Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Bí Tích Hôn Nhân – Phần III

Administrator
2018-09-23 09:19 UTC+7 38
  PHẦN III. VIỆC CỬ HÀNH HÔN NHÂN   Phần này gồm hai chương, nghiên cứu việc cử hành dưới hai khía cạnh: Phụng vụ (ch.6) và Giáo luật (ch.7) Chương Sáu. Nghi thức phụng vụ Trước hết chúng ta hãy điểm qua cách thức cử hành hôn phối trải qua lịch sử, để hiểu […]


 

PHẦN III. VIỆC CỬ HÀNH HÔN NHÂN

 

Phần này gồm hai chương, nghiên cứu việc cử hành dưới hai khía cạnh: Phụng vụ (ch.6) và Giáo luật (ch.7)

Chương Sáu. Nghi thức phụng vụ

Trước hết chúng ta hãy điểm qua cách thức cử hành hôn phối trải qua lịch sử, để hiểu biết việc “hội nhập văn hóa” của phụng vụ. Sau đó, chúng ta sẽ phân tích nghi thức phụng vụ hiện hành. Dù sao, chúng ta cũng đừng quên quy tắc Lex orandi, lex credendi.

I. Lịch sử phụng vụ

Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích, nhưng không quy định một nghi thức nào để cử hành bí tích này. Hình thức cử hành đã tiến triển dọc theo lịch sử, với việc du nhập các phong tục khác nhau, kèm theo sự phân định của Hội thánh

A. Những thế kỷ đầu tiên

Theo như lá thư gửi Điognetô (tk II), các Kitô hữu cưới hỏi giống như các dân tộc khác. Tuy nhiên, vào thời ấy, đa số các Kitô hữu sống tại những vùng văn hóa Do thái, Hy lạp, Rôma: các tục lệ của họ để lại ảnh hưởng sâu xa đến truyền thống Kitô giáo về sau.

– Đối với người Do thái, việc kết hôn diễn ra qua hai chặng chính: a) “đàm phán” hôn nhân giữa hai gia trưởng (muốn kết hôn không, của hồi môn là bao nhiêu); b) rước dâu về nhà chồng, với nhiều nghi lễ mang tính tôn giáo (kinh nguyện, lời chúc lành), về phía nhà gái (trước khi rời gia đình) và khi đến nhà chồng.

– Đối với người Hy-lạp, việc kết hôn cũng gồm hai chặng: a) lễ “hỏi” (engúesis: giữa chàng rể với bố của cô dâu: bố đồng ý gả con cho cậu, và cậu hứa đưa vợ về nhà mình); b) lễ “cưới” (gámos: bố vợ trao con gái cho chàng rể; chàng rể rước dâu về nhà mình); với nhiều nghi thức (tế lễ cho các thần, tiệc tùng, đội triều thiên).

– Đối với người Rôma, người ta phân biệt hai nghi thức: a) lễ “hỏi” (sponsalia: kết thúc với việc trao đổi quà tặng; chàng rể trao nhẫn cho cô dâu như bảo chứng); b) lễ “cưới” (nuptiae: mang tính lễ hội, khởi đầu với việc cúng tế ở nhà vợ, rồi ăn tiệc, kế đó mới đưa dâu về nhà chồng). Tuy nhiên, pháp luật Rôma chú trọng đến sự trao đổi thoả thuận (bày tỏ ý muốn kết hôn) như là yếu tố cấu tạo hôn nhân; ý định này được biểu lộ qua các cử chỉ lễ nghi.

Các Kitô hữu cũng giữ các phong tục ấy, ngoại trừ những gì mang vẻ mê tín dị đoan. Trước thế kỷ IV, không có chứng tích gì về một nghi thức đặc biệt của các Kitô hữu. Người ta có thể suy đoán có một lời cầu nguyện chúc lành, giống như mẫu của sách Tôbia trong Cựu ước, nhưng không hẳn là do linh mục tại nhà thờ mà do gia trưởng tại nhà riêng.

Vào cuối thế kỷ IV, chúng ta có những chứng tích về việc chúc phúc cho đôi tân hôn và đội khăn (velatio). Mặt khác, người ta cũng nói đến những nghi thức cử hành vào “lễ hỏi” (sponsalitia) và “lễ cưới” (connubium), tuy rằng theo dòng thời gian, cả hai buổi cử hành sẽ dần dần được nhập làm một. Lễ hỏi cử hành tại tư gia (trao nhẫn, tặng quà); lễ cưới cử hành tại nhà thờ (Thánh lễ, đội khăn- velatio – cho cô dâu, lời chúc lành). Để làm sáng tỏ vấn đề, thiết tưởng nên phân biệt truyền thống Đông phương và truyền thống Tây phương.

B. Truyền thống Đông phương

Các Giáo hội Đông phương thường trùng hợp với nhau về nghi thức và chỉ khác nhau về công thức (kinh nguyện phụng vụ).

Người ta phân biệt lễ hỏi (đính hôn) và lễ cưới. Cho đến thế kỷ VII, trong lễ hỏi, người nam trao cho người nữ một món quà, một số tiền, chiếc nhẫn (ít khi bên nữ phải trao lại). Việc trao quà kèm theo việc hai bên nắm tay nhau và trao đổi cái hôn. Lễ đính hôn mang theo hậu quả pháp lý: kẻ nào từ hôn sẽ bị chế tài như là ly dị. Cho đến thế kỷ VIII, không có sự chúc lành của linh mục trong lễ hỏi. Dần dần sự chúc lành trở thành yếu tố chính của lễ đính hôn.

Theo tập tục Hy lạp, lễ cưới mang tính lễ hội nhộn nhịp. Các thân nhân bạn hữu đến nhà cô dâu ăn tiệc (bữa tối). Chàng rể được rước đến đây để dự tiệc. Vào cuối bữa, bố của cô dâu đội triều thiên lên đầu chú rể. Khi tàn tiệc, cô dâu được chưa về nhà chồng. Khỏi nói ai cũng đoán được, những tiệc tùng như vậy kéo theo nhiều trò; vì thế, nhiều công nghị cấm cử hành đám cưới trong mùa Chay. Giáo hội cũng muốn thánh hoá các tục lệ dân gian, bằng cách dành việc đội triều thiên cho các giám mục và linh mục, và mặc cho nó một ý nghĩa tu đức: vòng hoa tượng trưng sự chiến thắng dục tình trong hôn nhân. Dần dần, bên Đông phương, “đội triều thiên” có nghĩa là kết hôn.

Với dòng thời gian, hai nghi lễ “hỏi” và “cưới” được nhập làm một. Các nghi thức đội triều thiên, trao nhẫn, chúc lành được đưa vào nghi thức hôn nhân, được cử hành trong Thánh lễ.

Dù nói thế nào đi nữa, theo thần học Đông phương, chủ sự của bí tích hôn phối là tư tế (chứ không phải là đôi hôn nhân): chủ tế “chúc lành” cho đôi hôn nhân, xin Thánh Linh thánh hiến hôn nhân của đôi nam nữ.

C. Bên Tây phương

Tây phương có nhiều lễ điển không kém Đông phương (Rôma, Milano, Gallia, Hispanica, vv). Ở đây chúng ta chỉ nghiên cứu lễ điển Rôma.

1/ Những Sách lễ (Sacramentarium) thời giáo phụ

Những chứng tích cổ điển nhất là các Sách Lễ Veronense (thủ bản chép tay tk VIII, nhưng bản văn gốc có lẽ thuộc tk V-VI), Gelasianum (tk VIII, chép bản gốc tk VII), Gregorianum (k.681-686).

a) Sách Lễ Veronense (thủ bản được lưu giữ tại Verona, nhưng nội dung có lẽ chép từ các sách lễ dưới thời các giáo hoàng Lêô Cả, Gêlasiô, Vigiliô). Bài lễ hôn phối được đặt ở cuối tháng 9 (Incipit velatio nuptialis) bao gồm ba lời nguyện chính trong thánh lễ: kinh tổng nguyện đọc trước khi chúc lành đôi tân hôn, xin Thiên Chúa chúc lành cho họ (nhờ sự chúc lành của linh mục); kinh nguyện chúc lành cô dâu, bắt đầu bằng lời Pater mundi conditor. Hai kinh này được tiếp nhận vào các sách lễ sau này.Trong lễ quy có kinh Hanc igitur riêng. Chúng ta chỉ thấy các lời nguyện chứ không thấy nghi thức.

b) Sách lễ Gelasianum. Hầu hết chép lại sách lễ Veronense, nhưng lại đảo ngược thứ tự: kinh tổng nguyện chuyển thành kinh nguyện tạ lễ. Sách lễ này có một lời tiền tụng riêng. Lời chúc lành cho cô dâu diễn ra sau kinh Lạy Cha, và lời chúc lành cho đôi tân hôn diễn ra sau khi hiệp lễ. Sách lễ cũng có bài lễ cho kỷ niệm 30 ngày và kỷ niệm hằng năm lễ hôn phối.

c) Sách lễ Gregorianum. Các lời nguyện cũng giống như hai cuốn sách trước đây. Chỉ thêm một lời công thức chúc lành riêng dành cho cô dâu trước khi ban bình an.

Điều đáng ghi nhận là các Sách Lễ chỉ ghi lại các lời nguyện trong thánh lễ (lễ cưới), chứ không đả động gì đến lễ hỏi (có lẽ cử hành ở gia đình, dựa theo phong tục địa phương).

2/ Những sách nghi thức thời Trung cổ và cận đại

a) Vào thời Trung cổ, ngoài các lời nguyện, nhiều phong tục dân gian được du nhập. Tuy nhiên, luật giáo hội nhấn mạnh đến sự thoả thuận mới là yếu tố cốt yếu, chứ không đả động gì đến các nghi thức hứa hôn (lễ hỏi). Việc trao đổi sự thoả thuận diễn ra trước mặt linh mục, hoặc tại nhà thờ hoặc trước cửa nhà thờ. Nghi lễ hôn phối được mô tả trong sách Giáo chủ Rôma (Pontificale Romanum, tk XII-XIII) như sau. Đôi tân hôn cùng với cha mẹ đến trước mặt giám mục (hoặc linh mục). Vị chủ sự hỏi cho biết có ngăn trở nào không. Nếu không có ngăn trở, chủ sự hỏi ông bố vợ có muốn nhường quyền phụ hệ cho người chồng hay không. Sau khi đã nhận được trả lời là có, chủ sự yêu cầu đôi bên trao đổi sự thoả thuận. Chủ tế làm phép nhẫn, và đưa cho chàng rể lần lượt xỏ vào ba ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa của cô dâu, và nói: “bằng chiếc nhẫn này, anh cưới em nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen”. Tiếp đến là những lời cầu nguyện và lời chúc lành cho đôi tân hôn. Không thấy nói đến việc trao tay cho nhau hoặc đội triều thiên.

b) Sách nghi thức Rôma của Giáo hoàng Phaolô V (năm 1614)

Vào thời này, các nghi thức lễ hỏi (xỏ nhẫn) và lễ cưới (bày tỏ sự thỏa thuận) đã được nhập một. Lễ nghi diễn ra theo thứ tự sau đây:

– Vào đầu lễ, linh mục hỏi đôi bạn: “N., có muốn nhận N làm vợ theo nghi thức của Mẹ Giáo Hội không?”- “N., có muốn nhận N làm chồng theo nghi thức của Mẹ Giáo Hội không?” (Vis accipere N. hic proesentem in tuam legitimam uxorem / in tuum legitimum maritum, iuxta ritum Sanctae Matris Ecclesiae?).

– Linh mục mời đôi bạn nắm tay nhau và nói: “Tôi kết hợp các bạn thành vợ chồng, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen” (Ego coniungo vos in

matrimonium. In nomine Patris, et Filii, et Spiritus sancti. Amen). Liền đó, linh mục làm phép nhẫn của vợ, rồi trao cho chồng để chàng xỏ vào tay vợ; đang khi đó linh mục làm dấu thánh giá và nói: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Amen. Nghi thức kết thúc với một lời nguyện.

– Tiếp đó là Thánh lễ. Các lời nguyện giống như Sách lễ Veronense. Sau kinh Lạy Cha, có lời chúc lành (giống như Sách lễ Gregoriana).

– Trước khi kết thúc Thánh lễ, linh mục đọc lời nguyện chúc lành cho đôi bạn.

II. Nghi thức hôn phối sau công đồng Vaticanô II

Công đồng đã chỉ thị phải duyệt lại nghi thức hôn phối nhằm nêu bật ơn thánh của bí tích và các nghĩa vụ của đôi bạn (Hiến chế về phụng vụ, số 77-78). Công đồng cũng ước ao duy trì những tập tục của các dân tộc. Lễ hôn phối nên được cử hành trong Thánh lễ; lời chúc lành cần áp dụng cho cả đôi tân hôn (chứ không chỉ cho cô dâu mà thôi).

Nghi thức được ban hành ngày 19-3-1969. An bản thứ hai được ban hành ngày 19-3-1990[1], lần này có thêm phần dẫn nhập (Praenotanda), với đạo lý lấy từ bộ giáo luật và tông huấn Familiaris consortio. Bản dịch Việt ngữ được phê chuẩn ngày 20-2-2008, và bắt buộc sử dụng từ lễ Phục sinh 2009.

A. Nội dung

1/ Cấu trúc của sách Nghi thức

– Mở đầu là “Praenotanda” (Viết tắt DN), gồm 4 điểm

(1) Tầm quan trọng và phẩm giá của bí tích Hôn phối (DN số 1-11). Tóm tắt đạo lý của Giáo hội về bí tích hôn nhân, trích từ LG, GS, Familiaris consortio, bộ giáo luật. (Vào thời điểm 1990, chưa ban hành Sách GLHTCG).

(2) Phận vụ và thừa tác vụ (De officiis et ministeriis: DN số 12-27)

– Nói chung là tất cả những ai liên quan đến việc chuẩn bị và cử hành hôn nhân: chính đôi hôn nhân và gia đình, Giám mục, cha xứ, toàn thể cộng đoàn Hội thánh (số 12).

– Nói riêng: Giám mục giáo phận (số 13), các mục tử (đặc biệt là các cha xứ, số 14-22) có nhiệm vụ đặc biệt chuẩn bị các tín hữu lãnh nhận bí tích.

– Vị chủ sự lễ nghi chứng hôn (số 23-25): linh mục, phó tế, giáo dân

– Cộng đoàn (số 26)

– Nơi cử hành (số 27)

(3) Cử hành hôn nhân (DN số 28-38)

(4) Quyền thích nghi của các Hội đồng giám mục (DN số 39-44).

– Kế đó là 5 chương

(1) Nghi thức cử hành hôn phối trong Thánh lễ

(2) Nghi thức cử hành hôn phối ngoài Thánh lễ

(3) Nghi thức cử hành hôn phối trước vị chứng hôn giáo dân

(4) Nghi thức cử hành hôn nhân giữa người Công giáo và người dự tòng hoặc ngoài Kitô giáo

(5) Những bản khác nhau dùng trong nghi thức cử hành hôn nhân và thánh lễ hôn phối: các bản văn Thánh Kinh; những lời nguyện nhập lễ; những lời nguyện làm phép nhẫn; những lời nguyện tiến lễ; những kinh Tiền tụng; cầu cho những người kết hôn trong Kinh nguyện Thánh Thể; những lời nguyện chúc hôn; những lời nguyện hiệp lễ; những phép lành cuối lễ.

– Sau cùng là 5 phụ lục: những mẫu lời nguyện chung; nghi thức chúc lành cho những người đính hôn; nghi thức chúc lành cho vợ chồng trong thánh lễ ngày kỷ niệm thành hôn; Ba bài lễ hôn phối; Các kinh nguyện Thánh Thể.

Sách Nghi thức đề ra nhiều bài đọc Sách Thánh, nhiều mẫu lời nguyện: vị chủ sự nên chọn cùng với những người sắp kết hôn (DN 29).

2/ Cấu trúc của lễ nghi hôn phối.

Cần nêu bật bốn yếu tố sau đây (DN 35):

a) Phụng vụ Lời Chúa: cho thấy tầm quan trọng của hôn nhân trong lịch sử cứu độ và vai trò thánh hóa của vợ chồng và con cái.

b) Trao đổi sự thoả thuận kết hôn trước sự chứng kiến của tư tế hoặc phó tế.

c) Lời nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho hôn ước.

d) Việc hiệp lễ: nuôi dưỡng tình yêu.

Trong số bốn điểm vừa kể, hẳn nhiên yếu tố thứ hai là cốt yếu hơn cả.

Thường lễ hôn phối được cử hành trong Thánh lễ[2]; khi không thể được (đặc biệt là các đôi nhân hỗn hợp, dị giáo) thì cử hành trong nghi thức cử hành Lời Chúa.

B. Cử hành trong Thánh lễ

– Bài lễ lấy từ Nghi lễ cho các đôi hôn phối, với phẩm phục màu trắng. Gặp những đại lễ bậc từ số 1-4 thì sử dụng bản văn và bài đọc của lễ hôm ấy[3], tuy vẫn đọc lời nguyện chúc hôn, và tuỳ nghi dùng công thức ban phép lành trọng thể cuối Thánh lễ (DN số 33).

– Xét vì lời Chúa có giá trị huấn giáo về bí tích, cho nên dù khi cấm dùng bài lễ hôn phối thì vẫn có thể chọn một bài Sách thánh về hôn phối (DN số 34).

1/ Những nghi lễ mở đầu

– Đón tiếp (có thể rước kiệu hay không)

– Bỏ hành động thống hối (DN số 53, không giải thích lý do!)

– Kinh Vinh danh

– Lời nguyện: có 6 mẫu lời nguyện nhập lễ

2/ Phụng vụ Lời Chúa

Có thể đọc 3 bài Sách Thánh. Bài đọc 1 từ Cựu ước, nhưng được thay thế bởi sách Khải huyền trong mùa Phục sinh (DN số 55).

Sách Nghi thức đề nghị: St,26-28.31a; Ep 5,2a.25-32; Mt 19,3-6, nhưng trong chương Năm giới thiệu rất nhiều đoạn Sách Thánh (trong đó những bài nói rõ đến hôn nhân, được đánh dấu bằng hoa thị)

Sách Nghi thức đề nghị khá nhiều bài để chọn:

– Cựu ước (9 bài): St 1,26-28.31a; St 2,18-24; St 24,48-51.58-67; Tb 7,6-14; Tb 8,4b-8; Cn 11,10-13.19-20.30-31; Dc 2,8-10.14.16a; 8,6-7a; Hc 26,1-4.16-21.

– Tân ước (14 bài): Rm 8,31b-35.37-39; Rm 12,1-2.9-18; Rm 15,1b-3a.5-7-13; 1Cr 6,13c-15a.17-20; 1Cr 12,31-13,8a; Ep 4,1-6; Ep 5,2a.21-33; Pl 4,4-9; Cl 3,12-17; Dt 13, 1-4a.5-6b; 1Pr 3,1-9; 1Ga 3,18-24; 1Ga 4,17-12; Kh 19,1.5-9a.

– Tin mừng (10 bài): Mt 5,1-12a; Mt 5,13-16; Mt 7,21.24-29; Mt 19,3-6; Mt 22,35-40; Mc 106-9; Ga 2,1-11; Ga 15,9-12; Ga 15,12-16; Ga 17,20-26; Ga 17,20-23.

Sau khi công bố Tin mừng, có bài giảng (nên lưu ý đến đôi hôn nhân cụ thể, chứ đừng lấy bài soạn sẵn).

3/ Cử hành hôn phối

Sau bài giảng, là nghi thức hôn phối.

a) Chủ sự thỉnh vấn ba điều: + tự do kết hôn; + tình yêu chung thuỷ; + đón nhận con cái (điều thứ ba có thể nếu thấy không hợp).

b) Tỏ bày sự ưng thuận. (Hai người nắm tay phải của nhau). Hai mẫu:

(1) Hình thức đối thoại giữa chàng rể với cô dâu:

Anh là T… nhận em T… làm vợ của anh, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh.

Em là T… nhận anh T… làm chồng của em, và hứa giữ lòng chung thủy với anh khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em.

(2) Hình thức vấn đáp. Linh mục hỏi chàng rể và cô dâu:

Anh T có muốn nhận chị T làm vợ của anh và hứa giữ lòng chung thuỷ với chị khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng chị mọi ngày suốt đời anh không?

Chị T có muốn nhận anh T làm chồng, vv …

c) Tiếp nhận sự ưng thuận

Linh mục tiếp nhận (xác nhận) sự ưng thuận, (chứ không phải kết hợp hôn nhân như nghi thức trước công đồng Vaticanô II): “Xin Chúa tỏ lòng nhân hậu chuẩn y sự ưng thuận các con (…) vừa tỏ bày trước mặt Hội thánh, và xin Chúa tuôn đổ phúc lành của Ngài trên các con. Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”. (Có một công thức khác nữa, dưới hình thức khẩn nài).

Linh mục mời gọi những người hiện diện chúc tụng Chúa.

d) Làm phép và trao nhẫn[4]

– Sách nghi thức trình bày ba công thức làm phép nhẫn

– Linh mục tuỳ nghi rảy nước thánh và trao cho vợ chồng.

– Người chồng lấy nhẫn xỏ vào ngón tay vợ và nói: “Em T… xin em nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy của anh. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Người vợ cũng làm và nói như vậy với chồng.

Sau đó là lời nguyện chung (có hai mẫu), và đọc Kinh Tin kính nếu là ngày Chúa nhật và Lễ trọng.

4/ Phụng vụ Thánh Thể

Trong phần chuẩn bị lễ vật, có thể tuỳ nghi cho cô dâu chú rể mang bánh rượu lên bàn thờ.

– Có 3 mẫu lời nguyện tiến lễ, và ba mẫu Kinh Tiền tụng

– Trong Kinh nguyện Thánh Thể có thêm lời cầu cho những người kết hôn (trước đây chỉ có Hanc igitur thêm vào Kinh nguyện thứ nhất)

– Sau kinh Lạy Cha, bỏ kinh “Lạy Chúa, xin cứu chúng con…”, linh mục đọc lời chúc lành cho đôi tân hôn (chứ không chỉ cho cô dâu như trước đây). Sách Nghi thức trình bày ba mẫu thức. Tục lệ đọc lời chúc lành sau Kinh Lạy Cha đã có từ các Sách Lễ thời giáo phụ, có lẽ muốn nêu bật sự liên kết giữa hôn nhân với bí tích Thánh Thể (trước khi rước lễ).

– Đôi tân hôn, họ hàng, các người làm chứng và những người thân cận có thể được rước lễ dưới hai hình.

– Có ba mẫu Kinh nguyện hiệp lễ

– Cuối lễ có phép lành trọng thể (3 mẫu)

C. Cử hành ngoài Thánh lễ

Hình thức này có thể được sử dụng bởi phó tế (Nghi thức cử hành, Chương II).

1/ Nghi lễ mở đầu

– Đón tiếp và chào mừng

– Lời nguyện

2/ Phụng vụ Lời Chúa. Như thường lệ, với bài giảng

3/ Cử hành hôn phối

– Giống như trên đây (trong Thánh lễ)

– Sau khi trao nhẫn cho nhau là lời nguyện chung.

– Liền sau đó là lời nguyện chúc hôn

4/ Kết thúc

– Sau lời nguyện chúc hôn, thừa tác viên ban phép lành kết thúc.

– Nếu có rước lễ, thì đọc kinh Lạy Cha, rồi rước lễ, tiếp theo là lời nguyện tạ ơn. Kết thúc với phép lành.

* Nếu nghi thức được chủ sự bởi một giáo dân, thì thứ tự cũng tương tự như trên đây (x. Nghi thức cử hành chương III), nghĩa là:

1/ Những nghi lễ mở đầu: đón tiếp, mời gọi cầu nguyện.

2/ Phụng vụ Lời Chúa: có thể đọc một hay hai bài. Sau đó, người chứng hôn ban huấn từ hoặc đọc bài giảng do giám mục hoặc cha xứ chỉ định

3/ Cử hành hôn phối

– Thẩm vấn về sự tự do, về lòng chung thuỷ, sự đón nhận con cái.

– Tỏ bày sự ưng thuận

– Vị chứng hôn tiếp nhận sự ưng thuận

– Làm phép và trao nhẫn

– Lời nguyện chung

– Kinh Lạy Cha và lời nguyện chúc hôn (gồm ba đoạn chúc tụng Ba ngôi; sau mỗi đoạn, cộng đoàn đáp: Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa).

– Kinh nguyện kết thúc

(Nếu có rước lễ, thì đọc kinh chúc hôn liền sau Lời nguyện chung. Kế đó, là kinh Lạy Cha, chúc bình an, rước lễ, lời nguyện cám ơn, và kết thúc với lời chúc lành).

D. Cử hành với người dự tòng hoặc ngoài Kitô giáo

Các phần cử hành có thể thích nghi uyển chuyển

1/ Nghi lễ tiếp nhận: đón tiếp và dẫn nhập vào lễ nghi

2/ Phụng vụ Lời Chúa: có thể chỉ đọc một bài Sách Thánh, kèm theo bài huấn từ

3/ Cử hành hôn nhân

– Thẩm vấn về sự tự do, lòng chung thuỷ, việc đón nhận con cái

– Tỏ bày sự ưng thuận

– Tiếp nhận sự ưng thuận

– Tùy nghi có thể bỏ việc làm phép và trao nhẫn

– Lời nguỵên chung

– Kinh Lạy Cha

– Lời nguyện chúc hôn có thể bỏ, và thay bằng một lời nguyện khác

4/ Kết thúc: phép lành (nếu là linh mục hoặc phó tế) hay một lời cầu chúc.

E. Thánh lễ kỷ niệm thành hôn

Sách Lễ Rôma có những mẫu lời nguyện kỷ niệm thành hôn, nhất là kỷ niệm 25 năm (lễ bạc) và 50 năm (lễ vàng).

 

Chương Bảy. Những quy định giáo luật

 

Trong chương này, chúng ta tìm hiểu những quy định của giáo luật liên quan đến việc cử hành hợp pháp và thành hiệu, đi từ giai đoạn chuẩn bị cho đến lúc cử hành.

I. Những chủ thể kết hôn

A. Điều kiện để kết hôn hữu hiệu

1/ Khả năng thỏa thuận (đ.1095-1096)

Những người không có khả năng (nguyên nhân tâm lý): 4 hạng (đ.1095,1)

– Thiếu sử dụng trí khôn một cách vừa phải

– Thiếu sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân.

– Vì lý do tâm lý, không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân

– Người không biết rằng “hôn nhân là đời sống chung vĩnh viễn giữa người nam và người nữ nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó” (đ.1096§1).

2/ Những ngăn trở tiêu hôn (đ.1073), gồm có 12: (i) Tuổi: 16-14; (ii) Bất lực (impotentia coeundi khác với son sẻ hiếm hoi impotentia generandi, sterilitas) nếu là trước khi kết hôn và vĩnh viễn; (iii) dây hôn nhân; (iv) khác biệt tôn giáo; (v) chức thánh); (vi) khấn khiết tịnh vĩnh viễn trong dòng tu; (vii) cưỡng đoạt; (viii) sát phu hay sát thê; (ix) thân thuộc về trực hệ và về bàng hệ đến bốn cấp; (x) hôn thuộc về trực hệ; (xi) liêm sỉ; (xii) dưỡng hệ. Những ngăn trở do thiên luật thì không thể miễn chuẩn.

B. Những điều kiện để kết hôn hợp pháp và hữu ích

1/ Các bí tích thống hối và thêm sức khi chuẩn bị kết hôn (đ.1065)

2/ Quyết định kết hôn và những động lực (kết hôn vì muốn đạt đến cứu cánh hôn nhân, hoặc những mưu đồ khác? ý muốn chấp nhận những yêu sách của hôn nhân?)

3/ Những trường hợp cần xin phép Bản quyền sở tại (những ngăn trở cấm chỉ và bảy trường hợp liệt kê ở đ.1071).

4/ Trường hợp những người rửa tội nhưng “không có đức tin”

C. Việc chuẩn bị về phía các mục tử

1/ Ba cấp độ chuẩn bị: xa; gần; trực tiếp (FC 66)

2/ Những quy định của giáo luật

– Điều tra (đ.1066); Thông cáo

– Những lớp chuẩn bị hôn nhân; những cuộc gặp gỡ với linh mục

II. Việc cử hành bí tích

A. Yếu tố cốt yếu: sự thoả thuận (BGL đ.1057§1)

1/ Bản chất sự thoả thuận (đ.1057§2)

– Hành vi của ý chí (và hiểu biết)

– Đối tượng: sự trao thân cho nhau để tạo lập cộng đồng hôn nhân bằng một giao ước không thể thâu hồi

2/ Dấu chỉ bí tích: Lời phát biểu sự thoả thuận

– Bên Tây phương: huấn quyền không xác định rõ rệt chất thể và mô thể;

– Bên Đông phương: a) chất thể là lời phát biểu sự thoả thuận; b) mô thể là lời chúc lành của linh mục. Linh mục là chủ sự việc chúc lành chứ không chỉ chứng hôn (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1623).

3/ Những hà tì của sự thoả thuận

Sự thoả thuận bị hà tì bởi vì chủ thể thiếu khả năng (như đã nói trên), hoặc bởi vì mắc phải bốn hà tì sau đây:

a) Lầm lẫn (error): hoặc đơn thường về thể nhân hoặc tư cách thể nhân được nhằm cách trực tiếp và chính yếu; hoặc do lường gạt về một tư cách làm phiền nhiễu cuộc sống chung.

b) Giả đò (simulatio): khi loại trừ chính hôn nhân hoặc một đặc tính cốt yếu của hôn nhân.

c) Vũ lực (vis)

d) Sợ hãi (metus)

4/ Sự thoả thuận có điều kiện

B. Thể thức pháp định

1/ Thể thức thông thường (đ. 1108)

– Trước sự hiện diện của Bản quyền địa phương hoặc cha sở (hoặc linh mục hay phó tế được uỷ nhiệm)

– và của hai nhân chứng

2/ Thể thức ngoại thường: chỉ cần hai nhân chứng (đ.1116 §1).

3/ Những người phải tuân giữ thể thức pháp định: những tín hữu công giáo (đ.1117).

4/ Nơi cử hành hôn nhân: giáo xứ của một trong hai người kết hôn (đ.1115).

III. Hôn nhân hỗn hợp

A. Phân biệt về lý thuyết

1/ Hôn nhân giữa một người công giáo và một Kitô hữu ngoài công giáo (ngăn trở bất hợp pháp)

2/ Hôn nhân giữa một người công giáo với một người chưa được rửa tội (ngăn trở tiêu hôn

B. Về mục vụ: thủ tục giống nhau

1/ Trước khi kết hôn: những miễn chuẩn và cam đoan về phía người công giáo (đ.1125)

2/ Việc cử hành: nơi cử hành; người chứng hôn (cấm “đồng tế”).

3/ Sau khi kết hôn: chăm sóc mục vụ (đ.1128)

IV. Sự hữu hiệu hóa hôn nhân

Nói chung, sự hữu hiệu hóa là một thủ tục pháp lý nhằm làm cho một đôi hôn phối vô hiệu trở thành hữu hiệu. Điều kiện cần thiết để áp dụng thủ tục này là hai người đã thành hôn (tuy hôn thú vô hiệu), chứ không phải chỉ sống chung với nhau như cặp tình nhân không hôn lễ. Bộ Giáo luật dự trù hai hình thức hữu hiệu hóa: a) thủ tục đơn thường; b) thủ tục “điều trị tại căn” (sanatio in radice). Sự khác biệt ở giữa hai thủ tục có thể tóm lại ở ba điểm sau:

1. Thẩm quyền:

Trong trường hợp thông thường, có thể chính đôi bạn tự tiến hành sự hữu hiệu hóa; còn trong trường hợp điều trị tại căn, bắt buộc phải nại đến nhà chức trách của Giáo hội.

2. Thủ tục:

Trong trường hợp thông thường, cần phải lặp lại sự thỏa thuận kết hôn; còn trong trường hợp điều trị tại căn, thì không cần.

3. Hậu quả:

Trong trường hợp thông thường, hôn phối trở thành hữu hiệu kể từ lúc hữu hiệu hóa; còn trong trường hợp điều trị tại căn, thì hôn nhân trở thành hữu hiệu kể từ lúc ban cấp việc điều trị, nhưng nó có hiệu lực hồi tố. Sở dĩ gọi là điều trị tại căn, vì nó điều trị các hà tì tận gốc rễ, nghĩa là tới cội nguồn của giá thú. Chúng ta sẽ xét đến thủ tục thông thường trước.

A. Hữu hiệu hóa đơn thường

Tưởng nên nhắc lại là hôn thú có thể bị vô hiệu vì ba lý do sau đây: a) vì mắc ngăn trở tiêu hôn; b) vì hà tì của sự ưng thuận; c) vì hà tì của thể thức pháp định.

Trên nguyên tắc, để hôn nhân có thể hữu hiệu hóa, cần phải:

a) chấm dứt lý do đã làm cho nó vô hiệu;

b) tiếp đó cần phải lặp lại sự ưng thuận kết hôn. Việc lặp lại sự ưng thuận có thể diễn ra bằng công thức (thí dụ: anh có còn yêu em nữa không ? Và đáp lại bằng cách gật đầu), nhưng cũng có thể qua một hành động (như sự giao hợp với tình nghĩa ái ân vợ chồng).

1/ Hôn nhân vô hiệu vì ngăn trở tiêu hôn (đđ.1156-1158)

a) Điều kiện cần thiết là ngăn trở phải chấm dứt, hoặc tự nó hoặc được chước chuẩn. Đa số các ngăn trở chấm dứt do sự chước chuẩn của nhà chức trách có thẩm quyền, như ngăn trở do chức thánh, hoặc do lời khấn dòng. Một số ngăn trở khác tự nó chấm dứt, như tuổi: ngăn trở này sẽ hết với thời gian, khi đạt đến tuổi luật định; hoặc ngăn trở dây hôn nhân tự nó chấm dứt khi người phối ngẫu qua đời. Ngoài ra, chúngt a đã biết là có một số ngăn trở không thể nào chước chuẩn được (như bất lực, thân thuộc trực hệ): gặp trường hợp ấy thì đành chịu bó tay.

b) Kế đó, cần phải lặp lại sự ưng thuận kết hôn. Nếu chỉ một người ý thức sự vô hiệu vì ngăn trở, thì chỉ cần người ấy lặp lại sự ưng thuận; nhà lập pháp giả thiết rằng bên kia chưa rút lại sự ưng thuận. Nếu cả hai đều biết đến sự hiện hữu của ngăn trở, thì cả hai phải lặp lại sự thỏa thuận. Hơn thế nữa, nếu ngăn trở ấy là công khai, nghĩa là có thể chứng minh ở tòa ngoài (đ.1074), thì việc lặp lại sự ưng thuận cần phải thực hiện theo thể thức pháp định. Dĩ nhiên, không cần phải tổ chức lại đám cưới: chỉ cần sự hện diện của người có thẩm quyền chứng hôn cùng với hai nhân chứng, và có thể diễn ra ở phòng áo, hay là ở trong nhà cha sở, hay chính tại tư gia của đôi vợ chồng. Sự hữu hiệu hóa với thể thức pháp định cần được ghi chú vào sổ hôn phối, nhằm tránh những dị nghị về sau.

2/ Hôn nhân vô hiệu vì hà tì ưng thuận (đ.1159)

Trường hợp này có thể xảy ra hoặc vì một người thiếu khả năng ưng thuận, hoặc vì đã không ưng thuận (ví dụ giả đò), hoặc sự ưng thuận đã bị tổn thương (hà tì, tỉ như đặt điều kiện, bị lường gạt, bị đe dọa).

Để hôn nhân được hữu hiệu hóa, thì người đã không ưng thuận hay ưng thuận, bị hà tì cần phải ưng thuận; với giả thiết là phía bên kia chưa rút lại sự ưng thuận. Nếu hà tì của sự ưng thuận có thể chứng minh ở tòa ngoài, thì việc lặp lại sự ưng thuận phải tiến hành theo thủ tục pháp định; còn nếu không thể chứng minh thì có thể làm cách kín đáo.

3/ Hôn nhân vô hiệu hà tì thể thức pháp định (đ.1160)

Trường hợp này xảy ra không phải vì hai người chưa bao giờ kết hôn, nhưng là vì căn cớ khác, chẳng hạn như người chứng hôn không có thẩm quyền, hoặc sự ủy quyền vô hiệu. Cả hai bên phải lặp lại sự thỏa thuận kết hôn theo thể thức pháp định. Như đã nói trên, không cần phải tổ chức đám cưới linh đình làm chi; chỉ cần sự hiện diện của người có thẩm quyền chứng hôn cùng với hai nhân chứng là đủ.

B. Điều trị tại căn

1. Khái niệm

Điều 1161 nói đến những đặc điểm của thủ tục điều trị tại căn như sau:

a) Được nhà chức trách có thẩm quyền ban cấp.

b) Không cần lặp lại sự ưng thuận kết hôn.

c) Bao hàm việc chuẩn miễn các ngăn trở, nếu có.

d) Cũng bao hàm việc chuẩn miễn thể thức pháp định hồi tố, nghĩa là bao trùm tất cả các hậu quả kể từ ngày cử hành hôn lễ. Do đó, các con cái được coi là hợp thức, chứ không phải chỉ là hợp thức hóa.

2. Điều kiện ban cấp

Việc điều trị tại căn chỉ có thể ban cấp khi lý do của sự vô hiệu thuộc về luật Giáo hội, chứ không thuộc về luật tự nhiên. Do đó, không thể điều trị taị căn trong những trường hợp sau đây:

a) Giá thú vô hiệu vì hà tì ưng thuận.

b) Giá thú vô hiệu vì ngăn trở theo luật tự nhiên, bao lâu ngăn trở này chưa chấm dứt.

Lý do của sự giới hạn như vậy dễ hiểu, bởi vì Giáo hội chỉ có thể miễn chuẩn điều gì thuộc thẩm quyền của mình mà thôi. Bởi vậy, không thể chuẩn chước sự ưng thuận xét vì đó là yếu tố cấu thành của hôn phối; nhưng chỉ có thể miễn chuẩn sự lập lại sự ưng thuận để hữu hiệu hóa một hôn phối bị vô hiệu vì lý do khác. Cũng vậy, Giáo hội không thể miễn chuẩn những ngăn trở của luật Thiên Chúa.

3. Thẩm quyền

Bộ luật cũ dành cho Tòa thánh thẩm quyền điều trị tại căn. Bộ luật hiện hành dành cho Tòa thánh thẩm quyền trong những trường hợp sau đây:

a) Khi giá thú vô hiệu vì một ngăn trở tiêu hôn mà việc miễn chuẩn được dành cho Tòa thánh (đó là: chức thánh; lời khấn trọn đời trong dòng tu thuộc luật Tòa thánh; mưu sát phối ngẫu).

b) Khi giá thú vô hiệu vì một ngăn trở thuộc luật thiên định mà nay đã chấm dứt, như sự bất lực, dây hôn phối.

Ngoài những trường hợp ấy, Đức giám mục giáo phận có thể ban việc điều trị tại căn cho từng đôi hôn thú riêng rẽ. Đức giám mục không thể ban việc điều trị tại căn cách tổng quát, chẳng hạn như cho tất cả những cặp vợ chồng đã kết hôn tại một giáo xứ nào đó; hoặc cho tất cả những đôi vợ chồng không tuân giữ thể thức luật định.

Dĩ nhiên, xét vì việc điều trị tại căn bao hàm việc chước chuẩn một số điều khoản giáo luật, nên chỉ cần phải có lý do hợp lý và chính đáng thì mới ban cấp. Tưởng cũng nên biết là theo điều 1164, có thể ban cấp việc điều trị tận căn tuy dù một bên hay cả hai bên không biết đến. Nói khác đi, không cần phải là chính đôi vợ chồng đứng ra xin; nhưng có thể một người thứ ba hay biết lý do của sự vô hiệu, và tự ý xin nhà chức trách ban việc điều trị, miễn là giả thiết rằng hai vợ chồng còn muốn sống chung với nhau.

4. Hậu quả

Hôn nhân trở nên hữu hiệu kể từ ngày ban cấp điều trị tại căn. Tuy nhiên, như đã nói trên đây, những hậu quả của hôn nhân có hiệu lực hồi tố, nghĩa là kể từ ngày cử hành hôn lễ.

Việc điều trị tại căn cũng như những sự hữu hiệu hóa đơn thường với thể thức luật định, phải được ghi chú vào sổ hôn phối để làm bằng chứng.

 


[1] Rituale Romanum ex decreto Sacrosancti OEcumenici Concilii Vaticani II renovatum auctoritate Pauli PP. VI editum Ioannis Pauli PP. II cura recognitum. Ordo celebrandi Matrimonium, editio typica altera,

Typis Polyglottis Vaticanis 1991.

[2] Không phải chỉ vì lý do trọng thể, nhưng vì muốn nêu bật mối liên hệ giữa bí tích hôn phối với bí tích Thánh Thể (FC 57).

[3] Đó là: Tam nhật Vượt qua, lễ Giáng sinh, Hiển Linh, Thăng Thiên, Hiện xuống, các chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và Phục sinh, Thứ tư lễ tro, các ngày tuần thánh và tuần bát nhật Phục sinh, các lễ trọng, và lễ tất cả các linh hồn.

[4] Thời xưa, nhẫn được trao vào lễ hỏi, như là bảo chứng của lời cam đoan kết hôn. Thời Trung cổ được đưa vào lễ cưới. Trước đây, chú rể xỏ nhẫn cho cô dâu; ngày nay, cả hai bên xỏ nhẫn cho nhau.