Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

CÁC SƯ MẪU TRÊN SA MẠC

Administrator
2022-05-16 00:23 UTC+7 32
Maria Sira Carrasquer Trích Thời sự Thần học, Số 89 (tháng 8 – 2020) Từ thế kỷ IV, đời sống đan tu bắt đầu phát triển trong Giáo hội. Vào lúc đầu, cơ cấu đời đan tu còn đơn giản. Các đan sĩ được hướng dẫn bởi các “sư phụ” (abba), những người từng trải […]

Maria Sira Carrasquer

Trích Thời sự Thần học, Số 89 (tháng 8 – 2020)

Từ thế kỷ IV, đời sống đan tu bắt đầu phát triển trong Giáo hội. Vào lúc đầu, cơ cấu đời đan tu còn đơn giản. Các đan sĩ được hướng dẫn bởi các “sư phụ” (abba), những người từng trải về đường nên thánh. Điều đáng ghi nhận là bên cạnh các “sư phụ”, còn có sự hiện diện của các “sư mẫu” (amma). Tác giả giới thiệu những khuôn mặt nổi bật, được phân thành ba nhóm theo địa lý: 1/ Các nữ đan sĩ đầu tiên. 2/ Các sư mẫu bên sa mạc Ai-cập. 3/ Các phụ nữ Rôma trụ trì bên thánh địa[1].

Lưu ý về từ ngữ. Trong bài này chúng ta gặp thấy những người trùng tên (đôi khi cũng có họ hàng với nhau), chẳng hạn như Macrina, Melania, Paula. Để phân biệt, các sử gia đặt tên là “Già / Trẻ” (Maior / Junior; The Elder / The Younger), nhưng chúng tôi dịch là “Tiền / Hậu), tương tự như hai thánh Giacôbê tông đồ.

I. Các nữ đan sĩ đầu tiên

Macrina Hậu, chị của các thánh tiến sĩ Cappađôxia

II. Các sư mẫu ở sa mạc Ai cập

A. Các amma nổi tiếng

Amma Synclética; Ammas Mara, Cirina và Domnina; Amma Sara; Amma Theodora; Amma Maria; Amma Isidora

B. Các amma hối nhân: Amma Thaís; Amma Maria Ai cập

III. Các bà mẹ gốc Rôma ở Palestina

A. Rôma và Giêrusalem: Marcella và Melania Tiền

B. Belem: Paula Tiền và Eustoquia; Paula Hậu; Melania Hậu

 —————

Trong những thế kỷ đầu tiên, danh xưng “cha tinh thần” (pater spiritualis: linh phụ) đã được áp dụng cho các vị mục tử là những người đã sinh ra các tín hữu trong đời sống thiêng liêng, nhờ lời giảng và các bí tích. Đến khi đời đan tu ra đời vào thế kỷ IV, đặc biệt tại các sa mạc Ai cập, danh xưng “sư phụ” (abba) cũng được áp dụng cho những bậc thầy từng trải trên đường tâm linh và được các môn sinh đến xin chỉ dẫn trên đường tiến đức. Họ được các học giả đặt tên là “sư phụ trên sa mạc” (pères du désert / desert fathers). Các lời giáo huấn của các vị được sưu tập thành những tuyển tập mang tên là Apophthegmata (thuật ngữ Hy-lạp, ghép bởi apo: do, bởi; và động từ phthegommai: nói) hoặc “paterikon” (verba seniorum: danh ngôn các sư phụ). Nguồn gốc của những câu nói này là những câu hỏi của một môn đệ với sư phụ hoặc là những câu đối thoại giữa các sư phụ với nhau. Trong văn hóa Việt Nam, hai tiếng “sư phụ” được ghép lại với nhau để tỏ lòng tôn kính những bậc thầy đã góp phần vào việc rèn luyện con người: họ là những người sinh ra ta về “tinh thần”, cũng như người cha sinh ra ta về thể chất. Trong văn chương Kitô giáo, thuật ngữ “patres spirituales” cũng hàm ngụ ý tưởng tương tự và còn thêm một ý nghĩa nữa: đó là những người có “đời sống tâm linh” dồi dào, những người đã được Thánh Linh nhào nặn.

Có điều là khi nói đến ẩn sĩ hoặc đan sĩ trên sa mạc, người ta thường chỉ nghĩ đến nam giới, bởi vì khó mường tượng sự hiện diện của các phụ nữ trên chốn đồng không mông quạnh. Tuy nhiên, gần đây, kể từ khi nữ giới tham gia vào việc nghiên cứu khoa học, người ta đã khám phá các nữ ẩn sĩ hoặc đan sĩ ngay lúc ban đầu đời sống đan tu. Tên tuổi của họ, tuy không nhiều, nhưng đã được nói tới trong các lịch sử đời tu trì[2] hoặc các bộ sưu tập các danh ngôn của các sư phụ. Nếu các “sư phụ” được gọi là abba thì các “sư mẫu” được gọi là amma. Họ là những người “mẹ tinh thần” không chỉ vì đã để lại những danh ngôn (meterikon) mà còn vì đã huấn luyện các người con tinh thần cả nam lẫn nữ. Thật là cảm động khi biết rằng nhiều sư phụ đã nhìn nhận rằng mình đã mắc nợ các bà mẹ ấy và đã viết tác phẩm để ghi nhớ ngàn đời.

Bài này giới thiệu các sư mẫu vào thế kỷ đầu của đời đan tu, được phân làm ba nhóm theo vùng địa lý:

– Nhóm thứ nhất sống tại Thổ nhĩ kỳ, gồm những người thuộc gia đình của các thánh Basiliô và Grêgoriô Nyssa.

– Nhóm thứ hai sống bên Ai cập, thuộc các cộng đoàn ẩn sĩ và đan sĩ khác nhau trên sa mạc hoặc tại các cộng đoàn thánh Pacômiô.

– Nhóm thứ ba, gồm các phụ nữ bắt đầu đời tu tại Rôma nhưng sau đó theo thánh Hiêrônimô sang Palestina và thành lập các đan viện tại Giêrusalem và Belem.

I. Những nữ đan sĩ đầu tiên ở Thỗ nhĩ kỳ: thánh Macrina Hậu (324-380)

Thánh Macrina Hậu được coi như là Amma (mẹ) đầu tiên của Sa mạc Thổ nhĩ kỳ (380). Bà là chị của hai thánh Basiliô và Grêgoriô Nyssa. Thánh Macrina là cháu của thánh Macrina Tiền (tử đạo vào thời vua Đioclêxiano tk. III), một môn sinh của thánh Grêgoriô Taumaturgô, đã từng phải trốn vào sa mạc cùng với chồng trong cuộc bách hại và qua đời năm 350.

Gia đình “các thánh” này cư ngụ ở Ponto, gần Biển Đen, sống đời đạm bạc mặc dù thuộc dòng quyền quý. Con dâu của bà Macrina Tiền (tên là Emelia, cũng là thánh) có 10 con, và con cả là thánh Macrina Thứ. Bà này được ơn biết hòa hợp giữa hoạt động và chiêm niệm. Bà giúp mẹ (thánh Emelia) trong việc giáo dục các em, trong số này có ba vị thánh Giám mục: Basiliô, Grêgoriô Nyssa và Phêrô Sêbastê. Thánh Grêgoriô Nyssa đã viết “Cuộc đời thánh Macrina[3] để tỏ lòng biết ơn một người chị đã trở thành “người mẹ thứ hai, can trường, khoan nhân và là thầy dạy của mình”.

Bà Macrina Thứ đã được thấm nhuần tinh thần của thân mẫu (Emelia) và sau khi người cha qua đời, bà đã thúc giục mẹ biến gia đình thành một đan viện, sống đời tu trì với các gia nhân, không phân biệt giai cấp. Khác với các đan sĩ ở Ai cập và các cộng đoàn của Pacômiô, các đan sĩ ở miền Capađoxia có học thức cao hơn và các cuộc khổ chế của họ cũng không khắc nghiệt như bên Syria. Có lẽ khung cảnh thiên nhiên phần nào ảnh hưởng đến nếp sống: sa mạc khô cằn bên Ai cập không thể nào sánh được với cảnh đẹp của bờ sông Iris, nơi tọa lạc các đan viện Thổ nhĩ kỳ.

Khi thánh Basiliô Cả khởi sự đời đan tu (356), thì đan viện của bà chị đã phát triển mạnh. Lời cầu nguyện của Macrina trước khi chết là: “Lạy Chúa, Chúa đã cất khỏi con nỗi lo sợ phải chết. Con biết là chúng con đã thành hình từ bùn và Chúa để cho trở về với đất. Nhưng sau đó, Chúa cho bùn này được mặc lấy sự bất tử.” Khi bà mất, các nữ tu đã khóc than: “Ngọn đèn sáng của chúng ta đã tắt…”. Đức Giám mục Araxios cùng với tất cả các linh mục đến dự lễ an táng bà Macrina (380). Giáo hội Đông phương mừng lễ kính vị thánh này vào ngày 19 tháng 7.

II. CÁC AMMAS BÊN SA MẠC AI CẬP

Mỗi khi nói đến đời đan tu Kitô giáo, người ta nghĩ ngay đến thánh Phaolo ẩn tu và thánh Antôn bên Ai cập. Thực ra nếp sống đan tu đã trải qua nhiều hình thức: ẩn tu, bán cộng đoàn, cộng đoàn. Hình thức cộng đoàn bên Ai-cập được tổ chức quy mô do thánh Pacômiô. Trong phần dành cho nữ giới, trước hết chúng tôi xin trình bày những người được biết đến vì đã để lại các “danh ngôn”; kế đó, chúng tôi cũng muốn nhắc đến các amma nổi tiếng vì là hối nhân.

A) Những amma nổi tiếng

1. Amma Synclética

Amma Synclética là sư mẫu sa mạc nổi tiếng nhất. Tiểu sử của bà được viết không lâu sau khi qua đời, và đây là cuốn “tiểu sử” thứ hai ra đời về các sư mẫu (sau thánh Macrina hậu (+380)[4].

Tên Syncletica có nghĩa là “cộng đoàn trên trời”. Nguyên quán tại Macedonia, bà đến sống tại thành phố Alexandria cùng với gia đình (1 chị và 2 anh). Sau khi cha mẹ qua đời, bà phân phát tài sản cho người nghèo, bỏ nhà lên sa mạc cùng với bà chị. Bà sống ẩn dật, nhưng không bao lâu có nhiều thiếu nữ tìm đến với bà, có người sống thành cộng đoàn với bà, có người sống một mình.

Khi các môn sinh hỏi bà về con đường cứu rỗi, bà thường trả lời: “Nếu các chị muốn học tập thì hãy đến tận Nguồn là Chúa Kitô”. Giáo huấn của bà xoay quanh lòng yêu mến, bởi vì, bà nói “mọi sự phát xuất từ đó và trở về đó”. Yêu mến có hai động tác: cho và nhận.

Bà qua đời khoảng năm 390, thọ 84 tuổi, sau một cơn bệnh mà bà đã vui vẻ đón nhận, và được kính như vị thánh trong lịch phụng vụ bên Đông cũng như bên Tây, ngày 5 tháng giêng. Bà để lại 27 apophthegmata (danh ngôn).

      – Ta có thể sống một mình giữa nhiều người và sống với nhiều người mà vẫn ở một mình.

      – Vào lúc bắt đầu đường đi tới Thiên Chúa, có nhiều điều khó khăn, nhưng sau đó, ta sẽ đạt được một niềm vui khôn tả.

      – Khi bạn gặp khó khăn, thì hãy vui lên bởi vì Chúa viếng thăm bạn và bạn đừng ngừng ca hát. Đời khổ hạnh nằm ở chỗ làm chủ mình trong lúc đau khổ và liên lỉ dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn.

      – Nếu các cửa sổ nhà bạn mở toang, thì trộm sẽ vào và lấy tất cả những gì bạn có (tác giả khuyên ta đừng nên “triển lãm” các nhân đức của mình).

      – Thái độ của bạn khi đối đầu với kẻ thù tùy thuộc vào sự tiến bộ của bạn trên đường nhân đức.

      – Nhờ sự chừng mực và sự phân định, bạn sẽ biết sự khổ hạnh của mình đến từ Thiên Chúa hay là từ tật kiêu ngạo của mình.

2. Các amma Mara, Cirina, Domnina

Các Ammas bắt đầu lên sa mạc năm 250, cách âm thầm cho nên không được nhiều người biết đến. Theodoreto Cyro trong cuốn Lịch sử các đan sĩ (444)[5] đã kể lại tiểu sử của ba người phụ nữ tên là Mara, Cirina, Domnina, bên cạnh 23 nam đan sĩ. Để đi theo Chúa Kitô, các bà này đã “khước từ” mọi sự:

– Khước từ mọi của cải trần thế, qua việc giữ đức khiết tịnh.

– Khước từ các nết xấu, tội lỗi, rối loạn của đời sống quá khứ, qua việc hoán cải.

– Khước từ các vật khoái cảm khiến cho con tim chai đá, hầu đạt được con tim trong trắng.

Theodoreto nói tiếp: sự khước từ này là cần thiết để đạt tới việc cầu nguyện liên lỉ, xây dựng trên tình yêu. Nhất là các ammas đã thực hành lời nguyện tình yêu.

Họ nói: “Ai yêu thì luôn nhớ đến Người Yêu, khám phá Lời của Người trong cô tịch và thinh lặng”; hoặc: “Thà sống với dân chúng mà ước mong sự cô tịch, thì tốt hơn là sống cô tịch mà mong ước có người đến trò chuyện”.

Có thể nói là linh đạo của các ammas này là sống trung thực với mình, khác với các đan sĩ giả dối chỉ ưa thích tìm hư danh.

3. Amma Sara

Đồng thời với Pafnufio (cuối thế kỷ III). Gần Sketis (bên cạnh Alexandría), trong suốt 60 năm trong một căn phòng gần sông Nil. Bà có thói quen cúi mặt xuống đất và vì thế ma quỷ tấn công bà dữ dội nhưng không thắng được. Nó mới quay sang cám dỗ bà vì hư danh. Một bữa kia hắn khiêu khích bà: “Bà Sara, bà thắng tôi rồi”; nhưng bà trả lời: “Kẻ thắng ngươi là Chúa Kitô ở trong tôi”. Như vậy, Amma Sara vẫn giữ được đức khiêm tốn.

Người ta kể lại rằng một bữa kia, hai ẩn sĩ thời danh đến viếng bà để xin một lời khuyên. Bà trả lời: “Tôi chỉ là một phụ nữ cố gắng kiên trì dựa trên Chúa Kitô là hòn đá của tôi”. Hai vị ẩn sĩ rất ấn tượng về nhân đức của bà. Đức khiêm tốn là một hồng ân mà các ẩn sĩ tìm kiếm hơn cả.

Ước nguyện của Amma Sara là được hết mọi người quên đi, ngõ hầu Chúa Kitô trở thành trung tâm cuộc đời mình. Bà là một trong những Ammas khắc khổ nhất. Bà co để lại một vài danh ngôn như sau.

– Có người thán phục sức mạnh của bả. Bà trả lời: “Tôi là phụ nữ, nhưng tinh thần thì đâu có phái tính”.

– Bà tỏ ra là một người tự do nội tâm mạnh mẽ, khi nói rằng: “Giả như tôi muốn cho tất cả thế giới ca ngợi đức hạnh của tôi, thì tôi phải đến quỳ gối ở trước từng phòng của các đan sĩ. Nhưng điều tôi muốn là có được tâm hồn tự do trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta phải làm điều tốt, không phải để cho thiên hạ khen, nhưng để làm vui lòng Thiên Chúa”.

4. Amma Theodora

Bà là một người học thức và hiểu biết thần học, sống vào cuối thế kỷ IV, gần Alexandria. Bà rất am tường tâm lý và khôn ngoan. Đang khi các danh ngôn các sư phụ đề cập đến khổ chế, từ bỏ, thống hối, Amma Theodora chú trọng đến Thiên Chúa và sống trong Đức Kitô qua Kinh thánh. Bà đã tiến tới sự tự do nội tâm để khám phá Thiên Chúa Từ bi là Cha và Mẹ. Sau đây là vài danh ngôn của bà Theodora:

– “Cũng như các cây cối cần trải qua bốn mùa để tăng trưởng, chúng ta cũng cần trải qua mùa đông để có thể trổ sinh hoa trài vào mùa hè”.

– “Không phải là tuân giữ kỷ luật nghiêm túc hoặc khổ chế nhiệm nhặt sẽ cứu chúng ta, nhưng là đức khiêm tốn chân thành”. Bà kể lại rằng: “Có một ẩn sĩ đã chiến thắng ma quỷ và hỏi nó: điều gì khiến cho nó chịu thua? Có phải chay tịnh hay thức khuya dậy sớm không? Nhưng nó trả lời rằng không gì thắng được nó cho bằng đức khiêm tốn”. Bà Theodora thêm: “Chỉ duy đức khiêm tốn mới đem lại chiến thắng cho ta”.

Một bữa kia, bà giải thích cho một đan sĩ muốn rời bỏ đan viện để tránh các cuộc cám dỗ trong đường tu đức. Bà kể câu chuyện như sau: Vào lúc người đan sĩ sắp sửa lên đường, một tên quỷ cũng chuẩn bị hành trang và nói với anh ta: “Anh đừng vì tôi mà ra đi, bởi vì chỗ mà anh muốn đến thì tôi đã tới trước rồi”.

Bà không ngừng khuyên những người điều khiển cộng đoàn là hãy khước từ ý định muốn thống trị, đừng tìm những lời nịnh hót, nhưng hãy kiên nhẫn, khiêm tốn và thẳng thắn. Hãy biết cảm thông cách quân bình, yêu thương mà không kỳ thị.

Bà xác tín rằng tất cả chúng ta đều phải gặp những khó khăn trong mình, và những khó khăn sẽ theo ta suốt đời.

– Một bữa kia Abba Theophilô hỏi bà: “Chuộc lại thời giờ có nghĩa là gì?”. Bà trả lời: “Đó là lợi dụng tất cả mọi điều xảy đến và biến đổi chúng thành nhân đức”, bà còn thêm: “nếu ai gây ra điều bất công cho mình, hãy lợi dụng để trở nên khiêm tốn và nhẫn nhục. Và như thế thời giờ trở thành một lợi lộc”.

– Gia sản mà Amma Theodora để lại cho chúng ta là: “Không phải sự khắc khổ, không phải sự canh thức sẽ cứu chúng ta, nhưng là sự khiêm tốn bắt nguồn từ chỗ hiểu biết chính mình”.

5. Amma Maria (em của thánh Pacômiô)

Mặc dù mọi người đều coi thánh Pacômiô như là người sáng lập đời sống cộng đoàn, nhưng trên thực tế, khi ngài đứng ra tổ chức đời sống cộng đoàn ở Thebaida thì các nữ tu của đan viện Panápolis đã lên đến hơn 400 người. Amma Maria là người sáng lập các nữ đan viện này. Sử gia Palladio đã không ngớt ca ngợi họ.

Cũng như các sư mẫu khác, Amma Maria chú trọng đến sự thanh tịnh của con tim hơn là khổ chế thân xác. Bà nói: “Tính tự ái đã làm sụp đổ bao nhiều cây dừa nhân đức. Nếu người ta nói chúng ta là phái yếu thì chúng ta cần phải đặt sức mạnh của mình nơi Chúa Kitô. Không phải chay tịnh nhưng là đức mến được tỏ lộ qua tình yêu thương huynh đệ là điều dập tắt tính kiêu căng ích kỷ”.

Bà muốn cho các nữ tu học đọc và viết. Thư viện là một yếu tố quan trọng trong các đan viện. Cùng với việc yêu mến Kinh thánh, Amma Maria muốn cho các nữ tu yêu mến sự cầu nguyện. Mỗi ngày, khi chiều về, bà quy tụ các nữ tu và khuyến khích họ thi hành lời Kinh thánh.

Cũng như Pacômiô, Amma Maria đặt nặng sự thanh tịnh của tâm hồn như là cốt lõi của đường tu đức; nhưng bà cũng nhấn mạnh không kém đến sự thanh sạch của thân thể. Đây là điều mới lạ đối với đời tu, vì thời ấy có nhiều tu sĩ coi sự dơ bẩn như là hình thức khổ hạnh.

6. Amma Isidora

Bà sống năm 365 giữa các nữ tu đan viện Pacômiô. Đời sống của bà rất đặc biệt. Vì muốn tự hạ, bà giả điên (chủ đề “những người điên của Chúa Kitô” rất phổ biến trong các đan sĩ thời xưa) và các chị em đã tin như vậy. Bà đi chân không, trùm đầu kín, chỉ ăn đồ dư thừa mà người khác để lại. Bà không có cử chỉ nào tỏ ra thiếu kiên nhẫn, không làm mất lòng ai, không kêu ca lâm bẩm mặc dù bị hiểu lầm và đối xử bất công. Các chị em nói rằng “bà như con chiên bị giết liên tục”.

Người ta kể rằng một nhà ẩn sĩ tên là Pitero đang cầu nguyện thì một thiên thần hiện đến và nói: “Tại sao ông kiêu hãnh về nhân đức của mình? Hãy đến đan viện Tabennesis và sẽ thấy một phụ nữ, đội miếng giẻ rách lên đầu, còn đạo đức hơn ông đấy”. Ông Pitero tìm đến đan viện, và tất cả các nữ tu ra đón ông vì nghe biết ông nổi danh thánh thiện. Khi thấy còn thiếu một người, ông xin cho được gặp người ấy, nhưng các nữ tu ấy nói rằng bà ấy điên. Dù vậy, ông vẫn cứ nằng nặc muốn gặp bà, và người ta cho đi tìm bà.

Họ phải cưỡng ép bà bởi vì bà không muốn gặp. Khi thấy bà, vị ẩn sĩ xin bà chúc lành cho mình, nhưng bà lại quỳ gối xin ông chúc lành. Các nữ tu nhắc lại cho ông biết là bà ấy điên, nhưng ông đáp: “Các bà và tôi là những người điên, nhưng bà ấy thật là một amma và tôi xin Chúa ban cho tôi cũng được giống như bà vào ngày phán xét”. Lúc ấy các nữ tu mới mở mắt con tim và xin lỗi vì đã xử tệ với bà.

Sau đó, vì không chịu nổi các lời ca tụng, vào một đêm, bà đã bỏ trốn ra sa mạc và từ đó không ai biết gì nữa về bà.

7. Amma Talida

Bà là viện mẫu của đan viện Antinol, nơi mà có nhiều thiếu nữ Ai-cập đến tu. Bà nói: “Kinh nguyện tốt nhất là kết hiệp với Chúa Kitô và muốn làm tất cả theo ý Chúa”.

B. Những tội nhân hối cải

Những đan sĩ trên đây “nổi tiếng” vì đã dạy chúng ta về đức khiêm nhường. Các vị dưới đây dạy chúng ta đức khiêm nhường qua cuộc đời thống hối.

1. Amma Thais

Bà sinh năm 290 tại Alexandria và hành nghề kỹ nữ. Bà có nhan sắc quyến rũ, và nhiều người đã tan gia bại sản để chiếm đoạt bà và có người đã mất mạng vì bà. Khi nhà ẩn sĩ Paphnuxiô biết như vậy, ông đi tìm bà và đưa cho bà một đồng tiền vàng. Bà đưa ông vào trong nhà. Paphnuxiô hỏi bà có phòng nào kín hơn nữa không; bà trả lời là còn một phòng sâu kín hơn nữa. Khi đã đến tận nơi thâm sâu nhất, ông nói với bà rằng không có gì che giấu trước mặt Thiên Chúa và bà sẽ bị Chúa phạt bởi vì bà đã trở nên nguyên nhân cho bao nhiều người phạm tội và phải chịu trầm luân.

Thế là bà ra giữa quảng trường, đốt hết tất cả những hoa trái đã kiếm được do tội lỗi và đi theo Paphnuxiô. Ông nhốt bà trong một căn phòng của một cộng đồng các trinh nữ và khuyên bà hãy quay về hướng đông, khẩn nài Thiên Chúa rằng: Lạy Chúa là Đấng đã tạo dựng con, xin thương xót con.

Sau ba năm, Paphnuxiô đến gặp thánh Antôn để hỏi xem bà Thais đã được tha tội chưa. Thánh Antôn triệu tập các ẩn sĩ để phân định. Đang khi cầu nguyện, thì Abba Phaolô thấy một căn phòng quý báu, có ba trinh nữ canh giữ và ông tưởng rằng đó là phần thưởng dành cho Abba Antôn, nhưng có một tiếng nói rằng căn phòng ấy được chuẩn bị cho bà Thais, là một kỹ nữ. Thế là Paphnuxiô đưa bà Tháis ra khỏi phòng giam nhưng bà chỉ sống được 15 ngày ở ngoài và qua đời. Bà được Giáo hội Chính thống Đông phương kính như một vị thánh, lễ ngày 8 tháng 10[6].

2. Amma María Ai cập (k.344-k.421?)

Cuộc đời của bà được đức cha Sophroniô, giám mục Giêrusalem (634-638), thuật lại như sau. Có một đan sĩ tốt lành tên là Zozimô sống ở Palestina. Một bữa nọ, đang khi cầu nguyện, ông được Thiên Chúa bảo hãy đến bờ sông Giorđanô, nơi có một cộng đoàn rất trọn lành. Và ông đến ở với họ. Vào một mùa chay, cũng như các đan sĩ khác, Zozimo đi vào sa mạc để làm việc đền tội thì thấy một phụ nữ trần truồng đang ẩn núp. Chị xin ông lấy tấm áo choàng để che thân, và hai bên chúc lành cho nhau. Sau khi đã được chị chúc lành, ông khẩn khoản yêu cầu chị giải thích cuộc sống của chị, và chị đã nhận lời.

Chị ta là người Ai-cập, từ năm 12 tuổi đã làm nghề mại dâm ở Alexandria suốt 17 năm. Nhưng một ngày kia, chị đã gặp một đoàn người đi Giêrusalem và xin nhập đoàn với họ. Đến ngày lễ Suy tôn thánh giá, khi đi viếng Ngôi mộ Chúa, thì chị bị một sức mạnh vô hình nào đó ngăn cản. Chị thử đi thử lại ba bốn lần nhưng thất bại. Sau khi đã cầu xin Đức Mẹ, chị hứa là sẽ không trở lại đường cũ nữa và chị đã được cho vào viếng đền thờ. Chị hôn đất và xin Đức Mẹ hướng dẫn đời mình. Đức Mẹ nói cho chị rằng: “hãy vượt qua sông Giorđano và con sẽ được bình an”. Thế là chị đã sống trong sa mạc được 47 năm. Chị đã phải chịu đựng nhiều cơn cám dỗ trong suốt 17 năm. Khi áo đã cũ mòn, chị sống trần truồng, một mình tiếp tục sống đời thống hối, chịu đựng những sự khắc nghiệt của thời tiết.

Trước khi chia tay, chị hứa với Zózimo là sẽ trở lại gặp nhau vào năm tới. Năm sau, đến khi trở lại, Zozimo thấy chị đã chết và chôn cất chị. Khi trở về tu viện thuật chuyện cho cả cộng đoàn và câu chuyện được lan truyền, cho đến khi đức cha Sofronio, giám mục Giêrusalem viết thành tiểu sử[7]. Giáo hội Đông phương ghi tên chị vào sổ các thánh (Saint Mary of Egypt), lễ kính ngày 1 tháng 4.

III. Các bà mẹ gốc Rôma sống ở Palestina

Do ảnh hưởng của Tây phương Latinh, Palestina trở thành nơi gặp gỡ giữa hai nếp sống ẩn sĩ và cộng đồng. Vào giữa thế kỷ III, tại đây các đan sĩ đã hiện diện và người đầu tiên là thánh Hilarion. Trong nhật ký hành hương đất thánh, viết vào thế kỷ IV, bà Egeria cho biết là gặp nhiều đan sĩ nam nữ, nhất là chung quanh Giêrusalem và Belem, đặc biệt là các phụ nữ quý tộc gốc từ Rôma.

Ba đan viện ở Thánh địa là công trình của ba phụ nữ Rôma, đã góp phần xây dựng bằng tài sản của mình: hai bà Melania và Paula. Điều đặc biệt là những nhân vật sau đây có liên lạc ít nhiều với thánh Giêrônimô và chia sẻ lòng say mê học hỏi Kinh thánh.

A. Giêrusalem: đan viện Núi Cây Dầu

1. Bà Melania Tiền

Bà là phu nhân của ông tổng đốc Rôma và đã có hai con. Bà góa chồng khi mới 22 tuổi (năm 361). Bà giao con cho người khác trông nom và lên đường sang Alexandria. Bà sống một năm ở Ai-cập, đi viếng các đan viện ở Nitria. Bà gặp Rufino, là một bạn đồng môn của Giêrônimô ở Rôma. Khi Giêrônimô đi Belem thì Rufino sang Ai cập và ở lại đó 6 năm, thụ giáo với Điđimô Mù. Ngoài Rufino, bà còn đi thăm viếng các Abbas Pambo, Arseni, Sisoesy và Poimen, tác giả của nhiều danh ngôn.

Vì phe lạc giáo của Ariô quá mạnh ở Ai cập, cho nên những Giám mục và linh mục nào không theo họ thì bị trục xuất qua Palestina. Bà Melania đi theo các ngài. Đến khi các vị này được phép hồi hương, thì Melania và Rufino ở lại Palestina, thiết lập hai tu viện, một dành cho nam giới và một cho nữ giới, ở trên núi Cây Dầu nơi vốn đã có các ẩn sĩ (năm 373).

Đan viện của Melania quy tụ được 60 người. Bà không áp đặt các khổ chế như Giêrônimô, nhưng muốn chị em trau giồi văn hóa. Bên cạnh đan viện bà mở một bệnh viện đón tiếp cả người nghèo và các bệnh nhân. Theo Palladio, trong suốt 37 năm, họ đã tiếp đón tất cả những ai đến. Vì là chị em họ của thánh Paulino Nola, nên ông này đã trợ cấp tài chính cho cơ sở bác ái ấy. Linh đạo của Amma Melania là trở thành một bà MẸ đối với hết mọi người. Bà đã thực hiện điều này đối với Rufíno và nhất là với Evagrio Póntico, mà bà đã hướng dẫn vào đường ngay chính và trở thành đan sĩ.

Được biết các lạc giáo đang tung hoành ở Rôma, bà trở về quê hương để giúp đỡ gia đình. Tại đây bà đã thu hút được người cháu là Melania Hậu, cùng với chồng và các thành viên gia đình. Cùng với đoàn này, bà đi thăm thánh Paulinô và thánh Augustinô, ở Bắc phi, rồi qua Ai cập, sau cùng bà trở về đan viện trên Núi Cây Dầu. Không lâu sau đó, bà tạ thế.

2. Bà Marcela

Trên đồi Aventínô ở Rôma, bà Albina có một biệt thự mà bà sống với con gái là Marcela. Bà đã đón tiếp thánh Athanasio trong thời kỳ bị lưu đày và ngài đã nói cho họ nghe biết đời đan tu ở Ai cập.

Sau khi lập gia đình được 7 tháng, bà Marcela góa chồng và bà bắt đầu khoác áo đời tu. Chung quanh bà không chỉ có bà mẹ Albina, mà còn có các phụ nữ khác như là Sofronia và Felícias (mà chúng ta chỉ biết danh tính chứ không biết gì hơn) và Marcelina, em của thánh Ambrosio (Giám mục Milano). Đức Thánh Cha Liberio đã trao “lúp” cho Marcelina vào đêm lễ Chúa Giáng sinh năm 352. Thánh Ambrosio đã viết tặng bà tác phẩm “De virgínibus” làm sách hướng dẫn cho nhóm trinh nữ Aventíno.

Lúc ấy thánh Giêrônimô đang ở Rôma, và đã giúp cho nhóm sinh hoạt qua việc học hỏi Kinh thánh. Thánh Giêrônimô đã có kinh nghiệm về người em gái của mình, trước đây cũng hư hỏng, nhưng sau đó đã hoán cải và gia nhập đoàn “những phụ nữ thánh hiến” dưới sự hướng dẫn của phó tế Giulianô ở Aquilêia. Trong nhóm này cũng có bà thân mẫu của Crômatiô và các em gái. Aquilêia trở thành quê hương thứ hai của Giêrônimô.

Khi đến Rôma, Giêrônimô rất cảm phục bà Melania. Bà biến tư thất thành một đan viện. Giêrônimô đã huấn luyện các bà bằng lời giảng và thư tín. Trong một lá thư ông nói đến Asela (có lẽ là chị của Marcela) đã dâng mình cho Chúa từ lúc 12 tuổi và nay bà đã 73 tuổi: “Lời bà nói là sự thinh lặng, và sự thinh lặng của bà thật là hùng hồn. Trong một thành phố như Rôma, nơi mà đức khiêm tốn bị coi như ngu dại, bà đã làm cho mọi người nể phục”. Còn về Melania, Giêrônimô viết: “Lòng say mê của bà đối với Kinh Thánh thật là đáng khâm phục. Bà không ngừng ca hát: ‘Tôi mang lời Chúa trong đáy tâm hồn tôi.’”.

Một cách tế nhị, bà đã làm cho thánh Giêrônimô kìm hãm ngôn từ khi chỉ trích phong hóa suy đồi của hàng giáo sĩ Rôma. Vào cuối đời, bà rời bỏ Aventino và lập một đan viện ở ngoại ô Rôma, và bà qua đời tại đây. Bà Marcela là chị em họ của Pammaquio, con rể của Paula, và bà cũng có họ hàng với Melania Hậu.

B. Belem: Đan viện Chúa Giáng sinh

1. Bà Paula

Amma Paula sinh năm 347. Bà mẹ tên là Blesila, một dòng họ quyền thế của nhà Scipio, và được hưởng nền giáo dục đạo đức Kitô giáo. Năm lên 16 tuổi, Paula kết hôn với Giuliô Toxoqui (người Hy lạp), thuộc dòng tộc Giuliô Cesar. Tuy chồng là người ngoại đạo, nhưng Paula vẫn giáo dục 5 người con theo Kitô giáo.

– Trưởng nữ cũng mang tên là Blesila (giống như bà ngoại). Khi lên 15 tuổi thì người cha qua đời và cô ta cũng tạ thế lúc 20 tuổi. Sau một thời gian sống phóng túng, cô gia nhập nhóm Aventino. Nhằm giúp cho Paula hiểu rõ sự phù vân của thế gian, thánh Giêrônimô đã đề tặng cuốn chú giải sách Giảng viên: “Phù hoa nối tiếp phù hoa; tất cả chỉ là phù hoa”.

– Người con gái thứ hai tên là Paulina, tính nết hiền hậu. Năm 16 tuổi, cô kết hôn với Pammaquio, anh em họ với Marcela và bạn học với Giêrônimô lúc ấy đã 40 tuổi. Chồng cô là người giàu có và chống lại lạc giáo Đonato và được thánh Augustinô đề tặng bức thư số 58. Paulina qua đời lúc còn trẻ.

– Người con gái thứ ba tên là Eustokia, thừa hưởng những đức tính của bà mẹ và vì thế rất được bà yêu mến. Chị đã sống một thời gian ở Aventinô với nhóm các trinh nữ của Marcela. Khi lên 16 tuổi, chị khấn trinh khiết với Giáo hoàng Đamasô. Thánh Giêrônimô đã viết cho chị một bức thư mang số 22, là một khảo luận về đức trinh khiết. Bức thư gây ra nhiều bực tức cho hàng giáo sĩ Rôma, mà đời sống luân lý vốn đã sa sút. Sau khi Giáo hoàng Đamasô qua đời, họ tố cáo Giêrônimô đã lừa gạt các phụ nữ Rôma khấn giữ trinh khiết, khiến cho ngài phải rời bỏ Rôma.

– Người con gái thứ tư là Rufina, chết sớm.

– Người con út là con trai, mang tên của bố là Toxoqui, kết hôn với Leta, con gái của Albino và cũng là anh em họ với Marcela. Họ sinh được một người con gái (năm 400) đặt tên là Paula (giống như bà nội) và sẽ theo bà sang Belem.

Sau khi Blesila mất, bà Paula đề ra một dự án đời tu. Cùng với Eustokia và một vài bạn hữu, bà sang Palestina. Họ qua Ponto, viếng thăm những căn phòng mà trước đây Cesarea Flavia Đomitila đã trọ trong thời kỳ bị lưu đày vì là Kitô hữu; sau đó họ qua Salamina (Chypre) và gặp lại Giêrônimô để đi Palestina. Nhưng trước khi định cư, họ còn sang Ai-cập, đến Alexandria để nghe ông Đíđimô Mù giảng, rồi sang Nitria (nơi có nhiều ẩn sĩ), qua Skete, thăm viếng Macariô và các đan sĩ tu viện Pacomio. Cuối cùng họ đến đất thánh. Năm 386, bà Paula xây dựng các đan viện tại Belem: một đan viện ở ngoại ô, dành cho Giêrônimô và các nam tu sĩ, một đan viện cho nữ giới bên cạnh thánh đường Chúa Giáng sinh, sau đó bà cho xây một nhà trọ dành cho khách hành hương.

Thật ra, theo Palladio, bà Paula đã xây ba đan viện cho các nữ tu, mỗi nhà có thể chứa được 50 người. Đứng đầu mỗi nhà là một Amma, và tất cả dưới sự điều khiển của bà Paula. Mỗi ngày cả ba cộng đoàn họp nhau tại nhà thờ kính thánh Catarina Alexandria để cầu nguyện; chúa nhật thì họ tham dự thánh lễ tại nhà thờ Chúa Giáng sinh. Họ đọc hết bộ thánh vịnh trong một ngày. Theo tục lệ Ai cập, một trinh nữ đứng đọc thánh vịnh, còn các người khác ngồi nghe. Tất cả đều thuộc lòng các thánh vịnh. Thánh Giêrônimô dạy Kinh thánh cho họ; bà Paula còn theo một lớp Hipri với một người Do thái.

Lúc ấy xảy ra cuộc tranh luận giữa Giêrônimô và Rufino chung quanh các tác phẩm của Origène. Rufino và Giám mục Gioan thì bênh Origène, còn Giêrônimô thì chống. Bà Paula đứng về phía Giêrônimô và như vậy chống lại Giám mục. Giám mục ra lệnh tuyệt thông các đan viện, nghĩa là các đan sĩ nam nữ không được rước lễ và an táng theo nghi thức Giáo hội.

Sau một thời gian khổ sở vì những biện pháp này, nhờ trung gian của Theophilô Alexandria, các đan sĩ được giao hòa với Giám mục. Nhưng tương quan với Rufino và đan viện trên núi Cây Dầu vẫn bi sứt mẻ.

Hai bà Melania và Paula đã chịu đau khổ vì sự chia rẽ này. Bà Paula qua đời năm 404, và được chôn trong hầm của nhà thờ Belem, cạnh hang đá. Bà được 56 tuổi và sống 20 năm ở Belem. Lễ nghi an táng được cử hành bằng ba ngôn ngữ: Hy-lạp, La-tinh và Syriac. Thánh Giêrônimô đã viết về bà như sau: “Vĩnh biệt bà Paula, xin bà hãy dùng lời cầu nguyện mà giúp đỡ lão già này luôn tôn kính bà. Lòng tin và các việc làm của bà đã liên kết bà với Chúa Kitô và Người sẽ ban cho bà tất cả những gì mà bà cầu xin”

Sau đó, Eustokia tiếp tục công trình thêm 15 năm. Cuối cùng Paula Hậu cũng đến Belem năm 415.

2. Bà Eustokia và bà Paula Hậu

Bà Paula Tiền đã để lại một gia tài lớn về Kinh thánh. Bà đã hiệu đính các bản viết của Giêrônimô và trang trải kinh phí. Vì thế thánh Giêrônimô muốn đề tên Paula trong các tác phẩm của mình.

Bà Eustókia cũng giỏi tiếng Hipri. Thánh Giêrônimô đã để lại cho bà lời khuyên như sau: “Ước chi giấc ngủ đến với bà đang lúc đọc Kinh thánh và bà gục đầu trên những trang này để nghỉ ngơi”. Sau khi Eustókia qua đời, Paula Hậu được cử làm bề trên lúc mới được 15 tuổi. Giêrônimô đã an giấc trong tay của bà khi bà được 20 tuổi. Giêrônimô, Paula và Eustóquia được chôn bên cạnh nhau.

3. Bà Melania Hậu

Người gốc Tây-ban-nha, sinh năm 382. Năm 14 tuổi kết hôn với Pimiano, một người thuộc hạng giàu sang trong đế quốc Rôma. Sau 7 năm thành hôn, họ đi Tagaste và xin gia nhập đời tu bên cạnh thánh Augustinô. Họ đã phóng thích 8.000 người nô lệ. Năm 417, họ đi Gierusalem. Sau 11 năm ẩn tu, họ xây một đan viện nam cho chồng để coi sóc thánh đường kính Chúa Thăng Thiên và một nữ đan viện cho bà. Bà một người yêu thích chay tịnh và canh thức; mỗi đêm chỉ ngủ 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ. Bà qua đời lúc 57 tuổi.

Bà Melania duy trì giao lưu với mọi người, kể cả với hoàng hậu Eudoxia ở Constantinopolis. Bà Paula Hậu đã có mặt ở đám tang của bà.

Kết luận

Trên đây chỉ là những nét sơ lược về cuộc đời của vài người “mẹ tinh thần” vào lúc bắt đầu đời đan tu. Chắc chắn họ không chỉ là thầy của những người đương thời, mà còn để lại nhiều bài học về đời sống tâm linh cho nhiều thế hệ về sau nữa[8].

——————-

Sách đọc thêm

Mary C. Earle, The Desert Mothers: Spiritual Practices from the Women of the Wilderness. Church Publishing, New York. 2007.

Laura SwanThe Forgotten Desert Mothers: Sayings, Lives, and Stories of Early Christian Women. Paulist Press, New York. 2001.

Lisa Cremaschi (a cura di), Detti e fatti delle donne del deserto, Qiqajon, Bose (Biella) 2018.

Mariella Carpinello, Il monachesimo femminile, Mondadori, Milano. 2002.

————–

[1] Bài này giới thiệu bộ sách của Maria Sira Carrasquer Pedrós và Araceli De La Red Vega, Madres del Desierto, [Matrología, T. 1, Col. Espiritualidad Monástica], Monasterio de las Huelgas, Burgos 1999.
https://www.monestirsantbenetmontserrat.com/regina/htmlfotos/MaresDesertcas.html

[2] Chẳng hạn như Historia monachorum in Aegypto (Nếp sống các đan sĩ Ai-cập) do một tác giả vô danh ở Ai cập, sau đó được Rufinus dịch từ tiếng Hy-lạp sang tiếng La-tinh. Historia Lausiaca (Nếp sống các đan sĩ) do Palladius kể lại cho ông Lausius (giám sát triều đình). Bản dịch tiếng Anh: Palladius, The Lausiac History, ed. Cuthbert Butler, University Press, Cambridge: 1898-1904).

[3] Gregorio di Nissa, Vita di santa Macrina, a cura di E. Marotta, Città Nuova, Rôma 1989. Grégoire de Nysse, Vie de Saint Macrine, introd., texte critique, trad., notes et index par P. Maraval, Sources Chrétiennes, Cerf, Paris 1971. Woods Callahan, Saint Gregory of Nyssa: Ascetical Works, The Fathers of the Church, Washington, 1967.

[4] Tác giả quyển tiểu sử thánh Syncletica được gán cho thánh Athanasiô (PG 28, cols. 1487-1558). Ngày nay có những ấn bản phê bình hợp với lịch sử hơn, chẳng hạn: Vita di Sincletica, in Donne di comunione. Vite di monache d’oriente e d’occidente, a cura di L. Cremaschi, Edizioni Qiqajon – Comunità di Bose 2013, pp. 79-146 . Pseudo-AthanasiusElizabeth Bryson Bongie, The Life & Regimen of the Blessed & Holy Syncletica, Peregrina, Toronto, 1999.

[5] Theodoret of Cyrus, Historia religiosa (P.G., LXXXII, 1283-1522)

[6] Tiểu sử của bà được kể lại trong Vitae Patrum nguồn gốc có lẽ từ thế kỷ V, sau đó được Dionysius Exiguus dịch sang tiếng Latinh (Vita Thaisis) vào thế kỷ VI, và được đưa vào Patrologia Latina, vol.73-74 (De vita et vebis seniorum librix, historiam eremiticam complectentes).

[7] Xem M. Kouli, Life of St. Mary of Egypt, in A.-M. Talbot (ed), Holy Women of Byzantium. Ten Saints’ Lives in English Translation, Washington 1996.

[8] Guillermo Randle SJ, La sabiduría espiritual en las Madres del desierto (siglos III-VI), in: Cuadernos Monasticos 151 (2004), 429-446.