Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Đào Luyện Lương Tâm

Administrator
2018-09-23 09:14 UTC+7 37
  ĐÀO LUYỆN LƯƠNG TÂM Thư mục vụ của Đức Cha Harry J. Flynn, D.D., Tổng Giám Mục Saint Paul và Minneapolis Bản dịch của Ts Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn O.P.   Giới thiệu Chúng ta đã nghe nói đến lương tâm trong các bài giảng, hoặc may mắn hơn, trong các lớp thần […]


 

ĐÀO LUYỆN LƯƠNG TÂM

Thư mục vụ của Đức Cha Harry J. Flynn, D.D.,
Tổng Giám Mục Saint Paul và Minneapolis

Bản dịch của Ts Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn O.P.

 

Giới thiệu

Chúng ta đã nghe nói đến lương tâm trong các bài giảng, hoặc may mắn hơn, trong các lớp thần học. Nhưng ít khi có một giám mục viết một lá thư mục vụ gửi đến toàn thể Dân Chúa để trình bày một cách hệ thống những điểm căn bản về lương tâm. Tình cờ chúng tôi đã tìm được một văn kiện như vậy của Đức Cha Harry Flynn, TGM giáo phận St Paul & Minneapolis (Hoa kỳ) viết năm 2008, với một lối trình bày đơn giản nhưng đầy đủ, dựa trên Giáo huấn của Sách Giáo lý Công giáo. Văn kiện gồm bốn phần, ngoài Dẫn nhập và Kết luận.

 

Dẫn nhập. Đặt vấn đề. Nhiều người quan niệm rằng lương tâm là cái gì riêng tư, nội tại, chủ quan, không ai được đụng đến. Đó có phải là giáo huấn của Hội thánh không?

I. Câu hỏi: Có tiêu chuẩn khách quan để phân biệt điều tốt và điều xấu không?

II. Đức Kitô dạy chúng ta về mối tương quan giữa yêu thương với sự thật

III. Bản chất của lương tâm: phán đoán sự tốt hay xấu của một hành vi. Sự phán đoán này có thể là đúng đắn hoặc sai lầm.

IV. Sự cần thiết của việc đào luyện lương tâm: để biết phán đoán phù hợp với sự thật.

Kết luận. Sống trong tình yêu Đức Kitô.

_______

 

DẪN NHẬP

Có nhiều người xem lương tâm luân lý là một điều gì đó riêng tư, nội tại, mang tính cách chủ quan và không ai có quyền phê bình hay chỉ trích. Thậm chí người ta còn nghĩ có thể tìm ra lý lẽ thỏa đáng cho cách nhìn này trong sách GLHTCG. Chúng ta đọc thấy ở đó rằng: “Con người có quyền hành động theo lương tâm và trong tự do, để tự mình có những quyết định luân lý. ‘Không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.’”[1]

Vấn đề của cái nhìn quá chủ quan này là đã bỏ qua một điểm quan trọng: nó không nhìn được tổng thể vấn đề của lương tâm. Cũng như đoạn trích trên đây, nếu tách riêng ra và không nối kết với các đoạn khác xung quanh, ta sẽ không thể được hiểu được ý nghĩa của nó một cách đúng đắn.

Bởi vì hiểu đúng lương tâm luân lý là nền tảng cho cách hiểu của chúng ta về luân lý và cách sống ở đời. Vì thế, trong lá thư này, tôi muốn chỉ ra một vài khía cạnh quan trọng về lương tâm, với hy vọng rằng, với một sự hiểu biết rõ ràng hơn về những khía cạnh đó, chúng ta sẽ có thể đánh giá sâu sắc hơn món quà lương tâm là gì và tại sao chúng ta phải chú tâm đào luyện nó cho đúng đắn, vì phần phúc đời đời của mỗi người chúng ta.

 

I – CÂU HỎI: “Ngươi ở đâu ?” (St 3,9)

Liệu chúng ta có thực sự biết đâu là điểm khác biệt giữa đúng và sai không ? Năm mươi năm trước, đó là một câu hỏi dễ trả lời. Ngày nay, câu hỏi đó vừa có thể tạo ra một cuộc tranh luận nóng bỏng, nhưng cũng vừa có thể đơn giản bị bỏ qua. Theo một nghĩa nào đó, lời giải thích này đã xưa như trái đất. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1-2) và được mời gọi nhận biết chân lý và sống trong tình yêu. Tuy nhiên, tổ tiên con người đã không vâng lời và hậu quả là tội lỗi đã được du nhập vào trần gian, kéo theo đó là trí năng không còn dễ dàng nắm bắt được chân lý, và ý chí cũng không còn kiên vữngđể theo đuổi điều thiện hảo (St 3). Được tạo dựng để hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau trong tình yêu và sự thật, thế nhưng thay vào đó, Ađam và Eva đã tự cho mình quyền quyết định cái gì là đúng và cái gì là sai, để rồi bắt đầu lẩn trốn Thiên Chúa, và tất cả chúng ta cũng như vậy.

Hậu quả đầu tiên của sự lựa chọn đó là sự đổ lỗi lẫn nhau (“Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn,” “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”), tiếp đó là sự vỡ mộng và thậm chí là phải chết, đó là những hậu quả mà chúng ta đã quá biết rồi. Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ mặt Ađam và Eva trong sự dối trá, mà thay vào đó, Người đi tìm họ: “Ngươi ở đâu ?” (St 3,9). Cách đây năm mươi năm, cũng như ngày nay, rất chi ly, người ta thích chọn điều sai hơn điều đúng và cố gắng biện minh cho hành động này, thế nhưng năm mươi năm trước người ta cũng dễ nhận biết và đồng ý về sự khác biệt giữa đúng và sai hơn. Vào thời điểm đó, chúng ta còn chia sẻ những giá trị văn hóa về chân lý của luật luân lý tự nhiên. Cái “mới mẻ” của ngày hôm nay đó là mỗi ý tưởng về việc nhận biết đúng hoặc sai đó lại bị đem ra đặt thành vấn đề.

Đặt vấn đề về chân lý của đúng và sai, thậm chí đặt vấn đề khả năng nhận biết chắc chắn về bất cứ điều gì, dẫn chúng ta đến cái gọi là “chủ nghĩa tương đối.” Nó đã len lỏi trong con người suốt nhiều thế kỷ và dần dần làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về chính mình và về thế giới. Cuộc Cách Mạng Khoa Học và Kỷ Nguyên Ánh Sáng[2] – không kể những cuộc chiến tranh và bách hại tôn giáo – là một trong những chất xúc tác dẫn các nhà trí thức ở thế giới Tây phương đặt vấn đề về những nền tảng triết học cổ xưa, cũng như nền tảng thần học dựa trên tư tưởng Hy-lạp và Kitô-Dothái giáo. Những câu hỏi đó cổ võ một khuynh hướng cho rằng, cần phải “tân tiến” hơn là “cổ xưa,” dù cho việc phân loại ý tưởng “tân tiến” và “cổ xưa” chẳng nói cho chúng ta biết được là nó chân thật hay sai lầm.

Đây không phải là coi thường những tiến bộ của thế giới hiện đại. Chúng ta đã biết tôn trọng sự tự do của con người nhiều hơn, đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực y khoa và kỹ thuật hơn. Cả hai ý tưởng dân chủ và khoa học đem lại nhiều lợi ích cho tất cả chúng ta. Cùng một lúc, sự thiếu vắng ý nghĩa chung về tri thức và luân lý đã góp phần tạo nên một thế kỷ độc tài và duy vật, gây ra một cuộc tàn phá dữ dội trên tất cả mọi người cũng như thế giới mà chúng ta đang chung sống. Tuy nhiên, kết quả còn hơn cả vấn đề về các phong trào toàn cầu. Ở quy mô nhỏ hơn, những ý niệm (bao gồm những dối trá không tránh khỏi về Thiên Chúa và con người) cũng trở thành nền tảng cho các quyết định và giá trị luân lý cá nhân. Qua dòng thời gian, chúng đã nuôi dưỡng một nền phong hóa, làm khơi lên một quan niệm tự trị cá nhân, cùng những xác quyết mang tính chủ quan về sự thiện hảo vượt lên trên tất cả những xác quyết khác để rồi tạo ramột thế giới “luân lý thuần túy cá nhân.”[3]

Loại hình chủ quan chủ nghĩa này dẫn đến ý niệm cho rằng, những thứ được coi là tốt hay xấu tùy thuộc vào việc chúng có phù hợp với những sở thích của tôi hay không, chúng có đúng theo những gì mà tôi nghĩ là tốt nhất cho tôi hay không gần giống như việc chọn ra loại xe để lái hay loại nhạc mà tôi muốn thưởng thức vậy. Dĩ nhiên, các sở thích có giá trị của nó trong đời sống chúng ta, thế nhưng những lựa chọn chỉ quy chiếu vào cá nhân sẽ không bao giờ là nền tảng cho sự thành toàn đích thực, không bao giờ là một phương thế để phục vụ cho lợi ích chung.

Đây không phải là một ý tưởng khó nắm bắt. Thật vậy, tất cả chúng ta (thậm chí trẻ em) lúc nào cũng sử dụng ý tưởng này trong các mối tương quan hằng ngày.[4]

“Bạn không công bằng!” “Bạn đã hứa rồi mà!” “Xin lỗi, bạn đang ngồi vào chỗ của tôi!” “Anh ấy đã từng rất tốt với bạn. Liệu bạn có phải đối xử tốt với anh ấy không ?” Mỗi một câu khẳng định, mỗi một câu nói bình thường nhất cũng khai mở điều gì đó sâu xa hơn đang diễn ra ở đây. Tất cả chỉ có ý nghĩa khi người nói là đúng với giả thiết rằng, người nghe và người nói cùng chia sẻ một tiêu chuẩn chung mà dựa vào đó cả hai người có thể và phải đồng ý với nhau – một tiêu chuẩn công bằng hay trung thực mà cả hai người đều bị ràng buộc và phải nhận ra tiêu chuẩn đó. Trên thực tế, ngay cả khi chúng ta không đồng tình với điều mà người nói muốn thể hiện, chúng ta vẫn có khuynh hướng biện minh chính mình dựa trên nền tảng của một vài luật trừ trong hệ thống tiêu chuẩn, hơn là đơn thuần phủ nhận chính tiêu chuẩn đó. Ở đây có một ẩn ý về một điều gì đó nằm bên ngoài cả người nói lẫn người nghe, một thực tại nào đó mà cả hai vừa tán thành, vừa xem là quan trọng đối với các mối tương quan trong đời sống hằng ngày. Thật vậy, tiêu chuẩn giống nhau này tồn tại nơi những điều vốn cao cả hơn rất nhiều những ví dụ nhỏ bé mà tôi đã chọn ra đây.

Ở đây chúng ta có một tiêu chuẩn mà chúng ta không thể ‘dựng nên,’ ‘trang hoàng,’ hay ‘tô điểm’ cho chính mình, kiểu như lương tâm được coi là một điều thuần túy riêng tư và cá nhân. Nó là một tiêu chuẩn khách quan mà chúng ta khám phá ra, không phải một tiêu chuẩn mang tính chủ quan mà chúng ta có thể chế tạo hay sản xuất. Nếu muốn sống trong một xã hội biết tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người, chúng ta cần quan tâm đến tiêu chuẩn đó hầu có thể nhìn thẳng vào tính khách quan của cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai vốn có ý nghĩa chung đối với tất cả chúng ta.Tránh né câu hỏi về chân lý khách quan chỉ là một cách ngụy tạo nhằm cho phép tính chủ quan lên ngôi đồng thời để cho chủ nghĩa cá nhân thống trị, và ngay cả những mẫu gương đơn giản cũng có thể chỉ ra cái mà một thế giới không tưởng có thể tạo ra. Trong một thế giới như vậy, những thế lực bất chính sẽ nắm quyền quyết định và nguyên lý cho mọi hành động sẽ là sự hài lòng. Thế nhưng, chọn một thế giới như vậy là chọn hành động chống lại cái xác thực nhất của chúng ta, đồng thời chống lại cả những khát vọng sâu sắc nhất nơi mỗi người, đó là yêu và được yêu.

Chúng ta phải tự hỏi mình câu hỏi mà Thiên Chúa đã đặt ra cho Ađam và Eva: “Ngươi ở đâu ?” Bạn có chấp nhận sự thật đó không ? Bạn có sống trong tình yêu đích thực không ? Những ngụ ý loại này thì vô kể, vì tình yêu thì nuôi dưỡng sự sống, còn tội lỗi lại nuôi dưỡng sự chết. Nếu không xây dựng một cộng đồng biết yêu thương nhau, là chúng ta đang nuôi dưỡng điều mà thánh Gioan Phaolô II gọi là nền văn hóa sự chết, một nơi đầy những sự thù nghịch và không thể sống nổi.[5] Thế nhưng, có một con đường khác để sống: Có một chân lý (sự thật) dẫn đến sự sống.

 

II – SỰ THẬT, ĐỨC KITÔ, GIÁO HỘI: “Tôi là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6)

Trong bữa tiệc sau hết với các bằng hữu trước khi đi chịu chết, Đức Giêsu, hoàn toàn ý thức về những gì sắp xảy đến, đứng dậy, cởi áo ngoài ra và quấn một chiếc khăn quanh bụng mình, rồi đổ nước vào chậu và đi rửa chân cho các môn đệ.[6]

Sau khi hoàn thành công việc, Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em có hiểu việc Thầy vừa làm cho anh em không?”[7] Nếu Người, vừa là Chúa vừa là Thầy của họ, mà còn rửa chân cho các môn đệ như một người đầy tớ chung, vậy thì các môn đệ cũng phải làm như vậy cho nhau. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”[8]

Đức Giêsu khao khát chia sẻ với các môn đệ tình yêu mà Người chia sẻ với Chúa Cha, và Người đã thực hiện điều đó bằng một hành động thuần túy phục vụ, một hành động làm chứng trọn vẹn cho tình yêu của Người. Tình yêu này không đơn thuần là sự cảm nhận, không cao cả hay gây xúc động. Nó là một sự trao phó, một lựa chọn đặt chính mình vào vị trí để cho người khác tùy ý sử dụng. Đó là một đòi hỏi khắt khe, khắt khe đến nỗi– như ngày thứ sáu Tuần Thánh đã minh chứng – tình yêu đó sẽ chịu chết hơn là thất bại trong việc trao phó chính mình. Đó là một tình yêu gần như khủng khiếp khi nó hết lòng trung thành với sự thật.

Sự thật là trọng tâm của tình yêu. “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi ; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”[9] Thế nhưng, thậm chí với Đức Giêsu, sự thật không đơn thuần là của Người, không đơn thuần mang tính chủ quan. “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.”[10] Chính sự thật này của Chúa Cha là điều mà các môn đệ phải học hỏi để hiểu biết. Và điều đó sẽ được thực hiện nhờ Đấng Bào Chữa, Đấng Bảo Trợ, Thần Khí Sự Thật: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”[11] Chính Chúa Thánh Thần sẽ bảo đảm cho các môn đệ – tức Giáo Hội – được ở trong tình hiệp nhất với Đức Giêsu, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống,”[12] và Chúa Thánh Thần cũng sẽ tiếp tục dạy điều chân thật để giải thoát chúng ta.

Sự thật là điều cốt yếu trong mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Sự ngu ngốc mà chúng ta đã quy cho chủ nghĩa tương đối hệ tại việc nó cố gắng chấp nhận mọi thứ đều có khả năng đúng đắn để rồi cuối cùng kết thúc bằng việc cho rằng chẳng có gì là đúng đắn thực sự. Hãy lắng nghe cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và ông Philatô. Đức Giêsu nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”[13] Tất cả những gì mà ông Philatô có thể đáp lại là: “Sự thật là gì ?” Và ông trở ra ngoài để cố gắng thuyết phục dân chúng tha cho Đức Giêsu, ông ta không có được sự can đảm về sự thật cho phép ông hành động theo quan điểm của mình, giải thoát khỏi nỗi sợ hãi vua Caesar, một nỗi sợ mà ông chỉ có thể thoát được khi nhận biết sự thật. Đức Giêsu là người bị trói buộc trong cuộc xét xử, thế nhưng chính Philatô mới là người bị trói buộc. Và điều đáng buồn hơn hết, đó là, ông chỉ đứng cách Đấng Chân Lý Hằng Sống một chút, ông đứng rất gần đến nỗi ông có thể giơ tay ra chạm đến Người, thế mà ông đã để cho sự hoài nghi của mình níu giữ lại.

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều phương thế để truy tìm chân lý, tìm kiếm sự thật. Người ban cho chúng ta đức tin và lý trí, và cả hai đều là những tặng phẩm của Người, cả hai đều có giá trị trong cuộc tìm kiếm sự thật, trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Hoàn toàn không xem nhẹ năng lực của lý trí, Giáo Hội luôn kiên quyết bảo vệ lý trí của con người. Giáo Hội thấy không có bất kỳ sự mâu thuẫn nào giữa lý trí và đức tin, nhưngnhận ra mối tương quan có trật tự giữa chúng. Cuộc tìm kiếm chân lý của lý trí không sai lầm, nó chỉ đơn thuần là chưa đủ, và chỉ có thể hoàn thành cuộc tìm kiếm đó với hành động của đức tin mà thôi.

Chúng ta càng nhận biết về chính mình bằng lý trí và đức tin, chúng ta càng nhận biết mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa. Và chúng ta càng nhận biết mối tương quan ấy, chúng ta càng biết được mình phải sống thế nào. Chúng ta bắt đầu học biết sự thật về cái gì là đúng, cái gì là sai trong những việc chúng ta làm, và kiến thức về sự thật đó thực sự mở rộng sự tự do của chúng ta chứ không phải giới hạn sự tự do ấy. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta để chúng ta thi hành những gì thực sự là đúng, và nhờ đó chúng ta sẽ tìm thấy sự hoàn thiện đích thực của mình.

Tự do đích thực không phải là khả năng tùy ý chọn điều tốt hay điều xấu, như chúng ta vẫn thường cho như thế. Khả năng chọn điều xấu là một sự xuyên tạc tự do. Tự do đích thực là khả năng luôn chọn lựa những gì là tốt đích thực, và chúng ta chỉ có thể làm điều đó khi biết chính xác cái gì là đúng và cái gì là sai. Nhận biết sự thật, và sự thật chắc chắn sẽ giải thoát chúng ta.

Không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa một Giáo Hội trao ban tình yêu của Đức Kitô và một Giáo Hội rao giảng về chân lý mà Đức Kitô tỏ hiện. Các Kitô hữu, những người nỗ lực đi theo Đức Kitô và sống trong tình yêu của Người, cần phải luôn sẵn sàng để học hỏi về lời chứng vốn đã được Giáo Hội cung cấp.[14] Những khẳng định của nó không mâu thuẫn với sự tự do của lương tâm, đúng hơn, chúng là một lời khẳng định về những sự thật giúp lương tâm hành động với một sự tự do thực sự.

 

III – LƯƠNG TÂM: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,32)

Lương tâm là gì ? Phải chăng lương tâm là phần chính yếu của tri thức về cái gì là đúng, cái gì là sai ? Phải chăng nó là một thái độ của lý trí, một quan điểm quen thuộc về phong hóa và đạo đức ? Thực ra, lương tâm chẳng là gì trong số những điều đó, mà là một cái gì đó đơn giản hơn. Lương tâm là một hành vi phán quyết về tính luân lý trong một hành động mà người ta đang xem xét thực hiện. “Lương tâm là phán quyết sau cùng và tốt nhất của một người liên quan đến những gì mà người đó phải lựa chọn.”[15]

Lương tâm đo lường một hành động định làm chống lại tiêu chuẩn khách quan của luật luân lý, vốn là một khía cạnh của sự thật sẽ giải thoát chúng ta cũng như sự thật mà Giáo Hội làm chứng. Lương tâm áp dụng luật tình yêu này vào những hoàn cảnh cụ thể trong đời sống hằng ngày. Và vì lý do đó, lương tâm trở thành quy tắc tức thì cho hành vi luân lý của chúng ta, khi nó khiến chúng ta làm điều này và tránh điều kia, bằng cách đưa ra phán đoán của lý trí về điều tốt và điều xấu trong một hoàn cảnh cụ thể.[16]

Khi đưa ra phán quyết lương tâm về phẩm chất luân lý của một hành vi cụ thể, chúng ta sử dụng đến mối dây hiệp nhất của chân lý giữa một bên là nhờ vào lý trí tự nhiên (chân lý “được ghi khắc trong lòng,” như thánh Phaolô nói trong Rm 2,15) và một bên là nhờ vào mặc khải. Lương tâm bao hàm cả hai nguồn mạch tri thức này. Nói cách khác, lương tâm không xác định chuyện đúng hoặc sai cho bằng đưa ra một phán quyết về một hành vi được đề xuất cụ thể, xem nó đúng hoặc sai, để từ đó, xem nó là tốt hay xấu.[17] Đây là lý do vì sao người ta sai lầm khi nói luân lý thuần túy là chuyện cá nhân, lương tâm thì hoàn toàn độc lập, là quyền quyết định cái gì làm nên điều tốt và điều xấu.[18] Thực ra, giảm thiểu lương tâm vào một tầm nhìn hạn hẹp và bất lực như thế thực sự đã làm hạ giá ý nghĩa đúng đắn của lương tâm.

Chỉ vì bạn và tôi biết cùng một sự thật – vốn được tìm thấy cách trọn vẹn nơi Đức Kitô – mà chúng ta có thể đặt nền tảng cho hành vi luân lý của mình vào tiến trình hoạt động của lương tâm. Nếu các quyết định của lương tâm không hơn gì “những chân lý” riêng tư, chúng ta sẽ không bao giờ có thể cùng chia sẻ những lợi ích chung. Thay vào đó, điều cốt yếu là chúng ta có khả năng nhận biết chân lý và vì thế cân nhắc hành động nào là tốt.

Lương tâm không chỉ là phán quyết cuối cùng trước khi hành động, mà còn là phán quyết tốt nhất. Tuy nhiên, nếu lương tâm là một phán quyết của con người, vậy thì nó cũng có khả năng sai lầm và hoàn toàn không mang tính bất khả ngộ. Đây là lý do vì sao Giáo Hội dạy rằng, cần phải đào luyện một lương tâm ngay chính. Nó phải được đào luyện sao cho có khả năng biện phân cái gì thực sự phù hợp và cái gì không phù hợp với “thiên luật mang tính vĩnh cửu, khách quan và phổ cập” mà trí năng con người có khả năng khám phá ra.[19]

Sự tự do của chúng ta là sự tự do cho sự thật chứ không phải là sự tự do xuất phát từ sự thật. Bằng không, sẽ không có bất kỳ khả năng chia sẻ sự thiện đích thực nào cả. Đây là lý do vì sao các Nghị Phụ Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rằng: “Trung thành nghe theo lương tâm, các Kitô hữu hãy liên kết với những người khác để cùng tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy lương tâm ngay chính càng thắng thế, thì các cá nhân và cộng đoàn càng tránh được những độc đoán mù quáng, và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý.”[20]

Rõ ràng là con người phải nghe theo tiếng nói lương tâm để có thể chịu trách nhiệm luân lý. Tuy nhiên, không ai dám tuyên bố rằng, lương tâm của mình thuần túy bất khả ngộ, vì những quyết định của lương tâm phụ thuộc vào sự tương hợp của nó với luật luân lý khách quan chứ không tạo ra luật luân lý đó. Thế nhưng, nếu lương tâm có thể sai lầm, thì trong nó cũng ẩn tàng nhiều bi kịch khả thể xảy ra. Một lương tâm sai lầm, dù có chân thành và ngay chính đến đâu, cũng không thể tạo ra được sự trọn vẹn, và cũng không thể phục vụ điều thiện được. Chính vì vậy, để có thể phục vụ cho mục đích của mình, lương tâm bắt buộc không chỉ chân thành và ngay chính, mà còn phải đúng đắn. Thật vậy, không có gì đáng buồn cho bằng, trong khi đang cố gắng hành động cách ngay chính và chân thành, thì cùng lúc đó, chúng ta lại đang hành động sai.

Thế nên, lương tâm cần phải được đào luyện.

 

IV – ĐÀO LUYỆN LƯƠNG TÂM: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2)

Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của lương tâm. Phán quyết của lương tâm về tính tốt đẹp và tính xấu xa của một hành vi định làm không chỉ là một phán quyết về giá trị của chính hành vi, nhưng còn là một phán quyết về người thực hiện hành vi. Lựa chọn hành động của người ấy cũng chính là chọn lựa trạng thái luân lý của người đó. Những hành vi của ta nói cho ta biết ta là ai và thậm chí góp phần làm nên con người của ta. Chọn làm điều tốt là chọn trở nên một con người có luân lý; chọn làm điều xấu tức là chọn trở thành một con người trái nghịch luân lý. Phán quyết của lương tâm là một phán quyết mang tính quyết định.

“Con người luôn luôn phải tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình. Nếu chủ ý hành động nghịch với phán đoán ấy, con người tự kết án chính mình.”[21] Rõ ràng là, một hành động xác tín chống lại phán quyết của lương tâm sẽ thực sự gây tổn thương cho tình trạng luân lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận ra điều này là phán quyết của con người có khả năng sai lầm. Thậm chí, khi người đưa ra phán quyết chắc chắn là mình đúng, thì có thể người ấy cũng chưa hiểu đúng vấn đề, chưa đủ kiến thức cần có, hoặc chưa ý thức đủ về tất cả các sự kiện. Trong những trường hợp này, người đưa ra phán quyết đang hành động với một đức tin tốt lành và không bị kết tội, thế nhưng người ấy vẫn sai lầm và sự dữ trong hành động ấy vẫn diễn ra.

Người ta cũng có thể trở nên đáng trách do thiếu sự phán quyết đúng đắn hay vì sự thiếu hiểu biết của chính mình. “Điều này xảy đến khi: ‘Con người không mấy lo lắng tìm kiếm chân lý và điều thiện, cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng’ Trong các trường hợp đó, con người phải chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm.”[22] Những nguồn gốc sai lầm trong đạo đức luân lý có thể khác nhau. “Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết về Đức Kitô và Tin Mừng ; gương xấu của người khác ; nô lệ các đam mê ; nghĩ sai lạc về tự do lương tâm ; khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh ; thiếu hoán cải và bác ái.”[23]

Trong tất cả trường hợp – dù sự thiếu hiểu biết đó đáng trách hay không đáng trách – người ta luôn luôn có bổn phận phải làm tất cả những gì cần thiết để đẩy lùi sự thiếu hiểu biết, vì nó gây trở ngại cho việc đưa ra phán đoán đúng đắn hầu có thể sống một cách đúng đắn. Sự thiếu hiểu biết như thế luôn luôn có hại.

Ở trên, chúng tôi đã nói lương tâm là phán quyết cuối cùng và tốt nhất liên quan đến điều mà một người phải lựa chọn. Vì phán quyết đó là phán quyết tốt nhất, cho nên phải biết cẩn trọng nhìn thấy điều này là, lương tâm (sự phán quyết) cần phải được đào luyện đúng cách. Phán đoán tốt không bao giờ cứ thế mà “có.” Nó luôn luôn đòi hỏi sự sáng suốt cũng như đòi hỏi những kiến thức không chỉ về các biến cố mà còn cả các giá trị.

Có nhiều quy tắc chắc chắn giúp giáo dục lương tâm có thể áp dụng cho mọi trường hợp, như được phác thảo trong sách GLHTCG: (1) Không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt ; (2) Tất cả những gì mình muốn người ta làm cho mình thì chính mình hãy làm cho người ta ; (3) Đức ái Ki-tô giáo luôn luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ.[24]

Để lương tâm được đào luyện đúng cách, cần phải nỗ lực để nên chính trực và thật thà. Điều này có nghĩa là cố gắng sao cho những phán đoán của lương tâmđược hình thành dựa trên nền tảng là những suy tư tốt đẹp và biết chấp nhận những sự thiện đúng đắn mà Thiên Chúa đã an bài. Vì là con người, chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi các thế lực tiêu cực, cũng như bị cám dỗ phạm tội. Chúng ta dễ bị lôi cuốn vào một thứ tự trị sai lầm cũng như cơn cám dỗ chối bỏ cả những giáo huấn có thẩm quyền hợp pháp.

“Đào luyện lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Ngay từ thời thơ ấu, trẻ con phải được hướng dẫn để nhận biết và thực hành luật nội tâm đã được lương tâm công nhận. Một nền giáo dục tốt dạy con người sống đức hạnh, bảo vệ và giải thoát con người khỏi sợ hãi, ích kỷ và kiêu căng, những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, những thứ phát xuất từ sự yếu đuối và dễ sai lầm của con người. Đào luyện lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn.”[25]

Phán quyết của lương tâm là trung tâm điểm của mối tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa, cũng như với tha nhân. Nó là điều căn cốt của đời sống cũng như hạnh phúc của chúng ta, bởi vì chính lương tâm định hướng cho chúng ta, giúp chúng ta sống theo đường lối mà Đấng Sáng Tạo đầy yêu thương đã vạch ra cho muôn loài. Bằng không, chúng ta đang đày đọa chính mình vào trong một cuộc tìm kiếm hạnh phúc vô vọng bởi vì nó không tồn tại. Hằng ngày, chúng ta luôn phải đối diện với nhiều lựa chọn, dù lớn hay nhỏ, tất cả những lựa chọn ấy đều dẫn chúng ta theo một hướng nào đó. Không phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng để trả lời các tình huống xảy ra, thế nhưng, chúng ta buộc phải mở tâm trí và con tim mình cho sự thật vốn được trình bày cho chúng ta qua lý trí và qua đức tin. Chúng ta buộc phải lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa vốn được lý trí và đức tin nhận biết.

Việc đào luyện lương tâm không hạn chế sự tự do của con người. Đúng hơn, nó làm cho sự tự do ấy trở nên đầy đủ và trọn vẹn, bởi vì với mỗi lựa chọn được thực hiện dựa trên nền tảng của một lương tâm được đào luyện tốt, chúng ta tiến gần hơn đến với Thiên Chúa, cũng như tiến gần hơn đến với những gì mà tận thâm tâm mỗi người đều thực sự mong mỏi.

 

KẾT LUẬN: “Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20)

Ân sủng của bí tích Rửa Tội là ân sủng của một đời sống mới trong Đức Kitô. Tuy nhiên, đời sống mới đó không phải là một món quà bất động được trao ban trong ngày lãnh nhận bí tích và tồn tại trong chúng ta như một “dấu chứng” của bí tích. Đúng hơn, đời sống ấy là một đời sống mới, một sức sống mới được canh tân mỗi ngày và dẫn chúng ta ngày càng gần hơn với một sự sống trọn vẹn mà sẽ thuộc về chúng ta trong Nước Trời. Sống trong Đức Kitô là sống như một Đức Kitô khác. Đó là sống cho sự thật và dám hy sinh mạng sống vì sự thật hầu có thể làm chứng cho món quà đã được lãnh nhận. Sống trong Đức Kitô là yêu chính mình và yêu tha nhân như Đức Kitô đã yêu.

Tình yêu này không phải là một loại cảm giác. Nó là một sự kiên bền dấn thân. Nó là một sự lựa chọn không đổi những điều tốt lành, và những điều tốt lành đó phải được soi sáng bởi sự thật được lý trí nhận biết và được thành toàn nhờ đức tin. Đây là chức năng của một lương tâm đã được đào luyện tốt. Nó là một tinh thần trách nhiệm thuộc về trật tự cao nhất. Nó là cái gì đó mà tất cả chúng ta phải theo đuổi, bởi vì nếu không có một lương tâm được thấm nhuần sự thật, chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy sự trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa, hay tình yêu tha nhân. Chỉ khi tôi xác tíncó được một lương tâm được đào luyện trong sự thật, tôi mới có thể nói trong sự thật rằng: “Đức Kitô sống trong tôi.”

 


[1] GLHTCG, 1782, trích từ Tuyên ngôn về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae, 3§ 2

[2] Chú thích của người dịch. “Cuộc Cách mạng khoa học” xảy ra ở châu Âu vào thế kỷ XVII, đánh dấu thời đại Tân tiến. “Kỷ nguyên Ánh sáng”: phong trào triết học và văn hóa ở châu Âu vào thế kỷ XVIII, chủ trương Lý trí là tiêu chuẩn tối thượng của chân lý (vì thế loại bỏ Đức tin)

[3] Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 30. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Veritatis splendor, 32, đã viết: “Người ta đã gắn cho lương tâm cá nhân những đặc quyền tối hậu trong phán đoán luân lý, nghĩa là quyền ấn định một cách dứt khoát và không thể sai lầm đâu là điều thiện và đâu là điều dữ. Vừa khẳng định bổn phận phải tuân theo lương tâm, người ta vừa nhất nhất khẳng định thêm rằng phán quyết tâm lý có phù hợp với chân lý hay không là chỉ do sự kiện nó phát xuất từ lương tâm. Thế nhưng, bằng cách ấy, tính đòi buộc cần có của chân lý đã biến mất nhượng chỗ cho tiêu chuẩn chân thành, chính tông, ‘hòa hợp với chính mình,’ đến nỗi người ta đi đến quan niệm triệt để chủ quan về phán đoán luân lý.”

[4] Những ý tưởng trình bày ở đây không phải của tôi, nhưng đến từ một đoạn văn thú vị trong Mere Christianity của C.S. Lewis (Macmillan Co., 1966 [8th printing], Book I, chapter 1).

[5] “Lời kêu gọi rõ ràng và mạnh mẽ của Môsê cũng nói với chúng ta: ‘Này đây hôm nay ta đặt trước mặt ngươi sự sống và hạnh phúc, sự chết và đau khổ… Ta đặt trước mặt ngươi sự sống hoặc sự chết, sự chúc lành hoặc chúc dữ. Vậy hãy chọn sự sống, để ngươi và miêu duệ ngươi được sống’ (Đnl 30,15-19). Lời kêu gọi ấy cũng hoàn toàn hợp cho chúng ta là những kẻ hằng ngày phải chọn lựa giữa ‘văn hoá sự sống’ và ‘văn hoá sự chết’”. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 1995, 28.

[6] X. Ga 13.

[7] X. Ga 13,12.

[8] Ga 13,34–35.

[9] Ga 8,31–32.

[10] Ga 14,10.

[11] Ga 14,26.

[12] Ga 14,6.

[13] Ga 18,37–38.

[14] Veritatis Splendor, 64: “Theo ý định của Chúa Kitô, Giáo Hội công giáo là thầy dạy chân lý: nhiệm vụ của Giáo Hội công giáo là bày tỏ và giảng dạy một cách chính qui chân lý là Đức Kitô, đồng thời công bố và xác nhận; nhân danh uy quyền của mình những nguyên tắc thuộc cấp trật luân lý xuất phát từ nơi chính bản chất của con người (111). Được vận dụng để đưa ra những công bố về các vấn đề luân lý, uy quyền của Giáo Hội không làm thiệt hại tự do lương tâm của các Kitô hữu chút nào: một đàng, tự do lương tâm không bao giờ là một tự do được nâng lên “khỏi” chân lý, nhưng tự do luôn luôn và chỉ ở ‘trong’ chân lý ; đàng khác, Huấn Quyền không cung cấp cho lương tâm Kitô hữu những chân lý xa lạ với đương sự, mà ngược lại nêu dẫn những chân lý mà lương tâm vốn đã sở hữu trước rồi bằng cách phô bày những chân lý ấy khởi đi từ hành vi đầu tiên là đức tin. Giáo Hội luôn hiến thân và chỉ hiến thân để phục vụ lương tâm, giúp cho lương tâm đứng bị chao đảo trước mọi luồng gió chủ thuyết mặc cho sự lừa đảo của người đời (x. Ep 4, 14) và đứng lệch hướng ra khỏi chân lý về sự thiện của con người nhưng, nhất là trong những vấn đề gây cấn nhất, đạt được chân lý một cách chắc chắn và ở lại trong chân lý.”

Như Công đồng Vaticanô II đã nói: “Các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của Giám Mục mình, khi ngài nhân danhChúa Kitô, công bố những gì về đức tin và phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với một lòng kính cẩn tuân phục” Lumen Gentium, 25). Và luôn luôn, như Công đồng Vatican II đã ghi nhận: “Trong việc đào luyện lương tâm, các Kitô hữu phải luôn chú trọng đến giáo lý thánh thiện và vững chắc của Giáo Hội. Thật vậy, theo ý định của Chúa Kitô, Giáo Hội Công giáo được đặt làm thầy dạy chân lý, có nhiệm vụ loan báo và giảng dạy cách xác thực chân lý là chính Chúa Kitô, đồng thời có thẩm quyền công bố và xác nhận những nguyên tắc thuộc phạm vi luân lý, phát sinh tự bản tính con người” (Dignitatis Humanae, 14).

[15] Germain Grisez, The Way of the Lord Jesus, Volume I, Christian Moral Principles, Franciscan Herald Press,

1983, p. 76.

[16] Xc. Veritatis Splendor, 34. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau này đã viết: “Sở dĩ yêu cầu thúc bách hợp lý này có thể giá, sở dĩ tiếng nói của tương tâm và những phán quyết của nó có uy quyền, đó là bởi vì chúng bắt nguồn từ chân lý về thiên dữ luân lý mà lương tâm được mời gọi đón nghe và bày tỏ. Chân lý này đã được thiết lập bởi ‘Luật Thiên Chúa,’ là chuẩn mực phổ quát và khách quan cho đời sống luân lý. Phán quyết của lương tâm không định nghĩa luật nhưng xác nhận uy quyền của luật tự nhiên và của lý trí thực tiễn trong tương quan với Sự Thiện tối cao. Sự Thiện vốn thu hút con người mà con người không kháng cự và vốn bao gồm những giới răn mà con người chấp nhận: ‘Bởi vậy lương tâm không phải là nguồn độc lập và độc quyền để quyết định điều nào là tốt điều nào là xấu: ngược lại, nơi cõi thâm sâu của lương tâm đã được ghi tạc một nguyên tắc tuân phục đối với chuẩn mực khách quan, là chuẩn mực làm nền và tạo điều kiện cho các quyết định của lương tâm được phù hợp với các giới răn và với các lệnh cấm vốn là căn bản cho hành vi ứng xử nhân linh’” (Veritatis Splendor, 60, trích dẫn Phaolô VI, Tông thư Dominum et vivificantem, 43).

[17] GLHTCG, 1778.

[18] Xc. Dominum et vivificantem, 43.

[19] Xc. Dignitatis Humanae, 3 ; Veritatis Splendor, 60

[20] Gaudium et Spes, 16, được nhấn mạnh thêm. Xc. Dignitatis Humanae, 3: “Thật ra, chính qua trung gian lương tâm mà con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của Lề luật Chúa; con người phải trung thành tuân theo lương tâm ấy trong mọi hành động của mình ngõ hầu đạt tới cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa. Vì thế, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm nhất là trong lĩnh vực tôn giáo.”

[21] GLHTCG, 1790. Chú thích của người dịch. Sách GLHTCG đang bàn đến “phán đoán sai lầm” do sự thiếu hiểu biết (dốt nát). Nếu thiếu hiểu biết là do lỗi của đương sự thì họ có thể bị quy trách. Nếu sự thiếu hiểu biết không thể vượt thắng được, thì đương sự không bị quy trách về hành vi xấu.

[22] GLHTCG, 1791, trích dẫn Gaudium et Spes, 16.

[23] GLHTCG, 1792.

[24] GLHTCG, 1789.

[25] GLHTCG, 1784.