Phan Tấn Thành
Nhân dịp Đức thánh cha Lêô XIV, tu sĩ và là nguyên bề trên tổng quyền Dòng thánh Augustinô làm Giáo hoàng, chúng ta thử tìm hiểu gốc gác của Dòng này. Cần nói ngay rằng vị sáng lập Dòng này không phải là thánh Augustinô (không giống như Dòng Đaminh hay Phansinh), nhưng là một Giáo hoàng, như sẽ thấy sau. Chúng ta cần đi lùi lại dòng lịch sử, theo dõi sự thành hình của Dòng qua ba giai đoạn: 1/ Các cộng đoàn do thánh Augustinô thiết lập hồi thế kỷ thứ Năm. 2/ Các Dòng giữ luật thánh Augustinô thời Trung cổ. 3/ Những Dòng được kết nạp với Dòng Augustinô.
Chữ viết tắt: AT = Âu Tinh
I. Các cộng đoàn do thánh Augustinô thiết lập
Trước hết, chúng ta hãy ôn lại tiểu sử thánh AT (354-430).
AT (gốc Latinh : Aurelius Augustinus) sinh tại Tagaste (Bắc Phi) ngày 13-11-354. Cho đến năm 373, anh học và dạy tại quê nhà. Từ năm 374, anh sang dạy học tại Cartago, thủ phủ hành chánh của miền Bắc Phi. Lúc đó, anh đã bị quyến rũ bởi thuyết Manikê cũng như đã có tình nhân và sinh đứa con tên là Adeodatus. Đến năm 383, anh xuống tàu qua Italia, dạy học ở Rôma một thời gian, và sau đó lên Milanô. Khoảng năm 385/6, anh rời bỏ tình nhân. Vào mùa hè năm 386 anh được ơn trở lại, và được rửa tội vào đêm Vọng Phục sinh (24-4) năm 387 tại Milano. Mùa hè năm sau, anh trở về quê nhà (Tagaste). Tại đây anh thiết lập một đan viện và trụ trì cho đến năm 391, khi được thụ phong linh mục cho giáo phận Híppô. Giám mục Valerius cho phép cha được lập một đan viện trong khu đất của nhà thờ. Khoảng năm 395/6, cha được cử làm giám mục phó, và không bao lâu thì kế vị giám mục Valerius. Thánh nhân qua đời ngày 28-8-430.
Phần đông chúng ta thường biết thánh nhân như là một vị giám mục và là tiến sĩ vĩ đại của Hội thánh; rất ít người nghĩ đến người như là một đan sĩ. Trong thực tế, lý tưởng sống đời đan tu luôn luôn thu hút người từ lúc trở về với Chúa và kéo dài suốt đời. Chúng ta hãy ghi nhận một vài chặng quan trọng trong hành trình tu trì của thánh Augustinô:
Tại Milano, sau khi trí tuệ đã được chinh phục bởi đức tin Kitô giáo (cuộc trở lại dứt khoát xảy ra một thời gian sau đó), anh Augustinô đã cùng với một nhóm bạn bè khoảng 10 người, nghĩ đến việc sống chung với nhau trong cộng đoàn để tìm kiếm sự Khôn ngoan của Thiên Chúa. Tuy nhiên sự cố gắng này đã không thành công vì một lý do rất đơn giản : một số người muốn mang theo vợ mình, nhưng một số khác thì phản đối (Confessiones 6, 14, 24).
Sau cuộc hoán cải (tháng 8 năm 386), anh Augustinô trải qua chín tháng chuẩn bị lãnh Bí tích thánh tẩy (24/4/387), tại một địa điểm gần Milano, cùng với thân mẫu là Mônica, người con là Adeodatus, người em trai Navigio và cùng với một số họ hàng và bạn hữu. Nhịp sống hàng ngày tương tự như tại một đan viện: cầu nguyện, làm việc, học hành, đọc Thánh kinh …
Sau khi trở về quê hương (năm 388), Augustinô đã qui tụ con trai và một số bạn bè tại một nơi ngoài thành Tagaste, nơi sinh trưởng của mình. Ở đó trong 3 năm, anh sống cuộc đời đan tu rất chặt chẽ. Possidius, một đồ đệ và người viết tiểu sử của anh, kể rằng : "Điều được Chúa mặc khải lúc chiêm niêm và cầu nguyện, thì người truyền lại cho những kẻ chung sống với mình bằng lời giảng dạy " (Vita, 3, 2). Chắc hẳn là những lời giảng huấn đó sẽ trở nên nòng cốt cho Bản tu luật sau này. Tuy vậy, từ chốn ẩn dật, Augustinô cũng làm "mục vụ" qua các thư từ. Nhờ tài năng thiên phú cũng như đời sống đạo đức, anh được nhiều người chiếu cố và tham khảo đủ mọi thứ chuyện. Để tránh cảnh xáo trộn đó, anh tìm đến một nơi yên tĩnh hơn để thiết lập cộng đoàn đan viện mới, tại Hípppô. Nhưng khi tới nơi, anh được truyền chức linh mục, một điều xảy ra ngoài ý muốn (năm 391).
Dù là một linh mục, Augustinô vẫn tiếp tục muốn sống như một tu sĩ. Trong khu vườn cạnh nhà thờ Híppô, cha lập một cộng đoàn gồm các “giáo dân” (391) theo lý tưởng của cộng đoàn tiên khởi Giêrusalem như sách Công vụ thuật lại: để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Điều này luôn luôn là lý tưởng của Augustinô. Có nhiều ý kiến cho là Bản tu luật được viết trước tiên cho cộng đoàn này. Từ cộng đoàn giáo dân này xuất thân một số giám mục để phục vụ dân Chúa. Nếp sống đan tu từ đó mở ra với các công tác mục vụ và trở thành đặc tính tiêu biểu của các đan viện do thánh Augustinô sáng lập. Người viết : “Chỉ có một tu sĩ tốt mới trở thành một linh mục tốt” (Ep. 60, 2). Nhưng xảy ra là sau đó Augustinô được chọn làm giám mục (395/396); như thế là phải bỏ lý tưởng đời tu chăng ? Chắc chắn là không ! Thật vậy, sau khi được tấn phong, người bắt đầu lập một cộng đoàn dành cho các giáo sĩ.
Khi đã làm giám mục, Augustinô vẫn ước ao được ở lại đan viện với các tu sĩ "giáo dân". Nhưng những cuộc thăm viếng và nhiều công tác mục vụ làm xáo động nghiêm trọng cuộc sống thường ngày của cộng đoàn, vì thế ngài dọn nhà về toà giám mục. Tại đây, cùng với các linh mục và giáo sĩ, người thiết lập một cộng đoàn mới (monasterium clericorum) vào năm 397. Các đan sĩ vừa miệt mài truy tầm chân lý vừa hoạt động mục vụ.
Thánh Augustinô cũng mở một cộng đoàn nữ tu, mà bề trên là bà em gái, “một quả phụ được thánh hiến”, như người đã viết, và trong đó cũng có mấy người cháu làm phần tử. Đời sống đan tu được kết hợp với việc thực hành bác ái, nghĩa là chăm sóc các cô nhi và trẻ em bị bỏ rơi. Cộng đoàn này trở nên một ốc đảo hoà bình đối với giám mục Híppô : "Tôi đã tìm được niềm an ủi giữa biết bao nhiêu gương mù đang phơi bầy giữa thế gian" (Ep. 211, 2-3). Có phải vì chính cộng đoàn này mà vị thánh viết nên Bản luật đầu tiên được kèm theo lá Thư số 211, theo như ý kiến của vài người ?
Augustinô còn sáng lập nên nhiều đan viện khác nữa, như Possidius đã chứng thực : "Khi qua đời, người để lại cho Giáo hội nhiều đan viện nam và nữ với biết bao người yêu mến đời sống tiết độ" (Vita, 31, 8). Như vậy chúng ta có thể xác quyết rằng trong suốt cả cuộc đời, thánh Augustinô đã miệt mài say mê cho lý tưởng tu trì. Kể từ lúc trở thành Kitô hữu, người đã muốn sống như một đan sĩ, thậm chí kể cả sau khi được tấn phong làm giám mục.
Tuy nhiên, những cộng đoàn này đã bị tan rã sau khi quân “man di” xâm chiếm Bắc Phi. Mãi đến thời Trung cổ, có những nhóm đan sĩ ở Âu châu muốn tiếp tục lý tưởng của thánh AT, tuy không thể nào đối lại lại được ảnh hưởng của luật thánh Biển Đức. Điều thú vị là có nhiều phiên bản của luật thánh AT. Theo sự nghiên cứu của cha Luc Verheijen[1], người ta đếm được 9 phiên bản luật thánh AT: 4 dành cho nam giới và 5 dành cho nữ giới. (1) Ordo Monasterii (bắt đầu bằng các lời “Ante omnia, fratres carissimi” và kết thúc bằng “de vestra salute. Amen”). (2) Praeceptum (bắt đầu bằng “Haec sunt quae ut observetis praecipimus” và kết thúc “et in temptationem non inducatur”). Dài gấp 5 lần bản số Một. (3) Praeceptum longius ghép hai bản số Một và Hai. (4) Regula recepta, lấy các lời đầu của bản số Một đem chắp vào bản số Hai. - Các bản sau đây dành cho nữ giới: (5) Obiurgatio, bức thư gửi cho các nữ tu, khiển trách vì tội bất tuân bề trên, quen gọi là Lá thư số 211). (6) Regularis informatio, bản luật (số Hai nói trên đây) chuyển sang giống cái. (7) Epistula longior, ghép hai bản văn số Năm và Sáu. (8) Ordo monasterii feminis datus, hầu giống y như bản văn số Một, chuyển sang giống cái. (9) Epistula longissima, ghép một mảng của bản số Năm với số Tám, dán thêm một khúc của bản số Sáu. Chúng tôi không muốn đi vào vấn đề phê bình nguyên bản ở đây.
II. Thời Trung cổ
Như đã nói trên đây, các cộng đoàn do thánh AT hay do các môn đệ của ngài thiết lập đã bị tiêu tán khi miền Bắc Phi rơi vào tay người Hồi giáo. Bản luật cũng lâm cùng một số phận. Mãi sang thời Trung cổ, nó mới được làm sống lại trong một bối cảnh khác, với hai biến cố quan trọng: Thứ nhất, việc canh tân hàng giáo sĩ đặt ra nghĩa vụ sống chung và tuân theo một bản luật; Thứ hai, một số ẩn sĩ được cải tổ thành một dòng mang tên là dòng thánh AT. Ngoài ra, cần phải kể đến những dòng hành khất giữ luật thánh AT, nhưng không mang tên là dòng AT.
A. Các Kinh sĩ cải cách: Canonici regulares (thế kỷ XI)
Trước hết, cần phải lưu ý về từ ngữ: các “kinh sĩ” dễ gợi lên ý tưởng của những người lấy việc đọc kinh làm nghiệp của mình (đó là chưa kể sự lẫn lộn với trào lưu thần học “kinh viện” dịch bởi scholasticat). Thực ra, “kinh sĩ” là một thuật ngữ phiên dịch tiếng Pháp chanoine và gốc Latinh là canonicus. Tự nó canonicus là một tính từ gốc bởi danh từ canon, tiếng Hy-lạp có nghĩa là quy tắc hoặc danh sách. Trong Hội thánh tiên khởi, đã xuất hiện các virgines canonicae nghĩa là những trinh nữ đã được đăng ký phục vụ tại một giáo hội nào đó. Một cách tương tự như vậy, các giáo sĩ clerici canonici là những giáo sĩ được đăng ký phục vụ tại một giáo hội (thánh đường) nào đó và dĩ nhiên là phải tuân giữ một vài kỷ luật nào đó, chẳng hạn những kỷ luật về việc cử hành bí tích. Vào những thế kỷ đầu tiên, các giáo sĩ thường sống chung với nhau bên cạnh toà giám mục, như ta thấy nơi cuộc đời của thánh Augustinô. Dần dần với sự bành trướng của Giáo hội, các giáo sĩ được cử về phục vụ tại các thánh đường ở thôn quê, và sống biệt lập, với những mặt trái của nó. Vào thế kỷ VIII, trong dự án cải tổ các đan sĩ và giáo sĩ, hoàng đế Charlemagne truyền cho tất cả các đan sĩ phải giữ luật thánh Biển đức và các giáo sĩ phải tuân giữ một bản luật (do thánh Chrodergang đã soạn khoảng năm 750, theo đó các giáo sĩ phải giữ đời sống chung (giống như các đan sĩ). Sang thế kỷ XI, cuộc cải tổ của giáo hoàng Grêgoriô VII (1073-1085) và các giáo hoàng kế tiếp cũng như các công đồng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp các giáo sĩ sống tinh thần Phúc âm. Điều này có nghĩa là các giáo sĩ phải tuân giữ một kỷ luật sống theo một bản luật. Tuy nhiên, có những giáo sĩ chấp nhận đời sống chung và được gọi là canonici regulares (chanoines réguliers, vì tuân giữ một regula), đối lại với các canonici saeculares (séculiers). Bản luật mà họ phải tuân giữ là luật thánh AT, dựa theo quyết định của Công đồng Lateranô II năm 1139 (Regula canonica sancti Augustini). Điều này hàm ngụ việc sống chung, và tuyên khấn vâng phục, khiết tịnh, không giữ tư sản.
Xem ra những quyết nghị của các giáo hoàng và công đồng hồi thế kỷ XI không mang lại kết quả mong muốn. Ngoại trừ kỷ luật độc thân có hiệu lực phổ quát kể từ công đồng Laterano II (năm 1139 : tuyên bố vô hiệu hôn thú của các giáo sĩ và đan sĩ), số các cộng đoàn canonici regulares không nhiều lắm. Tuy vậy chính hàng ngũ đó đã cung cấp cho Giáo hội nhiều nhân vật sáng giá trong hàng giáo phẩm (bốn vị giáo hoàng : Honorius II, Innocentius II, Lucius II, Hadrianus IV ; nhiều hồng y và giám mục), và nhiều trường thần học, nổi tiếng nhất là trường Saint-Victor (thành lập tại Paris năm 1113).
Các cộng đoàn này gồm bởi các giáo sĩ, và công tác chính của họ là giảng dạy, cử hành các bí tích. Những điểm này không được nêu bật trong luật thánh AT. Đối với họ, điểm cần nhấn trong bản luật thánh AT là chương I, về Đời sống cộng đoàn, và đặc biệt là việc đặt chung tài sản. Tính cộng đoàn được diễn tả qua bốn bình diện: a) chung trái tim (một lòng một trí hướng về Chúa); b) chung tài sản (mọi tài sản đều đặt làm sở hữu chung); c) sống chung một nhà (sống hoà thuận với nhau); d) hưởng dụng chung (phân phát cho mỗi người tuy theo nhu cầu).
Lý tưởng là các thành viên sống hoà thuận với nhau trong tu viện, một lòng một ý với nhau trên đường hướng về Thiên Chúa. Sự hoà hợp tâm trí là một mục tiêu, nhưng sự hòa hợp mang tính năng động, bởi vì ta phải luôn cố gắng đạt đến chứ chưa nắm gọn trong tay. Mặt khác, yếu tố làm nên sự hoà hợp là chính Thiên Chúa: chính ngài là cùng đích mà chúng ta nhắm tới và là tác nhân làm nên cộng đoàn.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố siêu nhiên, một điều kiện tiên quyết về phía con người là đặt cộng đồng tài sản. Các đan sĩ coi việc từ bỏ tài sản như dấu chỉ của việc siêu thoát tâm hồn khỏi sự quyến luyến những của cải tạm bợ, hoặc dấu chỉ của việc chọn lựa Thiên Chúa là hạnh phúc tuyệt đối của cuộc đời. Thánh AT thêm một ý nghĩa mới, đó là sự chia sẻ tình bạn, dấu chỉ của tình yêu huynh đệ và ước muốn sống thông hiệp[2].
Hiện nay một số “Dòng kinh sĩ” vẫn tồn tại tuy mang nhiều tên hiệu khác nhau, trong đó nổi bật nhất là Liên hiệp các Kinh sĩ thánh Âu-tinh : Sacer et Apostolicus Ordo Canonicorum Regularium S. Augustini (CRSA). Liên hiệp (Confoederatio) được thành lập năm 1959 (được ĐTC Gioan XXIII phê chuẩn với đoản dụ Caritatis unitas, ngày 22/5/1959) đứng đầu là một Abbas Primas, bao gồm nhiều Chi dòng (Congregatio), chẳng hạn như: Dòng các Kinh sĩ Gioan Lateranô.
Ngoài ra, cũng cần kể đến Dòng Prémontrés (Candidus et Canonicus Ordo Praemonstratensis) do thánh Norbertus (+1134) sáng lập.
B. Dòng thánh Augustinô (OSA: Ordo Sancti Augustini, trước đây là OESA): thế kỷ XIII
Hiện nay trong Giáo hội có một dòng mang tên thánh Augustinô. Tuy nhiên, đây không phải là một dòng do thánh AT lập ra, nhưng mới thành hình hồi thế kỷ XIII. Khởi đầu, họ là những ẩn sĩ sống miền Trung Italia. Đức thánh cha Alexander IV đã quy tụ họ lại thành một dòng tu mang tên là Ordo Eremitarum sancti Augustini (OESA, do Bulla Licet Ecclesiae Catholicae, ngày 9-4-1256). Dòng AT coi đây như sự kiện thiết lập, và vị sáng lập là chính Giáo hoàng. Dần dần, họ rời bỏ nếp sống ẩn dật và tham gia vào việc giảng thuyết tại các thánh đường và các đại học. Công đồng Lyon II (1274) đã nhìn nhận họ như là một dòng hành khất
1/ Linh đạo
Ngày nay, Dòng không chỉ giữ luật thánh Augustinô mà còn muốn bảo vệ tất cả gia sản của thánh nhân, đặc biệt là các tác phẩm liên quan đến đời sống tâm linh và tu trì[3], được diễn tả ra bốn cột trụ của linh đạo[4]:
(1) Chiều kích nội tâm: a) tìm kiếm Thiên Chúa; b) Thiên Chúa vừa nội tại vừa siêu việt; c) đời sống cầu nguyện.
(2) Cộng đồng: một trái tim và một linh hồn, hướng đến Thiên Chúa; nếp sống chung.
(3) Khó nghèo: bước theo Chúa Kitô khó nghèo; lao động
(4) Giáo hội: tham gia vào hoạt động tông đồ và học vấn.
2/ Tổ chức
Dòng được tổ chức giống như nhiều Dòng hành khất, gồm ba nhánh.
(1) Các nam tu sĩ. Dòng được chia thành Tỉnh dòng (provincia), Chi Dòng (vicariatus, delegatio)
(2) Các nữ tu chiêm niệm
(3) Các huynh đoàn giáo dân.
3/ Cải cách
Vào thế kỷ XVI, có hai trào lưu cải cách trong Dòng :
a) Một ngành nhiệm nhặt bên Tây-ban-nha (mang tên là Recolectos, đề cao chiều kích ẩn dật của thuở ban đầu). Lúc đầu họ được phép sống trong thành những tu viện biệt lập thuộc về tỉnh dòng Castilla ; kế đó (năm 1602) họ được phép họp thành một tỉnh dòng (provincia), rồi chi dòng (congregatio), tuy vẫn duy trì sự hợp nhất. Năm 1912, đức Piô X chấp thuận cho họ trở thành một dòng biệt lập : Ordo Augustinianorum Recollectorum.
b) Một ngành cải tổ ở Napoli (Italia) mang tên là “không đi giày” (hay: chân đất) được thành hình từ năm 1593 và được Toà thánh châu phê năm 1599 dưới dạng một chi dòng (congregatio). Đến năm 1931, họ trở thành một dòng biệt lập, với tổng quyền riêng : Ordo Augustiniensium Discalceatorum.
C. Những Dòng giữ luật thánh AT dù không mang tên là dòng AT
Vào thời Trung cổ, ngoài các kinh sĩ và các tu sĩ Dòng AT còn nhiều dòng khác cũng giữ tu luật thánh AT tuy không mang tên là dòng AT, chẳng hạn như Dòng Chúa Ba Ngôi (Ordo Sanctissimae Trinitatis), Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi (Ordo B.Mariae Virginis de Mercede), Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (Ordo Servorum B. Mariae Virginis), và đặc biệt là dòng Đa Minh. Thánh Đa Minh đã tuân giữ luật thánh Augustinô từ khi gia nhập đoàn kinh sĩ nhà thờ chánh toà Osma (Tây-ban-nha). Khi sang Rôma xin Toà thánh châu phê dòng Anh em Giảng thuyết (Ordo Praedicatorum) mới thành lập, cha Đa Minh được đức giáo hoàng Innocentê III khuyên hãy chọn một bản luật cổ điển để khỏi vi phạm lệnh của công đồng Latêranô IV (1215) cấm lập thêm những dòng mới. Trở về Toulouse vào năm 1216, cha đã nhất trí với anh em chọn luật thánh Augustinô.
III. Thời cận đại
Với sự ra đời của các Hội dòng (Congregationes) nam nữ có lời khấn đơn, người ta thấy có nhiều vị sáng lập xin được kết nạp (affiliatio) vào Dòng AT để chia sẻ tinh thần, tuy vẫn tự trị về mặt quản trị. Điều này cũng đã xảy ra cho nhiều Dòng khác, chẳng hạn như Dòng nữ Phan Sinh Thừa sai, các dòng nữ Đa Minh.
Trong số những hội dòng được kết nạp với Dòng AT đang hoạt động ở Việt Nam, ta có thể kể: Dòng Đức Bà (Chanoinesses de Saint-Augustin de la congrégation Notre-Dame) tuy được sáng lập từ thế kỷ XVII (do thánh Pierre Fourier (1565-1640) và chân phúc Alix Le Clerc (1576-1622), như lúc đầu dưới hình thức các đan viện tự trị và được châu phê như là một Hội dòng năm 1963. Dòng AT Đức Mẹ Lên Trời (Congregatio Augustinianorum ab Assumptione thành lập năm 1845 do cha Emmanuel Daudé d’Alzon thành lập năm 1845, viết tắt AA).
Kết luận
Xin ghi nhận vắn tắt như sau.
1/ ĐTC Lêô XIV nguyên là Tổng quyền của dòng OSA. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên của Dòng.
2/ Hiện nay tại Việt Nam có sự hiện của ba nhánh dòng AT, tuy con số thành viên còn nhỏ vì mới du nhập. Tuy nhiên, trong quá khứ, vào hồi thế kỷ XVIII, đã có một vài tu sĩ Âutinh “Chân đất” từ Ý đến Việt Nam và hoạt động tại địa phận Đông Đàng ngoài, bắt đầu với giám muc Hilario Costa (từ năm 1717. Do những cuộc tranh chấp giữa các dòng tu thời ấy, Tòa Thánh buộc Dòng AT rời Viện Nam năm 1757[5].
[1] Luc Verheijen, La Règle de saint Augustin. 1) Tradition manuscrite 2) Recherches historiques. Paris 1967. Nouvelle approche de la Règle de saint Augustin, Abbaye de Bellefontaine, Begrolles -en Mauges, 1980.
[2] Pierre-Paul Walraet O.S.C., Inspiring principles for community life in the Rule of Augustine of Hippo. International Study Days 2000, “Deepening our Crosier Charism of Community”, Bandung – Cisarua, 25 July – 10 August 2000.
[3] A. Manrique, Teologia agostiniana de la vida religiosa, El Escorial 1964.
[4] L. Marín de San Martín O.S.A., La espiritualidad de la Orden de san Agustin, http://www.sanagustin.org/Documentos/Congreso/LM_espiritualidaddelaOSA.doc
[5] X. Trương Bá Cần, Công nghị Lục Thủy 1753, trong Thời sự thần học số 105 (tháng 8/2024) trang 119-131.