Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Vai trò của Giám mục Rôma trong Giáo hội – Lịch sử và thần học

Administrator
2021-06-28 09:42 UTC+7 58
Vai trò của Giám mục Rôma trong Giáo hội Lịch sử và thần học Phan Tấn Thành Theo điều 331 của Bộ Giáo luật, nhiệm vụ mà Chúa Kitô đã ủy thác cho thánh Phêrô thủ lãnh các tông đồ, được truyền lại cho các người kế vị là Giám mục Rôma (trong tiếng Việt […]

Vai trò của Giám mục Rôma trong Giáo hội
Lịch sử và thần học

Phan Tấn Thành

Theo điều 331 của Bộ Giáo luật, nhiệm vụ mà Chúa Kitô đã ủy thác cho thánh Phêrô thủ lãnh các tông đồ, được truyền lại cho các người kế vị là Giám mục Rôma (trong tiếng Việt quen gọi là “Đức Giáo hoàng” hoặc “Đức Thánh Cha”; nhưng danh xưng chính thức Romanus Pontifex có nghĩa là Giám mục Rôma, chứ không phải Giáo hoàng Rôma, như bản dịch các bản văn công đồng của Ủy ban giáo lý đức tin[1]). Chúng ta sẽ khảo sát bốn điểm sau: 1/ Kinh thánh. 2/ Lịch sử. 3/ Thần học. 4/ Mối tương quan giữa giám mục Rôma và tập đoàn giám mục.

Lưu ý về từ ngữ. Trong mục này, chúng tôi dùng từ “thủ trưởng” để dịch từ primatus (thay vì “tối thượng quyền”), và “thủ lãnh” để dịch Caput (Đức Kitô là thủ lãnh của Thân thể Hội thánh, và ông Phêrô là thủ lãnh tập đoàn tông đồ).

I. Kinh thánh

Vai trò thủ trưởng của giám mục Rôma được coi như nối dài vai trò của thánh Phêrô (ministerium petrinum). Vì thế cần ôn lại vị trí của ngài trong Tân ước để hiểu rõ nền tảng Kinh thánh của chức vụ này. Nên biết là trong các cuộc đối thoại đại kết, các Giáo hội khác không phủ nhận chỗ đứng đặc biệt của vị tông đồ này, mà chỉ đặt vấn nạn về việc kế vị chức vụ ấy trong Giáo hội thời kỳ hậu-tông-đồ.

Chúng ta có thể phân biệt ba chặng căn bản trong cuộc đời thánh Phêrô.

1/ Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, ông giữ một vị thế nổi bật. Tuy không phải là người đầu tiên được gọi làm môn đệ, nhưng ông là người được nhắc đến nhiều hơn cả (114 lần): ông được xếp đứng đầu danh sách (x. Mt 10,2); nhà của ông trở thành trụ sở hoạt động tại Capharnaum (Mc 1,29); ông là chứng nhân ưu tuyển của những biến cố quan trọng của Chúa (Mc 5,2-43; 9,2-10; 13,3; 14,32-42) và đứng ra lên tiếng thay cho nhóm (Mc 1,36; 10,28; 11,21, nhất là 8,27-30). Những dữ kiện này càng thêm nổi bật khi các bản văn Tin Mừng không che đậy những khuyết điểm của ông, việc ông bỏ rơi và chối Thầy khi Thầy bị bắt. Vì thế, việc đổi tên là điều đáng tin: Simon trở thành Petros / Kephas, bởi vì mang lại sự an toàn giữa những gian truân[2].

2/ Trong biến cố Phục sinh, ông cũng giữ vai trò nổi bật. Ông là người đầu tiên được Chúa hiện ra (Lc 24, 34; 1Cr 15,5) và người đầu tiên đã tin hoàn toàn. Ông được đặt làm chứng nhân đầu tiên (Ga 20,3-10 trình bày người môn đệ yêu dấu đã nhường bước cho ông Phêrô), và vì thế ông có vai trò quy tụ các môn đệ lại ở Giêrusalem. Vào thời sơ khởi của Giáo hội, ông đã hoạt động rất tích cực, không những vào giây phút trọng đại của lễ Ngũ tuần (Cv 2,14tt) mà còn chủ động việc chọn ông Matthia để thế chỗ Giuđa (Cv 1,15tt); ông chứng thực các cộng đoàn Samaria là thành phần Giáo hội (8,14) và việc thâu nhận dân ngoại (10,34-38).

3/ Những dữ kiện vừa rồi cho thấy vai trò của ông Phêrô trong việc duy trì sự hợp nhất của Giáo hội đang bành trướng cũng như sự hiệp thông giữa các giáo hội khác nhau. Nhiệm vụ được bày tỏ qua nhiều đoạn văn Tân ước: Cv chương 15 và Gl 2,9 cho thấy ông tìm một sự thỏa thuận giữa chủ trương của các tín hữu gốc Do thái và chủ trương của những người muốn chấp nhận dân ngoại, làm trung gian giữa quá khứ và tương lại. Sự cố xảy ra ở Antiôkia (Gl 2,11-14) cho thấy ông muốn dung hòa giữa lập trưởng triệt để của Phaolô với lập trường muốn bảo vệ truyền thống Do thái. Hai lá thư gán cho ông cũng xác nhận vai trò trung dung, bởi vì hướng đến những vùng mà Phaolo đã giảng đạo. Chương 21 của Tin mừng Gioan chứng tỏ rằng các cộng đoàn của người môn đệ yêu dấu cũng nhìn nhận vai trò của ông Phêrô mặc dù vẫn bảo vệ bản sắc của người môn đệ.

Cả ba cấp dữ kiện ấy giải thích đoạn văn Mt 16,17-19, thuộc về một nguồn riêng nhưng phù hợp với các lưu truyền khác bởi vì phản ánh kinh nghiệm chung của các giáo hội, vào thời buổi chuyển tiếp sang thời hậu tông đồ, trong đó ông Phêrô xuất hiện như là một đại rabbi, giải thích lề luật; các khuynh hướng khác biệt có thể hướng về ông để tìm một điểm quy chiếu và hòa giải.

Chúa Giêsu muốn trao cho ông Phêrô một vai trò đặc biệt trong Giáo hội. Hành vi trang trọng này được đánh dấu với việc đổi tên cho ông là Đá (petros / petra), biểu tượng của sự bền bỉ vững chắc của ngôi nhà mà Chúa đang xây cất và sẽ đương đầu với nhiều sóng gió thử thách[3]. Việc trao chìa khóa tượng trưng cho quyền quản trị một nhà hoặc lãnh thổ, thay mặt cho ông chủ (x. Is 22,19-22). Thuật ngữ “buộc và cởi” theo ngôn ngữ của các rabbi, có nghĩa là quyền giảng dạy, quyết định, thu nhận hoặc loại trừ phần tử ra khỏi cộng đoàn. Cá nhân của ông được trao cho một thẩm quyền và sau này các phần tử khác của nhóm 12 cũng sẽ lãnh nhận (Mt 18,18; x. Ga 20,23).

Một ý tưởng tương tự cũng gặp thấy nơi Lc 22,31 (“Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”). Chúa Giêsu quan tâm đến tương lai của cộng đoàn, và Người sẽ bảo vệ các môn đệ nhờ đức tin và tác vụ của Phêrô.

Tóm lại, dựa theo các bản văn Tân ước, ta có thể phác họa tác vụ của Phêrô như sau:

– Ông là dấu chỉ bảo đảm cho lòng trung tín của Thiên Chúa: trước sự tấn công của các lực lượng phá hoại, tác vụ của ông cho thấy Thiên Chúa can thiệp qua Đức Kitô.

– Hình ảnh chìa khóa và quyền tháo cởi gợi lên một quyền bính: quyền bính của Chúa Giêsu được thể hiện qua các tác vụ của Giáo hội cho đến khi Chúa quang lâm.

-Tác vụ của ông liên quan đến tất cả mọi cộng đoàn Giáo hội, bởi vì ông được ủy thác trách nhiệm củng cố các anh em trong đức tin (Lc 22,31-34; Ga 21,15-19).

Dù sao, những đặc ân của Phêrô cần phải được liên kết với nhóm Mười Hai và với Giáo hội. Ông là người thứ nhất chứ không phải là người duy nhất. Ông lên tiếng nhân danh và cùng với các tông đồ khác. Ông phải bảo vệ sự hợp nhất nhưng không được xóa bỏ những khác biệt. Ông là đá, nhưng các tông đồ khác cũng là nền tảng (Ep 2,20).

II. Lịch sử

Vai trò thủ trưởng của giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô, tăng lên theo dòng thời gian, do nhiều yếu tố. Chúng ta tạm chia làm ba giai đoạn: thời các giáo phụ; trung đại; Vaticanô I.

A. Thời các giáo phụ

Trong văn chương cổ thời, ông Phêrô giữ một vị trí nổi bật[4]. Tuy nhiên, nên lưu ý là ông cũng thường được gắn liền với ông Phaolô như là những vị tông đồ và tử đạo vào lúc khởi nguyên của Giáo hội Rôma[5], chẳng hạn như thánh Irênê không nói đến Phêrô như là giám mục Rôma, nhưng như là chứng nhân của đức tin tông truyền cùng với Phaolô (Adv. Haer. 111,3,1-2).

Đồng thời, vị trí thủ trưởng của giám mục Rôma cũng được bộc lộ ngay từ những thế kỷ đầu tiên: ông tỏ ra quan tâm đến các giáo hội khác nữa. Thư thứ nhất của thánh Clementê mở đầu cho những can thiệp của giám mục Rôma vào chuyện nội bộ của giáo hội Corintô, không chỉ với tình huynh đệ mà còn ra lệnh để tái lập hòa khí trong cộng đoàn (67,1). Giám mục Rôma cũng lên tiếng khi được yêu cầu giải quyết sự khác biệt trong việc cử hành ngày lễ Phục sinh (thế kỷ III)[6]. Các giáo hội quay về tòa Rôma như là điểm quy chiếu của communio ecclesiarum, vì ý thức rằng sự hiệp thông với Rôma là hiệp thông với Giáo hội Công giáo.

Đối lại, giám mục Rôma cũng ý thức rằng vai trò của mình không chỉ giới hạn trong lãnh thổ giáo phận của mình, nhưng còn mang trách nhiệm phổ quát. Điều này giải thích sự can thiệp vào các giáo hội khác khi thấy nguy hại đến sự hợp nhất (chẳng hạn như lạc giáo Ariô, Nestoriô), hoặc do chính các giáo hội địa phương nhờ ông phân xử các cuộc tranh tụng. Nên lưu ý là vị trí nổi bật của giáo hội Rôma không phải vì là thủ đô của đế quốc nhưng là do chức vụ kế vị thánh Phêrô.

Thế kỷ V đánh dấu một khúc ngoặt. Tòa Rôma bắt đầu chuyển giọng, trong tư cách là sedes apostolica vicarius Petri. Giám mục Rôma dựa vào đoạn văn Mt 16,18 để định hướng hoạt động của mình: theo thánh Lêô I (440-461): chính thánh Phêrô chủ tọa toà Rôma qua vị đại diện của ngài; tòa Rôma làm đầu tất cả các giáo hội. Dù sao, cũng cần phân biệt giữa các giáo hội bên Đông và các giáo hội bên Tây. Các giáo hội bên Đông nhìn nhận chỗ đứng ưu tiên của tòa Rôma (chẳng hạn công đồng Nixêa, can.6; công đồng Constantinopolis I, can.3); sự ưu tiên này không chỉ mang tính cách danh dự, nhưng thực sự trong lãnh vực đạo lý đức tin vì tiếp tục sứ mạng của Phêrô để củng cố anh em mình (chẳng hạn sự can thiệp của giám mục Lêô Cả tại công đồng Calxêđonia); tuy nhiên tòa Rôma không có quyền tài phán đối với họ. Có lẽ quan điểm khác nhau về quyền hạn của giám mục Rôma cũng là một lý do dẫn đến sự chia rẽ giữa Đông và Tây.

B. Trung đại

Sau khi đoạn giao với các giáo hội Đông phương, và cũng do các biến cố chính trị, quyền hạn của tòa Rôma tăng lên dần. Việc sử dụng thuật ngữ plenitudo potestatis được giải thích như là mọi quyền bính trong Giáo hội đều bắt nguồn từ tòa Rôma, là sedes apostolica. Giám mục Rôma không chỉ là vicarius Petri mà còn là vicarius Christi. T. Phêrô Đamianô tặng cho ngài danh hiệu là “giám mục phổ quát của tất cả các giáo hội” (Opusc. 23,1: PL 145, 474).

Như đã có dịp nói đến trên đây, một yếu tố quan trọng đưa đến sự thay đổi quan niệm này là sự bảo vệ tự do của Giáo hội trước quyền lực của Hoàng đế, và cụ thể là tác phẩm Dictatus papae của giáo hoàng Grêgoriô VII (năm 1075). Dần dần, các đặc tính thuộc về tòa Rôma được chuyển sang vị lãnh đạo của tòa ấy: vị ấy đứng ở trên mọi thẩm quyền nhân loại: Prima sedes a nemine iudicatur. Tột đỉnh của quyền giáo hoàng được phát biểu trong thông điệp Unam sanctam của giáo hoàng Bonifaxiô VIII (18-11-1302: Denz-Sch. 875) chủ trương rằng ngài nắm tất cả quyền bính, kể cả trên các vua chúa trần gian. Văn kiện này ra đời trong khung cảnh tranh luận với vua Philippe IV (le Bel) nước Pháp. Tuy nhiên, để công minh, cần nhắc đến những ý kiến ngược lại, chẳng hạn như giáo hoàng có thể bị truất chức khi rơi vào lạc giáo; đặc biệt là vào thời mà Giáo hội có hai giáo hoàng (Rôma và Avignon), phát sinh lý thuyết “công đồng đứng trên giáo hoàng” (conciliarismus)[7].

Ngoài nhân tố chính trị vừa kể, còn có những nhân tố khác đưa đến sự củng cố quyền lực Giáo hoàng, chẳng hạn như động lực truyền giáo (Giáo hoàng phái cử các thừa sai dưới quyền của mình, với việc thiết lập các dòng hành khất thời Trung cổ và Bộ Truyền bá đức tin thời cận đại), động lực bảo vệ đức tin (Giáo hoàng xét xử các phong trào lạc giáo với việc thiết lập Inquisitio), động lực thống nhất Giáo hội (chống lại các chủ trương giáo hội quốc gia).

C. Công đồng Vaticanô I

Bầu không khí trên đây còn kéo dài vào lúc họp công đồng Vaticanô I. Công đồng định nghĩa như là tín điều quyền thủ trưởng của giám mục Rôma trên toàn thể Giáo hội (Hiến chế Pastor aeternus (18-7-1870: DS 3050-3075) cùng với đặc ân bất khả ngộ. Đây là một quyền thủ trưởng về pháp lý chứ không chỉ là danh dự  (plena et suprema potestas iurisdictionis in universam Ecclesiam), giống như giám mục.

Để hiểu rõ ý nghĩa của đạo lý này, cần đặt nó trong toàn bộ truyền thống thần học về sự hiệp thông giáo hội. Tuyên ngôn của công đồng không thêm điều gì mới nhưng dựa trên niềm tin cổ điển về ơn gọi của giáo mục Rôma kế vị thánh Phêrô (DS 3052; 3057-3060). Quyền thủ trưởng nhằm phục vụ sự hợp nhất trong Giáo hội, và không tước đoạt quyền của các giám mục trong giáo hội của mình. Ngài can thiệp vào các giáo hội địa phương do trách nhiệm bảo vệ sự hợp nhất của toàn thể Dân Thiên Chúa.

Tiếc rằng giáo huấn của Vaticanô I còn dở dang do những biến động chính trị tại Italia năm 1870, chưa kịp chuyển sang giáo huấn về các giám mục. Công đồng Vaticanô II tìm cách bổ sung, bằng cách dung hòa quyền thủ trưởng của giám mục Rôma với quyền của tập đoàn giám mục trong bối cảnh Giáo hội hiệp thông (Hiến chế Lumen gentium số 22).

III. Thần học về quyền thủ trưởng của Giám mục Rôma

Có thể tóm lại đạo lý của hai công đồng Vaticanô II như sau[8].

1/ Quyền thủ trưởng của giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô, xuất phát từ ý định của Chúa Kitô (các bản văn Tân ước được trưng dẫn là Mt 16,18-19; Lc 22,31-34; Ga 21,15 tt), chứ không phải do sự ủy quyền của Giáo hội. Đương sự lãnh nhận quyền này do sự bầu cử hợp lệ và chấp nhận tự do, cùng với việc thụ phong giám mục (Bộ giáo luật 1983, điều 332). Ngài lên tiếng không phải như là người phát ngôn của các giám mục, nhưng như là chứng tá đức tin của Giáo hội. Vì thế, công đồng và Thượng hội đồng giám mục đương nhiên gián đoạn khi khuyết vị giáo hoàng.

2/ Đức giám mục Rôma giữ quyền thủ trưởng với tư cách cá nhân (chứ không tập đoàn), trong cương vị là giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô để phục vụ sự hợp nhất của toàn thể Giáo hội.

3/ Cũng như tất cả mọi tác vụ trong Giáo hội, quyền bính tối cao được trao nhằm phục vụ, và cụ thể là phục vụ sự thông hiệp huynh đệ trong tình yêu và sự thật, cỗ võ những cuộc gặp gỡ với các tác viên và chứng nhân khác trong Giáo hội.

4/ Thực vậy, không nên tách rời vai trò thủ trưởng ra khỏi sự hiệp thông với các tác vụ khác trong Giáo hội. Thánh Phêrô là chứng nhân tiên khởi của Chúa Phục sinh, nhưng đồng thời với chứng tá của các tông đồ khác, của Phaolô, của người môn đệ yêu dấu. Vai trò chứng tá của cá nhân cần được bổ túc với vai trò chứng tá của những người khác, khiến cho nó thêm phong phú hơn.

5/ Giám mục Rôma là biểu tượng của sự hợp nhất và tự do của giáo hội. Ngài tượng trưng cho sự hợp nhất của giám mục đoàn (gồm bởi nhiều cá nhân), sự hợp nhất của Giáo hội (giữa sự đa dạng của các Giáo hội địa phương); tượng trưng cho sự thấm nhập của Giáo hội công giáo vào các giáo hội địa phương. Ngài cũng bảo đảm cho các giáo hội địa phương được tự do khỏi các quyền lực chính trị, xã hội, văn hóa, và lên tiếng bảo vệ cho sự tự do ấy khi nó bị đe dọa. Ngài lên tiếng nói chính thức của Giáo hội Công giáo trước các giáo hội và tôn giáo khác, cũng như trước các chính quyền.

6/ Công đồng Vaticanô I bàn đến quyền bất khả ngộ của giám mục Rôma liền với vai trò thủ trưởng. Chúng ta dành đề tài này cho mục tới khi nghiên cứu về các chức vụ giảng dạy của các giám mục.

IV. Tương quan giữa tập đoàn giám mục và thủ trưởng

Trong mục này, chúng ta đã lần lượt học hỏi hai định chế biểu lộ sự hiệp thông của giáo hội phổ quát, đó là: tập đoàn giám mục và giám mục Rôma. Bây giờ, chúng ta tìm hiểu mối tương quan giữa hai định chế ấy.

1/ Câu hỏi lý thuyết: có mấy chủ thể quyền bính tối cao?

Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng đây không phải là hai thực thể đối lập: một bên là tập đoàn giám mục, bên kia là giám mục Rôma. Không phải thế. Lý do một đàng bởi vì giám mục Rôma cũng là giám mục, và vì thế cũng là thành phần của tập đoàn, tuy rằng ngài giữ vai trò thủ lãnh của tập đoàn. Đàng khác, giám mục Rôma tuy giữ chức vụ thủ trưởng Giáo hội nhân danh Chúa Kitô chứ không nhân danh tập đoàn giám mục, nhưng ngài phải duy trì sự hiệp thông giáo hội cùng với các giám mục chứ không hành động lẻ loi.

Vaticanô I ra như chỉ chú trọng đến giám mục Rôma như là chủ thể quyền bính tối cao trong Giáo hội. Vaticanô II bổ túc thêm với đạo lý về chức vụ lãnh đạo phổ quát của tập đoàn giám mục: các giám mục là những người kế vị các thánh tông đồ, và tất cả họp thành nền tảng của Giáo hội phổ quát (LG 19); các giám mục thực sự là những vị cai quản ngôi nhà của Thiên Chúa (LG 18), những “vicarii et legati Christi” (LG 27). Giữa tập đoàn giám mục và vị thủ lãnh có sự “hiệp thông phẩm trật” (communio hierarchica). Câu hỏi được đặt ra (trên lý thuyết và đưa tới thực hành) là: như vậy trong Giáo hội có bao nhiêu thẩm quyền tối cao?

Các câu trả lời có thể quy về ba ý kiến sau đây:

a) Một nguyên ủy quyền bính. Giáo hoàng là đại diện Chúa Kitô, nắm giữ mọi quyền bính. Ngài có thể cho tập đoàn giám mục chia sẻ quyền bính khi nào và trong mức độ mà ngài muốn.

Quan niệm này không phù hợp với lịch sử, nhất là với truyền thống của Giáo hội thời cổ. Ngoài ra, quan niệm coi nặng khía cạnh pháp lý của quyền bính, và không để ý đến nền tảng bí tích của chức giám mục cũng như tình hiệp thông giữa các giáo hội.

b) Có hai chủ thể quyền bính khác biệt nhau nhưng không cân xứng. Quyền bính tối cao có khi được thực hiện bởi giáo hoàng với tư cách cá nhân, có khi bởi tập đoàn. Gọi là “không cân xứng” bởi vì trong cả hai trường hợp đều có sự hiện diện của giáo hoàng như là thủ lãnh tập đoàn giám mục.

Quan niệm này được nhiều tác giả ủng hộ nhưng xem ra không ổn, bởi vì không thể nào chỉ nhìn mối tương quan giữa đôi bên dưới khía cạnh quyền bính. Mặt khác, nhìn từ phía tập đoàn giám mục, sợi dây liên kết là bí tích truyền chức, và thủ lãnh là một thành viên của tập đoàn; nếu thiếu thủ lãnh thì tập đoàn không đứng vững. Đối lại, về phía giám mục Rôma, ngài có thể đơn phương hành động mà không cần sự thỏa thuận của tập đoàn.

c) Chỉ có một chủ thể của quyền bính tối cao, mang tính tập đoàn, tuy rằng có thể hành sử bằng nhiều cách thức (hoặc do cá nhân giáo hoàng, hoặc do tập đoàn). Giáo hoàng là thủ lãnh của Giáo hội nhưng đồng thời cũng là thủ trưởng của tập đoàn giám mục, vì thế Giáo hoàng hành động không như một cá nhân nhưng luôn luôn như là thủ trưởng của tập đoàn. Vị thủ trưởng có thể hành động thay cho tập đoàn trong tình hiệp thông phẩm trật mà không cần sự ủy nhiệm của tập đoàn.

2/ Những hành vi tập đoàn

Tuy tập đoàn giám mục là một thực tại, nhưng khi nào các giám mục thực hiện hành vi tập đoàn?

Hình thức rõ rệt hơn cả là khi các giám mục họp nhau tại công đồng hoàn vũ, và quyết định của công đồng được giáo hoàng phê chuẩn. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra trường hợp là các giám mục rải rác khắp hoàn cầu, nhưng được thủ lãnh mời gọi thực hiện một hành vi tập đoàn cùng với ngài.

Ngoài ra có thể có những hình thức tuy không phải là hành vi tập đoàn theo nghĩa chặt, nhưng biểu lộ tâm tình tập đoàn (affectus collegialis), mối quan tâm đối với các giáo hội (sollicitudo omnium ecclesiarum). Ta có thể kể đến các hội nghị giám mục, thượng hội đồng giám mục, vv., đã được nói trong mục trước.

———————

[1] Về các danh xưng của vị Giáo hoàng, xem: Phan Tấn Thành, Giải thích giáo luật, tập II (Dân Thiên Chúa), NXB Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 115-118.

[2] Kephas ám chỉ những hang đá trên hoang địa, dùng làm nơi trú ẩn cho người nghèo, mục đồng, lữ khách lúc đêm về hay khi gặp bão tố.

[3] Thực ra có bốn cách giải thích ý nghĩa của “đá”: 1/ Trong Cựu ước, “Đá” áp dụng cho Thiên Chúa, nhưng đôi khi cũng được áp dụng cho những người làm việc cho Chúa, chẳng hạn như ông Abraham, vị Mêsia, và vì thế cũng được áp dụng cho ông Phêrô. 2/ Hội thánh được xây trên đá có nghĩa là đức tin. Ông Simon là mẫu gương của người tin, đức tin của ông là viên đá nền tảng của Giáo hội. 3/ Đá nền tảng là Chúa Kitô (x.1Cr 10,4). 4/ Đá ám chỉ ông Phêrô: tuy rằng duy chỉ Đức Kitô mới là đá tảng, nhưng các tín hữu cũng như thông dự vào sứ mạng trở nên “những viên đá sống động” (1Pr 2,5), và ông Phêrô được trao một trọng trách đặc biệt.

[4] Giám mục Papias nói đến Marcô như là thông ngôn của Phêrô (được Eusebio ghi lại trong Historia Ecclesiastica III,39,15). Lưu truyền nhắc đến Epistula Petri, một Evangelium Petri, một Apocalypsis Petri, một Actus Petri. Xem thêm: Phan Tấn Thành, Về nguồn tập I, Học viện Đa Minh 2013, trang 265-270.

[5] Thư của thánh Clementê gửi Corintô (5,4) nói rõ điều này, cũng như thư của thánh Inhaxiô gửi các tín hữu Rôma (4,3). Mãi về sau, Đionysiô Alexandria mới gán cho Phêrô việc thiết lập giáo hội Rôma và Corintô (Historia Ecclesiastica II, 25,8). Vào khoảng năm 200, linh mục Gaius chỉ tỏ tấm bia của Phêrô và Phaolô trên đường Ostia như là dấu hiệu của việc hai vị tông đồ này đã thành lập giáo hội Rôma (Historia Ecclesiastica II, 25,7).

[6] Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập II, Học viện Đa Minh 2013, trang 176-181; 462-464.

[7] Conciliarismus là một học thuyết giáo luật vào thế kỷ XII-XIII, theo đó công đồng hoàn vũ lớn hơn giáo hoàng xét về quyền tài phán. Thuyết được mang ra thực hành vào lúc Giáo hội bị phân ly với 3 giáo hoàng (1378 – 1417). Sang thế kỷ XIV, William Ockham, Marsilio de Padua, Jean de Jandum chống lại nguồn gốc thiên luật của quyền thủ trưởng của giáo hoàng. Họ cho rằng giáo hoàng chỉ có tước hiệu danh dự, quyền tài phán và giáo huấn tối cao thuộc về Công đồng. Công đồng Constanza (1414-1418) và công đồng Basilea (1431-1437) ủng hộ thuyết này, nhưng công đồng Laterano V (1516) bác bỏ. Vào thế kỷ XV, bên Pháp cũng lưu hành thuyết gallicanismus, theo đó giáo hoàng chỉ có vai trò định hướng, còn quyền tài phán tối cao trong Giáo hội thuộc về toàn thể Giáo hội. Sang thế kỷ XVII và XVIII, học thuyết episcopalismus cũng chủ trương quyền bính tối cao thuộc về Giám mục đoàn, đặc biệt khi họp công đồng.

[8] Ngoài bản văn của các công đồng, có thể bổ túc thêm với thông điệp Ut unum sint của ĐGH Gioan Phaolô II (ngày 25-5-1995) số 86-96, trong đó vai trò thủ trưởng được giải thích theo chiều hướng đại kết, và huấn thị của Bộ Giáo lý đức tin, The Primacy of The Successor of Peter In The Mystery of The Church (31-10-1998), và Sách GLHTCG số 880-884.