VIII. TƯƠNG QUAN GIỮA LƯƠNG TÂM KITÔ GIÁO VÀ HUẤN QUYỀN
1. Xung đột giữa Lương tâm và Huấn quyền
Vào thời điểm bùng nổ thông tin như hiện nay, đôi khi người ta đề cao quyền tự do lương tâm cách thái quá, và như vậy thế nào cũng xảy ra căng thẳng giữa việc tùng phục Huấn quyền và quyền tự do lương tâm. Cha Xavier Thévenot SDB đã có những nhận định về vấn đề này theo cảm thức Giáo hội và dựa trên tinh thần Đức Ái Kitô giáo như sau:
Xảy ra trường hợp khi đứng trước một vài những đòi hỏi về luân lý do Huấn quyền đưa ra, có một số linh mục và giáo dân cảm thấy khó chịu đến độ cách âm thầm hay công khai họ chống lại Huấn quyền. Thái độ như thế phản ánh việc thiếu cảm thức Giáo hội, thiếu gắn bó với Giáo hội hay chỉ nói lên quyền tự do theo tinh thần Tin mừng? Hiển nhiên là không thể trả lời cho từng người một : vì chỉ mình Chúa là thẩm phán (1Cr. 4,4). Tuy nhiên vẫn có thể đưa ra một vài tiêu chuẩn cho phép người Kitô hữu xét xem thái độ ho giữ khoảng cách biệt đối với Huấn quyền như thế có phải là thái độ trung thành đối với Thiên Chúa, hay chỉ là thái độ bất trung ?
a. Trước tiên khi tìm hiểu một văn kiện của Huấn quyền về luân lý, ta cần phân biệt: sự tán đồng đối với những điểm kết luận và sự tán đồng đối với những lập luận trưng dẫn ở điểm đó. Trường hợp thường gặp là người ta tán đồng tính chất thích đáng của những điểm kết luận, nhưng lại không đồng ý với những luận chứng được dùng tới ở trong văn kiện. Nhiều văn kiện của các Giám mục đề cập đến vấn đề phá thai cũng lâm vào tình trạng tương tự với điểm kết luận được mọi người tán đồng: “Thái độ tôn trọng đối với sự sống của một con người đang ở trong giai đoạn thai nghén, phải được kể vào những giá trị đầu tiên nhất của sự sống con người”, nhưng những luận chứng nêu ra trong văn kiện đôi lúc không được vững cho lắm vì không chặt chẽ đủ về mặt khoa học hay triết học.
Tình trạng xảy ra như thế không có gì là ngạc nhiên: Trong lãnh vực luân lý khi nhắm tới việc điều chỉnh hành động con người mà lại gặp phải những điều không rõ ràng xung quanh hành động đó, lúc ấy lương tâm con người phải dùng đến vốn liếng nhận thức tổng quát của mình về cuộc sống để tự rèn luyện một xác tín lành mạnh cho hành động của mình( một xác tín kể là chính xác), trước khi có thể dùng những luận chứng tri thức để nhận xét vấn đề cho thỏa đáng hơn.
b. Nhưng xảy ra trường hợp: Không những người ta không thể chấp thuận cách thẳng thắn những phương thức lập luận, mà còn không thể chấp nhận cả những kết luận luân lý trong văn kiện của Huấn quyền. Khi ấy người Kitô hữu không hiểu được làm sao mình có thể làm theo một huấn lệnh mà lương tâm của mình chưa đạt đến việc thừa nhận mệnh lệnh đó. Chính ở điểm gay go này mà cảm thức về Giáo hội đóng vai trò của mình theo nhiều cách khác nhau:
– Trước tiên người Kitô hữu phải xét xem mình đã cầu nguyện đủ chưa, vì cầu nguyện là tiếng kêu của Thần Khí trong con người, vì chỉ mình Thần Khí mới “làm cho phù hợp theo đúng ý của Thiên Chúa” (Rm. 8,2).
– Kế đến họ phải kiếm cách đối thoại với người có thẩm quyền trong Giáo hội và với cộng đoàn, để nhận thức rõ hơn nơi bản thân mình có điều gì chống lại sự hiệp thông theo Tin mừng?
– Rồi sau đó cũng phải nghiên cứu cách nghiêm túc hết sức có thể và cậy nhờ đến những người có thẩm quyền chuyên môn của sự việc liên hệ, để có thể lượng giá tốt hơn về quyền bính thần học trong những khẳng định của Huấn quyền và cũng có thể nhờ đó nhận ra những thái độ hay lập trường mang tính ý thức hệ của mình.
– Cuối cùng phải khiêm tốn đặt mình trước thực tại huyền nhiệm của Giáo hội, vì biết rằng nếu không kiếm cách tuân giữ những huấn lệnh do những người có trách nhiệm lo việc hiệp nhất trong Giáo hội đề ra, một khi những huấn lệnh này có một thế giá lớn lao về mặt thần học không thể chối cãi được, thì điều đó có nghĩa là ta không thể đứng về phía trung tín với Thiên Chúa và về phía tự do đích thực của Kitô giáo được.
– Ngoài ra ngay cả khi lương tâm tự cho phép mình không chấp nhận những huấn lệnh của Huấn quyền, thì người Kitô hữu cũng phải tự hỏi về những hậu quả có thể xảy ra một cách trực tiếp, hay từ xa, do việc mình có một lập trường cách biệt như thế. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: chính Đức Ái điều chỉnh việc sử dụng tự do (1Cr. 8,12-13). Ai nghĩ mình phải chống lại Huấn quyền, họ phải lưu tâm đến việc thái độ đó gây ảnh hưởng tai hại cho những người “yếu đuối” trong đức tin, vì những người này có nguy cơ bị gây gương xấu rất sâu đậm. Chính vì thế tự trong đáy lòng và theo lương tâm của mình, người Kitô hữu cho rằng không nên biểu lộ sự bất đồng ý kiến ra một cách công khai.
– Tuy nhiên nguyên tắc của Thánh Phaolô ngày càng trở nên khó áp dụng vì hai lý do: phần vì ta đang sống trong một thế giới đa dạng, làm sao ta hành động mà lại không đụng chạm đến một ai cả. Đàng khác, khó mà nhận diện được ai là người “yếu đuối trong đức tin”.
+ Vì thuật ngữ “Người yếu đuối trong đức tin” thường bị lẫn lộn với những người khăng khăng bảo vệ truyền thống. Hậu quả của việc lẫn lộn như thế là an phận đi theo chủ nghĩa bất động trong các lãnh vực luân lý và mục vụ.
+ Trong khi đó nơi các Giáo hội hậu Kitô giáo hiện nay, những người “yếu đuối” là những người tín hữu tồi, tin cách lệch lạc, hay là những người đang mò mẫm tìm kiếm Chúa và công phẫn trước tất cả những gì có vẻ là Quá khứ chủ nghĩa cực đoan trong một vài lập trường Giáo hội về luân lý. Thế mới biết, quyết tâm không muốn gây ra gương xấu đây là một trong những yếu tố của việc biện phân trong luân lý- cũng cần phải được vận dụng một cách hết sức tế nhị.
– Cuối cùng quả là điều tốt khi nhắc lại những lời cảnh giác của Thánh Phaolô liên quan đến sự tự do đích thực theo Kitô giáo. Chúng ta được mời gọi đến sự tự do này “ nhưng đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt” (Gl. 5,13). Chính vì thế tự do đích thực là tự do của Thần Khí (2Cr. 3,17), mà theo thánh Irénée thì “ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có Giáo hội” (Adversus Haereses, II, 24, 1). Còn thánh Augustino lại nhấn mạnh ngược lại: “Chính trong mức độ yêu mến Giáo hội mà mỗi người nhận được Thần Khí” (x. Joan. Tract. 32, 8).
2. Những điều kiện cho cuộc đối thoại giữa Huấn quyền và người Kitô hữu
a. Về phía Huấn quyền
– Huấn quyền phải biết lưu tâm đến những khác biệt văn hóa của các vùng trên thế giới trong cách diễn đạt thần học, thí dụ như nền thần học giải phóng ở Nam Mỹ, và nền thần học Á châu trong bối cảnh hội nhập văn hóa để rao giảng Tin mừng đối diện với sự suy tư mang nét văn hóa Tây phương của các vị có thẩm quyền trong Bộ Giáo lý Đức tin; những phát minh hiện đại của khoa học về giới tính, về di truyền học chẳng hạn đã mở ra những chân trời mới bao la về kiến thức làm cho Huấn quyền không còn có thể cứ một mực trực tiếp dựa vào kho tàng khôn ngoan của truyền thống loài người hay Giáo hội để soi sáng những kinh nghiệm hiện đại của con người được nữa. Huấn quyền cần bình tĩnh lắng nghe để có thể nhận định cho đúng về kinh nghiệm có trách nhiệm của người Kitô hữu.
– Khi một cấp trong Huấn quyền nhận thấy tài liệu luân lý của mình có những điểm hình như gây khó khăn cho người Kitô hữu thì cần phải tránh thái độ vội vàng coi những cảm nhận khó khăn của người tín hữu như là triệu chứng của những suy tư sai lạc, hay của lương tâm bị tội lỗi làm lu mờ. Lý do là có thể xảy ra chuyện phần đông các tín hữu phản ứng chống lại một công thức luân lý của Huấn quyền, điều này là dấu chỉ cho thấy có sự bất ổn về phương diện thần học trong công thức đó, đáng được Huấn quyền lưu tâm xác định một cách chính xác hơn.
Chính vì thế, sau khi cố gắng giải thích cặn kẽ lập trường của mình để mọi người nắm vững hơn, cấp Huấn quyền đó mời gọi những người Kitô hữu, đặc biệt là mời gọi những thần học gia có lập trường chống đối trình bày những lý do bất đồng quan điểm của họ đối với Huấn quyền, với thái độ cân nhắc và kính trọng đối với chân lý và với cộng đoàn dân Chúa.
Đối với toàn thể cộng đoàn dân Chúa, việc Huấn quyền và các người tín hữu có suy nghĩ khác với Huấn quyền có được cuộc đối thoại cởi mở, dầu đôi khi có những căng thẳng đi nữa, thì điều này trở thành chứng từ về một sự tự do chân chính nhờ việc thực thi tinh thần Tin mừng và Đức Ái đem lại (1Cr. 13,6).
– Huấn thị của Bộ Giáo lý Đức tin cũng ủng hộ vấn đề đối thoại khi khẳng định: “Nếu những căng thẳng giữa các thần học gia và Huấn quyền không phát xuất từ những tình cảm thù nghịch, hay đối đầu, thì chúng có thể được coi là những nhân tố năng động và khuyến khích Huấn quyền và các thần học gia chu toàn chức năng riêng biệt của mình bằng việc thực hành đối thoại” (x. Vocation Ecclésiale du Théologien, n. 25-26, trong báo DC số 2010 năm 1990).
– Ngoài ra Huấn thị này còn nhấn mạnh đến qui luật kép bắt buộc như sau:
+ Ở đâu có liên hệ đến sự hiệp thông về đức tin, thì ở đó nguyên tắc Unitas veritatis có giá trị.
+ Ở đâu có sự khác biệt không liên quan đến sự hiệp thông, thì người ta phải cứu lấy Unitas caritatis.
b. Về phía người Kitô hữu
– Ngoài việc tuân thủ qui luật kép vừa nêu, muốn có được sự đối thoại chân chính với Huấn quyền, họ không được tiên thiên có những phản ứng ngờ vực đối với những chỉ thị của Huấn quyền, vì với thái độ nghi kỵ như thế, họ đã không để cho những người hữu trách trong Giáo hội có cơ hội phát biểu những điều hữu ích trong vấn đề luân lý.
Muốn được như thế, họ cần phải luôn xác tín rằng Chúa Thánh Thần trợ giúp đặc biệt những đấng kế vị các tông đồ trong chức vụ làm người ‘‘công bố đức tin và tiến sĩ đích thực”, như thể Hiến chế LG, số 15 của Vaticanô II đã xác định.
– Một cách nào đó, họ phải coi sự chất vấn của Huấn quyền như một cơ hội thuận tiện để thể hiện lòng hiếu khách là một nhân đức trong Kinh thánh. Nói cách khác, mỗi văn kiện của Huấn quyền cần phải được quan niệm tương tự như một vị khách mình tiếp đón vào nhà. Vị khách này làm xáo trộn những thói quen, vạch trần những nhỏ nhen hẹp hòi và cuối cùng là gợi ý họ đi đến sự đối thoại chân thực và cởi mở.
– Với ý thức như thế, đối với người tín hữu việc đón nhận sự hướng dẫn của Huấn quyền không mảy may có nghĩa là trút bỏ trách nhiệm cá nhân của mình, cũng không có nghĩa là tuân phục cách thụ động, nhưng là tuân phục cách năng động để giúp họ tiến tới hơn nữa trong việc trung tín với Lời Chúa.
Đến đây ta cũng cần phải biết rõ ràng những thẩm quyền chính xác của huấn quyền trong lãnh vực luân lý như thế nào.
3. Những thẩm quyền về Luân lý của Huấn quyền
a. Trước tiên ta cần nhớ một điều: khi có những xung đột không thể tránh được về các giá trị xảy đến cho cuộc sống và hành động của con người mà với tinh thần trách nhiệm ta phải đối phó, lúc đó ta không nên coi những lời giảng dạy của Huấn quyền như những bình phong để lương tâm luân lý của ta ẩn trốn trong đó, hầu tránh khỏi phải có những quyết định dứt khoát. Lý do là trong lãnh vực quyết định, cuối cùng con người phải theo lương tâm của mình. Trường phái kinh viện có một phương châm rõ ràng như sau: “Phải luôn luôn theo lương tâm của mình, ngay cả khi nó lầm lạc. Nhưng một lương tâm lầm lạc cũng không biện giải (excuse) cho việc lỗi phạm một điều xấu cách khách quan, bởi vì người ta có thể phải chịu tránh nhiệm về sự lầm lạc của lương tâm mình. Chính vì thế phải không ngừng soi sáng lương tâm của mình theo sự gợi ý của lý trí ngay thẳng và của những dữ kiện mạc khải được giải thích cách đúng đắn”. Vì thế ta có thể nói việc theo tiếng lương tâm không dính dáng gì đến chủ nghĩa chủ quan cả (subjectivisme).
Nhưng lương tâm có thể được soi rõ ràng hơn nhờ việc người Kitô hữu đối thoại với Huấn quyền. Việc Huấn quyền có nghĩa vụ bảo đảm sự phục vụ cho chân lý không nên dẫn đến tình trạng Huấn quyền thay thế cho trách nhiệm cá nhân của người Kitô hữu. Bởi vì cho dù người Kitô hữu mang trong bản thân mình chiều kích hiệp thông, nhưng tự nền tảng họ luôn ở trong tư thế đơn độc một mình cách huyền nhiệm trước mặt Thiên Chúa. Nói cách khác, xét theo phương diện trách nhiệm, quyết định cá nhân chỉ được thực hiện giữa họ với Thiên Chúa mà thôi.
b. Nghĩa vụ luân lý đầu tiên của Huấn quyền là không ngừng nhắc nhở cho người Kitô hữu nhớ lý do để sống và để hành động của họ chỉ được tìm thấy nơi Thiên Chúa của Đức Giêsu mà thôi. Điều đó có nghĩa cho dù thuận tiện hay không Giáo hội cũng phải biến mình thành người “tuần canh” (Ed 3,16-21). Nhưng nếu Hàng Giáo Phẩm chỉ bằng lòng với việc đưa ra những đại nguyên tắc về luân lý và chỉ tố cáo cách trừu tượng những hành động làm tha hóa con người, lúc ấy các ngài sẽ bị nguy cơ rơi vào tình trạng tự khép mình vào những điều không tưởng và sẽ bị coi là những người mơ mộng. Không kể khi ấy chẳng còn một người Kitô hữu nào thực sự bị Tin mừng đặt vấn đề nữa.
Chính vì thế mà Huấn quyền phải thực thi chức năng ngôn sứ một cách khôn ngoan bằng cách tự đăït mình đối diện với những điều kiện cụ thể của cuộc sống con người để có thể đưa ra những quy luật hành động cụ thể cho sinh hoạt của người Kitô hữu, sao cho họ đi đúng với những đòi hỏi của Tin mừng.
c. Nhưng nếu cho rằng Huấn quyền chỉ có quyền nói đến những vấn đề được đề cập cách minh nhiên trong “kho tàng mạc khải”, thì lúc đó vô tình hay hữu ý ta biến Huấn quyền trở thành một người chỉ biết lập lại những bài học quá khứ mà thôi và ta từ chối không chấp nhận việc Giáo hội có sứ mạng đem Tin mừng đến mỗi hoàn cảnh cụ thể của con người. Cho nên công việc của Huấn quyền phải đạt tới những quy luật có những nội dung cụ thể và rõ ràng. Thí dụ Huấn quyền cho rằng việc trực tiếp giết một con người vô tội ngay từ lúc thụ thai không bao giờ được coi là chính đáng xét về phương diện luân lý. Chính trong trường hợp cụ thể như thế lại là lúc thích hợp để xác định thẩm quyền của Huấn quyền. Thẩm quyền này luôn phát xuất từ lòng trung tín của Giáo hội đối với Lời Chúa trong Kinh thánh là quy luật chuẩn tắc (norme normante).
d. Trong Huấn thị của Bộ Giáo lý Đức tin vừa nêu ở trên số 16 ta thấy rõ: do những phán đoán mang tính quy luật đối với lương tâm người Kitô hữu, mà Huấn quyền có trách nhiệm phân biệt những hành vi nào tự chúng phù hợp với đòi hỏi của đức tin và làm thăng tiến việc biểu lộ những đòi hỏi của đức tin trong cuộc sống với những hành vi nào tự bản chất là xấu, nên không phù hợp với những đòi hỏi của đức tin.
e. Người Kitô hữu cũng đừng quên rằng Huấn quyền có bổn phận góp phần “tỏ cho con người biết ý nghĩa cuộc đời mình” (GS số 41), và theo cách nói của Bộ Giáo lý Đức tin, thì Huấn quyền còn trải dài thẩm quyền của mình đến những điều liên quan đến luật tự nhiên. Chính thẩm quyền này cho phép Huấn quyền đề cập đến những vấn đề luân lý cho dù Kinh thánh và truyền thống không có ám chỉ đến vấn đề này.
f. Thẩm quyền này được đặt nền tảng trên những xác tín thần học sau đây:
– Việc đón nhận Nước Chúa trong niềm tin luôn luôn được diễn đạt qua trung gian cuộc sống luân lý.
– Giáo hội đóng góp cách thích đáng một phần quan trọng trong việc giúp người Kitô hữu nhận thức rõ về bản thân họ và về những hành động mà họ cần phải có. Như thế Giáo hội không thể chỉ hài lòng với việc chạy đến cùng Kinh thánh mà thôi, nhưng còn phải cậy nhờ đến những khám phá của khoa học nhân văn và triết học, vì những bộ môn này cho phép đưa ra ánh sáng những điều kiện và ý nghĩa sâu sắc của hành vi con người.
– Do những giới hạn về kiến thức khoa học và triết học mà mình sử dụng, nên trong những lần can thiệp mang tính thận trọng, Huấn quyền cần nhận thức rằng mình đã không thể luôn luôn nhận thấy hết những khía cạnh phức tạp của vấn đề. Chính vì thế, Bộ Giáo lý Đức tin cũng phải xác nhận là “những tài liệu của Huấn quyền cũng không tránh khỏi thiếu sót”. Đây là hình thức Huấn quyền tương đối hóa giáo huấn của mình trong một số vấn đề.
– Cũng theo Huấn quyền của Bộ Giáo lý Đức tin
(ibid số 24), trong những khẳng định của Huấn quyền có thể có trường hợp những phán quyết đúng lẫn lộn một cách khó gỡ với những phán quyết không chắc chắn. Cho nên chỉ có thời gian mới cho phép Huấn quyền có được sự phân biệt để đạt tới sự tiến bộ đích thực về học thuyết của mình sau khi đã có những cuộc nghiên cứu sâu sắc.
4. Tầm quan trọng của chức vụ Huấn quyền trong Luân lý
Theo quan điểm Kitô giáo, tự nền tảng luân lý mang chiều kích Giáo hội. Nỗ lực luân lý không bao giờ được coi như một hành vi cá nhân chỉ nhờ vào chính sức lực của ý chí và tính đăïc thù của họ mà thôi, nhưng ngược lại nỗ lực luân lý còn được coi như thành quả của Thánh Thần. Chính ngài nắm giữ chúng ta như những thành viên của Giáo hội để dẫn đưa chúng ta đến sự nhận thức trọn vẹn về tình trạng nghĩa tử của mình.
a. Vì là ơn của Thánh Thần, nên ta có thể khẳng định rằng mục đích trước tiên của Luân lý Kitô giáo không phải là việc thực thi các nhân đức, nhưng là làm vinh danh Thiên Chúa nhờ việc xây dựng Giáo hội là thân thể Chúa Kitô. Chính vì thế, tất cả những hành vi của người Kitô hữu phải xác định phẩm chất luân lý của mình trong sự hiệp thông với Giáo hội. Chính ở điểm này Huấn quyền có một vị trí nền tảng. Được thiết lập do những vị hữu trách trong Giáo hội và gồm những người có nhiệm vụ canh giữ sự hiệp nhất của Giáo hội quanh Đấng Phục Sinh, nên Huấn quyền là cấp thẩm quyền ưu việt, dựa vào đó mà người tín hữu có thể xác minh xem đời sống luân lý của mình có mang tính Giáo hội hay không.
b. Nhưng để tránh những sai lệch đáng tiếc, ta không coi Huấn quyền như một loại Siêu-Giáo hội ở bên trong lòng Giáo hội, ta nên biết anh em Tin lành rất nhạy cảm về chuyện này. Hiến chế về Mạc khải của Vaticanô II số 10 đã nói:
“Nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa được viết ra hay lưu truyền chỉ được ủy thác cho Huấn quyền của Giáo hội… Tuy nhiên Huấn quyền không vượt lên trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền lại, vì thừa lệnh Chúa với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo hội thành tâm lắng nghe Lời Chúa”.
Điều này nhấn mạnh hoạt động của Huấn quyền chỉ có ý nghĩa khi nó là hoạt động đón nhận để phục vụ cho Ngôi Lời nhập thể. Nên theo chiều hướng này, sự xác tín thần học như thế mời gọi huấn quyền hãy để cho Thánh Thần dẫn dắt mình (Gl. 5,17) nhờ vào việc tra cứu Kinh thánh với những phương tiện chắc chắn nhất của khoa chú giải và việc đọc lại Thánh truyền.
c. – Sự xác tín về mặt thần học cũng hàm chứa việc Huấn quyền lưu tâm đến những dấu chỉ của Thánh Thần, là Đấng hiện nay đang hoạt động trong toàn thể Dân Chúa, để có thể nắm bắt cảm thức đức tin (Sensus fidei) của Dân Chúa, vì như Vaticanô II đã nói: “Toàn thể tín hữu được Thánh Thần xức dầu không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể Dân Chúa khi “từ các giám mục đến người giáo dân rốt hết” đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” (ibid số 12).
– Theo đó cách gián tiếp, Công đồng đã tỏ cho thấy Huấn quyền cần lưu tâm đến cách thức người tín hữu biểu lộ sự tán thành trước những giáo huấn về tín lý và luân lý trong Kitô giáo. Điều này hàm chứa việc các vị mục tử phải rất mực lưu tâm đến việc cộng đoàn Dân Chúa đón nhận những tài liệu được các ngài triển khai. Từ ngữ đón nhận ở đây không phải là một từ ngữ mang tính xã hội nhưng là một từ ngữ mang tính thuần túy thần học. Cho nên trong lãnh vực luân lý, ta không nên định giá trị thái độ đón nhận theo kiểu thăm dò ý kiến, bởi vì đôi khi phe thiểu số lại nằm về phía sự thật. Từ ngữ này muốn cho ta hiểu rằng người ta chấp nhận những chân lý liên quan đến đức tin và phong hóa dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Đón nhận những chân lý như thế bao hàm việc cá nhân và cộng đoàn Giáo hội phải làm việc cật lực, lâu dài để có thể lĩnh hội và tán thành ngay cả để hoán cải nữa. Cách làm việc như thế (Sentire cum Esslesia) được thể hiện trong bầu khí cầu nguyện, nghiên cứu cách trí thức và nghiêm túc, cộng thêm thái độ khiêm tốn nữa.
– Cho nên việc phán đoán về thái độ đón nhận tài liệu của Huấn quyền là một điều đặc biệt khó khăn, vì nền thần học hiện nay mang tính đa nguyên với những trường phái khác nhau. Đàng khác một tập tài liệu của Huấn quyền không bao giờ là một thực tại toàn khối, nhưng là một tổng thể vừa liên kết vừa biệt hóa (différencié) với những khẳng định về tín lý và luân lý không có cùng một tầm mức quan trọng ngang nhau.
d. Có thể xảy ra trường hợp sau đây: tập tài liệu của một cấp trong Huấn quyền cách chung được mọi người đón nhận, nhưng ở trong đó có một chỉ thị hay huấn lệnh nào đó bị đa số giáo dân và những thừa tác viên có chức thánh phản kháng lại trong một thời gian lâu dài. Nếu những người này có những dấu hiệu hiển nhiên cho thấy họ sống phù hợp với lời mời gọi của Thánh Thần (x. Gl 5), và họ đã làm việc phù hợp với những đòi hỏi bình thường để có thể đạt tới được thái độ đón nhận, thì lúc đó, cấp Huấn quyền đó không thể coi những phản ứng không chịu đón nhận như thế như một điều không đáng kể.
Khi ấy ngược lại, Huấn quyền cần tự hỏi phải chăng tối thiểu mình nên thực hiện một công việc thần học tinh tế hơn liên quan đến điểm bị tranh cãi. Hành động như thế có thể dẫn Huấn quyền đến một công thức uyển chuyển hơn cho huấn lệnh của mình?
Trong mọi trường hợp nếu chắc chắn là “Thánh truyền, Thánh Kinh và Huấn quyền… liên kết và phối hợp với nhau đến nỗi không một thực tế nào trong ba thực tế đó có thể đứùng vững một mình được” (ibid Số 10), thì cũng rõ ràng là Huấn quyền chỉ có thể đảm bảo một cách có giá trị nhiệm vụ biện phân của mình nếu Huấn quyền thiết lập được cuộc đối thoại tín nhiệm và thường xuyên giữa hàng Giáo phẩm với phần còn lại của Dân Chúa. Vì Huấn quyền có những hình thức giảng dạy khác nhau, nên có lẽ ta cũng nên nói qua những tiêu chuẩn cụ thể để giúp người giáo dân qui chiếu vào những lời giảng dạy của Huấn quyền.
5. Những tiêu chuẩn để qui chiếu vào những lời Giáo huấn của Huấn quyền
Vì Huấn quyền đưa ra những hình thức giáo huấn khác nhau, nên theo cách cổ điển người ta phân biệt những hình thức sau đây:
a. Huấn quyền ngoại thường (extraordinaire): khi Đức Giáo Hoàng phán “Ex Cathedra”, hay Công đồng chung hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, định tín về một điểm giáo thuyết của Công giáo. Những định tín sẽ không bao giờ bị thay đổi. Qua Huấn quyền loại này, Giáo hội tin chắc mình thực sự lưu truyền Lời Chúa. Vì thế Giáo hội buộc người tín hữu phải dùng đức tin mà tán thành.
b. Huấn quyền thông thường và phổ quát (ordinaire et universel): khi toàn thể các Đức Giám mục, hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng đồng thanh trên toàn thế giới giảng dạy một điểm giáo thuyết thuộc đức tin. Cũng thế, qua Huấn quyền loại này Giáo hội tin chắc mình thực sự lưu truyền Lời Chúa. Vì thế Giáo hội cũng yêu cầu người tín hữu phải dùng đức tin mà tán thành.
c. Huấn quyền thông thường có nhiều hình thức khác nhau:
– Chính Đức Giáo Hoàng đưa ra những tài liệu với hình thức ít nhiều long trọng như Tông huấn (Constitution apostolique), Thông điệp, ngài thực hiện những tài liệu đó với sự trợ giúp của các chuyên viên phụ tá cho ngài làm việc tại giáo triều Rôma. Có hai loại tán thành của Đức Giáo Hoàng đối với những tập tài liệu đó.
+ In forma specifica: những văn kiện của giáo triều mà quyền bính của Đức Giáo Hoàng được đưa vào cách minh nhiên.
+ In forma communi: những văn kiện của các Thánh bộ, không trực tiếp liên quan đến uy quyền cá nhân của Đức Giáo Hoàng.
– Các Giám mục trong giáo phận của mình đưa ra quyền mục vụ trên toàn thể tín hữu. Hiện nay các ngài thường thực thi uy quyền này trong sự hiệp thông với các Giám Mục khác trong Hội đồng Giám mục với những hình thức khác nhau như văn kiện của Hội đồng Giám mục, các văn kiện của các ủy ban trong Hội đồng Giám mục, những thơ luân lưu gởi trong giáo phận.
– Đối với những văn kiện của Huấn quyền thông thường, Giáo hội không đòi hỏi là trong tất cả những điều được Huấn quyền phát biểu lại không xen vào trong đó những điều không được rõ ràng, ngay cả những điều không chính xác nữa (lẽ dĩ nhiên đây không phải là những điều không đúng về phương diện đức tin). Trong trường hợp này sự tán thành của người tín hữu là “lấy lý trí và ý chí mà kính cẩn tuân phục” (LG số 25).
Điều này có nghĩa khi Giáo hội khiêm tốn nhận định rằng một cấp bậc nào đó trong Huấn quyền có thể đưa ra những phát biểu không đúng hay mang tính tương đối về văn hóa và lịch sử. Điều này hàm ý Giáo hội nhìn nhận việc có khoảng cách giữa lời của Giáo hội với Lời của Chúa. Chính dữ kiện đó giải thích khả năng có thể có những phản ứng khác nhau từ phía người tín hữu đối với tài liệu của Huấn quyền. Chính Huấn thị của Bộ Giáo lý Đức tin cũng đã nhận định về vấn đề trên như sau: “Để đề phòng chống lại những ý kiến nguy hiểm có thể dẫn tới sai lầm, Huấn quyền có thể can thiệp vào những vấn đề đang tranh luận mà trong đó lại hàm chứa những yếu tố phỏng đoán và bất tất (contingent) nằm bên cạnh những nguyên lý vững chãi. Thường thường phải lui lại thêm một thời gian nữa Huấn quyền mới có thể phân định (partage) điều tất yếu với cái bất tất” (ibid, số 24).
– Cho nên không phải lúc nào cũng dễ dàng xem xét những tiêu chuẩn được đưa ra để nhận định những hình thức giáo huấn của Huấn quyền. Lý do là vì có những văn kiện trước được các văn kiện sau ưu tiên trích dẫn, ngược lại cũng có những văn kiện trước không hề được đề cập tới trong các văn kiện sau. Dầu vậy, những hình thức giảng dạy nêu trên của Huấn quyền cũng cho phép người tín hữu tìm thấy được sự soi sáng cho việc thực thi quyền tự do lương tâm chân chính của mình.
———————————————————
Viết theo:
1. Bernard Häring:
a. La loi du Christ, Vol. I, Phần La Faculté morale: Conscience. Nxb. Desclée, 1964.
b. Free and Faithfull in Christ, vol. I, Chương Conscience: The Sanctuary of Creative Fidelity and Liberty, Nxb, Seabury press, New York, trg 223-284.
2. Richard M. Gula SS, Reason Informed by Faith,
chương Consience, Nxb. Paulist. Press, New York, 1989, trg. 123-135.
3. Xavier Thévenot, Compter sur Dieu, chương 4, Nxb. Du Cerf, 1993, trg 83-104.
4. Jean Maria Aubert, Conscience et Loi, trong Initiation à la Pratique de la Théologie, Tom 4, Ethique, Nxb. Du Cerf, 1993.
5. Karl H. Percheke, SVD, Christian Ethics, Vol. I, chương 3 phần II.
6. Nguyễn Bình Tĩnh, Luân lý Thần học Cơ bản Kitô giáo, Nxb. Thuận Hóa, 1994, trg 181-219.
7. Bùi Châu Thi, Luân lý Thần học Cơ bản, ĐCV Sàigòn, 1963, trg 94-110.