Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Nhân Đức Và Nhân Đức Đối Thần

Administrator
2018-09-23 09:14 UTC+7 38
Lm. Giuse Nguyễn Đức Hòa, OP. I. KHÁI NIỆM VỀ NHÂN ĐỨC 1/ Định nghĩa nhân đức Aristotle định nghĩa : “Nhân đức là cái đem đến điều tốt cho con người  và làm cho hành động của họ trở nên tốt.”  Thánh Augustinô, khi nói về nhân đức phú bẩm thì nói : “Nhân […]


Lm. Giuse Nguyễn Đức Hòa, OP.

I. KHÁI NIỆM VỀ NHÂN ĐỨC

1/ Định nghĩa nhân đức

Aristotle định nghĩa : “Nhân đức là cái đem đến điều tốt cho con người  và làm cho hành động của họ trở nên tốt.”  Thánh Augustinô, khi nói về nhân đức phú bẩm thì nói : “Nhân đức là một phẩm chất tốt của linh hồn giúp cho con người sống tốt và không làm điều xấu, phẩm chất này do Chúa ban, mà không cần đến sự giúp đỡ của con người.”  Ngày nay các nhà thần học định nhĩa : “Nhân đức là một tập quán tạo nên khuynh hướng và sức mạnh để sẵn sàng làm điều tốt về luân lý.” Vì thế, chỉ có khuynh hướng về điều tốt mà thôi chưa đủ – mặc dù yếu tố này là căn bản và không thể thiếu của nhân đức – nhưng con người cần có quyền trên các đòi hỏi tinh thần cũng như khả giác (spiritual and sensual drives) và trên các đam mê (passions), để lúc nào cũng sẵn sàng làm những điều tốt mà con người ngưỡng mộ và yêu mến. Xét cho cùng, mọi nhân đức đều hướng về sự thiện tối thượng là Thiên Chúa. 

Nên phân biệt giữa nhân đức và ơn Chúa Thánh Thần (wisdom, intelligence, science, counsel, fortitude, piety, fear of God). Ơn Chúa Thánh Thần là những tập quán đi kèm với ơn thánh, nhờ đó con người được chuẩn bị tốt để nhận sự soi sáng và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Khi thực hành nhân đức, chính lý trí con người điều khiển, còn đối với ơn Chúa Thánh Thần thì chính Chúa Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy con người đến sự thiện.

2/ Các nhân đức khác nhau

(1) Xét về nguồn gốc:

Nhân đức tự luyện và nhân đức phú bẩm (acquired and infused). Tự luyện là do cố gắng của con người mà có, còn phú bẩm là do Chúa ban nhưng không (nhiều vị thánh được Chúa ban ơn đặc biệt, không cần học : thánh Catarina Siena, Têrêsa Avila).

(2) Xét về đối tượng:

Các nhân đức được chia ra:

a/ Nhân đức trí tuệ (intellectual virtues) giúp con người hiểu biết chân lý:  hiểu biết, khôn ngoan, kiến thức, nhạy bén và nghệ thuật (understanding, wisdom, knowledge, prudence, art);

b/ Nhân đức luân lý, cũng gọi là nhân đức trụ (moral or cardinal virtues) giúp con người sử dụng đúng đắn và hữu hiệu các phương tiện dẫn tới mục đích siêu nhiên : nhạy bén, công bình, can đảm và tiết độ (prudence, justice, fortitude, temperance);

c/ Nhân đức đối thần, có đối tượng trực tiếp là Thiên Chúa và được Thiên Chúa mạc khải : đức tin, đức cậy và đức mến (faith, hope, charity). Các nhân đức luân lý có ba đặc tính : không cực đoan, có liên hệ với nhau (interconnected) và không đồng đều. Còn các nhân đức trí tuệ và đối thần thì không liên hệ với nhau : người có đức tin không nhất thiết có đức cậy, đức mến; người hiểu biết không nhất thiết là khôn ngoan (cf Prummer, p. 80).

3/ Những điều kiện căn bản của nhân đức

(1) Hiểu biết và khôn ngoan : con người không thể phát triển nhân đức nếu không hiểu biết giá trị luân lý của nhân đức. Vì vậy vấn đề giáo dục và huấn luyện là cần thiết. Hiểu biết các giá trị rồi còn cần phải biết khôn ngoan áp dụng sao cho đúng cách, hợp thời, hợp tình hợp lý cho từng trường hợp cụ thể, tương ứng với mục đích trước mắt.

(2) Yêu mến giá trị luân lý. Chỉ hiểu biết theo lý trí trừu tượng không thể làm nên nhân đức, nhưng phải có lòng say mê yêu mến giá trị luân lý mới kích thích con người thực hành nhân đức.

(3) Khuất phục và làm chủ các đam mê. Mặc dù hiểu biết và yêu mến giá trị luân lý, nhưng nếu không khống chế các đam mê, thì các đam mê này sẽ bóp nghẹt, giết chết lòng yêu mến đó. Cho nên phải kiềm chế các đam mê bằng cách kiên trì khổ luyện, tập đi tập lại nhiều lần, cho tới khi trở thành một tập quán.

II. NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN

Đời sống tôn giáo biểu lộ trước hết trong các hành vi tôn thờ như cầu nguyện, hiến tế, các nghi thức bí tích, các cử hành phụng tự. Nhưng linh hồn của tất cả mọi việc tôn thờ là các nhân đức đối thần, những nhân đức này mở tâm hồn con người đón nhận Thiên Chúa và kết hiệp với Người. Chúng thắp sáng và hướng dẫn đời sống tôn giáo. Tất cả các cử hành phụng tự sẽ chỉ là trống rỗng hời hợt, giả hình nếu không xuất phát từ lòng tin, cậy, mến. Đàng khác, các nhân đức đối thần cũng cần những biểu hiện, hành vi bên ngoài như cầu nguyện, nghi thức phụng vụ củng cố, duy trì và phát triển.

Theo giáo huấn của Giáo hội, có ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến. Thánh Phaolô nói đến ba nhân đức này : “ Cả ba nhân đức tin, cậy, mến cùng tồn tại; nhưng lớn hơn cả là đức mến.”  (1Cor 13, 13; Rom 5, 1- 5; Gal 5, 5f; Col 1, 4; 1Thes 5, 8; Dt 10, 22-24; 1 Pet 1, 1- 21).  Mục tiêu chính của nhân đức đối thần là giúp con người đối thoại, gặp gỡ Thiên Chúa. Con người không thể được công chính hóa, được cứu độ nếu không có lòng tin, cậy, mến. Đức tin là điều kiện tiên quyết cho ơn cứu độ : “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu, nhưng ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16, 16). Thánh Phaolô nhắc đi nhắc lại : con người được công chính hóa và được sống nhờ đức tin (Rm 1, 17; 3, 28-30; Gal 2, 20; Phil 3, 9). Không có đức tin con người không thể đẹp lòng Thiên Chúa ( Dt 11, 6).

Sự cần thiết của đức cậy được nhắc đến trong thư Roma. Kitô hữu mong ngóng chờ đợi vinh quang mai sau và ơn cứu rỗi, và “ trong sự mong chờ này chúng ta được cứu rỗi” (Rm 8, 18-24; 1 Tim 6, 17; Dt 3, 6). Sự tuyệt đối cần thiết của đức ái được nói đến cách hùng hồn trong 1 Cor 13 : “Giả như tôi có thể nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.”  Thánh Gioan : “Ai không yêu mến, người ấy ở trong sự chết” (1 Ga 3, 14). “ Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4, 16).

Các nhân đức đối thần là nhân đức siêu nhiên và do Thiên Chúa ban nhưng không, cùng với ơn thánh. Và bởi vì đời sống ân sủng chỉ có thể có qua các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh tẩy, cho nên có vẻ như chỉ có kitô hữu mới nhận được các nhân đức đối thần, còn những người ngoài kitô giáo thì không? Về vấn đề này, Vaticanô II khẳng định : ơn thánh hoạt động trong tâm hồn mỗi người một cách vô hình, và CTT ban cho mỗi người khả năng liên kết với mầu nhiệm vượt qua (GS 22; LG 16). Như vậy, mọi người có thiện tâm sẽ nhận được những ân sủng cần thiết để trở thành công dân của vương quốc ĐKT. Thực ra, vì tất cả mọi người đều đã được tiền định cho cùng một mục đích tối hậu (GS 22; 24) là mục đích siêu nhiên, họ cũng phải nhận được những khả năng siêu nhiên tương ứng cho ơn gọi này. Vaticanô II đã nói rõ các nhân đức tin, cậy, mến cũng dành cho mọi nguời có thiện tâm. Người ngoài kitô giáo có khả năng chia sẻ ân sủng của ĐKT và CTT, họ cũng được tham dự vào các nhân đức đối thần và có khả năng thực hành các nhân đức ấy.