Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thần Học Hiện Đại Với Bí Tích Trong Những Thập Kỷ Gần Ðây: Thần Học Giải Phóng

Administrator
2018-09-23 09:16 UTC+7 29
Tác giả: David N. Power, O.M.I. ; Regis A. Duffy, O.F.M. và Kevin W. Irwin[1] Chuyển ngữ: Nguyễn Thế Minh   *** PHẦN I: CUNG CÁCH TRÌNH BÀY THỜI HẬU-RAHNER PHẦN II: THẦN HỌC GIẢI PHÓNG   Những tác phẩm thời đầu của các thần học gia giải phóng viết về thần học Bí tích […]


Tác giả: David N. Power, O.M.I. ; Regis A. Duffy, O.F.M. và Kevin W. Irwin[1]

Chuyển ngữ: Nguyễn Thế Minh

 

***

PHẦN I: CUNG CÁCH TRÌNH BÀY THỜI HẬU-RAHNER

PHẦN II: THẦN HỌC GIẢI PHÓNG

 

Những tác phẩm thời đầu của các thần học gia giải phóng viết về thần học Bí tích thường dựa theo một số tư tưởng của Rahner để nối kết thần học về Giáo hội và thần học về Bí tích lại với nhau, trong một cách kiểu làm sao cho thích ứng với trạng huống kinh tế và chính trị của vùng Châu Mỹ Latinh. Sau đây, xin điểm duyệt các tác phẩm viết về Bí tích của hai trong các tác giả thời đầu ấy.

1. Juan Luis Segundo

Ngay từ năm 1971, Juan Luis Segundo, người Uruguay, đã nêu lên nhiều vấn nạn gay go cho lề lối thực hành phụng vụ và Bí tích theo thông lệ thời đó, cách riêng là cho những hình thức nặng vẻ đắc thắng khoa trương trong việc phụng tự và trong đời sống Giáo hội, giữa một cảnh trạng đầy dẫy những bất công trầm trọng về mặt kinh tế và xã hội. Trong cuốn Los Sacramentos hoy,[2] Segundo đã nêu rõ cho thấy là cần phải làm sao để có được trong việc cử hành phụng vụ, một cảm thức sống động chân thực hơn về cộng đoàn; và phương cách chủ yếu để gầy dựng lên cho được một cảm thức như thế chính là việc thành lập cùng nuôi dưỡng các cộng đoàn cơ bản.[3] Tác giả đề xuất một lối giải thích tích cực về đà “tục hóa” để từ đó nhận ra được ngay ở trong phụng vụ, những khía cạnh thiết yếu có tính cách ngôn sứ và đi sát với thực tế cuộc sống.[4] Và như thế, tác giả đã gạt bỏ lối phân chia nhị nguyên giữa những gì là thánh thiêng với những gì là phàm tục, và cho rằng phụng vụ thực sự có sức năng để giải phóng con người khỏi “quỷ dữ” có mặt chẳng hạn như là trong lối phân chia ruộng đất và tiền của một cách bất công, thường thấy đi liền gắn chặt với cơ cấu xã hội tại các nước kém mở mang.[5] Segundo chỉ trích những hình thức “tiêu thụ” trong việc chịu các Bí tích, và minh chứng cho thấy rằng một hệ thống trình bày về Bí tích có thể trở thành trong thực tế, một thế chống đỡ cho hành động bóc lột để rồi dần dà nó thâm nhập vào trong toàn bộ cuộc sống xã hội.[6] Chính vì thế, tác giả đã nhấn mạnh đến nhu cầu bức thiết cần phải tìm hiểu cho sâu rộng hơn và đánh giá cho đúng mức hơn chiều kích ngôn sứ của phụng vụ, là thể cách cử hành những gì còn chưa hoàn thành trong cuộc sống, những gì còn gây trở ngại làm cho toàn bộ cuộc sống chưa trọn vẹn nhuần thấm được sức năng giải phóng của Ðức Kitô Phục Sinh.[7]

Cấu trúc của bộ sách và cách trưng dẫn các nguồn liệu huấn quyền phản ánh rõ đà chuyển hướng tách dần ra khỏi những vấn đề thường được bàn tới trong thời hậu-Trentô, như: việc thành lập Bí tích, hiệu lực của Bí tích, và con số 7 Bí tích. Các nguồn liệu huấn quyền mà tác giả dựa vào nhiều nhất là hai văn kiện của công đồng Vatican II: Hiến chế về Phụng vụ thánh và Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, cũng như các văn kiện Medellín (1968) của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh. Thêm vào đó, còn có thông điệp Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) của Ðức Phaolô VI, và Văn kiện hội nghị Puebla (1979) của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh; các văn kiện này ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm viết về sau, lấy lại những chủ đề về Bí tích đã từng được tác giả nêu lên từ đầu.

2. Leonardo Boff

Sau cuốn sách của Segundo một ít lâu, thì có hai tác phẩm của Leonardo Boff, người Ba Tây, ra mắt độc giả, viết về Bí tích tính cố hữu của các Bí tích, và về chủ đề có thể được gọi là một nền Giáo Hội học Bí tích. Trong thiên tiểu luận tựa đề Los Sacramentos da Vida e a Vida dos Sacramentos,[8] Leonardo Boff, Los Sacramentos da Vida e a Vida dos Sacramentos (Pietropolis: Vozes, 1975); bản dịch tiếng Anh do John Drury,Sacraments of Life, Life of the Sacraments: Story Theology, (Washington: Pastoral, 1987).chủ đích của tác giả là trình bày về cách thức Bí tích thể hiện tác động hỗ tương giữa loài người (đặc biệt là qua cung cách quan niệm về sự sống và thông truyền sự sống loài người), thế giới và Thiên Chúa; là “hồi phục những giá trị tôn giáo phong phú tiềm ẩn trong thế giới biểu tượng cùng Bí tích, đang nằm ngay ở giữa cuộc sống hằng ngày của chúng ta… đức tin nhận ra ân sủng đang hiện diện ngay ở trong những hành động sơ đẳng nhất của cuộc sống”.[9] Trước sau như một, tác giả nhìn các Bí tích sub specie humanitatis (theo thể dạng nhân tính), như chính tác giả đã nói bằng thuật ngữ riêng của mình. Ngôn ngữ Bí tích là một ngôn ngữ chủ yếu gợi ý gợi cảm, mang tính chất tự dấn thân và hướng tới hành động cụ thể. Các Bí tích gợi lại những thời gian và nơi chốn thánh thiêng nhằm vén mở cho thấy tính chất thánh thiêng của cuộc sống mỗi ngày, và để thúc đẩy những người tham dự dấn thân hoạt động cho công cuộc cứu độ trong khắp nơi mọi lúc. Các Bí tích cũng nhằm tới việc hoán cải và thay đổi lề lối hành động của con người. Với những ngôn từ đơn giản, thường là tự thuật, Boff chia sẻ cho biết là những con người (thân sinh và thầy dạy của tác giả), thiên nhiên (ánh sáng), và các sự vật (bánh, nhà cửa) đều có thể mang tính chất Bí tích; và tác giả thường nối kết các mẫu ký thuật như thế lại với các nguyên tắc trong thần học Bí tích (coi đó như là cấu trúc biểu tượng phụ của các nguyên tắc này). Chương kết cuốn sách tóm lược lại một cách có hệ thống những gì trước đó, tác giả đã trình bày cho độc giả đại chúng.

Trong cuốn Iglesia: Charisma e poder,[10] Boff cũng nhằm tới cùng một tiêu đích và cũng dùng cùng một lối văn tương tự như trong thiên tiểu luận vừa bàn đến trên đây. Chủ trương cho rằng “giáo hội được sinh ra từ lòng tin của dân chúng”, Boff coi cộng đoàn cơ bản là một cung cách mới mẽ và đặc thù để sống đức tin kitô, để tổ chức cộng đoàn trong khắp thế giới, chung quanh các Bí tích (khi có thể được) và chung quanh các tác vụ do giáo dân thi hành. Quan niệm rộng rãi mà Boff có về Bí tích tính như thấy trong cuốn sách trước, hiện rõ trong chủ trương của tác giả cho rằng cần phải có “một cách hiểu khoáng đạt hơn về các Bí tích (được coi) như là dấu chỉ của ân sủng thường xuyên ban xuống cho con người và hằng hiện diện giữa loài người, chứ không phải như là những dụng cụ mang lại một ân sủng đã có sẵn trước”.[11] Ðiều đó còn mở rộng đường cho “đà phát huy Bí tích tính phong phú của Giáo hội (toàn bộ Giáo hội là Bí tích) với những cách thức cử hành đầy sáng tạo và với một ý thức sâu đậm về những thực tại thánh thiêng – tất cả đều là sở hữu của dân chúng”.[12] Trong một phần viết then chốt, khảo sát về ý nghĩa của sacramentum được coi như là nhân tố nối kết hai khái niệm có tính cách biện chứng, tức là các khái niệm “đồng nhất tính” và “bất đồng nhất tính”, Boff cho thấy rõ là đã chịu ảnh hưởng của Rahner và của Schillebeeckx. Tác giả viết rằng “đồng nhất tính đã được nói lên qua Bí tích: ân sủng có mặt ở nơi hành động trung gian, mầu nhiệm tái diễn hiện diện…sáng ngời lên qua một lời nói, trở thành thân thể một cách biểu tượng qua một cử điệu, và được thông truyền qua một cộng đoàn”. Dù thế, bất đồng nhất tính cũng được đọc thấy ở trong các Bí tích, bởi vì “Thiên Chúa và ân sủng của Ngài thì không thể bị giam hãm ở trong bất cứ một cung cách biểu đạt nào của Bí tích. Dù ân sủng có mặt, thì cũng vẫn có một sự khiếm diện ở trong Bí tích. Có được vén mở ra trong Bí tích, thì mầu nhiệm cũng vẫn là mầu nhiệm. Không thể nào đồng nhất hóa mầu nhiệm với Bí tích được cả; do đó, quả là có bất đồng nhất tính”.[13] Boff đã dùng phạm trù sacramentum để chống đỡ cho luận thuyết biện chứng trải dài suốt cả cuốn sách của ông, và dựa vào phạm trù cố cựu ấy của truyền thống Công giáo, tác giả đã có thể trình tả về vai trò mà các Bí tích đóng giữ trong đời sống đức tin của một cá nhân, cũng như về vai trò của Giáo hội theo tư cách là cộng đoàn phục vụ cho Nước Chúa ở trong thế giới.

3. Segundo Galilea

Cả phương thức giải thích về Bí tích tính lẫn kinh nghiệm của các cộng đoàn cơ bản đều không tránh khỏi được tình trạng mập mờ nước đôi trong kinh nghiệm và trong cung cách lượng định đánh giá: đó là nhận định đọc thấy rõ ở trong một số tác phẩm quan trọng – cần được lưu tâm đến – của vùng Châu Mỹ Latinh, viết về “lòng đạo đức bình dân”.

Segundo Galilea là người đã lên tiếng mạnh mẽ nhất tại vùng Châu Mỹ Latinh để nghiêm túc khẳng quyết rằng lòng đạo đức bình dân là một hiện tượng mang tính chất thực sự giáo hội và thần học.[14] Các thiên khảo luận của Galilea minh xác về sự có mặt của các hình thức biểu đạt “lòng đạo đức/ Công giáo bình dân”,[15] coi đó là những thực kiện trường kỳ và sinh động của cuộc sống, những thực kiện phản ánh và ủng hộ các giá trị kitô chân chính về sự sống và sự chết, cũng như mối liên đới với thế giới thần thiêng. Những thể dạng và những cách thức biểu đạt của lòng đạo đức bình dân thường nghiêng chiều về phía sùng mộ, cảm tính (nếu không nói là tình cảm), biểu tượng và chuộng nghi thức.[16] Những gì được gọi la”Bí tích tính” bẩm sinh, thì có thể đọc thấy được ngay ở trong sự việc Công giáo bình dân dùng đến các nơi, các đồ vật thánh và các nghi thức để cầu khấn Thiên Chúa và các thánh. Galilea đã lặp đi lặp lại lời khẳng quyết này là tôn giáo bình dân là một thực kiện và là một nhu cầu của những người dân bị áp bức.[17]

Chủ chốt nhất giữa những câu hỏi các nhà thần học giải phóng thường nêu lên liên quan đến vấn đề vừa nói, là câu hỏi sau đây: “Tôn giáo bình dân có mang lại tự do, có sức giải thoát hay không?” Theo Galilea, lúc đầu các nhà thần học và các người làm mục vụ (từ thập kỷ 50 trở về sau) đã đánh giá tôn giáo bình dân một cách tiêu cực, bởi lẽ họ cho rằng thay vì giải phóng người nghèo cho khỏi cảnh bóc lột và áp bức, thì hình thức tôn giáo ấy chỉ biết nhân danh đức tin và sự quan phòng mà làm cho họ an phận với cảnh sống của mình. Sau đó, có nhiều người trong các giới nói trên đã minh giải một cách tích cực rằng ở trong tôn giáo bình dân, các người nghèo tìm ra được tiếng nói của mình, cách thức biểu đạt đức tin của mình, và rằng qua thái độ nhận biết thế giới riêng và những tiềm năng riêng của mình như thế, các người nghèo quả đang gieo những hạt giống quý hóa và đầy ý thức, cho một mùa hy vọng và giải phóng cánh chung. Có những người khác thì lại tỏ ra thận trọng hơn trong cung cách nhận định đánh giá của mình, và muốn thấy cho được những bằng chứng cụ thể về tiềm năng giải phóng ấy của lòng đạo đức bình dân. Galilea nhấn mạnh đến việc cần phải biết coi trọng lòng đạo đức bình dân, bởi đó là một thực kiện, và phải biết sử dụng lòng đạo đức ấy vào trong công cuộc rao truyền Phúc Âm và giải phóng con người. Tác giả nhận định rằng công cuộc rao truyền Phúc Âm không nhằm tới việc thay đổi những hình thức sống đạo bên ngoài cho bằng đem những giá trị kitô lồng vào trong những hình thức ấy để chúng có được một ý nghĩa sâu sắc và phong phú hơn. Rao truyền Phúc Âm là một công tác phức tạp và có khi được hiểu một cách mập mờ nước đôi, nhưng dù sao thì cũng phải là một công tác biết tôn trọng những lối sống đạo cụ thể và những cách sùng kính thực tế của dân chúng, không tìm cách để cứ một mực thông chuyển cho được những giá trị của Phúc Âm theo thể “tuyệt đối thuần túy” hay “nguyên chất”; và cũng có thể là một công tác biết kiên nhẫn để cho những thái độ sống kitô thuần túy có thời gian mà ló dạng lên từ những hình sống đạo bình dân, cũng như có khả năng nhận ra và đào sâu thể những dạng đời sống nội tâm cần đến sự ứng trợ của các hình thức biểu đạt bên ngoài. Công tác rao truyền Phúc Âm tất phải nhận là thiết yếu vai trò mà các cộng đoàn cơ bản đóng giữ trong nỗ lực nuôi dưỡng và đẩy mạnh đời sống Phúc Âm, và như thế, mối liên hệ cố hữu giữa tôn giáo bình dân và thần học giải phóng càng được củng cố bền chặt thêm hơn. Dựa theo Văn kiện Tổng kết hội nghị Puebla, Galilea nhận định rằng để có thể đảm nhận công tác rao truyền Phúc Âm tại vùng Châu Mỹ Latin cho nghiêm túc, thì cần phải biết ý thức về nhu cầu giải thích lại theo tinh thần giải phóng, những cách thức diễn đạt và những biểu tượng gặp thấy ở trong tôn giáo bình dân.

4. Francisco Taborda

Rao truyền Phúc Âm và giải phóng là hai phần chủ yếu trong công trình nghiên cứu – hiện đại hơn và với nội dung dồi dào hơn – về Bí tích, do hai tác giả Francisco Taborda và González Dorado cùng thực hiện.

Francisco Taborda, người Ba Tây, lý luận rằng khái niệm “lễ mừng” được gắn liền với khái niệm “Bí tích” để làm cho những sức năng giải phóng của việc hồi niệm Bí tích và mừng kính mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, tỏ rạng hẳn lên. Mục tiêu Taborda nhắm tới, là dựa theo ánh sáng hoàn cảnh cụ thể của Giáo hội Công giáo Châu Mỹ Latinh mà xem xét và tổ chức thần học Bí tích lại cho thích đáng; bởi vì, bản sắc của Giáo hội vùng này là ở chỗ đã từng sống qua kinh nghiệm lịch sử của lề lối hành động giải phóng cứu gỡ người nghèo ra khỏi cảnh nghèo của họ.[18] Việc phân chia cuốn sách thành ba phần cũng phản ánh rõ mục tiêu và khuôn khổ mà tác giả đã đặt ra cho công trình nghiên cứu. Trong phần 1, Taborda đã sơ phác về hiện tình đời sống đức tin tại Châu Mỹ Latinh, với điểm nhấn mạnh đến công tác biến đổi xã hội bất công hiện tại. Trong phần 2, tác giả đã dựa theo nhãn quan nhân chủng học mà xác định mối quan hệ giữa việc cử hành và việc sống biến cố “lễ mừng”, cũng như ý nghĩa của các sự việc ấy. Trong phần 3, tác giả bàn về khái niệm “lễ mừng” và về các Bí tích hiểu theo nghĩa là những cách thức cử hành việc tưởng niệm Ðức Chúa; “lễ mừng” là giao điểm giữa việc dấn thân đoan hứa trong các Bí tích kitô và đời sống kitô trong thực tế.[19]

Không chần chừ, Taborda đã mạnh mẽ xác định ngay là “lễ mừng” hàm súc ý nghĩa chỉ về tác động của hành động con người ở trong lịch sử. Và như thế, cách hiểu lý luận cao độ (tức triết lý) của tác giả về “lễ mừng” bao hàm cả việc sống niềm tin của mình ở giữa cuộc sống xã hội loài người nữa. Tác giả cho rằng tại Châu Mỹ Latinh ngày nay, từ ngữ cần phải được dùng để diễn đạt lề lối hành động kia là từ “giải phóng”.[20] Qua từ ngữ “giải phóng”, thuật ngữ “hành động” then chốt được các từ “đức tin”, “tính chất cộng đoàn”, và “của/trong Ðức Chúa”, bổ nghĩa thêm cho; tất cả các từ này được dùng để bảo toàn tinh thần kitô và ý nghĩa của thuật ngữ then chốt kia.[21]

Ðiều làm cho cuốn sách được đánh giá cao là đã coi cuộc sống con người cao rộng hơn là lề lối hành động đơn thuần: con người cần tổ chức “lễ mừng”. Về điểm này, Taborda đã dựa theo các công trình nghiên cứu của Peter Hunermann, đại học Munster, cũng như của Hugo Rahner và Johan Huizinga.[22] Khi liên kết cách hiểu của mình về “lễ mừng” với các khái niệm về biểu tượng, tác giả đã cho thấy rõ là mình chịu ảnh hưởng của Karl Rahner, Paul Ricoeur và José María Castillo,[23] Taborda cho rằng không thể có được “hành động” trong lịch sử, nếu đi kèm theo, lại không có việc dùng đến ngôn ngữ và cử điệu biểu tượng; các Bí tích kitô là một phần của lãnh vực biểu tượng ấy. Bản tính loài người đòi phải có một sự cân bằng giữa “hành động” và “lễ mừng”. Ði đúng với chủ thuyết chính ông đề xuất, tác giả thường xuyên khẳng quyết rằng dấn thân cho hành động giải phóng tại Châu Mỹ Latinh ngày nay có nghĩa là hoạt động nhằm xây dựng một xã hội công bằng hơn; mục đích của cuộc sống không phải là để giải phóng con người cho khỏi công tác hay hành động, hoặc là cho khỏi nỗ lực hoạt động nhằm xây dựng một xã hội bình đẳng hơn, nhưng là để giúp cho con người có tự do mà dấn thân vào trong công tác xây dựng một thế giới đầy tình người hơn, giải phóng con người khỏi những loại công việc làm dồn con người đến chỗ tha hóa, hoặc khỏi cảnh bạo lực và áp bức. Hiểu theo ý nghĩa của lễ mừng, các Bí tích sẽ vén mở cho thấy những ý nghĩa phong phú chúng hàm dung. Trong một cảnh huống bất công, Bí tích có thể làm đà thúc đẩy hành động nhằm tới công tác xây dựng một xã hội công bằng hơn. Nhưng, Bí tích cũng có thể bị lèo lái để trở thành công cụ gia cố những cách thức hành động và cơ cấu tổ chức bất công trong xã hội.

Trong phần cuối cuốn sách, Taborda đã đưa cách hiểu của mình về Bí tích, về lễ mừng và hành động, sáp nhập vào trong mạc khải kitô và việc cử hành các Bí tích. Dựa vào công trình khảo luận của Leonardo Boff, tác giả đã miêu tả về cơ sở hạ tầng của Bí tích, coi Bí tích là thực tại hàm dung ngôn ngữ miêu thuật và biểu tượng, là thời điểm nằm trong niên đại của thời gian và cuộc sống, là tự bản chất, quy-Kitô, và là những cách thức tưởng niệm theo lối biểu đạt, Mầu nhiệm Phục sinh của Ðức Kitô trong và cho Giáo hội. Những thuật ngữ cổ điển trong giáo lý Công giáo về Bí tích đã được minh nhiên nhắc đến (chẳng hạn như từ ngữ significando causant/ làm phát sinh bằng cách nói lên ý nghĩa), và cung cách công đồng Trentô trình bày về Bí tích đã được dùng làm khuôn thước cho ít nhất là một phần trong công trình khảo luận của tác giả (chẳng hạn như là thuật ngữ ex opere operato/do sự/do chính việc đã làm). Tuy nhiên, trong những phần ấy, tác giả cũng nhấn mạnh đến tác động qua lại của các biểu tượng: tác động thuộc nội giới các Bí tích, nhờ đó, các Bí tích mới có được sức năng mà “làm phát sinh”, và giữ vững lập trường cho rằng sáng kiến nhưng không về phía Thiên Chúa chính là nhân tố làm nền móng cho thái độ dấn thân qua Bí tích.

5. Antonio González Dorado

Phương pháp và luận thuyết của Taborda cũng như cung cách tác giả này đặt công trình khảo luận của mình về Bí tích vào trong bối cảnh của Châu Mỹ Latin ngày nay, đã ảnh hưởng nhiều đến những nỗ lực nghiên cứu của các thần học gia khác: Antonio González Dorado với cuốn Los Sacramentos del Evangelio[24] là một thí dụ. Cuốn sách có tầm cỡ này là một phần đóng góp giá trị của bộ sách căn bản về thần học mang tựa đề chung Teología para la Evangelización liberadora en América Latina (Thần học để dùng vào việc rao giảng Tin Mừng giải phóng tại Châu Mỹ Latinh).[25] Công trình tổng hợp của cuốn sách đã được thực hiện trong khuôn khổ bối cảnh của Châu Mỹ Latinh ngày nay, và được coi như là một lời nghiêm túc đáp lại những yêu cầu khẩn thiết của Hội nghị Puebla mong cho có được: một thể dạng thần học về phụng vụ và Bí tích thích ứng với bối cảnh nhân bản và giáo hội của Châu Mỹ Latinh; một thái độ đặc đãi đối với người nghèo; và một phương án quy mô giáo hội cũng như thức thời cho công tác rao truyền Tin Mừng giải phóng, nhằm mang lại cho Giáo hội một sức sống mới.[26] Theo González Dorado, để thực hiện cho được những điều đó, thì trong những việc phải làm, cần đặc biệt lưu ý đến các công tác thiết yếu này: thẳng thắn xét lại lề lối thực hành Bí tích đang xuống dốc; lượng định tầm trọng yếu của mối liên hệ giữa nỗ lực canh tân Giáo hội và công tác đổi mới phụng vụ; tìm hiểu về mối tương quan giữa các Bí tích và nền văn hóa hiện đại, lòng đạo đức bình dân ngày nay cũng như trào lưu đại kết đang diễn tiến. Không phân gián hay đặt công tác rao truyền Phúc Âm và việc sống Bí tích đối đầu nhau, tác giả đã nêu bật việc cần phải thích ứng lề lối cử hành phụng vụ và Bí tích sao cho ăn khớp với bối cảnh của một cuộc sống mục vụ biết tiến bước theo đúng tinh thần phụng vụ, đặc biệt là theo đúng chức năng phúc âm hóa của phụng vụ.

Công trình khảo luận của Gonzalez Dorado là một công trình bao hàm. Cuốn sách mười chương của tác giả đã bàn đến các vấn đề như sau: các Bí tích trong dòng lịch sử; các Bí tích: biểu tượng của đức tin; nguồn gốc và sứ mạng phúc âm hóa của các Bí tích; các Bí tích với công tác xây dựng một Giáo hội thấm nhuần tinh thần Phúc Âm sâu đậm hơn và có sức rao truyền Phúc Âm cho tích cực hơn; các Bí tích với cuộc sống làm chứng cho Phúc Âm; các Bí tích với việc phụng tự mang đậm tính chất phúc âm hóa; mục đích và hiệu quả của các Bí tích suốt trong dòng lịch sử; thừa tác viên Bí tích theo tư thế là người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa; các Bí tích với việc dấn thân làm chứng cho Phúc Âm; tính chất thiết yếu của các Bí tích; và Bí tích liên đới. Mỗi chủ đề đều được bàn đến theo phương pháp lịch sử và bằng cách dựa theo cơ sở các nguồn liệu chính yếu, như là Kinh Thánh, các tác phẩm của Téctulianô, Âugutinô, Tôma Aquinô, và các văn kiện hiện đại của huấn quyền, – đặc biệt là thông điệp Evangelii nuntiandi (Công bố Tin Mừng) của Ðức Phaolô VI cùng văn kiện các Hội nghị Medellín và Puebla. González Dorado giải thích rằng sở dĩ tác giả đã dùng đến các học thuyết của Téctulianô, Âugutinô và Tôma Aquinô, thì chính là vì có những nét tương đồng giữa thời các tác giả này và thời nay. Nếu thời Téctulianô là thời các tử đạo, thì thời nay là thời Châu Mỹ Latinh đang phải sống qua cảnh chịu áp bức; nếu Âugutinô đã gia công giải thích về Bí tích cho những người không có học thức, thì thời nay cũng đang phải đương đầu với cùng một thách đố như thế; và Tôma Aquinô cũng đã sống qua một thời giao động với những đổi thay sâu rộng về mặt kinh tế, chính trị và xã hội chẳng khác chi thời chúng ta đang sống hiện nay. Tác giả nói rõ là mình dựa theo tư tưởng của Schillebeeckx, Rahner, Congar và Borobio,[27] cũng như của Segundo và Boff. Suốt cuốn sách, tác giả đã dựa theo phương pháp hiện tượng luận mà bàn đến các nghi thức, đã chú tâm tìm hiểu về cấu trúc và nội dung phụng vụ của chúng, cũng như đã ra sức giải thích về ý nghĩa thần học của chúng.

Một trong các điểm đóng góp hữu ích hơn cả về mặt phương pháp, là cách thức González Dorado bối cảnh hóa những tư tưởng và nhận định quen thuộc của các thần học gia và của huấn quyền, để từ đó xác định rõ về ý nghĩa của những gì đã được nói lên. Tác giả đã khéo léo nối kết những vấn đề rút ra từ lề lối sống đạo và cách thức thực hành Bí tích tại Châu Mỹ Latinh ngày nay, với những chủ đề cổ điển cần bàn đến. Chẳng hạn, chương viết về các Bí tích trong dòng lịch sử đã dùng đến tư tưởng của các thần học gia trưng dẫn trên đây như là những nguồn dữ liệu, rồi tiếp đó đã bàn đến đà tiến triển trong lề lối thực hành Bí tích tại Châu Mỹ Latinh kể từ những thời thuộc địa cho đến ngày nay.[28] Và trong một cách thức nhất quán cũng như hữu ích, tác giả đã đề cập đến mối quan hệ hỗ tương giữa thần học và nhu cầu mục vụ, giữa nhân chủng học và các Bí tích – được hiểu như là những phương cách biểu đạt thực tại rộng lớn của mysterion, và ý định giải phóng cứu độ phổ quát của Thiên Chúa – cũng như giữa các thần học gia hiện đại, giữa huấn quyền và các vấn đề mục vụ gặp thấy mỗi ngày.

Khoa Bí tích học mà González Dorado phác trình, là một khoa Bí tích học đượm nhuần tính chất Kitô học và Giáo Hội học, biết nhấn mạnh đến các khía cạnh cứu độ học, rồi lại còn được hoàn chỉnh với phần bàn đến vai trò của Thánh Linh trong việc cử hành Bí tích và trong đời sống của Giáo hội nữa.[29] Còn các phạm trù cổ điển trong thần học Bí tích thì được phong phú hóa với những viễn ảnh mới mẽ; chẳng hạn, nguyên nhân tính biểu tượng đã được dùng đến để tìm hiểu về khái niệm ex opere operato.Trong phần bàn đến con số 7 (Bí tích), González Dorado đã trình bày lập trường cơ bản của mình về cách hiểu các Bí tích như là dịp gặp gỡ có tính cách lễ mừng của cộng đoàn kitô với Ðức Kitô và với Giáo hội. Tại Châu Mỹ Latinh ngày nay, “giá trị chủ yếu” của Bí tích nằm ở chỗ có khả năng làm nên những thời điểm cho “việc rao truyền Tin Mừng giải phóng”;[30] đó là ý tưởng và cũng là cách nói thường đọc thấy suốt trong cuốn sách.

Một trong số các phần nêu lên nhiều sáng kiến và đưa ra nhiều thách đố nhất, là phần bàn đến các thừa tác viên theo tư thế là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa, và phần đòi hỏi những người cử hành Bí tích, phải sống cuộc đời làm chứng cho Tin Mừng. “Thừa tác viên” là một từ ngữ biểu đạt ý niệm quan hệ, bởi vì là Linh Mục Thượng Tế vĩnh cửu, là tác nhân của hết mọi Bí tích, Ðức Kitô hành động qua trung gian của cả chức linh mục thừa tác lẫn chức linh mục chung (giáo dân). González Dorado thích dùng các từ diakonia và oikonomos để chỉ về các thừa tác viên Bí tích của Ðức Kitô; chức năng số một theo tác vụ họ đảm nhận, là phối kết các Bí tích, cuộc sống và đời chứng tá thành một. Theo tác giả, cách hiểu tốt nhất về thuật ngữ cổ điển potestas thường được dùng để nói lên quyền cử hành Bí tích, là hiểu theo ý nghĩa của một thể dạng quyền hành để phục vụ.[31] Liên quan đến chủ ý thiết yếu đối với sinh hoạt Bí tích, tác giả xác nhận là quả thật phạm trù “chủ ý có hiệu lực” nói lên thái độ tôn trọng đối với tự do con người, và nhấn mạnh rằng “chủ ý” là một hành động con người có suy nghĩ cân nhắc trước một đối tượng nhất định. Tác giả nghĩ rằng vấn đề lớn nhất đặt ra cho Châu Mỹ Latinh ngày nay là tình trạng cắt đứt giữa đức tin và đời sống, là tình trạng bất nhất giữa việc tham dự Bí tích và thái độ thờ ơ đối với đời sống đức tin nơi những người tham dự.[32]

Bàn đến các vấn đề đại kết ngày nay, González Dorado xác nhận Bí tích rửa tội quả là một đặc nét chung, và cho rằng phần lớn những khó khăn liên quan đến Thánh Thể đều phản ánh những vấn đề sâu rộng hơn gặp thấy trong lãnh vực chức thánh. Tác giả đã nhắc đi nhắc lại một chủ đề chính của cuốn sách khẳng quyết rằng công cuộc đối thoại mấu chốt giữa các giáo hội phải đối diện không những với các vấn đề Bí tích mà thôi, nhưng còn cả với công tác hoạt động nhằm tới việc giải phóng những người nghèo và những người bị áp bức nữa, bởi vì sinh hoạt Bí tích chính là nguồn phát sinh ơn cứu độ giải phóng phổ quát, tức là cho cả họ nữa.[33]

Chương cuối cuốn sách – là chương đề cập đến tính chất thiết yếu của các Bí tích – đã lấy lại nhiều chủ đề chính được bàn tới trong nội dung cuốn sách. Các Bí tích giữ một phần chủ yếu trong tác vụ chia sẻ Tin Mừng và ơn cứu độ Thiên Chúa ban qua Ðức Kitô. Chúng tán dương và hiện thực hóa Tin Mừng ngay tại đây và trong giây phút này, và tự bản chất, có liên hệ chặt chẽ với thế giới toàn thể, cũng như với ơn cứu độ và thánh hóa toàn bộ thế giới trong Thiên Chúa.[34] Trong phần kết luận, tác giả đã miêu tả với những lời lẽ kích cảm, việc các Bí tích dùng năng động lực nội tại của mình mà biến cải và truyền sức sống cho một niềm tin yếu nhược hay đã chết, làm cho nó trở thành một đức tin sinh động đầy sức năng kiên cường. Cuối cùng, tác giả đã nói lên nguyện vọng mong cho có được một lề lối thích đáng trong việc cử hành và sống các Bí tích, một lề lối nắn đúc theo mô mẫu lời kinh Magnificat của Ðức Maria, là lời kinh tuyên tín của các tín hữu và là bài ca sống động minh họa công cuộc rao truyền Tin Mừng giải phóng. Công cuộc này đã được cuốn sách đề cập đến nhiều, coi đó là một phần then chốt nằm trong chủ đề của mình.

Kết luận

Thiên điểm duyệt này cho thấy rõ là các tác phẩm (thần học giải phóng) thời đầu viết về thần học Bí tích, đã dùng con đường phê bình lề lối thực hành Bí tích để đưa chủ đề giải phóng vào trong thần học Bí tích, và đã tìm cách đào sâu ý niệm về Bí tích tính. Các tác phẩm viết về lòng đạo đức bình dân đã đóng góp thêm nhiều nhận thức mới mẽ cho các chủ đề về giải phóng và về cách thức diễn đạt bằng biểu tượng. Việc nới rộng lãnh vực nghiên cứu như thế đã được sáp nhập một cách có hệ thống vào trong công trình nghiên cứu của các tác giả gần đây.

Một vài tác giả trong các đại lục Bắc bán cầu, đã bắc cầu liên hệ với thể dạng thần học trên đây. Dù không hoàn toàn trực tiếp liên hệ lãnh vực các Bí tích, thì ảnh hưởng của thể dạng thần học ấy cũng có thể nhận ra được trong phương thức nghiên cứu về việc tưởng niệm, kể cả việc tưởng niệm phụng vụ, mà Schillebeeckx và Metz đã dùng đến. Một số những nhận định Schillebeeckx đưa ra trong cuốn Christ, cho thấy là tác giả đã một phần nào lưu tâm đến các chủ đề về giải phóng trình bày trên đây. Chẳng hạn, Schillebeeckx đã nhận định rằng lời nói và hành động của Ðức Giêsu vén mở cho thấy “dung mạo của Thiên Chúa nhìn về [nhân loại], dung mạo của một Thiên Chúa hằng quan tâm chăm lo cho mọi người, đặc biệt là cho những người hèn mọn trong thế gian, cho tất cả những ai bị đóng đinh vào thập giá”.[35] Liên quan đặc biệt đến phụng vụ Bí tích, Schillebeeckx nhận xét rằng các Bí tích là “những dấu chỉ làm trung gian cho và báo trước về ơn cứu độ, tức là về sự sống đã được chữa lành và giảng hòa. Và xét theo hoàn cảnh lịch sử ngày nay, các Bí tích cũng còn là những biểu tượng của phản đối, giúp vạch trần cho thấy cuộc sống chưa được giảng hòa trong chiều kích cụ thể của lịch sử chúng ta hiện đang sống qua”.[36] Tác giả này còn phát biểu thêm rằng “ở nơi hành động biểu tượng trong Kitô giáo, tàng ẩn một tiềm lực lớn mạnh về mặt lịch sử, có khả năng phối kết đời sống thần nghiệm và sinh hoạt chính trị làm một”.[37] Ngoài ra, các Bí tích còn đóng giữ một vai trò đặc biệt trọng yếu trong việc giúp cho lề lối hành động giải phóng theo đường hướng kitô khỏi bị thoái hóa đến độ trở thành một “chủ trương tha hóa quả quyết là con người có đủ sức năng để tự giải phóng lấy chính mình”.[38]

 

 

 


[1] Bài viết nguyên văn tiếng Anh, mang tựa đề “Sacramental Theology: A Review of Literature”, đăng trong tạp chí tam cá nguyệt Theological Studies, tập 55, số 3, September 1994, tt. 657-705, gồm 5 phần: Tác giả phần I (Dẫn nhập + The Post-Rahnerian Formulations) là Regis A. Duffy, O.F.M., Giáo sư Ðại Học Công Giáo Ðức Bà (Catholic University of Notre Dame), Hoa Kỳ; Tác giả phần II (Liberation Theology) là Kevin W. Irwin, Giáo sư Thần học Ðại Học Công Giáo Hoa Kỳ (Catholic University of America), Washington DC; Tác giả các phần III-V (Postmodern Approches, Feminist Theology và African and Asian Contributions + Tổng kết) là David N. Power, O.M.I., Giáo sư Ðại Học Công Giáo Hoa Kỳ (Catholic University of America), Washington DC.

[2] Los Sacramentos hoy (Buenos Aires: Carlos Lohle, 1971); bản dịch tiếng Anh The Sacraments Today do John Drury (Maryknoll: Orbis, 1974).

[3] Ibidem 10,32-40.

[4] Ibid. 15-20. Liên quan đến điểm này, xin xem thêm Luis Maldonado, Secularización de la Liturgia (Madrid: Marova, 1970).

[5] Ibid. 98.

[6] Ibid. 34-37, 53-62, 100-104.

[7] Ibid. 36, 80-82, 98

[8]

[9] Ibid. 7

[10] Leonardo Boff, Iglesia: Charisma e poder (Pietropolis: Vozes, 1981); bản dịch tiếng Anh do John W. Diercksmeier, Church: Charism and Power: Liberation Theology and the Institutional Church (New York: Crossroad, 1985).

[11] Ibid. 16.

[12] Ibid. 9.

[13] Ibid. 78-79.

[14] Ðặc biệt bổ ích là các thiên tiểu luận sau đây của Galilea, “Religiosidad Popular”, trong Religiosidad popular y pastoral (Madrid: Cristiandad, 1979) 16-92; “The Theology of Liberation and the Place of Folk Religion”, trong Concilium 136; What is Religion? An Inquiry for Christian Theology, eds. Mircea Eliade và David Tracy (New York: Seabury, 1980) 40-45; và một số phần trong cuốn El Camino de la Espiritualidad (Bogotá: Ediciones Paulinas, 1982).

[15] Dù có phân biệt cho là các từ ngữ ấy khác nhau, và coi từ ngữ “lòng đạo đức bình dân” bao hàm một ý nghĩa rộng hơn từ ngữ “Công giáo bình dân” (Religiosidad Popular 20-21), thì Galilea cũng đã dùng các từ ngữ ấy thay đổi cho nhau, không phân biệt. Cũng cần nhắc đến cách tác giả phân biệt tôn giáo bình dân theo những thể dạng khác nhau tùy cảnh sống: tôn giáo bình dân trong các khu thành thị và tôn giáo bình dân giữa các vùng nông thôn (ibid. 28-43); tác giả cũng lưu ý rằng có ít nhất là hai phương thức nghiên cứu khác nhau đã được các thần học gia giải phóng dùng đến: (1) phương thức áp dụng tại Áckhanhtina và tại nhiều nơi trong các nước Chilê và Ba Tây, và (2) phương thức áp dụng tại Mêhicô, El Salvador, cũng như tại một số nơi khác trong các nước Chilê và Ba tây (“Theology of Liberation” 42-44).

[16] Religiosidad Popular 20-27.

[17] Về những nhận định kế tiếp, xin xem Galilea, “Theology of Liberation” 40-44.

[18] Francisco Taborda, Sacramento, praxis e festa (Sao Paulo: CESEP, 1987). Trong thiên điểm duyệt này, cuốn sách sẽ được trưng dẫn theo bản dịch tiếng Tây Ban Nha của Alfonso Ortiz García, Sacramentos, praxis y fiesta (Madrid: Ediciones Paulinas, 1987). Ngoài ra, xin xem thêm các bài viết sau đây của Taborda, “Sacramentos, praxis e festa: Critica e auto-critica”, Perspectiva Teológica 21 (1989) 85-99; và “Vida Cristã e sacramentos”, Perspectiva Teológica 21 (1989) 227-236.

[19] Trong phần dẫn nhập (14), Taborda giải thích rằng còn một cách thức hữu ích khác có thể được dùng để nhận thức về các Bí tích, đó là coi Bí tích như là những biểu tượng và vốn mang tính chất biểu tượng. Tuy nhiên, tác giả nghĩ rằng từ ngữ “lễ mừng” thì rõ ràng và chính xác hơn để miêu tả về Bí tích.

[20] Sacramentos, praxis y fiesta 25-27

[21] Ibid. 25, 34-39.

[22] Ibid. 42-43, số 1.

[23] Ibid. 62-89, cũng như các số 1 và 4. Ðáng đặc biệt lưu ý là tác phẩm của José María Castillo, Símbolos de libertad: Teología de los Sacramentos (Salamanca: Sígueme, 1981), vì giá trị nội dung của nó, cũng như vì ảnh hưởng nó hiện đang gây được tại Châu Âu và Châu Mỹ Latinh.

[24] Los Sacramentos del Evangelio: Sacramentología fundamental y orgánica (Santa Fe de Bogotá: CELAM, 1991).

[25] Teología para la Evangelización liberadora en América Latina do Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh bảo trợ, và được dùng để huấn luyện chủng sinh và những người dấn thân phục vụ Tin Mừng tại trong vùng.

[26] Ibid. 18-19; tương ứng với các số 916, 940, 942 trong văn kiện của Hội nghị Puebla.

[27] Cuốn đầu trong bộ sách ba cuốn của Dionisio Borobio, La celebración en la Iglesia (Salamanca: Sígueme, 1985-), thường được González Dorado trích dẫn; như thế là cũng như Borobio, Dorado đã muốn bàn về phụng vụ và các Bí tích chung với nhau.

[28] Ibid. 89-108.

[29] Ibid. 414-426.

[30] Ibid. 255-256.

[31] Ibid. 449-462.

[32] Ibid. 465-477.

[33] Ibid. 484-489, 577.

[34] Ibid. 538-577.

[35] Christ: The Experience of Jesus as Lord, bản dịch tiếng Anh do John Bowden (New York: Seabury, 1980) 768.

[36] Ibid. 836.

[37] Ibidem

[38] Ibid. 768. Ðặc biệt nói rõ về các điểm trên đây là đoạn “Eucharistic Thanksgiving” (848-851). Ðể có một bản tóm gọn về thần học giải phóng, xin xem 758-762, 893-894.