Phan Tấn Thành
Trong bài này chúng tôi muốn giới thiệu các kinh nguyện Chúa Thánh Thần trong các bản văn phụng vụ, và cụ thể là: 1/ Các kinh nguyện trong Sách Lễ Roma. 2/ Thánh thi Veni Creator Spiritus trong Phụng vụ Kinh chiều. 3/ Ca tiếp liên lễ Chúa Hiện xuống: Veni Sancte Spiritus. Tuy nhiên, trước khi vào vấn đề, thiết tưởng nên nói đôi lời về Kinh Kính Chúa Thánh Thần mà chúng ta vẫn quen đọc.
Lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần
Ở Việt Nam, mỗi lần bắt đầu giờ kinh, liền sau khi làm dấu thánh giá, người ta xướng kinh cầu khẩn Chúa Thánh Thần: “Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng…”. Bản dịch kinh này không được sáng sủa cho lắm, và các danh xưng “Đức Chúa Thánh Thần” và “Đức Chúa Trời” cứ chen lẫn với nhau, khiến cho người đọc dễ rối trí.
Thực ra kinh này gồm bởi ba phần, cần được tách ra, chứ không nên đọc liền một mạch từ đầu đến cuối: phần thứ nhất là lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần; phần thứ hai là hai câu xướng đáp; phần thứ ba là lời nguyện hướng lên Chúa Cha. Xin trình bày lại với một bản dịch mới.
1/ Phần thứ nhất là lời khẩn nguyện Chúa Thánh Thần, trích từ điệp ca của Thánh Ca Tin mừng, Kinh Chiều Một của lễ Ngũ tuần, theo bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh phụng vụ như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài làm cho các dân tộc tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng vẫn cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất, xin ngự đến tâm hồn các tín hữu và làm cho họ cháy lửa yêu mến Ngài”.
2/ Phần thứ hai là hai câu xướng đáp: “Xin Chúa sai Thánh Linh xuống tác tạo mọi sự / và canh tân bộ mặt trái đất”. Hai câu này được trích từ thánh vịnh 103, câu 30.
3/ Phần thứ ba là lời nguyện dâng lên Chúa Cha: “Lạy Chúa, khi trao ban Thần khí cho tín hữu, Chúa soi lòng mở trí để giúp họ đón nhận chân lý vẹn toàn. Xin dạy chúng con biết để cho Thần khí hướng dẫn hầu nhận ra những gì ngay chính và cảm thấy Người luôn bảo trợ chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen”
(1) Trong phần thứ nhất, tư tưởng nổi bật nhất là nhắc lại biến cố Ngũ Tuần. Thánh Linh là nguyên ủy hợp nhất trong Hội thánh: tuy dù các tín hữu thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng họ cùng hợp nhất trong một lời tuyên xưng và chúc tụng. Các giáo phụ coi biến cố Ngũ Tuần như lật ngược lại biến cố tháp Babel (x. St 11,1-9): sự khác biệt ngôn ngữ không còn là yếu tố gây chia rẽ giữa các dân tộc nữa, nhưng trở thành sự phong phú của các nét văn hóa trên thế giới (Cv 2,21tt). Thánh Linh là nguyên ủy của sự hợp nhất trong đa dạng. Một công hiệu đặc trưng khác của Thánh Linh là lửa yêu mến đổ xuống tâm hồn các tín hữu. Đây là một tư tưởng trích từ thánh Phaolô (Rm 5,5).
(2) Hai lời xướng đáp cầu xin Thiên Chúa sai thần khí đến tái tạo mọi sự. Thánh Linh được tuyên xưng là “Thần khí tác tạo” vào buổi đầu lịch sử vũ trụ (St 1,2). Các ngôn sứ, đặc biệt là Êdêkiel, mô tả tác động chính yếu của Thần Khí như là thực hiện cuộc tái tạo vũ trụ, mang lại sinh khí trên những đống xương khô (Ed 37,9) cũng như canh tân trái tim và thần trí (Ed 36, 26). Nối tiếp tư tưởng ấy, thánh Phaolô nói đến sự trông mong của muôn loài thụ tạo được giải thoát vạn vật khỏi cảnh hư nát nhờ Thần khí (Rm 8,23), và cách riêng tái tạo con người mới, trở thành nghĩa tử Thiên Chúa (Rm 8,14-16).
(3) Lời tổng nguyện được trích từ Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống (bản văn Sách Lễ Rôma), nhưng sau công đồng Vaticanô II lời nguyện này được đưa vào lễ ngoại lịch. Nội dung dựa trên tư tưởng của Tin mừng thánh Gioan về Thánh Linh. Thánh Linh, mang danh là Paraclitus (Đấng bảo trợ, an ủi), được hứa sẽ đến để giúp các tín hữu hiểu rõ lời Chúa hơn và đạt đến chân lý toàn vẹn (Ga 16,13-14). Thánh Linh cũng sẽ an ủi khích lệ các tín hữu trong cuộc sống đức tin.
I. Các lời nguyện kính Chúa Thánh Thần trong Sách Lễ Rôma
Trong tuần lễ từ thứ hai sau lễ Thăng Thiên cho đến Lễ Hiện Xuống, Sách Lễ Rôma đã thu thập rất nhiều lời nguyện liên quan đến Chúa Thánh Linh. Nên lưu ý là các lời nguyện hướng lên Chúa Cha, xin ban Thánh Linh cho chúng ta, cùng với những ân huệ khác nhau.
1/ Thứ hai sau Chúa nhật VII Phục sinh
Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa ban sức mạnh Thánh Thần cho chúng con, để chúng con hằng nhận ra thánh ý và sống sao cho đẹp lòng Chúa suốt đời.
Nội dung: Xin cho biết tuân theo ý Chúa (x. Ed 36,27; Gr 31,31-34).
2/ Thứ ba
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin Chúa cử Thánh Thần đến ngự trong tâm hồn chúng con, để Người biến đổi chúng con thành đền thờ vinh quang của Người.
Nội dung: Xin được trở nên đền thờ Thánh Linh (x.1Cr 6,19). Thánh Linh ngự trong chúng ta như trong một ngôi nhà (Rm 8,9-11), biến chúng ta thành ngôi đền sống động của Thiên Chúa (Rm 5,5; 8,15; Gl 4,6).
3/ Thứ tư
Lạy Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, Chúa đã sai Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh; xin cho cộng đoàn tín hữu chúng con đem hết nhiệt tình phụng sự Chúa và luôn luôn hiệp nhất cùng nhau.
Nội dung: Xin ơn hiệp thông. Duy Thánh Linh mới có khả năng liên kết các đoàn dân đang tản mác (x. Mt 23,37; Ga 11,51-52).
4/ Thứ năm
Lạy Chúa, xin tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để Người biến đổi lòng chúng con, giúp chúng con ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa như những người con thảo.
Nội dung: Xin ban một quả tim mới (x.Ed 36,26-27) để sống đẹp lòng Chúa cũng như hợp tác vào chương trình cứu độ.
5/ Thứ sáu
Lạy Chúa, Chúa đã tôn vinh Ðức Kitô và tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần, hầu mở đường cho chúng con vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa đã ban ơn trọng đại này cho chúng con, xin cũng làm cho chúng con thêm lòng tin kính để phụng sự Chúa tận tình.
Nội dung: Xin ánh sáng của Thánh Linh (Ga 16,14) để tăng tiến trong đức tin và việc phụng sự.
6/ Thứ bảy
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con được hoan hỷ sống trọn mùa Phục Sinh này; xin Chúa cũng ban ơn giúp chúng con biết ăn ở thế nào để chứng tỏ Ðức Kitô đã đổi mới chúng con.
Nội dung: xin ơn làm chứng tá cho Đức Kitô.
7/ Lễ Vọng
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn chúng con dành trọn năm mươi ngày để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Xin tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần, để các dân tộc trên thế giới, tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.
Nội dung: Xin được hợp nhất trong việc tuyên xưng đức tin (Cv 2,21).
Hoặc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho ánh huy hoàng rực rỡ của Chúa là chính Ðức Kitô, giãi sáng trên chúng con. Và xin ban sức mạnh của Thánh Thần làm cho tâm hồn con cái Chúa, đã được tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy, ngày càng thêm bền vững trung kiên.
Nội dung: Xin ngọn lửa Thánh Linh chiếu sáng và thanh tẩy các tâm hồn.
8/ Lễ Ngũ Tuần
Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới.
Nội dung. Xin tái diễn công trình lễ Ngũ tuần (Cv 2,5-11).
II. Thánh thi Kinh chiều Lễ Ngũ Tuần: Veni Creator SpiritusTác giả bài thánh thi được gán cho Rabano Mauro, một tác giả sống vào cuối thế kỷ VIII và đầu thế kỷ IX (+856), viện phụ Fulda, về sau làm giám mục Mainz (Đức). Thánh thi gồm 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, với cấu trúc như sau:
Đoạn 1. Khẩn cầu Thánh Linh dưới tước hiệu “Thần khí sáng tạo” (Creator Spiritus: Tv 103,30), với ba động từ diễn tả hoạt động tiệm tiến: “hãy đến, hãy viếng thăm, hãy đổ đầy” (veni – visita – imple).
Đoạn 2 và 3. Tuyên xưng các tước hiệu của Thánh Linh liên quan đến tác động trong lịch sử cứu độ, dựa theo các bản văn của Tin mừng Gioan, Luca, Tông đồ công vụ: Đấng Bảo trợ (Paraclitus: Ga 14,16.26; 15,26; 16,7); Tặng phẩm của Thiên Chúa(Donum Dei: Lc 4,49; Cv 1,8; 2,38); Mạch nước sự sống(Fons vitae: Ga 4,14); Lửa (Ignis: Cv 2,3; Lc 3,16); Tình yêu (Caritas: Rm 5,5);Xức dầu (Unctio: Lc 4,18; x. Is 61,1-2).
Kế đó, trong đoạn 3: Kẻ ban 7 hồng ân (x. Is 11,1-2); Ngón tay phải của Chúa (Digitus paternae dexterae: Lc 11,20; Mt 2,8); Lời hứa của Chúa Cha (Promissum Patris: Lc 24,49; Cv 1,3); ơn ngôn ngữ (Cv 2,4).
Đoạn 4-5. Khẩn cầu sự can thiệp của Thánh Linh, qua việc kể ra những tác dụng nơi con người đầy yếu đuối: soi sáng trí khôn, hâm nóng trái tim, chữa lành bệnh tật, xua đuổi địch thù.
Đoạn 6. Kết thúc, với lời tuyên xưng bản tính của Thánh Linh trong tương quan với Chúa Cha và Đức Kitô. (Nên biết là đôi khi có bản còn thêm đoạn 7 mang tính vinh tụng ca).
Nguyên bản latinh
Veni, Creator Spiritus
Mentes tuorum visita
Imple superna gratia
Quae tu creasti pectora.
Qui diceris Paraclitus,
Altissimi donum Dei,
Fons vivus, ignis, caritas,
Et spiritalis unctio.
Tu septiformis munere,
Digitus paternae dexterae;
Tu rite promissum Patris,
Sermone ditans guttura.
Accende lumen sensibus,
Infunde amorem cordibus,
Infirma nostri corporis,
Virtute firmans perpeti.
Hostem repellas longius,
Pacemque dones protinus,
Ductore sic te praevio,
Vitemus omne noxium.
Per te sciamus da Patrem,
Noscamus atque Filium,
Teque utriusque Spiritum
Credamus omni tempore.
Deo Patri sit gloria
Et Filio, qui a mortuis
Surrexit, ac Paraclito,
In saeculorum saecula
Các bản dịch Việt ngữ
Nên biết là trong tiếng Việt có một bài ca dựa theo cung hát trong nguyên bản Latinh (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm, soi lòng con đây u minh tối tăm) nhưng không dịch sát tư tưởng. Một bản dịch khác trong Sách Các Giờ kinh Phụng vụ cố gắng dịch sát tư tưởng nhưng không thể hát với cung điệu của tiếng Latinh. Một bản dịch thứ ba của Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam vừa muốn sát cung điệu vừa muốn dịch trung thành với tư tưởng. Chúng tôi xin trưng dẫn cả ba bản.
[1] Bài ca của Nguyễn Văn Vượng
1. Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm, soi lòng con đầy u mê tối tăm. Hộ giúp con cầm trí cầu xin nên, mở miệng cao rao thánh danh Người luôn.
2. Thêm sức cho con phá tan chước ma, xua đàn Sa-tan quân ra rất xa. Nhờ Chúa bênh vực dẫn đàng soi chỉ, để con được yên trí không sợ nguy.
3. Ao ước trông mong các ơn Chúa ban, như mạch thông ra luôn ơn chứa chan, mà tưới cho lòng kẻo còn khô khan, rửa linh hồn nhơ uế nơi trần gian.
4. Con dám xin tin kính Ngôi Chúa Cha, tin thật Ngôi Hai: Cha sinh phát ra, và Chúa Thánh Thần quả là Ngôi Ba, bởi Cha Con yêu mến nhau mà ra.
5. Con kính tôn Ba Ngôi thương xót thay, tác thành nên cho thân con sống nay, đành chết khổ hình cứu chuộc tội con, Khấng đoái thương ban ơn đêm ngày luôn.
[2] Bản dịch Nhóm Các Giờ Kinh Phụng vụ
Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.
Tôn hiệu Chúa chính là Người Bảo Trợ,
Là món quà của Thiên Chúa tối cao,
Là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào,
Ấn Thiên Chúa đóng vào hồn tín hữu.
Là nguồn mạch bảy hồng ân kỳ diệu,
Là ngón tay thần diệu Chúa thiên đàng,
Và chính là ơn Cha hứa tặng ban
Cho tín hữu nói năng thật lợi khẩu
Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não,
Đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn
Thân yếu hèn giòn mỏng của chúng con
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng.
Xin xua đuổi địch thù cho khuất dạng
Chúng con liền vui hưởng phúc bình an.
Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đàng,
Là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại.
Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái,
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân.
Và hằng tin : Ngài là chính Thánh Thần
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt.
[3]. Bản dịch của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam
(hát theo cung điệu bình ca tiếng La tinh)
Xin Thánh Linh Thiên Chúa thương đến thăm
Viếng hồn những kẻ tin Cha hết tâm
Tràn đổ ơn thiêng thấm nhuần sâu xa
Chúng con tin Chúa đã tác thành ra.
Nay Chúa mang Danh tước Đấng Ủi An
Chúa là gia sản do Thiên Chúa ban
Là suối nhiệm, là lửa nồng yêu thương
Chúa thấm nhuần lý trí như dầu thơm
Nơi Chúa bảy ơn thánh lênh láng tuôn
Chúa là thần lực tay Cha chí nhân
Là Đấng xưa Người hứa thề sẽ ban
Mở tâm hồn tín hữu tin lời thiêng
Xin thắp lên ánh sáng soi trí khôn
Trút ngập yêu thương cho tâm trí con
Thể xác yếu hèn Chúa làm mạnh hơn
Bởi thần lực kiên vững bảo toàn luôn
Bao chước mưu gian ác xin phá tan
Giữ gìn đoàn con trong ơn thái an
Được Chúa bảo tồn dắt dìu đường đi
Chúng con mong lánh thoát muôn hại nguy
Xin Chúa thương cho biết Cha chí nhân
Mở lòng soi tỏ cho biết Chúa Con
Và vững tâm luôn giữ một niềm tin
Ở Thánh Linh bởi Chúa Cha và Con
Muôn phúc vinh dâng tiến Ngôi Chúa Cha
Chúc tụng Đấng Phục sinh trong ánh quang
Cùng với Thánh Linh Đấng là ủi an
Đến muôn đời vinh phúc nơi diệu quang.
III. Ca tiếp liên Veni Sancte Spiritus
Bài thánh ca này được sáng tác vào khoảng 1150-1250, được gán cho Hồng y Stephan Langton, Tổng giám mục Canterbury, (cũng có người gán cho Đức Giáo hoàng Innocentê III).Cần phải đọc tiếng Latinh, mới thấy được các âm vận cũng như nhịp nhàng của nó. Song song với nguyên bản là bản dịch của Sách Các Giờ kinh Phụng vụ
Veni, Sancte Spiritus, Muôn lạy Chúa Thánh Thần,
Et emitte caelitus xin ngự đến trần gian,
Lucis tuae radium. tự trời cao gửi xuống,
nguồn ánh sáng tỏa lan.
Veni, pater pauperum, Lạy Cha kẻ bần hàn,
Veni, dator munerum, Đấng tặng ban ân điển,
Veni, lumen cordium. và soi dẫn nhân tâm,
cúi xin Ngài ngự đến.
Consolator optime, Đấng ủi an tuyệt diệu
Dulcis hospes animae, thượng khách của têm hồn,
Dulce refrigerium. ôi ngọt ngào êm dịu
dòng suối mắt chảy tuôn.
In labore requies, Khi vất vả lao công,
In aestu temperies, Ngài là nơi an nghỉ,
In fletu solatium. gío mát đuổi cơn nồng,
tay hiền lau gịot lệ.
O lux beatissima, Ôi hào quang linh diệu,
Reple cordis intima xin chiếu giãi ánh hồng
Tuorum fidelium. vào tâm hồn tín hữu,
cho rực rỡ trinh trong.
Sine tuo numine Không thần lực phù trì
Nihil est in homine, kẻ phàm nhân cát bụi,
Nihil est innoxium. thật chẳng có điều chi
mà không là tội lỗi.
Lava quod est sordidum, Hết những gì nhơ bẩn,
Riga quod est aridum, xin rửa cho sạch trong,
Sana quod est saucium. tưới gội nơi khô cạn,
chữa lành mọi vết thương.
Flecte quod est rigidum, Cứng cỏi uốn cho mềm,
Fove quod est frigidum, lạnh lùng xin sưởi ấm,
Rege quod est devium. những đường nẻo sai lầm,
sửa sang cho ngay thẳng.
Da tuis fidelibus Những ai hầng tin tưởng
In te confidentibus trông cậy Chúa vững vàng,
Sacrum septenarium. dám xin Ngài rộng lượng,
bảy ơn thánh tặng ban.
Da virtutis meritum, Nguyện xin Chúa thưởng công
Da salutis exitum, cuộc đời dày đức độ,
Da perenne gaudium. ban niềm vui muôn thuở
sau giờ phút lâm chung.
Bài thánh ca này rất súc tích về thần học Thánh Linh, gồm 10 phiên khúc, với hai chuyển động chính: trước hết là tuyên xưng chúc tụng (4 phiên khúc đầu), kế đó là khẩn nài (phần còn lại).
Khởi đầu là động từ “veni” (hãy đến), được lặp lại 3 lần ở phiên khúc thứ hai. Động từ này đối lại với 3 lần “da” (hãy ban) ở phiên khúc cuối(và mở đầu phiên khúc áp cuối). Lời khẩn nài mang tính cách epiclesis giống như trong Kinh nguyện Tạ ơn. Ơn đầu tiên khẩn xin là “ánh sáng”, giống như vào hồi tạo dựng (St 1,3). Nhờ ánh sáng đó, chúng ta mới biết nhận ra giá trị của muôn vật dưới viễn tượng của Thiên Chúa.
Phiên khúc thứ hai kêu cầu Thánh Linh dưới ba danh hiệu: “Cha kẻ khó nghèo” (Thánh Linh xuất phát từ Cha, nguồn mọi ân ban: Gc 1,17); “Đấng ban mọi ân huệ” (Thánh Linh cũng xuất phát từ Lời, nhờ đó muôn loài được dựng nên: Ga 1,3); “Ánh sáng cho tâm hồn”, vì là thần khí dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn (Ga 14,17; 16,13).
Phiên khúc thứ ba tiếp tục với việc tuyên xưng ba danh hiệu: “Đấng an ủi” (Phiên dịch danh xưng Paraclitus theo thánh Gioan: bảo trợ, an ủi); “Khách trọ của linh hồn” (Thánh Linh chọn linh hồn làm nơi cư ngụ: Rm 8,9.11); “Dòng suối mát mẻ” (nhờ những hoa trái mà Thánh Linh mang lại: bác ái, hoan lạc, bình an, vv. Gl 5,22).
Sau những lời tuyên dương sự cao cả của Thánh Linh, trong những phiên khúc kế tiếp, tác giả xưng thú tình trạng cùng khốn của con người, cần đến tác động của Thánh Linh: vất vả mệt nhọc (cần nơi an nghỉ: x. Mt 11,28), bức xúc vì những dục vọng (cần sự trấn an), buồn phiền sầu muộn (cần được khích lệ). Trong nơi tối tăm của nghi nan và dốt nát, con người cần đến ánh sáng dẫn đường. Nếu không có sức mạnh của Thánh Linh, con người không thể làm điều gì tốt lành. Thánh Linh mang đến sự thanh luyện, êm ái, chữa lành, uốn nắn cho mềm mại, sưởi ấm lòng băng giá, chỉnh sửa các lệch lạc. Những lời cầu khẩn này nếu bật tác động của Thánh Linh được ngôn sứ Edekiel (36,25-6) và thánh Phaolo nói đến (Rm 8,28).
Sau những lời xưng thú khiêm tốn, hai phiên khúc cuối cùng trở lại với lời khẩn nài « Xin ban »: ban cho tâm tình khiêm tốn tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa (Rm 8,31-32; 1Ga 4,16). Một khi đã tin tưởng, hy vọng, yêu mến, linh hồn sẽ được an nghỉ trong Thiên Chúa như trẻ thơ nép mình trong lòng mẹ (Tv 138), để cho Ngài dẫn dắt đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Nên biết là các sách kinh cổ ở Việt Nam có bản dịch sau đây, được cha Phaolô Đoàn Quang Đạt (1877-1956) phổ nhạc:
Kính nguyện Chúa Thánh Thần
Cực Thánh Ngôi Ba Thiên Chúa
Ơn thiêng liêng cúi đội
Nguyện trông hiện xuống phàm gian
Sáng nhiệm bởi trời
Xin thấu thửa lòng chúng tử
Yến Thiêng ở Chúa
Xin soi phô Đấng nhân ban
Chúa là Cha kẻ khó khăn
Rất dong quãng hằng cho ơn phước
Chúa là mạch sự sáng láng
Suốt tâm thần, mọi đấng thế gian
Chúa hay an ủi kẻ âu lo
Ngự linh hồn ý hằng lân mẫn
Chúa hay êm ái kẻ đau đớn
Đổ lòng ai nấy đặng thanh nhàn
Chúa là khỏe chúng bì lao
Thanh lương thoát mọi người nóng nảy
Chúa là vui đoàn thế khắp
An ủi trừ phô kẻ khóc than
Ớ mạch sáng thong dong
Xin đầy dẫy lòng người tin cậy
Nếu không ơn Thần Lực
Chẳng vẹn sạch cả chốn trần gian
Cúi xin Chúa rửa người chẳng sạch
Ngửa trông Cha rưới kẻ khô khan
Cầu khẩn uốn người cứng cỏi
Nài xin chữa kẻ tật tàn
Kẻ xiêu lạc đem vào chính lộ
Người lạnh tâm cho lại ôn quờn
Xin giúp kẻ tin vạn sự
Đặng đầy lòng ơn trọng thất đoan
Việc phước đức xin Chúa trả công
Khi lâm tử chin trời siêu độ
Sự oán thù xin tôi vẹn khỏi
Ngày mạng chung xin kiếp hỷ hoan
Trong ơn bảy đượm nhuần
Lạy Ngôi Ba Tôn Thánh. Amen.