Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang.
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh.
III – LUẬT MẠC KHẢI TRONG CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC
IV. NHÂN LUẬT
1. Khái niệm và những đặc điểm của nhân luật
a. Khái niệm về nhân luật
– Trong thần học kinh viện, theo định nghĩa của thánh Tôma, luật là một quy định của lý trí nhằm phục vụ công ích, do người có trách nhiệm với cộng đoàn ban hành (x. Saint Thomas, S.T, I. II, q. 90, a. 4).+ Nói luật là một quy định, nghĩa là có sức tạo ra một nghĩa vụ bó buộc chứ không phải là một lời khuyên. Còn nói luật là quy định của lý trí vì nó phải dựa trên những gì lý trí thấy là tốt cho cộng đoàn.
+ Kế đến, luật cần phải được ban hành thì mới có sức ràng buộc. Chỉ có những người có trách nhiệm đối với cộng đoàn như một quyền bính hợp pháp mới có quyền làm luật và ban hành.
– Còn theo nghĩa hẹp, luật là những điều do các xã hội có chủ quyền quy định. Luật được coi như những chỉ thị mang tính bó buộc, tổng quát và bền vững. Với hai khái niệm rộng và hẹp về luật, ta có thể đi đến một khái niệm về nhân luật như sau:
Nhân luật là những chỉ thị mang tính bó buộc, tổng quát, bền vững nhằm phục vụ công ích, do những vị hữu trách đối với xã hội có chủ quyền ban hành.
b. Những đặc điểm của nhân luật
– Nhân luật mang tính cưỡng bách
Lý do là cần có sự bó buộc để thúc đẩy các thành phần trong xã hội (đặc biệt là những thành phần có khuynh hướng thích sống không luật lệ) phải tuân phục (x. Tôma, ST. I.II,
q. 95, a.1 và q. 96, A. 5).
– Nhân luật chỉ đụng chạm đến sự ứng xử bên ngoài
Lý do là trật tự xã hội là mục tiêu của lề luật sẽ được bảo đảm khi cách ứng xử bên ngoài của các thành viên trong xã hội phù hợp với những nguyên tắc của pháp lý. Nhân luật không lưu ý đến những thái độ bên trong (x. Joannes Messner, Social Ethics, 1965, trg 165).
– Nhân luật chỉ giới hạn trong những tập thể riêng biệt
Nghĩa là nhân luật chỉ ràng buộc những thành viên trong cộng đoàn mà luật được làm ra để phục vụ.
– Nhân luật bị điều kiện hóa bởi lịch sử
Điều này cho thấy khi điều kiện sống bị thay đổi thì nhân loại cũng thay đổi theo. Cho nên nhân luật cũng mang tính bất tất. Chính vì thế mà những người hữu trách trong cộng đoàn phải thích nghi và làm cho luật lệ mỗi ngày hoàn bị hơn cho phù hợp với những đòi hỏi của điều kiện sống luôn thay đổi.
– Nhân luật có sức ràng buộc giả định
Trong trường hợp công ích là điều cần phải bảo đảm và thực hiện, thì mỗi khi chỉ mới hồ nghi về tầm hữu ích và công bình của một khoản luật, các thành viên trong cộng đoàn không được phép bất phục tùng (x. John Finish, Natural Law and Natural Right, 1980, trg 359). Nhưng có điều khác với luật tự nhiên ở chỗ nhân luật chấp nhận có luật trừ và sự miễn chuẩn.
c. Sự cần thiết của nhân luật
– Sống trong xã hội, con người cần có những chuẩn mực bền vững để bảo vệ cho đời sống chung được ổn định. Những chuẩn mực này sẽ giúp phối hợp các sinh hoạt của tập thể. Nói cách khác, những chuẩn mực và định chế là những tài sản pháp lý căn bản mà con người phải dựa vào để sống với nhau trong đời sống xã hội (x. Franz Bưckle, Fundamental Moral Theology, 1980, trg 205).
– Trật tự xã hội chỉ có thể được bảm đảm nhờ nhân luật. Dù luật tự nhiên cũng đã vạch ra cho con người thấy những nghĩa vụ xã hội, nhưng thường luật tự nhiên không được hiển nhiên và rõ ràng. Chính nhân luật làm cho thấy rõ những đòi hỏi của luật tự nhiên cho hết mọi người.
+ Cần có nhân luật để xác định những chuẩn mực cụ thể hướng dẫn hành động, nhất là khi người ta có thể thi hành luật luân lý tự nhiên bằng nhiều cách khác nhau. Để có thể chọn lựa cuối cùng hay cần có quyết định ưu tiên cho cách nào. Điều này chỉ được thực hiện qua nhân luật.
+ Nhân luật cần có tính cách cưỡng bức con người tuân phục những đòi hỏi của trật tự luân lý trong đời sống xã hội và những đòi hỏi quan trọng đối với công ích. Từ đó nảy sinh ra những biện pháp chế tài cần thiết khi có những vi phạm.
2. Đối tượng và sự công bằng của nhân luật
a. Đối tượng của nhân luật nói chung
– Nhân luật có nhiệm vụ bảo vệ và phát huy sự ấm no hạnh phúc chung bằng cách:
+ Xác định các quyền lợi và nghĩa vụ của các phần tử trong xã hội và bảo đảm sự tự do cần thiết để họ thi hành trách nhiệm của mình.
+ Bảo vệ an ninh và trật tự xã hội
+ Tạo điều kiện thuận lợi để xã hội đạt được tiến bộ về văn hóa, đạo đức, tôn giáo và kinh tế.
– Tuy nhiên theo Kitô giáo, những mục tiêu nêu trên đều phải phục vụ cho vinh quang và kế hoạch của Thiên Chúa. Cho nên nhân luật không bao giờ được phép gây cản trở, cho việc thực hiện những mục tiêu nêu trên. Điều này có nghĩa là nhà làm luật bị ràng buộc với mục tiêu tối hậu. “Luật được đưa ra chỉ là luật thực sự khi nó phù hợp với các mục tiêu đã được tìm thấy nơi bản tính con người và phù hợp với những trách nhiệm dựa trên các mục tiêu ấy” (x. J. Messner, ibid, trg 191). Ở đây ta chỉ có thể lấy các việc làm của con người làm đối tượng cho luật pháp.
b. Sự công bằng của nhân luật
– Mỗi bộ luật phải kể ra các điều kiện cần thỏa mãn để cho luật có giá trị ràng buộc. Truyền thống thường kê ra những điều kiện sau đây:
+ Trước tiên đối tượng của luật phải là điều được phép làm xét về mặt luân lý.
+ Kế đến, đối tượng của luật pháp phải là điều công bằng, khả thi và hữu ích. Điều kiện công bằng thường bao hàm cả những điều kiện kia.
* Nói cách khác, khi nói đến đối tượng của nhân luật là nói đến sự công bằng của nhân luật. Sự công bằng đòi hỏi các khoản luật phải nằm trong quyền tài thẩm và phải phân chia trách nhiệm cách đồng đều và tương xứng.
– Ta có thể liệt kê dưới đây những điều kiện cần thỏa mãn để một khoản luật được gọi là công bằng.
+ Luật chỉ có thể truyền dạy những điều được phép về mặt luân lý và không bao giờ được truyền dạy điều tội lỗi. Cho nên luật chỉ có thể truyền dạy những điều tốt, hay ít ra cũng là vô thưởng vô phạt.
+ Luật phải nằm trong phạm vi quyền tài thẩm của nhà làm luật, chứ không được vượt ra ngoài quyền hạn của người ấy.
+ Luật phải tôn trọng các đòi hỏi của công bằng phân phối bằng cách phân chia trách nhiệm và đặc ân đồng đều tương xứng cho các thành viên. Đây là sự bình đẳng tương xứng, đặc biệt là đối với vấn đề thuế khóa. Vấn đề này được coi là rất nhạy cảm.
+ Luật không được hạn chế những quyền lợi chính đáng khi không có nhu cầu thực sự về sự ấm no và hạnh phúc chung.
+ Luật phải có tính khả thi trước tiên về mặt luân lý nó không được vượt quá sức hay vượt quá những phương tiện trong tầm tay của những người tuân theo luật pháp. Kế đến về mặt luân lý, nó phải là điều không quá khó khăn mới làm được. Điều này có nghĩa luật không được quyền đòi hỏi những hành vi anh hùng trong những điều kiện bình thường.
+ Luật phải hữu ích hay có lợi cho công ích. Luật sẽ đương nhiên mất hiệu lực khi nó trở nên vô ích và thậm chí có hại cho cộng đoàn.
* Với nhận định trên, thì theo nguyên tắc những luật mang tính bất công nghĩa là những khoản luật không thỏa mãn những điều kiện vừa nêu, thì sẽ không có quyền ràng buộc ta.
3. Luật có sức ràng buộc về mặt luân lý
a. Nền tảng sự ràng buộc của nhân luật
Tự bản tính con người là một hữu thể mang tính xã hội, cho nên con người rất cần tới công ích. Nhờ vào sự giúp đỡ và cộng tác của người khác, con người mới có thể thực hiện ơn gọi của mình là tôn vinh Thiên Chúa và làm phát triển kế hoạch sáng tạo của Ngài. Các điều luật công bằng trong xã hội nhằm gìn giữ công ích, nên chúng có sức ràng buộc lương tâm con người sống trong đời sống xã hội. Hiểu như thế, nhân luật là điều bắt nguồn từ bản tính và mục tiêu tối hậu của con người, nên nhân luật cũng mang tính luân lý.
b. Vậy ta tự hỏi nhân luật mang tính ràng buộc luân lý tới mức nào?
– Mỗi thành viên có nghĩa vụ luân lý là phải dùng các phương tiện vừa đủ để hiểu biết luật.
– Kế đến, họ phải sử dụng các phương thế thông thường nhưng lại là những phương thế tuyệt đối cần thiết để thi hành luật.
– Ngoài ra họ còn phải tìm cách gỡ bỏ hay chặn trước những trở ngại khiến ta không thể thi hành luật.
4. Nhà làm luật và người thi hành luật
a. Nhà làm luật
– Luật có thể được ban hành bởi những người có thẩm quyền hợp pháp trong một xã hội và được ban hành trong phạm vi quyền tài thẩm của họ. Nhưng cũng rõ ràng là những nhà làm luật chỉ có thẩm quyền đối với những điều góp phần thực hiện mục tiêu của cộng đoàn hay tập thể mà họ đang có trách nhiệm điều khiển.
– Ngoài ra những phong tục hay những thông lệ được hợp pháp hóa cũng có thể trở thành luật. Như thế một tập quán có thể trở thành luật với những điều kiện sau đây:
+ Nếu đa số các thành viên của cộng đoàn thường làm việc ấy.
+ Nếu khi làm việc ấy họ có ý buộc mình phải làm việc ấy.
+ Nếu họ còn tiếp tục làm việc ấy trong một thời gian lâu hơn (theo Can. 26, thời gian đó là 30 năm).
+ Cuối cùng lẽ dĩ nhiên là những tập quán ấy phải hợp lý (nghĩa là phải thỏa mãn những điều kiện mà luật nào cũng phải đáp ứng để trở nên có hiệu lực pháp lý).
b. Người thi hành luật
– Người thi hành luật là những người thuộc về một cộng đoàn theo một danh nghĩa nào đó như do sinh ra hay nhập quốc tịch hay do lãnh bí tích Rửa tội (trong trường hợp theo Giáo luật) và là những người mà luật muốn chi phối. Luật có thể được gởi tới thành viên trong cộng đoàn hay tới một tập thể như một giới trong cộng đoàn đó.
– Chính bản thân nhà làm luật cũng phải tuân thủ các luật do họ làm ra. Quyền hạn và nghĩa vụ của những người nằm ngoài địa hạt của nhà làm luật sẽ được quy định do công ước quốc tế nếu thuộc phạm vi quốc gia, và do giáo luật nếu thuộc phạm vi Giáo hội (x. Cl. 13,2).
– Nói chung, các ngoại kiều phải tuân thủ luật lệ của địa phương nơi mình đang trú ngụ và luật có liên quan đến tư cách công dân đối với quốc gia của mình.
5. Hiệu luật theo thủ tục và việc tuân giữ lề luật
a. Hiệu luật theo thủ tục
Đây là việc công bố luật và thi hành luật cho thỏa đáng.Ta có thể đưa ra những điều kiện làm cho luật được thi hành đúng đắn và công bằng:
– Luật pháp phải được ban hành cách xứng hợp
Phải công khai hóa thế nào cho luật có thể được mọi người, đặc biệt là những người có liên hệ biết. Ngoài ra cũng cần phải ấn hành để công chúng có thể đánh giá và phê bình. Các luật của Tòa thánh thường được ban bố trong công báo của Tòa thánh. Luật bắt đầu có hiệu lực sau ngày công bố là ba tháng (chứ không phải là ba tháng sau ngày phê chuẩn).
– Hiệu quả của luật “không thể có tính phản hồi” (bất hồi tố). Hiểu như thế, luật chỉ chi phối cách ứng xử của con người trong hiện tại và tương lai. (Tuy nhiên đôi khi có những tình huống phải đưa ra những luật có giá trị hồi tố để sửa chữa những điều thiếu sót hay lỗi thời trong quá khứ). Thí dụ, trong Bộ Giáo luật mới năm 1983, không còn thấy những biện pháp kiểm duyệt hay ra vạ tuyệt thông của Bộ Giáo luật cũ nữa.
– Luật phải mạch lạc không mâu thuẫn, nghĩa là luật không được đối chọi nhau hay bất khả dung hợp với nhau.
– Luật phải lưu ý đến tính liên tục pháp lý, nghĩa là luật không được thay đổi luôn, nếu không người thi hành luật sẽ bị mất phương hướng.
– Cần phải có sự phù hợp giữa hoạt động chính thức của giới thẩm quyền với luật được công bố. Công dân thì lo tuân giữ các quy định luật pháp, chính quyền thì lo ứng dụng luật vào thực tế, nghĩa là có sự hỗ tương giữa chính quyền và công dân trong việc giữ luật. Điểm tinh tế nhất ở đây là phải giải thích lề luật sao cho phù hợp.
b. Việc giữ luật
Khi tuân giữ luật, cần thỏa mãn những điều kiện cơ bản sau đây:
– Đối với những luật tiêu cực hay luật cấm, chỉ cần không làm hành vi cấm đó (cho dù là miễn cưỡng đi chăng nữa) là đủ.
– Còn đối với những luật tích cực hay đòi buộc phải làm một hành vi nào đó, chỉ cần thực hiện điều được đòi hỏi là đủ, nếu luật không đòi hỏi thêm điều gì khác.
– Có thể thi hành một số luật cùng một lúc, miễn là các hành vi ấy không loại trừ nhau. Phải thi hành đúng thời gian quy định, cho nên không phải buộc thi hành lề luật trước hay sau thời gian mà luật đã quy định. Khi đã thi hành luật, ta không cần phải ý thức mình đang thực hiện mục tiêu của lề luật.
c. Thể Ý pháp (Epikeia)
Thể ý pháp là một cách giải thích nhân luật không theo mặt chữ, nhưng theo tinh thần của luật, trong những trường hợp cực biên đã không được luật thiết định cứu xét đầy đủ. Các trường phái thần học luân lý gọi đây là sự đột xuất của luân lý, luật trên luật, và tu đức học gọi là sự cho phép suy đoán ra. Theo thánh Tôma, thể ý pháp được coi là một nhân đức, là con cái của đức khôn ngoan và liêm chính. Theo cha B. Häring, thể ý pháp đích thực làm ta sẵn sàng đón nhận sự mệt nhọc và trách nhiệm mà theo mặt chữ của lề luật không đòi hỏi (nhưng tinh thần của luật và công ích lại đòi buộc), cũng như giữ cho ta được thoát khỏi gánh nặng của lề luật theo mặt chữ, khi phải công tâm thừa nhận rằng trong trường hợp tương tự nhà làm luật không thể muốn áp đặt gánh nặng của lề luật trên người thi hành luật.
Cho nên ta có thể nói: việc người thi hành luật xử dụng thể ý pháp họ giả thiết nhà làm luật cũng có nhân đức thể ý pháp (cho phép suy đoán trong trường hợp lề luật theo mặt chữ không nói hết ý cách đầy đủ trong mọi trường hợp) (x. La Loi du Christ, t. I, trg 412).
– Theo khái niệm vừa nêu, thể ý pháp không thể là cách trốn tránh lề luật, nhưng là tinh thần biết tự do thoát khỏi mặt chữ của lề luật. Tinh thần này nhằm giúp con người chu toàn lề luật cách cao đẹp hơn chứ không chỉ bám vào những gì bản văn lề luật đã quy định. Ta cũng có thể nói thể ý pháp là phương cách đặt lề luật nội tại, bất thành văn ở sâu bên trong bản tính con người lên trên những chuẩn mực của luật thiết định đã được hệ thống hóa bằng văn bản. Thí dụ nếu luật quy định một mức lương tối thiểu quá thấp hay mức lương đó do tình trạng lạm phát và trở nên quá thấp, thì với tinh thần thể ý pháp, chủ nhân sẽ quyết định trả lương cho công nhân nhiều hơn so với văn bản mà lề luật quy định. Nếu không bằng cách tăng lương thì cũng bằng cách cho hưởng thêm nhiều lợi tức khác. Hiểu như thế, thể ý pháp không phải là cách làm vặn vẹo lề luật, nhưng ngược lại là giúp hoàn tất lề luật cách trọn hảo hơn lề luật theo mặt chữ đã quy định.
– Theo nghĩa hẹp, các thủ bản luân lý cho rằng thể ý pháp là một cách giải thích mang tính chất thu hẹp mà người thi hành luật có thể dựa vào đó để miễn chuẩn cho mình khỏi phải tuân giữ lề luật theo mặt chữ trong trường hợp đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn phù hợp với ý nghĩa thật của lề luật.
– Ta có thể đưa ra những lý do nội tại biện minh cho một hành vi theo tinh thần thể ý pháp như sau:
+ Trước tiên, nhà làm luật không thể nào tiên liệu hết mọi hoàn cảnh có thể xảy ra cho người thi hành luật, và ngay cả khi tiên liệu hết, họ không thể nào diễn tả được hết trong lời lẽ của một khoản luật.
+ Kế đến, luật không thể nào theo kịp những phát triển của cuộc sống và những thay đổi trong đời sống xã hội. Nhìn theo quan điểm thời gian, vì được biên soạn trong những điều kiện của quá khứ, nên lề luật không phải lúc nào cũng quán xuyến hết được những nhu cầu của thời hiện tại. Cho nên các luật thiết định ít nhiều gì cũng mang tính chất bất toàn và những khiếm khuyết. Chính vì thế, cơ quan lập pháp của con người có nhiệm vụ nhìn nhận việc người thi hành có quyền xử dụng thể ý pháp để bù vào những thiếu sót không thể tránh được của nhân luật.
– Dù sao, thể ý pháp cũng chỉ là một ngoại lệ, người ta chỉ được phép xử dụng với những thận trọng và khôn ngoan. Khi xử dụng thể ý pháp, người ta cần lưu ý những điểm sau đây:
+ Thể ý pháp chỉ được áp dụng cho những luật thiết định thôi.
+ Những khó khăn và bất lợi do việc giữ luật theo mặt chữ gây ra phải lớn và nhiều hơn hẳn so với những lợi ích mà ta hy vọng sẽ đạt được khi thi hành luật đó.
+ Cần phải tham khảo ý kiến khách quan vô tư của người khác, nhất là khi đụng đến những ngoại lệ có tầm quan trọng đặc biệt.
+ Khi gặp những trường hợp hồ nghi, cần phải tham khảo ý kiến cấp trên những điều mình sắp làm.
+ Không thể áp dụng thể ý pháp đối với những luật bãi hiệu là luật làm cho hành vi trở nên vô hiệu, hay đối với những luật bãi năng là luật làm cho người ta mất khả năng làm một số việc theo pháp lý.
+ Đôi khi người ta cũng dùng thể ý pháp trong những việc công, chứ không chỉ việc riêng tư cá nhân. Thí dụ trong trường hợp khẩn, chính phủ được quyền đưa ra những biện pháp vượt quá quyền hạn của mình đã được quy định trong hiến pháp, nếu thấy đó là nhu cầu chính đáng để bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ có bổn phận tường trình những quyết định khẩn cấp cho cơ quan lập pháp sớm hết sức có thể.
– Trong Tin mừng bản thân của Đức Giêsu cũng đã thực hành và giảng dạy tinh thần thể ý pháp khi có lần Ngài dạy: ngày hưu lễ được lập ra vì con người, chứ không phải ngược lại (Mc. 2,27) và vì thế các luật lệ của ngày Hưu lễ (rất quan trọng đối với người Do Thái) phải nhường bước trước những nhu cầu chính đáng của con người, kể cả khi làm như thế có thể đi ngược lại với mặt chữ của lề luật. Thí dụ Đức Giêsu vi phạm luật giữ ngày Hưu lễ của người Do Thái để chữa lành bệnh tật cho những người đau yếu (Mc. 3,1-5;
Lc. 13,10-17; Ga. 5,1-16).
6. Lề luật hết ràng buộc và chấm dứt
a. Lề luật hết ràng buộc
Luật trở nên hết ràng buộc do những nguyên nhân làm cho người ta không thể thi hành được nữa, hoặc do được miễn chuẩn, hoặc do những đặc ân.
– Trường hợp miễn chuẩn
+ Đương sự được miễn chuẩn thi hành luật khi không còn là chủ thể phải thi hành luật ấy nữa do tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị thay đổi, hay di chuyển chỗ ở đến một địa phương khác.
+ Trường hợp thứ hai, một người được miễn thi hành luật, khi họ không biết có luật đó mà không phải là lỗi của họ. Nhưng họ vẫn phải chịu hậu quả của các luật bãi hiệu hoặc bãi năng. Thí dụ một người Công giáo và một người ngoài Công giáo chỉ làm hôn phối dân sự khi chưa có phép chuẩn của Đức Giám Mục, thì đám cưới vẫn vô hiệu, cho dù hai bên không biết có luật phải xin phép chuẩn.
+ Trường hợp thứ ba, nếu không có khả năng thể lý,đương sự được miễn chuẩn khỏi phải thi hành luật.
+ Trường hợp thứ tư, nếu không có khả năng luân lý, nghĩa là đương sự sẽ gặp khó khăn lớn khi phải thi hành luật, thì không phải giữ luật. Nhưng nếu luật càng quan trọng thì những trở ngại hay khó khăn do việc thi hành luật gây ra phải càng lớn, thì lúc đó mới được miễn thi hành luật.
* Đương sự sẽ không được miễn thi hành luật khi nhân luật phản ánh một luật tự nhiên.
+ Trường hợp thứ năm, khi chỉ thiếu khả năng một phần, nhưng có thể miễn cho ta hoàn toàn khỏi phải giữ luật, nếu luật ấy không thể phân chia ra được. Nhưng nếu bổn phận có thể phân chia ra được thì đương sự vẫn buộc phải giữ phần bổn phận có thể thi hành được. Thí dụ một linh mục vì một lý do nào đó mà ngày hôm ấy không thể đọc toàn bộ các Giờ Kinh Phụng Vụ thì ít ra cũng phải đọc các Giờ Kinh còn lại mà ngài có thể đọc được.
– Trường hợp đặc ân
Đặc ân là quyền hạn cho phép một người hay một nhóm người được hưởng một ân huệ mà nếu cứ theo luật thì họ không có quyền được hưởng. Đặc ân thường là quyền hạn đặc biệt có giá trị lâu dài, trong khi sự miễn chuẩn thường có thời gian ngắn hơn. Đặc ân có thể được ban do nhà làm luật, nhưng trách nhiệm đối với công ích đòi buộc nhà làm luật ban đặc ân với điều kiện những đặc ân ấy không gây thiệt hại cho công ích.
b. Lề luật bị chấm dứt
– Xét một cách ngoại tại, một luật có thể bị chấm dứt thông qua quyết định của nhà làm luật hay do những tập quán đi ngược lại. Thí dụ một luật mới sẽ bãi bỏ luật cũ khi nó công khai nói ra điều đó, hay một luật mới sẽ bãi bỏ luật cũ khi nó nói ngược lại với luật cũ.
– Còn trên bình diện nội tại, một luật có thể mất hiệu lực nếu mục tiêu của luật ấy không còn nữa.
V. LUÂN LÝ HOÀN CẢNH
Nhìn chung, người ta coi luân lý hoàn cảnh như là 1 phong trào diễn tả 1 khuynh hướng hay 1 thái độ, khi tìm cách giải quyết những thắc mắc trong hoàn cảnh cụ thể hơn là 1 hệ thống luân lý. Khuynh hướng này nhấn mạnh đến tính cách độc đáo và riêng biệt của mỗi người và của mỗi hoàn cảnh đến mức độ coi các lề luật chung có sức ràng buộc đối với hết mọi người là điều không thể nào có được. Sau đây, ta có thể đưa ra những nhận định tổng quát liên quan đến luân lý hoàn cảnh.
1. Nền triết học hiện sinh đã ảnh hưởng rất lớn đến lập trường luân lý hoàn cảnh
a. – Triết học hiện sinh nhấn mạnh tới vai trò hoàn cảnh cụ thể và độc đáo trong quá trình trưởng thành và thực hiện nhân cách của con người. Theo quan điểm này, con người được tự do hình thành nên hữu thể của mình và nhờ đó biến mình thành một ngôi vị độc đáo, tự lập. Nhưng việc con người thể hiện bản ngã đích thực của mình cách tự do và sáng tạo như thế là điều không thể đi đôi được với những chuẩn mực ràng buộc phổ quát, lý do là những chuẩn mực như thế sẽ cản trở không cho thể hiện bản ngã mình thật sự.
– Nói cách khác, luân lý mang tính hiện sinh lên án mọi hình thức hạn chế con người do một quyền bính hay lề luật luân lý nào bên ngoài, bởi vì thuyết hiện sinh quan niệm hiện hữu có nghĩa là tự do. Tự do phải bao hàm một sự độc lập hoàn toàn đối với bất cứ chuẩn mực nào, vì những chuẩn mực này hay quy luật phổ quát chỉ làm cản trở sức sáng tạo là điểm chính yếu của tự do.
b. – Với khái niệm như thế, triết thuyết hiện sinh dẫn tới khuynh hướng luân lý hoàn cảnh: các nhà luân lý theo thuyết hiện sinh đều phi bác giá trị tuyệt đối của những quy luật khách quan.Lý do họ đưa ra là chỉ có chủ thể mới có sức sáng tạo, mà sức sáng tạo là nguồn gốc cho mọi hành vi tự do.
– Cho nên chính chủ thể mới là yếu tố quyết định đâu là điều tốt và đâu là điều xấu. Như thế theo quan điểm trên, những nguyên tắc có sẵn và trật tự luân lý khách quan không còn là những tiêu chuẩn luân lý nhất định, phổ quát và buộc phải tôn trọng. Điều này dẫn đến một hệ quả quan trọng sau đây: Vì không căn cứ vào những nguyên tắc khách quan, nên lương tâm con người tự quyết định lấy tùy hoàn cảnh cụ thể, cho dù những quyết định ấy có thể đi ngược lại với những nguyên tắc khách quan.
2. Nền tảng của luân lý hoàn cảnh
Vì chịu ảnh hưởng của nền triết học hiện sinh nên nền tảng của luân lý hoàn cảnh khác hẳn với nền tảng luân lý cổ điển.
a. Nhìn theo phương diện tiêu cực
Luân lý hoàn cảnh không chấp nhận giá trị phổ quát của những quy tắc hay chuẩn mực khách quan. Điều này có nghĩa là:
– Không chấp nhận một quy luật nào có giá trị tuyệt đối.
– Không chấp nhận chuyện có những hành vi tự bản chất là xấu, nên luôn luôn phải loại trừ.
– Không chấp nhận việc bản thể siêu hình có thể bắt buộc con người cụ thể. Nói cách khác, bản tính của con người thực tế cần phải được thực hiện trong từng giây phút tùy theo hoàn cảnh.
b. Nhìn theo phương diện tích cực
Luân lý hoàn cảnh chủ trương trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, lương tâm phải tự quyết định lấy tính luân lý của hành vi nhân linh. Khi tự quyết định lấy như thế, lương tâm tự tạo nên con đường luân lý cho cuộc sống trong hoàn cảnh cụ thể. Điều này có ý muốn nói con người tự trị hoàn toàn trong phạm vi luân lý. Khi không chấp nhận bất cứ hình thức ràng buộc nào mang tính khách quan, lập trường như thế đồng nghĩa với thuyết duy chủ quan (Subjectivisme).
c. Luân lý hoàn cảnh đề cao giá trị nhân vị
Mỗi người là một cái gì đó duy nhất, đặc thù, không ai có thể thay thế được và mối giao tiếp của con người đó đối với tha nhân cũng mang tính chất đặc thù như vậy. Cho nên không có một quy luật chung nào có thể quyết định thực chất của mối giao tiếp đó. Khuynh hướng đề cao nhân vị như thế nhấn mạnh đến tính cách lịch sử của nhân vị cần phải được con người tự tạo và phát triển nhờ những quyết định tự do trong từng hoàn cảnh cụ thể. Cho nên không có quy luật chung, khách quan nào có thể chỉ cho con người biết điều cần phải làm.
d. Tiêu chuẩn “phổ quát”
– Phải chăng nếu có thể ta nói đến “tiêu chuẩn phổ quát” của luân lý hoàn cảnh đó là tình yêu, nghĩa là con người không được ban cho một luật luân lý nào ngoài luật yêu thương. Nhờ tình yêu, các nhân vị gặp gỡ, giao tiếp, trao đổi, nên quyết định mang tính luân lý của con người phải là sự gặp gỡ trong tình yêu. Ta thừa biết không có thực tại nào tự phát cho bằng thực tại của tình yêu, vì thế không có quy luật nào có thể quyết định đường lối của tình yêu.
– Tình yêu vị tha là một yếu tố quan trọng nhất trong quyết định luân lý của con người. Tình yêu ấy phải được thể hiện với tất cả trách nhiệm cá nhân. Vì vậy các quyết định của con người không bao giờ được chế biến trước hay rập khuôn sẵn theo những chuẩn mực luân lý cố định, nhưng ngược lại phải luôn được thực hiện cách mới mẻ trong mỗi hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Vì thế ta có thể gọi luân lý hoàn cảnh là: “chủ nghĩa hoàn cảnh chỉ dựa trên tình yêu”.
e. Khuynh hướng
Khuynh hướng luân lý hoàn cảnh được đẩy mạnh đến cao độ với hai khuôn mặt đó là John A. T. Robinson, một Giám mục Anh giáo với hai tác phẩm “Honest to God” London 1963, và “Christian Moral Today”, London 1967. Khuôn mặt thứ hai là Joseph Fletcher, một thần học gia Tin lành của Hội thánh Giám Sự với hai tác phẩm đó là “Situation Ethics, The New Morality” và “Moral Responsibility, Situation Ethics at Work”, Philadelphia, 1967.
3. Ảnh hưởng của luân lý hoàn cảnh
a. Ảnh hưởng của nền luân lý này rất rộng rãi nơi giới thần học gia Tin lành vì họ chịu ảnh hưởng của triết thuyết hiện sinh rất nhiều.
b. Nhưng nền luân lý này cũng hấp dẫn một số người Công Giáo vì nó đưa ra khía cạnh tích cực đề cao nhân vị và tình yêu trong luân lý. Đối với một số người họ cho rằng luân lý hoàn cảnh mới là luân lý của người trưởng thành (ngược lại với luân lý mà họ cho là ấu trĩ, đó là luân lý của những bổn phận định trước), vì luân lý hoàn cảnh mang tính đòi hỏi nhiều hơn: mỗi cá nhân phải hiểu thật rõ hoàn cảnh của mình, rồi tự suy xét và cân nhắc, sau đó tự quyết định trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa.
4. Những mối bận tâm chính đáng của luân lý hoàn cảnh
Nếu nền luân lý này không có một mối bận tâm chính đáng nào thì hẳn đã không có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong một thời gian. Quả thực nền luân lý này chứa đựng một số phê bình đáng giá đối với giáo huấn luân lý truyền thống.
a.- Các sách thủ bản luân lý truyền thống chỉ có thể cung cấp cho ta một cái khung các nghĩa vụ, rút ra từ bản tính chung của con người, giả thiết bản tính ấy ở nơi người nào cũng đều giống nhau. Chúng không thể giới thiệu hết tất cả các nghĩa vụ luân lý, lý do là vì các sách thủ bản ấy không bao giờ có thể xác định những nghĩa vụ luân lý rút ra từ tính độc đáo cụ thể của mỗi người. Điều này có nghĩa là còn nhiều đòi hỏi luân lý gởi tới cá nhân, chứ không chỉ có những đòi hỏi được ghi trong sách mà thôi.
– Thêm vào đó với nền văn minh tiến triển, thỉnh thoảng con người phải đối diện với những vấn đề mà các thủ bản luân lý không phải lúc nào cũng có sẵn câu trả lời. Các thần học gia công giáo như K. Rahner, J. Fuchs, Von Hildreband cũng nhắc nhở ta về điều đó.
b. – Luân lý hoàn cảnh được coi như là một phản ứng rõ ràng chống lại một nền luân lý duy pháp lý, quá hình thức, quá nhấn mạnh đến khía cạnh khách quan khiến người ta áp dụng sát mặt chữ của lề luật, chứ không theo tinh thần của luật, và không xét đến hoàn cảnh và lịch sử của cá nhân. Điều này làm phương hại đến nhân vị. Lập trường này cho rằng luân lý bao giờ cũng có những yếu tố hoàn cảnh.
– Các nguyên nhân luân lý không thể được áp dụng một cách máy móc vào những hoàn cảnh tuy tương tự, nhưng thực tế lại không hoàn toàn y như nhau. Cần phải tìm hiểu kỹ các hoàn cảnh trước khi đưa ra một quyết định luân lý. Bởi đó cần có sự nhạy cảm đối với mỗi hoàn cảnh cụ thể và công việc tìm kiếm chuẩn mực luân lý ở đây sẽ trở nên vất vả hơn là người ta chờ đợi.
c. Đường hướng luân lý truyền thống với những chuẩn mực khách quan cố định dể đưa người ta đến tinh thần vụ luật. Đang khi đó luân lý hoàn cảnh nhấn mạnh đến một hành vi luân lý phải được thúc đẩy bằng lòng yêu mến sâu xa muốn thực hiện những giá trị tôn giáo và nhân bản đích thực.
d. Thật ra trong thần học luân lý công giáo ngày nay, người ta nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân trong việc đi tìm những nghĩa vụ luân lý cụ thể cho mình và áp dụng các chuẩn mực luân lý vào trong những hoàn cảnh cụ thể nhiều hơn trước kia. Joseph Fuchs khi nhận định về huấn thị của Thánh bộ Đức tin ra ngày 2.2.1956, về luân lý hoàn cảnh và cho rằng từ ngữ “hoàn cảnh” không bị loại trừ khỏi văn kiện, nhưng chính huấn thị cũng dùng khi nói rằng luân lý khách quan dạy ta phải cân nhắc “những điều kiện đặc thù của hoàn cảnh”. Từ đó, Fuchs cho rằng chẳng có gì ngăn cấm ta nói đến một nền luân lý hoàn cảnh “mang tính Kitô giáo” (x. Ethique objective et Ethique de Situation. A Propos du Instruction du Saint Office du 2 Février 1956, N. R. Th số 78, 1956).
5. Phê bình luân lý hoàn cảnh
a. – Dưới mọi hình thức, luân lý hoàn cảnh dựa trên những soi sáng xuất phát từ nội tâm con người, nhờ những soi sáng ấy mà ta có được sự hướng dẫn luân lý cần thiết và biết được những nghĩa vụ phải thi hành. Rõ ràng đây là một thuyết Duy chủ quan hoàn toàn. Kinh nghiệm xưa nay cho thấy hy vọng ta sẽ được soi sáng đều đặn từ nội tâm là một cái gì không chắc chắn. Khi bỏ qua các chuẩn mực khách quan của luân lý, con người có nguy cơ dễ rơi vào sai lầm và làm mồi cho xu hướng ích kỷ tiềm ẩn trong mình.
– Còn khi cho rằng lương tâm tự quyết định lấy tính luân lý của hành vi và tự ấn định điều gì là tốt, thì điều này đi ngược lại kinh nghiệm phổ quát về lương tâm như một tiếng nói về “một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác” (x. GS, số 16). Lẽ tất nhiên lương tâm phải được tự do phúc đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, miễn là trong giới hạn chính Thiên Chúa đặt ra và những giới hạn này được tỏ cho ta qua những lề luật chung. Nếu lương tâm không coi trọng những vấn đề này và tự quyết định tính luân lý của hành vi, thì không còn vấn đề tội lỗi nữa, và mầu nhiệm cứu độ của Chúa bị đặt lại vấn đề này.
* Nói cách khác, tính chủ quan của luân lý hoàn cảnh có nghĩa là loại bỏ mọi trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, dù trung gian đó là những quy luật luân lý khách quan hay thẩm quyền của Giáo hội đi chăng nữa.
b. – Các nhà luân lý hoàn cảnh cũng sai lầm khi nghĩ rằng họ đã giúp ích cho mọi người trong các vấn đề luân lý, khi họ phá vỡ những quy luật luân lý và cho phép mọi người tự do hành động theo sự nhận định riêng tư chủ quan của họ. Họ cho rằng sự tự do mà họ đề ra sẽ giải thoát con người khỏi nhiều thất vọng, sẽ giúp giải quyết nhiều xung đột luân lý mà nếu theo cách thông thường thì sẽ vô phương giải quyết.
– Nhưng họ quên rằng nếu tìm hiểu sâu xa về bản tính con người, ta sẽ thấy một người bị để mặc một mình, không có chuẩn mực rõ ràng nào để hướng dẫn hành vi, họ sẽ dễ dàng gặp thất vọng nhiều hơn và ít có hy vọng giải quyết được các vấn đề khó khăn với tâm trạng an toàn hơn là khi có những chuẩn mực hướng dẫn hành động, cho dù những chuẩn mực ấy đòi hỏi phải hy sinh rất nhiều (x. John C. Ford và Geral Kelly “Contemporary Moral Theology”, Vol. I Newman Press, 1958, trg 138).
c. Luân lý hoàn cảnh chỉ dựa trên tình yêu và dành ưu tiên cho tình yêu. Điều này đúng với điều kiện hiểu cho đúng về tình yêu. Fletcher rất ưa viện tới giáo huấn về giới răn yêu thương là một giới răn quan trọng của Tân ước để hậu thuẫn cho lập trường luân lý chỉ dựa trên tình yêu của ông, nhưng tiếc rằng ông đã đánh mất nội dung của tình yêu khi ông tách rời giáo huấn yêu thương đó khỏi Tân Ước. Chắc hẳn Đức Giêsu và thánh Phaolô dành ưu tiên cho tình yêu, nhưng ông ta đã quên một điều là Đức Giêsu và thánh Phaolô cũng lưu ý đến nội dung của tình yêu khi cho rằng tình yêu đối với tha nhân phải bao gồm cả thập giới là những lề luật cơ bản của Kitô giáo. Cho nên yêu thương là chu toàn lề luật, chứ không phải là bãi bỏ lề luật. Vì thế không thể cứ nói chỉ dựa vào tình yêu rồi tự do muốn làm gì thì làm, bất xét đến những quy luật hay chuẩn mực khách quan. Nói cách khác, làm sao ta có thể nhân danh tình yêu mà vi phạm đến thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện nơi những quy luật khách quan được?
d. Luân lý hoàn cảnh không chấp nhận chuyện: xét theo những chuẩn mực khách quan, còn có những hành vi xấu tự bản chất, nên luôn luôn phải loại trừ. E.W. Trueman Dicken trả lời: những nguyên tắc luân lý lành mạnh không có mục đích nào hơn là bảo đảm cho người ta tôn trọng con người. Vì thế như những hành vi như giết người, cưỡng hiếp, loạn luân, phá hoại của cải vật chất, thề gian,… là những hành vi sai trái, lý do là vì chúng làm hại đến con người, và theo nguyên tắc chúng sai trái vì đã đi ngược lại với luật tự nhiên và luật của Chúa. Con người chỉ được an toàn khi người khác nhìn nhận những nguyên tắc đó (x. “Loving on Principle”, London, 1968, trg 108).
– Cho nên ta đừng quá ngây thơ cho rằng mọi người đều đã biết yêu thương cách trưởng thành đúng nghĩa, vì một hành vi hợp với luân lý hay vô luân không phải là do chuyện người ta có yêu hay không yêu, mà hệ tại ở chỗ người ta yêu cái gì? nếu chỉ chủ quan mà thôi làm sao có thể xác định mình đang yêu điều gì đúng nghĩa cho nên Germain Grisez và Russel Shaw cho rằng: “Bảo rằng cứ làm theo tình yêu, đó không phải là luân lý, mà chỉ là hình thức từ chối không chịu coi các vấn đề luân lý cách nghiêm túc” (x. Beyond the New Morality, 1974, trg 104).
e. – Sau này các nhà luân lý hoàn cảnh đi đến thái độ làm nhẹ bớt khuynh hướng cực đoan khi không còn phủ nhận hoàn toàn giá trị khách quan của những quy luật luân lý như K. Barth và J.A.T. Robinson đã làm; và cũng bắt đầu coi luật luân lý như một luật luôn có giá trị trong những hoàn cảnh có thể áp dụng được. Nhưng J. Fletcher vẫn còn cho rằng người ta có thể bỏ qua các nguyên tắc khách quan với những lý do thực sự nghiêm túc.
– Vì thế điểm tranh luận với luân lý hoàn cảnh không còn nằm ở chỗ họ cho rằng các luật luân lý không có giá trị gì hết nhưng lại nằm ở chỗ họ cho rằng mọi luật luân lý đều có luật trừ, bất kể đó là những luật liên quan đến những hành vi tự sát, phá thai, giao hợp tiền hôn nhân, ngoại tình, giết mạng sống người vô tội (đây là những điều mà luân lý công giáo cho là xấu tự bản chất, nên không thể có luật trừ).
– Cho nên Gene H. Outka lưu ý rằng nếu Fletcher muốn đi tới quan điểm ôn hòa hơn của các nhà chủ trương “kết hợp” thì ông phải bỏ giả thiết mà ông vẫn thường gán cho khoa luân lý hoàn cảnh, đó là tính triệt để và mới mẻ (x. “The New Morality Recent Discussion within Protestantism” trong “The Future of Ethics and Moral Theology”, Chicago: argus conmunications 1968 trg 70-71). Ta cũng thể nói thêm: khoa đạo đức của ông phải trở nên hiện thực và khả thi hơn.
f. – Luân lý hoàn cảnh còn chống lại những chuẩn mực khách quan viện lý do những chuẩn mực ấy đã tước mất quyền của Thiên Chúa, quyền đưa ra những đòi hỏi tự do và vô hạn đối với mỗi người trong mọi nơi mọi lúc. Ta có thể trả lời những vấn nạn này: Thiên Chúa hoàn toàn tự do để tạo dựng thế giới theo những quy luật hợp với ý muốn của Ngài. Như thế ta không thể nói rằng Thiên Chúa bị giới hạn tự do khi cho rằng Thiên Chúa không thể đi ngược lại với những quy luật nội tại nơi con người và thiên nhiên do chính Ngài dựng nên.
– Mặc dù là đúng khi ta cho rằng mỗi hoàn cảnh đều đặc thù và có quá nhiều hoàn cảnh khác nhau về thời gian, không gian và con người, nhưng cũng đúng không kém là trong những hoàn cảnh ấy vẫn luôn luôn còn nhiều yếu tố tồn tại, cùng chung một bản chất, lý do là vì “bên dưới những thực tại đổi thay luôn có những thực tại không thay đổi” (MV, số 10). Nhưng thực tại bền vững ấy chính là nền tảng của những quy luật tổng quát, khách quan mà ta phải tôn trọng trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa và đáp lời Thiên Chúa mời gọi trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau.
g. – Trong nội bộ Giáo hội Công Giáo ngay từ năm 1952, Huấn quyền đã lên tiếng qua thông điệp truyền thanh về lương tâm Kitô giáo AAS. 44 (1952), Đức Giáo Hoàng Piô XII đã lên tiếng cảnh giác mọi kitô hữu về luân lý hoàn cảnh mà người ta gọi là nền luân lý mới.
Cũng trong năm ấy, khi ngỏ lời với Hội nghị của Liên hiệp Quốc tế các Thiếu nữ Công giáo ngày 18.4.1952, Ngài đã gọi nền luân lý mới này là chủ nghĩa hiện sinh về đạo đức học và không thể hòa hợp được với đức tin của Giáo hội (AAS. 44, 1952, 413-419).
– Ngày 2.2.1956, Thánh bộ Đức tin công bố Huấn dụ về Luân lý Hoàn cảnh và cảnh cáo về sự nguy hại của luân lý hoàn cảnh về phương diện thực hành đời sống luân lý và tôn giáo.
– Thánh bộ còn cấm giảng dạy cũng như tán thành luân lý hoàn cảnh trong môi trường giáo dục Công giáo như Đại học Công giáo, Học viện, Chủng viện, Nhà Dòng cũng như qua sách báo, thuyết trình, hội thảo, hoặc “tuyên truyền hay bênh vực nó bất cứ bằng cách nào khác” (x. AAS. 48, 1956, 144-145).
————————-
Chương này viết theo:
1. Karl H. Peschke, “Christian Ethics”, Vol, I General Moral Thology, 1986, phần 2, chương 2.
2. Roger Champoux, “Luân lý Cơ bản” GHHV, 1972-1974 trg 27-83.
3. J.M. Aubert, “Loi de Dieu, Lois des Hommes” Desclée, 1964.
4. B. Häring, “La Loi du Christ”, Vol. I, Desclée, 1964, trg 353-455.
5. J. M. Aubert, “La Conscience et la Loi” trong Initiative à la Practique de la Théology, phần Ethique Tom. 4. Ed. Cerf, 1983, trg 223-243.
6. Richard M. Gula, S.S., “Reason Informed by Faith”, PauliSt. Press, New York, 1989 với hai chương:
– The Natural Law in Tradition, trg 220-230.
– Natural Law Today, trg 231-239.