Kể từ Công đồng Vatican II, cụm từ Kinh Phụng vụ[1] được chuyển nghĩa từ cụm từ Officium Divinum và được sử dụng cách thường xuyên trong cách gọi. Bản tiếng việt dịch là Kinh Nhật Tụng. Cụm từ này cũng nhằm thay thế cụm từ « Breviarium » hoặc « Breviarium Officii », vốn được sử dụng cách rộng rãi trong Giáo hội theo nghi thức Roma.
Giờ Kinh Phụng vụ « làm chứng cho những gì mà Giáo hội tin trong cầu nguyện, hôm nay cũng như hôm qua, nhưng nó được diễn tả trong một ngôn từ, một cách suy nghĩ, một đặc tính thần học của một thời kỳ »[2].
Phải khẳng định trước tiên rằng, Kinh Phụng vụ là lời cầu nguyện chung của tất cả Giáo hội ; nó không phải được dành riêng cho các tu sĩ và những người sống đời thánh hiến[3]. Đối với các hành động phụng vụ khác như Thánh Thể mà nó không thay thế, nhưng nó là một sự bổ túc. Các Giờ Kinh Phụng vụ thánh hiến tất cả chu kỳ của ngày và đêm ; nó giúp tập trung tất cả những hành động hằng ngày bởi lời cầu nguyện không ngừng và cho phép trả lời những giáo huấn của Đức Kitô, Đấng nối kết với chúng ta trong lời cầu nguyện ngày và đêm.
Những lời kinh được lưu truyền trải qua dòng thời gian, ngay cả khi nó được diễn tả bởi các hình thức khác nhau, vốn đã được đơn giản hoá ở Tây phương, như chỉ dạy của Công đồng Vatican II. Chẳng có sự khác biệt đáng kể giữa những nghi thức tây phương và đồng phương. Ngược lại, việc làm mới lại các Giờ Kinh Phụng vụ ở Tây phương đã diễn ra ở Công đồng Vatican II, giúp tìm thấy nguồn gốc của nó trong những hình mẫu ở đông phương.
I.- NHỮNG NỀN TẢNG CỦA CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
Các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi đã mong muốn sống ý tưởng về một đời sống cầu nguyện liên lỉ, được hướng dẫn bởi Kinh thánh và đã được thực hành bởi chính Đức Kitô và bởi cộng đoàn tông đồ.
Đức Kitô đã dùng những tập tục của dân mà trong đó Người là thành phần nhưng Người không hài lòng với những tập tục này. Đối với Người, hành động thường nhật phải được nối kết chặt chẽ với lời cầu nguyện. Thánh Luca, tác giả Tin mừng thứ 3 khẳng định một cách rõ ràng nhất về đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu. Đức Kitô cũng chính Người đã tự bày tỏ như là biểu mẫu về đời sống cầu nguyện và mời gọi tất cả các môn đệ của Người cầu nguyện không ngừng và kiên trì, như một cử chỉ hướng về cánh chung (Lc 21,36).
Những tín hữu đầu tiên đã theo sát những thời gian về cầu nguyện như cách người Do thái đã làm, nhưng họ đã thêm vào đó một tinh thần mới được thích ứng bởi Đức Kitô : lời cầu nguyện đêm (kinh đêm) là một sự mới mẻ so với những nghi thức Do thái. Lời cầu nguyện của các tín hữu tiên khởi cần phải trở nên hợp lý, chuyên chăm và kiên trì. Những ý tưởng mà trong đó tồn tại sự trung thành của các tín hữu : những Giờ (kairos) là thời gian quan trọng nhắc nhở cho lời cầu nguyện liên tục. Những tác giả kitô hữu đầu tiên như Origène hoặc Tertullien khẳng định rất nhiều về lời cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ được nói đến đầu tiên đối với những người nhiệm nhặt, những tu sĩ hay những nhà đan tu ; nhưng quả thực, nó là một lời mời gọi cho tất cả mọi kitô hữu về việc thực hành cầu nguyện cách thường xuyên vào những giờ khắc đã định.
Một vài khoảng khắc của thời gian cầu nguyện được coi như bắt buộc và những giờ khác được xem cách đơn thuần như những giờ được tham khảo. Những giờ này cho phép để thực hành các lý tưởng đời sống cầu nguyện không ngừng. Sự khác nhau về thời gian được kiểm nghiệm bởi những bản văn của Cựu và Tân ước. Lời cầu nguyện cho thấy giá trị của nó, như khẳng định của Gioan Cassien : « gợi hứng bởi từ trong một phần lớn những bản văn và những cử chỉ làm nên Giờ Kinh Phụng vụ, lời nhắc nhở thường nhật về sự thông hiệp của ơn Cứu độ »[4].
Trong thế kỷ IVe, lời cầu nguyện theo Giờ được tổ chức hai hình thức cùng tồn tại : một cho những đan sĩ và các tu sĩ ; phần khác cho dân kitô hữu. Phần thư hai này có cấu trúc khác nhau nhưng được nhìn nhận như những phần bổ sung : và vì thế nó vẫn mang những giá trị đặc biệt của giờ kinh mà chúng không bị coi là hơn kém so với phần thứ nhất.
Vào thời Trung cổ, phần đông các tín hữu dần dần quên lãng các Giờ Kinh Phụng vụ vì nhiều lý do. Trước hết, họ không biết nhiều về ngôn ngữ latin : hoặc thật khó khăn để học thuộc lòng tất cả các giờ kinh, trừ khi họ sở hữu một cuốn sách nguyện với cái giá đắt đỏ (!). Hơn nữa, tầm quan trọng của thời khắc được dùng cho những giờ kinh lại cản trở những tín hữu phải làm việc.
Vào thế kỷ XIXe, giờ kinh nguyện được tái khám phá như lời cầu nguyện của dân kitô hữu, trước tiên bởi những Giáo hội mở đường cho Cải Cách. Thế kỷ tiếp theo, cộng đoàn Taizé đóng vai trò rất quan trọng trong sự kiện này khi giúp cho các vị khách đến thăm khám phá ra những Giờ kinh khác nhau.
Cũng cần nhắc lại rằng, trong nhiều thế kỷ, lời kinh theo Giờ đã bị nhiễu loạn bởi hai xu hướng đối nghịch nhau : một xu hướng muốn loại bỏ những chỉ dẫn về nhịp điệu của ngày và đêm ; xu hướng còn lại đã làm qúa tải về thời gian hoặc nội dung của Giờ kinh. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác.
Công đồng Vatican 2 đã cố gắng đưa vào trật tự trong khi đế ý đến việc làm cho hợp lý những giờ kinh nguyện trong ngày, tất cả được tôn trọng theo những đòi hỏi của đời sống hiện đại. Những kinh nguyện được chỉnh sửa cách kỹ càng và thêm hoặc bớt đi cho phù hợp. Trình tự của nó được đơn giản và nhất là có thể được cử hành bằng ngôn ngữ địa phương[5].
Các Giờ Kinh Phụng vụ diễn tả lời cầu nguyện chúng của Giáo hội, nó được công bố trong một nhóm (tất cả nhóm được qui tụ tạm thời hoặc được ấn định để cử hành các Giờ kinh), hoặc cá nhân[6]. Các giờ kinh không được cử hành bởi chỉ vì chính nó nhưng nói theo ngôn từ của Công đồng Vatican 2 : để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người. Nhất là, Giờ Kinh Phụng vụ cũng được cử hành nhân danh dân kitô giáo bởi những người đón nhận trách nhiệm là các giám mục, linh mục và phó tế nhưng cũng là các tu sĩ, kinh sĩ và nữ đan sĩ[7].
II.- NHỮNG YẾU TỐ CHÍNH TẠO NÊN CÁC GIỜ KINH NGUYỆN
1.- Các thánh vịnh và thánh ca Kinh Thánh
Các thánh vịnh là nền tảng của Kinh Phụng vụ. Những người Do thái đã có một sự hiểu biết rất lớn về các thánh vịnh. Tuy vậy, cần khẳng định rằng, phương cách dùng của các kitô hữu thì vượt qua những gì của người Do thái, bởi vì nó tạo cho những thánh vịnh một giá trị kitô học và tạo nên một tiếng nói cho lời cầu nguyện tán tụng, cho sự suy ngẫm về sự hoàn hảo của Đấng thánh và sự diễn tả về nỗi niềm nhân loại.
Có rất nhiều phương thức đã được thực hành cho bài đọc thánh vịnh. Chẳng hạn phương thức chỉ định đọc thánh vịnh một cách liên tục như lectio continua tất cả các thánh vịnh : thánh Biển Đức yêu cầu đọc chung các thánh vịnh trong một tuần, nhưng kể từ Vatican II, chu kỳ của các thánh vịnh được bắt đầu trong bốn tuần. Phương thức khác có tích chất làm đặc biệt hoá những thánh vịnh vào trong những Giờ, chuyển biến theo tính liên tục của nó : điều này có thể được thực hiện theo giờ của ngày, đêm và theo chu kỳ thời gian. Cùng mục đích này, những điệp ca ở đầu mỗi thánh vịnh cho phép giải thích tầm quan trọng về một thánh vịnh được chọn cho một thời gian phụng vụ thích hợp.
Những Thánh vịnh trước hết là những bài thơ. Chúng được hát trong một hành vi ca tụng hoặc bằng một giọng solo hay với tất cả cộng đoàn (lối hát đối đáp). Hình thức hát vinh tụng ca « Gloria Patri… » vào phần cuối của thánh vịnh không phải là một sự mới thêm vào: nó đã xuất hiện từ thế kỷ IVe và được thích ứng bởi tất cả các luật đan viện latin. Bài giảng, các tước hiệu, những lời cầu nguyện tổng hợp và những câu điệp ca nhằm giúp hiểu ý nghĩa của các thánh vịnh và giúp cầu nguyện.
Cũng vậy, những yếu tố khác tạo nên Giờ Kinh Phụng vụ : những bài ca Kinh thánh (những bài ca này rất phố biến trong thời cổ đại, nó xuất hiện nhiều trong phương thức dùng của dòng Biển Đức và trong kinh nguyện Roma). Một điểm khác, những bài ca được biên soạn có tính văn chương được coi như là kéo dài việc hát thánh vịnh, trong khi đó những bài đọc và những lời cầu nguyện lại thuộc về một thể loại khác.
Những bài ca Cựu ước, tựa như những nghi thức Đông phương hay Tây phương, được giới thiệu nhất là trong những lời cầu nguyện ban sáng và trong những giờ Canh thức. Những bài ca Tin mừng được sắp đặt cách trật tự hơn giữa các giờ kinh khác nhau. Nhờ Công đồng Vatican II, những bài ca Tân ước đã được thêm vào : Khải huyền, Các thư của thánh Phêrô, của thánh Phaolô và ngay cả từ lá thư gởi cho Timôthê.
Những bài ca có tính văn chương được biên soạn là những « bài hát vốn chẳng phải là những thánh vịnh theo qui điển, cũng không phải là những bài ca Kinh thánh, nhưng nó tạo nên một phần của việc cử hành phụng vụ : thánh thi, những câu đối đáp và nhưng điệp ca »[8].
Sự phân biệt các cách đọc thánh vịnh thì không đơn giản. Cha đẻ biên soạn các thánh thi là thánh Ephrem, được đã chuyển dịch sang tiếng Hy lạp bởi Romanos le Mélode. Ở Tây phương latin, thánh Ambroise (không phải là thánh Hilaire) được coi như người đặt nền tảng cho các cung điệu của các thánh thi. Ngài cũng muốn mở rộng ra cho tất cả dân chúng khi thực hiện công việc này. Các bài thánh thi của ngài được đón nhận bởi các tu sĩ dòng Biển Đức và Giáo hội Roma : sự thành công của các thánh thi chẳng thể chối cãi được.
Những bài thánh thi đòi hỏi trả lời cho nhiều những yêu cầu mà nó vẫn còn giá trị cho ngày nay : để có một giá trị âm nhạc và văn chương hoặc đối với cái nhìn về tín lý và về khía cạnh công cộng. Trong thời gian áp dụng những cải tổ phụng vụ (1971), những nhà thơ và nhạc sĩ được mời gọi soạn thảo những thánh thi bằng ngôn ngữ địa phương, nhưng họ cần phải được chấp nhận bởi Hội Đồng Giám mục trước khi công bố các ấn phẩm của mình.
Việc cải tổ năm 1971 đã lưu giữ hình thức Roma được giới thiệu trong các giờ kinh gồm một bài đọc Kinh thánh, giáo phụ hay một bài hạnh tích về một vị thánh. Những bài đọc Kinh thánh không có chỗ trong phụng vụ Đông phương. Công đồng Vatican II đã đề nghị một chu kỳ các bài đọc trên hai năm mà tôn trọng những sách của Năm phụng vụ và cho phép đi theo toàn bộ một năm lịch sử ơn cứu độ. Truyền thống đọc các phần chú thích Kinh thánh trong giờ kinh đã xuất hiện ở Đông phương. Bên Tây phương, nó có thể đã được giới thiệu bởi thánh Biển Đức. Một sự tái thiết tập toàn bộ được thực hiện ở Vatican II. Một danh mục được mở rộng bởi vì lúc ấy các bài đọc Kinh thánh đã trở nên thường nhật. Như vậy, những bài đọc không còn giới hạn các Nghị phụ và các vị này đã « mở một lối đi vào sự phong phú của Di sản thiêng liêng của Giáo hội ». Ở Đông phương, chẳng có bài đọc hạnh các thánh nào đọc, trong khi đó ở Tây phương lại là một thực hành thường nhật. Tuy nhiên, những bản văn về đời sống các thánh thường không dựa trên nền tảng lịch sử, vì thế, việc cải tổ vào năm 1971 đã loại bỏ nhiều bản văn mà chỉ được dùng những bản văn có nguồn gốc rõ ràng và vững chắc.
2.- Nghi thức
Ở Đông phương, những nghi thức thì rất là đa dạng cả về số lượng và sự lập lại các Giờ Kinh cũng như về nội dung : nghi thức Ai-Cập và Cappadoce thì khác với nghi thức Syria đông phương và nghi thức Palestin, Antioche và Cappadoce thế kỷ IVe và Ve, về kinh nguyện byzantin và arménien hoặc nghi thức Syria tây phương và Maronite.
Đời sống đan tu tây phương có một kinh nghiệm lâu dài nhất về Giờ Kinh Phụng vụ, nó thể hiện sự khác hơn so với lời cầu nguyện tại nhà thờ giám mục, nghĩa là lời cầu nguyện ban sáng và buổi tối. Quy luật của thánh Biển Đức về lời cầu nguyện được coi như một chứng tá đầy nỗ lực cả về văn bản lẫn sự tương hợp. Nó được thể hiện rất rõ trong Kinh nguyện Roma cho đến đêm trước Công đồng chung Vatican II[9]. Người ta cũng đã muốn làm giảm bớt sự nặng nề và dài của nó. Quả vậy, từ thế kỷ XVIe, có nhiều xu hướng muốn cải tổ được thực hiện nhưng nó đã không ngừng trở lại sự cổ xưa bởi những thêm thắt mới mẻ. Một cuộc cải tổ sâu rộng chỉ được bắt đầu sau thế chiến thứ hai và mang lại sự thành công nhờ Công đồng Vatican II : những điểm chính được viết trong Institutio generalis và trong Liber Liturgiae Horarum.
Với việc cải tổ này, một trình tự về Giờ kinh được xây dựng. Mỗi giờ có những đặc điểm riêng của nó. Giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều là hai giờ kinh quan trọng bậc nhất. Theo việc cải tổ, mỗi giờ được gắn kết với một mầu nhiệm của Đức Kitô. Những thánh vịnh luôn luôn có một sự diễn giải kitô học, đây là điều mới mẻ so với kinh nguyện Roma, nhưng là một ý tưởng cổ xưa[10].
3.- Cấu trúc
– Kinh Sáng
Giờ Kinh Sáng là lời cầu nguyện của kitô hữu bắt đầu một ngày mới, vì thế, luôn luôn có một thánh vịnh liên quan đến buổi sáng. Kinh Sáng được hát vào lúc ánh mặt trời thức dậy và được coi như biểu tượng của Đức Kitô : chúng nhắc lại biến cố Phục sinh của Đức Kitô. Nó cũng khẳng định về sự hài hòa của Đấng Tạo dựng và về sự xuất hiện của Ngày hy vọng. Kinh Sáng trước hết là thời gian ca tụng Đấng thánh, do vậy những bài ca thánh vịnh là phần đặc biệt quan trọng. Ánh sáng ở đây có ý nghĩa đặc biệt : biểu tượng của Đức Kitô.
Kể từ thế kỷ IVe, những lời cầu nguyện cuối cùng cũng trở nên đặc biệt : nó bao gồm những ý hướng tương lai với những câu trả lời khuôn mẫu (chẳng hạn như Kyrie eleison), kế đến những lời cầu nguyện chính và phần thêm vào của người cử hành cho một lời cầu nguyện hoặc một lời tổng nguyện. Bài đọc Kinh thánh không có hệ thống : nó có thể được đi theo bằng một bài giảng.
– Kinh Chiều
Kinh Chiều được diễn ra vào lúc mà con người kết thúc công việc trong ngày và khi các ngọn đèn đã được thắp lên. Lời cầu nguyện ban chiều nhắc nhở cuộc Thương khó và là một hành động tạ ơn vì sự hài hoà trong vũ trụ. Đó cũng là những lời cầu nguyện đợi chờ sự trở lại của Thiên Chúa (parousia). Cấu trúc của Kinh Chiều được thực hiện năm 1971 chỉ giữ lại rất ít những yếu tố cổ : bản văn được trích từ Tân ước, nhưng bài thánh ca, bài đọc có thể ngắn hoặc dài. Những phần phụng vụ khác có những đặc tính quan trọng khác.
– Kinh Sách (canh thức hay kinh đêm)
Kinh Sách luôn có một tầm quan trọng trong phụng vụ kitô giáo vì nó cho thấy sự đợi chờ Thiên Chúa. Nó được đặc tính hóa bởi những bài đọc kinh sách và cho phép suy niệm từ Kinh thánh. Vào những ngày lễ, kinh sách có thể được kéo dài như một giờ Canh thức. Kinh nguyện này tập trung duy nhất vào mầu nhiệm đặc biệt của Đức Kitô. Công đồng Vatican II cho phép đọc giờ kinh này vào những thời khắc thuận tiện trong ngày[11].
– Giờ kinh đầu tiên
Giờ kinh này đã bị loại bỏ vì nó được coi như một giờ kinh Sáng khác[12]. Ngược lại giờ thứ 3, thứ 6 và 9 được giữ vì chúng nhắc đến ý tưởng ban đầu của lời cầu nguyện liên lỉ, khi tưởng nhớ cuộc Thương khó của Đức Kitô và việc công bố Tin mừng phục sinh. Chỉ một trong ba giờ khắc này được cử hành (trừ khi đối với những ai muốn có một đời sống chiêm niệm hoặc trong thời gian tĩnh tâm) : vì điều này mà chúng ta gọi đó là hora media. Giờ thứ ba nhắc nhở sự Hiện Xuống và cho phép cầu nguyện cho các ơn huệ của Chúa Thánh Thần ; giờ thứ Sáu nhấn mạnh đến việc Chúa chịu đóng đinh và giờ thứ 9 nhấn mạnh đến cái chết cứu chuộc của Đức Kitô.
– Giờ Kinh Tối
Kinh Tối là giờ kinh cuối cùng của một ngày. Nó là thời gian cầu nguyện thân mật và được dâng hiến cho mầu nhiệm Đức Kitô và hoàn toàn tin tưởng vào Đức Kitô.
III.- MỘT VÀI KHÍA CẠNH THẦN HỌC VỀ GIỜ KINH PHỤNG VỤ
Thần học về Giờ Kinh Phụng vụ chỉ xuất hiện từ Công đồng Vatican II. Thần học này nhấn mạnh đến hai chiều kích quan trọng : trước hết, nhằm diễn tả « mầu nhiệm Thánh thể mà nó trả dài trong tất cả một ngày » ; kế đến, chỉ cho thấy « cấu trúc của các Giờ Kinh Phụng vụ là đối thoại : Thiên Chúa nói với dân người và dân trả lời trong và bởi Đức Kitô »[13].
Giờ Kinh Phụng vụ là một phụng ca ca tụng Thiên Chúa và thánh hóa con người, là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống đạo đức kitô hữu[14]. Lý do của việc ca tụng đó là nhắm vào cuộc Nhập thể của Đức Giêsu mà trong đó được gắn kết với biển cố Phục sinh. Hai ý nghĩa này được hòa trộn trong lời tạ ơn, chúc tụng và thánh hiến. Nó không lệ thuộc vào bí tích Thánh Thể nhưng nó nối kết khăng khít với Thánh Thể mà sự tươi sáng được chiếu giãi trên nó : vì thế Thánh Thể là « đỉnh điểm của hành vi phụng thờ cuả Giao ước mới »[15].
Lời cầu nguyện này hướng đến Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị. Trong khi Thiên Chúa không chỉ nói với con người qua những bài đọc mà con nới bởi những thánh vịnh và lời cầu nguyện. Bí tích thánh tẩy đã tạo nên những điều kiện về cuộc đối thoại này và nó cũng tạo nên những khả năng tốt nhất nhờ việc chiêm ngẫm của Đức Kitô. Tương tự, hành động phụng vụ này được cử hành khi tưởng nhớ về Đức Kitô và nhằm làm cho thành hiện tại. Vì vậy, Giáo hội tham dự vào mầu nhiệm Cứu độ được hiện thực một cách liên tục, và Giờ Kinh Phụng vụ là « tưởng nhớ hằng ngày cách liên tục về các mầu nhiệm ». Thần học Công giáo đã chịu đau khổ cho đến Công Đồng Vatican 2, trong một tình trạng thiếu trình bầy liên quan đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong mối thông hiệp với ơn Cứu độ. Giờ Kinh Phụng vụ là một lời ca tụng và một lời cầu xin ân sủng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần vì thế phải được có một chỗ đứng đặc biệt quan trọng, vì Người được sai đến và thực hiện những gì liên quan đến sự Hiệp nhất và Thánh hóa. Đức Trinh Nữ Maria cũng có vai trò chuyển cầu và các thiên thần giống như các thánh cũng có một vị trí xứng đáng.
Vì vậy, cũng cần ghi nhớ rằng, Giờ Kinh Phụng vụ phải được trở thành một lời cầu nguyện cá nhân : nó được ví như một con đường, là trường dạy cầu nguyện và là nguồn mạch của đời sống đạo đức. Cầu nguyện cách liên tục, phải được nhìn nhận hợp với một vị trí trong những hoạt động của đời sống thường nhật của chúng ta mà mỗi cá nhân không thể làm ngơ. A.G. Martimort chỉ ra rằng, ngày nay kitô hữu có thể bị cám dỗ thích lời cầu nguyện cá nhân mà không liên quan đến lời Kinh Phụng vụ như nguồn mạch để kín múc những ơn ích. Không thể có sự nhường bước cho sự ước muốn này, ngược lại, hãy tận dụng kinh nghiệm này để chú ý đến giá trị của phụng vụ : Giờ Kinh Phụng vụ cho phép vượt qua những cảm mến cá nhân để hướng đến một lời cầu nguyện chung của Giáo hội, và dành cho nó một vị trí xứng đáng đặc biệt. Khi cử hành các Giờ Kinh Phụng vụ, điều này cho phép chiêm niệm một cách liên tục và tốt hơn về công trình của Thiên Chúa trong thế giới. Cuối cùng, đó là một hành vi tạ ơn.
————————————————–
Viết theo
1. Catechesisme de l’eglise catholique (1992), số 1174-1178.
2. Concile oecumanique Vatican II, Const. Sacrosanctum concilium, Paris, Centurion, 1967.
3. Centre national de pastorale liturgique, La présentation générale de la liturgie des Heures. Prière du temps présent : comment s’y retrouver ? Paris, Cerf, Desclée-Mame, 1999.
4. De Reynal, Théologie de la liturgie des Heures, Paris, Beauchesne, 1978.
5. La Maison-Dieu, 95/1968 : « L’office divin aujourd’hui ».
6. Martimort A.G, L’Eglise en prière, vol. 4 : La liturgie et le temps, édition nouvelle, Paris, Desclée, 1983,
7. Taft Robert, La liturgie des heures en Orient et en Occident (Bản văn gốc : The Liturgy of the Hours in East and West. The Origins of the Divine Office and its meaning for today, St. John’s Abbey, Collegeville, 1986), Brepols, 1991.
[1] Xem A.G Martimort, L’Eglise en prière, vol. 4 : La liturgie et le temps, édition nouvelle, Paris, Desclée, 1983, tr. 171-172. Thánh Biển Đức gọi Giờ Kinh Phụng vụ là Opus Dei.
[2] Xem De Reynal, Théologie de la liturgie des Heures, Paris, Beauchesne, 1978, tr. 115. Xem thêm Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 83-84.
[3] Paul VI, « Const. apostolique Laudis canticum », trong La présentation générale de la liturgie des Heures, sđd, tr. 109.
[4] Xem De Reynal, Théologie de la liturgie des Heures, Paris, Beauchesne, 1978, tr. 187.
[5] Xem Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 101.
[6] Xem Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 83-85.
[7] Xem Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 95-98; xem thêm Centre national de pastorale liturgique, La présentation générale de la liturgie des Heures. Prière du temps présent : comment s’y retrouver ? Paris, Cerf, Desclée-Mame, 1999, số, 28-32.
[8] Xem De Reynal, Théologie de la liturgie des Heures, Paris, Beauchesne, 1978, tr. 228.
[9] Xem chẳng hạn, Robert Taft, La liturgie des heures en Orient et en Occident (Bản văn gốc : The Liturgy of the Hours in East and West. The Origins of the Divine Office an dits meaning for today, St. John’s Abbey, Collegeville, 1986), Brepols, 1991, 209-230.
[10] Xem Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 89a, 100 ; Centre national de pastorale liturgique, La présentation générale de la liturgie des Heures. Prière du temps présent : comment s’y retrouver ? Paris, Cerf, Desclée-Mame, 1999, số, 37-40.
[11] Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 89.
[12] Như trên, số 89d.
[13] Xem A.G. Martimort, sđd, tr. 242.
[14] Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 90.
[15] Xem Vatican II, Const. Lumen Gentium, số 11.