Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Đồng Tính Dưới Lối Nhìn Của Khía Cạnh Đức Tin

Administrator
2018-09-23 09:09 UTC+7 33
Trình bày: Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn Giám Đốc Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục – Ban Mục Vụ Gia Đình, Tổng Giáo Phận Sài Gòn   Đồng tính không phải là vấn đề mới xuất hiện trong xã hội ngày nay. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã đặt ra luật cho […]


Trình bày: Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
Giám Đốc Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục – Ban Mục Vụ Gia Đình, Tổng Giáo Phận Sài Gòn
 
Đồng tính không phải là vấn đề mới xuất hiện trong xã hội ngày nay. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã đặt ra luật cho Dân riêng của mình là dân It-ra-en rằng: “Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm  với một đàn bà. Đó là điều ghê tởm” (Lv 18,22).
 
Như vậy, đối với những quan niệm truyền thống từ xa xưa thì Đồng Tính Luyến Ái (ĐTLA) bị xem là hiện tượng suy đồi nghiêm trọng. Còn đối với ngày nay, giữa những trào lưu thế tục đang nổi loạn vùi dập các giá trị truyền thống thì thái độ ủng hộ “Đồng Tính Luyến Ái” cũng theo đó mà công khai phô bày (hiện nay trên thế giới đã có 14 nước luật hóa Hôn nhân Đồng tính).
 
Đối với một vấn đề liên quan đến trật tự tự nhiên xã hội và giá trị nhân văn con người như trên thì người Công Giáo sẽ phải có một cái nhìn như thế nào về Đồng Tính và Hôn nhân Đồng giới?
 
Trở lại Chương trình Chuyên đề với đề tài: “Đồng tính trước cái nhìn Đức tin” do Ban Mục Vụ Gia Đình, Tổng giáo phận Sài Gòn tổ chức ngày 28-9 vừa qua, các khán thính giả đã có thể mở rộng cái nhìn của mình về Đồng tính và những người Đồng tính trong cái nhìn của Đức Tin.
 

1. Về khái niệm đồng tính và cái nhìn của Hội Thánh đối với Hôn nhân đồng tính
 
Ngày nay, đồng tính không còn là một khái niệm mới: Truyền thống thường mô tả ĐTLA (homosexuality) hay sự hấp dẫn đồng giới như là một sự thu hút dai dẳng và nổi trội về mặt tình dục hay sinh lý, từ phía những người cùng phái với mình.  ĐTLA chỉ những ước muốn tình dục hướng tới những người cùng phái, đồng thời giảm đi sự thích thú tình dục đối với người khác phái. Về mặt khoa học, bởi có một số ý kiến cho rằng: “Đồng tính là một hiện tượng sinh học do rối loạn  hoặc thiếu cân bằng hooc môn trong cơ thể …” thì một số bạn trẻ công giáo băn khoăn đặt ra câu hỏi: “Nếu đã là do sinh học mới có hiện tượng đồng tính  thì vấn đề ĐTLA là đến từ Thiên Chúa chứ không phải do con người, không phải do bản thân người đó mong muốn, làm sao có thể gọi là tội?”
 
Để giải thích cho câu hỏi này, tức là nói Đồng tính là do Thiên Chúa, ta cần tìm hiểu nguồn gốc của ĐT. Theo Tiến sĩ Elizabeth Moberly thì “xu hướng ĐT không phụ thuộc vào sự thiếu cân bằng hooc môn có tính di truyền hoặc do các tiến trình tiếp thu bất bình thường nhưng do từ những khó khăn trong mối quan hệ cha mẹ-con, nhất là trong những năm tháng của thời thơ ấu”. ĐT nói chung là một tình trạng lưỡng nan về đồng giới, nghĩa là, trước hết đó là một tình trạng lưỡng nan về căn cước giới tính hơn là vấn đề tình dục, sinh dục”. Vậy thì đó không phải là vấn đề đến từ Thiên Chúa, không nằm trong ý định của Thiên Chúa trong buổi đầu tạo dựng. Vì trong sách Sáng thế đã thể hiện ý nghĩa của tính dục con người và bản chất hôn nhân chính là hai mục đích gắn liền không thể tách biệt: Sự hợp nhất thường xuyên trong tình yêu giữa hai người chồng vợ và sinh sản con cái: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ. Thiên Chúa chúc lành cho họ và phán với họ rằng : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St1,27-28).
 
Vì thế, bản chất hôn nhân chính là sự kết hợp duy nhất và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ để có một tình yêu thực sự, vừa phản ánh tình yêu phong nhiêu của Thiên Chúa vừa thực hiện công việc đồng sáng tạo với Thiên Chúa trong việc phát sinh ra sự sống mới. Như vậy, dựa vào bản chất này của hôn nhân ta có thể trả lời vì sao Hôn nhân Đồng tính không phù hợp với ý định của Thiên Chúa.
 
Theo cái nhìn của Hội Thánh thì nguồn gốc tâm thần của hiện tượng này phần lớn vẫn chưa giải thích được dựa trên Kinh Thánh. Truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi ĐTLA tự bản chất là vô trật tự”, chúng nghịch với tự nhiên.
Vậy thì ĐTLA có phải là tội hay không ?
 
Tình yêu thì không có tội. Đối với những người dị tính, một khi hai người có tình cảm đối với nhau thì đó là điều hết sức tự nhiên, bình thường. Cũng vậy, khi giữa hai người cùng giới nảy sinh tình cảm cũng có thể nói là không có tội. Nhưng, nếu để tình cảm đó dẫn đến những hành vi ngược với giáo huấn của Hội Thánh thì nó bắt đầu trở thành tội cho dù là khác giới hay đồng giới, hay nói cách khác, những hành vi ĐTLA  tương tự như những tội lỗi về đức khiết tịnh hay có hành vi tình dục ngoài hôn nhân ở những người dị tính đều vô luân.
 
Ngày nay, Hội Thánh mời gọi các Kitô hữu cần có cái nhìn rộng hơn và thái độ tôn trọng đối với những người có xu hướng đồng tính bởi vì mỗi người anh chị em đó vẫn luôn là một hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa trên cõi đời, họ vẫn cần được tôn trọng đúng như giá trị con người của họ mà Thiên Chúa đã ban cho.
 

2. Hướng mục vụ cho những người có cảm xúc đồng giới
 
Để giúp cho những người có cảm xúc đồng giới có được một đời sống an vui, vượt thoát ra khỏi chính con người của mình cũng như dư luận xã hội, ngày càng vững mạnh trong niềm tin và tiến dần đến mức trọn hảo thì giáo huấn Hội Thánh dạy: “Những người ĐTLA được kêu gọi sống khiết tịnh”. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ, dạy cho biết sự tự do nội tâm và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện và ân sủng bí tích, chính họ có thể dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô giáo” (GLHTCG)
 
Hiện nay, có một phong trào “Courage” (Lòng Dũng Cảm) được lập ra do Lm Paul Check lập ra với mục đích nâng đỡ, đồng hành và hướng những người có tình yêu đồng tính đến một tình yêu vĩ đại, ra khỏi mình để làm nhiều mục vụ cho tha nhân.
 
Cộng đoàn Lòng Dũng Cảm đặt ra mục tiêu là: Sống khiết tịnh, tha thiết cầu nguyện và dâng hiến, xây dựng tình bạn và hỗ trợ nhau trong suốt hành trình để rồi từ đó trở nên gương mẫu cho những người có trường hợp tương tự.
 
Xin được gửi đến các bạn 9 chân lý cần áp dụng để thấy được cuộc đời đầy ý nghĩa và tình thương Thiên Chúa hằng luôn chan hòa trên chúng ta:

1. Kitô giáo là đến với Chúa Kitô không chỉ là việc tránh xa tội lỗi.
2. Bạn  không đơn côi trong cuộc hành trình.
3. Gian truân là quà tặng … nếu bạn biết cầu nguyện.
4. Mục tiêu của cuộc hành trình không phải là thay đổi khuynh hướng tình dục khác giới nhưng là sự trưởng thành.
5. Hãy đi xưng tội … lần nữa.
6.  Đừng lười biếng.
7. Thánh Thể Chúa là sức mạnh của bạn.
8. Bạn được giao một nhiệm vụ.
9.  Mẹ Maria yêu bạn, Mẹ ở đây cùng chúng ta.

 

Bảo Châu