Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thân Phận Luân Lý Và Thần Học Của Phôi Thai – (6)

Administrator
2018-09-23 09:06 UTC+7 41
THÂN PHẬN LUÂN LÝ VÀ THẦN HỌC CỦA PHÔI THAI: NHẬN ĐỊNH TRÊN QUAN ĐIỂM GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ PHÔI THAI HỌC HIỆN ĐẠI Tác giả: Soeur Trần Như Ý- Lan, CND. *** *** PHẦN V LƯỢC QUA LẬP TRƯỜNG HIỆN ĐẠI BẢO VỆ QUAN ĐIỂM PHÔI THAI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CON NGƯỜI […]


THÂN PHẬN LUÂN LÝ VÀ THẦN HỌC CỦA PHÔI THAI:

NHẬN ĐỊNH TRÊN QUAN ĐIỂM GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

VÀ PHÔI THAI HỌC HIỆN ĐẠI

Tác giả: Soeur Trần Như Ý- Lan, CND.

***

***

PHẦN V

LƯỢC QUA LẬP TRƯỜNG HIỆN ĐẠI BẢO VỆ QUAN ĐIỂM

PHÔI THAI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CON NGƯỜI

Thomas A. Shannon Như Một Đại Diện

 
 

Thomas Shannon tuyên bố rằng suy tư của ông đặt cơ sở trên truyền thống Công Giáo, giáo huấn Giáo Hội đương thời, và khoa học hiện đại nhắm đạt đến một quan điểm lôgic, chân thật và cập nhật. [1] Ông cho rằng đời sống con người cùng với giá trị và phẩm giá nội tại của nó là điểm đồng quy của các nhà nhân văn và thần học gia. [2] Đối với ông, chìa khóa trong vấn đề phá thai là định nghĩa về con người [3] và cảm quan về tính thánh thiêng của sự sống con người. [4] Shannon phát biểu rằng những điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ để là một con người là tính cá thể và tính lý trí. Shannon bác bỏ tính con người của phôi giai đoạn sớm vì, theo lý luận của ông, nó thiếu tính cá thể và nền tảng sinh học cho tính lý trí.

Để chứng minh sự chưa có tính cá thể của phôi non, Shannon dựa vào hiện tượng có thể tái hợp, nhân đôi, và tính toàn năng của phôi non. [5] Sự chưa trưởng thành não bộ của phôi là điểm trọng yếu để bác bỏ tính lý trí của phôi. [6] Ngoài ra, Shannon kể ra vài hiện tượng quan trọng khác: sự phụ thuộc của phôi giai đoạn sớm vào các tế bào của mẹ cho sự phát triển; hư phôi giai đoạn sớm tỉ lệ cao và sự có thể biến thể của hợp tử thành thai trứng.[7] Đối với Shannon, những hiện tượng này củng cố cho sự bác bỏ tính con người của phôi. Theo đó, Shannon bảo vệ thuyết sự đến sau của linh hồn, hay còn gọi là “tính cá thể vô vật chất” (immaterial individuality, theo từ ngữ của ông). Tôi sẽ đi qua từng điểm trên một cách chi tiết.

1. Định nghĩa con người

Trong khi nghiên cứu một định nghĩa về con người, Shannon, theo Daniel Callahan, mô tả ba trường phái hiện hành: di truyền, phát triển và hệ quả xã hội. [8] Shannon thấy yếu điểm của cả ba trường phái. Trường phái di truyền định nghĩa con người là hữu thể mang mật mã di truyền loài người. Chiều hướng này có thể lý luận rằng ngôi vị người đến cùng lúc với sự thiết lập của bộ mã di truyền ngay lúc thụ tinh. Sự tăng trưởng và phát triển dần dần chỉ đơn giản thể hiện rõ nét những đặc tính ấn định bởi bộ mã di truyền của cá thể này. Theo Shannon, trường phái này coi đặc tính di truyền loài người như yếu tố quyết định cho việc làm người biểu lộ khuynh hướng “chủ nghĩa tất định di truyền” (genetic determinism).

Trường phái thứ hai, trường phái phát triển, chủ trương rằng trong khi sự hình thành bộ mã di truyền thiết lập cơ bản cho sự phát triển xa hơn, một mức độ nào đó của sự phát triển và sự tương tác với môi trường là cần thiết cho một hữu thể được coi là con người đầy đủ. Chủ trương này gợi ý rằng tiềm năng di truyền của một người không được thể hiện đầy đủ cho đến khi có sự tương tác với môi trường. Sự tương tác với môi trường là không thể thiếu cho môt hữu thể trở thành con người trong ý nghĩa đầy đủ. Shannon phê bình trường phái này là cho sinh học một vai trò vượt quá phạm vi của nó. [9]

Trường phái thứ ba tập trung vào những giá trị quy ước của xã hội về sự hiện hữu của con người. Chính xã hội quyết định khi nào thì một chủ thể sống thực sự là một con người. Shannon nhận xét rằng trường phái này có thể tạo nên những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội. Đúng như thế, lịch sử ở quá khứ và xã hội hiện tại đã chứng kiến nhiều hậu quả trầm trọng tiêu cực đối với những ai không đáp ứng tiêu chuẩn xã hội đặt ra. [10] Shannon không cho ví dụ cụ thể về nhận xét của ông, nhưng chúng ta có thể dễ dàng thấy trong xã hội nhiều minh họa cho điều này như việc diệt chủng Hitler và chế độ Nazi. Kể ra những yếu điểm của các trường phái, Shannon một cách gián tiếp bác bỏ chúng.

Shannon mô tả một phương pháp khác nhìn nhận hai điểm mốc sinh học của sự xác định tính cá thể và trưởng thành não bộ như chính yếu và cần thiết, nhưng chưa đủ, để là một con người. [11] Xuyên suốt các suy luận và lý luận, Shannon tỏ ra chấp nhận phương pháp này.

2. Sử dụng từ ngữ

Shannon nhấn mạnh rằng thụ tinh là một quá trình, chứ không phải là một thời điểm, rất có khả năng kết thúc vào lúc làm tổ hơn là lúc thụ tinh. [12] Ngay cả thụ tinh, cần khoảng 24 tiếng đồng hồ để hoàn thành, do đó Shannon phê bình cách nói của giáo huấn Giáo Hội “thời điểm thụ tinh”. Đối với ông, hoặc là cách dùng từ này sai lầm về ý nghĩa sinh học nếu nó chỉ đến sự chính xác ngay tức khắc. Hoặc, nếu nó chỉ ra toàn thể quá trình của thụ tinh, nó dường như diễn tả rằng hợp tử đã mang đầy đủ những yếu tố cốt lõi để là một con người. Shannon lý luận tiếp, nếu theo ý nghĩa thứ hai này, Huấn Quyền một cách ngấm ngầm đã xác định sự tạo dựng linh hồn vào lúc thụ tinh. Do đó, điều này dường như trái ngược lại với tuyên bố của tài liệu Giáo Hội rằng thời điểm phú hồn vẫn còn mở ngỏ cho suy tư xa hơn. [13] Tôi sẽ nói thêm về điểm này trong chương kết luận.

3. Tính cá thể của phôi non (Individuality of the early embryo)

Dựa vào công trình của Grobstein Carlson, Shannon thừa nhận rằng sau hợp giao nhân tế bào (syngamy), hợp tử là một “tổng thể sống” mang bộ di truyền người, và độc nhất. [14] Sự sống của hợp tử khác biệt với cha mẹ nó. Hợp tử bắt đầu như một sự sống khác biệt về di truyền (genetically distinct life). Nhưng, các tế bào phôi vào giai đoạn phôi dâu (morula stage) vẫn còn chưa biệt hóa bởi vì mỗi tế bào khi được tách biệt khỏi các tế bào khác vẫn có khả năng phát triển thành toàn thể cơ thể. Shannon lý luận rằng tính toàn năng là một biểu thị của tính không cá thể của phôi non. Khả năng toàn năng tồn tại cho đến tuần thứ ba khi mà một sự ức chế hoàn toàn của các tế bào hướng chúng về sự phát triển nhất định được thiết lập. [15] Hơn nữa, cho đến giai đoạn hình thành phôi vị (gastrulation), phôi non có thể tái kết hợp sau khi phân chia, đây là một chứng cứ khác cho tính không đơn nhất của phôi non. Hơn nữa, giai đoạn làm tổ, phôi bào phân chia làm hai loại tế bào: ngoại bì sẽ trở thành bánh nhau và tế bào nội bì sẽ trở thành phôi. Đối với Shannon, tất cả yếu tố trên biểu thị rằng phôi non chưa mang tính cá thể, và như thế nó thiếu một điều kiện cần (nhưng chưa đủ) cho ngôi vị người.

Shannon cho rằng hai khả năng có thể của dấu mốc sinh học cho tính cá thể con người là thời điểm làm tổ (khoảng tuần thứ hai của thai kỳ) hoặc khi bắt đầu sự ức chế (khoảng tuần thứ ba và điều này có khả năng nhiều hơn). Dựa trên lý luận này, Shannon phê phán Tông huấn Donum Vitae đã xem hợp tử như một cá thể người. Theo Shannon, các tác giả của Donum Vitae đã nhầm lẫn giữa tính độc nhất di truyền (genetic uniqueness) và tính cá thể (singleness hay individuality). Và ông thêm rằng Donum Vitae I, 2 giải thích sai dữ kiện khoa học về hợp tử khi nói rằng về mặt khoa học, tính cá thể, và về mặt triết học, ngôi vị người của hợp tử là một và như nhau. [16]

Shannon kể ra ba sự kiện nữa để bác bỏ ngôi vị người của phôi non. Thứ nhất, hợp tử tự mình không có khả năng phát triển thành phôi, nhưng nó phải dựa vào những thông tin di truyền từ mẹ mà thông tin này vượt quá khả năng kiểm soát của hợp tử. [17] Thứ hai, hợp tử không nhất thiết trở thành phôi, mà có thể trở thành thai trứng, đó là một “sản phẩm của sự thụ tinh bất thường được tạo bởi mô của bánh nhau.” [18] Thứ ba, chúng ta có thể “một cách trực giác” bác bỏ quan niệm đời sống con người bắt đầu từ lúc thụ tinh do sự kiện khoảng 55 phần trăm phôi bị hư:

“Một nguyên tắc như thế (phú hồn tức thì) có ý nghĩa gì không trong tạo dựng khi mà một tỉ lệ cao như thế của hợp tử sẽ không phát triển thành phôi, và còn ít hơn nữa số phôi sẽ phát triển cho đến đủ thời gian thai kỳ?” [19]

Một điểm nên được làm sáng tỏ trong tìm hiểu về quan điểm và lập trường của Shannon. Sự kiện “55 phần trăm phôi bị sẩy” là một sự kiện khoa học chỉ ra sự hư sẩy của phôi từ lúc thụ tinh cho đến khi sinh, nhiều nhất ở tam cá nguyệt đầu tiên, và được thừa nhận bởi đa số các nhà sinh học và bác sĩ. Về phần Shannon, bởi vì ông không xem phôi non trước làm tổ, hay cho đến sự xuất hiện của dãi mầm (xảy ra khoảng tuần thứ ba của thai kỳ) là phôi, ông gọi chúng là “tiền phôi” (pre-embryos). [20] Như vậy, từ sự kiện phôi non bị sẩy tỉ lệ cao từ lúc thụ tinh cho đến khi làm tổ, Shannon xem như là sự không có khả năng của tiền phôi để phát triển thành phôi.

4. Khả năng cho tính lý trí

Shannon lý luận rằng trên bình diện triết học, bản chất lý trí có thể tồn tại chỉ trên cơ sở hình thành của cấu trúc sinh học cần thiết để thực hiện các hành động lý trí.[21] Shannon nghĩ rằng có ba khả năng. Thứ nhất, như Norman Ford gợi ý, là sự xuất hiện của dĩa mầm. [22]  Thứ hai là sự xuất hiện của đáp ứng thần kinh đơn giản xảy ra khoảng tuần thứ tám của thai kỳ. Thứ ba, có thể xảy ra quanh tuần thứ 20–21, khi hệ thống thần kinh phát triển và tổ chức não bộ tương đối đầy đủ. [23] Khả năng ngôi vị người có thể hiện hữu quanh thời gian này. Shannon không đồng nhất dấu mốc sinh học này với sự hiện hữu của ngôi vị người; ông cho rằng dấu mốc thần kinh này đặt nền tảng cho thực tại cá nhân tự ý thức. Sự trưởng thành sinh học này là “một bước nhảy vọt quyết định” cần thiết, mặc dù có thể là chưa đầy đủ, để được là một con người. [24]

Nhìn một góc độ, mặc dù ông không thừa nhận rõ ràng, Shannon tỏ ra bảo vệ một loại của thuyết phát triển. Trong bài viết “Ý nghĩa luân lý của sự hòa nhập não bộ trong thai nhi”, một mặt, Shannon nhận xét khái niệm chết não không tương ứng với khái niệm sự sống não bộ. Ông chống đối việc áp dụng sự sống não bộ để định nghĩa ngôi vị người bởi vì định nghĩa này có vẻ là một loại của “chủ nghĩa giản lược sinh học”. Mặt khác,  Shannon đánh giá cao khái niệm về sự sống não bộ là hữu ích cho việc suy nghĩ về phát triển con người như một sự phát triển tiệm tiến nhiều bước với mỗi bước là cần thiết, tuy chưa đủ, để nhảy vọt trở thành một con người. [25]

Shannon kết luận rằng phôi là một con người trong tiềm năng (a human person in potentia), ông giải thích có nghĩa là không phải là con người chi cả. Hợp tử với sự độc nhất di truyền là một loại đời sống liên quan đến con người, [26] và xứng đáng có được một  giá trị và sự bảo vệ nhất định, nhưng không phải là đời sống của một con người, chỉ có một cá thể người mới có thể là một con người. [27]

Mượn của Keith L. More các từ ngữ “hợp tử, phôi, thai” (zygote, embryo, fetus) trên bình diện khoa học, vốn khởi đầu không đòi hỏi một sự phân biệt luân lý nào cả, Shannon có vẻ muốn áp dụng những từ ngữ này nối kết với những giá trị của chúng trong biện biệt luân lý của mình mặc dù ông không công nhận điều đó. [28] Lúc đầu, Shannon nói:

“Từ này (tiền phôi) là một từ được dùng để mô tả tổng thể từ trạng thái hợp tử cho đến khi bắt đầu hình thành dĩa phôi vào khoảng tuần thứ ba. (…) mục đích sử dụng từ này, cũng như những từ khác như hợp tử, phôi, và thai là để hòa nhập mô tả khoa học vào thảo luận luân lý. Những từ này, như được sử dụng trong bài viết này, không liên hệ những câu hỏi luân lý, nhưng giúp chúng ta xác định rõ căn tính cái tổng thể chúng ta đang thảo luận.” [29]

Tuy nhiên, tiền phôi, phôi, và thai mang những giá trị luân lý và sinh học gia tăng theo thứ tự đó trong suy tư của Shannon. Thai càng phát triển nhiều, nó càng đạt được giá trị cao hơn: “Chúng tôi đề nghị sự bảo vệ thích hợp tương ứng với những thay đổi cơ thể người với những giai đoạn phát triển tăng dần của nó.” [30] Tư duy này khai lối cho khả năng hy sinh những thai nhỏ tuổi cho những thai lớn tuổi hơn hay cho một “giá trị quan trọng hơn.” Lý luận của Shannon diễn tả một sự sắp xếp thứ tự ưu tiên. [31] Trong khi ông thừa nhận rằng “phá thai là một vấn đề nghiêm trọng, bởi vì đời sống đang tiến triển và chúng ta luôn cần phải tôn trọng sự sống,” Shannon xem phá thai sớm là một dạng giết chết đời sống, một tội “tiền luân lý”. [32]

5. Linh hồn

Shannon nói rằng khi thảo luận trong bối cảnh truyền thống, ông sẽ dùng từ “linh hồn”. Nhưng trong trình bày riêng của mình, Shannon thay thế từ “linh hồn” bằng từ “tính cá thể vô vật chất”. Ông giải thích: “từ ‘linh hồn’ có nhiều ý nghĩa và hình ảnh, và chúng ta mong muốn tránh những cách dùng không rõ ràng và những hình ảnh gây nhầm lẫn”. [33] Dựa trên giải thích theo trường phái Aristotle của thánh Bonaventure về thuyết “seminal reasons”, trong đó Bonaventure lý luận rằng “mô thức mới được rút ra từ tiềm năng của chất thể”, [34] Shannon cho rằng mỗi giai đoạn tạo thành, chất thể chỉ cần sự hình thành mô thức tương ứng; hay, mô thức tương ứng với chất thể của nó. Shannon lý luận rằng các hoạt động của phôi non đơn giản rút ra từ quyền lực vật chất của nó, chỉ là một loại của chuyển hóa hóa học. Mượn lời của Allan B. Wolter, Shannon khẳng định rằng: “những nơi chỉ có quyền năng vật chất- đó là khả năng hình thành hệ thống vật chất, nơi đó chỉ có bản chất hay yếu chất vật chất.”[35] Theo đó, tính cá thể vô vật chất không nhất thiết phải chịu trách nhiệm cho một chuyển hóa sinh học như vậy của phôi non. Shannon kết luận “sự áp dụng vững chắc của những gợi ý này là tính cá thể vô vật chất hiện hữu trễ trong sự phát triển của cá thể thể lý,” [36] và không cần có linh hồn vào lúc ban đầu của sự phát triển phôi.

Tóm lại

Shannon bảo vệ một thuyết phát triển phôi tiệm tiến về thể lý và linh hồn. Sự phát triển phôi là một quá trình trong đó phôi non rất là hay “thay đổi” (fluid) trong sự phát triển và tổ chức. Phôi non không phải là một ngôi vị người bởi vì nó thiếu sự cá thể hóa và khả năng cho tính lý trí, nhưng là một tổng thể sống mang bộ mã di truyền loài người và có tiềm năng cho ngôi vị người. Nguyên tắc của tính cá thể vô vật chất đến trễ trong sự phát triển của thai nhi. Shannon cho rằng phôi người nên được đối xử như một cơ thể sống, một phần của tự nhiên. Cơ thể này không phải là một cá thể, nên không phải là một ngôi vị, mặc dù là tiền ngôi vị, vì vậy mọi can thiệp để lấy tế bào của phôi không phải là giết người, nhưng là giết chết sự sống. [37] Chúng ta có thể hy sinh phôi non cho các thiện ích cộng đồng hay những giá trị quan trọng cao hơn. Làm tổ (ít nhất) hay sự kìm hãm biệt hóa là bước cần thiết cho sự cá thể hóa của phôi. Tuần thứ 20-21 của thai kỳ là thời gian khi mà hệ thống thần kinh thiết lập và do đó thai có nhiều điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ, cho ngôi vị người. Thời kỳ này là một dấu mốc sinh học rõ ràng trong bộ dấu mốc sinh học chính yếu. Tóm lại, Shannon bảo vệ, nếu tôi có thể gọi tên, một sự phát triển “tiến hóa” của phôi để trở thành một con người, từ vật chất đến vô vật chất, từ thể thấp đến thể cao và những chức năng sống.

 



[1]  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,”43.

[2]  Thomas A. Shannon và JJ DiGiacomo, An Introduction to Bioethics (New York: Paulist, 1979), 20.

[3]  Thomas A. Shannon, An Introduction to Bioethics, 3rd rev. ed. (New York: Paulist, 1997), 48.

[4]  An Introduction to Bioethics, (1997), 46.

[5]  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 48-50; 53.

[6]  Cùng lập trường tương tự với Shannon, một khuynh hướng đương thời cho rằng một hữu thể được gọi là ngôi vị người chỉ khi có được hoạt động lý trí là đặc điểm phân biệt con người với động vật khác và cơ quan vận hành các hoạt động trí năng là não bộ, do đó không thể có ngôi vị người trước khi có não bộ phát triển. Khoa  Phôi Thai học hiện đại chứng tỏ cơ cấu võ não bắt đầu hình thành vào ngày thứ 15-20 sau trứng thụ tinh, và đến tuần thứ 10 thì não bộ mới bắt đầu hoạt động, và tuần thứ 21 thì chức năng não bộ mới tương đối hoàn chỉnh hơn. Xem J.M. Goldening, “The Brain Life Theory: Towards a consistent biological definition of humaneness,” trong Journal of Medical Ethics (1985), số 11, tr. 198-204. Ủng hộ lập trường này có một số nhà thần học nổi tiếng nhu Karl Rhaner, ông cho rằng trong khoảng thời gian từ trứng thụ tinh đến khi não bộ hình thành là thân xác được đón nhận nguyên lý sự sống thiêng liêng, phôi chưa thể có ngôi vị người. x. K. Rhaner, “Die Hominisation als Theologische Frage” trong K. Rhaner và P. Overhage, Das Problem der Hominisation, (Freiburg, 1978), t. 79, trích trong Nguyễn Văn Tuyến, t. 207.

[7] “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 45.

 [8] An Introduction to Bioethics, (1997), 48, trích Daniel Callahan, Abortion: Law, Choice and Morality (New York: Macmillan, 1970), 378 ff.

[9] An Introduction to Bioethics, (1997), 48.

[10] Ibid., 48.

[11] Ibid., 49.

[12] Shannon và Wolter thừa nhận rằng trong vấn đề này, họ học nhiều nơi tác phẩm của Norman M. Ford, When did I begin: Conception of the Human Individual in History, Philosophy and Science, (UK: Cambridge University Press, 1988) cf. “Reflection of the Moral Status of the Preembryo,” 61, at the note 30.

[13] “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 47-48.

[14]  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 48, và “The Moral Significance of Brain Integration in the Fetus,” 123.

[15] “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 48-49, dùng tác phẩm của Bruce M. Carlson, Patten’s Foundations of Embryology, 5th ed. (New York: McGraw Hill, 1988).

[16] Reflections on the Moral Status of the Preembryo”, 49-50.

[17] “Reflections on the Moral Status of the Preembryo”, 45, trích Carlos A. Bedate and Robert C. Cegalo, “The Zygote: To Be or not To Be a Person,” Journal of Medicine and Philosophy 14 (1989), 644.

[18] “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 45.

[19]  Ibid., 53.

[20]  Ibid., 60, endnote 6.

[21]  Ibid., 54-6.

[22]  Ford, 1988, 171ff.

[23]  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 54-55, An Introduction to Bioethics, (1997), 49-50, and “The moral significance of brain integration in the fetus,”124-8.

[24]                  “The Moral Significance of Brain Integration in the Fetus,” 139-141.

[25]                  Ibid., 139-140.

[26]                  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 47-49.

[27]                  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 57-58, và “The Moral Significance of Brain Integration in the Fetus,” 124.

[28]                  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 60, endnote 6.

[29]                  Ibid., 60, endnote 6.

 [30]                  Ibid.,  41.

[31]                  “The moral significance of brain integration in the fetus,” 141-142.

[32]                  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 58-9.

[33]                  Ibid., 50-51.

34]                  Ibid., 55.

[35]                  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 55, trích Allan B. Wolter, “Chemical Substance,” Philosophy of Science (Jamaica, N.Y.: St John’s University, 1960), 108.

[36]                  “Reflections on the Moral Status of the Preembryo,” 56.

[37]                  Thomas Shannon, Bài Giảng về “The Moral Status of the Human Embryo,” trong lớp “Genetics” tại WJST, Cambridge, MA, Spring Semester, 2004.