Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG BẢY

Administrator
2021-08-07 12:00 UTC+7 32
LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ Phan Tấn Thành ——————— Chương Bảy CÁC NỮ ĐAN SĨ ——————— Trong tiếng Việt, tất cả những ai đi tu đều được gọi là “tu sĩ”; nhưng trong lịch sử Kitô giáo, các nhà tu hành được gọi bằng nhiều tên khác nhau: trước tiên, có sự phân […]

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

———————

Chương Bảy

CÁC NỮ ĐAN SĨ

———————

Trong tiếng Việt, tất cả những ai đi tu đều được gọi là “tu sĩ”; nhưng trong lịch sử Kitô giáo, các nhà tu hành được gọi bằng nhiều tên khác nhau: trước tiên, có sự phân biệt giữa “giáo sĩ” và “tu sĩ”; kế đến, các tu sĩ cũng có nhiều loại: “ẩn sĩ”, “đan sĩ”, “tăng sĩ”, “khất sĩ”. Đó là nói về nam giới; còn với nữ giới thì sao? Họ được gọi bằng nhiều danh xưng, nhưng xét về cơ cấu và nếp sống thì tương đối đơn giản, bởi vì các nữ tu có thể được phân làm hai loại chính: một loại ở trong nhà kín (gọi chung là “nữ đan sĩ”), sẽ được trình bày ở chương này, và một loại hoạt động tông đồ, sẽ được bàn trong chương Mười.

Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các hình thức tu trì của nữ giới vào thời giáo phụ (mục 1), thời trung đại và cận đại (mục 2), và sau cùng, tìm hiểu ý nghĩa của nếp sống “nhà kín” dựa theo các văn kiện của Giáo hội (mục 3).

Mục 1. Thời các giáo phụ

Trong chương Một, khi bàn về những chặng khởi đầu đời sống tu trì, chúng ta đã thấy trong hàng ngũ những người đi theo Chúa Giêsu, Tân ước (cách riêng Phúc âm thánh Luca) đã nhắc đến các phụ nữ đi theo Chúa: “Cùng đi với Người, có nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Magđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuza quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,2-3). Một điều vinh dự của các bà là vào lúc Thầy bị chết trên thập giá, thì các môn đệ (nam) tẩu thoát hết, chỉ còn lại các phụ nữ, “các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilê” (Mc 15,41).

  1. Trong Giáo hội tiên khởi, bên cạnh những phụ nữ nhận được đặc sủng ngôn sứ hoặc tham gia vào công tác truyền giáo, chúng ta cần ghi nhận sự hiện diện của các trinh nữ được nói đến ở Tông đồ công vụ (21,9) và thư thứ nhất thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corintô (7,29-38)[1]. Hàng ngũ các trinh nữ và quả phụ sớm được thành hình ngay từ thời các tông phụ. Đó là thời manh nha của đời tu trì Kitô giáo.
  2. Vài học giả muốn đặt khởi điểm đời tu trì với thánh Antôn, khi ngài rút lui vào sa mạc, bởi vì kể từ đó các đan sĩ tách rời ra khỏi cộng đoàn các tín hữu. Còn nữ giới thì sao? Quan niệm thường tình không muốn cho các bà sống trên rừng rú, bởi vì họ không đủ sức chống cự với thú vật bốn chân và nhất là thú vật hai chân. Tuy vậy cũng có những sử liệu (cách riêng là các bộ sưu tập các danh ngôn sư phụ sa mạc, apophthegmata) nói đến sự hiện diện của các “sư mẫu sa mạc”: Sarra, Theodora, Sincletica[2].
  3. Đời đan tu trở thành định chế với các cộng đoàn. Từ nay ta thấy các cộng đoàn nữ bên cạnh các cộng đoàn nam.

– Thánh Pacômiô đã viết một bản luật cho các cộng đoàn của mình. Bên cạnh chín cộng đoàn nam giới cũng có hai cộng đoàn nữ giới, trong đó một cộng đoàn do bào muội Maria đứng đầu.

– Thánh Basilio đã “trở lại” nhờ người chị cả là Macrina; bà này đứng đầu một cộng đoàn tại Annesi từ năm 352. Bào đệ Grêgoriô Nyssa đã viết một hạnh tích ca tụng người chị đã để lại dấu ấn đạo đức sâu xa trong đời mình (Vita sanctae Macrinae).

– Cho đến thế kỷ XX, các học giả cho rằng bản luật thánh Âu-tinh được viết cho một cộng đoàn nữ do bà em đứng đầu, rồi sau đó mới chuyển sang giống đực (thay sorores thành fratres) áp dụng cho cộng đoàn nam.

– Mối tương quan giữa hai anh em Bênêđicto và Scolastica đã được mọi người biết đến qua bài đọc giờ Kinh Sách vào ngày 10 tháng 2 mỗi năm. Hai anh em vẫn quen gặp nhau, ít là một năm một lần. Vào lần chót, khi bà em không giữ được ông anh ở lại vì trời đã tối, bà đã cầu xin cho trời mưa tầm tã, khiến cho ông anh buộc lòng ngồi lại để hàn huyên.

  1. Ngoài ra, một đặc trưng của đời sống đan tu bên Tây phương là “cộng đoàn giáo sĩ” (monasterium clericorum) bên cạnh toà giám mục. Thế nhưng đã hơn một lần, các sử liệu cho thấy rằng đức giám mục cũng là bề trên của một cộng đoàn các trinh nữ nữa. Chẳng hạn như khi thánh Martinô ở Tours qua đời, thì ông Sulpitius Severus cho biết là cộng đoàn các trinh nữ cũng tham dự lễ an táng. Tuy nhiên, trong suốt thời giáo phụ, chỉ thấy có một bản luật được viết cho các nữ đan sĩ, đó là Regula virginum của thánh Cesarius Arles.
  2. Sau cùng, thiết tưởng không nên bỏ qua một cộng đoàn được thiết lập tại Rôma, với những nhân vật tên tuổi như Marcella, Paula, Melania; họ quen biết thánh Hiêrônymô và sau đó được di chuyển sang Belem. Một đặc trưng của nhóm này là chuyên lo vào việc học hỏi Kinh thánh.

Mục 2. Thời Trung cổ và Cận đại

Vào thời Trung đại, đời tu trì nam giới đã tăng thêm nhiều hình thức mới: các “tăng sĩ” và “khất sĩ”. Đời tu trì nữ giới cũng biến chuyển theo, tuy nhiên xét về thể chế, họ vẫn duy trì thể chế “đan viện tự trị” chứ không liên kết thành Dòng lớn; xét về nếp sống, giáo luật chỉ nhìn nhận lối sống đan tu (hay “nhà kín”). Các phụ nữ ở ngoài nội vi không được hưởng quy chế “tu sĩ”. Công đồng Trentô khẳng định kỷ luật đó.

I. Thời Trung đại

Chúng ta sẽ theo dõi các hình thức tu trì của nữ giới dựa theo sự biến chuyển của ba hình thức tu trì nam giới: đan sĩ, tăng sĩ, khất sĩ; sau đó, chúng ta sẽ xét tới những hình thức đặc hữu của nữ giới.

Tiếp theo cuộc cải tổ của Charlemagne, các đan sĩ bên Tây phương buộc phải giữ luật thánh Biển đức, còn các giáo sĩ phải giữ luật của thánh Chrodegang. Vào thời cải tổ của đức giáo hoàng Grêgôriô VII, dòng Biển đức tiến đến những cơ cấu liên hiệp với dòng Cluny, Citeaux; các “tăng sĩ” giữ luật thánh Âu-tinh.

A. Dòng Biển đức

  1. Các nữ đan sĩ dòng Biển đức không liên kết thành các “chi dòng” (congregatio) như bên nam giới. Mỗi đan viện duy trì tính cách tự trị của mình. Các viện mẫu cũng được chúc phúc như các viện phụ, cũng với những huy hiệu (mũ, gậy, thánh giá trên ngực).
  2. Dòng Xitô lúc đầu không muốn biết đến các nữ tu. Mãi một thế kỷ sau (khoảng năm 1213-1228), dòng mới nhận kết nạp các nữ đan viện. Thường các nữ đan viện được đặt dưới quyền tài phán của một viện phụ.
  3. Trong khung cảnh đời sống đan tu, thiết tưởng cũng nên ghi nhận hiện tượng “đan viện kép”, nghĩa là một cộng đoàn nam và cộng đoàn nữ được cất gần nhau. Thông thường, bề trên cộng đoàn nam cũng phụ trách cả cộng đoàn nữ, nhưng cũng không thiếu luật trừ.

– Hồi thế kỷ XII, Robert d=Arbrissel (1060-1117) đã lập tại Fontevrault ba cộng đoàn đặt dưới sự điều khiển của một Viện mẫu: cộng đoàn nữ đan sĩ (Chúa Cứu thế và Đức Mẹ), cộng đoàn nam (thánh Gioan) để phục vụ các nữ đan sĩ, cộng đoàn các nữ hối nhân (thánh Maria Madalena). Bản luật được đức Callistô II châu phê ngày 1/9/1119.

– Sang thế kỷ XIV, thánh nữ Birgitta (+1373) thành lập dòng Chúa Cứu độ (Ordo Sanctissimi Redemptoris) theo chế độ đan viện kép do Viện mẫu chỉ huy. Cộng đoàn nữ (gồm 60 phần tử) và cộng đoàn nam (gồm 13 linh mục, 4 phó tế, 8 anh em) ở dưới quyền của Viện mẫu, tượng trưng cho Đức Mẹ đứng đầu nhà Tiệc Ly. Bản luật được đức Urbanô V châu phê năm 1370.

B. Các “tăng sĩ”

Trong Giáo hội công giáo, phụ nữ không thể trở thành giáo sĩ. Tuy nhiên, không thiếu các phụ nữ mang tên là “canonissa”. Họ là những phụ nữ (phần lớn thuộc thành phần thượng lưu) giữ đời sống chung, họp thành các “capitulum” giống như các giáo sĩ, tuyên hứa giữ luật thánh Chrodegang (hoặc về sau là luật thánh Âu-tinh), nhưng chỉ có hai lời khấn là vâng lời và khiết tịnh. Công tác thường nhật gồm việc đọc kinh Thần vụ và phụ trách giáo dục các thiếu nữ. Tiếc rằng không phải tất cả những người gia nhập các đoàn này đều do động lực siêu nhiên thúc đẩy, đặc biệt khi mà người lãnh đạo (mang tước hiệu “viện mẫu”) cũng được được đối xử ngang với các vương tước và được thần dân suy phục.

Khi các “tăng sĩ” (canonici) chấp nhận các cuộc cải tổ kỷ luật, thì một số canonissa cũng muốn đi vào khuôn khổ, và nhờ dòng Prémontré bảo trợ. Trước những do dự của tổng hội Prémontré, họ xin gia nhập dòng Xitô, và áp dụng nếp sống đan tu.

C. Các Dòng hành khất

Các Dòng hành khất có một ngành nữ, quen gọi là “Dòng nhì”, những với những nguồn gốc khác nhau.

1/ Không rõ thánh Đa-minh có ý tưởng lập một dòng nữ hay không. Đan viện đầu tiên ở Prouilhe là cộng đoàn được giám mục Tolouse uỷ thác, nhằm huấn luyện những phụ nữ từ lạc giáo Cathares trở về. Đan viện thứ hai ở Rôma thì do giáo hoàng trao phó để cải tổ các đan viện sa sút ở giáo đô. Có lẽ vì thế mà các tổng hội dùng dằng trong việc chấp nhận hướng dẫn các đan viện (việc sát nhập chỉ trở thành vĩnh viễn kể từ năm 1267). Dù sao ta thấy sự khác biệt rất lớn giữa ngành nam và ngành nữ. Các nam tu sĩ mang một sứ vụ giảng thuyết với tầm mức phổ quát, vì thế họ không gắn liền với một tu viện nhất định, và chỉ gắn bó với dòng, bao gồm nhiều tỉnh và tu viện. Ngành nữ thì vẫn duy trì cơ cấu cố định của đan viện: mỗi đan viện là một đơn vị tự lập, và các phần tử chuyên lo việc cầu nguyện chứ không tham gia vào công cuộc giảng thuyết.

2/ Lịch sử của ngành nữ dòng Phan-sinh thì khác hẳn. Lúc đầu thánh Clara cũng muốn thực hành lối sống khất thực như các anh em Hèn mọn, nhưng chị bị cưỡng bách phải chấp nhận chế độ lũy kín. Từ năm 1215, chị Clara mang danh hiệu là “viện mẫu” San Damiano, và giữ luật thánh Biển đức. Mãi tới khi sắp qua đời Toà thánh mới châu phê bản luật do chị viết ra. Đây là bản luật thứ năm được thử nghiệm ở San Damiano (bản luật thứ I do hồng y Hugolino soạn năm 1219). Luật thánh Clara là bản luật đầu tiên do một phụ nữ viết cho nữ giới. Tuy nhiên xét về cơ cấu thì không có gì thay đổi, bởi vì luật đó chỉ có giá trị cho đan viện San Damiano ở Assisi, và mỗi đan viện đều tự trị, chứ không biết đến những cơ cấu trung ương của một “Dòng” và tỉnh dòng.

Nên biết là đến khi xảy ra cuộc cải tổ các dòng hành khất (đưa tới sự phân rẽ các ngành “nhiệm nhặt” và “viện tu”, thì các ngành nữ cũng bị lôi cuốn theo, điển hình như dòng Clara, với bốn nhánh (Clarisse, Cappuccine, Clarisse Colettine, Clarisse Urbaniste).

  1. Dòng Cát-minh chỉ nhận ngành nữ từ năm 1452, nhưng không lâu sau, ngành nữ cũng chia làm hai nhánh (Carmelitane / Carmelitane Scalze), tiếp theo cuộc cải tổ của thánh nữ Teresa Avila.

D. Các phụ nữ ngoài nội vi

Trên đây là những hình thức tu trì nữ giới được kết hợp thành cộng đoàn và tuyên khấn theo một bản luật. Ngoài ra còn nhiều hình thức khác, không được giáo luật nhìn nhận.

  1. Vào thời các giáo phụ, các trinh nữ tận hiến họp thành một hàng ngũ trong Giáo hội, tuy họ sống với gia đình. Với sự phát triển của các cộng đoàn đan tu, hàng ngũ các trinh nữ tận hiến biến mất. Tuy nhiên, vẫn có những phụ nữ tận hiến cho Thiên Chúa, gọi là “khấn tư”.
  2. Một hiện tượng đặc biệt của thời Trung cổ là những phong trào đạo đức, tựa như nhóm “Hối nhân” (Penitentes) nguồn gốc của các “Dòng Ba” đã nói trên đây. Một hình thức tu trì mới được nhen nhúm nơi nhóm Beguines, nhưng không thành công.

Xét về nguồn gốc danh xưng đã có ít là bốn lối giải thích: a) “beguinus, beguina” phát xuất từ Albigensis; b) danh xưng beguine ám chỉ màu vải beige mà họ dùng làm y phục; c) danh xưng bắt nguồn bởi động từ beghen là cầu nguyện; d) tên vị sáng lập là Lambert le Bègue (+1180), một linh mục giáo phận Liège.

Nguồn gốc danh xưng không rõ rệt, nguồn gốc lịch sử cũng chẳng sáng sủa hơn! Không ai biết rõ nhóm này ra đời vào hòan cảnh nào, do ai sáng lập. Chỉ biết rằng vào cuối thế kỷ XII, tại Hoà lan, Bỉ và những vùng lân cận, có một nhóm phụ nữ muốn sống một hình thức tu trì khác với nếp sống của các đan viện xưa nay.

Những phụ nữ này sống gần các thánh đường của các dòng hành khất. Có khi họ sống riêng rẽ, nhưng thường họ sống thành nhóm gọi là béguinage. Nếp sống của họ thanh bần đạm bạc, với chủ trương bắt chước Chúa Kitô. Họ sinh sống bằng việc may, đan, thêu thùa, và nhất là nghề dệt (một công nghệ đang trên đường phát triển vào thời đó). Vài người cũng chăm sóc những người già yếu bệnh tật, hoặc giáo dục thiếu nhi. Họ năng họp nhau cầu nguyện chung tại nhà thờ. Họ không tuyên khấn vĩnh viễn, nhưng chỉ hứa tuân giữ đức khiết tịnh bao lâu sống trong cộng đòan. Họ cũng hứa tuân giữ nội quy của nhà và bề trên. Các hội viên được thong dong, muốn rời bỏ cộng đòan lúc nào cũng được, để trở về nhà riêng hoặc để lấy chồng.

Với dòng thời gian, các nhóm beguines tăng số, và đôi khi họp thành một khu phố với thánh đường riêng. Vì thế vấn đề cơ cấu tổ chức cũng được đặt ra. Mặt khác, nhiều người nhìn họ với cặp mắt không mấy thiện cảm. Một đàng nếp sống của họ gây được sự khâm phục của nhiều người. Đàng khác, họ sống lập lững giữa trạng thái nữ tu (mà không chịu vào đan viện) và trạng thái giáo dân (mà không lập gia đình), khiến cho giáo quyền không kiểm sóat được họ.

Tình trạng trở nên căng thẳng hơn khi công đồng họp tại Vienne (1311-12) kết án một vài phần tử trong nhóm bị kết tội lạc giáo vì đi theo phái Fratres de libero spiritu[3] và đòi giải tán các beguinage. Một năm trước đó (1310), tại Paris, chị Marguerite Porete bị kết án thiêu sinh vì phạm tội lạc giáo. Mười năm sau (1321), đức Gioan XXII đã nới rộng lệnh của công đồng, và cho phép họ được tiếp tục nếp sống.

Mặt khác, sang thế kỷ XIV, nhiều nhóm beguine bên Đức nhờ các tu sĩ Đaminh hướng dẫn, và không ít cộng đòan beguine đã trở thành đan viện Đaminh.

II. Thời cận đại

Ngay từ cuối thế kỷ XIII, đức Bonifatius VIII (constitutio Periculoso et detestabili, ngày 5/5/1281) đã ra lệnh buộc tất cả các nữ tu với lời khấn trọng thể phải tuân giữ “tường kín”, nghĩa là áp đặt kỷ luật của dòng Clara cho các dòng nữ Xitô, Prémontré, Đaminh. Các nữ tu với lời khấn đơn không bị chi phối bởi biện pháp đó.

Từ thế kỷ XV, người ta thấy các cộng đoàn hội viên Dòng ba sống chung dựa theo những bản luật được Toà thánh phê chuẩn: dòng Đa-minh do đức Julius II (const. Considerantes, 14/3/1509), dòng Phan-sinh do đức Leo X (const. Inter cetera, 20/1/1521). Họ không chỉ chú tâm vào việc đọc kinh hãm mình, nhưng còn dấn thân vào việc bác ái xã hội, đặc biệt là săn sóc bệnh nhân và giáo dục thiếu nữ.

Trong kế hoạch chấn hưng kỷ luật giáo sĩ và tu sĩ, công đồng Trentô (năm 1563, sessio XXV, de Regularibus et Monialibus) lặp lại những biện pháp của đức Bonifatius VIII, nghĩa là các nữ tu có lời khấn trọng buộc phải tuân giữ tường kín; luật này không ràng buộc các nữ tu với lời khấn đơn.

Tuy nhiên, sau công đồng Trentô, đức thánh cha Piô V (1566-1571) siết chặt hơn nữa: tất cả các nữ tu (kể cả những cộng đoàn Dòng Ba) đều phải giữ luật tường kín (constitutio Circa pastoralis ngày 29/5/1566, được lặp lại trong constitutio Lubricum vitae genus hai năm sau, ngày 17/11/1568).

Với biện pháp này, các “nữ tu” được đồng hoá với các “nữ đan sĩ”; những ai sống ngoài tường kín sẽ không được giáo luật nhìn nhận như nữ tu (chẳng hạn trường hợp của các Nữ tử Bác Ái của thánh Vincent de Paul). Tình trạng này chính thức kéo dài cho tới năm 1900.

Tại sao giáo luật đặt ra những quy luật khắt khe như thế? Bên cạnh những ý nghĩa thần học sẽ được phân tích trong mục sắp tới, thiết tưởng chúng ta bỏ qua tình trạng sa sút của đời sống tu trì vào thời đó. Trong quyển Tự thuật (t.I, ch.7) thánh Teresa Avila đã viết rằng đời sống trong nhà dòng dẫn xuống hỏa ngục thay vì lên thiên đàng! Thánh Carolo Borromeo thú nhận rằng có nhiều nhà quý tộc đưa con gái mình vào đan viện vì không kiếm được chồng, nhưng các cô đâu chịu khước từ các thứ vui chơi! Cuộc cải tổ tại nữ đan viện Xitô ở Port-Royal thường được trưng dẫn như một thí dụ. Jacqueline Arnaud được chỉ định làm viện mẫu khi mới lên 11 tuổi (nhưng khai gian với Toà Thánh là đã đủ 18 tuổi). May thay khi lên 17 tuổi Mẹ Angélique Arnaud bắt đầu thực hiện cuộc cải tổ đan viện, và kế đó được mời cải tổ đan viện Maubuisson nơi mà viện mẫu (Mẹ Angélique d=Estrées) đã có 12 đứa con khác cha[4].

Mục 3. Ý nghĩa đời tu “kín”

I. Từ ngữ

Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng cần xác định vài từ ngữ. Đời tu “kín” thường được hiểu như là đồng nghĩa với “chiêm niệm”, và đối lại với đời tu “hở” hoặc “hoạt động”. Quan niệm như vậy không đúng.

1/ Dòng kín

Khi nói đến “dòng kín”, người ta hiểu là một nhà dòng “kín cổng cao tường”. Trong nguyên ngữ latinh, clausura có nghĩa là sự đóng lại (bởi động từ claudere: đóng, khóa); rồi từ đó, cũng được hiểu về những dụng cụ dùng để phân định ranh giới sở hữu (chẳng hạn như bờ rào, bức tường).

Áp dụng vào đời tu, clausura được hiểu không chỉ như là cổng tường ngăn cách tu viện với thế giới bên ngoài, mà như là một kỷ luật liên quan đến sự ra vào (quen dịch là “nội vi”, tiếng Pháp: clôture; tiếng Anh: enclosure). Giáo luật phân biệt hai khía cạnh: clausura activa (tu sĩ đi ra nhà dòng) và clausura passiva (người ngoài đi vào nhà dòng).

Kỷ luật này được đặt ra vì nhiều lý do. Một đàng để ngăn ngừa các tu sĩ khỏi chạy rông (activa). Đàng khác, để duy trì bầu khí yên tĩnh, tránh không để cho người đời đến chuyện trò, lui tới như cái chợ (passiva)! Những lý do này có giá trị cho cả nam giới lẫn nữ giới. Riêng đối với các nữ tu, một lý do khá quan trọng nữa là đức khiết tịnh. Các nữ tu không muốn bị liệt vào “phái yếu”, nhưng chắc là thích được xếp vào “phái đẹp”. Vì là phái đẹp cho nên nhiều công tử muốn tán tỉnh; bởi thế tường lũy càng kiên cố bao nhiêu thì đời tu càng được bảo đảm bấy nhiêu.

Tuy nhiên, đừng tưởng rằng chỉ có các “nhà kín” mới buộc giữ luật nội vi. Tất cả các dòng tu đều phải giữ nội vi, tuy với những cấp độ khác nhau tuỳ theo sứ mạng riêng (Bộ giáo luật, điều 667). Các đan viện chiêm niệm thì giữ một nội vi chặt chẽ hơn.

2/ Dòng chiêm niệm

Đừng nên đồng hoá dòng “chiêm niệm” với “nhà kín”. Trong giáo luật hiện hành, chế độ “nhà kín” thường chỉ áp dụng cho nữ giới, đang khi mà dòng “chiêm niệm” bao gồm cả những dòng nam giới nữa. Ngoài ra, nhiều dòng nữ sống đời chiêm niệm nhưng không ở trong “nhà kín”. Vì thế cần phải phân biệt nhiều hình thức chiêm niệm:

  1. a) Tất cả các tu sĩ đều phải sống đời chiêm niệm. Điều này đã được một văn kiện của Bộ Tu sĩ nêu bật trong một văn kiện tựa đề “Chiều kích chiêm niệm trong đời tu” (12/8/1980).
  2. b) Một số dòng tu đã lựa chọn “sống hoàn toàn đời chiêm niệm” (instituta integre ad contemplationem ordinantur), hay cũng có thể nói là “đời chiêm niệm theo giáo luật” (vita contemplativa canonica). Trước đây, khi tìm hiểu thần học về đời tu, chúng ta đã thấy thánh Tôma phân biệt giữa “sự trọn lành” và “hàng ngũ trọn lành”: sự “trọn lành” là một thực tại huyền nhiệm, diễn ra trong nội tâm; “hàng ngũ trọn lành” là một nếp sống dựa trên những quy định của giáo luật. Sự trọn lành là mục tiêu mà những người gia nhập hàng ngũ phải nhắm tới, nhưng không nhất thiết trùng hợp với nhau. Ta cũng có thể áp dụng sự phân biệt như vậy khi nói đến “các dòng sống đời chiêm niệm theo giáo luật”: họ chấp nhận một chế độ do giáo luật ấn định nhằm cổ võ sự chiêm niệm.

II. Kỷ luật dòng kín

Ở đây chúng tôi muốn bàn riêng các dòng nữ tu sống đời chiêm niệm. Nói chung, các dòng này có các đặc trưng như sau:

  1. Họ chuyên vào việc cầu nguyện và các hoạt động ở trong khuôn viên của tu viện. Đây là một nét phân biệt với các dòng “hoạt động tông đồ”.
  2. Xét về cơ chế, họ được tổ chức theo cơ cấu đan viện tự trị, chứ không quy tụ thành “tỉnh” hay “toàn dòng”. Giả như các đan viện có liên hiệp (hay liên minh) đi nữa, thì các cơ quan này chỉ mang tính cách hỗ trợ tinh thần, chứ không có quyền hành pháp lý.
  3. Các đan viện này phải tuân giữ một kỷ luật nội vi chặt chẽ. Kỷ luật này đã thay đổi khá nhiều kể từ công đồng Vaticanô II, qua các văn kiện sau:

– Huấn thị Venite seorsum của Bộ Tu sĩ (15/8/1969).

– Huấn thị Verbi sponsa của Bộ Tu sĩ (19/5/1999).

Cạnh những quy định tổng quát, mỗi dòng còn có thể xác định chi tiết trong Hiến pháp hay nội quy của mình.

III. Ý nghĩa thần học

Hai huấn thị vừa liệt kê đều gồm hai phần: một phần bàn về ý nghĩa thần học (mang tính cách trường cửu), một phần mang tính cách pháp lý (thay đổi tuỳ nơi thuỳ thời). Ở đây chúng tôi chỉ chú ý đến ý nghĩa thần học.

Bàn về giá trị của các dòng thuần tuý chiêm niệm, tông huấn Đời sống thánh hiến số 8 viết như sau:

Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm… là một lý do hãnh diện của Giáo hội và một nguồn mạch đưa lại những ân sủng thiên quốc. Nhờ nếp sống và sứ mạng của họ, những phần tử của các Dòng ấy bắt chước Chúa Kitô cầu nguyện trên núi, họ làm chứng về quyền chủ tể của Thiên Chúa trên lịch sử, họ tiên báo vinh quang mai ngày sẽ đến.

Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, cử hành phụng vụ, khổ chế cá nhân, kinh nguyện, hãm mình và hiệp thông vào tình yêu huynh đệ, họ hướng toàn thể đời sống và toàn thể sinh hoạt vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như thế họ cống hiến cho cộng đồng Giáo hội một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo hội dành cho Chúa, và góp phần với sức phong nhiêu tông đồ huyền diệu vào sự tăng trưởng của Dân Thiên Chúa.

Vì vậy, thật hợp lý khi ước mong rằng các hình thức khác nhau của nếp sống chiêm niệm sẽ càng ngày càng được phổ biến trong các Giáo hội trẻ, như là dấu hiệu cho thấy Tin mừng đã bén rễ sâu, đặc biệt là tại các miền mà các tôn giáo khác đã bành trướng hơn. Dó cũng là cơ hội để cho thấy sinh lực của các truyền thống khổ chê và thần bí của Kitô giáo cũng như hỗ trợ cho cuộc đối thoại liên tôn giáo nữa.

Những điểm vừa nói được đào sâu hơn ở số 59, dành cho các nữ đan sĩ thuộc dòng kín, nêu bật ba điểm sau đây: a/ bắt chước Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi; b/ tham dự vào sự cô đơn của Chúa Giêsu trong vườn Cây dầu; c/ tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Chúa trên thập giá, bằng sự thinh lặng và tự hủy như biểu hiệu của tình yêu và sự hiến dâng vô-điều-kiện.

————————————-

[1] Vai trò của phụ nữ trong Hội thánh nguyên thuỷ, xc. Về Nguồn tập II, trang 120-125.

[2] I. Gobry, Storia del monachesimo, vol. I, p.167-188.

[3] Một khuynh hướng (phát triển trong từ 1260 đến 1400) chủ trương kết hiệp với Thiên Chúa tới mức độ cảm nghiệm hòa đồng với Ngài. Các phần tử cũng coi nhẹ luật lệ luân lý và các cơ chế của Giáo hội.

[4] R. Lemoine, Le droit des religieux du concile de Trente aux Instituts séculiers, Desclée de Brouwer, Bruges 1955, p. 32.