“qehal Elohim”: x. Nkm 13,1; “qehal Yahweh”: x. Đnl 23,2-4.9). Đây là ý thức thường hằng về sự gần gũi dựa trên việc Thiên Chúa tuyển chọn dân Israel: “Các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Ta sẽ yêu thương các ngươi hơn mọi dân tộc. Với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,5-6).

Về bối cảnh của việc phân tích từ ngữ, cần phải nhắc lại rằng, đối với dân thời Cựu Ước, vì tuyệt đối kính trọng danh Thiên Chúa, nên “qehal Yahweh” được đọc là “qehal Adonai”, nghĩa là “Đại hội của Chúa”. Cũng vì thế, bản LXX dịch cụm này là “ekklesia Kyriou”, mà chúng ta ngày nay gọi là “Hội Thánh của Chúa”.

5. Cũng nên lưu ý rằng, các tác giả của bản Tân Ước tiếng Hy Lạp đã dựa theo bản dịch LXX, và điều này lý giải tại sao họ gọi Dân mới của Thiên Chúa (dân Israel mới) là “ekklesia”, cũng là chỉ về “Hội Thánh của Thiên Chúa”. Thánh Phaolô thường nói “Hội Thánh của Thiên Chúa” (x. 1Cr 1,2; 10,32; 15,9; 2Cr 1,1; Gl 1,13), hay “Các Hội Thánh của Thiên Chúa” (x. 1Cr 11,16; 1Tx 2,14; 2Tx 1,4). Bằng cách nói này, thánh nhân nhấn mạnh đến sự liên tục từ Cựu Ước sang Tân Ước, đến độ, gọi Hội Thánh của Đức Kitô là “dân Israel của Thiên Chúa” (Gl 16,6). Tuy nhiên, thánh Phaolô cũng có cách thức trình bày các đặc tính của Hội Thánh do Đức Kitô thiết lập: như khi nói về Hội Thánh “trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô” (1Tx1,1), hay “Hội Thánh của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (1Tx 2,14). Thậm chí, trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh nhân còn nói “các Hội Thánh của Đức Kitô (Rm 16,16) ở số nhiều, khi lưu tâm và chú ý đến các Hội Thánh địa phương ở Palestine, Tiểu Á và Hy Lạp.

6. Sự tiến triển về ngôn ngữ bảo đảm cho chúng ta rằng, trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, điều mới mẻ trong lời nói của Đức Kitô (“Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của thầy” (Mt 16,16)) dần dần trở nên rõ ràng hơn. Những lời tiên báo của ngôn sứ Isaia giờ đây đã được áp dụng cho Hội Thánh với một ý nghĩa mới sâu sắc hơn: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta” (Is 43,1). “Lời thiên triệu” này là công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể; Người đã thiết lập và xây dựng Hội Thánh của Người như là “lời triệu tập tất cả mọi người trong giao ước mới”. Người đã chọn một nền tảng hữu hình cho Hội Thánh và trao cho thánh Phêrô quyền cai quản Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh thuộc về Đức Giêsu và sẽ luôn là của Người. Đây là sự xác quyết của các công đồng Kitô giáo đầu tiên; đây là đức tin của các công đồng ấy vào Hội Thánh của Đức Kitô.

7. Như người ta có thể thấy, khởi đi từ việc phân tích từ ngữ và khái niệm từ các bản văn Tân Ước, chúng ta có những ý nghĩa về Hội Thánh. Ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể tổng hợp như sau: Hội Thánh là cộng đồng của các cá nhân, được thiết lập bởi Đức Kitô như là một “lời triệu tập” tất cả những ai được mời đến tham dự vào dân Israel mới để sống đời sống thần linh, theo các ân sủng và những đòi hỏi của giao ước được thiết lập nhờ hy tế thập giá. Lời triệu tập này đòi hỏi mỗi người và mọi người một sự đáp trả của đức tin và chung sức vì cộng đồng mới được thiết định bởi Đấng đã nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” (Ga 15,16). Đây là nguồn mạch cho động lực tự bản tính của Hội Thánh, vốn có một phạm vi hoạt động rộng lớn, bởi vì đó là lời mời gọi để thuộc về Đấng luôn ước muốn “quy tụ mọi sự trong Đức Kitô” (Ep 1,10).

8. Mục đích của lời triệu tập này là đưa dẫn vào trong sự thông hiệp thần linh (x. 1Ga 1,3). Bước đầu tiên để đạt được mục đích đó hệ tại ở việc lắng nghe Lời của Thiên Chúa mà Hội Thánh đã lãnh nhận, đọc và sống dưới ánh sáng từ trên cao như là quà tặng của Thánh Thần, theo lời hứa của Đức Kitô với các Tông đồ: “Thánh Thần mà Chúa Cha gửi đến nhân danh Thầy, Người sẽ dạy anh em mọi sự và làm cho anh em nhớ lại mọi điều thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Hội Thánh được kêu gọi và được sai đi để mang lời của Đức Kitô và ân ban của Thánh Thần cho mọi người: cho tất cả mọi người sẽ trở thành “dân Israel mới”, bắt đầu từ các trẻ nhỏ, mà Đức Giêsu đã nói: “Hãy để trẻ em đến với thầy” (Mt 19,14). Nhưng tất cả đều được gọi, người trẻ tuổi lẫn người cao niên; với những người trưởng thành, những người thuộc mọi tầng lớp, như thánh Phaolô dạy: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28).

9. Cuối cùng, mục đích của lời triệu tập này là đích điểm mang tính cánh chung, bởi lẽ dân mới hoàn toàn được quy hướng về cộng đoàn thiên quốc, như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi nhận biết và cho rằng: “Vì trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Hr 13,14). “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).

Việc phân tích tên gọi mà Đức Giêsu đã đặt cho Hội Thánh đưa chúng ta lên chóp đỉnh của siêu việt và siêu nhiên: mầu nhiệm cộng đoàn mới của Dân Thiên Chúa, mà theo mối dây của sự thông hiệp các thánh, bao gồm các tín hữu tại thế là những người bước theo Đức Kitô trên con đường Phúc Âm, những người đang thanh luyện nơi luyện ngục, và các thánh trên thiên đàng. Chúng ta sẽ bàn về những điểm này trong các bài giáo lý sau.