Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS.
(Viết theo Kathleen Beckman)
Sức Mạnh Biến Đổi của Thánh Thể
“Việc chiêm niệm Đức Kitô đòi hỏi phải có khả năng nhận ra Người ở nơi Người tự tỏ mình, qua nhiều hình thức hiện diện của Người, nhưng quan trọng hơn hết, trong bí tích Mình và Máu Thánh sống động của Người. Giáo hội rút ra sự sống của mình từ Đức Kitô trong phép Thánh thể: Nhờ Người, Giáo hội được nuôi dưỡng, và nhờ Người, Giáo hội được soi sáng. Bất cứ ở đâu Giáo hội cử hành Thánh lễ, bằng cách thức nào đó, tín hữu đều có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau: ‘Mắt hai ông mở ra, và họ nhận ra Người’ (Lc 24,31). Tôi hy vọng Thông điệp hiện tại sẽ đạt hiệu quả, trong việc xua đuổi những đám mây tối tăm của học thuyết và cách thực hành không thể chấp nhận được, hầu Thánh Thể sẽ tiếp tục tỏa sáng trong toàn bộ mầu nhiệm rực rỡ của Thánh Thể” (ĐTC Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia).
Chẳng phải giống như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta đang cần mở mắt ra, để thực sự nhìn thấy Đức Giêsu sao? Theo lý thuyết, có thể chúng ta tin vào sự Hiện Diện Đích Thực, nhưng chúng ta có thực sự nhìn thấy Đức Giêsu trong Thánh Thể và thông qua Thánh Thể không? ĐTC Gioan Phao-lô II viết một lời bình luận: “Lời yêu cầu mà một số người Hy Lạp hành hương đến Giêrusalem trong Lễ Vượt Qua đã gửi đến tông đồ Philípphê, vang vọng trong chúng ta về mặt thiêng liêng. Giống như những khách hành hương hai ngàn năm trước, những con người của thời đại ngày nay – có lẽ thường một cách vô ý thức – không chỉ đòi hỏi các tín hữu phải ‘nói’ về Đức Ki-tô, nhưng theo nghĩa nào đó, còn phải ‘chỉ cho’ họ về Người nữa. Và bổn phận của Giáo hội là phản chiếu ánh sáng của Đức Kitô trong mọi thời kỳ lịch sử, và làm cho khuôn mặt của Người chiếu tỏa trước các thế hệ. Tuy nhiên, chứng từ của chúng ta sẽ không đầy đủ, nếu trước hết, bản thân chúng ta không chiêm ngắm khuôn mặt của Người. Hơn lúc nào hết, chắc chắn cái nhìn chăm chú của chúng ta phải kiên quyết cố định vào khuôn mặt của Chúa. Việc tôn thờ Bí tích Thánh cho chúng ta biết về Đức Giêsu”.
Sứ mạng tiên tri của Đức Thánh Cha tiếp tục thấm đẫm nét đẹp và sự khôn ngoan vào tấm thảm phong phú của Giáo hội Công giáo. Thông điệp của ngài về Thánh Thể bộc lộ vận mệnh vinh quang của chúng ta trong việc “đi vào chiều sâu của đại dương lịch sử, qua lòng nhiệt thành đối với việc Tân Phúc Âm Hóa”. Chương trình của ngài về Thánh Thể thu hút Giáo hội chiêm niệm Đức Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể, và cùng chiêm niệm với Đức Maria, người giúp chúng ta nhận thấy và lắng nghe Chúa Giêsu. Các phương pháp nửa vời sẽ không đủ để giữ vững tinh thần Tin Mừng, trong một nền văn hóa càng ngày càng trở nên thù địch hơn đối với Đức Kitô và Giáo hội của Người.
Cụm từ: “Thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể” nói đến việc tái khám phá sức mạnh biến đổi của Thánh Thể. Tái khám phá điều gì đó là bổ sung vào điều đó niềm thích thú của chúng ta. Việc này cũng có nghĩa là đánh giá cao điều mà chúng ta tái khám phá được trong một chiều sâu mới. Sự sống Thánh Thể mãnh liệt ám chỉ việc thường xuyên đón rước Thánh Thể, tôn thờ và chiêm niệm Bí tích Cực Thánh, hầu Thánh Thể trở thành một phần căn tính của chúng ta, biến đổi chúng ta thành Đấng chúng ta yêu mến.
Thông điệp Ecclesia de Eucharistia đầy ắp sự thấu hiểu về Giáo hội, hướng tới việc phục hồi lòng sùng kính Thánh Thể. Có thể một số người hỏi phải làm gì để thúc đẩy chương trình mà Đức Thánh Cha đề xuất, hướng tới việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể. Câu trả lời nằm trong tâm hồn của từng môn đệ Đức Kitô. Có khi nào bạn kinh ngạc về sự Hiện Diện Đích Thực của Đức Kitô chưa ? Bạn hãy suy nghĩ ý nghĩa của những lời mà Đức Thánh Cha đã chọn, trong thông điệp mà ngài gửi tới Giáo hội.
Thắp lại: Đổi mới, làm sống lại, phát sinh lại, chiếu sáng lại. Tái khám phá nét đẹp, mục đích, vẻ uy nghi và sự cần thiết của đời sống bí tích.
Điều kinh ngạc: Đầy ắp sự ngạc nhiên, lấy làm lạ, sửng sốt. Một ý nghĩa giống như trẻ con là cảm giác kính yêu mong đợi, làm cho tâm hồn thích thú, khi tâm hồn được đầy ắp tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa.
Thánh Thể: Thánh Thể là “nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, 11). Các bí tích khác, và quả thật tất cả mọi thừa tác vụ và mọi hoạt động tông đồ trong Giáo hội, đều gắn bó với Thánh Thể và hướng tới Thánh Thể. Vì trong Thánh Thể, chứa đựng toàn thể điều tốt đẹp thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính Đức Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta (CCC 1324).
Chương trình Thánh Thể của Đức Giáo Hoàng nhắm đến việc hướng chúng ta trở lại với những nền tảng của việc cầu nguyện chiêm niệm và thờ phượng theo Kitô luận. Việc thắp lại cách đánh giá đúng mới mẻ đối với Hy Tế và sự Hiện Diện của Đức Kitô sẽ lôi kéo được nhiều ân huệ cần thiết đối với tất cả mọi người. Việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể nằm ở trung tâm của việc Tân Phúc Âm Hóa, hầu mang lại một nền văn minh tình yêu.
Xây Dựng Một Nền Văn Minh Tình Yêu qua việc Tân Phúc Âm Hóa
Triều đại giáo hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II đã mang lại những tầm nhìn mới về cách xây dựng một nền văn minh tình yêu qua việc Tân Phúc Âm Hóa, sao cho Giáo hội trải nghiệm được nền văn hóa của Lễ Hiện Xuống. Sự biến đổi của Giáo hội tiên khởi trong Lễ Hiện Xuống đầu tiên thật đáng kinh ngạc. Một trăm hai mươi người quy tụ chung quanh Đức Maria để cầu nguyện trong Phòng Tiệc Ly đều được biến đổi, từ sợ hãi thành can đảm, từ nhút nhát thành dũng cảm, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Những người nhận thấy sự biến đổi thật vui tươi của họ đều tố cáo là “họ đang say rượu”. Họ đầy ắp trạng thái say mê đúng mức đối với Chúa Thánh Thần, một niềm vui đích thực tồn tại mãi mãi phát xuất từ bên trong.
Liệu tầm nhìn về cách xây dựng nền văn minh tình yêu có tan biến trong một nền văn hóa càng ngày càng chống đối Thiên Chúa không? Ai sẽ ra đi để xây dựng nền văn minh tình yêu? Ai sẽ thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa? Phải chăng thật khó mà thuật lại những đề xuất mang tính tiên tri này, khi nhiều con cái chúng ta và các thành viên trong gia đình lại rời khỏi Giáo hội Công giáo? Có bao giờ bạn nản chí khi thấy mình không đạt hiệu quả trong việc phúc âm hóa các thành viên trong gia đình, khi họ không còn thực hành đức tin nữa không ? Liệu có bất cứ điều gì đau lòng hơn, khi nhìn thấy các thanh niên mà chúng ta quý mến rời khỏi Giáo hội ? Điều gì sẽ lôi kéo họ trở lại với đức tin ?
Việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể là một chương trình nhằm đánh thức linh hồn trong một thời điểm. Mẹ Têrêsa nói: “Nếu bạn không thể cho một trăm người ăn, thì bạn chỉ cần cho một người ăn thôi”. Trong Kinh Thánh, Chúa đã từng tha thứ cho cả một thành, chỉ nhờ vài người thánh thiện. Sự thánh thiện thật sẽ lôi cuốn đối với cả Thiên Chúa lẫn những người khác. Bạn hãy sống thánh thiện, và đức tin của bạn nơi Thiên Chúa sẽ lôi cuốn những người khác. Họ sẽ mong ước niềm vui và sự an bình mà bạn tỏa sáng. Hãy cầu xin Đức Giêsu ban cho bạn ơn kinh ngạc nhờ Thánh Thể trong Thánh lễ và cả bên ngoài Thánh lễ nữa. Hãy tự để cho mình trở thành một ngọn lửa sống động của tình yêu, đốt cháy nhiều người khác trong ngọn lửa sống động của tình yêu. Sự thánh hóa cá nhân là một chứng từ không bằng lời. Mọi người đều nhận ra sự thánh thiện, khi họ nhận thấy điều đó. Một đời sống thánh thiện là một tín hiệu của niềm hy vọng, một cảm hứng đối với những người bắt gặp nó.
Chương trình của vị Giáo Hoàng người Ba Lan về Thánh Thể là một hoạt động về Chúa Thánh Thần được thực hiện qua các môn đệ ân cần, từ bỏ mình. Phần việc của chúng ta là cộng tác với ân huệ của Thiên Chúa vốn luôn luôn đầy đủ. Chúng ta có thể trở thành một nhà tạm sống động, chiếu tỏa đời sống yêu thương của Đức Kitô. Trong Thánh Thể, chúng ta khám phá được cách thực hiện mong ước của chúng ta, hầu nhìn thấy, nhận biết và yêu mến Đức Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta trước.
– Đức tin mà chúng ta mong đợi ở mức độ nào ?
– “Giáo huấn đầu tiên đòi hỏi chúng ta phải nuôi dưỡng và bảo vệ đức tin của mình, bằng sự thận trọng và tỉnh thức, và loại bỏ tất cả những điều trái ngược với đức tin. Sự hoài nghi tự nhiên về đức tin là coi thường hoặc từ chối tin rằng những điều Thiên Chúa đã mặc khải và Giáo hội đề xuất đối với niềm tin, thì đều đúng đắn. Sự hoài nghi không tự nhiên ám chỉ thái độ do dự đối với niềm tin, khó khăn trong việc khắc phục những phản đối liên quan đến đức tin. Nếu chúng ta cứ cố tình nuôi dưỡng sự hoài nghi, thì sự hoài nghi có thể đưa đến sự mù quáng về mặt thiêng liêng” (CCC 2088).
– Đức cậy làm cho đời sống chúng ta phấn khởi ở mức độ nào?
“Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng’ (Rm 15,13). Việc cầu nguyện, được hình thành qua đời sống phụng vụ, lôi kéo tất cả mọi sự vào tình yêu thương, nhờ đó, chúng ta được yêu thương trong Đức Kitô, và tạo khả năng cho chúng ta đáp lại Người với lòng yêu mến, như Người đã yêu thương chúng ta. Lòng yêu mến là nguồn gốc của việc cầu nguyện: bất cứ ai rút ra từ lòng yêu mến, thì đều vươn tới đỉnh cao của việc cầu nguyện” (CCC 2658).
Hoa quả của Chúa Thánh Thần có thấm nhập đời sống chúng ta không ?
“Nhờ quyền năng của Thần Khí, con cái Thiên Chúa có thể mang lại nhiều thành quả. Đấng tháp nhập chúng ta vào cây nho đích thực, sẽ làm cho chúng ta mang lại ‘hoa quả của Thần Khí… bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ…’ (Gl 5,22-23). ‘Chúng ta sống nhờ Thần Khí’ ; khi chúng ta càng từ bỏ mình, thì chúng ta càng ‘bước đi nhờ Thần Khí’ (Ga 15,8.16) (CCC 1832).
– Thánh Thể có phải là trung tâm của đời sống chúng ta không ?
“Thánh Thể là nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (LG, 11). “Các bí tích khác, và quả thật tất cả mọi thừa tác vụ và mọi hoạt động tông đồ trong Giáo hội, đều gắn bó với Thánh Thể và hướng tới Thánh Thể. Vì trong Thánh Thể, chứa đựng toàn thể điều tốt đẹp thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính Đức Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta” (PO 5) (CCC 1324).
Đưa Giáo Hội đến với Lòng Hăng Hái về việc Tân Phúc Âm Hóa
Thông điệp của Đức Thánh Cha bộc lộ những yếu tố thiêng liêng cần thiết, nhằm mang lại cho Giáo hội lòng hăng hái đối với việc Tân Phúc Âm Hóa. Việc phúc âm hóa chỉ đạt hiệu quả khi có “lòng hăng hái” đối với việc này. Vì toàn thể thế giới đã trở thành một cánh đồng truyền giáo, nên Đức Thánh Cha nói đến nhu cầu đối với việc Tân Phúc Âm Hóa.
Bạn có nghe thấy một lời mời gọi đánh thức không? Hai triều đại giáo hoàng trước đã từng nghe thấy một lời mời gọi thúc giục đối với các môn đệ của Đức Kitô. Hãy thức dậy khỏi tình trạng ngủ mê, và hãy lên đường để truyền bá những công trình tuyệt vời của Đức Giêsu. Đây chính là bổn phận và đặc ân của chúng ta, hầu truyền lại đức tin mà chúng ta đã nhận được. Người ta bức thiết trong việc nhận biết Đức Giêsu. Nhiều tôn giáo với những cách sùng bái sai lầm và lối sống thiêng liêng lộn xộn đã xuất hiện. Người ta đang tìm cách lấp đầy chỗ trống về tinh thần. Thánh Thể chính là phương tiện đổi mới đức tin trong Đức Giêsu, và lòng yêu mến của chúng ta đối với giáo huấn của Người.
Phải chăng có lẽ chúng ta thờ ơ đối với các bí tích? Dân Thiên Chúa bận rộn với nhiều điều về những ơn gọi riêng biệt. Có rất nhiều người bận rộn với nhiều việc, và chỉ có ít người chọn phần tốt hơn, là ngồi dưới chân Đức Giêsu, trong ánh sáng dịu của ngọn đèn Nơi Nhà Tạm.
Điều Kinh Ngạc về Thánh Thể Mang lại Niềm Vui
Tiến sĩ Peter Kreeft, triết gia Công giáo, dạy rằng con người không thể sống, mà không có chân lý, sự tốt lành và niềm vui. Tại sao như vậy? Đức Giêsu là Đường, Chân Lý và Sự Sống, vốn là tình yêu vui tươi. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng để yêu thương và được yêu thương, nhưng có thể chúng ta lại ổn định trong cách bắt chước mờ nhạt tình yêu đích thực, vốn thuộc về Thiên Chúa. Đôi khi, có thể chúng ta lại phá hoại ngầm niềm hạnh phúc, bằng cách ổn định với tình yêu giả tạo.
Sự tốt lành của Thiên Chúa mang lại niềm hy vọng trong tâm hồn chúng ta. Đức cậy là một chất xúc tác có tác động mạnh, thúc đẩy chúng ta hướng tới mục tiêu là phần thưởng của chúng ta trên trời. Nếu không có đức cậy, thì chúng ta nản chí và hoài nghi. Niềm vui có thể nhanh chóng bị dập tắt. Sự tốt lành của Thiên Chúa là một hồ chứa ân huệ, vốn được ban nhưng không. Thiên Chúa là tình yêu luôn luôn hướng tới niềm vui, sự thanh sạch và tự do của tâm hồn.
Tiến sĩ Kreeft nhận xét rằng người Công giáo chỉ còn thiếu niềm vui thôi. Mặc dù chân lý và sự tốt lành vẫn phát triển trong Giáo hội, nhưng niềm vui lại ngừng phát triển đều đều. Khi chúng ta tự để cho mình kinh ngạc trước sự tốt lành và tình yêu đáng sửng sốt của Thiên Chúa, thì niềm vui sẽ gia tăng, và ánh sáng của chúng ta sẽ chiếu tỏa trước mọi người. Khi chúng ta đổi mới lòng sùng kính Thánh Thể, thì sự chuyển biến sẽ xảy ra; nỗi buồn phiền, nản chí, và hoài nghi sẽ biến thành niềm vui chính đáng. Thánh lễ và việc Chầu Thánh Thể chứa đựng sức mạnh đáng kinh ngạc, làm biến đổi cuộc sống.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục là những người Công giáo không có niềm vui của Chúa, thì người ta sẽ không được lôi kéo đến với Đức Kitô. Lòng sùng kính được đổi mới đối với Thánh Thể sẽ thu hút người ta trở lại với lối sống đặt Đức Kitô làm trung tâm. Và ở đâu Đức Giêsu trị vì, thì ở đó có sự tự do dành cho niềm vui.
Khi chúng ta cầu nguyện giống như Đức Maria, với một tâm hồn từ bỏ và ngoan ngoãn đối với thánh ý Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần có thể tác động vào sự kết hiệp giữa tâm hồn chúng ta và tâm hồn Thiên Chúa. Khi chúng ta nhận ra rằng mình hoàn toàn được Thiên Chúa yêu thương, thì chúng ta trở thành kiểu dáng tốt nhất của bản thân mình.
Thánh lễ (thờ phượng chung) và giờ Chầu (cầu nguyện cá nhân) tạo thuận lợi cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa, mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào tâm hồn chúng ta, phải được khuấy động và thổi bùng lên thành ngọn lửa; rồi lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa sẽ được thắp lại. Khi chúng ta cảm nghiệm Thánh Thể như ân huệ thấm nhập của Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần khuấy động lòng nhiệt thành của tình yêu trong lòng chúng ta. Trái tim chai đá trở thành trái tim bằng thịt. Chúng ta trở nên nhiệt thành đối với Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta trước. Chúng ta đến với sự sống mới, qua hai hình bánh và rượu của Thánh Thể, khi chúng ta ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh Người, là lương thực thần thánh đích thực đối với linh hồn chúng ta. Qua việc Chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta cũng được thay đổi, khi chúng ta chăm chú nhìn lên Chúa và để cho cái nhìn thần thánh của Người thấm nhập chúng ta.
– Bạn có tin rằng mình được tạo dựng vì những điều cao cả hơn của Thiên Chúa không?
– Bạn có cầu xin Đức Giêsu bộc lộ cho bạn sứ mạng đặc biệt của bạn trong cuộc đời không?
– Ngay bây giờ, mong ước của bạn trong việc trở nên gần gũi hơn với Thiên Chúa sâu xa như thế nào?
Cần Phải Đổi Mới Tình Yêu Dành Cho Thánh Thể
Để trả lời câu hỏi trên, dưới ánh sáng Thông điệp của Đức Thánh Cha, bạn hãy suy nghĩ về những điều mà Đức Giêsu đã nói với Thánh nữ Faustina, được ghi lại trong Nhật ký về Lòng Thương Xót Chúa: “Ôi, thật đau lòng biết bao đối với Ta, khi các linh hồn rất hiếm khi kết hiệp với Ta qua việc Rước Lễ. Ta chờ đợi các linh hồn, thế mà họ vẫn cứ dửng dưng với Ta. Ta yêu thương họ một cách nhân hậu và chân thành, thế mà họ lại không tín thác nơi Ta. Ta muốn ban cho họ dồi dào các ân huệ của Ta, thế mà họ lại không muốn đón nhận. Họ đối xử với Ta như một đối tượng đã chết, trong khi trái tim Ta đầy tình yêu thương và lòng thương xót. Để con có thể hiểu được ít nhất nỗi đau khổ nào đó của Ta, con hãy tưởng tượng bà mẹ dịu hiền nhất rất yêu thương con cái mình, trong khi những đứa con đó lại hắt hủi tình yêu của bà. Hãy suy nghĩ về nỗi đau khổ của bà. Không ai ở trong tư thế để an ủi được bà ấy. Đây chỉ là một hình ảnh lờ mờ và giống như tình yêu của Ta mà thôi” (Nhật ký của Thánh nữ Faustina # 1447).
Hầu hết chúng ta đều trải nghiệm tình trạng như thể mình trở nên vô hình, khi người nào đó từ chối thừa nhận sự hiện diện của mình. Thật đau lòng khi bị phớt lờ. Bạn có bao giờ đối xử với Đức Giêsu trong Bí tích Cực Thánh như một đối tượng đã chết không ?
Cuộc khủng hoảng đức tin đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng tình yêu. Chúng ta cần phải hoàn toàn trải nghiệm lại lòng yêu mến Đức Kitô, hầu tránh được cảm giác chán nản, mệt mỏi, buồn tẻ và thiếu niềm vui. Cha Raniero Cantalamessa nói về tình trạng này như sau:
“Tại sao những cách thực hành đức tin và tôn giáo lại suy giảm, và tại sao những cách thực hành này lại không hình thành điểm tham khảo trong đời sống, ít nhất không dành cho hầu hết mọi người? Tại sao việc thực hiện những bổn phận lại trở nên chán nản, mệt mỏi, là cuộc đấu tranh đối với các tín hữu? Tại sao các thanh niên lại cảm thấy không được thu hút để đến với đức tin? Nói tóm lại, tại sao lại có tình trạng buồn tẻ và thiếu niềm vui trong số các tín hữu của Đức Kitô? Sự kiện Biến Hình của Đức Kitô giúp chúng ta trả lời các câu hỏi này.
“Sự kiện Biến Hình có ý nghĩa gì đối với ba môn đệ hiện diện? Cho đến lúc đó, các ông chỉ biết Đức Giêsu qua vẻ bề ngoài: Đức Giêsu không khác biệt với những người khác; các ông biết Người từ đâu đến, những thói quen, âm sắc trong tiếng nói của Người. Bây giờ, ba môn đệ lại được biết một Đức Giêsu khác hẳn, một Đức Giêsu đích thực, một Đấng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, dưới ánh sáng bình thường của mặt trời; bây giờ, những điều các ông biết về Người là kết quả của những mặc khải đột ngột, một sự thay đổi, một ân huệ.
“Bởi vì các sự việc cũng thay đổi đối với chúng ta, như chúng đã từng thay đổi đối với ba môn đệ trên Núi Tabo; điều gì đó cần thay đổi trong cuộc đời chúng ta, tương tự như sự việc xảy ra khi một thanh niên và một thiếu nữ phải lòng nhau. Khi phải lòng người nào đó, thì người được yêu, trước đây vốn chỉ là một người trong số nhiều người, đột nhiên trở thành một người duy nhất trên thế giới yêu thương mình. Tất cả những điều khác đều bị bỏ lại phía sau, và trở thành một loại bối cảnh không rõ rệt.
“Đức Giêsu sống lại và Người vẫn đang sống. Đối với những kẻ nhận biết Người, thì Đức Giêsu là một con người cụ thể, không hề trừu tượng. Quả thật đối với Đức Giêsu, các sự việc diễn tiến thậm chí lại còn tốt đẹp hơn” (Cha Raniero Cantalamessa, OFM., Cap, Bài báo Internet Zenit).
Thay Lời Kết
Người ta thường không nhìn bạn theo con người của bạn. Nhưng Đức Giêsu lại nhìn bạn theo chính con người của bạn. Cách nhìn nhận này có điều gì đó rất mang tính chữa lành, vì Đức Kitô không từ chối con người của bạn. Đôi khi, có thể bạn bị tác động phải tự vệ chống lại tình trạng bị từ chối. Trước mặt những người khác, có thể chúng ta cứ phải giả vờ làm một người khác. Nhưng trước mặt Đức Giêsu, chúng ta đích thực là con người của mình, vì Người nhìn xuyên thấu mọi kiểu giả vờ. Đặt mình trước sự hiện diện của Thánh Thể, chúng ta có thể hít một hơi dài thật nhẹ nhõm. Chúng ta dễ dàng làm vui lòng Đức Giêsu, hơn là làm vui lòng những người khác, đặc biệt đối với chính mình. Đôi khi, chúng ta quá khó khăn hoặc quá dễ dãi đối với bản thân. Đức Giêsu giữ chúng ta trong sự thật về việc tự hiểu biết mình. Cái nhìn của Người là một đảm bảo đầy yêu thương, hầu chúng ta sẽ tiếp tục phát triển theo ân huệ của Người. Đức Giêsu vẫn nhìn thấy nơi chúng ta kiệt tác đã được hoàn thành nhờ ân huệ của Người.
Đức Giêsu không từ chối dân Người, nhưng chúng ta lại cứ thoải mái từ chối Người, và nhiều kẻ vẫn từ chối như vậy. Thế gian cứ thuyết phục mọi người rằng ách của Đức Kitô thật nặng nề. Nhưng những kẻ yêu mến Chúa đều nhận biết sự thật rằng ách của Người thật nhẹ nhàng. Hãy đến trước Mình Thánh Chúa và ngồi một lúc với Chúa. Người sẽ dạy cho bạn cách làm sao để bỏ lại cho Người gánh nặng của mình. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Chúng ta không thể làm gì khi tách rời khỏi Đức Kitô! Chúng ta không có sức mạnh riêng, ngoại trừ sự tự do để phá hoại ngầm ơn cứu độ của mình.
Chúng ta cảm thấy sức ép của thế giới không Kitô đang chống lại Giáo hội Công giáo. Các khu vực đã từng được thấm nhuần tư tưởng và lòng sùng kính của Công giáo thì hiện nay lại bị thiếu đức tin. Việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể chính là cơ sở để xây dựng lại Giáo hội. Bây giờ là lúc để chúng ta hoàn toàn đi vào Ơn Gọi Thánh Thể, thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể, hầu thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa, đặc biệt trong đời sống gia đình và cộng đoàn.