Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Hai ngàn năm sứ vụ truyền giáo của Giáo hội tại Á châu

Administrator
2020-10-07 22:08 UTC+7 39
Hai ngàn năm sứ vụ truyền giáo của Giáo hội tại Á châu: những đợt sóng loan báo Tin Mừng, sự thánh thiện và tuẫn giáo Lm. Felipe Gomez, S.J.[1] Trích Thời sự Thần học, số 86 (tháng 11 năm 2019), tr. 130-152 Đây là bài thuyết trình tại Đại hội giáo dân Á châu do […]

Hai ngàn năm sứ vụ truyền giáo của Giáo hội tại Á châu:
những đợt sóng loan báo Tin Mừng, sự thánh thiện và tuẫn giáo

Lm. Felipe Gomez, S.J.[1]

Trích Thời sự Thần học, số 86 (tháng 11 năm 2019), tr. 130-152

Đây là bài thuyết trình tại Đại hội giáo dân Á châu do Hội đồng Giáo hoàng đặc trách giáo dân tổ chức ở Seoul Hàn quốc từ 31-8 đến 5-9 năm 2010, với chủ đề “Công bố Chúa Giêsu Kitô tại Á châu hôm nay”. Tác giả tóm lại lịch sử truyền giáo Á châu thành 5 đợt sóng: 1/ Nền tảng. 2/ Ngàn năm thứ nhất. 3/ Thời “Thái bình Mông cổ”. 4/ Thời “khám phá”. 5/ Thời đại chúng ta, kéo dài từ thế kỷ XIX cho đến hậu bán thế kỷ XX. Tác giả dùng hình ảnh “đợt sóng” để mô tả những lúc lên lúc xuống của các Giáo hội ở lục địa này. Nhiều Giáo hội phồn thịnh lúc đầu nhưng ngày nay không còn để lại dấu tích. Tuy nhiên, tác giả lưu ý rằng không nên chỉ đánh giá kết quả của công cuộc truyền giáo qua những con số, nhưng hãy cố gắng đọc lịch sử dưới nhãn quan của Thiên Chúa, nghĩa là của Thập giá, qua các chứng tích của các thánh nhân, đặc biệt là các thánh tuẫn giáo.

Lưu ý của người dịch: trong bài này, martyr được dịch là “tuẫn giáo” thay vì “tử đạo”.

Nguồn: Two thousand years of the Church’s mission in Asia: waves of evangelization, holiness and martyrdom.

www.laici.va › proclaiming-jesus-christ-in-asia › conferences

———————————–

DẪN NHẬP

Đứng trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba này, chúng ta được mời gọi nhìn lại hai ngàn năm đã qua, không chỉ để “tưởng nhớ” – là điều đặc trưng rất Kitô giáo – mà còn để rút ra những bài học cho tương lai đang mở ra cho niềm hy vọng mà chúng ta phải chia sẻ. Chúng ta làm điều này trong một Giáo hội đang bước vào kỷ nguyên mới và tuyệt vời của nhân loại, do đó, Giáo hội được kỳ vọng sẽ biểu lộ các đặc tính khác với thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai, dĩ nhiên luôn luôn trong sự liên tục mà căn tính đòi hỏi: cùng một Giáo hội, cùng một sứ vụ, nhưng trong một Á châu mới, với một cách thức hiện diện mới.

Chúng ta sẽ tập trung vào “các đợt sóng loan báo Tin Mừng”, đặc biệt chú ý đến sự thánh thiện và tuẫn giáo. Nói đến “đợt sóng” chúng ta nhận ra ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh, bởi vì qua các biến cố, chúng ta phát hiện ra những mức độ cao và thấp trong việc loan báo Tin Mừng và đời sống Kitô giáo: quan sát các giai đoạn mà sự hiện diện Kitô giáo có xu thế tăng cao trong các lãnh thổ rộng lớn, rồi đến lúc Kitô giáo rút xuống, để lại một nền đất trơ trụi mà người ta phải bắt đầu lại tất cả. Hiện tượng này không xảy ra ở các châu lục khác. Lịch sử không phải một môn “khoa học chính xác”; do đó việc phân chia thành các giai đoạn là để thuận lợi nhưng cũng không loại trừ các chọn lựa khác. Chúng tôi chia toàn bộ lịch sử này thành năm giai đoạn: đợt sóng nền tảng, thiên niên kỷ đầu tiên, giai đoạn được gọi là “Thái bình Mông Cổ” (Pax Mongolica), Thời đại của các Khám phá, và cuối cùng là thời đại của chúng ta.

I. ĐỢT SÓNG NỀN TẢNG: CÁC TÔNG ĐỒ VÀ CÁC VỊ THỪA SAI THỜI HẬU TÔNG ĐỒ

Chúng ta gọi “nền tảng” là thời kỳ tính từ các Tông đồ cho đến khi thiết lập các giáo hội địa phương, với một sự đồng nhất về đạo lý, sự quản trị và phụng tự vẫn còn thấy rõ cho đến ngày nay. Tất cả bắt đầu ở Á châu: Đức Giêsu là nguồn cội tuyệt đối của mọi sứ vụ, mặc dù Người không phải một thừa sai; như chúng ta biết ở đây, bởi vì việc sai đi chỉ có thể xảy ra sau khi Chúa Thánh Thần đến. Từ Giêrusalem, các Tông đồ đã toả đi đến các nước láng giềng và những vùng đất xa xôi. Các tòa thượng phụ lớn tựa như: Antiôkia, Alêxandria, Rôma, đã được thành lập nhờ các thừa sai vô danh; toà giám mục Edessa – bên ngoài biên cương đế quốc Rôma – tự hào vì được thành lập bởi ông Addai, một trong 72 môn đệ của Chúa. Lịch sử không biết đến các địa điểm mà phần lớn nhóm Mười Hai đã rao giảng; chỉ có các lưu truyền kể rằng thánh Mátthêu đã rao giảng Tin Mừng cho người Ba Tư[2] và người Parthia (mặc dù một truyền thống khác cho rằng ngài tuẫn giáo ở Ethiôpia); thánh Tôma cũng hoạt động ở những vùng này và được mai táng ở Edessa, trong khi một lưu truyền  khác đưa ngài đến Ấn Độ và đặt lăng mộ ngài ở Chennai; thánh Giuđa đã giảng dạy ở Armenia và chịu  tuẫn giáo. ở Ba Tư; một lưu truyền khác nối kết thánh Barthôlômêô với vùng Armenia và Ấn Độ; thánh Simon Nhiệt thành cũng được cho là đã chết ở Ba Tư. Bất kể tính lịch sử của các truyền thống này thế nào đi nữa – và chứng cứ về thánh Tôma ở Ấn Độ khá vững chắc –[3] chúng tôi muốn nhấn mạnh một điểm này là: Tin Mừng đã được loan đến phương đông với những nỗ lực mạnh mẽ như đã loan đến phương tây: bằng chứng là hầu hết các Tông đồ đã chết ở Á châu. Thực tế, vào thế kỷ thứ ba, Á châu (ngày nay gọi là Trung Đông) có nhiều Kitô hữu hơn Âu châu.

Trong khi người Rôma vẫn đang bách hại Kitô giáo, thì Osrhoene, trong lãnh thổ của nước Syria và Irak ngày nay, đã trở thành vùng Kitô giáo đầu tiên với sự trở lại của vua Abgar IX năm 206; thủ đô Edessa trở thành trung tâm quan trọng của đời sống trí thức Kitô giáo và là trung tâm truyền giáo mạnh mẽ nhất cho đến thời kỳ bành trướng của Âu châu. Giáo phụ Grêgôriô Người Khai Sáng đã loan báo Tin Mừng cho quê hương của mình ở Armenia, và vào năm 295, ngài rửa tội cho vua Tiridates II và trở thành Thượng phụ (catholicos) đầu tiên của giáo hội ở đây. Trong thời hoàng đế Constantinô, năm 330 CN, Georgia trở thành vùng Kitô giáo, thông qua sự can thiệp của vị thánh nữ Nino thời danh.

Chính Edessa đã khởi động sứ vụ đến Á châu. Các thừa sai đã đến Arbela ở Adiabene, một nơi cũng trở thành trung tâm phát động cuộc truyền giáo. Văn hoá Syria đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại thay vì nông nghiệp; do ý tưởng đó, các đan sĩ cũng trở thành thừa sai lưu động. Vào cuối thế kỷ II, các Kitô hữu đã hiện diện ở Bactria, nay là Afghanistan. Biên niên sử Arbela (được viết vào khoảng thế kỷ VI CN) thuật lại chi tiết rằng, vào năm 225, khi triều đại Parthia rơi vào tay người Sassanid thuộc Ba Tư thì xuất hiện các cộng đồng Kitô hữu ở khắp vùng Trung Đông từ sông Euphrates đến Hindu Kush. Tại công đồng Nixêa năm 325, có một giám mục Ba Tư, tên là “Gioan người Ba Tư”, cho biết là đã kết nối với Ấn Độ. Vào giữa thế kỷ IV, một loạt các đan viện mọc lên, trải dài dọc theo bờ biển Ba Tư từ Basra đến Ấn Độ, liên kết các Kitô hữu theo thánh Tôma với vùng Edessa.[4] Có sự xuất hiện của các Kitô hữu trong các bộ tộc Ả Rập, chủ yếu ở Tylos (nay là Bahrain). Sau đó, khi các cuộc bách hại của người Rôma chấm dứt ở phía tây, thì các cuộc bách hại của người Ba Tư nổi lên, đặc biệt dưới thời vua Shapur II (340-401).

Những Kitô hữu này được gọi là nhóm Nestoriô và Giacôbita, bị các giáo hội Chalcedonia coi là lạc giáo. Chính quyền Ba Tư muốn đảm bảo rằng không một Kitô hữu nào trong đế chế của họ có lòng trung thành với quân thù Rôma (Byzantine). Giáo hội Đông phương này nói tiếng Aram, với cấu trúc thượng phụ và phụng vụ theo nguồn gốc Syria, cùng với một nền thần học ngày càng dựa trên tác giả Theodore Mopsuestia.

Theo chúng tôi nghĩ, những điều này đủ để khẳng định rằng, vào thế kỷ V CN, các giáo hội đã được thiết lập trên khắp vùng Trung Đông, Ba Tư, Ấn Độ và có thể là cả Sri Lanka. Cội rễ đã được vun trồng tốt đẹp, chỉ có điều chúng sẽ mọc lên tách biệt với phần còn lại của Kitô giáo.

II. THIÊN NIÊN KỶ ĐẦU TIÊN

Giáo hội Đông phương Syria đã vận hành tốt đẹp dưới sự thống trị của người Sassanid và Hồi giáo ở Ba Tư, tuy dù thỉnh thoảng cũng có những cuộc bách hại và phải tuân theo quy chế của một cộng đồng bảo hộ (dhimmis). “Tinh thần truyền giáo của giáo hội Đông Syria trong thế kỷ III và IV, với trung tâm là Edessa, thật vượt trội”[5], loan báo Tin Mừng đến tận miền bắc (Armenia), và phía đông (Arabia và Ấn Độ)[6]. Năm 410, Đức Thượng phụ đã có dưới trướng 5 giáo tỉnh (metropolitan) và 38 giám mục; đến năm 650 (cuộc xâm lược của quân Hồi giáo), ngài có 9 giáo tỉnh và 106 giám mục. Năm 497, vua Sha Kavad bị lật đổ và trốn sang vùng Hung-nô, đi cùng vua là các Kitô hữu phái Nestoriô, giáo dân và giáo sĩ.  Các giáo sĩ chỉ ở lại 7 năm nhưng các giáo dân lưu lại 30 năm, trong tư cách là những thừa sai với thành quả to lớn.[7] Các cộng đồng Kitô giáo được thiết lập dọc theo “Con đường tơ lụa”, giữa người Thổ Nhĩ Kỳ, Tác-ta và Mông Cổ; họ đã thuyết giảng ở Tây Tạng, và có lẽ ở tất cả các con đường dẫn đến Indonesia.[8] Dưới thời Đức Thượng phụ Timothy I (780-823) – xấp xỉ đương thời với vua Charlemagne – Giáo hội Đông Syria là giáo hội phồn thịnh nhất về lãnh thổ và dân số trong Kitô giới. Vào năm 800, Nisibis và Gundeshapur[9] là các trung tâm học vấn nổi tiếng, đến độ Âu châu mãi cho đến thế kỷ XIII mới đuổi kịp.[10] Thế nhưng, kỳ công loan báo Tin Mừng đáng chú ý nhất trong thời kỳ này là công cuộc truyền giáo ở Trung Hoa. Tấm bia đá nổi tiếng “Nestorian Stele”[11] được dựng lên vào năm 781 ghi lại sự việc giáo sĩ Alopen đi đến kinh đô nhà Đường năm 635 (khi Rôma đang loan báo Tin Mừng ở miền trung và miền bắc Âu châu). Công cuộc truyền giáo này phát triển mạnh trong một khoảng thời gian: vào thế kỷ VIII các nhà thờ thuộc giáo phái Nestoriô mọc lên gần như ở mọi địa phận; nhưng chẳng bao lâu đã phải chịu sự bách hại của các tín đồ Phật giáo; năm 845, vua Võ Tôn cấm cửa Kitô giáo, biến Kitô giáo thành một tôn giáo “phản Trung Hoa” (un-Chinese). Khi triều đại nhà Đường sụp đổ (907), các Kitô hữu cũng tiêu tan, nguyên nhân thì không ai rõ.[12]

Điều thú vị là Phật giáo khi đó cũng đang truyền giáo ở Trung Hoa, và cũng bị coi là tôn giáo “không phải Trung Hoa” (non-Chinese). Thực tế, giám mục Adam, người có lẽ đã tạo ra tấm bia đá Xi’an Tablet (Nestorian Stele), đã giúp một tu sĩ Phật giáo chuyển ngữ các bộ kinh tạng tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc. Một thời gian sau, Phật giáo trở thành tôn giáo “của người Trung Hoa” trong khi Kitô giáo vẫn là tôn giáo “của người Syria” hay “của người Ba Tư”.

III.  THỜI THÁI BÌNH MÔNG CỔ (PAX MONGOLICA)

Đợt sóng truyền giáo thứ hai diễn ra trong thời kỳ được gọi là Thái bình Mông cổ, biểu hiện giống như một sự kết hợp những điều trái nghịch (oxymoron), một vài lần trong lịch sử đã phô bày sự man rợ, bạo lực và chiến tranh như thế. Năm 1219, khi Thành Cát Tư Hãn khởi đầu cuộc chinh phạt vùng Hồi giáo phía tây, chiếm Samarkand và tàn sát thành phố Merv (năm 1221), thì các vùng đất Kitô giáo như Armenia và Georgia cũng bị tàn phá (năm 1236). Hulegu, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, đã gây ra một cuộc thảm sát lịch sử ở Baghdad (năm 1258) và cơn kinh hoàng Mông Cổ kéo dài đến tận trung tâm Âu châu. Tuy nhiên nghịch lý thay, họ đã khoan dung đối với tôn giáo để rồi trong đế chế rộng lớn của họ, một đợt sóng hoạt động truyền giáo tươi mới đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà lãnh đạo và quan chức của họ là Kitô hữu, đặc biệt là người gốc Kerait, Onggud,[13] Uygur; nhiều Kitô hữu là vợ của các quan chức trong triều đình.

Nhóm Nestoriô đã hồi sinh các cộng đoàn của họ ở vùng Trung Á đồng thời ngày càng thiết lập nhiều cộng đoàn mới; họ đi theo người Mông Cổ xâm lược vào Trung Hoa và gia tăng các nhà thờ, tu viện và giáo phận dưới triều nhà Nguyên hay còn gọi là vương triều Mông Cổ (1271-1368). Năm 1281, khi tu sĩ Marcos, có lẽ là người Uyghur, được chọn làm Thượng phụ dưới tên là Yaballaha III, thì ông đã cai trị hơn 30 giáo tỉnh và 250 giáo phận.

Điều mới mẻ trong đợt sóng thứ hai này là sự hiện diện của Công giáo. Các tu sĩ Đaminh và Phanxicô đã bắt đầu sứ vụ truyền giáo tại Á châu. Mặc dù người Mông Cổ đã phá huỷ sứ vụ của các tu sĩ Đaminh giữa những người Cuman, giết hại khoảng 90 tu sĩ (năm 1241), nhưng đoàn ngoại giao của đức giáo hoàng có lẽ đã đóng vai trò tích cực đầu tiên trong các sứ vụ này, khi các vị đại sứ được gửi đến các Khả hãn (Khans).[14] Đại Khả hãn Hốt Tất Liệt (1214-1294) yêu cầu Giáo hoàng gửi đến các vị thừa sai. Năm 1286, hoàng hậu Yailak có hy vọng trở thành người Công giáo; nhưng thực tế Khan Toqtai và gia đình ông mới là những người được rửa tội năm 1290. Năm 1291, linh mục dòng Phanxicô là Gioan Montecorvino[15] rời Tabriz trong tư cách là đại sứ của Giáo hoàng Nicholas IV để đi đến triều đình vua Hốt Tất Liệt. Một thương gia người Ý, tu sĩ dòng Đaminh, tên là Nicholas Pistoia, cùng với cha Gioan đã đến Ấn Độ, nơi tu sĩ Nicholas từ trần. Khi cha Gioan và vị tu sĩ này đến Khambaliq (Bắc Kinh) năm 1294 thì Đại khả hãn Hốt Tất Liệt vừa mới qua đời. Cha Gioan Montecorvino đã thu lượm nhiều thành công. Cha thậm chí còn đưa Hoàng tử George (Korgiz) gốc Onggud, thuộc nhóm Nestôriô về hợp nhất với Giáo hội Công giáo. Cha đã dịch bộ Tân ước và các thánh vịnh [sang tiếng Uyghur – chú thích của người dịch], đồng thời huấn luyện nhiều thiếu niên để giúp việc phụng vụ. Sau 11 năm, tu sĩ dòng Phanxicô người Đức là Arnold Cologne đã được gửi đến với cha (năm 1303 hoặc 1304). Năm 1307, Giáo hoàng Clêmentê V cử 7 giám mục Phanxicô đến để tấn phong cha Gioan Montecorvino lên Tổng giám mục Bắc Kinh, tuy nhiên chỉ có 3 vị đến mà thôi (năm 1308). Một vài giám mục đã được tấn phong và các tu viện Phanxicô được thiết lập ở nhiều vùng khác nhau. Năm 1336, hoàng đế Toghun Temür, vị thủ lãnh cuối cùng của đế chế Mông Cổ, yêu cầu sự hiện diện của các vị thừa sai, và Đức Bênêđíctô XII đã gửi đến 50 vị (năm 1338). Niềm hy vọng đã lên rất cao… nhưng sau đó người Trung Hoa đã lật đổ quân Mông Cổ, lập nên nhà Minh (năm 1368); một năm sau đó, tất cả các Kitô hữu bị trục xuất khỏi Trung Hoa.

Điều thú vị là Trung Hoa đã không phân biệt hai nhóm Kitô giáo (Công giáo và Nestôriô); cả hai đều là ngoại kiều và là đồng minh của người Mông Cổ, và cả hai đều không thể tồn tại sau sự sụp đổ của triều nhà Nguyên.

Ở những nơi khác, có các tu sĩ Đaminh hoạt động ở vùng Trung Đông, đặc biệt là Armenia, nơi họ thu lượm được một vài thành công trong việc đưa một số tu viện về hiệp nhất với Công giáo. Xa hơn về phía đông có tu sĩ Jordan Cathala de Severac, O.P. làm việc tại Quilon, Ấn Độ, và Giáo hoàng Gioan XII đã chọn ngài làm giám mục năm 1329, nhưng công việc của ngài đã không thể tiếp tục.

Tông huấn Giáo hội ở Á châu đã kết luận cách bi thảm thế này: “Kitô giáo gần như biến mất ở những nơi này vì một số lý do, trong đó có sự nổi lên của Hồi giáo, sự cô lập về mặt địa lý, thiếu sự thích nghi phù hợp với những nền văn hoá địa phương, và có lẽ trên tất cả là do thiếu sự chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với các tôn giáo to lớn ở Á châu.”[16] Vâng, có lẽ như vậy! Nhưng duy một mình Chúa mới biết rõ vấn đề. Lịch sử của thế kỷ XIV và XV ở Á châu là một bi kịch đối với Kitô giáo. Thái độ cực đoan của Hồi giáo – chẳng hạn các chiến dịch đẫm máu ở Tamerlane (1336-1405) – đã giáng đòn chí tử vào Kitô giáo. Ngoài ra, đại dịch Cái chết đen (vào giữa thế kỷ XIV) hầu như đã giết chết các thừa sai. Có lẽ đây là những lỗi lầm của một Giáo hội chia rẽ và phản Tin Mừng.[17] Theo ước tính, từ năm 1200 đến 1500, số Kitô hữu ở Á châu đã thực sự giảm từ 21 triệu xuống còn 3.4 triệu.[18]

IV. THỜI ĐẠI CỦA CÁC KHÁM PHÁ

Chúng tôi gọi “Thời đại của các Khám phá” là kỷ nguyên được mở ra nhờ các doanh nhân người Bồ Đào Nha về phía Đông, và sự bành trướng của người Tây Ban Nha về phía Tây, nói theo quan điểm lấy Âu châu làm trung tâm. Việc nhà thám hiểm Vasco da Gama đến Ấn Độ (năm 1498) đã mở đường cho điều mà Tông huấn Giáo hội ở Á châu đặt tên là “kỷ nguyên mới của nỗ lực truyền giáo”.[19] Trên thực tế, các cứ điểm của người Bồ Đào Nha ở Goa (Ấn Độ) và Macao (Trung Hoa) đã trở nên những trung tâm trọng yếu của hoạt động truyền giáo vào thế kỷ XVI và XVII. Có thể kể đến những vị thừa sai vĩ đại nhất ở Á châu như: thánh Phanxicô Xaviê, Matteo Ricci, Roberto de Nobili, Alessandro Valignano, Alexandre de Rhodes… tất cả các vị đều nhờ chế độ “bảo trợ” của người Bồ Đào Nha (Padroado) để đến đây. Dĩ nhiên chế độ bảo trợ này có sai sót, và đã gây ra nhiều cuộc xung đột.[20]

Đừng quên rằng, từ thuở sơ khai của Giáo hội, các thương nhân – tức là giáo dân! – thường là những thừa sai đầu tiên. Tiếp đến, các thừa sai chuyên nghiệp – giáo sĩ và tu sĩ – mới đi theo họ, vì họ biết đường đi và có thể bảo vệ các thừa sai khi các vị lưu lại.

Giai đoạn đầu tiên của kỷ nguyên này khá thành công. Thánh Phanxicô Xaviê[21] đến Ấn Độ năm 1542, hoạt động ở Indonesia (1546-47), và đến Nhật Bản năm 1549. Phương pháp của ngài là mở các cánh cửa để người khác có thể bước vào. Như thế, 30 năm sau thánh nhân, Nhật Bản đã có 200,000 Kitô hữu và 250 nhà thờ. Cũng có các thừa sai khác hoạt động ở lãnh thổ Nhật Bản, như các tu sĩ Đaminh và Phanxicô; trong giai đoạn bách hại (bắt đầu từ năm 1597), số lượng người Công giáo Nhật Bản có lẽ đã hơn 500,000.[22]

Tôi sẽ không dừng lại việc trình bày tầm nhìn truyền giáo của cha A. Valignano và hoạt động của cha Matteo Ricci ở Trung Hoa (năm nay chúng ta kỷ niệm 400 năm sinh nhật trên trời của các ngài), cũng như phương pháp truyền giáo tương tự của cha Robert de Nobili ở Ấn Độ, và lối tiếp cận linh hoạt của cha Alexandre de Rhodes ở Việt Nam.[23] Bởi vì trong giai đoạn này, chúng ta phải đề cập đến việc thành lập và vai trò của Bộ Truyền bá đức tin De Propaganda Fide (nay là Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc), vốn đang giữ vai trò trọng yếu do được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nhu cầu truyền giáo tại vùng đất này. Những nhân tố mới tham gia vào sứ vụ truyền giáo là: sự can dự trực tiếp của Toà Thánh, việc thiết lập các Đại diện Tông toà, việc nhấn mạnh đến các giáo sĩ bản địa, v.v… Vào thời gian này, một loạt các sự kiện lạ lùng của Giáo hội Hàn Quốc đã bắt đầu: một giáo hội duy nhất được người bản địa vun trồng, khi vào năm 1784, anh Yi Sung-hun chịu phép rửa ở Bắc Kinh với tên thánh là Phêrô, và sau đó, tại Hàn Quốc, anh đã rửa tội cho các bạn hữu của mình cùng với rất nhiều người tân tòng; giáo hội nơi đây tồn tại mà không có linh mục gần như mãi đến năm 1836. Trong giai đoạn này, sự nhiệt tâm tông đồ một cách nào đó đã bị huỷ hoại bởi điều mà Đức Piô XI gọi là “điều đáng xấu hổ của Lễ nghi Trung Hoa”, mà những vết sẹo của nó vẫn còn gây đau đớn cho đến ngày nay.[24] Một lần nữa, có nguy cơ là lịch sử vội vã kết luận rằng “đợt sóng” này là một thất bại, căn cứ vào hoàn cảnh thảm khốc ở cuối thế kỷ XVIII.[25]

V. ĐÁNH THỨC SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO THẾ KỶ XIX

Sau các cuộc chiến tranh của vua Napoléon (1814), Âu châu trải qua một cuộc canh tân giáo hội đáng kể, đặc biệt với sự bộc phát lạ kỳ của lòng hăng say truyền giáo. Một mặt, toàn thể Dân Thiên Chúa đều tham gia vào nhờ các nhóm thể chế như: Hội thiếu nhi truyền giáo, Hội truyền giáo thánh Phêrô Tông đồ, cùng các tổ chức khác; mặt khác, chưa bao giờ trong lịch sử xuất hiện nhiều Hội dòng tận hiến cho sứ vụ truyền giáo như lúc này. Hai điểm đáng chú ý: việc tham gia đông đảo của nữ giới[26] và sự vươn lên của anh em Tin lành về sứ vụ truyền giáo.[27] Hầu hết các giáo hội địa phương mà chúng ta có ngày nay đã được “vun trồng” trong thời kỳ này (ngoại trừ nước Philippines).

Sự thúc đẩy truyền giáo này gắn liền với sự bành trướng thuộc địa của Âu châu, khiến cho nhiều nhà quan sát coi như hai bộ mặt của một kế hoạch.[28] Công cuộc truyền giáo được tổ chức quy củ, sao chép lại mô hình của các giáo hội Âu châu về đạo lý, thể chế và văn hoá.

Trong khoảng thời gian này, khoa Truyền giáo học (Missiology) ra đời, mở ra cách cửa cho những ý tưởng mới.[29] Huấn quyền hoạt động tích cực hơn, đặc biệt là Đức Piô XI với Tông thư Maximum Illud (1919), kèm theo nhiều sự kiện: năm 1925, Giáo hoàng bãi bỏ vấn đề về các Nghi thức (Rites); năm 1926, ngài tấn phong các giám mục Trung Hoa đầu tiên,[30] tiếp theo là các giám mục Nhật Bản (1927) và Việt Nam (1933).

Thành quả của giai đoạn này rất tích cực ở Phi châu và Châu Đại Dương, nhưng lại không nhiều thành công ở Á châu. Tuy nhiên, cội rễ của những gì chúng ta có hôm nay đã được vun trồng, và chúng ta cần làm cho những cội rễ ấy sản sinh nhiều hoa trái hơn nữa.

SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO THỜI HẬU THUỘC ĐỊA VÀ BỐI CẢNH HIỆN NAY

Hậu bán thế kỷ XX đã mang đến một cuộc thay đổi quan trọng cho Giáo hội và thế giới. Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã mở ra tầm nhìn rộng lớn, đặc biệt đối với hoạt động truyền giáo. Quả vậy, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã xảy ra sau công đồng, điều mà mãi đến tận 20 năm sau người ta vẫn đang cố gắng phục hồi.[31] Đối với thế giới, việc giành lại độc lập tại các thuộc địa Phi châu, Á châu và vùng Thái Bình Dương đã trả lại cho họ danh dự của quốc gia. Tiến trình này có khi diễn ra êm đẹp, nhưng cũng có lúc bi đát. Công cuộc truyền giáo chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng này. Một số quốc gia đã trục xuất các vị thừa sai ngoại quốc, và rất nhiều quốc gia không chấp thuận các vị mới. Bên cạnh đó, sự tục hoá của Tây phương đã làm cạn kiệt dòng chảy nhân sự Âu châu dấn thân cho “các vùng truyền giáo”, nay đã trở thành “các giáo hội địa phương”. Lần đầu tiên trong lịch sử, các giáo hội Á châu có thể tự lập, nói được là hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc nuôi dưỡng và phát triển của mình. Hiệp nhất trong Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), các giáo hội nơi đây cố gắng tạo nên cách thức hiện diện mới của mình, và đó cũng là cách thức truyền giáo mới.[32]

Ngày nay, nỗ lực truyền giáo  thuộc về Á châu, theo các cách thức  Á châu.[33] Lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội Truyền giáo vùng Á châu (Asian Mission Congress) đã diễn ra (2006), và đã lý giải cách thức truyền giáo của châu lục này: “dùng đường lối thuật chuyện qua các câu chuyện, dụ ngôn và biểu tượng.”[34] Thông qua việc dùng đối thoại làm phương pháp, toàn thể Giáo hội đều trở thành thừa sai: “Toàn thể cộng đồng, mọi nhóm và mọi người mà chúng ta có liên hệ trong sự phục vụ, đều là tác nhân của việc loan báo Tin Mừng.”[35] Tôi dám chắc rằng niềm hy vọng trong tương lai chính là ngày hôm nay, điều này hợp lý hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng: các số liệu thống kê cho thấy người Công giáo ở Á châu chiếm 1.8% dân số (Agenzia Fides 22/10/2005).[36] Duy chỉ Hàn Quốc có sự phát triển thật sự: Từ năm 1999 đã có mức tăng trưởng hàng năm là 2-3%. Nhật Bản có xu hướng giảm; Việt Nam năm 1956 có 7.5% Công giáo, trong khi năm 2008 tỷ lệ này giảm xuống còn 7.18%.[37] Ấn Độ có 1.55% Công giáo (2005), gần như tương đương với tỷ lệ năm 1965; v.v…

Tôi sẽ không kết thúc cuộc khảo sát ngắn này mà không thêm một ghi chú về đợt sóng mới mà chúng ta hiện đang lướt tới…  đó là “truyền giáo bằng không gian mạng” (cyber-mission). Chưa đầy một thế hệ, Internet đã trở thành một “Tân Thế giới”. Chính Á châu cũng là nơi tập trung hầu hết các “lục địa kỹ thuật số” (digital continent). Triển vọng cho việc truyền giáo quả thật khó lường: chỉ ngày nay, điều này mới có thể vươn tới phần lớn trong số hàng tỷ người đang chờ đợi Chúa Kitô trong lĩnh vực rộng lớn này. Việc huấn luyện truyền giáo  phải kèm theo việc chuẩn bị những người “rao giảng Tin mừng qua internet” (i-evangelizer), vì e rằng chúng ta sẽ đánh mất cơ hội.[38] Như ĐTC nói: “Không lẽ chúng ta chẳng coi trang web như cơ hội mở ra một không gian – tựa như ‘tiền đường của dân ngoại’ trong Đền thờ Giêrusalem – cho những người chưa biết Chúa sao?’”[39] Hơn nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự hội nhập văn hoá trong sứ vụ truyền giáo; ĐTC gọi sứ vụ về kỹ thuật số là “diaconia của văn hoá”, điều này làm cho chúng ta phải suy nghĩ.[40]

Chi tiết cuối cùng mà tôi muốn trình bày trong phần này là một đề cập ngắn gọn về vai trò của người giáo dân. Chúng ta đừng quên rằng “nhờ thuộc về Đức Kitô, là Chúa và là Vua vũ hoàn, giáo dân tham dự vào chức vụ vương đế của Người, và được Người kêu gọi phục vụ Nước Thiên Chúa và làm cho Nước ấy lan tỏa trong lịch sử.”[41] Do đó: các Kitô hữu thương nhân đã mở ra cánh cửa cho việc truyền bá Tin Mừng, đối với sứ vụ của phái Nestôriô lẫn Công giáo. Các nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn là phụ nữ, đó là vợ của các vị cai trị người Mông Cổ; đặc biệt là Công chúa Sorghaghtani Beki, vợ của con trai Thành Cát Tư Hãn và là mẹ của Đại khả hãn Hốt Tất Liệt và Mông Kha Hãn. Ngày nay, vai trò của người giáo dân còn mang yếu tố quyết định hơn nữa, như chúng tôi đang nói ở đây; chỉ khi nào toàn thể mọi giáo dân trở nên một thân thể truyền giáo to lớn thì Giáo hội mới có thể nếm trải một mùa xuân thực sự ở Á châu.

SỰ THÁNH THIỆN VÀ CHỨNG TÁ TUẪN GIÁO

Đề tài “sự thánh thiện” đặt lịch sử công cuộc truyền giáo vào một chân trời hoàn toàn khác biệt. Để bắt đầu, tôi xin trích lại lời của Hồng y Dias: “Chủ đề loan báo Tin Mừng phải được xem xét trong bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc chiến đấu tâm linh, một cuộc chiến bắt đầu từ Vườn Địa Đàng với sự sa ngã của các tổ tông đầu tiên, và là hậu quả của sự thù địch khốc liệt giữa Thiên Chúa và các thiên thần phản loạn. Nếu bỏ qua bối cảnh này mà chạy theo một tầm nhìn thiển cận, thì ơn cứu độ của Chúa Kitô sẽ dễ dàng bị lãng quên như là một điều không đáng nói.”[42]

Nếu xem xét lịch sử dưới ánh sáng của nguyên tắc này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, có lẽ lúc chúng ta cho là “thất bại” thì Thiên Chúa có thể đã mỉm cười thắng lợi. Khuôn mẫu này được gọi là Calvariô: đó là thất bại hay chiến thắng? Khi nhìn lại những đợt sóng của các thừa sai, ra đi đến những vùng đất xa lạ – như tổ phụ Ápraham – chúng ta nhận thấy đức tin của các thánh tông đồ lên đường tuân theo lệnh truyền Đức Giêsu, tức là vinh quang của Thiên Chúa, và đó cũng là mục tiêu cuối cùng cho bất kỳ hoạt động nào của người Kitô hữu. Lòng nhiệt tâm tông đồ này thường đạt đến cấp độ anh hùng, vốn là định nghĩa của sự thánh thiện.[43]

Tác giả Francis X. Clark đã viết về 486 vị Hiển thánh và Chân phước người Á châu được tôn phong.[44] Thế nhưng, chúng tôi cho rằng những vị đầu tiên trong số hàng ngàn tu sĩ, chủ yếu thuộc các giáo hội Đông Syria và Giacôbita, đã sinh sống trong các đan viện từ Mesopotamia đến Trung Hoa và Ấn Độ, bao trùm những vùng rộng lớn của Trung Á: Ả Rập, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Uygur, Tácta, Ấn Độ, Trung Hoa,… thuộc mọi chủng tộc, họ rời bỏ thế gian để phụng sự một Thiên Chúa duy nhất: đây là chiến thắng của ánh sáng vượt trên bóng tối, và như thế cũng là thành công của chính sứ vụ truyền giáo. Nếu chỉ giới hạn vào Công giáo: các tu sĩ Á châu, từ những tu viện dòng Đaminh và Phanxicô thời trung cổ cho đến các Hội dòng đương thời, là những chứng nhân tiêu biểu cho sự thánh thiêng của Tin Mừng; và đó cũng là hoàn thành sứ vụ truyền giáo.[45]

Chết vì đạo là đỉnh cao của sự thánh thiện; và Á châu là lục địa có số lượng các vị tuẫn giáo lớn nhất: quả là một thành tựu cho sứ vụ truyền giáo! Khi đế quốc Rôma ngừng bách hại các Kitô hữu, quân Sassanid của Ba Tư nổi lên; từ năm 339 dưới triều vua Shapur II (309-379) cho đến năm 401, “ước tính có đến 190,000 Kitô hữu gốc Ba Tư chết trong sự khiếp sợ này…” nhiều hơn so với các cuộc bách hại của người Rôma.[46] Trong thời hiện đại ngày nay, chúng ta có thể ghi nhớ ngắn gọn rằng, ở Ấn Độ, cha Gonsalo Garcia và cha Gioan de Brito đã lần lượt được tuyên thánh năm 1629 và 1947. Tại Nhật Bản, một cuộc bách hại có tổ chức kỹ càng và hiệu quả nhất đã diễn ra với hơn 200,000 vị tuẫn giáo , tiêu biểu như thánh Phaolô Miki và các bạn.[47] Tại Hàn Quốc, hơn 10,000 vị tuẫn giáo đã được vinh danh và ĐTC Gioan Phaolô II đã tôn phong hiển thánh 103 vị ở Seoul năm 1984, dẫn đầu là thánh Anrê Kim Têgôn, cùng với thánh Chung Hasang và thánh Kim Hyoim là những vị lãnh đạo giáo dân. Việt Nam có hơn 200,000 vị  tuẫn giáo , trong số đó có 117 vị được tôn phong hiển thánh năm 1988: dẫn đầu là thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn. Trung Hoa có 120 vị tuẫn giáo được ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 2000: 33 vị thừa sai và 87 vị bản xứ; cũng có những cuộc bách hại nhỏ lẻ trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, nhưng các cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hoà Đoàn (Boxer rebellion) năm 1900 mới tạo nên những con số lớn nhất: khoảng 32,000 Kitô hữu bị tàn sát, trong số đó có 222 vị thuộc Giáo hội Chính thống.[48]

Philippines không có các vị tuẫn giáo; thánh Lorenzo Ruiz và các bạn, cùng với giáo lý viên Pedro Calungsod – người được phong Chân phước năm 2000 – là những vị “made in Japan”.

Thế kỷ XX được coi là thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, cũng như đối với các Kitô hữu tuẫn giáo.[49] Ở Á châu, chúng ta phải đề cập đến vụ diệt chủng người Armenia, do quân Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ gây ra năm 1915, dẫn đến 2,1 triệu nạn nhân.[50] Các cuộc bách hại đã bùng lên đây đó, như ở Thái Lan với bảy Chân phước Tuẫn giáo  của Songkhon năm 1940, được ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước năm 1989. Thậm chí ngày nay, trong các xã hội của người Hồi giáo, cái chết vì đạo vẫn thường có khả năng xảy ra, và tại Ấn Độ, những tín đồ Ấn giáo cuồng tín đang là mối đe doạ đối với các Kitô hữu ở nhiều vùng miền; ở khắp mọi nơi, những vị hoạt động cho công lý vẫn luôn gặp nhiều nguy hiểm.

KẾT LUẬN

Chúng ta kết luận với một sử gia: “Các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa nói qua lịch sử; và chỉ khi nào biết lịch sử này chúng ta mới có thể hy vọng giải thích những sự kiện quan trọng, như các cuộc bách hại của Nhật Bản hay sự sụp đỗ của các giáo hội Á châu. Tuy nhiên, các Kitô hữu đã quên lãng hay bỏ qua một cách có hệ thống phần lớn lịch sử của họ, điều mà chắc hẳn chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì họ chỉ gặp được một sự yên lặng dày đặc. Mất các giáo hội cổ xưa là một chuyện, nhưng mất trí nhớ và kinh nghiệm của mình một cách hoàn toàn thì lại là thảm hoạ chắc chắn gây ra thiệt hại không nhỏ.”[51] Lịch sử là một người thầy, nhưng các bài học của ông thầy này không bao giờ rõ ràng. Loạt sự kiện về sứ vụ truyền giáo ở Á châu lúc thịnh lúc suy đã được đánh giá theo từng trường hợp khác nhau; ngày nay, người ta nhấn mạnh đến sự “nhập thể”, như một thần học gia nêu lên: “Chỉ khi xuyên qua lăng kính của thế giới quan Á châu, Tin Mừng mới có thể mặc khải sự huy hoàng, vẻ sống động và nét đẹp của mình cho các dân tộc châu Á.”[52] Có lẽ chiếc đồng hồ của Thiên Chúa dành cho Á châu đang tích tắc với một nhịp điệu riêng biệt, và chúng ta phải tôn trọng mầu nhiệm này.

————————————

[1] Cha Felipe Gomez, SJ (tên Việt là Ngô Minh) sinh năm 1935 tại Tây-ban-nha, gia nhập dòng Tên năm 1953, đến Việt Nam năm 1960, thụ phong linh mục năm 1966 tại Sài Gòn. Cha theo học và tốt nghiệp tiến sĩ thần học tại viện đại học Gregoriana (Rôma). Sau đó cha về Việt Nam làm giáo sư thần học tại Giáo hoàng Học viện Đà Lạt, từ 1971-1975. Từ năm 1979 đến 2016, cha làm việc tại East Asian Pastoral Institute, Manila. Hiện nay cha đã về hưu ở nguyên quán.

[2] Ngày nay là nước Iran (chú thích của người dịch).

[3] X. C. V. CHERIYAN, A History of Christianity in Kerala, Kottayam: Kerala Historical Society C. M. S. Press 1973; L.W. BROWN, The Indian Christians of St. Thomas, Cambridge Univeristy Press, New York 1982.

[4] X. S. H. MOFFETT, A History of Christianity in Asia, Maryknoll, Orbis Books, New York 1998, p. 94.

[5] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Giáo hội ở Á châu, số 9.

[6] X. Idem, Tông thư nhân dịp kỷ niệm 1700 năm người dân Armenia chịu Phép rửa.

[7] X. S. H. MOFFETT, A History, cit., p. 208.

[8] X. J. STEWART, Nestorian Missionary Enterprise. The Story of a Church on Fire, Gorgias Press, Piscataway, New Jersey 2006 (từ phiên bản năm 1928); A. S. ATIYA, A History of Eastern Christianity, University of Notre Dame Press, Indiana 1968.

[9] Gundeshapur được phiên âm theo nhiều kiểu khác nhau: Gund-ī Shāh Pūr, Gondeshapur’, Jondishapoor, Jondishapur, và Jondishapour, Gundishapur, Gondêšâpur, Jund-e Shapur, Jundê-Shâpûr, etc., trong tiếng Syriac: Beth Lapat và trong tiếng Hy Lạp: Bendosabora.

[10] X. J. P. JENKINS, The Lost History of Christianity: the thousand-year golden age of the church in the Middle East, Africa, and Asia – and how it died, HarperCollins e-books, New York 2008, p. 7.

[11] Tấm bia này chứa 1,756 ký tự Trung Hoa và 70 từ Syriac, nói lên sự tiếp đón nồng hậu của Hoàng đế Đường Thái Tông đối với Kitô giáo, một “tôn giáo của ánh sáng”. Về tấm bia này, xin xem P. PELLIOTT, L’inscription nestorienne de Singan fou, ed. avec supléments, Antonino Forte, Kyoto et Paris 1996; J. P. JENKINS, The Lost History, cit., pp. 64-68.

[12] X. R. MALEK and P. HOFRICHTER (eds), Jingjiao: the Church of the East in China and Central Asia, Sankt Augustin. Steyler Verlag, Germany 2006.

[13] Những tên gọi này được viết rất đa dạng: Kerait, Kereit, Kereyid; Onggud, Ongud, Öngüd, Öngüt.

[14] X. I. DE RACHEWILTZ, Papal Envoys to the Great Khan., Stanford University Press, Stanford, Calif. 1971.

[15] X. I francescani e la Cina. 800 anni di storia, Edizioni Porziuncola, Assisi 2001; L. ARNOLD, Princely gifts and papal treasures the Franciscan mission to China and its influence on the art of the West 1250–1350, Desiderata Press, San Francisco 1999.

[16] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Giáo hội ở Á châu, số 9.

[17] Một số bằng chứng: Khi quân Thổ Nhĩ Kỳ phế truất Edessa vào những năm 1140 thì Michael the Syrian đã miêu tả việc thành phố Abgar, được coi như bạn hữu của Đức Kitô, “bị giẫm đạp vì sự vô đạo của chúng ta.” Đức giám mục Gioan Córdoba (thế kỷ X) miêu tả những thoả hiệp mà các Kitô hữu Tây Ban Nha phải thực hiện dưới sự  thống trị của Hồi giáo, điều mà ngài tinh tế gọi là “thảm hoạ to lớn mà chúng ta phải gánh lấy vì tội lỗi của mình.” Vào những năm 1220, Solomon of Basra chỉ ra lịch sử những chiến thắng của Hồi giáo dưới dạng tiên đoán hồi cố (retrospective prophecy): “Không phải vì yêu họ mà Thiên Chúa cho phép họ bước vào vương quốc của các Kitô hữu, nhưng bởi vì những điều vô đạo và tội lỗi mà các Kitô hữu đã làm.” X. L. E. BROWNE, The Eclipse of Christianity in Asia from the Time of Mohammed till the Fourteenth Century, Howard Fertig, New York 1967.

[18] X. J. P. JENKINS, The Lost History, cit., p. 24.

[19] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Giáo hội ở Á châu, số 9.

[20] X. A. S. HERNÁNDEZ, S.J., Las misiones bajo el patronato portugués, Madrid 1977. C. J. COSTA, A missiological conflict between Padroado and Propaganda in the East, Pilar Publ., Goa 1997.

[21] On St F. Xavier biography, Cf. Monumenta Historica Societatis Jesus: biographies by G. SCHURHAMMER (1955), và J. BRODERICK (1952).

[22] X. C.R. BOXER, The Christian Century in Japan, 1549–1650, Carcanet Press Ltd, Manchester, United Kingdom 1993.

[23] X. A. C. ROSS, A Vision Betrayed: The Jesuits in Japan and China, 1542-1742, Maryknoll, Orbis, New York 1994.

[24] X. G. MINAMIKI, The Chinese Rites Controversy from the Beginnings to Modern Times, Loyola University Press, Chicago 1985.

[25] X. J. COMBY, Deux mille ans d’évangélisation, Desclée, Paris 1992, pp. 191–193.

[26] Chỉ cần tham khảo các Tuần lễ Truyền giáo tổ chức tại Louvain: Le rôle de la femme dans les missions, (1950) và Visage nouveau de la femme missionnaire (1973).

[27] X. E. G. LEONARD, Histoire Générale du Protestantisme, PUF, Paris 1964, vol. 3, pp. 460–559.

[28] X. sự chỉ trích từ Ấn độ của M. K. PANIKKAR, Asia and Western Dominance, G. Allen & Unwin, London 1965; từ Trung Hoa: P. HARRINGTON, Peking 1900: The Boxer Rebellion, Osprey, Oxford 2001.

[29] X. J. A. B. JONGENEEL, Philosophy, Science and Theology of Mission in the 19th and 20th Centuries. A Missiological Encyclopedia, Part 2, Peter Lang, Frankfurt 1997.

[30] Trường hợp của đức cha Gregorio Lo(pez), O.P., được tấn phong ở Quảng Châu năm 1685.

[31] X. F. GÓMEZ, The Missionary Activity Twenty Years After Vatican II, “East Asian Pastoral Review” 23
(1986), 26-57.

[32] X. Báo cáo đặc biệt của FABC, A New Way of Being Church-in-Mission in Asia, http://www.sedos.org/english/FABC_Special_Report.htm, accessed on July 3, 2010.

[33] X. J. YUN–KA TAN, Missio Inter Gentes: Towards a New Paradigm in the Mission Theology of the Federation of Asian Bishops’ Conferences, “FABC Paper” 109 (2004).

[34] Thông điệp của Đại hội Truyền giáo vùng Á châu lần đầu tiên của FABC, Chiang Mai, Thailand, October 18–22, 2006; xem nhiều hơn tại M. SATURNINO DIAS (Ed.). Telling the Story of Jesus in Asia: A Celebration of Faith and Life. Asian Trading Corporation, Bangalore 2007.

[35] A Renewed Church In Asia: A Mission Of Love And Service, Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị khoáng đại lần 7 của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Samphran, Thailand, từ ngày 3 đến ngày 12 tháng giêng năm 2000.

[36] Năm 1900, tỷ lệ người Công giáo là 1,3% (bao gồm cả Philippines), theo The Catholic Encyclopedia (X. Catholic Encyclopedia, Robert Appleton Company, New York 1907).

[37] X. MGR. S. DELACROIX (ed), Histoire Universelle des Missions Catholiques, Vol.3, Grund, Paris 1957, p.
239; về tình hình hiện nay, X. LM NGUYỄN NGỌC SƠN, trong Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50 năm qua và hướng đến tương lai http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=45&ia=7469, truy cập 3-7-2010.

[38] X. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội, Giáo hội và Internet, 22-2-2002.

[39] BENEDICT XVI, Message of His Holiness Pope for the 44th World Communications Day, The Priest and Pastoral Ministry in a Digital World: New Media at the Service of the Word, Sunday, 16 May 2010.

[40] X. Ibid.

[41] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng hội đồng Christifideles laici, số. 14.

[42] Hồng y IVAN DIAS, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, gửi đến Hội nghị Lambeth của Anh giáo, 22-7-2008.

[43] X. J. D. RYAN, Missionary Saints of the High Middle Ages: Martyrdom, Popular Veneration, and Canonization, “The Catholic Historical Review”, 90 (1: 2004), pp. 1-28.

[44] X. F. X. CLARK, S.J., Asian Saints, Claretian Publications, Quezon City 2000; Cf. V. J. O’MALLEY, C. M., Saints of Asia: 1500 to the Present, Our Sunday Visitor 2007.

[45] Ấn Độ với 82,348 nữ tu chỉ xếp thứ hai sau Ý (102,089) về số lượng nữ tu trên thế giới: số liệu từ Agenzia Fides 22/10/2005.

[46] X. S. H. MOFFETT, A History, cit., p 139-145.

[47] X. Catholic Encyclopedia, Robert Appleton Company, New York 1907, voice “Japanese Martyrs”.

[48] X. P. HARRINGTON, Peking 1900, cit.; cf. J. W. ESHERICK, The Origins of the Boxer Uprising, University of California Press, Berkeley 1987; cf. D. PRESTON, The Boxer Rebellion, Berkley Publishing, Berkeley 2001.

[49] X. R. ROYAL, The Catholic Martyrs of the Twentieth Century: A Comprehensive World History, The Crossroad Publishing Company, New York 2006.

[50] Nếu chia ra thì khoảng 1,2 triệu Kitô hữu Armenia, 0,6 triệu Kitô hữu Syriac/Assyrian và 0,3 triệu Kitô hữu Chính thống Hy Lạp, một số người Georgian cũng bị giết chết. X. M. A. AHNERT, The Knock at the Door: A Journey Through the Darkness of Armenian Genocide. Beaufort Books, New York 2007.

[51] X. J. P. JENKINS, The Lost History, cit., p. 262.

[52] FELIX WILFRED, Sunset in the East?, University of Madras 1991, p. 167.