Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 5

Administrator
2019-11-05 19:41 UTC+7 23
BÀI 5: HỘI THÁNH TRONG CỰU ƯỚC Cựu Ước cho thấy niềm hy vọng ngày càng lớn mạnh của dân Israel về Vương quốc của Thiên Chúa. Vương quốc ấy được thành toàn nhờ sự xuất hiện của Đấng Mêsia là Đức Giêsu Kitô. Vào buổi tiếp kiến chung ngày 7 tháng Tám, Đức thánh […]

BÀI 5: HỘI THÁNH TRONG CỰU ƯỚC

Cựu Ước cho thấy niềm hy vọng ngày càng lớn mạnh của dân Israel về Vương quốc của Thiên Chúa. Vương quốc ấy được thành toàn nhờ sự xuất hiện của Đấng Mêsia là Đức Giêsu Kitô.

Vào buổi tiếp kiến chung ngày 7 tháng Tám, Đức thánh cha đưa ra bài giáo lý tiếp theo trong loạt bài về Hội Thánh. Trong bài nói chuyện này, ngài suy tư về cách thức Hội Thánh đã được tiên báo trong lịch sử Israel, một dân tộc mong đợi Vương quốc của Thiên Chúa. Đức thánh cha nói bằng tiếng Ý.

1. Mạc khải về kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa cho cộng đồng nhân loại hoàn vũ gồm những người được kêu gọi trong Đức Kitô để trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa đã khởi đầu từ trong Cựu Ước. Đây là giai đoạn đầu tiên của lời Thiên Chúa nói với nhân loại và là phần đầu của Sách Thánh dành cho chúng ta là các Kitô hữu. Vì thế, giáo lý về khởi nguyên lịch sử của Hội Thánh, trước hết, cần phải tìm hiểu những lời tiên báo về Dân tương lai của Thiên Chúa trong các quyển Sách thánh mà chúng ta có chung với những người Israel cổ đại. Công đồng Vatican II cho chúng ta thấy một dòng chảy khi nói rằng Hội Thánh, nơi mà Chúa Cha muốn quy tụ những người tin và Đức Kitô, “đã được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước” (LG, 2). Trong bài giáo lý này, chúng ta sẽ thấy kế hoạch vĩnh cửu của Chúa Cha được nhìn nhận như là mạc khải về “Vương quốc của Thiên Chúa” trong tương lai như thế nào. Vương quốc này sẽ đến trong thời thiên sai và thời cánh chung của nhiệm cục cứu độ.

2. Chúng ta đọc trong sách Thủ lãnh rằng: “Đức Chúa sẽ cai trị anh em” (Tl 8,23). Đây là lời mà ông Ghítôn, sau khi đánh thắng quân Mađian, đã nói với những người Israel đang sống ở vùng Sikhem đang muốn ông cai trị họ và thậm chí muốn xây dựng một triều đại (x. Tl 8,22). Lời từ chối trở thành vua Israel của ông Ghítôn có lẽ nên được xem xét trong tương quan với quan điểm chống quân chủ của một nhóm dân khác (x. 1Sm 8,4-20); nhưng đó vẫn là một lối diễn tả hùng hồn suy nghĩ của ông, và của phần lớn dân Israel về vương quyền độc nhất của Thiên Chúa: “Tôi sẽ không cai trị anh em, và con cháu tôi cũng sẽ không cai trị anh em. Đức Chúa sẽ cai trị anh em” (Tl 8,23).

Khuynh hướng kép này được thấy trong lịch sử Israel sau này, khi mà có những nhóm người muốn một vị vua theo nghĩa thế gian và chính trị. Sau nỗ lực của các con ông Ghítôn (x.Tl 9,1tt), chúng ta thấy trong sách Samuel quyển thứ nhất, các bô lão trong dân Israel yêu cầu vị thủ lãnh, lúc đó đã cao niên, “đặt một vị vua trên chúng tôi để xét xử chúng tôi” (1Sm 8,5); ông Samuel đã đặt các con ông làm thủ lãnh, nhưng họ đã lạm dụng quyền lực đã lãnh nhận (x.1Sm 8,1-3). Tuy nhiên, Samuel rất khó chịu vì ông nhận ra rằng: ẩn sâu trong yêu cầu của họ là nỗ lực tước bỏ vương quyền độc nhất của Thiên Chúa trên dân Israel. Vì thế, Samunel quay sang cầu nguyện để hỏi ý Thiên Chúa. Sách viết: “Đức Chúa đáp lời rằng: ‘Hãy đồng ý tất cả những điều dân yêu cầu. Không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua của chúng’” (1Sm 8,7). Đây có lẽ là một ví dụ khác về sự đối đầu giữa hai khuynh hướng – quân chủ và chống quân chủ – trong thời hình thành dân Israel như một dân tộc thống nhất và hợp thức hóa về mặt chính trị. Nhưng thật thú vị khi lưu tâm đến nỗ lực có đôi chút thành công của Samuel, lúc ông không còn là một thủ lãnh, nhưng lại đóng vai trò như một ngôn sứ trong việc hòa giải giữa một bên là đòi hỏi về một chế độ quân chủ thế tục với bên kia là vương quyền tuyệt đối của Thiên Chúa mà ít ra, có một số người trong dân đã lãng quên. Ông xức dầu cho các vua và trao họ cho Israel như dấu chỉ của quyền lực tôn giáo, bên cạnh quyền lực chính trị của họ. Đavít sẽ là vua, biểu trưng cho sự hòa giải giữa các khuynh hướng và vai trò; và vì uy tín cá nhân lớn lao của mình, thậm chí, ông trở thành đấng được xức dầu trổi vượt, là hình ảnh của Đấng Mêsia tương lai và Vua của dân mới là Đức Giêsu Kitô.

3. Tuy nhiên, người ta phải lưu ý đến sự giao thoa giữa hai chiều kích của vương quyền và sự cai trị: chiều kích thế tục và chính trị, chiều kích siêu việt và tôn giáo đã có trong Cựu Ước. Thiên Chúa của Israel là Vua theo nghĩa tôn giáo, ngay cả khi những người cai trị dân chúng nhân danh Thiên Chúa là những thủ lãnh chính trị. Ý tưởng về Thiên Chúa là Vua và là Chủ mọi sự, vì Người là Đấng Tạo Hóa, xuất hiện trong các sách lịch sử và ngôn sứ của bộ Kinh Thánh, cũng như trong các Thánh vịnh. Trong sách ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa được gọi là “Đức Vua, danh Người là Đức Chúa các đạo binh” ba lần (Gr 46,18; 48,15; 51,57); và một vài Thánh vịnh tuyên bố: “Đức Chúa là vua” (Tv 92 [93],1; 95 [96],10; 96 [97],1; 98 [99],1). Vương quyền siêu việt và phổ quát này lần đầu tiên được thể hiện trong giao ước với Israel, một hành vi xác lập căn tính riêng và độc đáo của dân Thiên Chúa chọn và lập giao ước. Đây là điều chúng ta đọc thấy trong sách Xuất hành: “Vậy, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các người sẽ là sở hữu riêng của ta, vì toàn cõi đất là của Ta. Với ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19, 5-6).

Việc được thuộc về Thiên Chúa như là dân đòi hỏi dân Israel vâng phục và yêu mến Người cách tuyệt đối: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực ngươi” (Đnl 6,5). Giới luật trước nhất và trên hết này diễn tả nguyên lý cấu thành thực sự của giao ước cũ. Vận mạng và ơn gọi của dân Israel được định nghĩa bằng giới luật này.

4. Dân Israel ý thức về sự kiện này và kinh nghiệm của họ với Thiên Chúa theo kiểu phục tùng vị Vua của mình. Thánh vịnh 47 viết: “Núi Sion … là thành của Đức Đại Vương” (Tv 47,3). Ngay cả khi Đức Chúa cho phép thiết lập ở Israel một vị vua và một triều đại theo nghĩa chính trị, Israel cũng biết rằng thể chế này vẫn có được đặc tính thần quyền. Được linh hứng, ngôn sứ Samuel đã chỉ định Saun làm vị vua đầu tiên (x. 1Sm 10,24), và kế đó là Đavít (x. 1Sm 16,12-13), mà từ ông phát sinh triều đại Đavít. Như chúng ta đã biết, từ các sách Cựu Ước, các vua của Israel, và cả Giuđa sau này, thường vi phạm các Giới Răn là những nguyên lý nền tảng của giao ước với Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã can thiệp chống lại những lỗi phạm này bằng những lời cảnh báo và trách móc họ. Lịch sử về những lần can thiệp này làm rõ những khác biệt và xung đột giữa vương quốc trần thế và theo nghĩa chính trị với những đòi hỏi của triều đại Thiên Chúa. Điều này giải thích tại sao: mặc dù Đức Chúa luôn trung tín giữ lời hứa với Đavít và dòng dõi ông (x. 2Sm 7,12), nhưng lịch sử cũng mô tả những âm mưu cai trị “vương quốc của Thiên Chúa do con cháu Đavít trị vì” (x. Sbn 13,8). Sự xung đột này tiếp tục làm rõ ý nghĩa thiên sai của lời hứa thần linh.

5. Thực ra, như là một phản ứng với nỗi thất vọng về những vị vua chính trị, trong dân Israel xuất hiện niềm mong ước về một vị vua thiên sai, một vị quốc chủ lý tưởng mà chúng ta đã đọc thấy trong sách các ngôn sứ, đặc biệt là Isaia, rằng: “Người sẽ mở rộng quyền bính và lập nền hòa bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực và công minh từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,6). Isaia không ngừng nói lời tiên báo về một vị quân vương như thế mà ông gọi là “Cố vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Cha muôn thuở, Thủ lãnh hòa bình” (9,5), và ông mô tả vương quốc của Người như là một thiên đường viên mãn ngay ở trần gian: “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, dải buộc bên sườn là đức tín thành. Bấy giờ, sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ … Sẽ không còn tác hại và tàn phá … vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (11, 5-6.9). Những hình ảnh ẩn dụ này nhằm nêu ra yếu tố chính yếu cho những lời tiên tri về vương quốc thiên sai: một giao ước mới Thiên Chúa sẽ lập với con người vì chính lợi ích và ơn cứu độ của họ.

6. Sau thời lưu đày và bị quân Babylon đô hộ, cái nhìn về vị vua “thiên sai” thậm chí còn rõ nét hơn ý nghĩa về vương quyền trực tiếp của Thiên Chúa. Như muốn vượt qua mọi thất vọng về các vị quân vương chính trị, niềm hy vọng của dân Israel mà các ngôn sứ đã nuôi dưỡng, hướng về một triều đại, trong đó chính Thiên Chúa sẽ là vua. Đó sẽ là một vương quốc phổ quát: “Đức Chúa sẽ là vua cai trị toàn cõi đất; ngày ấy, Đức Chúa sẽ là Đức Chúa duy nhất, và Danh Người là Danh duy nhất” (Dcr 14,9). Tuy nhiên, dù là phổ quát, vương quốc ấy sẽ vẫn gắn bó với Giêrusalem. Isaia tiên báo: “Đức Chúa các đạo binh sẽ hiển trị trên núi Sion và tại Giêrusalem” (Is 24,23). “Trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon” (Is 25,6). Cũng thế, ở đây, mọi người sẽ hiểu phép ẩn dụ về một niềm vui mới trong sự thành toàn của niềm hy vọng cổ xưa.

7. Chiều kích cánh chung của vương quốc Thiên Chúa ngày càng được nhấn mạnh khi thời của Đức Kitô đến gần. Đặc biệt, sách Đaniel nhấn mạnh đến thời đại tương lai trong các thị kiến mà ông mô tả. Chúng ta đọc thấy rằng: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,13-14).

Vì thế, theo sách Đaniel, vương quốc tương lai liên hệ mật thiết với Đấng được giới thiệu như là “con của loài người”; đây là nguồn gốc của tước hiệu mà Đức Giêsu sẽ quy gán cho mình. Đồng thời, Đaniel viết rằng “vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao” (Đn 7,27). Đoạn này gợi nhớ đến một đoạn khác trong sách Khôn ngoan: “Người công chính … sẽ xét xử muôn dân và thống trị muôn nước, và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời” (Kn 3,1.8).

8. Những lời này đều là những cái nhìn sơ qua về tương lai, thoáng thấy mầu nhiệm mà lịch sử giao ước cũ đang hướng đến, một lịch sử giờ đây, dường như, đã sẵn sàng cho Đấng Mêsia ngự đến, Đấng sẽ đưa nó đến chỗ thành toàn. Vượt quá những điều bí nhiệm, ước mơ và thị kiến, một “mầu nhiệm” ngày càng được mô tả rõ nét hơn. Mọi hy vọng đều hướng về mầu nhiệm này, ngay cả trong nhũng giờ phút đen tối của thất bại, bị đô hộ và lưu đày.

Điều làm khơi dậy mối bận tâm và niềm ngưỡng mộ của chúng ta nơi các bản văn này là niềm hy vọng về Vương quốc của Thiên Chúa ngày càng được làm sáng tỏ, và từ ngữ về sự trị vì trực tiếp của Thiên Chúa siêu việt được gạn lọc. Chúng ta biết rằng, Vương quốc này, vương quốc bao gồm Đấng Mêsia và vô số người tin vào Đấng ấy như lời tiên báo của các ngôn sứ, đã được hiện thực hóa bước đầu trên mặt đất này, dù chưa hoàn hảo trong chiều kích lịch sử của nó, nhưng vẫn tiếp tục hướng đến một sự thành toàn viên mãn và dứt khoát trong sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Hội Thánh của giao ước mới hướng về sự thành toàn cuối cùng này, và tất cả đều được mời gọi tham gia với tư cách là con cái Thiên Chúa, những kẻ thừa kế của Vương quốc và là những cộng tác viên của Hội Thánh mà Đức Kitô đã thiết lập để ứng nghiệm các lời ngôn sứ và các lời hứa xa xưa. Tất cả đều được mời gọi tham dự vào Vương quốc ấy vốn dành cho họ và, theo một nghĩa nào đó, được nhận ra nhờ họ. Vì thế, tất cả chúng ta được kêu gọi để xây dựng thân thể Đức Kitô (x. Ep 4,12). Đây là sứ vụ vĩ đại!