Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thần học về thân xác của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Văn phòng Học Viện
2024-11-11 15:42 UTC+7 621
bài viết bàn về những ý nghĩa của thân xác con người, dưới khía cạnh triết học hiện đại (thân xác biểu lộ con người, và làm môi giới cho chủ thể tiếp xúc với ngoại giới) và thần học (gắn với mầu nhiệm Tạo dựng, Nhập thể, Phục sinh). 2/ Những yếu tố cấu thành thần học về thân xác của thánh Gioan Phaolô II.
theology-of-body-of-john-paul-ii-1731314452.jpeg

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA THÁNH GIOAN PHAOLÔ II

Jean Laffitte

(Thời sự Thần học – Số 67, tháng 02/2015, tr. 85-100)

Đây là bài thuyết trình tại phân khoa Luân lý sinh học của đại học Regina Apostolorum ngày 22-4-2010. Bài được chia làm hai phần: 1/ Những ý nghĩa của thân xác con người, dưới khía cạnh triết học hiện đại (thân xác biểu lộ con người, và làm môi giới cho chủ thể tiếp xúc với ngoại giới) và thần học (gắn với mầu nhiệm Tạo dựng, Nhập thể, Phục sinh). 2/ Những yếu tố cấu thành thần học về thân xác của thánh Gioan Phaolô II.[1]

I. Những ý nghĩa của thân xác con người

Tôi xin mở đầu bài thuyết trình này với một nhận xét liên quan đến đề tài: “Thần học về thân xác”. Thoạt tiên xem ra mâu thuẫn. "Thần học" (theologia: luận bàn về Thiên Chúa) phải nhằm đến toàn thể con người, chứ không dừng lại ở một chiều kích là thân xác. Vì thế khi nói đến thần học về thân xác, cần phải hiểu rằng thân xác được hiểu như là con người được nhìn như là một nhân vị có thân xác, nghĩa là một thân xác có linh hồn, đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học: sinh-lý-học, cơ-thể-học, những ngành của y-khoa. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta còn muốn đi xa hơn các khoa học ấy nữa. Thật vậy, thân xác con người còn mang nhiều ý nghĩa khác. Thân xác biểu lộ nhân vị ra bên ngoài; qua thân xác, con người bày tỏ sự hiện diện của mình. Qua thân xác, chúng ta bắt gặp những con người trong tính cách cá biệt, không ai giống ai. Con người mang một thân xác, nhưng nó khác với các robot, bởi vì nó không phản ứng cách máy móc đồng bộ. Qua các thân xác, ta có thể nhận ra căn tính của những con người khác nhau: đây là thân xác của một con người cụ thể; thân xác của người này, khác biệt với thân xác của những người khác.

Nếu chúng ta muốn giới hạn vào nhân-học của thánh Phaolô, như chúng ta đọc thấy trong thư thứ nhất gửi Thêxalônica (1Tx 5,23), khi thánh tông đồ nói đến con người toàn diện, với thần trí - tâm hồn - thân xác, chúng ta thấy rằng một thực thể “vô hình” (thần trí - tâm hồn) được bổ túc bởi một yếu tố vật chất “hữu hình” mà ta gọi là thân xác. Denis Biju-Duval đã lưu ý rằng ta đừng nên đối chọi nhân-học này (bộ ba “thần khí - tâm hồn - thân xác”) với nhân-học của Tây phương (phân biệt hai yếu tố “hồn-xác”). Sự đối chọi giữa hai thứ nhân-học như vậy là gượng ép, bởi vì người ta đã chuyển đổi các tính từ trong Kinh thánh (“linh”: pneumatikos và “động”: psychikos) thành ra danh từ (linh khí, tâm hồn). Thực tại "linh" và "động" nói đến chiều kích nội tại, cái "tâm", biểu tượng của quyết định (linh) cũng như của tình cảm (động). Chiều kích “nội tại” của con người chỉ có thể nắm bắt được qua sự đối chiếu với chiều kích “ngoại tại”. Thân xác bộc lộ ra điều diễn ra ở bên trong tâm hồn con người. Không lạ gì mà để diễn tả cái nội tại của con người, người ta sử dụng những biểu tượng và hình ảnh lấy từ ngoại tại (chẳng hạn như: trái tim, ruột gan, vv)[2].

Ngoài chức năng bộc lộ điều thầm kín, thân xác còn có chức năng làm môi giới giữa con người với thế giới. "Thân xác" mang tính hàm hồ: một đàng nó là đối thể (xác) gây cho tôi vui sướng hay đau đớn; đàng khác nó gắn với chủ thể (thân) khiến cho ai làm tổn thương đến nó là làm tổn thương chính bản thân của tôi[3]. Thân xác chính là tôi. Tôi có quyền đòi hỏi thân thể của tôi phải được tôn trọng.

Thiết tưởng những sự phân biệt vừa rồi giúp cho chúng ta thấy rằng "thân xác" là một thực thể phức tạp. Bây giờ chúng ta quay sang hạn từ thứ hai của tựa đề, tức là "thần học". Thân xác có một ý nghĩa thần học vì ba lý do cơ bản sau đây:

- Thứ nhất, thân xác đã được Thiên Chúa muốn và tạo dựng. Nhận xét này bao hàm rằng thân xác mang theo một vài mục đích nằm trong bản tính của nó;

- Lý do thứ hai, Thiên Chúa đã chọn thân xác con người như là môi giới để tỏ mình cho nhân loại: đó là sự kiện Nhập thể, Lời Chúa trở thành xác thể.

- Bên cạnh hai lý do vừa kể (Tạo dựng và Nhập thể), cần phải thêm lý do thứ ba liên quan đến số phận cánh chung của thân xác, tức là sự phục sinh. Mặc dầu thân xác tăng trưởng, chịu đau đớn, già yếu, chết và bị tan rã, nhưng đức tin công giáo dạy rằng: thân xác sẽ phục sinh. Niềm tin này được đặt nền tảng trên biến cố phục sinh của Đức Giêsu. Dựa trên biến cố ấy, người Kitô hữu tin rằng sẽ những người chết sẽ sống lại: đây là một biến cố căn bản đối với cá nhân cũng như đối với tất cả những ai được liên kết với sức mạnh của Đấng Phục sinh.

Không thể nào xây dựng thần học về thân xác mà không đề cập đến niềm xác tín về sự phục sinh. Một bản văn của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi Corintô sẽ giúp chúng ta hiểu điều này: "Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại" (1Cr 6, 13-14). Nhân cơ hội một người đã sử dụng sai lạc thân xác vào tội gian dâm, thánh tông đồ đã nhắc nhở: "Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Ngài” (1Cr 6,15-17). Thật ra, để trình bày đầy đủ tư tưởng của thánh Phaolô về thân xác, chúng ta cần phải thêm hai điều nữa, đó là: thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần; và con người không còn thuộc về mình nữa xét vì nó đã được Chúa chuộc với giá đắt. Giá đắt là giá của núi Calvariô, của cuộc khổ nạn và chết trên thập giá.

Tóm lại, để đặt nền tảng cho thần học về thần xác, cần phải bao gồm tất cả những khía cạnh vừa nêu: thân xác con người được Thiên Chúa tạo dựng, được Con Thiên Chúa nhận lãnh, được sống lại nơi Đức Giêsu và nơi bản thân của mỗi người, được Thánh Thần ngự như trong đền thờ mang lại cho thân xác phẩm giá cao quý.

II. Những yếu tố cấu thành “Thần học về thân xác” của đức Gioan Phaolô II

"Thần học về thân xác" là tên đặt cho loạt 129 bài huấn giáo về tình yêu của đức Gioan Phaolô II nhân các buổi tiếp kiến thứ tư hằng tuần từ năm 1979 đến 1984. Điểm độc đáo của loạt bài này là trình bày đạo lý của Kinh thánh và truyền thống Giáo hội về con người dưới những viễn tượng mới của những luồng triết học hiện đại về nhân vị, chủ thể, hiện sinh.

a) Đặc tính của trải nghiệm

Tôi muốn nêu bật tiêu chuẩn thứ nhất của thần học về thân xác của đức Gioan Phaolô, đó là quan niệm về trải nghiệm (experience). Trải nghiệm về tình yêu không chỉ là những hiện tượng có thể dùng khoa học để quan sát, nhưng nó còn bao gồm tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống con người: những yếu tố của nhận thức và của ý muốn cũng như khả năng sống tương quan với Thiên Chúa. Khi nói đến sự hiệp thông giữa các nhân vị, tác giả không chỉ sử dụng những đóng góp của thuyết nhân vị của  các triết gia Martin Buber hoặc Max Scheler, mà còn vạch ra chiều kích siêu việt, bắt nguồn từ Thiên Chúa: sống hiệp thông có nghĩa là kết hợp với Thiên Chúa là nguồn gốc và cứu cánh của mọi hiệp thông chân thực giữa con người với nhau. Cảm nghiệm có nghĩa là nghiệm được trong cuộc sống, do đó có thể nói đến cảm nghiệm về Thiên Chúa: người nam và người nữ cảm nghiệm sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa, và Thiên Chúa ban chọ khả năng sống sự thông hiệp với nhau như là môi giới dẫn đưa họ đến đấng tuyệt đối. Theo nghĩa này, sự hiệp thông giữa con người là một ơn gọi, và  trở thành con đường nên thánh cho người biết yêu' nói khác đi, sự hiệp thông giữa con người giúp họ tăng trưởng sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Cần ghi nhận rằng giọng văn của các bài huấn giáo không có tính cách khuyên răn luân lý, nhưng mang tính huyền bí, theo nghĩa là tập trung vào mầu nhiệm khôn tả của sự kết hiệp giữa Thiên Chúa với con người. Mối tương quan phu thê giữa người nam nữ được gắn trên sự kết hợp ấy.

b) Sự cô đơn nguyên thủy

Phần thứ nhất của loạt bài huấn giáo dành hai trình thuật về sự tạo dựng con người ở những chương đầu của sách Sáng thế. Trình thuật thứ nhất: "Thiên Chúa nói: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta ..., Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ" (St 1,26-27). Trình thuật thứ hai cho thấy việc tạo dựng người nữ từ cạnh sườn của ông Ađam và ông đã đón nhận tặng phẩm của Đấng Tạo Hóa: "người này là thịt bởi thịt tôi và xương bởi xương tôi" (St 2,18-25). Đức Thánh Chsa không ngần ngại sử dụng một thuật ngữ của triết học để đọc lại các bản văn cổ điển, đó là: sự cô đơn. Từ một cảm nghiệm tâm lý, tác giả biến đổi thành một phạm trù diễn tả một điều kiện của thân phận thụ tạo: đó là tình trạng nguyên khởi của con người đầu tiên vào lúc được tạo dựng. Ông Ađam cảm thấy con người của mình được thành tựu khi nhận được một trợ tá giống như mình.

Trình thuật thứ hai mô tả tình trạng con người dưới khía cạnh chủ thể. Mối tương quan đầu tiên mà con người cảm nhận được là tương giao với Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên mình từ đất sét. Con người cũng nhận được lệnh của Thiên Chúa là không được nếm cây biết lành biết dữ. Như vậy, sự lệ thuộc của con người vào Thiên Chúa đồng thời mang theo tính cách luân lý, bởi vì con người được đặt trước lựa chọn hoặc tuân phục hoặc bất tuân phục.

Sự cô đơn nguyên thủy gợi ý rằng con người trông mong một trợ tá giống như mình. Điều này cho thấy ước muốn căn bản của người nam được kết hợp với nữ. Sự cô đơn nguyên thủy mang hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là con người khám phá rằng mình khác hẳn các vật chung quanh: con người trổi vượt lên trên các thụ tạo khác. Ý nghĩa thứ hai là con người cảm thấy sự thiếu thốn khi nhìn đến thân xác của mình. Sự nhìn ngắm thân xác của người nữ đã mang lại cho ông một cảm giác kỳ diệu, đó là vẻ đẹp của thân xác. Qua thân xác là biểu tượng của toàn thân con người, ông cảm nhận kinh nghiệm về sự hiệp thông. Như vậy, đàng sau sự ham muốn của dục tính, ta nhận ra ơn gọi sâu xa của người nam và người nữ hướng đến sự kết hợp.

c) Sự hiệp thông liên chủ vị.

Một thí dụ khác là sự hiệp thông giữa các chủ vị (communio personarum). Hiệp thông là một dữ kiện của cảm nghiệm cá nhân: hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với tha nhân. Điều mới mẻ của đức Gioan Phaolô II nằm ở chỗ nhìn sự hiệp thông liên chủ vị như là một dữ kiện của thụ tạo. Điều này được trình bày trong những dòng mở đầu tông thư Mulieris dignitatem (về phẩm giá phụ nữ): “Sự kiện con người, được dựng nên có nam có nữ, là hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ có nghĩa là mỗi con người cá nhân giống Thiên Chúa vì có trí tuệ và tự do; nhưng còn có nghĩa là người nam và người nữ được dựng nên như một “hợp nhất trong hai” cùng có chung một nhân tính, vì vậy họ được mời gọi sống hiệp thông trong tình yêu, nhờ đó họ phản ảnh sự hiệp thông tình yêu nơi Thiên Chúa, nhờ đó ba Ngôi vị yêu mến nhau trong mầu nhiệm thâm sâu của đời sống duy nhất của Thiên Chúa”. Trong đoạn văn này, chúng ta thấy dư âm của điều đã được trình bày trong một bài huấn giáo về “hình ảnh Thiên Chúa”, với lời khẳng định rằng: “con người trở nên hình ảnh Thiên Chúa không phải lúc sống cô đơn nhưng lúc sống hiệp thông”. Thật vậy, ngay từ nguyên thuỷ, con người không phải là hình ảnh của một Ngôi vị cai quản thế giới, nhưng chủ yếu là hình ảnh của sự hiệp thông huyền nhiệm giữa các Ngôi vị.[4]

Cái nhìn này cho phép nêu bật sự bổ túc giữa hai phái như là sự hiệp thông liên-chủ-vị. Điều mới mẻ của Thần học thân xác nẳm ở chỗ diễn tả thân xác của người nam và người nữ như là một sự kêu gọi hiệp thông ngay từ lúc tạo dựng. Thiết tưởng điều này rất quan trọng đối với thời đại hôm nay, khi mà bàn về phái tính người ta bỏ qua khía cạnh hiệp thông, vì thế người ta muốn xoá bỏ sự khác biệt nam và nữ, để tiến tới một xã hội vô phái tính (chủ trương của thuyết gender). Họ cho rằng sự khác biệt giữa hai phái chỉ là một tàn tích của một văn hóa đã lỗi thời. Nên ghi nhận rằng ý-thức-hệ này đi kèm theo sự mất hy vọng vào khả năng hai người nam nữ có thể sống chung thuỷ suốt đời trong hôn nhân duy nhất và bất khả ly.

d) lòng ham muốn và sự khám phá chiều khích phu-thê của thân xác

Tôi đã đề cập đến sự hàm hồ của lòng ham muốn, theo nghĩa là lòng ham muốn tính dục bao hàm vừa một chiều khích khoái lạc, tìm cách thoả mãn bản thân trong sự kết hợp giữa người nam và người nữ, và đồng thời một thứ đau khổ (pathos) của kẻ cảm nghiệm rằng mình không thể gặp thấy niềm vui mà duy chỉ sự hiệp thông với người khác mới có thể mang lại được.

Tôi thấy lối tiếp cận rất là phong phú. Những ý tưởng này bắt nguồn từ khi triết gia Karol Wojtyla nghiền ngẫm về tình yêu, cũng như khi suy tư về huyền nhịêm phái tính trong hôn nhân trong các tác phẩm: Tình yêu và trách nhiệm, Nhân vị và Hiện thực,cũng như rất nhiều bài viết đăng trong các tập san ở Ba-lan, qua đó ta thấy ảnh hưởng của các tác giả thuộc trào lưu  hiện-tượng và nhân-vị, tựa như: Edmund Husserl, Max Scheler, Edith Stein, Dietrich von Hildebrand.

Lòng ham muốn bộc lộ trong giá trị đã được gắn trong thân xác: chiều khích phu thê. Thân xác hướng đến việc trao hiến chủ vị. Như chính Đức thánh cha đã nói: “thân ác diễn tả nữ tính nhờ nam tính và ngược lại, diễn tả nam tính nhờ nữ tính. Thân xác biểu lộ tính hỗ tương và hiệp thông giữa các chủ vị.[5] Chính trong Tình yêu mà chủ vị trở nên sự trao hiến. Thánh Gioan Phaolô gợi hứng từ nhân-luận của hiến chế Gaudium et spes, theo đó con người xét như là chủ vị, một thụ tạo mà Thiên Chúa đã muốn vì chính nó, chỉ có thể thành tựu sung mãn nhờ việc trao hiến bản thân.

Con người có tâm hồn thanh tịnh sẽ khám phá ra ý nghĩ phu thê của thân xác mình hướng tới sự trao hiến toàn thể chủ vị và tiếp nhận toàn thể chủ vị của người khác. Tình yêu giả thiết một chuyển động kép, một sự trao hiến cho nhau giữa hai vợ chồng. Điều này hàm ngụ rằng cả hai đều ý thức về ý nghĩa của thân xác. Việc tôn trọng ý nghĩa của thân xác đánh dấu một nền đạo đức của sự trao hiến giúp cho sự phối kết giữa các khía cạnh khác nhau của chủ vị.

e) Ngôn ngữ của thân xác

Chúng ta biết rằng Karol Wojtyla, nhà thần học trẻ tuổi của công đồng, đã được tham dự vào những thảo luận của văn kiện sau này sẽ trở thành thông điệp Humanae vitae  của đức thánh cha Phaolô VI ban hành năm 1968. Thông điệp này đã gặp nhiều sự chống đối. Lúc ấy đức tổng giám mục Cracovia hiểu rằng lập luận chính yếu cần phải dựa trên sự khẳng định hai đặc tính không thể nào tách rời của sự quan hệ vợ chồng, đó là kết hợp và sinh sản. Hiến chế Gaudium et spes  đã khai triển bản chất của hành vi vợ chồng, trong đó cần bộc lộ ý nghĩa của sự trao hiến cho nhau cũng với sự truyền sinh. Hành vi vợ chồng mang theo một cơ cấu nội tại cần phải tôn trọng: nó vừa là một hành vi kết hợp sâu xa giữa vợ chồng, và đồng thời nó cũng mang lại kết quả là đưa một nhân sinh mới vào đời, nếu nó biết mở ra sự sống. Kết quả này không hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý định của đôi bạn, như ta đã thấy có nhiều hành vi vợ chồng đều đưa đến sự cưu mang. Nhận xét này nhắc nhở chúng ta rằng kẻ ban sự sống là Thiên Chúa tạo thành. Tuy vậy, các đôi bạn giữ quyền có muốn hợp tác với Đấng Tạo thành để đón tiếp sự sống mới hay không. Vì lý do ấy mà họ được gọi là “đồng tạo thành”. Sự truyền sinh là một hình thức phục vụ. Hai khía cạnh của hành vi kết hợp vợ chồng không thể tách rời do một quyết định của hai người. Trong Thần học về thân xác đức Gioan Phaolô II nhắc lại rằng theo thông điệp Humanae vitae điều này được gắn với những luật nội tại của sự kết hợp người nam với người nữ. Cấu trúc nội tại của hành vi giao hợp được coi là chân lý cốt yếu của nó. Vì thế, các hành vi của các đôi vợ chồng cần diễn tả chân lý ấy. Các đôi vợ chồng chấp nhận chân lý ấy qua việc mở rộng đến việc truyền sinh; đây là một thái độ nội tại có thể giữ được nhờ nhân đức khiết tịnh hôn nhân. Thân xác con người là phương tiện để biểu lộ con người toàn diện; nhân vị biểu lộ chính mình nhờ ngôn ngữ của thân xác. Đức Gioan Phaolô II nói rằng ngôn ngữ này có một ý nghĩa liên-chủ-vị quan trọng, đặc biệt khi nó liên quan đến các tương quan hỗ tương giữa nam nữ. Như vậy, trong hành vi vợ chồng, thân xác “nói lên” tình yêu cùng với sự phong nhiêu. Không được phép tách rời ý nghĩa kết hợp ra khỏi ý nghĩa truyền sinh, bởi vì cả hai đều nằm trong chân lý của hành vi vợ chồng: cả hai ý nghĩa giải thích cho nhau, và hỗ trợ cho nhau.

f) bí tích của thân xác

Chính tương quan vợ chồng là nơi mà Chúa Kitô hiện diện. Sự suy tư của Đức Gioan Phaolô II về giới-tính luôn mang một viễn tượng quy về Đức Kitô. Đức Kitô là nguồn mạch và gương mẫu cho đôi bạn. Mầu nhiệm hôn nhân của các Kitô hữu đặt nền tảng trên mầu nhiệm kết duyên giữa Đức Kitô Hôn phu và Hội thánh hôn thê. Dưới viễn ảnh đức tin, sự hiệp thông sự sống và tình yêu giữa vợ chồng mang theo một sứ mạng đặc thù, đó là loan báo và làm thể hiện sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người. Chúng ta hãy suy nghĩ cách thức mà Hội thánh là một hiệp thông sự sống và tình yêu. Một đàng, chính giữa lòng Hội thánh mà sự sống vĩnh cửu được truyền thụ, nhờ ơn Chúa Thánh Thần ban cho Hội thánh được nên phong nhiêu. Đàng khác, Hội thánh tự bản chất là một sự hiệp thông tình yêu, bởi vì Hội thánh do tình yêu vô biên được sinh ra từ cạnh sườn chịu đâm thâu của Đức Kitô . Thật thú vị khi biết rằng Sách thánh và các giáo phụ đều diễn tả sự hợp nhất giữa Thiên Chúa và Hội thánh với những từ ngữ rút ra từ tình yêu phu thê. Thí dụ, khi dạy bảo các đôi vợ chồng, thánh Phaolô quy chiếu về Đức Kitô như khuôn mẫu về việc săn sóc Hội thánh của Người. Hội thánh sống trong niềm trông mong cánh chung được kết hợp mãi mãi với Chúa của mình. Vì thế sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh được hình dung như tiệc cưới của Con Chiên.  Sự so sánh giữa tình yêu của Chúa Kitô với Hội thánh với tình yêu của chồng đối với vợ là một chủ đề cổ điển trong thần học về hôn nhân nơi thánh Phaolô. Tuy vậy, Thần học về thân xác của Đức Gioan Phaolô II cũng đã đóng góp thêm cho thần học về bí tích, bằng cách móc nối thân xác với bí tích. Như ta đã biết, mọi bí tích đều hàm chứa một thực tại thân xác: bí tích là dấu chỉ của cái gì đó, là một thực tại hữu hình ám chỉ một thực tại ẩn kín. có một khía cạnh ẩn kín. Khi suy ngắm thư gửi Êphêsô, đức Gioan Phaolô II nhận xét rằng thực tại vô hình ở đây là tình yêu vô bờ của Chúa Kitô; còn thực tại hữu hình là gì nếu không phải là thân xác chịu tử nạn và phục sinh của Người? Thân xác chịu chết trên thập giá có thể giải thích như là hậu quả của tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống mình để cứu độ thế gian. Tuy nhiên, đó cũng chính là thân xác phục sinh, nghĩa là thân xác ấy cũng bí tích của tình yêu của Chúa Cha, bởi vì chính Con đã hiến tế mình cho Chúa Cha. Sự phục sinh chứng tỏ rằng lời cầu xin của mình lên Chúa Cha đã được chấp nhận.

Mầu nhiệm tình yêu phu thê có thể kéo dài sang chiều hướng bí tích Thánh Thể. Thánh Phaolô nhắc nhở người chồng hãy yêu thương vợ  như là thân thể của mình. Làm như vậy,  người chồng nào yêu vợ là yêu chính mình, nuôi dưỡng và chăm sóc thân của mình giống như Đức Kitô đã làm cho Hội thánh, bởi vì tất cả chúng ta đều là chi thể của thân thể của Người. Vì thế, người nam từ bỏ cha mẹ mình để kết hợp với người nữ, và cả hai trở nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói đến Đức Kitô và Hội thánh.

Theo nghĩa chặt, thân xác được hiểu về thân xác của thuộc một phái tính của người nam hay người nữ, nhưng họ đã thoả thuận để cho cả hai trở nên một thân mình. Theo nghĩa bóng, Hội thánh được gọi là Thân mình của Đức Kitô. Điều này ngụ ý rằng tất cả mọi người đều có liên hệ với Con Thiên Chúa. Trên đây chúng ta đã nói rằng sự kết hợp giữa vợ chồng phải được nhìn như là sự trao hiến cho nhau. Tuy nhiên, câu nói của thánh Phaolô “không ai lại ghét thân xác của mình nhưng phải nuôi dưỡng và chăm sóc nó” hàm một ý về bí tích Thánh Thể, giống như Chúa Kitô nuôi dưỡng Hội thánh. Đức Gioan Phaolô II nhận xét rằng sự so sánh giữa chồng với vợ và giữa Đức Kitô với Hội thánh góp phần vào việc soi sáng mầu nhiệm Thiên Chúa, theo nghĩa là nó giúp ta hiểu phần nào tình yêu hỗ tương giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Đồng thời, nó cũng giúp ta hiểu biết chân lý về hôn nhân, vì nó phản ánh sự trao hiến của Đức Kitô cho Hội thánh cũng như tình yêu của Hội thánh đối với Đức Kitô. Nếu mục tiêu bí tích là diễn đạt mầu nhiệm, thì phải nhận rằng nó sẽ không thế nào diễn đạt hoàn toàn được, bởi vì mầu nhiệm luôn vượt quá bí tích. Tuy vậy, Đức thánh cha lưu ý rằng bí tích vượt quá cái ý nghĩa. Bí tích không chỉ tuyên xưng mầu nhiệm mà còn phải thể hiện mầu nhiệm nơi con người. Vì thế, do hiệu năng của bí tích rửa tội, sự hiệp thông sự sống và tình yêu dựa trên kế hoạch của Đấng Tạo thành đã được nâng cao và tiếp nhận trong tình yêu phu thê của Đức Kitô, do hiệu năng của ơn cứu chuộc.

Chính dưới ánh sáng của ơn Cứu chuộc mà Đức Gioan Phaolô II đã đưa Thần học về thân xác để điểm thâm thuý nhất, khi dồn chú ý đến bữa Tiệc ly. Vào lúc hiệp thông thân thiết nhất với các môn đệ, Chúa Giêsu đã tiên báo sự trao hiến của mình. Ngài không những khẳng định rằng bánh và rượu mà Ngài ban cho họ  là thân thể và máu của Ngài, nhưng còn diễn tả hy tế được trở nên hiện thực. Thân thể bị trao nộp và máu đổ ra không chỉ có ý nghĩa biểu tượng mà thôi; chúng được trao cho các môn đệ làm lương thực ngõ hầu khi kết hơp với Ngài và với nhau, họ trở nên một thân thể với Ngài. Được kết hợp thành một thân thể với Ngài có nghĩa là được liên kết với hy lễ của Ngài. Sự hiệp nhất trong đức ái là một đòi hỏi để được lãnh nhận cách xứng đáng và hữu hiệu Mình và Máu thánh Chúa Kitô. Quà tặng này được trao cho toàn thể Hội thánh là hiền thê của Chúa Kitô. Đức Gioan Phaolô II chứng tỏ rằng bản chất của bí tích Thánh Thể mang tính chất hôn phối, bởi vì là sự trao tặng của hôn phu cho hôn thê, và hôn thê đón nhận trong đức tin.

Chúng ta có thể mường tượng những hệ luận của nó như thế nào đối với linh đạo hôn nhân. Tôi chỉ phác thảo vài ý tưởng: Bí tích Thánh Thể tăng cường và phát sinh sự hiệp thông giữa vợ chồng; Thánh Thể bày tỏ cho đôi bạn Kitô giáo thấy căn tính Tạ ơn của hôn nhân; bí tích này phần nào “tưởng nhớ” đến sự trao hiến mà đôi bạn đã làm cho nhau; Thánh Thể soi sáng cho thấy sự kết hợp vợ chồng hàm ngụ sự trao hiến hoàn toàn, và mở ra đến sự sống.

--------

Phụ thêm

Nội dung những bài huấn giáo “Thần học về thân xác” của Đức thánh cha Gioan Phaolô II.

Các bài huấn giáo này, bắt đầu từ ngày 5-11-1979 và kết thúc ngày 28-11-1984, nhằm chuẩn bị cho Thượng hội đồng giám mục bàn về gia đình (năm 1980), bị cách quãng nhiều lần bởi những chuyến công du, bởi vết thương sau vụ mưu sát năm 1981, cũng như bởi những bài huấn dụ dành cho Năm Thánh Cứu chuộc.

 

Loạt bài này được chia làm 6 chu kỳ:

1.      Thần học về thân xác của con người vào “lúc  khởi nguyên”.

Sự hợp nhất nguyên thủy giữa người nam và người nữ. 23 bài huấn giáo về sách Sáng thế (từ 1-9-1979 đến 2-4-1980)

2.      Thần học về thân xác của con người “sa ngã và được cứu chuộc”.

Sự cứu chuộc “con tim”. Huấn giáo về tình yêu, từ bài 24 đến bài 63 (từ ngày 16-4-1980 đến ngày 6-5-1981). Nên biết là một tuần sau khi kết thúc chu kỳ này,  Đức thánh cha bị mưu sát.

3.      Thần học về thân xác của con người phục sinh, được hoàn toàn cứu chuộc và tái tạo.

Sự phục sinh của thân xác. Huấn giáo từ bài 64 đến 72 (từ ngày 11-11-1981 đến ngày 10-2-1982).

4.      Đức trinh khiết Kitô giáo.

Huấn giáo từ bài 73 đến 86 (từ ngày 10-3 đến ngày 21-7-1982)

5.      Hôn nhân Kitô giáo (bí tích hôn nhân dưới chiều kích Giao ước, Ân sủng và Dấu chỉ)

Huấn giáo từ bài 87 đến 117 (từ ngày 9-2-1983 đến ngày 4-7-1984).

6.      Tình yêu và truyền sinh (đào sâu thông điệp Humanae vitae; linh đạo hôn nhân)

Huấn giáo từ bài 118-133 (từ ngày 11-7 đến 28-11-1984).

Nên lưu ý là có sự chênh lệch giữa số bài huấn giáo thực sự diễn ra tại quảng trường thánh Phêrô (129), ít hơn 5 bài so với bản văn được xuất bản trong quyển sách Uomo e Donna lo creò, Catechesi sull'amore umano, (Città Nuova Editrice-Libreria Editrice Vaticana, Roma 1985). Linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn đã chuyển dịch các bài huấn giáo này và đăng trên mạng của Ủy ban mục vụ gia đình (Hội đồng giám mục Việt Nam): http://www.ubmvgiadinh.org   



[1]  Tác giả là tổng thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về gia đình. Nguồn:  La teologia del corpo  http://www.zenit.org/it/articles/la-teologia-del-corpo .

[2] Biju-duval D., La profondità del cuore. Tra psichico e spirituale (Prefazione J. Laffitte), Effatà Editrice, Cantalupa (To) 2009, pp. 29-41.

[3] Chú thích của người dịch. Đây là một sự phân biệt giữa hai khía cạnh của thân xác (xác / thân) nơi vài triết gia hiện sinh (như Merleau Ponty, H.E. Hengstenberg): a) “thân xác đối tượng” (corps objet: koerper) là cái mà thiên hạ thấy từ bên ngoài (dung lượng, kích thước, hình dung); b) “thân xác chân thực” (hoặc chủ thể, corps réel: leib) là chính “bản thân”, chủ thể của mọi hành động. Sự phân biệt này cũng có ví như  giữa “có” (avoir) và “là” (être): tôi cái xác, còn cái thân chính tôi.

[4] Bài huấn giáo XIX.

[5] Các bài huấn giáo XIV, XV và XVI.