Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC KITÔ GIÁO BỐN THẾ KỶ ĐẦU

Administrator
2022-05-12 10:00 UTC+7 31
Nguyễn Long Quân Trích Thời sự Thần học, Số 89 (tháng 8 – 2020) Mở đầu Thông thường, khi nói đến Kitô giáo thời sơ khai, người ta thường nghĩ đến các tông đồ, tông phụ, giáo phụ hay học giả nổi tiếng, phần lớn là nam giới. Tuy nhiên, chắc chắn rằng phụ nữ […]

Nguyễn Long Quân

Trích Thời sự Thần học, Số 89 (tháng 8 – 2020)

Mở đầu

Thông thường, khi nói đến Kitô giáo thời sơ khai, người ta thường nghĩ đến các tông đồ, tông phụ, giáo phụ hay học giả nổi tiếng, phần lớn là nam giới. Tuy nhiên, chắc chắn rằng phụ nữ cũng có những vai trò quan trọng trong các giáo đoàn, và những gì họ đã dấn thân cho đức tin, cho Tin Mừng, cho Kitô giáo sẽ chẳng thua kém bất kỳ một bậc nam nhi nào cùng thời. Bài viết này giới thiệu một vài gương mặt nữ giới tiêu biểu vào thời Giáo hội sơ khai. Họ là những chứng nhân Tin mừng, không ngại hy sinh cả mạng sống để bảo vệ đức tin và chân lý Kitô giáo; là những nhà tư tưởng vĩ đại, đến cả các giáo phụ danh tiếng cũng phải công nhận; và cũng là những người đi tiên phong cho công cuộc giải phóng khỏi vòng vây kìm hãm phụ nữ trong bối cảnh xã hội đương thời. Bài này không có tham vọng trình bày sự đóng góp của các phụ nữ vào đời sống Giáo hội sơ khai nhưng chỉ điểm qua vài khuôn mặt nổi bật được ghi lại trong các tác phẩm văn học thuộc bốn thế kỷ đầu: đôi khi họ không chỉ được nhắc đến tên tuổi trong các tác phẩm ấy mà chính họ là tác giả văn phẩm nữa[1]. Các nhân vật này được xếp theo thứ tự thời gian.

————————

Nội dung:

I. Thế kỷ I-II: nối gót các thánh Tông đồ: thánh Têcla

II. Thế kỷ II-IV: các chứng nhân tuẫn giáo

A. Thánh Perpetua và thánh Felicita

B. Thánh Blandina

C. Thánh Agnes

III. Thế kỷ IV: những bà mẹ Giáo hội

A. Bà mẹ của đất thánh: thánh Helena

B. Tin mừng và văn hóa: thi sĩ Proba

C. Bà mẹ một giáo phụ: thánh Monica

D. Góa phụ: thánh Olympias (Constantinopolis) và bà Proba (Rôma)

E. Ký sự hành hương: bà Egeria

————————

I. Hai thế kỷ đầu. Nối gót các thánh Tông đồ dấn thân loan báo Tin mừng: thánh Têcla

Các văn phẩm cổ điển nhất của Kitô giáo là Tân ước, thuật lại lời giảng và hoạt động của Đức Giêsu và các thánh Tông đồ.

A. Bối cảnh

Trong tông thư “Phẩm giá phụ nữ” (Mulieris dignitatem, ngày 15 tháng 8 năm 1988), ĐTC Gioan Phaolô II nêu bật rằng, không những Đức Giêsu đã tôn trọng phẩm giá của người phụ nữ, chống lại những hình thức kỳ thị của não trạng đương thời, nhưng còn mời gọi họ tham gia vào sứ vụ của Người. Ta nhận thấy sự hiện diện của các phụ nữ trong số những môn đệ đầu tiên (Lc 8,2) và họ đi theo Người cho đến thập giá (Lc 24,49). Họ được ủy thác cách riêng sứ mạng loan báo tin mừng Chúa Phục sinh (Lc 24,10), trong đó nổi bật nhất là bà Maria Magdala (Ga 20,11-18).

Thánh Phaolô thường bị tố cáo là kỳ thị phụ nữ, bắt các bà vợ phải phục tùng chồng (Ep 5,22) và không cho phép các bà lên tiếng trong các buổi họp cộng đồng (1Cr 14,33-36; 1Tm 2,11-15). Tuy nhiên, nếu đọc toàn bộ các thư cũng như hoạt động của ngài được thuật lại trong sách Tông đồ công vụ, chúng ta cần phải dè dặt hơn khi phê phán quan điểm của thánh nhân. Thật vậy, ở Gl 3,28, thánh Tông đồ thẳng thắn tuyên bố: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”. Trên thực tế, các phụ nữ đã tích cực tham gia vào công cuộc loan báo Tin mừng của ngài, như có thể đọc thấy trong chương 16, kết thúc lá thư gửi giáo đoàn Rôma, ngài gửi lời chào thăm 27 người trong đó có 8 phụ nữ, cộng thêm 2 người không tên (bà mẹ anh Ru-phô và em gái của anh Nê-rê): “Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phê-bê, người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá Hội Thánh Ken-khơ-rê… Tôi xin gửi lời thăm chị Pơ-rít-ca và anh A-qui-la, những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Ki-tô Giê-su; hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi… Xin gửi lời thăm chị Ma-ri-a…, Giu-ni-a,… hai chị Try-phen và Try-phô-xa, những người đang vất vả vì Chúa,… Péc-xi-đê, chị Giulia”. Bà Prisca và ông chồng Aquila còn được nhắc đến ở cuối thư thứ nhất Côrintô (16,19). Sách Tông đồ Công vụ cũng cho chúng ta biết các nữ cộng sự viên đắc lực của thánh Phaolô, chẳng hạn như bà Liđia ở Philipphê (Cv 16,11-15.40) và bà Prisca (hay Priscilla) ở Côrintô (Cv 18,2-3).

Những nhân vật ấy đã khơi dậy nhiều phụ nữ cũng muốn dấn thân cho công cuộc truyền giáo, đặc biệt là Têcla, đầu đề của một tác phẩm “Công vụ của thánh Phaolô và thánh Têcla” (Acta Pauli et Theclae), ra đời vào thế kỷ II, có nguyên gốc bằng tiếng Hy-lạp.

Tuy bị giáo phụ Tertullianô xếp vào hạng tiểu thuyết giả mạo[2], nhưng không phải mọi người đều nghĩ như vậy. Hai trăm năm sau thời giáo phụ Tertullianô, một vài bản sao của công vụ này đã được đọc lên trước công chúng để tưởng nhớ vị thánh nữ Têcla. Đối với các Kitô hữu sơ khai, dù cho bản văn có đáng tin cậy hay không thì thánh Têcla vẫn là một nhân vật lịch sử có thật. Truyền thống Hội thánh đã làm chứng cho điều này. Chúng ta biết rằng, từ thời sơ khai đã có các nhà thờ được dành riêng để kính nhớ cô. Câu chuyện về thánh nữ đã khơi lên ý tưởng và làm thay đổi nhiều nữ Kitô hữu thời kỳ sơ khai. Rất có thể tác giả của bản công vụ này chịu ảnh hưởng bởi phái Ngộ đạo, chống lại đời sống hôn nhân và đề cao sự khiết tịnh, một ý kiến được cho là của thánh Phaolô.

Tương truyền, thánh nữ đã bất tuân cha mẹ, từ chối địa vị cao sang khi quyết định không kết hôn dù đã được đính hôn trước đó, bởi lẽ cô muốn đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, sống một cuộc đời dành trọn cho Chúa dù phải trải qua nhiều thử thách cam go. Cô bất chấp mọi truyền thống quyền bính nam giới lúc bấy giờ để tự do hành động theo ý muốn của mình. Thậm chí cô còn cắt tóc ngắn và mặc quần áo nam giới để có thể ra khỏi nhà và tìm gặp thánh Phaolô. Cô là hình mẫu cho mọi nữ Kitô hữu trên khắp đế quốc Rôma. Dĩ nhiên, những người theo truyền thống ngoại giáo rất khó chịu vì họ thấy rằng Kitô giáo thực sự đã phá hủy các giá trị về gia đình của người Rôma.

B. Trình thuật

Sau đây là một vài câu chuyện về thánh nữ Têcla. Các Kitô hữu đã kể đi kể lại trong nhiều thế kỷ để truyền cảm hứng cho các thế hệ thiếu nữ Kitô hữu sau này.

1. Têcla từ chối vị hôn phu (x. Công vụ của Phaolô và Têcla, 2-5)

Trong khi thánh Phaolô đang giảng đạo tại nhà của ông Onesiphorus thì có một trinh nữ tên là Têcla ngồi ở cửa sổ gần đó. Cô là con gái của bà Theocleia và đã hứa hôn với một người đàn ông tên là Thamyris. Cả ngày lẫn đêm, Têcla say mê lắng nghe thánh Phaolô nói về sự trinh trắng và sự cầu nguyện. Cô không bao giờ rời mắt khỏi cửa sổ và bắt đầu suy nghĩ về đức tin của mình với một niềm vui lớn. Khi thấy có nhiều phụ nữ đi cùng thánh Phaolô, cô cũng muốn như thế. Cô tha thiết mong được ngồi trước thánh Phaolô để nghe lời của Chúa Kitô, vì cô chưa bao giờ được thấy vị tông đồ mà chỉ được nghe lời của ngài mà thôi.

Tuy nhiên, vì thấy con gái không rời khỏi cửa sổ nên mẹ cô đã lo lắng và bà tìm gặp Thamyris, người đã hứa hôn với Têcla, để bảo anh đến nói chuyện với cô. Dầu vậy, Têcla không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của Thamyris lẫn thân mẫu, cô vẫn chăm chú lắng nghe những lời của thánh Phaolô. Vì thế, họ kêu khóc thảm thiết – Thamyris khóc vì mất vợ, bà Theocleia khóc vì mất con, đứa tớ gái khóc vì mất cô chủ.

Sau đó Thamyris tìm gặp hai người đàn ông tên là Demas và Ermogenes để dò hỏi về người đang giảng đạo ở đây. Demas và Ermogenes cho biết người ấy dạy rằng, con người chỉ được phục sinh khi còn trinh trắng, luôn giữ sự trinh trắng ấy chứ không làm ô uế thân xác. Thế rồi Thamyris được Demas và Ermogenes bày kế tìm cách bắt giải thánh Phaolô, vị giảng đạo, tới tổng trấn Castelios với lý do là thánh nhân đã thuyết phục dân chúng tiếp nhận một giáo huấn mới mẻ của các Kitô hữu.

Sáng hôm sau, Thamyris dẫn theo các quan viên chức, quân lính và một đám đông lớn có dùi cui đến nhà ông Onesiphorus để tìm bắt thánh Phaolô và giải lên tổng trấn. Trước vị tổng trấn, thánh Phaolô dõng dạc tuyên bố Thiên Chúa đã sai ngài ra đi để đưa nhân loại thoát khỏi sự trụy lạc, ô uế, khoái lạc và cái chết, để nhân loại không phạm tội nữa. Ngài khuyên bảo mọi người đặt niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa sai đến, để con người không còn bị phán xét. Trái lại, con người sẽ có niềm tin, lòng kính sợ Thiên Chúa, hiểu biết về sự thánh thiện và yêu mến chân lý. Thế nhưng tổng trấn đã ra lệnh bắt trói thánh Phaolô và tống ngài vào tù.

Nghe tin ấy, Têcla vội vã đến thăm thánh nhân vào ban đêm. Cô trao chiếc vòng đeo tay của mình cho tên gác cổng để được mở cửa. Khi vào trong tù, cô lại đưa cho tên cai ngục một chiếc gương bạc. Rồi cô đi đến nơi giam giữ thánh Phaolô và ngồi dưới chân ngài, lắng nghe những điều tuyệt vời về Thiên Chúa. Trước lòng tin tưởng hoàn toàn của thánh Phaolô vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đức tin của Têcla cũng được mạnh mẽ thêm. Cô hôn lấy gông cùm đang trói buộc thánh nhân.

Biết tin, Thamyris đã tụ họp đám đông và đi báo với tổng trấn. Tổng trấn bèn giải thánh nhân và cả Têcla ra tòa. Têcla bước đi với dáng vẻ vui mừng. Khi thấy thánh Phaolô được đưa ra ngoài, đám đông lớn tiếng la hét: “Hắn ta là một phù thủy! Trục xuất hắn đi!” Tuy nhiên tổng trấn lại hết sức vui mừng khi nghe thánh Phaolô nói về các việc làm linh thánh của Đức Kitô. Rồi tổng trấn triệu tập hội đồng và gọi Têcla đến, ông nói: “Tại sao ngươi không vâng lời Thamyris, theo luật của thành Iconiô?” nhưng cô gái trẻ đứng im và nhìn về phía thánh Phaolô.

Đám đông thì lớn tiếng đòi thiêu sống Têcla vì cô không chịu kết hôn. Họ lo sợ cô sẽ gây nên một tiền lệ không tốt. Tổng trấn cho đánh đòn thánh Phaolô và trục xuất ngài ra khỏi thành phố, còn Têcla thì ông kết án bị thiêu sống. Toàn bộ đám đông kéo đến nơi hành hình Têcla.

Như con chiên chốn hoang dã tìm kiếm vị chủ chăn, cô gái trẻ vẫn tiếp tục tìm kiếm thánh Phaolô giữa đám đông như thế. Rồi khi nhìn vào đám đông, cô thấy Chúa đang ngồi giống như thánh Phaolô vậy, và cô cất tiếng: “Con không thể chấp nhận số phận của con, ngài Phaolô đã đến gặp con”. Cô nhìn chăm chú vào Người và Người lên trời.

Khi nhìn thấy Têcla trần truồng đi lên đóng củi để chuẩn bị hành hình, tổng trấn đã khóc và ngạc nhiên trước sức mạnh trong cô. Điều kỳ diệu đã xảy ra, ngọn lửa cháy bừng nhưng không chạm đến cô. Thiên Chúa đã thương xót cô, Người gây động đất và cho một đám mây bay tới bao phủ nơi đó. Mưa đã trút xuống, có cả mưa đá làm cho nhiều người suýt chết. Thế là ngọn lửa bị dập tắt và Têcla được cứu.

2. Têcla chiến đấu với dã thú (x. Công vụ của Phaolô và Têcla, 7-9).

Sau đó Têcla đi cùng thánh Phaolô đến Antiôkia. Cô mong muốn được rửa tội ngay lập tức nhưng thánh Phaolô bảo cô hãy chờ đợi thêm. Tại Antiôkia, có một người đàn ông quý tộc tên là Alexander đem lòng yêu mến cô. Có lần, anh ta đã ôm cô trên đường nhưng bị cô xé toang áo choàng và kéo rớt vương miệng trên đầu. Xấu hổ vì điều này, Alexander giải cô đến tổng trấn, và cô bị kết án phải chiến đấu với dã thú. Têcla không hề sợ hãi, cô nài xin tổng trấn cho mình được giữ trọn sự thanh khiết cho tới lúc phải lâm trận với những con thú.

Đến giờ biểu diễn dã thú, người ta trói cô trước một con sư tử cái hung tợn. Điều lạ lùng là con sư tử không làm gì cô mà lại để cô ngồi trên mình nó, và nó liếm chân cô. Cả đám đông vô cùng kinh ngạc, họ đồng lòng lên án bản án bất công này đối với Têcla.

Hôm sau, quân lính lại dẫn Têcla đến đấu trường. Họ lột quần áo của cô, đưa cho cô một dây thắt lưng và ném cô vào đấu trường cùng với nhiều con sư tử đực và gấu, nhưng chỉ có một con sư tử cái. Điều kỳ lạ tiếp tục xảy ra: con sư tử cái chạy đến và nằm xuống dưới chân cô, một con gấu chạy về phía cô nhưng con sư tử cái đã vồ lấy và xé xác nó, một con sư tử đực cũng lao về phía cô nhưng con sư tử cái tiếp tục chiến đấu với nó và cả hai cùng chết. Các phụ nữ ở đó bắt đầu lo lắng vì thấy con sư tử cái bảo vệ cô đã chết.

Thế rồi người ta lại thả ra nhiều dã thú hơn. Têcla đứng dậy, vươn tay ra cầu nguyện. Khi cầu nguyện xong, cô quay lại và thấy có một vũng nước được chuẩn bị sẵn ở đó. Cô vui mừng thốt lên: “Bây giờ là lúc để con tự thanh tẩy mình”. Rồi cô lao mình xuống vũng nước và nói: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, con được rửa tội vào ngày cuối cùng của đời con”.

Cả đám đông đều khóc và bảo cô đừng làm như thế, vì họ biết rằng ở dưới vũng nước có nhiều hải cẩu, chúng sẽ nuốt chửng cô. Tổng trấn cũng rơi lệ. Tuy nhiên, Têcla vẫn lao mình xuống, nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Điều lạ lùng là bỗng có một đám mây lửa đến bao quanh cô để dã thú không nhìn thấy cô và cũng để mọi người không trông thấy cô trần truồng. Ánh chớp từ đám mây đánh chết những con hải cẩu, và dã thú cũng không làm gì được cô.

Bấy giờ Alexander đề nghị thả vào một vài con bò đực cực kỳ hiếu chiến và tổng trấn đồng ý. Họ trói cô vào chân của những con bò và dùng lửa đốt nóng bộ phận sinh dục của chúng để chúng giận dữ hơn. Tuy nhiên lúc ấy hoàng hậu Tryphaena bỗng ngất xỉu nên tổng trấn cho dừng buổi biểu diễn. Ông lớn tiếng hỏi Têcla: “Ngươi là ai? Ngươi có gì mà không một con dã thú nào có thể chạm đến ngươi?” Têcla trả lời: “Tôi là tôi tớ của Thiên Chúa hằng sống. Những gì tôi có là niềm tin vào người Con của Thiên Chúa, Đấng mà Thiên Chúa rất hài lòng. Vì thế, không một con dã thú nào có thể chạm vào tôi. Chỉ có Chúa Con mới ban ơn cứu rỗi và là nền tảng của đời sống bất diệt. Người là nơi trú ẩn khi gặp bão tố, là nguồn ủi an cho người đau khổ, là chỗ dựa cho ai thất vọng. Những ai không tin vào Người sẽ không có được sự sống đời đời”.

Nghe những lời ấy, tổng trấn truyền mặc quần áo cho cô và thả cô ra, ông nói: “Têcla, ta tha cho ngươi, hỡi kẻ kính sợ Thiên Chúa, là tôi tớ của Thiên Chúa.” Các phụ nữ cũng lớn tiếng tạ ơn Thiên Chúa rằng: “Có một Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa của Têcla!” Biết tin, hoàng hậu Tryphaena rất đỗi vui mừng, bà đến gặp Têcla và mời cô đến với bà. Têcla đã ở cùng bà trong tám ngày, thời gian ấy, cô giảng cho bà biết về Thiên Chúa, đến cả các đầy tớ gái cũng tin. Thế là một niềm vui lớn xuất hiện trong gia đình ấy.

Nên biết là thánh Têcla được mừng kính trong phụng vụ Giáo hội Công giáo (ngày 23/9), Chính thống giáo (ngày 24/9), cũng như Giáo hội Anh giáo.

II. Thế kỷ II-III. Các chứng nhân tuẫn giáo

Văn chương nhiều dân tộc có những tác phẩm ca ngợi các anh hùng hoặc anh thư đã can đảm hy sinh mạng sống để bảo vệ quê hương: họ đã chết vì Tổ quốc. Nhưng có lẽ hiếm thấy trường hợp những người chết vì một thần linh, như các chứng nhân Kitô giáo: họ không chết cho dân tộc nhưng chết bởi dân tộc. Họ dám chết vì niềm tin của mình, bất chấp những mệnh lệnh trái ngược của nhà cầm quyền. Chúng tôi không muốn đi sâu vào các nguyên nhân của những cuộc bách hại Kitô giáo trong những thế kỷ đầu tiên, nhưng chỉ chú trọng đến một vài phụ nữ được ghi lại trong tác phẩm của các giáo phụ. Nên lưu ý là các phụ nữ cũng phải trải qua những cảnh giam cầm, tra tấn, hình phạt giống như nam giới (và điều này làm nổi bật tính can đảm “khí khái nam nhi” virilitas của họ), nhưng điều nổi bật nằm ở chỗ họ hiên ngang tuyên bố niềm xác tín của mình, vì xã hội Rôma thời ấy coi phụ nữ là “vị thành niên” không có khả năng trách nhiệm trước pháp luật.

Chúng tôi xin ghi lại ba câu chuyện: 1/ Thánh Perpetua và Felicita ở Cartago (U 203); 2/ Thánh Blandina ở Lyon (U 177); 3/ Thánh Agnes ở Rôma (U 304).

A. Thánh Perpetua và thánh Felicita

Thánh Perpetua (U 203) dường như là người duy nhất tự mình viết lại câu chuyện tuẫn giáo của mình, hay nói đúng hơn là viết lại mọi sự chuẩn bị cho cuộc tuẫn giáo. Thánh nữ là một phụ nữ quý tộc sống tại Carthage, thành phố lớn ở Phi châu (hiện nay là ngoại ô của thủ đô Tunis ở Tunisia). Còn thánh Felicita (U 203) là nữ tỳ của thánh Perpetua. Các vị bị kết án vì gia nhập Kitô giáo. Hoàng đế Septimius Severus thực sự không bách hại các Kitô hữu lúc này, nhưng với ông, việc một công dân Rôma chuyển sang Do-thái giáo hay Kitô giáo là trọng tội. Vào đầu những năm 200, hai vị thánh bị kết án bằng hình phạt ném cho dã thú xé xác. Mặc dù Perpetua đang nuôi con nhỏ, còn Felicita đang mang thai, nhưng tòa án vẫn kết án các vị mà không có bất kỳ lòng thương xót nào. Tuy nhiên, các vị có thể được tha ngay lập tức miễn là chịu từ bỏ thứ tôn giáo ngớ ngẩn của mình, nhưng hai vị thánh đã không làm như thế.

1. Thị kiến của thánh Perpetua

Một ngày trước khi bị đem ra đấu trường, Perpetua đã có một thị kiến rất đặc biệt trong giấc mơ. Cô thấy phó tế Pomponius đến gõ cửa nhà tù và an ủi cô, ngài dẫn cô đến đấu trường và bảo cô đừng sợ vì ngài ở cùng cô. Thế rồi ngài biến mất. Những con thú hoang đã chẳng làm gì được cô. Sau đó, một người Ai-cập xấu xí xuất hiện cùng với đồng minh của anh ta để chiến đấu với cô. Về phần mình, cô cũng được trợ giúp bởi những chàng trai trẻ đẹp, nhóm đồng minh và những người trợ tá của cô. Cô thấy mình bị lột trần và bỗng chốc trở thành một người đàn ông. Đồng minh của cô bắt đầu xoa dầu cho cô theo phong tục của họ trước một cuộc giao đấu, còn bên kia chiến tuyến, tên Ai-cập thì bụi bặm đầy mình.

Rồi có một người đàn ông cao lớn mặc áo choàng không có thắt lưng xuất hiện. Tay người này cầm một thanh gươm đấu sĩ và một nhành cây xanh có những quả táo vàng trên đó. Người này nói rằng nếu tên Ai-cập khuất phục được cô thì ông sẽ giết chết cô bằng thanh gươm; còn nếu cô chiến thắng tên Ai-cập thì cô sẽ nhận được nhành cây. Sau đó ông ta biến mất.

Cô và tên kia bắt đầu giao tranh, trong lúc hắn ta cố giơ chân lên thì cô liền đá vào mặt hắn bằng gót chân. Cô thấy mình bay lên không trung và bắt đầu đá hắn như thể chân cô không còn bị mặt đất trói buộc nữa. Cô túm lấy đầu hắn ta, quật ngã xuống đất và giẫm lên đầu hắn.

Mọi người bắt đầu hò reo và các đồng minh của cô cũng bắt đầu ca hát. Cô đã tiến lên với vị sư phụ của các đấu sĩ và nhận nhành cây. Vị ấy hôn cô và nói: “Này con gái, bình an cho con.” Rồi cô thấy mình đi đến Cánh cổng của Sự sống với đầy vinh quang.

Khi tỉnh dậy, cô hiểu rằng mình không phải chiến đấu với dã thú nhưng là với ma quỷ và cô tin chắc sẽ chiến thắng. Sau đó cô viết ra những điều này, trước lúc phải ra đấu trường. Thế nhưng, cô nhấn mạnh rằng, còn đối với những gì sẽ xảy ra ở cuộc đấu thì hãy để bất kỳ ai muốn viết về nó thì viết[3].

Ý nghĩa của thị kiến này thật rõ ràng: trong sự tuẫn giáo, một Kitô hữu nữ giới không còn là phụ nữ như cái nhìn của thế gian, tức là cô không còn bị xem là “yếu đuối” và “lệ thuộc”. Thay vào đó, cô đảm nhận một vai trò mà thế gian thường chỉ dành riêng cho cánh đàn ông: vai trò của vị anh hùng chinh phạt.

2. Phúc tuẫn giáo của thánh Perpetua và Felicita

(Phần này do một người khác viết)

Khi đến giờ chịu tra tấn, hai vị tử đạo cùng với những người khác bước ra từ nhà tù, lòng đầy hân hoan như sắp được lên thiên đàng. Felicita vui mừng vì đã sinh con để giờ đây có thể toàn tâm chiến đấu với thú dữ. Các vị được dẫn đến cổng và buộc phải mặc y phục theo quy định: đàn ông thì mặc quần áo của vị tư tế thuộc về thần Saturn, còn phụ nữ thì mặc quần áo được hiến thánh cho nữ thần Ceres. Tuy nhiên hai vị thánh tuẫn giáo đã kiên quyết từ chối. Cùng chịu tuẫn giáo với hai vị còn có ba người đàn ông tên là Revocatus, Saturninus, và Saturus.

Trong cuộc chiến, Perpetua đạp lên đầu của tên Ai-cập và cô bắt đầu hát thánh vịnh. Lúc ấy Revocatus, Saturninus, và Saturus nói với tổng trấn Hilarianus rằng: “Ông xét xử chúng tôi, nhưng Thiên Chúa sẽ xét xử ông”. Nghe những lời ấy, dân chúng cảm thấy bực tức và yêu cầu phải đánh ba vị bằng roi của những người chiến đấu với thú dữ.

Lúc mở màn, Saturninus và Revocatus bị ném cho những con báo, và hai vị bị nó tấn công. Còn Saturus phải chiến đấu với con heo rừng, nhưng điều lạ lùng là con heo rừng lại húc vào người đã dẫn nó vào đấu trường, thế là tên ấy chết sau ngày hôm đó. Saturus chỉ bị nó kéo lê. Sau đó người ta trói anh gần một con gấu, nhưng con gấu lại không ra khỏi chỗ ẩn náu của nó, nhờ thế mà Saturus không hề hấn gì. Tuy nhiên ngay khi kết thúc buổi biểu diễn, Saturus bị ném cho một con báo và anh đã bị nó tấn công. Mọi người nhìn thấy máu anh chảy ra thì nói rằng, anh được cứu và được rửa sạch. Đó là phép rửa thứ hai của anh.

Còn Perpetua và Felicita lúc đầu bị treo trần truồng trước một con bò cái hung hợn. Tuy nhiên vì dân chúng cứ nhìn hai cô chằm chằm nên sau đó hai cô được cởi trói và cho mặc quần áo. Giữa cuộc chiến, Perpetua đã gặp anh Rusticus, một tân tòng. Anh đứng bên cô, lúc ấy, Perpetua như trong trạng thái xuất thần. Cô bị con bò cái tấn công nhưng vẫn đủ sức để nói với anh tân tòng và người anh trai của cô: “Hãy giữ lấy đức tin của mình, các anh hãy yêu thương nhau và đừng vì những đau khổ của chúng ta mà phải mang tai tiếng”.

Sau khi thú dữ không thể giết chết các chứng nhân, người ta lại muốn giết các ngài bằng gươm. Các vị lần lượt ôm hôn nhau, như để động viên cho sự tuẫn giáo bằng nụ hôn bình an, trước khi bị dẫn đến nơi khác theo ý người ta muốn. Hầu hết các vị tuẫn giáo còn lại ở đấu trường đều đứng yên và thinh lặng khi bị thanh gươm đâm thâu. Perpetua bị đâm qua xương sườn và cô kêu lớn tiếng, rồi sau đó chính cô cầm lấy tay của tên đấu sĩ đưa lên cổ mình. Có lẽ một người phụ nữ cao trọng như thế không thể bị giết chết nếu như chính cô không muốn điều đó.

Phụng vụ kính hai thánh Perpetua và Felicita vào ngày 7 tháng 3.

B. Thánh Blandina

Thánh nữ Blandina (U 177) là nữ tỳ của một nữ Kitô hữu ở Lyon. Trong thời kỳ bách hại, rất nhiều Kitô hữu đã bị giết chết và chính Blandina được kính nhớ như là nguồn cảm hứng cho các Kitô hữu lúc bấy giờ. Thánh nữ là một ví dụ tiêu biểu cho câu nói của Đức Giêsu “kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” trong vương quốc của Người (x. Lc 13,30). Cuộc tuẫn giáo của thánh nữ (cùng với 47 vị tử đạo) được thuật lại trong bức thư của Giáo hội Lyon gửi cho các Giáo hội Tiểu Á, và được sử gia Eusebiô Cesarea ghi lại trong Historia ecclesiastica, lib.V, c.1-3.

1. Thánh nữ bị cáo buộc ăn thịt người

Chúng ta biết rằng, ăn thịt người (cannibalism) là lời buộc tội phổ biến chống lại các Kitô hữu tiên khởi. Thời bấy giờ, các Kitô hữu không tỏ lộ chi tiết về bàn tiệc Thánh Thể cho những ai chưa được rửa tội. Tuy nhiên, các tôi tớ hoặc những người lân cận của họ có thể tình cờ nghe được câu chuyện ăn thịt và uống máu Chúa Kitô. Phải chăng đây là bí mật khủng khiếp mà các Kitô hữu đang cố che đậy? Thánh Irênê đã cho biết tin đồn này bắt đầu như thế nào trong một vụ án nổi tiếng: vụ án của thánh nữ Blandina. Tuy nhiên, đừng quên rằng, nếu dùng vũ lực để khai thác thông tin thì rất có thể đó là thông tin không chính xác. Thánh Irênê là Giám mục Lyon vào thời bạo lực chống lại các Kitô hữu nổ ra trong dân chúng, thế nên ngài là chứng nhân thực sự về các sự kiện này. Thật vậy, vì nhà cầm quyền đứng về phía dân chúng nên các Kitô hữu bị kết án phải chiến đấu với dã thú như một “trò tiêu khiển” của họ.

Lúc bấy giờ, người Hy-lạp đã bắt giữ tôi tớ của các tân tòng và dùng vũ lực tra tấn để tìm hiểu một số bí mật nơi các thực hành Kitô giáo. Trước sức ép quá lớn, những người tôi tớ cho biết họ đã nghe các chủ nhân nói rằng sự hiệp thông thánh thiêng chính là Mình và Máu Chúa Kitô và nghĩ rằng đó là thịt và máu thật. Các lý hình cũng tin như thế và họ kể lại cho những người Hy-lạp khác. Thế là người ta dùng vũ lực tra tấn để ép buộc hai vị tuẫn giáo là Sanctus và Blandina phải thừa nhận điều này. Tuy nhiên, thánh nữ đã trả lời một cách rất đáng ngưỡng mộ: “Các Kitô hữu làm chuyện này thế nào được? Vì trong việc cử hành của mình, Kitô hữu thậm chí còn không dùng tới những thứ thịt được phép ăn”.

2. Phúc tuẫn giáo của thánh Blandina

Sử gia Eusebiô là người ghi lại câu chuyện tuẫn giáo của thánh nữ Blandina. Mặc dù nhà cầm quyền hy vọng có thể ngăn cản các Kitô hữu bằng những hình phạt tàn khốc công khai, nhưng hầu hết các Kitô hữu, cả nam lẫn nữ, đều noi theo thánh Blandina. Nơi thánh nữ, họ thấy rõ một hình ảnh của Chúa Kitô trên thập giá. Đến cả những người lúc đầu đã chối đạo để giữ mạng sống, vẫn nhìn thấy nơi thánh nữ một tấm gương anh dũng. Thế rồi họ trở lại, vui vẻ bước theo vị thánh nữ nhỏ bé thấp hèn này.

Sử gia Eusebiô kể lại như sau: khi ấy, mọi người rất tức giận với Sanctus (phó tế đến từ Vienne), Maturus (một chiến binh cao quý vừa được cải hoán), Attalus (người gốc Pergamos), và Blandina – một người mà qua đó Chúa Kitô cho thấy rằng, những người trông có vẻ thấp kém và vô danh đối với chúng ta thì lại đầy vinh quang đối với Thiên Chúa, khi các vị thể hiện đức ái trọn hảo dành cho Người qua chứng tá anh hùng. Họ bị bắt vì là Kitô hữu.

Với Blandina, hầu hết những người chứng kiến đều run rẩy khi thấy những cực hành tàn bạo mà người ta dành cho cô, bởi lẽ cơ thể cô rất yếu. Bà chủ của cô, một trong những chứng nhân trong cuộc tuẫn giáo này, cũng lo sợ cô sẽ không giữ vững được đức tin. Họ hành hạ cô từ sáng đến tối dưới mọi hình thức, cho nên thân thể cô bị bầm dập. Tuy nhiên, những tên lý hình cũng ngạc nhiên trước sức chịu đựng phi thường này. Về sau, họ cho biết chỉ một cực hình thôi đã đủ giết chết cô rồi, huống hồ chi là bấy nhiêu cực hình như thế. Tuy nhiên, Blandina vẫn đầy nghị lực để vượt qua tất cả và mạnh dạn tuyên xưng: “Tôi là Kitô hữu! Chúng tôi không làm gì xấu xa!”.

Sau đó, Maturus, Sanctus, Attalus và Blandina bị dẫn đến đấu trường để chiến đấu với dã thú, và cũng để cho dân chúng có thể chứng kiến một cảnh tượng tàn khốc. Riêng Maturus và Sanctus, sau khi phải vật lộn với dã thú, thì bị cột vào chiếc ghế sắt nóng chảy. Cơ thể họ bị sức nóng thiêu đốt, lại còn bị khói bốc ra hành hạ. Suốt cả ngày hôm đó, bốn chứng nhân anh dũng bị tra tấn dã man.

Phần Blandina, cô bị treo trên một cái cọc để dã thú có thể ngấu nghiếng. Bởi vì hình ảnh ấy giống như bị treo trên thập giá, và vì những lời cầu xin tha thiết của cô, nên cô đã truyền được cảm hứng cho các dũng sĩ khác biết can đảm bảo vệ đức tin. Khi nhìn lên cô, người ta tin rằng, những ai chịu đau khổ vì vinh quang của Chúa Kitô sẽ có được tình bằng hữu với Thiên Chúa hằng sống. Tuy nhiên, không một con thú hoang nào có thể chạm vào cô. Rồi cô được đưa xuống và bị tống vào tù, chờ một trận đấu khác. Mặc dù bé nhỏ, mỏng manh và bị xem thường, nhưng một khi được Chúa Kitô bao bọc, cô sẽ nên như một dũng sĩ chinh phục mạnh mẽ, có sức lay động lòng nhiệt thành của các anh chị em Kitô hữu của cô.

Các chứng nhân đã trải qua nhiều ngày bị hành hạ như thế, nhưng cũng nhờ đó mà các vị hoán cải được nhiều người vốn trước đây đã chối bỏ đạo Chúa. Cuối cùng, Caesar ra lệnh xử tử các vị, nhưng bất kỳ ai chịu chối bỏ Chúa Kitô thì được trả tự do. Vậy là trong một buổi trình diễn công khai, với sự tham dự đông đảo của nhiều quốc gia, tổng trấn đã đem các vị ra xét xử. Ông chém đầu những vị là công dân Rôma, còn những người khác thì ông đẩy vào chiến đấu với dã thú. Nhiều người trước đây chối Chúa nay đã can đảm làm chứng cho Người bằng chính mạng sống mình.

Mỗi ngày người ta đều đưa Blandina và Ponticus, một cậu bé chừng mười lăm tuổi, vào đấu trường để chứng kiến đau khổ của các bạn hữu, và buộc hai vị phải thề thốt với các tượng thần. Vào ngày chịu tuẫn giáo, hai vị được cho xem toàn bộ những cực hình tra tấn tàn khốc, rồi người ta liên tục thúc ép hai vị phải tuyên thệ với các tượng thần. Thế nhưng, hai vị vẫn kiên trung đến cùng. Ponticus được Blandina động viên và đã được phúc tuẫn giáo sau những cuộc tra tấn. Còn Blandina chịu tuẫn giáo sau cùng. Cô như một người mẹ đã hết lòng động viên những đứa con của mình, rồi khi đến lượt mình, cô vui vẻ đón nhận mọi hình khổ và vội vàng bước theo chân của những đứa con. Cô đã trở nên mồi ngon cho thú dữ, nhưng cô xem đó là bữa tiệc cưới ban tối đầy niềm vui.

C. Thánh Agnes

1. Nhân vật

Trong số các Kitô hữu tiên khởi chịu tuẫn giáo, có lẽ người được ghi chép lại rõ ràng nhất là thánh nữ Agnes ở Rôma (U k.304). Trong số các giáo phụ viết về thánh nữ, có thể kể đến thánh Ambrôsiô, Augustinô, Giêrôminô và Giáo hoàng Damasus I. Cô là một trong những gương mẫu có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Kitô giáo.

Tuy nhiên chúng ta không thật sự biết nhiều điều về cô, bởi vì trọng tâm của các câu chuyện viết về thánh nữ tập trung vào mẫu gương luân lý hơn là kể chuyện lịch sử. Chúng ta chỉ biết cô chịu tuẫn giáo vào lúc khoảng mười hai hoặc mười ba tuổi, đó là chi tiết thường được nhấn mạnh trong các tài liệu kể về cuộc tuẫn giáo của cô.

Thánh nữ là một cô gái trẻ xinh đẹp thuộc gia đình cao quý, được nhiều người theo đuổi. Nhưng cô từ chối tất cả vì đã dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô và xem Người là vị hôn phu duy nhất của mình. Thế là một số kẻ theo đuổi cô đã tố cáo cô với nhà cầm quyền, vì cô là một Kitô hữu, rồi cô bị bắt.

Vị thẩm phán xét xử cô rất tức giận vì cô kiên quyết không chối bỏ lời thề hứa với Chúa, thế là ông ta tống cô vào nhà thổ hầu có thể làm nhục cô. Vào thời ấy, nhà thổ thường là nơi các trinh nữ Kitô giáo đã tận hiến cho Chúa bị đưa vào, đó là hình phạt cho những ai từ chối kết hôn. Trong tình cảnh như thế, Agnes đã cầu xin cho mình giữ được sự thanh sạch. Thế rồi như một phép lạ, cô làm cho những kẻ hám của lạ phải sợ hãi vì lòng đạo đức của mình và họ từ chối đụng chạm đến cô. Vì thế, người ta đưa cô ra khỏi đó, hành hạ cô, rồi kết án xử tử công khai. Agnes đã đi đến phút cuối của đời mình một cách đầy can đảm.

Sự tuẫn giáo của thánh nữ Agnes mang ý nghĩa dụ ngôn và biểu tượng. Các Kitô hữu kể chuyện về cô ít lưu tâm đến những chi tiết về tên tuổi và ngày tháng, nhưng họ quan tâm đến những điều tương phản làm tỏ lộ đức tin: người vô tội chống lại kẻ áp bức, đức trinh trắng chống lại sự đồi trụy. Có thể nói, cái chết của thánh nữ đã thực sự mở ra cánh cửa cho Kitô giáo ở Rôma, vì gương mẫu của cô đã làm cho công dân của thành phố này, những người nghĩ rằng họ đang ở đỉnh cao của văn minh nhân loại, phải ra xấu hổ.

Không lâu sau đó, hoàng đế Constantinô I đã chinh phạt kẻ thù dưới ngọn cờ thánh giá và trở thành vua cai trị duy nhất ở phần phía tây của Đế quốc Rôma. Lúc ấy, thánh Agnes đã trở thành vị anh thư nổi tiếng nhất nơi các Kitô hữu Rôma. Công chúa Constantina đã cho xây cất một vương cung thánh đường lớn bên ngoài thành Rôma ngay trên lăng mộ của thánh nữ, và nơi đây nhanh chóng trở thành một trong những điểm hành hương nổi tiếng bậc nhất trong thành phố vĩ đại nhất của thế giới cổ đại. Nhà thờ này mang tên Sant’Agnese fuori le mura (Nhà thờ thánh Agnes ngoại thành), vẫn còn cho đến ngày nay.

2/ Các giáo phụ nói về thánh nữ Agnes. Chúng ta hãy nghe thánh Ambrosiô và thánh Augustinô:

  • Thánh Ambrôsiô

Thánh Ambrôsiô đã mở đầu khảo luận về đức trinh tiết bằng câu chuyện của thánh Agnes, một vị anh thư đã trở nên hình mẫu điển hình của đức trinh tiết thánh thiêng, chỉ đứng sau Đức Trinh nữ Maria. Trong những dòng ca ngợi thánh nữ của ngài, chúng ta đọc thấy:[4]

Người ta nói rằng cô chịu tuẫn giáo năm lên mười hai hoặc mười ba tuổi […] Thông thường, những thiếu nữ ở độ tuổi này thậm chí còn không chịu được ánh mắt giận dữ của bố mẹ và các cô sẽ kêu khóc khi bị những cây đinh đâm xuyên qua người. Nhưng thánh nữ Agnes thì không hề sợ hãi trước bàn tay tàn ác của những tên đao phủ, vẫn thản nhiên trước sức nặng gông cùm. Cô đã nộp mình cho thanh gươm trong tay tên lính hung tợn. Cô không biết cái chết sẽ thế nào nhưng đã sẵn sàng đón nhận nó.

Đây là một hình thức tuẫn giáo mới mẻ: chưa đủ tuổi để bị trừng phạt nhưng đã chín muồi để chiến thắng, thật khó khăn để chiến đấu nhưng lại dễ dàng đạt tới vinh quang. Cô đã đảm nhận trọng trách giảng dạy về lòng dũng cảm dù tuổi đời còn son trẻ. Nếu phải là một cô dâu thì cô cũng không vội vàng đi đến phòng hoa nhanh như thế. Nhưng cô vẫn là một trinh nữ, cô nhanh chóng bước tới nơi hành hình, lòng đầy niềm vui. Cô được trang điểm không phải với bím tóc đẹp, nhưng là chính Chúa Kitô. Mọi người khóc than, chỉ có cô chẳng rơi một giọt nước mắt nào. Người ta ngạc nhiên vì cô không màng tới cuộc sống của mình, một cuộc sống mà cô chưa được tận hưởng nhưng đang từ bỏ như thể đã vui hưởng nó rồi. Mọi người kinh ngạc khi thấy cô đã sẵn sàng làm chứng cho Thiên Chúa, mặc dù tuổi đời còn quá trẻ để đi tới quyết định này. Và mặc dù lời chứng của cô về Thiên Chúa chẳng được đón nhận, nhưng cô luôn tin tưởng vào Người.

Thánh Ambrôsiô còn nói rằng, dù tên đao phủ đã tìm cách làm cô khiếp sợ và thuyết phục cô hãy kết hôn để được tha, nhưng cô đáp lại: “Nếu tôi nghĩ rằng bất kỳ ai cũng có thể khiến tôi hài lòng thì đó là một sự xúc phạm đến Đức Lang Quân của tôi. Bởi vì Người đã chọn tôi trước nên Người sẽ có được tôi. Này anh đao phủ, sao anh dừng lại làm gì? Hãy giết chết thân thể này, vì nó được kẻ khác yêu bằng mắt, còn tôi thì không muốn yêu nó.” Nói rồi thánh nữ đứng dậy cầu nguyện và đưa cổ mình ra, còn tên đao phủ thì run rẩy như thể chính anh ta bị kết án. Ở đây có cả hai cuộc tuẫn giáo: một cuộc tuẫn giáo của sự đoan trang, và một cuộc tuẫn giáo vì tôn giáo. Thánh nữ vẫn là một trinh nữ trong diễm phúc tuẫn giáo.

  • Thánh Augustinô

Thánh Augustinô[5] cho biết, trong tiếng La-tinh “agnes” mang nghĩa là một con cừu non, còn trong tiếng Hy-lạp thì có nghĩa là “trinh khiết”. Thánh nữ Agnes có cả hai điều này khi đạt đến vinh quang.

Theo thánh Augustinô, “các thần” của dân ngoại ban đầu chỉ là người phàm nhưng nhận được sự tôn kính thánh thiêng. Các hoàng đế như Nero và Claudius cũng được kể là thần vì được Senatus Romanus (hội đồng quản trị và cố vấn ở Rôma cổ đại) tuyên bố như thế. Ai cũng biết điều này. Thế thì các vị thần này đáng giá bao nhiêu? Họ chẳng hơn gì một Kitô hữu trung thành yếu đuối nhất. Đến cả một Kitô hữu già yếu cũng có sức mạnh hơn Hercules. Và Agnes, một thiếu nữ mười ba tuổi, đã chiến thắng quỷ dữ – nguồn gốc của mọi ảo tưởng về “các thần” và “nữ thần”.

III. Thế kỷ IV. Những bà mẹ của Giáo hội

Với sắc lệnh năm 313 của hoàng đế Constantinô, các Kitô hữu được tự do thi hành tín ngưỡng của mình. Giáo hội bước sang một giai đoạn mới. Trong giai đoạn này, chúng ta cũng khám phá ra nhiều dạng làm “mẹ của Giáo hội”, bắt đầu là hoàng hậu Helena, bảo trợ việc xây cất các nhà thờ; rồi đến bà Proba là người diễn tả Kitô giáo thành thi ca; bà Olympias cũng được nhìn nhận như là bà mẹ đỡ đầu Giáo hội Constantinopolis; sau cùng trong các tác phẩm của thánh Augustinô, chúng ta thấy xuất hiện hai người phụ nữ đặc biệt: Monica và Proba; Monica là chính bà thân mẫu của ngài; bà Proba là một góa phụ, được ngài hướng dẫn về đường nên thánh.

Thế kỷ thứ IV cũng đánh dấu sự ra đời của nếp sống đan tu trong Giáo hội. Đây là đề tài của một bài khác trong số báo này (các sư mẫu), vì thế không được đề cập ở đây.

A. Hoàng hậu Helena: người tái thiết các nhà thờ ở thánh địa

Theo một số truyền thống, thánh Helena (U k. 330) xuất thân từ thân phận nô tỳ. Chồng cô, Constantius Chlorus, là một sĩ quan có nhiều triển vọng trong quân đội Rôma. Nhưng cũng vì kết hôn với một người lính mà cô đã phải chịu cảnh chia ly như nhiều phụ nữ khác vì nghĩa vụ chính trị của người chồng. Cô cũng sinh được một con trai thảo hiếu tên là Constantinô, người sau này sẽ trở lại với Kitô giáo và trở thành vị lãnh đạo đế quốc Rôma. Vào năm 312, sau khi Constantinô lên ngôi hoàng đế, thân mẫu ông cũng trở lại đạo. Bà tỏ ra nhiệt thành với đức tin mới và bắt đầu một cuộc đời mới bằng nhiều hoạt động bác ái.

Người ta kể lại rằng, khi đã gần độ tuổi thượng thọ bát tuần, Helena có một giấc mơ và bà giải thích đó là thị kiến đến từ Thiên Chúa. Thị kiến này bảo bà hãy đến Giêrusalem để tìm kiếm thập giá mà Đức Kitô đã chịu đóng đinh. Có lẽ những năm tháng bị phân ly với chồng đã tôi luyện Helena biết tự mình xoay sở mọi việc và rồi bà tổ chức một cuộc khảo cổ đến vùng đất Palestine với những kế hoạch khai quật cụ thể. Đây là một trong những nỗ lực đầu tiên về khảo cổ học được chính thức công nhận.

Năm 326, khi Helena tìm thấy dấu tích của thành Giêrusalem thì nó gần như đã hoang tàn: nó đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Do-thái năm 70 và thêm một lần bị phá hủy trong cuộc nổi dậy của Bar Kochba vào một nửa thế kỷ sau đó. Các vị trí thánh thiêng cũng bị tàn phá. Còn tại ngôi mộ của Chúa Kitô thì có một đền thờ kính thần Venus nằm trên đó. Helena đã cho phá hủy đền thờ này và bắt đầu cuộc khai quật.

Cuộc tìm kiếm thập giá Chúa Kitô

Cuộc khảo cổ học của thánh Helena đã được sử gia Socrates Scholasticus (U 450) ghi lại. Mặc dù ông viết lại sự kiện này vào năm 400, tức là khoảng một thế kỷ sau đó, nhưng ông đã rất cẩn thận xử lý các nguồn thông tin và các sử gia ngày nay đã dựa vào ông để đánh giá tính khách quan về lịch sử Giáo hội vào thời đó.

Socrates cho biết khi hoàng đế truyền xây dựng ngôi làng Drepanum thành một thành phố thì ông đặt tên mới là “Helenopolis”, lấy theo tên của thân mẫu. Về phần Helena, bà đã đến Giêrusalem sau một thị kiến trong giấc mơ để tìm kiếm ngôi mộ của Chúa Kitô, nơi Người đã chỗi dậy sau khi được mai táng. Trải qua nhiều rắc rối, bà đã tìm thấy ngôi mộ. Sử gia giải thích những rắc rối này như sau: những người đón nhận Kitô giáo rất tôn kính ngôi mộ này, nhưng những kẻ căm ghét Kitô giáo đã lấy đất lấp ngôi mộ và xây cất đền thờ thần Venus trên đó. Khi biết tin, thánh Helena đã cho hạ bệ tượng thần và dọn sạch nơi này.

Bà tìm thấy ba cây thập giá trong ngôi mộ. Một trong số đó chính là thập giá mà Chúa Kitô đã chịu đóng đinh, hai cái còn lại là của hai tên trộm bị kết án cùng với Người. Ngoài ra, nhóm khảo cổ còn tìm thấy dòng chữ “Vua dân Do-thái” mà tổng trấn Philatô đã truyền viết vào. Tuy nhiên, thánh Helena rất đau khổ vì không biết đâu là cây thập giá của Chúa Kitô. Thế rồi nhờ có Giám mục Giêrusalem lúc bấy giờ là Đức cha Macarius mà những nghi ngờ của thánh nữ được giải đáp. Vị Giám mục đã xin một dấu chỉ từ Thiên Chúa bằng đức tin của mình. Dấu chỉ này như sau: vào lúc ấy, có một người phụ nữ đã ngã bệnh lâu năm và cận kề cái chết, Đức cha sắp xếp để đưa lần lượt từng cây thập giá đến cho bà vì tin rằng bà sẽ được chữa lành khi chạm đúng cây thập giá của Chúa. Hai cây đầu tiên được đem tới, bà chạm vào nhưng bệnh tình vẫn như cũ, đến cây thứ ba – cây thập giá đích thật – thì bà được chữa lành ngay lập tức khi chạm vào nó. Vậy là người ta đã tìm ra cây thập giá đích thật mà Chúa chịu đóng đinh.

Thánh Helena đã cho xây cất một ngôi thánh đường tráng lệ ở đây và đặt tên là Giêrusalem Mới. Bà để lại ở đó một phần của thập giá, đặt trong chiếc hộp bạc, như một kỷ vật cho ai muốn xem. Phần còn lại bà gửi cho hoàng đế. Hoàng đế tin rằng thành phố của ông sẽ được bảo vệ an toàn khi thánh tích được lưu giữ ở đây, vậy là ông cho đặt thánh tích vào trong bức tượng của chính mình. Bức tượng ấy đứng trên một cột đá lớn nơi công cộng ở Constantinoplis và mang tên chính ông.

Thánh Helena cũng tìm thấy những cây đinh đã đóng vào đôi tay của Chúa Cứu Thế. Hoàng đế Constantinô đã làm chúng thành những sợi dây cương và mũ sắt đội đầu, những thứ mà ông thường dùng trong các cuộc chinh phạt.

Khi đã xây cất xong Giêrusalem Mới, thánh Helena cũng cho xây cất một ngôi nhà thờ khác không kém gì hang Bêlem mà Chúa Kitô đã chào đời, và một ngôi thánh đường thứ ba nằm trên núi Thăng Thiên.

Thánh Helena cũng là người có tấm lòng bái ái, yêu thương người nghèo và rất hào phóng trong việc đóng góp xây dựng các nhà thờ. Bà đã sống một cuộc đời đạo hạnh và qua đời lúc khoảng 80 tuổi. Thi hài thánh nữ được đưa đến thành phố Constantinopolis và đặt trong khu lăng mộ bằng đá của hoàng gia.[6]

Câu chuyện về thánh nữ Helena đã trở thành một trong những mẫu chuyện yêu thích của các Kitô hữu. Bởi lẽ đó không đơn thuần là câu chuyện lịch sử, nhưng còn nhấn mạnh đến những gì mà một phụ nữ có thể làm được. Thánh Helena không chỉ thành công trong cuộc khai quật khảo cổ học của mình, nhưng còn nêu lên một tấm gương hoặc cũng có thể nói là mở ra một xu hướng mới. Cuộc hành hương hoàn toàn công khai của thánh nữ đã khích lệ vô số phụ nữ khác can đảm thực hiện những chuyến đi như thế, và một trong những phụ nữ chịu ảnh hưởng lớn là thánh Egeria mà chúng ta sẽ bàn đến ở phần cuối của bài viết này.

B. Proba Thi sĩ

Faltonia Betitia Proba, phu nhân của Clodius Celsinus Adelphius Proba (k. 306–353), không được tôn kính như một vị thánh[7]. Bà là một phụ nữ dòng dõi quý tộc, được giáo dục kỹ càng về văn chương và cổ ngữ. Bà là người biên soạn bài thơ Cento Vergilianus de laudibus Christi, vì đã thuộc nằm lòng các bài thơ của thi sĩ Virgil[8].

Nên biết, Cento là một hình thức văn chương phổ biến vào thời Proba. Đó là dạng thơ được chắp nhặt từ các bài thơ khác. Quy tắc của một Cento rất khó và nghiêm ngặt. Mỗi dòng hoặc nửa dòng phải được trích từ một hoặc nhiều bài thơ nổi tiếng khác. Với Proba, cô chủ ý chọn trích từ thi sĩ Virgil. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi tác giả phải thật sự uyên bác và hiểu biết thâm sâu về thi sĩ Virgil. Bà không chỉ thành công trong tác phẩm của mình, mà còn có được niềm vui lớn khi biến thi sĩ vĩ đại nhất của Rôma trở thành một Kitô hữu.

Kể câu chuyện về Chúa Kitô dựa vào tác phẩm của thi sĩ Virgil là một việc làm thật sự táo bạo và cũng đã đụng chạm đến nhiều người ở cả hai phía: dân ngoại thì cảm thấy bị xúc phạm khi tác phẩm của họ được dùng để kể chuyện Kinh Thánh; còn Kitô hữu thì lại nghi ngờ đối với các thể loại văn chương ngoại giáo, cũng không thiếu những kẻ cho rằng việc Proba sử dụng văn chương của một thi sĩ ngoại giáo là điều hoàn toàn không phù hợp với cương vị của một Kitô hữu. Trong số những người phản đối có thể nhắc tới thánh Giêrônimô. Ngài lên án việc Kitô hóa thi sĩ Virgil và cho rằng “tất cả những chuyện này đều là trẻ con, chẳng khác gì ma thuật của gã lang băm.”[9]

Ngôn ngữ ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý của bài thơ sẽ thách thức lòng kiên nhẫn của độc giả hiện đại. Có thể trưng dẫn đoạn thơ nói về thời gian sau đây:

Thật tuyệt vời để nói được rằng,

Lần đầu tiên có một người nữ

Mang khuôn mặt của một nữ trinh

Đã sinh hạ một người con trai

Không thuộc chủng tộc hay dòng máu chúng ta,

Các ngôn sữ vĩ đại đã tuyên sấm:

Rằng sẽ có một đấng làm chủ tể

Trên mọi nước mọi dân

Người từ trời mà xuống;

Khuất phục thế gian bằng lòng can đảm,

Vương quyền Người vô cùng vô tận

Danh thánh Người sáng chói tựa sao trời.

Proba, Cento

Đoạn thơ này mô tả cuộc Nhập thể của Ngôi Lời. Sự uyên thâm của Proba trong việc thích ứng tác phẩm của thi sĩ Virgil với câu chuyện Tin Mừng đã làm cho người đương thời hết lòng ngưỡng mộ. Ở đây, chúng ta còn thấy được một sự tính toán có chủ ý: Virgil là thi sĩ rất thành thạo tiếng La-tinh, cho nên có thể dùng những tác phẩm của ông để dạy học về ngữ pháp. Việc biến những lời của Virgil thành câu chuyện Tin Mừng vừa là cú hích đối với dân ngoại, vừa gợi mở cho một lối suy nghĩ khác về di sản văn chương ngôn ngữ La-tinh. Thay vì từ chối mọi tác phẩm của dân ngoại, Kitô hữu có thể ngưỡng mộ và bảo tồn những gì là tốt đẹp trong văn chương Rôma. Ngày nay, hầu hết những gì chúng ta có được về văn học ngoại giáo cổ xưa đều nhờ các thế hệ bảo tồn, bởi vì các Kitô hữu thời trung cổ đã rất cố gắng để làm được chuyện này.

C. Bà mẹ một giáo phụ: thánh Monica

Thánh Monica (k. 332-387) là thân mẫu của thánh giáo phụ nổi tiếng: Augustinô. Bà không hẳn là người có trí tuệ siêu phàm, nhưng chắc chắn là một nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà sư phạm tài ba và là người mẹ tuyệt vời. Bà có công rất lớn trong việc hoán cải người con trai của mình. Bà vẫn thường tranh luận triết học với Augustinô và cho thấy khả năng nhìn nhận vấn đề sâu sắc của mình. Chắn chắn rằng, mối bận tâm lớn nhất trong cuộc đời thánh nữ Mônica chính là người con trai Augustinô và hành trình hoán cải của thánh Augustinô cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng và sự thánh thiện của thân mẫu.

Ngày nay, chúng ta không có nhiều tư liệu về thánh nữ Mônica. Hầu như các chi tiết về bà được chính thánh Augustinô kể lại, đa phần nằm trong quyển Tự thuật của ngài.

Theo đó, thánh nữ chào đời tại Thagaste, thuộc miền bắc Phi châu vào khoảng năm 332 trong một gia đình Công giáo. Lớn lên, Mônica kết hôn với một người ngoại giáo tên là Patricius và có được ba người con, Augustinô là con đầu lòng.

Theo lời kể của thánh Augustinô, Mônica bị nghiện rượu lúc nhỏ. Thuở còn là một thiếu nữ, cô có thói quen nếm thử một chút rượu vang mỗi lần được thân phụ mẫu sai đi chiết rượu từ thùng. Ban đầu, thói quen này không xuất phát từ ham muốn do nghiện ngập nhưng chỉ là một niềm vui thỏa giản đơn của tuổi trẻ. Tuy nhiên, thói quen ngày càng lớn hơn: mỗi ngày cô lại nếm nhiều hơn một chút, đến độ có lúc uống hết cả ly rượu đầy. Thấy vậy, bề tôi của cô đã rất tức giận, tỏ thái độ xem thường và coi cô như một kẻ nghiện ngập. Tuy nhiên, sự nhạy bén của Mônica đã giúp cô ý thức được sự tình, cô nhận ra lỗi lầm và ngay lập tức từ bỏ thói quen này. Trong lối nhìn của thánh Augustinô, chính Chúa là Đấng đã chữa lành cho thân mẫu Mônica qua một người đầy tớ thẳng thắn chứ không xu nịnh.

Cuộc đời của thánh nữ Mônica gắn liền với mối bận tâm dành cho người con trai đầu lòng. Khi chứng kiến Augustinô rơi vào con đường lầm lạc của những lạc thuyết, thân mẫu Mônica đã cầu xin một Giám mục nào đó dành thời gian trò chuyện với Augustinô, giúp cậu nhận ra những sai lầm và dạy dỗ cậu bằng những lời tốt đẹp. Tuy nhiên, vị Giám mục nói với Mônica rằng: “Hãy để thêm một thời gian nữa, chỉ cần cầu nguyện với Thiên Chúa cho cậu ấy. Khi cậu ấy học hỏi tìm hiểu, cậu sẽ tự nhận thức lỗi lầm và sẽ thấy được sự phản nghịch của mình.” Trước những lời tha thiết van xin của Mônica, vị Giám mục nói thêm: “Không đời nào đứa con trai của những giọt nước mắt này sẽ bị hư mất”. Và Mônica đã đón nhận những lời ấy như thể đó là tiếng nói phát xuất từ thượng giới.

Có lần Augustinô đã trốn thân mẫu để đi đến Rôma sau khi đã lìa bỏ lạc giáo Manikê. Mônica không muốn điều này, vì Augustinô lúc bấy giờ vẫn chưa trở lại với Giáo hội chính thống mặc dù đã từ bỏ lạc giáo. Bà lo lắng cho linh hồn người con trai, nhưng lúc bấy giờ Augustinô không cảm nhận được tình cảm ấy. Cậu cho rằng thân mẫu thật là phiền phức và thế là Augustinô đã lừa dối thân mẫu và lẻn đi Rôma. Tuy nhiên, chính tại đất nước Italia này mà Augustinô đã gặp được giám mục Ambrôsiô, người có công lớn trong việc giúp cậu trở về với đức tin chính thống. Vậy là thay vì nhậm lời thân mẫu Mônica trong ý nguyện xin cho con trai đừng đến Rôma, Thiên Chúa đã ban cho bà điều mà bà thật sự mong muốn: nhìn thấy con trai trở thành một Kitô hữu chính thống trước khi bà nhắm mắt lìa đời.

Chính thân mẫu Mônica là người đã tác động sâu sắc đến cuộc hoán cải của thánh Augustinô, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến sự kết hợp thiêng liêng, sự hiệp nhất toàn hảo với Thiên Chúa. Trong quyển Tự thuật (9,10-11), Augustinô cho thấy ngài đã cảm nhận được sự kết hợp tuyệt diệu này qua cuộc trò chuyện với thân mẫu, hơn là tìm thấy trong các tác phẩm của những triết gia ngoại giáo hay bất kỳ triết gia Kitô giáo nào. Thân mẫu Mônica đã sống sự hiệp nhất với Thiên Chúa, một sự kết hiệp thâm sâu mà bất kỳ nhà tư tưởng vĩ đại nào cũng đều khao khát có được. Thánh nữ đã thật sự vượt trên cuộc sống vật chất ngay khi còn ở trần gian để suy tư về cuộc sống hoàn mỹ nơi các phúc nhân.

Năm 387, Augustinô lãnh nhận Phép rửa từ tay giám mục Ambrôsiô, rồi sau đó hai mẹ con cùng trở lại Phi châu. Tại Ostia, thánh nữ đã vui mừng chia sẻ với người con trai sự hoan lạc trong tâm hồn bà với những lời sau đây:

Con ơi, phần mẹ, mẹ không còn thấy vui sướng vì bất cứ điều gì ở đời này nữa. Mẹ không biết sẽ cần phải làm gì và tại sao lại còn sống ở đây. Niềm hy vọng của mẹ trên thế gian này đã được hoàn thành. Chỉ có một điều mẹ ao ước là được thấy con trở thành người Công giáo trước khi mẹ lìa đời. Thiên Chúa đã cho mẹ được toại nguyện và hơn nữa đã cho mẹ thấy con chán ghét hạnh phúc trần gian và hiến thân phụng sự Người. Mẹ còn muốn gì hơn nữa đây?

(Tự thuật, 9)

Không lâu sau đó, thân mẫu Mônica lâm trọng bệnh và qua đời ở tuổi 56, còn Augustinô lúc đó cũng đã 33 tuổi. Phụng vụ của Giáo hội Tây phương kính nhớ thánh Mônica vào ngày 27 tháng tám hằng năm, một ngày trước ngày kính nhớ thánh Augustinô (28 tháng tám).

D. Hai góa phụ bảo trợ cộng đoàn

Trong mục này, chúng tôi xin giới thiệu hai góa phụ, một ở Constantinopolis (Olympias), một ở Rôma (Proba).

1. Thánh Olympias

Olympias (k. 360-408) là một góa phụ giàu có, đứng đầu một nhóm các phụ nữ tận hiến ở thành phố Constantinopolis. Cô cũng là một “nữ trợ tá”[10] trong một nhà thờ ở đó. Thánh nữ là người bạn rất thân thiết của thánh Gioan Kim Khẩu. Chúng ta biết rằng, thánh Gioan Kim Khẩu rất nhiệt thành với người nghèo, nhưng cách nói chuyện ngay thẳng của ngài thường đụng chạm đến giới nhà giàu. Sau một bài giảng chống lại sự phung phí, vị nữ hoàng đã cách chức ngài và đuổi khỏi thành phố. Chính Olympias đã giúp đỡ thánh nhân trong cuộc lưu vong bằng tiền riêng của cô, bất chấp chi phí ấy khá lớn và có thể gây nguy hiểm cho mình. Hầu hết những gì chúng ta biết về cuộc lưu vong của thánh Gioan Kim Khẩu đều đến từ những lá thư mà ngài viết cho Olympias[11].

Khi thánh Gioan bị đuổi ra khỏi thành phố Constantinopolis thì đã có những cuộc bạo loạn trên đường phố. Ngôi nhà thờ lớn cũng bị cháy và hai nhóm –bên ủng hộ và chống đối thánh Gioan Kim Khẩu– cáo buộc lẫn nhau. Một số người ủng hộ thánh nhân đã phải nhận tội vì không chịu nổi sự tra tấn.

Sử gia Sozomen cho biết, Olympias bị tố cáo trước tổng trấn thuộc phe chống đối thánh Gioan. Mặc dù bị tổng trấn đe dọa sẽ làm hại bạn bè của mình, nhưng Olympias vẫn lật ngược tình thế và buộc thẩm phán phải thả mình ra nhờ vào kiến thức đáng kể về luật pháp Rôma. Khi thấy không thể buộc tội được Olympias, tổng trấn quay sang dụ dỗ cô thừa nhận sự hợp pháp của Arsacius, người được chỉ định kế vị thánh Gioan, ra như một lời khuyên dành cho cô. Tuy nhiên, Olympias đã không nghe theo bất kỳ lời gian dối nào.

Đồn lũy của thành Constantinopolis

Trong lúc bị lưu vong, thánh Gioan Kim Khẩu nghe tin người bạn thân thiết của mình là Olympias đang lâm bệnh nặng và cận kề cái chết. Tuy nhiên, sau khi bình phục, Olympias đã viết thư cho thánh nhân và khẳng định bệnh tình không quá nặng đến thế. Người ta cho rằng, có lẽ Olympias biết rõ thánh Gioan cũng đang bệnh nặng nên không muốn thánh nhân thêm lo lắng vì cô.

Tuy nhiên, sự việc không qua mắt được thánh Gioan. Trong lá thư hồi đáp Olympias, thánh nhân đã hết lời ca ngợi cô như một tấm gương can trường của các Kitô hữu, biết vượt qua mọi đau khổ nơi thể xác bằng tinh thần mạnh mẽ và lòng can trường. Cô đã làm nhiều điều cho thành Constantinopolis; cô còn hơn cả đồn lũy, tường thành và đạo binh mà thủ đô của đế quốc có thể xây dựng lên. Ngài viết như sau:

Tôi hân hoan nhảy mừng, lòng đầy phấn khởi. Tôi không còn cảm thấy mình cô đơn vào lúc này, cũng chẳng bận tâm tới những rắc rối xung quanh. Bởi vì lòng tôi phấn khởi, bừng sáng và đầy tự hào về sự vĩ đại của tâm hồn chị, về những chiến công liên tiếp mà chị đã đạt được. Tôi phấn khởi không chỉ vì ích lợi của riêng chị, mà còn vì ích lợi của cả thành phố rộng lớn và đông đảo này. Ở đó, chị giống như đồn lũy, nơi ẩn trú, tường thành bảo vệ. Ở đó, chị lên tiếng bằng một mẫu gương hùng hồn. Qua những đau khổ phải gánh chịu, chị đã dạy cho các phụ nữ khác biết xắn tay áo mà sẵn sàng đón nhận thử thách, biết đi vào trận chiến với hết thảy lòng can đảm, biết vui vẻ đón nhận những cạm bẫy trong các cuộc thử thách. [12]

Thánh Gioan còn ca ngợi Olympias vì cô không phải là người dấn thân ở những nơi công cộng để nhiều người biết đến, cho bằng chỉ ở trong nhà hay nơi phòng giam để chăm sóc người khác. Đối với thánh Gioan, sức mạnh của một tâm hồn bình thản nơi Olympias lớn hơn sức mạnh vạn quân, mạnh hơn mọi loại vũ khí và tốt hơn bất kỳ thứ đồn lũy hay tường thành bảo vệ nào.

Olympias được kính nhớ như thánh nữ trong Giáo hội Công giáo (ngày 19 tháng 12) và Chính thống (ngày 25 tháng 7).

 2. Proba Góa phụ

Anicia Faltonia Proba (k. 400) là một góa phụ giàu có ở Rôma, cháu của bà thi sĩ Faltonia Betitia Proba, đã nói trên đây. Cô đã thành lập một cộng đoàn các Kitô hữu góa phụ và trinh nữ tại nhà mình. Đây là điều bình thường và thậm chí là trào lưu của các phụ nữ giàu có đương thời, lúc Rôma bị tấn công và thế giới ra như đã sụp đổ. Proba hằng khao khát được sống một cuộc đời tận hiến cho Chúa Kitô. Để có thể nhận được những lời chỉ dẫn, cô đã tìm đến thánh Augustinô. Ngày nay, người ta vẫn còn lưu giữ lá thư nổi tiếng mà vị giám mục thành Hippo đã gửi cho cô (đánh số 130), được đọc trong Phụng vụ Kinh sách tuần lễ XXIX Mùa thường niên.

Có lần, Proba đã xin giám mục Augustinô dạy cô biết cách cầu nguyện. Thánh Augustinô trả lời rằng các góa phụ có nhiệm vụ đặc biệt là cầu nguyện sốt sắng, bởi vì họ được xem như những mẫu gương cầu nguyện cho mọi người. Ngài khen ngợi lòng sốt sắng và nhiệt thành trong cầu nguyện của Proba:

Dường như mối bận tâm về việc cầu nguyện sẽ chiếm giữ tâm hồn chị, và nó sẽ khẳng định vị thế ưu tiên của nó trong chị. Xét cho cùng, chị là một phụ nữ cao quý và giàu có và là mẹ của một gia đình lừng lẫy như thế. Dù là góa phụ, chị vẫn không sầu não – ngoại trừ việc chị hiểu biết một cách khôn ngoan điều này: trong thế giới này và cuộc sống này, linh hồn chẳng có phần nào là chắc chắn cả.

Ngài khẳng định chính Thiên Chúa là Đấng đã khơi lên lòng mộ mến nơi Proba và vì sự thúc bách đó mà cô đã xin ngài cho vài lời khuyên về việc cầu nguyện. Rồi thánh Augustinô mượn hình ảnh của ông Da-kêu để dạy cô cách cầu nguyện. Ngài nhấn mạnh, cho dù giàu đến mức nào thì cũng đừng quên rằng, sự giàu có đích thực chỉ có ở kho báu mà chúng ta xây dựng trên thiên đàng:

Khi còn ở trần gian, Người [Đức Giêsu] đã đưa ông Da-kêu vào nước trời, mặc dù ông ta là người giàu có (x. Lc 19,8-10). Sau khi được tôn vinh qua sự phục sinh và thăng thiên, Người đã làm cho nhiều người giàu có biết xem thường thế gian, làm cho họ trở nên giàu có đích thực khi dập tắt lòng ham muốn giàu có bằng cách ban Thánh Linh cho họ.

Vậy làm sao chị có thể khao khát cầu nguyện với Thiên Chúa mà lại không tín thác vào Người? Làm sao chị có thể tín thác vào Người nếu chị đặt niềm tin của mình vào sự giàu có không vững bền và lãng quên lời khuyên hữu ích của vị thánh tông đồ? “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.” (1Tm 6,17-19).

Nếu yêu mến cuộc sống đích thật này, chị cần xem mình như một kẻ ăn xin ở trần gian tuy chị rất giàu có. Cuộc sống thiên đàng mới là cuộc sống đích thật. Tuy chúng ta rất yêu cuộc sống hiện tại, nhưng nó không xứng đáng được gọi là “sự sống” dù nó có dài và hạnh phúc như thế nào đi nữa. Cuộc sống và niềm an ủi đích thực đã được Đức Chúa hứa ban qua lời ngôn sứ Isaia: “Ta sẽ ban cho nó niềm an ủi đích thật, bình an trên bình an” (Isaia 57,18-19, theo bản LXX). Không có sự an ủi này thì dù có sống mọi sự thoải mái của trần gian, chúng ta vẫn thấy mình tuyệt vọng hơn là được an ủi.

Thánh Augustinô còn khuyên Proba sống độc lập với sự giàu có và danh vọng địa vị, đừng để chúng thống trị bản thân. Nếu quá tập trung vào chúng thì nỗi sợ mất chúng sẽ làm cho con người ra buồn phiền, đau khổ. Ngài nhấn mạnh, con người không trở nên tốt khi sở hữu chúng, nhưng nếu chúng ta thật sự đã trở nên tốt rồi thì khi có được những thứ này, chúng ta cũng sẽ làm cho chúng nên tốt qua việc sử dụng đúng đắn của chúng ta. Ngài khuyên bảo Proba hãy cố gắng vượt qua sự thế gian trong cầu nguyện. Hãy cầu nguyện trong hy vọng, trong đức tin và đức mến. Hãy cầu nguyện cách kiên trì và sốt sắng. Hãy cầu nguyện như một góa phụ thuộc về Chúa Kitô.

Ngài mượn nhiều hình ảnh trong Sách Thánh để nói về gương mẫu cầu nguyện. Chẳng hạn, bà góa phụ Anna không rời bỏ Đền Thờ, nhưng thờ phượng Thiên Chúa bằng việc ăn chay và cầu nguyện đêm ngày (x. Lc 2,36-37); hình ảnh các góa phụ biết đặt hy vọng vào Thiên Chúa, chuyên tâm cầu nguyện đêm ngày (x. 1Tm 5,5); hình ảnh bà góa quấy rầy và quan tòa bất chính (x. Lc 18,2-8). Nguyên nhân nào làm cho việc cầu nguyện đặc biệt thích hợp với các góa phụ? Thánh Augustinô trả lời rằng, đó chính là tình trạng mất người thân và cô độc của họ, vì trong hoàn cảnh ấy họ sẽ nhận ra chỉ có Thiên Chúa mới là lá chắn vững bền.

Qua đó, Augustinô mời gọi Proba dành thời giờ cho việc cầu nguyện giống như các góa phụ này trong Sách Thánh:

Chị hãy cầu nguyện như một góa phụ của Chúa Kitô, mặc dù chị chưa hề được nhìn thấy Người, Đấng giúp đỡ chị trong lời cầu xin. Dù chị rất giàu có, nhưng hãy cầu nguyện như thể một người nghèo hèn. Bởi lẽ chị chưa đạt được sự giàu có của thế giới đang đến, ở đó chị sẽ không bị tước mất điều gì để phải lo sợ. Mặc dù còn có những người con và cháu, cùng với một đại gia đình, nhưng chị hãy cầu nguyện như thể là một người cô độc, vì chúng ta không thể đoan chắc rằng sẽ có phước lành tạm thời nào đó bao bọc để an ủi chúng ta ngay ở cuộc sống hiện tại này.

Cuối cùng, thánh nhân cũng xin Proba cầu nguyện cho mình, bởi vì ngài biết sứ vụ giám mục khó khăn đến mức nào và ngài cần lời cầu nguyện của những phụ nữ thánh thiện như Proba.

 E. Một người phụ nữ viết ký sự: Egeria

Sau khi hoàng đế Constantinô trở lại Kitô giáo, một điều kỳ lạ đã xảy ra: đế quốc Rôma tràn ngập khách hành hương và đa phần là phụ nữ. Họ đi hành hương các thánh địa, không chỉ đặc biệt là những nơi ở Paslestine, mà đến cả các lăng mộ và khu tưởng niệm những vị tuẫn giáo trong khắp đế quốc.

Vào cuối thế kỷ XIX, người ta tìm thấy một tác phẩm văn chương trong thư viện của một đan viện ở Italia, đó là quyển nhật ký của Egeria, Peregrinatio ad Loca Sacra hay Itinerarium Egeriae, (còn gọi là Etheria, Aetheria hay Sylvia)[13]. Tác phẩm viết tay này ghi lại cuộc hành hương đến Đất thánh khoảng cuối thế kỷ IV hoặc đầu thế kỷ V, trong đó chứa đựng những dòng thư cô viết cho một nhóm phụ nữ được gọi là “các chị em khả kính” hay “các phụ nữ đáng mến” nhân các chuyến hành hương của mình. Đó là những cảm xúc và kinh nghiệm của cô trong mỗi chuyến đi. Đây cũng được xem là tác phẩm viết tay cổ xưa nhất được viết bởi một phụ nữ.

Nửa đầu tác phẩm này nói đến việc cô đến Giêrusalem, Ai Cập, Bán đảo Sinai, Transjordan và hành trình trở về Constantinopolis. Phần thứ hai cho biết thông tin về những hình thức thờ phượng được thực hành ở Giêrusalem. Tác phẩm không chỉ đưa ra các địa danh, mà còn cung cấp một cái nhìn sâu sắc về những việc thực hành, con người và truyền thống. Đây quả thật là một tác phẩm có giá trị vì đã cho biết nhiều thông tin về sự thờ phượng và kiến trúc Kitô giáo sơ khai trong thời kỳ xây dựng giáo hội ở Constantinopolis, cũng như hiện trạng các địa điểm trong Sách Thánh vào thế kỷ V. Với Egeria, cô tin rằng Chúa đã gọi cô thực hiện những chuyến hành hương này. Vì thế, quyển nhật ký của cô cũng được xem là mang nhiều ý nghĩa thần học.

Thông tin từ quyển nhật ký cho biết Egeria là một phụ nữ giàu có: cô đi hành hương trong nhiều năm với một đoàn tùy tùng đông đảo, được những người có thẩm quyền chào đón ở nơi cô đến. Thường thì cô đi chung với đoàn tùy tùng, nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy có một người đàn ông luôn đi theo để bảo vệ cô. Cô là người tự đưa ra quyết định và chịu đựng những khó khăn. Theo các sử gia, vào thời bấy giờ, các thánh địa đều mở cửa đón khách hành hương, có cả phòng chờ cho khách. Tại những nơi này, người ta không chỉ dạy học cho khách mà còn học hỏi từ khách và trao cho khách những món quà. Có lẽ việc buôn bán các vật lưu niệm cũng đã có lúc bấy giờ.

Egeria xuất thân từ một gia đình Kitô giáo thuộc lãnh thổ mà ngày nay có thể là vùng tây bắc Tây Ban Nha hoặc miền nam nước Pháp. Theo đó, quê hương của Egeria có thể ở Gaul, hoặc Arles, hoặc dọc theo vùng Rhone, một cảng lớn của Địa Trung Hải. Mặc dù không được học văn chương cổ đại và tiếng La-tinh như những phụ nữ quý tộc khác, nhưng cô cho biết có thể đọc được Kinh Thánh. Cô cũng thường xuyên trao đổi về Kinh Thánh với các vị hữu trách ở những nơi cô đến và cũng thường diễn giải những chuyến đi của mình bằng chính những câu chuyện trong Kinh Thánh. Cũng có khả năng cô thuộc về một nhóm trinh nữ gắn bó với nhau để cùng nghiên cứu Kinh Thánh và thờ phượng Thiên Chúa, cho nên cô thường gọi nhóm của mình là “các chị em khả kính” hay “các phụ nữ đáng mến”. Tuy nhiên, các chị em này không thuộc về một dòng tu hay đan viện nào. Vì thế, không biết Egeria có phải là nữ tu hay không.

Ngay đến cái tên Egeria cũng mang nhiều bí ẩn, vì người ta vẫn chưa chắc chắn liệu đây có đúng là tên thật của cô hay không. Tên gọi Egeria bắt nguồn từ một thần thoại cổ xưa của Rôma. Vào thời kỳ đầu lịch sử Rôma cổ đại, Egeria được biết đến như một nữ thần sánh đôi với Numa Pompilius. Bà đã nêu gương cho ông trong việc tham dự lễ nghi tôn giáo và tuân thủ luật lệ, từ đó trở thành một phần của tôn giáo Rôma lúc bấy giờ. Cũng theo truyền thống cổ xưa, sau khi rửa tội, người ta sẽ đổi tên của mình, nhưng Egeria dường như đã giữ lại tên gọi ngoại đạo này, qua chữ ký trong các tác phẩm của cô.

Tóm lại, những người hành hương nữ giới nói chung và Egeria nói riêng đã mở ra một cuộc cách mạng cho các nữ Kitô hữu. Họ tự đưa ra quyết định, tự thực thi công việc của họ, đến những nơi mình muốn, nâng cao tâm trí và nhận ra lợi ích của việc học hành. Có lẽ đây là hệ quả từ lời xác quyết nổi tiếng của thánh Phaolô: trong Đức Kitô, không còn phân biệt đàn ông hay đàn bà (x. Gl 2,28).

Vào thời bấy giờ, có lẽ đến cả một triết gia ngoại giáo nhiệt thành nhất cũng khó lòng đề nghị nâng cao hoàn toàn vai trò truyền thống của phụ nữ trong xã hội. Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu thì khác: sự đề cao ấy không phải chỉ là những điều suy lý trừu tượng, nhưng có thực trong chính cuộc sống hằng ngày của họ.

Kết luận

Ngày nay, chúng ta không có nhiều thông tin chi tiết về các anh thư thời Giáo hội sơ khai. Hầu hết những gì đáng tin cậy mà chúng ta có được đều đến từ các lá thư trao đổi của các giáo phụ, những truyền khẩu trong các cộng đoàn và số ít những bút tích do khảo cổ học tìm thấy. Mặt khác, vào thời bấy giờ, người ta không chủ trương ghi chép tỉ mỉ về tiểu sử các vị thánh như khoa sử học ngày nay, nhưng muốn làm nổi bật các nhân đức anh hùng để truyền lại cho hậu thế mẫu gương sống động về đức tin Kitô giáo. Thế nên, cũng không rõ đâu là chi tiết thật và đâu là chi tiết cường điệu. Tuy nhiên, cốt lõi của đời sống thánh thiện nơi các anh thư này là điều chắc chắn.

Những nữ chứng nhân của thời kỳ Giáo hội sơ khai có thân thế và địa vị khá đa dạng: nữ tu, bà góa, những người sống thành cộng đoàn nhưng không lệ thuộc vào một đan viện nào, hay chỉ là những người hành hương… Có người được tôn kính như những vị thánh, nhưng cũng có người chỉ là phụ nữ bình thường. Có người được phú ban trí tuệ thông minh, nhưng cũng có người chỉ biết đến Chúa qua lòng mộ mến. Có người là thi sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhưng cũng có người chỉ nêu gương bằng tinh thần giữ luật và chuyên chăm phụng thờ Thiên Chúa. Có người dành cả cuộc đời để chiêm niệm Lời và tìm kiếm Thiên Chúa trong cô tịch, cũng có người sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để bảo vệ đức tin.

Các vị, những phụ nữ trông có vẻ yếu đuối bề ngoài nhưng lại đầy nghị lực bên trong, giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các giáo đoàn và là gương mẫu sống động cho các Kitô hữu qua mọi thời. Hơn nữa, các vị không chỉ góp phần xây dựng Kitô giáo mà còn mang đến những sự thay đổi não trạng về vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội. Nơi các vị, người ta còn nhìn thấy một cuộc cách mạng về phẩm giá phụ nữ, hướng tới một sự bình đẳng và tự do trong xã hội, bởi lẽ các vị đã chứng tỏ nữ giới không hề thua kém nam giới cả về tri thức, sức chịu đựng hay lòng mộ mến.

 ————————

Thư mục

Aquilina, Mike và Bailey, Christopher. Mother of the Church – The Witness of Early Christian Woman. Huntington: Our Sunday Visitor, 2012.

Cohick, Lynn H. and Hughes, Amy Brown.  Christian Women in the Patristic World: Their Influence, Authority, and Legacy in the Second through Fifth Centuries. Grand Rapids, MI: Baker Academic, 2017.

Cooper, Kate. Band of Angels: The Forgotten World of Early Christian Women. New York, NY: The Overlook Press, 2013.

Deen, Edith. Great Women of the Christian Faith. Uhrichsville, OH: Barbour and Company, Inc., 1959.

Trong bài này, chúng tôi chỉ giới hạn vào việc nghiên cứu vài nhân vật cụ thể. Đề tài có thể mở rộng đến “Các phụ nữ trong các tác phẩm của các giáo phụ”. Các giáo phụ đã viết nhiều khảo luận dành cho các trinh nữ, các quả phụ, các đôi hôn nhân. Đó là chưa nói đến các bài giảng (hoặc chú giải Kinh thánh) liên quan đến các phụ nữ. Có thể xem thêm: Elizabeth A. Clark. Women in the Early Church. Wilmington, Delaware: Michael Glazier, 1983.

————————

 [1] Phần lớn các thông tin trong bài viết này được chọn lọc từ: Mike Aquilina và Christopher Bailey, Mother of the Church – The Witness of Early Christian Woman (Huntington: Our Sunday Visitor, 2012). Độc giả có thể tìm thấy tư liệu trong thư mục ở cuối bài.

[2] TertullianDe baptismo 17:5.

[3]  Passion of Perpetua and Felicity, 3. The Ante-Nicene Fathers: Translations of the Writings of the Fathers Down to A.D. 325. Edited by the Rev. Alexander Roberts, D.D., and James Donaldson, LL.D. (New York: Charles Scribner’s Sons, 1903). 3:72.

[4] St. Ambrose, On Virginity, 1.2.

[5] St. Augustine, Sermon 273.

[6] Socrates Scholasticus, Church History, 1.17.

[7] Các học giả thường lẫn lộn hai bà Proba. Bà kia tên là Anicia Faltonia Proba, sẽ được nói dưới đây khi đề cập đến lá thư của thánh Augustinô.

[8] Bản dịch tiếng Anh. E.A. Clark – D. F. Hatch, The Golden Bough, The Oaken Cross. The Virgilian Cento of Faltonia Betitia Proba, Ann Arbor 1981.

[9] Epist. 53,7: “puerilia sunt haec et circulatorum ludo similia”.

[10] Trong tiếng Hylạp, diakonos có nghĩa là “người phục vụ”. “Nữ phó tế” giữ một chức năng đặc biệt trong Giáo hội, bao gồm cả việc hỗ trợ các nữ tân tòng cởi y phục để chịu phép rửa.

[11] Người ta còn giữ được 17 lá thư của thánh Gioan Kim khẩu gửi cho bà Olympias. Xem: Patrologia Graeca, LII. A.M. Malingrey, Lettres à Olympias. Sources Chretiennes 13bis, Paris 1968. John Crysostom, Letters to Olympias, Yonkers, New York : St. Vladimir’s Seminary Press, 2016

[12] A Select Library of the Nicene and Post-Nicene Fathers of the Christian Church, Edited by Philip Schaff, D.D., LL.D. (New York: The Christian Literature Company, 1887), 9:297-298.

[13] Bản dịch tiếng Anh: John Wilkinson, Egeria’s Travels. Oxford: Aris & Phillip 1971.