Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thánh Thể – Mầu Nhiệm Cứu Độ

Administrator
2018-09-23 09:25 UTC+7 30
Tác giả: JEAN-PIERRE JOSSUA Chuyển ngữ: Hữu Nghị, OP. – Bùi Thiện, OP.   Ngay từ khởi đầu, Thánh thể đã là một sự kiện: theo tập tục của người Do Thái, Đức Giê-su, trước khi chịu tử nạn, đã chia sẻ bữa ăn với các môn đệ, cùng với các ông bẻ chiếc bánh […]


Tác giả: JEAN-PIERRE JOSSUA

Chuyển ngữ: Hữu Nghị, OP. – Bùi Thiện, OP.

 

Ngay từ khởi đầu, Thánh thể đã là một sự kiện: theo tập tục của người Do Thái, Đức Giê-su, trước khi chịu tử nạn, đã chia sẻ bữa ăn với các môn đệ, cùng với các ông bẻ chiếc bánh “là thân thể Người”, và Người mời gọi họ “hãy làm việc này để tưởng nhớ Thầy”. Bữa ăn tôn giáo mang nhiều ý nghĩa ấy được truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác như một dữ kiện của truyền thống sống động luôn vượt qua mọi lời giải thích mang tính lý thuyết mà người ta có thể đặt ra.

Truyền thống ấy vốn trung thành nhưng không trải qua một tiến trình phát triển theo đường thẳng. Người ta nhấn mạnh đến tính thánh thiêng của hành động này để rồi sau đó lại tìm cách giải thiêng hành động ấy. Người ta đ nhồi nhét vào hành động ấy đầy những biểu tượng đáng chiêm ngưỡng mà rất nhiều người ngày hôm nay giải thích như là những tàn dư vẫn còn sót lại của một thế giới văn hoá đã trở thành xa lạ. Người ta đã nghi thức hoá hành động ấy bằng nhiều cách khác nhau, đôi khi bằng một vài cơ cấu cố định. Người ta đã đánh mất rồi tìm lại một số những giá trị nền tảng của hành động ấy. Việc đề cao giá trị khía cạnh này hay khía cạnh kia của hành động phụng vụ này đã hình thành nên những nền thần học nhất định.

Có nhiều nền thần học là bởi vì hành động này đã khơi gợi nên trong những giai đoạn khác nhau của đời sống Giáo hội những học thuyết phù hợp với cách thế mà Giáo hội sống hành động này. Dẫu vậy vẫn mãi tồn tại hai ý tưởng chủ đạo luôn giữ ngôi đầu bảng: sự hiện tại hoá một cách bí nhiệm trong Thánh thể sự kiện cứu độ là cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; mối quan hệ giữa Thánh thể với Giáo hội, trong đó Thánh thể là bí tích tuyệt hảo, là dấu chỉ và suối nguồn hiệp nhất.

I. QUÁ TRÌNH TIẾNTRIỂN CỦA CÁC HỌC THUYẾT

Trong Tân Ước, dù không có một học thuyết nào có cơ cấu hoàn chỉnh về Thánh thể, nhưng người ta lại tìm thấy trong Tân Ước rất nhiều đề tài về vấn đề này, đôi khi chỉ được gợi lên một cách đơn thuần và ý nghĩa của chúng chỉ có thể được khám phá nhờ bức phông hậu cảnh là Cựu Ước như: tưởng nhớ (1 Cr 11, 25), tạ ơn ( Lc 22, 19), hành vi yêu thương cho đến cùng ( Ga 13, 1-20), sự duy nhất (1Cr 10, 17), bữa ăn của Chúa trong khi đợi chờ ngày Người trở lại (1Cr 11, 26; xc Mt 26, 29), bánh hằng sống và thân thể Đức Kitô (Ga 6, 51-57; 1Cr 10, 16), cuộc Vượt Qua mới (Mc 14, 12-16; xc Ga 19, 36).

Thời các Giáo phụ là giai đoạn vàng son của nền phụng vụ: sáng tạo rất nhiều nghi lễ; làm phong phú hoá nhờ những biểu tượng được vay mượn từ Do Thái giáo và ngoại giáo (ánh sáng, cử chỉ, trang phục, so sánh thi ca); sự xuất hiện của các nền thần học biểu tượng chẳng hạn như thần học của thánh Augustin, khi tìm cách móc nối giữa những đề tài khác vào trong mầu nhiệm cứu độ và kể từ đó chúng có được nội dung hết sức súc tích và trang trọng. Tư duy biểu tượng này không bao hàm bất kỳ một sự phủ nhận nào về tính thực tại của sự hiện diện mình và máu Đức Kitô, ngay cả khi tư duy này không nhằm đối tượng là những phân tích chuyên biệt.

Vào những buổi đầu thời kỳ Trung cổ, người ta vẫn còn gìn giữ ý nghĩa mạnh mẽ của biểu tượng, nhưng kể từ thế kỷ 11, đột nhiên xuất hiện cuộc khủng hoảng do Bérenger thành Tours phát động nhằm phản ứng chống lại khuynh hướng duy vật hoá bí tích vốn đang chi phối mạnh mẽ. Bérenger dường như phủ nhận sự hiện diện thực sự, qua đó chứng tỏ cho thấy rằng chính những người theo trường phái Augustin không còn chấp nhận tính thực tại của biểu tượng nữa.

Nhiều thế kỷ tôn sùng Thánh Thể cũng như biết bao công trình thần học, và ngay cả cuộc can thiệp của Công đồng La-tê-ra-nô IV, năm 1215, dường như cũng không đủ mạnh để bao đảm học thuyết này. Ngoài ra, vào thế kỷ 13, sự tham dự thực sự sống động của toàn thể cộng đoàn đã bị giảm thiểu rất đáng kể (ngôn ngữ, sự phát triển của các hình thức ca hát), thần học về Thánh Thể trở nên nghèo nàn và không còn tương thích về mặt bản chất với các biểu tượng nữa, não trạng kinh viện thì lúc nào cũng muốn xác định rõ ràng quy chế hữu thể học đối với các thực tại cứu độ. Toàn thể mối bận tâm đều tập trung chủ yếu vào sự hiện diện thực sự của Đức Kitô, cho đến khi một cuộc tranh luận mới nổ ra cung cấp một tiêu điểm xác định mới.

Học thuyết kinh viện vẫn còn rất thận trọng và mang nặng tính truyền thống về phương diện hy lễ của thánh lễ; nhưng bắt đầu từ thế kỷ 14, người ta đã hướng đến việc tách rời hy lễ tạ ơn ra khỏi hy lễ Thập giá đến độ dường như biến hy lễ này trở thành một tác nhân mới của ơn cứu độ. Người ta tranh luận về công hiệu riêng của hy lễ tạ ơn, về bản chất của lễ tế… Hơn thế nữa, cuộc phản ứng kịch liệt của Luther và những nhà Cải cách đã kéo theo thái độ cứng rắn của những người Công giáo, làm biến dạng bình diện thực hành (biện hộ cho Thánh lễ riêng, những ý hướng của Thánh lễ) và bình diện thần học (những suy luận thuần lý về hy lễ). Giáo huấn của Công đồng Tren-tô (xc, khoá họp 22, 1526) đã điều chỉnh đúng mức và tạo nên sự quân bình. Nhưng không có một mối dây liên hệ thần học nào nhằm làm liên kết chặt chẽ hơn giữa hy lễ và việc hiệp thông với Đức Kitô đang hiện diện, và chính việc thực hành đã tách biệt hai yếu tố này (Thánh lễ không có rước lễ và rước lễ bên ngoài Thánh lễ) và làm cho chúng xa rời khỏi đời sống thực tế.

Công cuộc canh tân phụng vụ thổi một luông sinh khí mới vào cấu trúc xưa cũ vốn vẫn đang được khư khư bảo vệ bởi những người theo lập trường bảo thủ và đồng thời cũng thanh luyện cấu trúc này, đã bắt buộc người ta phải quay trở lại với những nguồn mạch Kinh Thánh và Giáo phụ, nhằm nêu bật giá trị của toàn thể kinh nghiệm sống vô cùng phong phú và tìm cách thống nhất những kinh nghiệm này.

Như thế cần phải trở về với những nền tảng chung của các nghi thức Thánh thể như đã được chúng ta tái khám phá ngày hôm nay, nhằm phát hiện những giá trị căn bản để từ đó có thể khai triển một nền thần học.

II. CẤU TRÚC CHUNG CỦA CÁC NGHI THỨC THÁNH THỂ

Ngay từ lúc khởi đầu, Thánh thể đã mang tính chất của một bữa ăn cộng đoàn, nhưng bữa ăn này cũng hàm chứa một chiều kích văn hoá không thể chối cãi được, chiều kích này đã có thể làm lu mờ đi hình thức nguyên thuỷ. Trong các buổi cử hành phụng vụ tại các gia đình khác nhau, Thánh lễ được diễn tiến như sau:

Sau nghi thức khởi đầu là phần phụng vụ Lời, đọc các bài đọc cùng với những bài hát suy niệm hay tạ ơn. Phần công bố hiện tại hoá Lời Chúa và diễn giảng kéo dài phần phụng vụ Lời có mục đích nhằm khơi gợi lòng tin của toàn thể cộng đoàn, và tạo nên một thái độ sẵn sàng không thể thiếu được hầu cho buổi cử hành phụng vụ mang một đặc tính Kitô giáo đích thực. Trong chính phần phụng vụ Lời, có thể đọc một hay nhiều lời nguyện dâng lên Thiên Chúa (kinh nguyện, lời nguyện chuyển cầu) nhằm biểu lộ rõ nét hơn cơ cấu của cộng đoàn: một dân được hiệp nhất trong tình huynh đệ; các thừa tác viên (ít nhất phải có một vị chủ tế đã được truyền chức theo đúng thể thức) chủ toạ; một cuộc đối đáp diễn ra giữa các thành phần với nhau, bởi lẽ tất cả mọi người đều cùng hướng lòng trí về “Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Thần Khí”.

Thông thường tiếp theo sau là một cử chỉ – trong một số trường hợp được nhấn mạnh bằng biểu tượng là một cuộc rước – và những lời nguyện của “phần dâng lễ”: chuẩn bị đơn giản “các lễ phẩm” đã được con người dày công thu góp trong dòng thời gian, phần này được kết thúc bằng lời nguyện thứ hai.

Phần chính yếu của cuộc cử hành phụng vụ là kinh nguyện Thánh thể, những nét chính yếu của kinh nguyện này có thể được phác hoạ như sau: trước hết là phần “kinh tiền tụng” tạ ơn rồi tiếp đến là kinh nguyện tiến lễ đúng nghĩa hay kinh nguyện Thánh thể, tại Tây phương phần kinh tiền tụng này đã có thể được tách khỏi kinh nguyện tiến lễ do nhiều biến cố trong lịch sử, nhưng vẫn giữ được tính liên tục, cho dù bài hát cổ xưa Thánh Thánh Thánh đã được xen vào, kinh nguyện tiến lễ đôi khi được bắt đầu bằng một thánh thi chúc tụng, tri ân những ơn cả nghĩa đầy trong công trình sáng tạo và cứu độ.

Kinh nguyện tiến lễ được tiếp tục bằng lời khẩn khoản nài xin Thiên Chúa thánh hoá các lễ phẩm (Épiclèse) – Kinh Épiclèse không phải trong lễ quy nào cũng giống nhau, kinh này thường cầu xin Chúa Thánh Thần – ngõ hầu các lễ phẩm này trở nên mình và máu Đức Kitô. Tiếp sau đó là bản văn phụng vụ trình thuật về việc thiết lập bí tích Thánh thể, và kế đến là lời tưởng nhớ (tưởng niệm) về cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, phần này được nối kết chặt chẽ với lời nguyện của lễ trên hy lễ của Đức Kitô và Hội thánh. Kinh nguyện Thánh thể được kết thúc bằng lời cầu xin thánh hoá cộng đoàn và toàn thể Hội thánh (Kinh Épiclèse thứ hai), đang khi ngong ngóng đợi chờ ngày cánh chung viên thành, và bằng một lời vinh tụng ca.

Phần cuối cùng là nghi thức hiệp lễ được bắt đầu với kinh Lạy Cha.

Sau phần rước lễ – hiệp thông huynh đệ trong và nhờ hiệp thông với Đức Kitô – là lời nguyện kết thúc và một công thức “giải tán”. Trong cấu trúc này, những cử chỉ, những nghi thức và biểu tượng có khả năng giúp chúng ta tiếp cận được vô vàn ý nghĩa vốn chính là nội dung của hành vi phụng vụ và như vậy không đuợc phép tách rời chúng khỏi nhau. Đây chính là những giá trị mà suy tư Kitô giáo về Thánh thể phải bảo toàn và thống nhất.

III. PHÂN TÍCH CHỦ ĐỀ VÀ NGHIÊN CỨU TỔNG HỢP

1. Tưởng niệm

Khái niệm Thánh Kinh này trình bày ý tưởng chủ đạo từ đó phát sinh ra những đề tài khác theo một cách thức rất hữu cơ. Khi Đức Giê-su nói “hãy làm việc này mà tưởng nhớ Thầy”, thì Người không chỉ thị một mệnh lệnh nào đó triệt để mới mẻ, nhưng chỉ yêu cầu thực hiện để nhớ đến Người một cử chỉ mà người Do Thái có thói quen vẫn thường làm: đó là cử chỉ quen thuộc trong bữa ăn Vượt qua hay bữa ăn của cộng đồng tôn giáo. Thật ra, bữa Tiệc ly có phải là tiệc Vượt qua hay không, điều ấy không mấy quan trọng lắm: vì vậy trong Tin Mừng Nhất lãm cũng như Tin Mừng của thánh Gioan, Đức Giê-su là cuộc Vượt qua mới; vả lại, tất cả các bữa ăn bình thường nhưng diễn ra trong không khí của tiệc Vượt qua đều mang tính tưởng niệm.

Theo Thánh Kinh, “làm điều gì đó để tưởng nhớ” nghĩa là nhắc lại một sự kiện của lịch sử cứu độ khi ý thức được việc hiện tại hoá sự kiện ấy và tham dự trước vào thực tại mà người ta sẽ đạt được (trong tương lai); một sự kiện đã hoàn thành trong quá khứ, không được lặp lại, nhưng mọi nơi và mọi lúc đều được diễn tả bằng ngôn từ và nghi thức (Xh 12,14 và 13,9: đó là một cặp khái niệm cổ điển luôn đi kèm nhau huyền thoại-nghi thức; nhưng điều nghịch lý là trong Do Thái giáo và Kitô giáo, những người sáng lập sự kiện này lại là những nhân vật lịch sử). Việc tưởng niệm cuộc Vượt qua nhắc nhở cuộc giải thoát, và là niềm xác tín mà người ta muốn làm sống lại biến cố này bằng nghi thức và tham dự vào nghi thức ấy; việc tưởng niệm ấy được bổ khuyết bằng hành động tạ ơn và lời chúc tụng.

Qua trần thuật về bữa Tiệc ly và kinh hồi tưởng trong phụng vụ vốn gắn bó mật thiết với lễ vật, đối tượng của cuộc tưởng niệm xuất hiện một cách rõ ràng: điều muốn nhắc nhở con người, đó là cuộc Vượt qua của Chúa, giao ước mới, cái chết và sự phục sinh của Người. Nếu việc tưởng niệm là hình thức nguyên thuỷ từ đó phát sinh ra những giá trị khác – và vì vậy mà phải phát xuất từ việc tưởng niệm ấy – lễ Vượt qua bao hàm cả phần tượng niệm, tóm lại, cho phép tổng hợp lại tất cả những dữ kiện rời rạc.

Việc tưởng niệm còn bao hàm cả lời kêu cầu Thiên Chúa: xin Người nhớ đến con người (Xh 32, 13). Vì vậy người ta lưu ý trong việc tưởng niệm một sự hiện diện của lời chuyển cầu thường thấy trong tất cả mọi hình thức phụng vụ của Kitô giáo: xin Thiên Chúa tiếp tục công trình cứu độ mà chúng ta đang hồi tưởng và cầu xin cho chương trình ấy được thành tựu trong cộng đoàn! Điều này còn cho chúng ta thấy một cánh cửa hướng đến tương lai: vương quốc Thiên Chúa được thể hiện trong Thánh thể, nhưng vẫn còn vắng bóng, và lời cầu xin nhấn mạnh sắc thái chờ đợi sự trở lại của Chúa Kitô.

2. Tạ ơn

Tạ ơn là một hành động tôn giáo đặc trưng của Do Thái giáo – Kitô giáo, hành động tạ ơn biểu lộ cảm xúc và văn hoá của đức tin. Cũng như đức tin là lời đáp trả đầy tính hiện sinh trước tiếng gọi của Lời, tạ ơn là sự chấp nhận vui tươi, mang tính cộng đồng phụng vụ, là việc hiện tại hoá Lời trong cộng đoàn. Vì vậy việc tạ ơn thể hiện một mối liên hệ nguyên thuỷ với việc tưởng niệm: người ta tưởng nhớ và tạ ơn; tạ ơn là nghe theo, tạ ơn là chấp nhận sáng kiến của Thiên Chúa, tạ ơn là – giống như tất cả mọi lời cầu nguyện của Kitô giáo – cuộc đối thoại, vì đáp trả Lời chung cuộc của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Kitô. Theo nghĩa này, tạ ơn là nhìn nhận những việc thiện hảo của Thiên Chúa, những hồng ân Người đã tặng ban một cách vô vị lợi. Nhưng cơ bản hơn, tạ ơn là lời ca tụng, chúc tụng quyền năng, vinh quang và lòng quảng đại của Thiên Chúa, bày tỏ niềm vui và chiêm ngưỡng sự cao cả của Người. Cuối cùng, giống như tất cả mọi lời chúc tụng, tạ ơn phải là hành động vô vị lợi và phát xuất từ lòng yêu mến.

Giống như việc tưởng niệm gợi lên trong mỗi tín hữu Kitô giáo một thái độ diễn tả phụng vụ đặc trưng (kinh hồi tưởng theo nghĩa chặt), khi đề cập đến điều này, hành động tạ ơn cho ra đời một hình thức diễn tả rất trang trọng, berâkhâh hay chúc tụng Thiên Chúa, một thể loại văn chương không thể thiếu trong mọi hình thức phụng vụ Do Thái giáo và lời nguyện Thánh thể còn cho thấy điều đó. Nhưng hành động tạ ơn trở thành bầu không khí chung của toàn bộ việc cử hành. Điều chính yếu của tạ ơn là hiệp thông, chiều kích cộng đoàn này được thiết lập nhờ Thánh thể, điều này cho thấy Giáo hội là chủ thể trọn vẹn của việc phụng vụ. Dĩ nhiên chúng ta còn tìm thấy niềm hân hoan trong vẻ đẹp của việc cử hành: âm nhạc, y phục, nghệ thuật tạo hình và kiến trúc. Chúng ta có thể nhấn mạnh đến tính chất lễ hội cuả Thánh thể, với điều kiện từ ngữ này bao hàm tính tập thể, tính lễ hội thân mật, tính gia đình bên cạnh lễ hội của công chúng.

3. Hy lễ của các tín hữu

Trong cùng chiều hướng này, suy tư được đào sâu khi chúng ta chuyển từ hành động tạ ơn sang hy lễ “thiêng liêng”, lễ tế của đời sống trong Chúa Thánh Linh vốn bao gồm cả chương trình sâu thẳm nhất là cuộc hiện hữu: toàn bộ đời sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong đức tin. Nếu việc thờ phượng của Giao ước Mới là dâng hiến đời sống con người, và nếu việc thờ phượng ấy không liên hệ gì đến một kinh nghiệm phụng vụ nào, thì không vì thế mà ít tính trung thực hơn, khi Giáo hội thực hiện việc tưởng niệm Chúa Kitô, khi cử hành hy lễ vượt qua của Người, Giáo hội không chỉ bắt đầu bằng lời ca tụng trong hành động vượt qua, nhưng Giáo hội còn dâng hy lễ vật thiêng liêng của mình cho Thiên Chúa theo gương Chúa Giê-su và như Người. Vì vậy, Thánh thể mang chức năng của hy lễ, nghĩa là hy lễ mà chính các tín hữu dâng kính Chúa Cha nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, bản chất của việc thờ phượng trong Tân Ước không chỉ có thể được hiểu nếu qui chiếu vào lời hứa làm thành một dân mới, tràn đầy ân sủng cứu độ, được đổi mới đến tận gốc rễ, được thanh tẩy, được tặng ban một trái tim bằng thịt, tận đáy lòng được khắc ghi lề luật của Thiên Chúa và trong trái tim ấy tất cả mọi người đều nhận biết Thiên Chúa (Ed 36; Gr 31; Ge 3).

Theo sách Công vụ Tông đồ và các thư của thánh Phao-lô, tất cả mọi Kitô hữu đều là những ngôn sứ, tất cả đều tự do, tất cả đều có thể đến với Thiên Chúa và sống trong Chúa Thánh Linh. Chính những từ ngữ ấy đào sâu tương quan tôn giáo trong đó có việc thờ phượng mới. Theo hy lễ của Giao ước Mới, chính là giao ước của Đức Kitô, nhờ phép Rửa, tất cả mọi người đều trở thành những tư tế: họ dâng hy lễ thiêng liêng, dâng hiến chính đời sống của mình và loan báo Lời Thiên Chúa (1 Pr 2, 5-9), Đấng là hy lễ và cũng chính Người là sự phụng thờ của Giao ước Mới.

Nhưng hy lễ này vừa là đối tượng của đời sống vừa ở trong mọi hình thức phụng vụ: hy lễ ấy liên hệ đến đức tin (Pl 2,17), đến tử đạo (2 Tm 4,6), đến việc loan báo Tin Mừng (Rm 1,9 và 15,16), đời sống bác ái (Dt 13,16 và Pl 4,18), lời ca tụng (Dt 13,15), tóm lại là hy lễ của con người (Rm 12,1-2). Đó là linh hồn và lý do hiện hữu của việc cử hành Thánh thể, vì vậy theo nghĩa này, Thánh thể là hy lễ: nền phụng thờ thiêng liêng của toàn bộ đời sống lồng vào lễ dâng vĩnh cửu của Đức Kitô. Vả lại, nhờ được rửa tội, tất cả mọi người đều chủ động trong việc cử hành này, ngay cả khi có một số người, vì phúc lộc của tất cả mọi người, đóng vai trò đặc biệt nhờ được lãnh nhận chức tư tế thừa tác.

4. Hy lễ của Đức Kitô

Khi Giáo hội dâng hy lễ của mình trong Thánh thể, Giáo hội không chỉ mong muốn việc dâng lên Chúa Cha đời sống của mình theo gương Chúa Kitô, nhưng một cách nào đó, Giáo hội còn dâng lên Chúa Cha chính thủ lãnh của mình đã dâng hiến cuộc đời một lần cho tất cả trên cây thật tự. Đức Kitô trở thành hy lễ của Giáo hội, trong đó bao hàm cả việc dâng hiến chính bản thân Giáo hội. Nhưng liệu điều này có phá huỷ tính duy nhất của hy lễ thập giá không (Dt 8, 27)?

Phải khởi đầu từ bữa Tiệc ly: đây là một bữa ăn gắn liền với lễ Vượt qua bằng một hình thức tiền dự và vì vậy mang giá trị của lễ vật hiến tế; từ ngữ hy lễ (bẻ bánh, rót rượu cho nhiều người, thịt và máu) và những liên tưởng theo nghĩa này (giao ước, người tôi tớ) đề cập rất nhiều trong trần thuật về bữa ăn cuối cùng. Thánh thể của Kitô giáo vốn tương ứng với bữa Tiệc ly, đặt mình trong tương quan với lễ Vượt qua, tuy nhiên không còn là một hình thức tiền dự nhưng là một cuộc tưởng niệm. Hy lễ thập giá không bắt đầu từ bữa Tiệc ly và không tiếp diễn qua thánh lễ: đó mãi mãi là hy lễ duy nhất. Nhưng hy lễ ấy được hiện tại hoá và được thể hiện bằng bí tích. Đó là cuộc tưởng niệm không chỉ được hiện tại hoá một cách hiệu quả sự kiện cứu độ được nhắc lại với con người và với Thiên Chúa, nhưng khi đọc kinh hồi tưởng trên lễ vật còn gợi lại lễ vật của mình.

Là hy lễ của các tín hữu, vì vậy thánh lễ cũng tái hiện tại hoá khi tưởng nhớ đến hy lễ thập giá, không phải một hy lễ khác cũng chẳng phải là hy lễ mới nhưng là lễ vật trong mầu nhiệm Hiệp nhất. Thực ra, trong phụng vụ Kitô giáo, chính trong kinh hồi tưởng (lời nguyện phát sinh từ việc tưởng niệm và biểu đạt) mà những thuật ngữ hy lễ xuất hiện trước tiên, chẳng hạn như để giải thích rõ và giờ đây được những người ngoài Do Thái giáo chuyển dịch.

5. Tính duy nhất của hy lễ

Vì vậy hy lễ của Giáo hội được dâng hiến cùng Chúa Kitô, nhất là được hoà nhập với hy lễ của Người. Điều đó cho thấy, giữa hy lễ thập giá, được dâng hiến và tái hiện bằng bí tích, và hy lễ mà người tín hữu dâng hiến bằng toàn bộ đời sống của mình về bản chất tương đồng với nhau. Nếu hy lễ trên đồi Can-vê vừa là nghi lễ vừa là lễ vật đền tội, việc tưởng niệm ấy không thể là một màn kịch tế lễ còn xa lạ với người tín hữu; người tín hữu có thể chúc tụng hy lễ ấy nhưng không du nhập vào đời sống của mình.

Trong Tân Ước, về mặt chú giải không thể chối cãi rằng, cuộc thương khó cứu chuộc phát xuất từ thái độ sâu xa của Đức Kitô khi đối diện với Cha của Người, hy lễ ấy được thực hiện bằng sự vâng phục và yêu thương. Chúng ta có thể tiến xa hơn nếu cho rằng hy lễ thiêng liêng này, được chính Người dâng hiến trong tự do, chỉ được diễn tả bằng những hình ảnh mang tính nghi thức bởi vì Người đã kéo dài những hy lễ của Cựu Ước vốn cùng có chức năng hoà giải. Hy lễ này là một lễ vật được dâng lên Thiên Chúa để mưu cầu hiệp thông, và cái chết là một phần của việc trở về cùng Chúa Cha được kiện toàn nhờ sự phục sinh và bước vào vinh quang. Do đó, hy lễ được (Chúa Kitô) thực hiện trên thập giá cũng được tái hiện qua thánh lễ. Vậy nên lễ vật riêng của từng tín hữu sẽ được đồng nhất với lễ vật toàn hảo của Đức Kitô, lễ vật này không chỉ là những niềm vui trong cuộc sống mà còn có những đau khổ.

Thánh Augustin giải thích tính duy nhất của hy lễ này bằng những lời lẽ sau: “Toàn bộ thành trì đã được cứu chuộc, nghĩa là cộng đồng và hội thánh, được dâng lên Thiên Chúa như một hy lễ phổ quát nhờ vị thượng tế, dưới hình dáng của một nô lệ, đã tiến đến tự dâng hiến để làm đầu cho thân thể là chúng ta. […] Chính vì vậy, sau khi đã khích lệ chúng ta dâng hiến thân thể mình làm lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa như lòng sùng kính thiêng liêng […] “Đó là hy lễ của các Kitô hữu: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô.” Và hy lễ này, Giáo hội không ngừng tái diễn trong bí tích bàn thờ vốn rất gần gũi với các tín hữu, nơi đó hy lễ tỏ cho thấy rằng khi Giáo hội dâng hy lễ, Giáo hội cũng chính là lễ vật” (Thành đô Thiên Chúa, X,6).

6. Mình và máu Chúa Kitô

Để hiểu sự “hiện diện thật” của Đức Kitô trong Thánh thể, cần phải phân biệt giữa ý nghĩa chủ đạo của lời khẳng định này với những nỗ lực để giải trình bằng lý thuyết. Sự hội tụ hai vấn đề sau sẽ soi sáng cho giáo thuyết: vị trí của trần thuật về việc thiết lập Thánh thể và ý nghĩa của kinh khẩn cầu (Chúa Thánh Thần).

Ý tưởng về sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô trong bánh Thánh thể được đưa ngay vào bằng chính những lời mà Người đã nói trong bữa Tiệc ly, được lặp lại trong lời truyền phép. Bánh và rượu, tượng trưng cho thịt và máu Chúa Kitô, và cũng là hy lễ của Người, chứa đựng cả thân xác phục sinh của Người một cách huyền nhiệm và hiện thực. Viễn cảnh về sự thống nhất đời sống bằng của ăn là chính máu thịt Đức Kitô có thể tìm thấy mảnh đất để cắm rễ trong nhân học Sémite. Theo tư tưởng thần học của thánh Phao-lô (1 Cr 9,27-29) và thánh Gioan (Ga 6,53-60), thực tại này kéo dài và vượt quá sự hiện diện của sự kiện cứu độ trong việc tưởng niệm và điều ấy như một sự kiện cuối cùng xuất hiện trong truyền thống phụng vụ cổ xưa, những lời trong bữa Tiệc ly.

Còn kinh khẩn cầu trong phụng vụ lại không phải luôn luôn là lời cầu xin biến đổi lễ vật dâng hiến: đó là lời kinh được đọc trên lễ vật, vì các tín hữu (Hippolyte), và khi lời thỉnh cầu đầu tiên được đưa vào, điều này giải thích một cách rõ ràng tính cánh chung duy nhất của Giáo hội (phụng vụ theo thánh Mác-cô). Vì vậy sự hiện diện của Chúa Kitô chủ yếu được xem như một thực tại động, một quà tặng được dâng hiến chứ không như một dữ kiện được chiêm ngắm hay bị thần học hoá. Đó cũng là tư tưởng thần học của thánh Augustin: “thân thể” Chúa Kitô không thể tách rời với thân xác nhân tính của Người, thân thể được thánh hoá của Người cũng chính là thân thể Giáo hội (bài giảng XXXVII và CLXXII).

Nhưng Đức Kitô hiện diện như thế nào? Liệu có cần phải đặt ra câu hỏi này không? Sự kiện bắt đầu từ một cuộc khủng hoảng (vào thế kỷ IX, rồi thế kỷ XI) và là một mối ưu tư về tính sáng tỏ của khoa siêu hình đã dẫn đưa người ta đặt câu hỏi ấy, thần học cũng không thể thoát khỏi điều này. Giữa biểu tượng cơ bản của Bérenger hay của Zwingli với thuyết duy vật chất của Ratramme hay của hồng y Humbert đã hình thành hai trường phái thần học: một của Wyclif và của Luther, hay còn được gọi là đồng bản thể (thân thể Đức Kitô ở “trong, với, dưới” hình bánh, vì vậy dẫn đến sự tồn tại thường trực của Đức Kitô trong bánh thánh); trường phái của các tác giả những bộ Tổng luận thần học thế kỷ XII và của thánh Thomas Aquino, hay còn gọi là biến đổi bản thể (bản chất của bánh trở thành thân thể Đức Kitô mà không bị tiêu huỷ, bánh ấy hoàn toàn biến đổi thành thân thể Chúa Kitô phục sinh). Không đi vào lối giải thích theo triết học Aristote của giáo thuyết này, Công đồng Trento (khoá họp XIII, 1551) đã đưa ra giáo huấn của Giáo hội Công giáo.

7. Hiệp thông huynh đệ

Sự hiệp thông là một phần chính yếu cấu thành nên thánh lễ. Cho đến thế kỷ IV, người ta chỉ hiệp lễ ngoài thánh lễ khi không thể tham dự việc cử hành, và không có thánh lễ nào mà không có sự hiệp thông giữa các tín hữu và tất cả mọi người đều hiệp thông với nhau. Dần dần, những phân hoá du nhập vào việc thực hành tôn giáo, và thần học đã làm cho việc cử hành nghi thức thành ra trừu tượng hoá. Tuy nhiên ý nghĩa của việc tưởng niệm hướng đến hiện thực; hiến tế và hiệp thông là hai thời khắc không thể tách rời của cùng một mầu nhiệm. Đâu là tương quan giữa lễ vật chung của các tín hữu với ân sủng của Thiên Chúa ban cho từng người? Chính trong sự hiệp thông chứ không phải ân huệ riêng của từng cá nhân, nhưng hành động hiệp thông này là dấu chỉ và suối nguồn của sự hiệp nhất: chiều kích Giáo hội của thánh thể, dữ kiện nền tảng được thể hiện một cách có chọn lọc trong hiệp lễ.

Trong Tân Ước, từ koinwnia hồi đầu không có nghĩa là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô nhưng là với cộng đoàn (Cv 2,42; Ga 2,9-10; 1Ga 3,6-7) và dĩ nhiên Thánh thể thường được thể hiện bằng một bữa ăn, hoạt động xã hội, như xưa kia là bữa ăn Vượt qua (của người Do Thái) và bữa Tiệc ly của Đức Giê-su. Hơn nữa, bữa Tiệc ly vừa là hành động thành lập Giáo hội vừa thiết lập bí tích Thánh thể, cả hai thực tại này không thể tách rời nhau: Giáo hội làm nên Thánh thể nhưng Thánh thể là dấu chỉ và xây dựng Giáo hội. Chúng ta hiểu rõ hơn ngay khi Thánh thể có chiều kích xã hội và chủ yếu gắn liền với thông điệp Kitô giáo, loan báo và là hồng ân hoà giải tất cả mọi người trong tình yêu (Ep 1). Bản văn chính ở đây là 1 Cr 10,17: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người nhưng chúng ta cũng chỉ là một thân thể”; Thánh thể là hình ảnh về một nguồn lương thực duy nhất mà nhiều người cùng lãnh nhận chung, điều đó chính là dấu chỉ của hiệp nhất.

Sách Didachè gợi lên một hình ảnh tuyệt đẹp, thi vị hoá sự hiệp nhất: “Như tấm bánh được bẻ ra, xưa kia được phân phát trên núi đồi, đã được góp nhặt để trở thành một tấm bánh duy nhất, vì vậy Giáo hội Người được quy tụ từ tận cùng cõi đất trong vương quốc của Người” (IX,4). Đến lượt mình, thánh Augustin cho thấy Thánh thể thể hiện sự hiệp nhất hoàn hảo, dù đã hoàn thiện nhưng luôn luôn hướng đến hiệp nhất, mở rộng bằng việc cử hành, đến nỗi sự hiệp thông nghèo nàn hôm nay trở thành sự hiệp thông trước đây vốn được hình dung rất phong phú (bài giảng CCLXXII).

8. Hiệp nhất với Chúa Kitô

Hiệp nhất với Chúa Kitô là một phương diện khác của sự hiệp thông; bánh thánh thể, khi biến thành của ăn nuôi con người, phát sinh sự hiệp nhất trong tình yêu đó là sự hiệp thông huynh đệ. Hai chủ đề này không thể tách rời: bản văn của thánh Phao-lô được trích dẫn ở trên (1 Cr 10,17) không thể hiểu nếu tách rời với câu trước đó: “Tấm bánh mà chúng ta cùng bẻ ra không hiệp thông với thân thể Chúa Kitô sao?” Về phần mình, thánh Gioan nhấn mạnh đến sự hiệp nhất với Chúa Kitô, thánh nhân cho thấy rõ rằng chương trình của Thiên Chúa đi đến hiệp nhất. Tuy vậy, quan niệm của thánh Gioan (6,51-58) trước hết hướng đến nguồn lương thực và việc kết hợp cùng Đức Kitô trong cuộc sống vĩnh cửu: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (câu 56). Đề tài về lương thực được đón nhận thời Trung cổ – trong một quan niệm rất cá nhân chủ nghĩa – những gì Giáo hội nguyên thuỷ đã làm, tín biểu được yêu thích nhất: hiệu quả ân sủng được hình dung bởi việc rước mình thánh Chúa, một đời sống mới chiếm lấy người vừa rước lễ, đời sống trong Chúa Kitô (câu 55) cho phép một sự hiệp thông ngôi vị. Nhưng làm thế nào trở lại với việc hiệp thông huynh đệ?

Theo thánh Augustin, các tín hữu không biến đổi Chúa Kitô thành chính bản thân họ như một loại lương thực, nhưng chính Đức Kitô sẽ biến đổi họ thành chính Người; con người trở thành Đấng mà họ đã lãnh nhận. Cũng vậy, nhờ lương thực này, liệu tất cả mọi Kitô hữu có thể hiệp nhất làm một hay không (Questions évangéliques)? Phát xuất từ đó, vị đại tiến sĩ tổng hợp giữa sự hiệp thông, theo hai phương diện kết hợp, với hy lễ. Đó là “những gì được dâng hiến”, là khuôn mặt của “những gì sẽ trở thành”. Hy lễ của người tín hữu thông đạt ý tưởng tuy “nhiều người nhưng chỉ là một Thân thể trong Chúa Kitô” (Thành đô Thiên Chúa X,6), hoa trái của hy lễ là sự khởi đầu một cách hữu cơ về việc hiện thực hoá sự hiệp nhất này. Còn vị thượng tế, nhờ việc kết hợp hoàn toàn với Thân thể Người, cũng được dâng hiến chính mình trong hy lễ vâng phục, của lễ vị ấy dâng hiến là bánh duy nhất thể hiện sự đồng tâm nhất trí của Giáo hội trong tình yêu. Và hoa trái của hy lễ, kết quả của lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa, đó là khả năng theo đuổi việc hiện thực hoá sự hiệp nhất này trong đức ái bởi tính năng động của cùng mầu nhiệm (bài giảng CCXXVII, CCXXIX, CCLXXII).

9. Sự sung mãn của lễ Vượt qua

Đề tài vượt qua chỉ diễn tả giáo thuyết này theo cách đơn giản nhất và gần gũi với Thánh Kinh nhất. Chúng ta hãy tóm tắt toàn bộ những gì đã lưu ý trước đây: lễ Vượt qua chứa đựng việc tưởng niệm tạ ơn; hy lễ thiêng liêng của Giáo hội được khởi động bằng hy lễ Vượt qua của Đức Kitô, được tái hiện nhưng không phải là lặp lại; sự hiệp thông hiệp nhất huynh đệ trong cùng một thân thể vì sự hiệp thông ấy là kết hợp với Đấng đã phục sinh bằng việc đón nhận thân thể Người; Thần Khí Chúa Kitô thực hiện việc hiệp nhất hướng đến sự viên mãn cuối cùng mà các tín hữu đang chờ đợi được thể hiện trong lời cầu nguyện. Điều ấy muốn nói gì nếu không phải là lễ vượt qua của Giáo hội bổ túc cho lễ Vượt qua của Chúa Kitô đang chờ đợi viên mãn – và theo một nghĩa khác, Giáo hội không thêm gì cho Chúa Kitô, vì chẳng có gì trong dân Kitô giáo được phát triển mà không có Người (Irénée, Chống lạc giáo, XVIII,1)? Chương trình của Thiên Chúa mang hai ý nghĩa: dẫn đưa con người vào sự hiệp thông với Người và cho con người được chia sẻ sự sống với Người, nhưng cũng nâng cao tự do của các loài thụ tạo và gợi cho chúng đón nhận chương trình của Người vốn là một hồng ân tự thân, mở ra với chương trình ân sủng. Cuộc vượt qua của Đức Giê-su cũng mang ý nghĩa kép: Đức Kitô đã “bị giao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã phục sinh để thánh hoá chúng ta” (Rm 4,25).

Thật vậy, Đức Giê-su đáp trả vì tất cả mọi người và chấp thuận chương trình của Thiên Chúa bằng cách hoàn toàn dấn thân cho đến nỗi từ bỏ cả cuộc sống trần thế: hy lễ hoàn hảo, loại bỏ tội lỗi, tìm kiếm hiệp thông, dâng hiến tình yêu thắng vượt mọi yếu đuối của con người. Khi làm cho Đức Kitô phục sinh, Chúa Cha đã đưa Người vào vinh quang của mình, đặt vào tay Người tất cả mọi quyền lực, dẫn đưa nhân loại đến hiệp thông với Người. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn, và đối với các Kitô hữu, mầu nhiệm Thánh thể hiện đang tại hoá trong lịch sử chuyển hoán vượt qua. Đức Kitô kéo tất cả những ai thuộc về Người vào hy lễ của mình, và sau khi phục sinh, Người lại đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa. Giống như lễ Vượt qua là vượt qua để đến với Thiên Chúa, sau khi đã dâng hiến tình yêu, trong thánh lễ, tất cả mọi người cũng đã vượt qua, trong Thủ Lãnh và các thành viên, dâng hiến cho những ai chưa thuộc về Người. Nhờ hiệp thông, sự hiệp nhất này trong tình yêu vẫn tiếp diễn nhờ kếp hợp với Đấng dâng hiến hướng đến sự hiệp nhất cuối cùng nhờ được Thiên Chúa thúc đẩy.

IV. NHỮNG VẤN NẠN VẪN CÒN MỞ NGỎ

1. Những vấn nạn của Giáo hội Cải cách

Trong những trang trước, chúng ta nhận thấy rằng những yêu sách của các anh em Cải cách đã được đón nhận trong một mức độ nào đó. Và chắc chắn truyền thống phụng vụ đáng ngưỡng mộ của anh em Chính thống cũng phải được biểu dương hơn nữa xét từ quan điểm bổ túc, đặc biệt là qua học thuyết về Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên phải ưu tiên nhắc lại hai cuộc tranh luận vốn đã gây nên sự chia rẽ giữa các Giáo hội Kitô giáo trong suốt nhiều thế kỷ qua. Bảo vệ tính duy nhất của hy lễ cứu độ của Thập giá, phản bác hiến lễ trong Thánh lễ được nhìn nhận là “công trình” của con người vốn có nguy cơ làm lu mờ ân huệ tặng không ban không của ơn công chính hoá, và đồng thời mong muốn tái lập tầm quan trọng nguyên thuỷ của sự hiệp thông khi đó đang bị bỏ quên, đã đưa đẩy Luther và Calvin đến chỗ phủ nhận, nếu không phải là toàn bộ chiều kích hy lễ của Thánh lễ, thì ít nhất cũng phủ nhận tư tưởng về hy lễ đền tội. Về điểm này, hiện nay người ta có thể nhận thấy một cuộc hội tụ đích thực giữa các thần học gia Tin Lành (Leenhardt, Thurian), Anh giáo (Dix), Công giáo (Vonier, Bouyer), nhờ tư tưởng về hy lễ mang tính bí tích và hy lễ tưởng niệm.

Phức tạp và tế nhị hơn cả vẫn là những bất đồng về sự hiện diện của Đức Kitô. Calvin kịch liệt bác bỏ lập trường “duy linh” của Zwingli, và đã tìm lại được những luận chứng của Thomas thành Aquino nhằm chống lại tư tưởng đồng bản thể; Calvin cũng tránh dùng kiểu nói biến đổi bản thể mà ông hiểu như là một hình thức hư vô hoá bánh và rượu. Như thế Calvin muốn đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện thiêng liêng nhưng cũng rất thật, trong sự hiện diện này bánh và rượu “thực sự trở thành những dấu chỉ vì được chân lý liên kết vô cùng chặt chẽ”. Điểm nhấn mạnh được đặt trọng tâm vào vấn đề đức tin, nếu không có đức tin thì cũng không có sự hiện diện, bởi vì sẽ không có mối liên hệ hữu thể học nào giữa mình và máu Đức Kitô một đàng và đàng khác là với bánh và rượu; nếu người ta ăn và uống trong đức tin, người ta cũng sẽ lãnh nhận được hồng ân thiêng liêng. Như vậy, sự hiện diện không vượt quá thời gian của bữa Tiệc ly. Nếu cứ dựa vào những kiểu nói ngày xưa, thì cuộc tranh luận này không có lối thoát. Nhưng liệu điều này có tương tự như vậy trong những vấn đề đang đặt ra vốn đã được canh tân từ cả hai bên, bên này cũng như bên kia, và được phục hưng nhờ trở về với nguồn mạch Thánh Kinh, và liệu người ta có chấp thuận những nẻo đường tiếp cận mới không?

2. Hướng Tới Một Hình Thức Trình Bày Mới

Công đồng Tren-tô đã phát biểu điều gì về bản chất của vấn đề?

Trong Thánh thể, vấn đề quan trọng được bàn đến là sự hiện diện đích thực, nhưng sự hiện diện này lại theo một hình thái độc đáo so với sự hiện diện trong các bí tích khác: đức tin có khả năng tiếp cận sự hiện diện được tặng ban này tuy nhiên nó sẽ trở thành án phạt cho những ai không biết phân biệt; sự hiện diện này không làm biến mất đi thực tại khả giác vốn đang đảm nhận sự hiện diện này và như vậy sự hiện này thực sự mang tính bí tích. Công đồng Tren-tô đã diễn đạt điều này bằng một thứ ngôn ngữ xác định nào đó và trong một bối cảnh nhất định. Liệu người ta có thể cứ kiên định bảo lưu ý nghĩa của những điều mình đã xác quyết trong một hệ thống khác không? Vấn đề được đặt ra là bởi vì ngày hôm nay lập trường kinh viện đang bị phê phán kịch liệt. Hiện diện là để trao ban ân sủng, và là một cuộc hội ngộ giữa các ngôi vị; vậy mà vì mải miết bằng mọi giá muốn suy tư sự hiện diện này một cách độc lập khỏi mối tương quan với con người, nên người ta đã làm cho sự hiện diện này thành ra mất hết tính nhân bản: người ta cứ tưởng là sẽ đề cao giá trị của sự hiện diện khi khoác cho nó một chiều kích “hữu thể học”, nhưng người ta đã đặt sự hiện diện này vào một chiều kích ít mang tính ngôi vị, và như thế cũng ít thực hơn.

Thực vậy, thế giới thực tại, đó chính là thế giới của con người trong mối tương quan giao ngộ giữa con người với các hữu thể và các sự vật khác. Đàng khác thế giới này không cần phải là một thế giới theo kiểu của Kant khiến cho tư tưởng về “bản thể của một mẩu bánh cỏn con” trở thành bất khả tri. Bánh này là sự tập hợp của nhiều thành phần không có sự thống nhất về yếu tính, nghĩa là từng phần liên tục không có sự thống nhất về bản thể; phải chăng hàm chứa một nội dung nhiệm mầu “đàng sau” thực tại lý-hoá này? Từ đó, người ta đã cố công tìm cách trình bày lại học thuyết vốn không còn phù hợp nữa bằng những kiểu nói về một sự hiện diện mang tính chức năng, khởi đi từ ý nghĩa của lương thực, cũng như từ chức năng, cứu cánh, giá trị dấu chỉ của lương thực. Điều này trở nên thực tế và mang tính thực chất nhiều hơn: khi vấn đề liên quan đến thế giới con người, thì tất cả đều phải được đánh giá lại; cái vốn chỉ là một tổng thể liên kết tuỳ phụ thì nhờ chức năng của mình với tính cách là một sự vật có bản thể, sẽ là của ăn nuôi sống con người. Nhưng nó cũng có thể trở thành một phương thế chuyển thông, một dấu chỉ giữa con người với nhau; vậy cái gì thực hơn đây?

Đức Kitô đã biến đổi hoàn toàn chức năng này của bánh: bánh này không chỉ đảm nhận một chức năng mớI – chức năng của một cuộc hội ngộ và của ân sủng Đức Kitô, hiệp nhất các tín hữu – nhưng bánh này không còn được dành vào việc nuôi sống thân thân xác nữa, bánh này đã trở thành một đối tượng mới. Sự hiện diện được tặng ban cách nhiệm mầu dưới những hình dạng bề ngoài không thay đổi, khi thay thế chức năng, và như vậy cũng là thay thế thực tại của bánh và rượu với tính cách là của ăn nuôi sống thân xác hay với tính cách là một sự chuyển thông thuần tuý nhân loại, đó chính là mình và máu của Đức Chúa. Như vậy một nẻo đường nghiên cứu đầy mới mẻ đã được mở ra, nhưng tầm hiểu biết về nẻo đường này dường như vẫn còn nằm ngoài tầm với của chúng ta.

3. Phong trào phụng vụ

Vai trò của phong trào phụng vụ hiện thời trong công cuộc canh tân trên bình diện thực hành và thần học về Thánh thể buộc người ta phải nói về nhiều giai đoạn khác nhau, về tính lôgic nội tại trong tiến trình phát triển, cũng như về những cuộc tranh luận mà phong trào này đã gây lên. Sau một thời kỳ tiền sử đầy lãng mạn và một giai đoạn dài đằng đẵng mò mẫm được một số các vị tiền bối tài tình điều hướng, và vào khoảng những năm 1930, phong trào đã bước vào một giai đoạn tái khám phá đầy năng động. Dưới sự thúc đẩy của nhiều đan viện lớn và các trung tâm quốc gia, đây là một giai đoạn vô cùng có ý nghĩa trong tiến trình cập nhật hoá của việc thực hành phụng vụ, trong giai đoạn này người ta đã có những bước tiến bộ đáng kể trong việc lãnh hội sâu rộng và mang tính thần học nhiều hơn, đồng thời người ta cũng tìm cách giải phóng khỏi những siêu cấu trúc đã có từ thời Trung cổ và Baroque. Vì được Đức giáo hoàng Pi-ô XII khích lệ, phong trào này đã đem đến thành quả tốt đẹp là Hiến chế của Công đồng Vaticanô II, nhằm biểu dương những nỗ lực và phục hồi lại giá trị những tìm tòi nghiên cứu của phong trào. Những chống đối mà phong trào này đã gặp phải trong thời kỳ đầu phát xuất từ một phản xạ bảo thủ và nói chung là không thể biện minh được.

Giai đoạn thứ hai, tiếp liền nhau với Công đồng, nhưng đã được khai mạc rộng rãi hơn trước Công đồng, có thể được nêu bật đặc tính qua diễn ngữ điều chỉnh lại. Vấn đề chính yếu được bàn đến trong giai đoạn này là ý thức về những yêu sách sao cho mọi người có thể tích cực tham gia vào sinh hoạt phụng vụ Thánh thể: đơn giản hoá, chấp nhận các sinh ngữ, những nghiên cứu tìm tòi thuộc lãnh vực âm nhạc, thậm chí cả những điều được phục hồi lại “một cách vô cùng can đảm” như việc đồng tế hay rước lễ dưới hai hình – đây là điều vẫn không bị phủ nhận trong bối cảnh truyền thống. Những chống đối trong giai đoạn này dường như dễ hiểu hơn. Đôi khi những chống đối này liên quan mật thiết đến thái độ quyến luyến và bám chấp vào những hình thức thẩm mỹ, hay hơn nữa còn cho thấy một thái độ phản ứng trước những sáng kiến của những người không có thẩm quyền, những lạm dụng của một thứ giáo lý quá ba hoa viển vông, sự nghèo nàn trong việc sáng tạo nghệ thuật.

Tuy nhiên, để có thể đánh giá đúng đắn tính vô hiệu của những yếu tố này: cần phải chấp nhận nguy cơ sai lầm hầu có thể tìm ra được và canh tân. Nhưng dường như giai đoạn này không phải là giai đoạn sau hết; và cùng với việc trở về nguồn, tiếp theo sau là một thời gian mang tính phê bình nhiều hơn và một cuộc nghiên cứu tìm tòi các hình thức mới mà con người thế kỷ XX này có khả năng sốngđược, cũng như các hình thức tái sáng tạo đích thực (chẳng hạn như, Thánh thể “tại gia” đối với một số nhóm giới hạn, không lẫn lộn với những “bữa ăn huynh đệ” mạo xưng là Thánh thể trong một bữa ăn hoàn toàn mang tính trần thế). Vì một lợi ích nào đó, những kinh nghiệm này đòi hỏi phải có những dè dặt nghiêm túc bằng cách nhắc lại những sai lầm trong quá khứ: sự nghèo nàn, tập trung vào một điểm duy nhất (tình yêu huynh đệ được thể hiện qua bữa ăn được chia sẻ). Điều không thể thiếu được đó là cấu trúc bất biến và những giá trị chính yếu của Thánh thể phải được gìn giữ.

4. Hướng đến một cuộc giải thiêng?

Trong giai đoạn phê bình diễn ra sau thời kỳ tái khám phá những truyền thống phụng vụ vô cùng phong phú, thì ngày hôm nay hai loại hình vấn nạn giống nhau được đặt ra cho rất nhiều nhà nghiên cứu.

Loại thứ nhất nhằm khôi phục lại cách đặt vấn đề triệt để về phụng tự với tính cách là một phạm trù của “tôn giáo” nhân danh một cuộc giải thiêng mà chính Tân Ước đã hàm chứa và phong trào thế tục hiện đại đang thực hiện. Khi đó những cử chỉ trong bí tích Thánh thể phải liệu làm sao để được thực hiện theo một hình thức cũng mang tính thế tục nhiều nhất có thể.

Loại thứ hai là một cuộc phê bình các hình thức và các biểu tượng chính yếu của phụng vụ với một mong muốn là hội nhập việc cử hành phụng vụ vào trong thế giới văn hoá chúng ta đang sống, vốn đang được nhìn nhận là khép kín với ngôn ngữ biểu tượng. Tính độc đáo của mối tương quan đối với Thiên Chúa trong Kitô giáo cho phép chúng ta vừa duy trì một nền phụng tự đích thực, một hiến lễ dâng toàn thể cuộc đời trong Thần Khí, đến tận cả những diễn tả của mình trong phụng vụ, vừa không tìm cách bảo vệ những phạm trù hàm hồ của cái thánh thiêng, như thế, điều này không có nghĩa là sau một thời kỳ quá độ mang tính thế tục bây giờ lại độc quyền bước vào chiều kích bí tích.

Đối với điểm thứ hai, người ta có thể tự hỏi, nếu vượt lên trên việc tố cáo chính đáng về sự bất tương ứng thuộc bình văn hoá hiện đang tồn tại giữa nhiều nền văn hoá với nhau và với thế giới của con người hiện đại, thì phải chăng việc phê bình các biểu tượng lại không bắt nguồn từ sự tù túng trong một não trạng khoa học – kỹ thuật loại trừ tất cả những cảm thức khác về thực tại. Nếu sự thể đúng là như vậy, thì chính bản thân con người sẽ bị cắt xén, và việc diễn tả của toàn thể mối tương giao với Tuyệt Đối vĩnh viễn là bất khả.

5. Chia sẻ bánh với những ai?

Các Kitô hữu, dù thuộc về nhiều Giáo hội khác nhau, nhưng được hiệp nhất trong những cuộc đấu tranh của nhân loại mà dưới con mắt họ lại mang một tầm quan trọng lớn lao hơn nhiều so với sự khác biệt giữa các Giáo hội, đang tự hỏi tại sao mình đã không chia sẻ cho nhau bánh của Đức Chúa. Ngoài ra, phải chăng đây không phải là một dấu chỉ và là sự tiến bộ trên con đường cùng nhau tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu? Ngược lại, các Kitô hữu của cùng một cộng đoàn, đã từng vấp phải tình trạng vô danh của nhiều cộng đoàn giáo xứ, đã và đang tự vấn làm thế nào để có thể hiệp thông với các thành viên khác thuộc Giáo hội của mình mà tất cả mọi người đã tách biệt họ.

Mối liên kết mật thiết và sự tương thích giữa Thánh thể và Giáo hội, vốn đã để lại dấu ấn không thể phai nhoà, liệu có thể ngăn cản người ta nhận ra trong Thánh thể một phương thế diệu kỳ để hiện thực hoá Giáo hội? Việc cùng nhau cử hành là một sinh hoạt phụng vụ chung của các thừa tác viên thuộc nhiều Giáo hội khác nhau, và điều quan trọng là không được lẫn lộn việc cùng nhau cử hành này với hiệp thông giữa các Gíao hội, là con đường dẫn đưa các Kitô hữu vào cuộc hiệp thông Thánh thể trong việc cử hành của một cộng đoàn Giáo hội khác với cộng đoàn Giáo hội mình. Trong rất nhiều trường hợp, Giáo hội dường như càng không đặt vấn nạn về những vấn đề nền tảng, thì người ta có thể lại càng tự hỏi liệu việc cùng nhau cử hành có phải là một trò dối trá hay không, bởi lẽ hành vi này có thể che đậy những bất đồng hiện vẫn tồn tại về ý nghĩa của hành vi mà họ đang đặt ra (vai trò của các thừa tác viên, học thuyết về Thánh thể). Vả lại, mối hiệp thông sâu xa giữa các Kitô hữu có nhất thiết buộc phải được diễn tả qua việc chia sẻ Thánh thể?

Xét từ quan điểm này, Giáo hội như thể làm nên Thánh thể; nhưng đàng khác về phần mình, Thánh thể cũng làm nên Giáo hội. Chắc chắn Giáo hội không thể làm nên Thánh thể khởi đi từ cái hư vô hay từ sự vắng bóng hoàn toàn chân lý: nếu sự chống đối giữa các thành viên trong cùng một Giáo hội phát xuất từ việc chấp nhận qua một số thái độ nào đó mà đối với những người khác xem ra có vẻ là coi thường các yêu sách căn bản của Tin Mừng, như thế hiệp thông sẽ là trò dối trá. Nhưng, nếu có một cuộc đối thoại, ngay cả khi đang trong tình trạng chống đối nhau, và nếu người ta nhìn nhận cùng một đức tin và thuộc về cùng một Giáo hội, thì liệu dấu chỉ Thánh thể có thể được đặt ra: lời ngôn sứ về mối hiệp nhất trong tương lai, khát vọng yêu thương giữa những ngôi vị, lòng tri ân cảm tạ trước hoạt động nhiệm mầu của Thần Khí?

 

(Lược dịch từ Dictionnaire de la Théologie chrétienne, Encyclopaedia Universalis/ Albin Michel, Paris 1998, mục Eucharistie).