Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang.
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh.
III – LUẬT MẠC KHẢI TRONG CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC
1. Luật Thiên Chúa trong Kinh Thánh Cựu ước
a. Nhận định tổng quát
Cách chung trong Cựu Ước khi nói đến lề luật là người ta liên tưởng ngay đến Torah. Torah là Ngũ thư, năm quyển sách đầu tiên trong Cựu Ước. Theo truyền thống xa xưa, người ta vẫn cho Môisen là tác giả, vì thế nó còn có tên là luật Môisen. Theo sự tính toán của sách Talmud (tuyển tập chú giải những bản văn về lề luật của Torah) thì Torah có 613 khoản luật và những điều cấm. Những điều luật có tính tôn giáo, xã hội và luân lý. Ngoài những chuẩn mực của luật tự nhiên, Torah còn bao gồm nhiều điều khoản và qui định của luật Dân sự liên quan đến việc phụng tự. Nhưng ngày nay người ta không còn coi Môisen là tác giả duy nhất biên soạn toàn bộ Ngũ thư nữa. Tuy nhiên, Môisen hẳn phải là người ra luật cho dân Israel theo nghĩa rộng.
Nếu đem so sánh với bộ luật Hammurabi của Đế quốc Babylone vào thế kỷ XVII tcn, hay những bộ luật của đế quốc Assur và của người Hittites vào tk XIII – XIV tcn, ta sẽ thấy có những điều giống nhau cả về nội dung lẫn hình thức, từ đó ta có thể đi đến nhận định là dân Israel cũng đã vay mượn những luật lệ của những dân tộc sống chung quanh, nhưng với tinh thần thích nghi, nghĩa là họ không sao chép lại cách đơn giản những luật lệ đó, nhưng đúng hơn họ chọn lọc lại, rồi thêm vào đó bằng chính thẩm quyền của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa họ chừa chỗ cho Thiên Chúa hướng dẫn và soi sáng để làm ra bộ luật riêng cho mình. Đây chính là nét đặc thù của luật dân Israel thời Cựu ước và họ hết sức thâm tín về điều này: toàn bộ trật tự luân lý và lề luật của Israel đều được xây dựng trên chính ý muốn của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã ban lề luật cho dân Ngài.– Ta có thể nêu ra đây một vài đặc điểm phân biệt bộ luật của Israel với những bộ luật chung quanh:
+ Trước tiên là gạt bỏ mọi phân biệt giai cấp khi thi hành luật pháp: vua chúa cũng như dân chúng đều phải tuân hành như nhau.
+ Coi trọng sự sống con người và dẹp bỏ những hình phạt tàn bạo khi trừng phạt phạm nhân.
+ Từ chỗ xác tín Thiên Chúa là tác giả chính của lề luật và coi Torah là món quà tặng cuả Thiên Chúa (x. Đnl. 4,5-8). Dân Israel cho rằng không có vua chúa hay quan quyền nào được thay đổi hay sửa chữa theo ý riêng của mình.
+ Có sự liên kết giữa chuẩn mực tư pháp và các đòi hỏi luân lý: Torah không chỉ là một sưu tập các khoản luật mà thôi, nhưng còn bổ sung cho những nguyên tắc luân lý để giáo dục dân chúng tinh thần tôn trọng công lý và thái độ trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa.
+ Nhưng hai chuẩn mực cơ bản là mến Chúa (Đnl. 6,5) và yêu người (Lv. 19,18) nổi bật lên như sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ Torah.
– Bên cạnh những ưu điểm đó, Torah còn có những mặt hạn chế, vì đây không phải là bộ luật hoàn hảo (nếu không thì ta sẽ chẳng cần đến bộ luật toàn hảo trong Tân ước). Ta có thể đề cập đến cách hiểu về bản chất của lề luật: Thái độ đan kết quá chặt chẽ giữa luật luân lý với những luật thiết định có tính cách tư pháp hay phụng tự, không còn phân biệt rành mạch, thường dẫn người ta đến thái độ cực đoan: trung thành tuyệt đối vì coi Torah là một bộ luật cực kỳ hoàn hảo hơn mọi bộ luật có trước hoặc có sau nó. Từ đó sinh ra chủ nghĩa vụ luật cứng nhắc, tuân theo từng mặt chữ của lề luật, cho dù người ta cũng đã manh nha thấy có những xung khắc giữa Torah với những đòi hỏi của lòng thương xót, tình yêu thương, lòng công bình như thời Đức Giêsu đã cho thấy. Ngoài ra người Do thái còn quên rằng các luật luân lý mang tính phổ quát hơn và ít bị thay đổi hơn so với luật thiết định. Dù mang tính chất dân sự hay tôn giáo, những luật thiết định này đều bị điều kiện hóa bởi những nhân tố lịch sử và xã hội. Nên còn phải chừa chỗ cho khả năng thay đổi để có thể thích ứng được cho phù hợp với hoàn cảnh và thời điểm khác nhau. Nếu cứng nhắc không chịu thay đổi thì dễ trở thành lỗi thời.
Thêm vào đó, bên cạnh Torah còn có một trật tự luân lý trên thế giới mang tính chất ít pháp lý hơn. Các tác giả thuộc loại sách minh triết trong Cựu ước cho thấy có một trật tự khôn ngoan hiện diện khắp nơi trong vũ trụ. Sự khôn ngoan được nhân cách hóa và là quyền lực điều khiển đằng sau các loài thụ tạo và là nguồn đưa tới mọi yêu cầu đối với cá nhân (Kn. 9,9; Hc 24,3-9; Cn 3,19tt. 8,22-31). Sự khôn ngoan không hiện diện và hoạt động độc lập với con người, nhưng trái lại kêu gọi con người theo nó để sống hòa hợp với trật tự sáng tạo. Cho nên thái độ thuận theo sự khôn ngoan dẫn tới sự sống, còn ngược lại dẫn tới sự chết. Điều này hàm ý cho thấy bên cạnh Torah, Thiên Chúa còn có một phương thế khác để dạy dỗ con người, đó là tiếng nói của trật tự sáng tạo.
b. Nội dung của luật Torah
– Những giới luật luân lý
Trong thực tế những giới luật luân lý phù hợp với những giới lệnh của luật tự nhiên. Tuy nhiên trong khi quy định những giới luật luân lý thành lề luật được diễn tả qua mười giới răn, người ta thấy đã có sự khác biệt rõ nét giữa những giới răn này và luật tự nhiên ở chỗ: Việc công thức hóa những giới răn luân lý là do sự can thiệp và mạc khải của Thiên Chúa, Ngài muốn soi sáng và nâng cao trình độ của dân Israel. Kế đến việc công thức hóa này là công trình của ơn cứu độ mà dân Israel chỉ là hình bóng và là sự chuẩn bị trước mà thôi, nên đòi hỏi môït sự trong sạch về luân lý cao hơn. Với lối nhìn trên những giới răn luân lý mang tính phổ quát vì nội dung của chúng tham dự vào tính phổ quát của luật tự nhiên và mục đích của chúng tham dự vào tính phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Kitô.
– Những quy định về phụng tự
Giao ước với Thiên Chúa tại Sinai đã làm cho dân Israel thành một dân tộc Thánh: Giao ước không những đòi hỏi nơi họ một đời sống tôn giáo cá nhân được thanh luyện, nhưng còn đòi hỏi họ phải diễn đạt đời sống này trên bình diện xã hội với hình thức phụng tự. Việc phụng tự đâm rễ nơi bản tính con người, họ phải quay hướng về Thiên Chúa với cả hữu thể của mình, nghĩa là với cả thân xác và tâm hồn. Đồng thời bản chất xã hội tính nơi con người đòi hỏi họ đem lại một hình thức mang tính xã hội cho việc thờ phượng bên trong. Chính vì thế việc phụng tự được cụ thể hóa bằng những nghi thức hay cử chỉ linh thánh diễn tả thái độ con người lệ thuộc vào Thiên Chúa.
Ý nghĩa của những nghi thức này phải được xã hội công nhận như việc biểu lộ đời sống tôn giáo nội tâm. Thái độ tôn giáo nội tâm ở đây chủ yếu là sự nhìn nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa trên con người và ý thức mình lệ thuộc vào Thiên Chúa.
Nghi thức diễn tả thái độ này là việc tế lễ được coi là đỉnh cao của phụng tự. Trong việc tế lễ, lễ vật được coi như thay cho bản thân người dâng lễ. Khi dâng lễ toàn thiêu (lễ vật được hỏa tế hoàn toàn), là nói lên ý nghĩa dâng hiến trọn vẹn bản thân mình cho Thiên Chúa. Còn khi nói lên sự đồng nhất giữa người dâng lễ và lễ vật, thì người dâng lễ ăn một phần lễ vật. Vì tính chất linh thánh của nó, nên việc tế lễ (hành vi dành riêng cho Thiên Chúa) phải được phân biệt với những hành vi phàm trần nghĩa là phải có nơi dành riêng cho việc tế lễ đó là bàn thờ và Đền thờ. Đáp lại việc tế lễ của con người và để nói lên thái độ chấp nhận lễ vật của con người, Thiên Chúa đã chúc phúc một cách cụ thể cho họ.
– Những quy định pháp lý
Để làm cho lương tâm của dân Israel được trở nên tinh tế hầu có thể thực hiện nghiêm túc những nghĩa vụ đối với Giao ước, những đòi hỏi về luân lý và tôn giáo phải đi vào những thể chế pháp lý bằng việc lề luật hóa những đòi hỏi nêu trên.
c. Bản chất luật Torah
Có một dữ kiện cơ bản cần lưu ý, đó là mối liên hêï giữa lề luật và Giao ước. Chính Thiên Chúa chọn Israel và ban cho họ một quy luật sống đó là Torah. Torah được coi như hiến chương cho Giao ước.
– Luật Torah thánh thiện và tốt lành
Torah mang tính chất thánh thiện vì có Thiên Chúa là tác giả và mục đích là dẫn dắt Israel sống những đòi hỏi của Giao ước. Nó còn mang tính chất tốt lành vì được coi như món quà tặng của Thiên Chúa ban cho dân Ngài (Xh. 4,6).
– Luật Torah mang tính sư phạm tôn giáo
Nhờ lề luật, Thiên Chúa dần dần tỏ mình ra cho Dân Ngài và làm cho cuôïc đối thoại giữa Ngài và họ trở nên thực tế và cụ thể hơn. Đồng thời Torah cũng giúp dân Israel phát triển về tinh thần luân lý, chuẩn bị cho Giao ước mới sau này.
– Torah mang tính bất toàn
Torah còn cho phép những điều không đúng xảy ra, vì mạc khải của Thiên Chúa mang tính tiệm tiến, trong đó Thiên Chúa tự thích nghi với những giới hạn và yếu đuối của con người để giúp họ mỗi ngày trưởng thành hơn trong đức tin và luân lý.
– Torah trở nên vô hiệu đối với ơn cứu độ
Giữa Torah và ơn cứu đọâ còn có một sự bất cân đối sâu xa, lý do là vì ơn cứu độ hệ tại ở việc biến đổi con người thật sự, làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Đức Kitô, trong khi đó lề luật dù có nguồn gốc thần linh cũng không thể thực hiện được sự biến đổi kỳ diệu này. Cho nên Torah chỉ là sự chuẩn bị mang tính lịch sử hướng con người tới cứu độ siêu nhiên, nó không phải là ơn cứu độ nhưng chỉ là lời hứa và là hình bóng báo trước ơn cứu độ.
– Lập trường của thánh Phaolô đối với Torah
+ Một mặt vẫn thừa nhận Torah là tốt, nhưng mặt khác Phaolô vẫn lên tiếng tố cáo lề luật. Theo ngài hậu quả đầu tiên của lề luật là đưa ra danh sách những giới luật và những điều cấm đoán, nên qua lề luật người ta có một danh sách liệt kê các tội cần phải tránh. Như thế có thể nói rằng một cách gián tiếp lề luật tiết lộ tội lỗi và sức lôi kéo xấu xa của chúng: ‘‘Vậy phải nói sao? Lề luật là tội chăng? không phải thế! Nhưng tôi đã chẳng biết tôi là gì nếu không có lề luật. Thâït vậy tôi đã chẳng biết ham muốn là gì nếu luật không dạy: “Ngươi không được ham muốn” (Rm. 7,7-8). Vậy nhược điểm của lề luật nằm ở chỗ nó đã trở thành cơ hội cho tội lỗi.
+ Chính cách nhìn về mầu nhiệm thập giá của Phaolô đã quyết định lập trường của ngài đối với lề luật. Theo ngài yếu tố đầu tiên của Kitô giáo không phải là việc chu toàn lề luật nhưng là sự kết hiệp với Thánh giá của Đấng cứu độ, còn việc chu toàn lề luật chỉ là hậu quả của sự kết hiệp này. Bởi vì nếu nhiệm cục cứu độ hệ tại ở việc chu toàn lề luật thì sự chết của Đức Kitô sẽ trở thành vô ích (x. Gl. 2,21).
Thập giá còn là việc chu toàn lề luật: mục đích của lề luật là vâng phục trọn vẹn Thánh ý Thiên Chúa và là tình yêu trọn vẹn đối với tha nhân (x. Rm. 8,34; Pl. 2,5). Đức Kitô đã đạt tới mục đích này bằng thái độ vâng phục Thiên Chúa và yêu thương con người trên thập giá. Cho nên chỉ nhờ niềm tin vào Đức Kitô và nhờ sức mạnh của Thánh giá mà người kitô hữu mới đạt đến sự vâng phục mới (x. Rm. 6,11) trong tinh thần yêu mến. Vì thế nếu chỉ muốn đạt tới mục đích của lề luật mà không phó thác và tin tưởng nơi ân sủng cứu độ thì được coi như một tội chống lại Thập giá của Đức Kitô và chống lại cả lề luật nữa.
+ Sau cuộc trở lại, thánh Phaolô hiểu rất rõ ràng tội lỗi đã gây ra cuộc xáo trộn lớn lao nhất cho con người và chỉ mình Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất mới đem lại sự giải thoát thực sự cho con người, và làm cho các hình bóng báo trước thực tại cứu độ này trở nên lỗi thời, mà lề luật thời Cựu Ước là một trong những hình bóng đó. Cho nên lề luật trở nên vô hiệu đối với ơn Cứu độ là chính Đức Kitô.
– Kết luận: Torah trở nên lỗi thời
Việc hủy bỏ lề luật cũ phát xuất trực tiếp từ vai trò sư phạm của lề luật. Đức Kitô đem lại ơn cứu độ một cách dứt khoát cho con người. Vì thế mọi hình bóng báo trước ơn cứu độ phải nhường bước hay biến mất trước thực tại cứu độ do Đức Kitô đem lại. Nhưng cũng cần phải ghi nhận khía cạnh sư phạm của lề luật đã đóng một vai trò tích cực: Lề luật tỏ ra cho con người thấy những yếu đuối của mình, cảm nhận sự khốn cùng của mình và khám phá ra nơi bản thân mình một sự trống rỗng thiêng liêng do tội lỗi gây ra, để từ đó giúp con người đi đến nhận thức họ cần đến ơn cứu độ. chính thái độ này thúc đẩy con người đón nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Độ.
2. Luật Thiên Chúa trong Kinh Thánh Tân ước
a. Luật cũ và Tân Ước
– Tân ước tỏ ra rất xác tín rằng luật Cựu ước là do Thiên Chúa thiết lập. Tuy nhiên Tân ước cũng cương quyết không kém khi cho rằng giao ước cũ chỉ có tính cách giai đoạn vì nó chỉ là sự chuẩn bị cho Đức Kitô mà thôi. Chính vì thế lề luật cũng không còn sức ràng buộc nữa (Rm. 7,1-6; Gl. 2,19). Nên khi Đức Kitô đến thì luật cũ không còn ý do gì để tồn tại nữa và phải chấm dứt (Rm. 10,4).
– Nhưng nói thế không có nghĩa là mọi điều ghi ở trong Cựu ước đều hết hiệu lực. Công đồng Trentô cực lực phi bác ý kiến cho rằng Mười điều răn của Chúa trong Cựu ước không còn giá trị gì đối với người Kitô hữu nữa (x. DS 1569). Lý do chúng ta thừa biết là Tân ước cũng chỉ lập lại những nghĩa vụ luân lý tự nhiên (x. Mt. 19,16-19; Rm. 13,8). Thế mà nội dung Mười điều răn cũng chỉ là những hệ luận tất yếu rút ra từ bản tính tự nhiên của con người trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Khi nghiên cứu về thế giá của Cựu ước trong việc giảng dạy luân lý của tân ước, Wolfgang Schrage cho rằng đối với các Kitô hữu, Cựu ước không còn là cơ sở có thế giá độc lập nữa, nhưng nó bị thẩm quyền của Đức Kitô vượt qua và làm cho nó trở nên tương đối.
b. Bản chất và đặc tính của luật trong Tân ước còn gọi là luật mới
– “Lề luật của Đức Kitô” (Gl. 6,2)
Trước tình hình một số nhân vật trong phong trào Cải cách phủ nhận việc có luật luân lý trong Tân ước, Công đồng Trentô đã phải đưa ra hai điểm giáo lý cơ bản sau đây: Trước tiên là xác định trong Tin mừng không phải chỉ có yêu cầu tin mà thôi, nhưng còn yêu cầu nhiều điều khác nữa. Kế đến là khẳng định Đức Kitô Cứu thế cũng là nhà lập luật.
Vậy Đức Kitô là nhà lập luật và là quy luật cho đời sống luân lý như thế nào? Với tư cách là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu tràn đầy Chúa Thánh Thần, nhưng đồng thời Ngài cũng kết hợp mật thiết với con người trong mầu nhiệm nhập thể. Ngài trở thành vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, vì thế Ngài là Đấng duy nhất có khả năng thực hiện việc thông ban ân sủng Chúa và đời sống mới cho ta trong nhiệm cục cứu độ. Cuộc sống mới này có luật mới là Tin mừng. Đức Giêsu là nhà lập luật tối cao cho luật mới này: chính bản thân Ngài là lề luật cho chúng ta vì suốt đời Ngài thực hiện thánh ý Chúa Cha, dưới sự thúc đẩy hoàn toàn của Thánh Thần. Cho nên Ngài trở nên mẫu gương và quy luật sống động cho đời sống Kitô hữu noi theo.
Nói cách khác ngắn gọn hơn, Chúa Giêsu không ở bên ngoài lề luật của Ngài, nhưng Ngài cưu mang luật mới đó trong chính bản thân mình, và Ngài đã thông truyền luật mới đó cho chúng ta. Bởi vì luật mới này phải thâm nhập vào trong hành vi nhân linh của ta, nên ta có thể nói Đức Giêsu là quy luật phổ quát nhất và cụ thể cho đời sống luân lý của người Kitô hữu. Chính vì thế mà từ nay trở đi, mối liên hệ của ta với luật mới phải được khởi đi từ chính Chúa Giêsu. Điều hệ trọng thiết yếu đối với người Kitô hữu hệ tại ở chỗ Đức Giêsu điều khiển họ từ bên trong nhờ việc họ được tháp nhập vào Ngài. Vì thế người Kitô hữu là người sống trong lề luật của Đức Kitô, họ mang lề luật của Ngài ở bên trong và Đức Kitô lại là chính lề luật đó (x. 1Cr. 9,21; Rm. 6,14). Cho nên việc bước theo Đức Kitô không phải là việc bắt chước Ngài ở bên ngoài, nhưng là chính cuộc sống trong Đức Kitô nhờ vào việc kết hợp với Ngài bằng đời sống ân sủng.
– “Lề luật của Thần khí sự sống trong Đức Giêsu Kitô” (Rm. 8,2)
Điều thiết yếu trong lề luật của Tân ước và tất cả sức mạnh của luật mới này là chính ân sủng của Thánh thần được ban cho ta nhờ đức tin vào Đức Kitô. Như thế, chủ yếu lề luật mới là chính ở nơi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Thánh Augustinô quả là chí lý khi nói: “Lề luật của Thiên Chúa được chính Ngài khắc ghi trong cõi lòng chúng ta là gì, nếu không phải là chính ân sủng của Thánh Thần, nhờ sự hiện diện của Ngài, mà đức ái là việc chu toàn lề luật, được tràn lan trong cõi lòng ta” (x. De Spiritu et littera, c. 21, Pl. col.222).
Với ân sủng của Thánh Thần, lề luật mới đáng được gọi là “Luật sự sống”, lề luật ban sự sống. “Luật sự sống” này là đà phóng, là sự thúc đẩy bên trong làm cho đời sống mỗi ngày được tăng trưởng thêm lên trong ta. Lề luật mới này còn được gọi là “luật trong Đức Kitô”, và Thánh Thần là ơn huệ của Đức Kitô phục sinh và Ngài làm cho ta được tháp nhập một cách sống động vào Đức Kitô. Rồi với sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta đi từ sự thống trị của lề luật (cũ) đến sự thống trị của ơn Đức Kitô, Ngài là “Đấng sống lại từ cõi chết để ta mang lại hoa trái cho Thiên Chúa” (Rm. 7,4).
Như thế người ta còn gọi luật mới này là “luật của ân sủng”. Theo nấc thang giá trị trong đời sống luân lý, ta phải nói “ân sủng và lề luật”. Điểm chủ yếu ở đây là tình trạng “sống trong Đức Kitô” nhờ ân sủng của Thánh Thần. Kế đến ân sủng này gợi nên trong ta một hành vi tương ứng. Cuối cùng là bổn phận và sự cộng tác tự do của con người với ân sủng của Thánh Thần.
Ơn sủng còn hơn là lề luật vì nó cho ta thấy chủ ý yêu thương của Thiên Chúa khi Ngài mời gọi người kitô hữu thi hành bổn phận dưới hình thức lề luật bên ngoài hay dưới sự thúc đẩy bên trong. Cho nên đối với những ai nhạy cảm với tình yêu và ân sủng của Chúa, thì những đòi hỏi của ân sủng bên trong và những đòi hỏi của tình yêu ở bên ngoài (luật bên ngoài) càng ngày càng trở nên khẩn thiết hơn. Khi sống dưới lãnh vực của “luật ân sủng” thì lãnh vực riêng của luân lý Kitô giáo là sự tăng trưởng Đức Kitô (ie. Đức Kitô được lớn lên) trong ta.
– “Luật hoàn hảo của tự do” (Gc. 1,25. 2,12)
Luật mới được gọi là luật hoàn hảo vì là luật ân sủng của Thánh Thần được Đức Kitô ban cho ta, mà Đức Kitô lại là sự mạc khải hoàn hảo về Chúa Cha, nên không thể chấp nhận một sự hoàn thiện nào thêm nữa. Luật mới này được công bố bên ngoài bởi lời nói và hành vi của Đức Kitô, nhưng phần chính yếu nhất lại là sự ban bố bên trong ân sủng của Thánh Thần.
Luật mới còn gọi là luật của tự do (Gc. 2,12) bởi vì nó là luật của tình yêu (x. Gl. 6,2). Với tư cách là luật của đức tin, luật mới là ơn huệ của tình yêu Thiên Chúa và sức mạnh giúp ta đáp lại tình yêu ấy (Gl. 5,6). Thế mà ở đâu có tình yêu đáp lời tình yêu, ở đó có sự tự do hoàn hảo được triển nở. Ơn sủng và tình yêu đã liên kết ý muốn con người vào ý muốn Đức Kitô cách trọn vẹn trong Chúa Thánh Thần.
c. Những giới luật cụ thể trong luật mới
Các giới luật cụ thể của Giao ước mới phần lớn liên quan đến luật luân lý tự nhiên, chỉ có ít điều luật mang tính thiết định mà thôi. Trong Tin mừng, Đức Giêsu chỉ đưa ra hai điều luật mang tính thiết định: thứ nhất là rửa tội cho mọi dân tộc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi (Mt. 28,19). Thứ hai là cử hành bữa ăn của Chúa để nhớ đến Ngài (Lc. 22,19; x. 1Cr. 11,24-26). Hai giới luật này có liên quan đến hai bí tích căn bản nhất của Kitô giáo. Còn các điều luật thiết định trong những tác phẩm khác của Tân ước đều liên quan đến đời sống kỷ luật của Giáo hội.
d. Nét đặc thù của luân lý Kitô giáo
Đa số các luật của Tân ước có dính dáng đến các chuẩn mực luân lý mà ta có thể biết được do bản tính, nghĩa là theo luật tự nhiên. Từ đó nảy sinh ra vấn đề: luân lý Kitô giáo có khác với luân lý của người ngoài Kitô giáo không? Vấn đề này có hai lập trường khác biệt nhau.
– Theo quan điểm truyền thống
Dù hầu hết các luật luân lý Kitô giáo có thể được khám phá nhờ lý trí tự nhiên, nhưng vẫn có một số giá trị và chuẩn mực luân lý riêng của Kitô giáo. Lập trường này đi đến kết luận là luân lý Kitô giáo mang một nội dung đặc thù. Theo đó người ta phân biệt con người có hai tình trạng.
+ Thứ nhất là tình trạng con người trước khi được Đức Kitô cứu độ: con người sống trong trạng thái tự nhiên thuần túy và không có ân sủng của Chúa (tình trạng sau khi nguyên tổ phạm tội). Các chuẩn mực luân lý tự nhiên tương ứng với tình trạng tự nhiên này và mang tính chất bó buộc hết mọi người và lý trí con người có thể khám phá ra.
+ Thứ hai là tình trạng con người sau khi được Đức Kitô cứu độ: ngoài sự sống tự nhiên, con người còn được nhận thêm đời sống ân sủng của Chúa. Các chuẩn mực luân lý mới đều tương ứng với tình trạng này. Cho nên chỉ những người sống trong ân sủng mới nhận ra và bị bó buộc phải giữ mà thôi. Nguồn chính yếu để khám phá chuẩn mực này là mạc khải của Thiên Chúa. Thế thì người ta tự hỏi mạc khải và đức tin thêm vào được cái gì cụ thể cho luân lý Kitô giáo? Ta có thể trả lời Kinh thánh dạy rằng người kitô hữu được ban cho đời sống mới của Đức Kitô, đây là đời sống ân sủng thông qua bí tích rửa tội. Sự sống mới này đòi hỏi đời sống các nhân đức đối thần, đời sống các bí tích, thái độ yêu thương mọi người ngay cả thù nghịch, tinh thần đón nhận những đau khổ bằng cách hiệp thông với thánh giá Đức Kitô. Chỉ riêng các người kitô hữu mới có nghĩa vụ phải thi hành lối sống này mà thôi.
– Theo quan điểm mới
Tuy gọi là mới, nhưng thực ra lập trường này xuất phát từ quan điểm của Suarez (+1617), nhưng hiện nay lại được nhiều tác giả luân lý chấp nhận. F. Huerth và P.M. Abellanđã tóm tắt lập trường này như sau: “Tất cả mọi giới răn luân lý của luật mới cũng là giới răn của luật luân lý tự nhiên. Đức Kitô đã không lấy một điều răn luân lý nào hơn thuộc loại thiết định để thêm vào luật luân lý tự nhiên… Điều này cũng đúng với giới luật yêu thương. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại cũng là một nghĩa vụ bắt buộc của luật tự nhiên” (x. De principis, de vertutibus et praeceptis, vol. I., số 66, Roma 1948). Nếu Đức Kitô không thêm một giới răn luân lý nào vào luật tự nhiên, thì Ngài lại thêm khá nhiều giới luật về nghi lễ, cụ thể là các bí tích. Đây đúng là những luật của Chúa mang tính thiết định, nhưng lại không thuộc về số các luật luân lý tự nhiên theo nghĩa hẹp. Một số những gương mặt tiêu biểu cho lập trường này là: A. Auer, C. Curran, J. Fuchs, R. McCormick, B. Schuller.
Quan điểm mới lại chia thành hai lập trường sau đây:
+ Muốn hiểu được ý nghĩa và lý lẽ của các giới luật phát biểu trong Kinh thánh, con người cần có một tiêu chuẩn thuần lý giúp mình hiểu được bản chất tốt lành của những giới luật ấy. Tiêu chuẩn đó chính là giữa các giới luật và khát vọng tự nhiên của con người phải có sự phù hợp với nhau. Vậy đây là tiêu chuẩn của hết mọi người chứ không phải chỉ riêng người kitô hữu.
+ Theo R. McCormick, vì chỉ có một định mệnh duy nhất cho hết mọi người, nên cũng chỉ có một nền luân lý cơ bản, chung cho hết mọi người, kể cả người kitô hữu lẫn không phải người kitô hữu (x. Readings in moral Theology, số 2, trg 168). Vaticanô II cũng nhận định: Trong trật tự cụ thể của cuộc sống con người, mọi người đều được mời gọi đến hưởng kết quả do công trình cứu chuộc của Đức Kitô đem lại. Trong tâm hồn mọi người vẫn có ân sủng hoạt động; mọi người chỉ có một mục tiêu tối hậu chung và duy nhất, đó cũng là mục tiêu thần linh (x. MV số 22 và 24; NK 1). Nếu trật tự luân lý được quyết định bởi mục tiêu tối hậu, mọi người cũng phải có chung một trật tự luân lý. Ta cũng cần lưu ý là lập trường thứ hai này có hai hình thức:
+ Hình thức thứ nhất: tuy phủ nhận việc luân lý Kitô giáo có một nội dung khác biệt, nhưng lại nhìn nhận ý hướng và những động cơ của nền luân lý này rất đặc biệt. Đây là ý kiến của J. Fuchs và J. Walter.
+ Hình thức thứ hai: vì mọi người có chung một định mệnh nên có cùng một ý hướng, vì thế luân lý Kitô giáo không có nội dung ý hướng khác. Đây là quan niệm của C. Curran và D. Tettamanzi.
+ Nhưng có lẽ ở đây cũng nên phân biệt hai từ ngữ ý hướng và động cơ: Ý hướng được xác định bởi những mục tiêu luân lý của con người: về điểm này, các kitô hữu đều có chung với những người thiện chí. Còn động cơ khái niệm rộng rãi hơn, vì những lý tưởng và những gương mẫu thể hiện các giá trị luân lý cũng được coi là những động cơ. Gương mẫu của Đức Kitô trong Tin mừng mang tính chất này. Vì thế, ta có thể nói động cơ là điểm phân biệt của luân lý Kitô giáo.
e. Đóng góp đặc biệt của đức tin cho việc nhận thức luân lý
Nếu lập trường nêu trên là đúng và nếu luân lý Kitô giáo không có được nội dung riêng và khác biệt, điều này sẽ dẫn ta đến một thắc mắc: phải chăng cứ phân tích cho đến cùng, người ta sẽ thấy luân lý Kitô giáo chẳng còn một bản sắc riêng biệt nào cả? Theo R. McCormick, Kitô giáo không lập ra một nền luân lý mới và khác, nhưng đã cụ thể hóa và làm sáng tỏ, và trên hết tập trung tất cả những xác tín luân lý sâu xa vào một con người đặc biệt đó là Đức Giêsu Kitô (ibid, số 2, trg 142).
Nói như thế cho thấy Kinh thánh thủ giữ một vai trò đặc biệt, vì nhờ sự mạc khải của Đức Giêsu Kitô, con người đã tìm ra được những chân lý luân lý một cách dễ dàng hơn và chắc chắn hơn (MK, số 6). Vì thế, nét phân biệt hay bản sắc riêng của luân lý Kitô giáo rõ ràng hệ tại ở chỗ lấy Đức Giêsu Kitô và giáo lý của Ngài làm chuẩn mực. Lời Ngài nói, cách Ngài sống đã cho thấy sự thật về con người và định mệnh của họ. Người Kitô hữu được mời gọi lấy lối sống của Đức Giêsu làm của mình và thực hiện lối sống ấy trong cuộc đời của mình. Cho nên Vaticanô II đã nhấn mạnh: “Bất cứ ai theo Đức Kitô – con người hoàn hảo – thì cũng trở thành người hơn” (MV, số 41). Lối nhìn trên đưa đến nhận định của J. Ratzinger (hiện giờ là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16): “Nét độc đáo của Kitô giáo không hệ tại ở số những nguyên tắc không có được ở nơi khác… mà đúng hơn những nét độc đáo của Kitô giáo nằm trong quan niệm toàn diện cho rằng mọi công cuộc tìm kiếm và khát vọng của con người đều được hướng dẫn bởi đức tin của họ, tin vào Thiên Chúa Abraham, tin vào Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô” (ibid, số 2 trg 182).
3. Sự độc lập của luân lý và nền luân lý thần chuẩn (lấy Thiên Chúa làm chuẩn mực)
a. Người ta cho rằng những chuẩn mực luân lý muốn có sức bó buộc thì cần phải được hợp pháp hóa trước tòa án của lý trí và họ cho rằng những chuẩn mực ấy có khả năng đứng ngoài mạc khải Kitô giáo. Điều này có ý muốn nói nền luân lý phải có sự tự trị. Ý kiến cho rằng các chuẩn mực luân lý phải có khả năng biện minh được theo lý trí là một ý kiến có giá trị, nhưng cũng thường gây ngộ nhận. Người ta vẫn thường hiểu sự tự trị của luân lý có nghĩa là con người được độc lập khỏi mọi chỉ thị bên ngoài, kể cả đó là luật và ý muốn của Thiên Chúa nữa. Một người tự trị về mặt luân lý là một người có khả năng tạo ra luật luân lý cho chính mình, và chỉ chịu trách nhiệm trước bản thân mình và các giá trị mà thôi. Kant là người đầu tiên đã đưa ra lập trường này,theo ông nền luân lý phải thoát khỏi mọi tính toán về lợi lộc và hạnh phúc, và cũng phải thoát khỏi mọi yêu sách của do Thiên Chúa đặt ra cho con người. Lý do vì một điều tốt về luân lý là một giá trị tự nó, chứ không vì một quyền bính bên ngoài nào muốn, cho dù đó là thẩm quyền của Thiên Chúa đi chăng nữa.
b. Để trả lời lập trường này, người ta cần phải nhắc lại điểm cơ bản sau đây: rõ ràng con người không phải là một hữu thể độc lập trong sự hiện hữu của mình, nghĩa là có ai đó đặt sẵn cơ cấu hữu thể cho con người. Như vậy làm sao con người có thể đặt ra những chuẩn mực luân lý cho mình và hoạt động một cách hoàn toàn độc lập với cội nguồn sự hiện hữu của mình? Trái lại con người phải tuân phục cơ cấu mà trong đó con người được tạo dựng và tuân phục cứu cánh mà vì đó con người được dựng nên. Thế nên cội nguồn của trật tự luân lý không phải là con người, nhưng là ai đó đã đặt cơ cấu hữu thể cho con người. Theo Kitô giáo “ai đó” chính là Thiên Chúa,Đấng sáng tạo nên con người. Cho nên, không thể có một nền luân lý mang tính tự trị và hoàn toàn độc lập, nhưng phải luôn hướng về mục tiêu tối hậu do Thiên Chúa ấn định. Như thế Thiên Chúa trở thành chuẩn mực luân lý tối cao cho con người.