John R. Donahe[1]
Mục đích của bài viết này nhằm cống hiến một vài suy tư về linh đạo linh mục, có thể áp dụng cho cả linh mục thừa tác lẫn những ai đang thực hiện thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh hôm nay.
Linh đạo là những kinh nghiệm sống động về niềm tin Kitô giáo, theo nghĩa phổ quát cũng như chuyên biệt. Linh đạo bao gồm: những cảm nghiệm về Thiên Chúa hay một hệ thống niềm tin và xác tín, bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc về bản thân mình và thế giới, hoặc một lối sống gồm những thực hành cụ thể phát xuất từ kinh nghiệm và niềm tin, có khả năng cổ vũ một lối sống tiêu biểu.Hiểu như vậy, người ta có thể nói về các linh đạo khác nhau trong truyền thống Kitô giáo: linh đạo Inhaxio, linh đạo Phanxicô, linh đạo Đaminh,.v.v… là những hệ thống niềm tin và xác tín bén rễ sâu vào kinh nghiệm của Đấng sáng lập và của thế hệ Đấng sáng lập, được kết tinh thành một lối sống và được thể hiện trong thực tiễn của cuộc sống.
Linh đạo linh mục bám rễ sâu trong Thánh Kinh, trong ký ức đã được truyền thống Giáo Hội lưu giữ và trong kinh nghiệm sống của chức linh mục. Chức linh mục đã từng có những hình thái khác nhau trong dòng lịch sử của Giáo Hội. Trong giai đoạn tiền Constantinople, mô hình “trưởng lão” chiếm ưu thế, linh mục chủ yếu là cố vấn và phụ tá Giám mục. Thần học thời trung cổ và hậu Tridentino, đề cao mô hình tư tế, linh mục chủ yếu là con người của phụng tự thánh thiêng, hiện tại hóa Đức Kitô trong hy lễ tạ ơn. Công Đồng Vatican II cũng như trong các cuộc tranh luận hậu Công Đồng, nhấn mạnh mô hình chức năng hay thừa tác. Cũng như mọi tổng quát hóa khác các mô hình này cũng có nguy cơ hoặc là đơn giản hóa quá mức hoặc là chồng chéo lên nhau. Và cũng như trong nhiều lãnh vực khác, Công Đồng Vatican II cùng lúc vừa phong phú hóa thần học về chức linh mục vừa bỏ ngỏ nhiều vấn đề. Công Đồng thôi thúc Giáo Hội đi xa hơn quan niệm chức linh mục trong giai đoạn cuối thời Trung cổ và hậu Tridentinô, cơ bản nhất là tập trung vào thừa tác vụ hơn là vào bản thân người linh mục. Sự chuyển hướng này xuất hiện đột ngột trong cấu trúc của sắc lệnh “thừa tác vụ và đời sống các linh mục”. Sắc lệnh, trước tiên đề cập tới thừa tác vụ rồi mới tới đời sống các linh mục. Công Đồng mô tả cả hai chiều kích ngang – dọc của chức linh mục. Các linh mục là những thừa tác viên sống động của Đức Kitô, được thánh hiến để rao giảng Tin Mừng, đồng thời là mục tử hướng dẫn các tín hữu và cử hành phụng vụ thánh. Các thừa tác vụ chính là công bố Lời Chúa và hướng dẫn cộng đoàn Thánh thể, đồng thời cộng tác với các linh mục khác như những người anh em. Đức Hồng Y Avery Dulles [2] đã tóm tắt khéo léo những đóng góp của Công Đồng Vatican II: “Công Đồng Vatican II đáng được ca ngợi vì đã vượt qua được chủ nghĩa cá nhân thái quá của nền thần học hiện đại về chức thánh. Linh mục không còn như trong linh đạo Pháp của thế kỷ XVII. Đơn thuần là một cá nhân đơn độc, từ bỏ thế gian để tu dưỡng bản thân, trau dồi sự thánh thiện hướng về thế giới mai sau. Đúng hơn, linh mục là vị mục tử cộng tác chặt chẽ với đoàn chiên, là thành viên của hàng trưởng lão và là cộng tác viên của Giám mục, hầu thiết lập đời sống cộng đoàn Giáo Hội”.
Công Đồng mô tả đầy đủ hơn các chức năng linh mục, mở rộng thừa tác vụ và trách nhiệm linh mục. Công Đồng cũng gợi lên những căng thẳng mới trong thần học và linh đạo linh mục, đồng thời nêu lên những gì người tín hữu mong đợi ở người linh mục.
Raymond Brown đã diễn tả rất khéo vấn đề này như sau: “Là các thừa tác viên họ phải quan tâm đến cuộc sống của đoàn chiên mà họ là mục tử, đòi hỏi hàng giáo sĩ phải chia sẻ cuộc sống và những vấn đề thường ngày. Là những tư tế họ được mời gọi đại diện cộng đoàn cách đặc biệt trước Thiên Chúa chí thánh, đồng thời cũng đòi hỏi, họ phần nào được tách biệt và dâng hiến đặc biệt cho Thiên Chúa”.
Công Đồng Vatican II cũng kêu gọi Giáo Hội canh tân chính mình bằng việc chuyên chú học hỏi Thánh Kinh. Tại đây phát sinh một vấn đề liên quan tới chức linh mục: Tân Ước không trình bày rõ ràng về linh đạo linh mục. Chức linh mục như một chức vụ riêng biệt không được tìm thấy trong Tân Ước. Thuật ngữ chức linh mục được áp dụng cho một mình Đức Giêsu Thượng tế, chỉ thấy trong thư Do thái, hoặc được áp dụng cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Trước việc thiếu bằng chứng về chức linh mục, việc nghiên cứu về linh đạo linh mục thường dựa trên gương mẫu, đời sống và giáo huấn của Đức Giêsu, rồi được giải thích theo thuật ngữ tư tế, rút ra từ thư gửi tín hữu Do thái. Tuy nhiên, vì linh đạo linh mục tại Công Đồng Vatican II nhấn mạnh về phương diện ơn gọi, sứ vụ là thừa tác vụ, nên đời sống và sự nghiệp của thánh Phaolô có thể được coi là mô hình cho linh đạo thừa tác vụ và tư tế hiện nay.
I. PHAOLÔ: MỘT MÔ HÌNH CHO LINH ĐẠO TƯ TẾ VÀ THỪA TÁC
Quay trở lại với thánh Phaolô để làm nổi bật một số khía cạnh về linh đạo linh mục cần có thái độ thận trọng: không nên tiên thiên khẳng định Phaolô là một linh mục. Căn tính của ngài là căn tính Tông đồ, người đầy tớ của Đức Kitô và người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (1Cr 4,1), là người công bố Tin Mừng cho dân ngoại, đồng thời là một nhà truyền giáo. Tuy nhiên, đời sống của ngài gồm đủ các yếu tố mà ngày nay chúng ta cho là cần thiết đối với linh mục thừa tác và tư tế. Cảm thức của ngài về ơn gọi và sứ vụ bám rễ sâu trong cảm nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa. Ngài tự nhận thức mình là người công bố Tin Mừng về biến cố Đức Kitô. Ngài hoạt động với sự cộng tác chặt chẽ của các cộng đoàn. Chính sự khắng khít đó là thời cơ cho linh đạo của ngài hình thành và ứng dụng. Ngài quan tâm đến sự thánh thiện của cộng đoàn.
Phaolô thường xuyên nói về ơn gọi của mình là do sức mạnh phi thường của tình yêu nhân hậu và độ lượng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã kêu gọi ngài và dành riêng ngài ra nhờ ân sủng (Gl 1,15), cuộc đời của ngài đã được biến đổi hoàn toàn và những gì xưa kia ngài coi là có lợi thì nay ngài cho là thiệt thòi so với “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu cứu Chúa của tôi” (Pl 3,7-8). Ơn gọi của Phaolô đã biến ngài thành Tông đồ và là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (1 Cr 4,1). Mặc dù Phaolô không bao giờ mô tả mình là linh mục, nhưng có những âm vang của ngôn ngữ linh mục trong các thư của ngài (Rm 12,1-2 ; Pl 2,17). Ấn tượng nhất là ngài đã dùng ngôn ngữ linh mục để tóm tắt ơn gọi và sứ vụ của ngài. Gần cuối bức thư gửi tín hữu Roma và cũng là bức thư đậm nét thần học nhất, trong đó ngài đã bộc lộ những mối quan tâm sâu sắc của ngài: “Ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi là làm thừa tác viên của Đức Kitô Giêsu giữa các dân ngoại, hoàn thành dịch vụ tư tế của Tin Mừng, để lễ phẩm của dân ngoại có thể được Thánh Thần chấp nhận và thánh hóa. Vậy trong Đức Kitô Giêsu, tôi có lý do hãnh diện về những gì thuộc về Thiên Chúa” (Rm 15, 15- 17).
Đoạn văn ngắn gọn này bao gồm những yếu tố thiết yếu bộc lộ ý thức thừa tác của ngài. Nguyên động lực hoạt động của Phaolô là tình yêu nhân hậu và độ lượng của Thiên Chúa. Hồng ân đó vẫn tiếp tục nâng đỡ ngài. Chính nhờ hồng ân này mà ngài trở thành thừa tác viên của Đức Kitô Giêsu (ở đây hạn từ thừa tác viên không phải là từ diakonos thông thường, nhưng là từ Leitourgos, từ này được dùng chỉ cả người được tuyển chọn cho việc phụng tự lẫn người được tuyển dụng làm đại biểu chính thức nữa). Thừa tác vụ này dẫn đến sứ vụ là công bố Tin Mừng cho dân ngoại. Phaolô gọi hoạt động truyền giáo của ngài là dịch vụ tư tế nghĩa là hành động với tư cách là một linh mục cho Tin Mừng. Cụm từ khác thường này xác định thừa tác vụ của ngài đối với dân ngoại, làm cho họ trở thành dân tư tế để lễ phẩm của họ được chấp nhận và được Thánh Thần thánh hóa. Phaolô thực hiện công tác này vì Tin Mừng và đối với ngài, Tin Mừng mang ý nghĩa cứu độ, nhờ sự sống, sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu, là sức mạnh đem lại ơn cứu độ cho mọi tín hữu. Tin Mừng vừa là uy quyền tối hậu vừa là động lực thúc đẩy sứ vụ của Phaolô.
Đoạn văn này bao gồm những yếu tố thiết yếu cho linh đạo linh mục hôm nay. Thừa tác vụ linh mục là sự đáp trả tình yêu nhân hậu và độ lượng của Thiên Chúa. Chính tình yêu này mời gọi con người loan báo và sống Tin Mừng. Đó cũng là lời mời gọi cho sứ vụ, vì nhà truyền giáo là dụng cụ của Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên một dân thánh tức là dân tư tế.
II. TRỌNG TÂM THỪA TÁC VỤ LỜI CHÚA
Thánh Phaolô thường xuyên tự mô tả mình là người loan báo Tin Mừng. Trong bức thư đầu tiên, ngài khẳng định mình đã được Thiên Chúa chuẩn nhận giao phó Tin Mừng (1 Tx 2,4). Cùng một phong cách, ngài viết cho tín hữu Côrintô: “Vì Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1 Cr 1,17). Gần kết thúc các hoạt động truyền giáo, ngài nói với tín hữu Roma rằng ngài đã được dành riêng để loan báo Tin Mừng (Rm 1,1) và ngài “nóng lòng rao giảng Tin Mừng cho Anh em” vì “Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1,15-16). Tin Mừng Phaolô rao giảng không phải chỉ là sứ điệp trừu tượng về ơn cứu độ, cũng chẳng phải là một chuỗi những lời khẳng định về Đức Kitô (chẳng hạn : “Đức Giêsu là Chúa”) mà con người được mong đợi phải thấu triệt. Đúng hơn, Tin Mừng là sức mạnh cứu độ do chính Thiên Chúa tuôn đổ vào dòng lịch sử loài người qua bản thân, thừa tác vụ, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Hiệu quả là con người có thể nhận lãnh ơn cứu độ nhờ tin vào Thiên Chúa.
Ưu tiên loan báo Tin Mừng là một trong những đóng góp lớn nhất của Công Đồng Vatican II đối với thừa tác vụ linh mục. Phản ứng lại phong trào “chỉ một mình Kinh thánh của nhóm cải cách Tin lành, chén thánh và bàn thờ, một thời đã trở thành biểu tượng của Giáo Hội Công giáo và linh mục chủ yếu được quan niệm là vị chủ sự lễ tế tạ ơn. Lúc đó trong cả thần học và mục vụ, việc rao giảng và nghiên cứu Thánh Kinh dựa trên nền tảng Kinh thánh thường bị xao lãng. Trong sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống các linh mục chúng ta đọc được: vì các linh mục chia sẻ chức năng của các Tông đồ nên họ là sứ giả của Tin Mừng và thừa tác vụ của họ khởi đi từ việc loan báo Tin Mừng, một thừa tác vụ trực tiếp qui hướng và đạt tới viên mãn trong cử hành Thánh Thể. Điểm đầu tiên được liệt kê trong các thừa tác vụ linh mục là việc công bố Lời Chúa, vì dân Chúa được qui tụ trong sự hiệp nhất nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống. Lời đó không cần tìm ở đâu khác hơn trên môi miệng các linh mục.
Trọng tâm việc công bố Tin Mừng của Phaolô và được Công Đồng Vatican II nêu bật, có những hàm ý quan trọng đối với đời sống linh mục ngày nay. Andrew Gruley khẳng định rằng kết luận có ý nghĩa nhất trong cuộc nghiên cứu của ông: “ảnh hưởng quan trọng nhất trên cách ứng xử của những người Công giáo Hoa kỳ là cung cách hành động về mặt tôn giáo của các cặp vợ chồng. Ảnh hưởng quan trọng thứ hai là chất lượng các bài diễn giảng Chúa nhật tại các giáo xứ địa phương. Chẳng còn gì đáng ước mong hơn”. Thành quả này không chất thêm gánh nặng lên vai các linh mục vốn đã quá vất vả, nhưng chỉ khích lệ các ngài lựa chọn những ưu tiên trong số những đòi hỏi đang trĩu nặng trên vai các ngài. Việc nghiên cứu và suy niệm Thánh Kinh cùng với việc dành thời giờ chuẩn bị bài diễn giảng không phải là trốn chạy mối quan tâm mục vụ, trái lại chúng chính là trọng tâm thừa tác vụ mục vụ vậy.
Uy tín và năng lực của các linh mục ngày nay phụ thuộc vào thừa tác vụ Lời Chúa. Qua việc thu nhận thánh chức và ơn gọi, linh mục được trao quyền công bố Tin Mừng. Bài diễn giảng trong bối cảnh này được định nghĩa là “sự giải thích về thực tại con người dựa trên Thánh Kinh, có thể làm cho cộng đoàn nhận ra sự hiện diện năng động của Thiên Chúa ngõ hầu đáp lại sự hiện diện đó với tất cả niềm tin, dẫn đến một đời sống đồng hình đồng dạng với Tin Mừng”. Bài diễn giảng không nhất thiết phải chú tâm vào mọi vấn đề luân lý thời đại, linh mục cũng không nên chỉ là máng chuyển tải các giáo huấn của Giáo Hội. Khi được công bố với tất cả sự cẩn trọng và niềm tin, nguyên Lời Chúa đã tiềm tàng ấn tích (a sacramental character) có thể tác động và biến đổi cuộc sống con người. Thánh Phaolô nói trực tiếp về vấn đề này: “tôi trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6).
III. GẮN BÓ VỚI KINH NGHIỆM SỐNG CỦA CỘNG ĐOÀN
Các mối liên hệ giữa Phaolô với cộng đoàn Côrintô mở ra một cơ hội thực hiện thừa tác vụ và linh đạo của ngài. Các mối liên hệ của ngài với cộng đoàn này thật đau thương, kéo dài 4, 5 năm và cần đến những bức thư và những cuộc thăm viếng. Trong 1 Cr, ngài nêu ra hàng loạt vấn đề mà đối với các mục tử trung bình thời nay, nếu phải đối đầu, có lẽ họ chỉ mong sao chóng được về hưu dưỡng. Nào là sự chia rẽ trong giáo đoàn (1 Cr 1,4); một bản liệt kê các vấn đề dục tính kể cả loạn luân (1 Cr 5,1-13); tệ nạn mại dâm (1 Cr 6,12); việc kiện cáo tố tụng giữa các thành viên trong Giáo Hội (1 Cr 6,1-11); những trường hợp hôn nhân khác đạo (1 Cr 7); phân biệt giai cấp xã hội (1 Cr8-10); tranh cãi về vai trò phụ nữ nơi thờ phượng (1 Cr 11,1-16); phải cử hành Thánh Thể làm sao (1 Cr 11,17-34); tự phụ về những đặc sủng (1 Cr 12,1-3); căn bản thần học rất hàm hồ về kẻ chết sống lại (1 Cr 15). Tình huống trong thời điểm các thư Côrintô được gửi đi rất tồi tệ. “Siêu Tông đồ” xuất hiện tấn công Tin Mừng của Phaolô, chê bai ngài thiếu tài ăn nói (2 Cr 10,10). Mặc dầu Phaolô không ngần ngại đối lại những lời buộc tội của họ và bênh vực cho Tin Mừng mình rao giảng với tài lợi khẩu đáng kể, nhưng những cuộc tranh cãi gay gắt cũng khiến ngài rất đau buồn. Dù thế nào nó vẫn là cơ hội giúp ngài lớn lên trong mầu nhiệm Đức Kitô Giêsu.
Khởi đầu thư 2 Côrintô, lúc cuộc khủng hoảng đã lên tới đỉnh điểm, Phaolô viết: “Thật thế, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên Axia, chúng tôi đã bị chèn ép quá sức chịu đựng, hầu như tuyệt vọng. Chúng tôi cảm thấy như đã nhận án tử nơi chính bản thân rồi, nhưng chính điều đó lại làm cho chúng tôi không còn tin tưởng vào chính mình mà vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết chỗi dậy. Người đã cứu chúng tôi khỏi hiểm nguy “chết người” và sẽ còn cứu chúng tôi. Chúng tôi đặt hy vọng vào Người là Người sẽ còn cứu chúng tôi nữa” (2 Cr 1,8-10).
Các học giả còn tranh cãi về bản chất nỗi gian truân của Phaolô tại Axia; bị các nhà cầm quyền Roma bắt bớ, đe dọa kết án tử, đau yếu trầm trọng nơi thân xác, sa sút tinh thần nghiêm trọng do những cuộc tranh cãi gay gắt ở Côrintô. Nhưng đối với Phaolô, đó lại là cơ hội giúp ngài tiếp thu ý nghĩa về thập giá và cuộc phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Và kinh nghiệm đó đối với ngài là một hồng ân, nhờ vậy ngài học được bài học đừng tin cậy ở chính mình, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết chỗi dậy, trường hợp của Phaolô nói đây – ngài đã được cứu khỏi nhiều nỗi gian truân.
Trong các quan hệ bằng thư từ với Côrintô, Phaolô luôn viện dẫn kinh nghiệm bản thân về biến cố Đức Kitô. Để diễn tả “ngôn ngữ thập giá” mà ngài công bố, ngài viết: Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,25). Lúc cuộc tranh cãi đã tới cực điểm, ngài nói: “như người điên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi… vì khi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10) nhờ kinh nghiệm này Phaolô đề cập đến một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong giáo đoàn, việc “ăn của cúng” (1 Cr 8,1-13). Đa số trong giáo đoàn xác tín rằng vì các ngẫu tượng không hiện hữu nên không có vấn đề mua thịt ngoài chợ dân ngoại đã dùng cho các cuộc lễ tế của họ. Thiểu số thì ngại ngùng về vấn đề này và e ngại trước những lời mời dùng bữa có dọn những món thịt loại này.
Về vấn đề này, thái độ của Phaolô thật là dứt khoát, ngài đề ra những nền tảng thần học để giải quyết vấn đề: không có ngẫu tượng nhưng “chỉ có một Thiên Chúa là cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu (1 Cr 8,1), như thế Phaolô đã khẳng định sự tự do của ngài và của cộng đoàn. Còn về phương diện mục vụ ngài biện luận rằng: việc sử dụng tự do không do chọn lựa cá nhân quyết định mà phải nhạy cảm với những anh chị em yếu đuối hơn. Ngài cảnh cáo các cộng đoàn “hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã” và “sự hiểu biết của bạn, có thể làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc” (1 Cr 8,9-11). Những gì ngài khuyên nhủ cộng đoàn, ngài đều thể hiện ngay trong cuộc sống của ngài “nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa” (1 Cr 8,13) “vì mặc dầu tôi là người tự do nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người hầu chinh phục thêm được nhiều người” (1 Cr 9,19). Nguyên tắc thần học căn bản là biến cố Đức Kitô. Đức Giêsu là Chúa vượt trên mọi ngẫu tượng nhưng Người đã chết cho anh em yếu đuối. Người đã từ bỏ sự sống và tự do của Ngài. Tiêu chuẩn cho việc sử dụng sự tự do Kitô giáo không phải là quyền của người mạnh, nhưng là hiệu quả việc sử dụng tự do đối với anh em yếu đuối trong cộng đoàn, Phaolô, vị Tông đồ vĩ đại của tự do, lại muốn từ bỏ sự tự do của mình vì những anh em đã được Đức Kitô chết cho họ. Sau 3 chương biện luận, ngài tuyên bố rõ ràng: “Hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11,1).
Phaolô thể hiện biến cố Đức Kitô trong cuộc sống được phản ánh cả trong lịch sử lẫn phụng vụ bí tích truyền chức. David Power nghiên cứu rộng rãi cả hai lãnh vực này đã viết: “nối kết lý tưởng về mẫu gương linh mục với nhiều chức năng khác nhau được phân định cho các mục tử của Giáo Hội, chúng ta có lý do để khẳng định rằng giữa thừa tác vụ thuộc về cương vị lãnh đạo tinh thần. Cương vị lãnh đạo này được biểu hiện qua mẫu gương đời sống và uy tín đạo đức được liên kết với các chức năng Lời, bí tích và quản trị”.
Các cụm từ được nêu bật ở đây là “mẫu gương linh mục”, “thừa tác vụ lãnh đạo tinh thần”, “được biểu hiện qua mẫu gương đời sống và uy tín đạo đức” nghi thức truyền chức phó tế và linh mục đều nhấn mạnh rằng, đời sống của người được tuyển chọn vào những thừa tác vụ này phải phản ánh chức vụ mình đảm nhận. Khi lãnh sách Tin Mừng, tân chức phó tế được nghe: hãy nhận lấy, Tin Mừng Chúa Kitô, từ nay anh là sứ giả của người. Hãy tin những gì anh đọc, dạy những gì anh tin, thực hành những gì anh dạy. Trong nghi thức truyền chức linh mục, khi trao chén và đĩa thánh Đức Giám mục nói: “Hãy nhận từ dân thánh Chúa những của lễ được dâng tiến Người”. Cần hiểu những gì anh đang thực hiện, bắt chước mầu nhiệm anh đang cử hành, phác họa đời anh theo mầu nhiệm thập giá của cứu Chúa” ơn gọi mà mọi Kitô hữu đón nhận trong bí tích Thánh tẩy “Hãy mặc lấy Chúa Kitô” thì trong thừa tác vụ linh mục ơn gọi đó phải được đón nhận bằng một khẳng định triệt để.
IV. PHAOLÔ: MÔ HÌNH THỪA TÁC VỤ LINH MỤC HỢP TÁC
Mặc dầu thường được coi là một người hình dáng hơi thô kệch, hăng hái di chuyển từ thành này tới thành nọ, chiến lược mục vụ của Phaolô nhất thiết vẫn là hợp tác chặt chẽ với các cộng sự khác. Người cộng sự chính của ngài là Timotheo, đã cùng với Phaolô gửi những bức thư quan trọng như Côrintô, Thessalonica, Philiphe, đồng thời là phái viên được gửi tới các Giáo Hội trọng yếu. Tito cũng là đồng nghiệp và người cộng sự của Phaolô, là đại diện chính thức của các Giáo Hội (2 Cr 8,23). Cặp vợ chồng Prisca và Aquila cũng được chọn là những người cộng sự. Họ đón tiếp Phaolô ở Côrintô (Act 18,12) làm việc với Phaolo ở Epheso, hướng dẫn Apollo vào nẻo đường của Thiên Chúa (Act 18,26) họ lãnh đạo Giáo Hội tư gia tại Epheso (1 Cr 16,19) và Roma (Rm 16,3).
Phaolo không chỉ cộng tác chặt chẽ và cần đến người khác trong sứ vụ và trong việc rao giảng, ngài còn xử sự với họ với hết cả tâm tình. Họ thường được ngài gọi là, những người anh em, là người bạn yêu quí (Rm 16,5) ngài so sánh công việc của ngài tại Thessalonica như phận vụ của một người mẹ nâng niu chăm sóc con cái. Ngài viết: “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã quí mến anh em đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi” (1 Tx 2,7-8), khi phải xa cách cộng đoàn, ngài mong ngóng được gặp lại, được nghe tin tức về họ (1 Tx 2,17-18). Mối liên kết tình cảm quyện xoắn vào mối liên kết cầu nguyện. Phaolô xin cộng đoàn cầu nguyện cho ngài và ngài cũng đáp lại như vậy.Phaolô đã đề nghị một mô hình thừa tác vụ linh mục hợp tác và thân ái. Người ta dự đoán sang thế kỷ 21 sẽ có sự cách biệt càng ngay càng gia tăng giữa các tín hữu và các linh mục hoạt động trong lãnh vực Tông đồ vì thế thừa tác vụ hợp tác là cần thiết, không còn là những thử nghiệm nữa. Tình huống sẽ đòi hỏi các linh mục chấp nhận mẫu lãnh đạo hợp tác. Đó cũng là một hồng ân. Học biết hợp tác cách hữu hiệu và thân thiện trong việc loan báo Tin Mừng và trong công tác lãnh đạo dân chúng các linh mục có thể cống hiến tốt hơn cho việc nghiên cứu Thánh Kinh và cầu nguyện, chuẩn bị những bài diễn giảng liên quan đến những vấn đề tôn giáo của dân Chúa; sẵn lòng giúp đỡ các cá nhân hay các nhóm đánh giá sâu sắc hơn về sức mạnh tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa trong cuộc đời họ. Việc hợp tác như thế cũng ảnh hưởng tới việc cử hành Thánh Thể của linh mục. Hiến chế về phụng vụ thánh của Công Đồng Vatican II nói rằng, mọi cử hành phụng vụ là hành vi của Đức Kitô linh mục và của nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội (n. 7). Và trong thánh lễ tạ ơn, dân Chúa hiến dâng lễ phẩm vô tì tích, không chỉ qua tay linh mục nhưng còn với chính bản thân linh mục, đồng thời họ cũng dâng hiến chính mình nữa. Thánh Thể sẽ là sự trải rộng tình yêu và sự sống mà các linh mục và những người cộng sự trong cộng đoàn tham dự vào.
V. SỰ THÁNH THIỆN CỦA CỘNG ĐOÀN
Phaolô còn bộc lộ một nhận thức quan trọng khác nữa về sứ vụ đối với cộng đoàn là quan tâm đến sự thánh thiện của họ. Một trong những tước hiệu Phaolo thường xuyên sử dụng đối với cộng đoàn là tước hiệu “các thánh”, ngài nói với tín hữu Thessalonica “Thiên Chúa muốn họ nên thánh” (1 Tx 4,3), và nói với các tín hữu Côrintô rằng: “họ được thánh hóa trong Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 1,2).
Đối với con người thời nay, sự thánh thiện thường có những hàm ý tiêu cực. Thật quá táo bạo khi những con người tội lỗi lại gọi nhau là thánh. Ngày nay sự thánh thiện thường được đồng hóa với sự toàn thiện về phương diện luân lý. Tuy nhiên, theo Thánh Kinh, sự thánh thiện chủ yếu thuộc về phạm trù tôn giáo chứ không thuộc phạm trù luân lý. Sự thánh thiện gợi lên cảm thức kính sợ khi đứng trước huyền nhiệm, liên tưởng tới lãnh vực thần linh, tách biệt khỏi thế giới phàm tục. Mặc dầu thường được liên kết với phụng tự và lễ tế, đối với truyền thống ngôn sứ, sự thánh thiện lại thường được áp dụng cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa. John Gamurie khi nghiên cứu về ý nghĩa sự thánh thiện theo Kinh thánh đã viết: “Sự thánh thiện là một sự hiện diện rất ấn tượng, hấp dẫn, có tính chất mời gọi. Nó kêu gọi Israel khát khao sự công chính và lòng nhân hậu là biểu thị tính cách một Thiên Chúa luôn mời gọi”.
Phaolô không chỉ gọi cộng đoàn của ngài là thánh nhưng còn áp dụng cho cộng đoàn đó những hình ảnh thánh thiện được liên kết với việc thờ phượng phụng tự. Thân thể họ là đền thờ Chúa Thánh Thần (1 Cr 6,19), của Thiên Chúa hằng sống (2 Cr 6,16), ngài thúc giục các tín hữu Rôma “hãy hiến dâng thân xác như của lễ sống động thánh thiện đáng Thiên Chúa chấp nhận. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng người (Rm 12,1). Thiên Chúa là Đấng thánh, được ca ngợi không phải chỉ ở trong đền thờ nhưng còn trong cuộc sống thường ngày của dân Chúa. Đây là một nơi thờ phượng mới mẻ.
Một trong những sứ vụ chính của linh mục thừa tác là giúp cộng đoàn ý thức về sự thánh thiện và căn tính tư tế của họ. Cũng như Phaolô, nhờ Tin Mừng, các linh mục trở thành cha của cộng đoàn (1 Cr 4,15), chăm sóc họ như người mẹ dưỡng nuôi con cái (1 Tx 2,7), linh mục hiện diện lúc khai sinh cảm thức thánh thiện và căn tính tư tế trong Giáo Hội. Chức linh mục thừa tác vừa sẵn sàng phục vụ chức tư tế cộng đồng của các tín hữu vừa là tác nhân giúp thể hiện chức tư tế đó.
Trong thế giới hôm nay, nhiều nơi thấy xuất hiện một hiện tượng thuộc lãnh vực tôn giáo: có những người khác mong có được một cảm nghiệm nào đó về Thiên Chúa, về Đấng siêu việt. Mặc dầu thường bị khai thác và lợi dụng, nhất là trong giới bình dân, đồng thời chạy theo mốt nhất thời như linh đạo “thời đại mới” chẳng hạn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tìm được sự hướng dẫn tâm linh, dẫn họ vào huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Song song với việc giảng dạy, cử hành phụng vụ, hướng dẫn nghiên cứu Lời Chúa, thiết tưởng các linh mục cũng được mời gọi trở thành những người hướng đạo tâm linh nữa. Điều này đòi hỏi người linh mục cần phát triển thói quen cầu nguyện, dễ dàng đi vào hồi niệm trong thinh lặng và một kỹ năng hướng dẫn tâm linh. Những điều này tạo nên những ưu tiên sẽ ảnh hưởng đến sự phân phối thời giờ và năng lực trong Giáo Hội hôm nay.
VI. CÁC YẾU TỐ LINH ĐẠO PHAOLÔ
Cảm nghiệm về hồng ân và ơn gọi: “Tôi có là gì, đó là nhờ hồng ân Thiên Chúa” (1 Cr 15,10), kinh nghiệm và niềm xác tín căn bản nhất của Phaolô là kinh nghiệm và niềm xác tín của người đã được đón nhận lòng thương xót yêu thương của Thiên Chúa và người được kêu gọi phục vụ Thiên Chúa vì Tin Mừng. Yếu tố này đã định hình đời sống của Phaolô và nâng đỡ ngài trong những cơn khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Yếu tố thiết yếu của linh đạo linh mục hiện đại là khôi phục cảm thức mình là con người được thấm nhuần hồng ân và được Thiên Chúa kêu gọi. Nói như thế không có nghĩa là coi thường hồng ân và ơn gọi đã được ban cho mọi Kitô hữu khác. Vì mọi bí tích đều diễn tả hồng ân và ơn gọi. Ý thức ơn gọi là hồng ân có tầm quan trọng đối với thừa tác viên giáo dân, và với những ai đang sống đời hôn nhân cũng như đối với các linh mục nữa. Tuy nhiên, không phải các ơn gọi đều giống nhau nhất là trong thời mà chức linh mục thường được đồng hóa với các chức năng và phận vụ (kể cả phận vụ chủ sự phụng vụ Thánh Thể) cần thiết các linh mục phải xác tín mạnh mẽ mình được kêu gọi và sủng ái, ngay cả khi mô hình chính xác và những đòi hỏi về ơn gọi này còn cần được khám phá thêm.
VII. LẮNG NGHE VÀ CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Hiển nhiên Phaolô không những ý thức mình được kêu gọi để trở thành người công bố Lời Chúa mà còn ý thức mình được Lời Chúa đỡ nâng. Cầu nguyện và nghiên cứu mà người linh mục dùng chuẩn bị các bài diễn giảng hay tăng cường hiểu biết Thánh Kinh cũng là những yếu tố nâng đỡ đời sống đức tin của họ trong đời sống riêng tư, trong thừa tác vụ Tông đồ cũng như khi tiếp cận với cuộc sống các tín hữu.
“Mối ray rứt hàng ngày đè nặng trên tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh” (2 Cr 11,28).
Phaolô nói về áp lực hàng ngày và mối bận tâm lo cho các Giáo Hội là những yếu tố đứng đầu trong bảng liệt kê các đau khổ ngài phải chịu vì Tin Mừng. Khẳng định của Phaolô xuyên suốt chương này là sự hiểu biết về biến cố Đức Kitô được thêm sâu sắc nhờ những kinh nghiệm Tông đồ, đặc biệt những nơi ngài phải chịu nhiều đau khổ và thất bại. Nhưng cũng chính những nơi này, sức mạnh của Đức Kitô được biểu lộ. Đối với thánh Phaolô tham gia vào những cuộc chiến đấu của các giáo đoàn không phải là trở ngại che khuất sự hiện diện của Đức Kitô, trái lại nó là nguồn dẫn đến những nhận thức thiêng liêng sâu sắc nhất. Các linh mục ngày nay cũng có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô trong mọi thử thách và thất bại của đời mình. Mặc dầu thời gian dành cho việc cầu nguyện và nghiên cứu Thánh Kinh là cần thiết, những áp lực hàng ngày và những lo lắng cho các Giáo Hội cũng không phải là những lúc làm suy yếu đời sống thiêng liêng, trái lại đó chính là nguồn của một linh đạo đầy sức sống. Sắc lệnh về “thừa tác vụ và đời sống linh mục” đã khẳng định mạnh mẽ rằng các linh mục cần tìm kiếm nguồn dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng của họ ngay trong các hoạt động mục vụ của họ.
VIII. KHO TÀNG TRONG NHỮNG BÌNH SÀNH (2 Cr 4, 7-11)
Xuyên suốt trong các bản văn của mình, Phaolô thường tỏ ra ưa thích những nghịch lý “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người” (1 Cr 1,25). Nghịch lý này được diễn tả mạnh mẽ nhất trong 2 Côrintô, nơi mà phẩm chất thừa tác vụ Tin Mừng của ngài bị tấn công kịch liệt nhất. Không như các đối thủ của ngài tức là “những siêu Tông đồ”, họ cậy dựa vào tài lợi khẩu và những chiến công hiển hách khoa trương, Phaolô chỉ khẳng định uy thế của mình trong những nghịch lý được diễn tả qua hình ảnh đáng ghi nhớ: “những kho tàng ấy chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, hoang mang nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt, chúng tôi muốn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu để sự sống của Đức Giêsu được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,7-11).
Trong thời thánh Phaolô, những chiếc bình này làm bằng đất sét, dễ vỡ, không phải là những chiếc bình quí được trang trí hoa văn của người cổ Hy Lạp. Chúng chỉ là những vật gia dụng thường ngày, dùng để mang nước, cũng có khi được nặn thành chiếc đèn dầu nhỏ. Chúng là bộ phận của đời thường, không thể thiếu được. Tuy nhiên, chúng lại mang chức năng thiết yếu cho cuộc sống: nước và ánh sáng. Phải chăng đây là hình ảnh thích hợp cho người linh mục hôm nay?
[1] Giáo sư Tân Ước tại trường Liên hiệp Thần học Berkeley.
[2] Đức Hồng Y Dulles đã phụ vụ tại đại học Woodstock từ năm 1960 đến 1974 và sau đó là đại học Công Giáo Hoa Kỳ từ 1974 đến 1988. Ngài cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Gregoria ở Rôma, Trường thần học Weston, Chủng viện thần học Hiệp nhất (New York), Chủng viện thần học Princeton, Chủng viện thần học Virginia, Chủng viện thần học Lutheran tại Gettysburg, Đại học Boston, Đại học Notre Dame, Đại học Công Giáo tại Leuven, Đại học Yale và chủng viện thánh Giuse ở Dunwoodie. Ngài cũng là cựu chủ tịch của Hội thần học Công Giáo Lamã của Hoa Kỳ, Hội Thần học Hoa Kỳ và giáo sư danh dự của Đại học Công Giáo Hoa Kỳ. Đức Hồng Y Dulles cũng đã phục vụ tại Ủy ban Thần học quốc tế và là thành viên của diễn đàn đối thoại Công Giáo Lamã và Tin Lành Luthe Hoa Kỳ. Đức Hồng Y cũng là cố vấn của Ủy ban Giáo lý của Hội nghị quốc gia của các giám mục Công Giáo. Ngài là tác giả của hơn 700 bài viết về các chủ đề thần học cũng như 22 cuốn sách khác.