Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu”,
Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299.
Mục 5: ƠN MINH LUẬN
Cho đến nay, chúng ta đã bàn về bốn ân huệ liên quan đến các nhân đức “nhân bản” (bốn nhân đức trụ). Ba ân huệ còn lại liên quan đến ba nhân đức “hướng Chúa”, mặc dù các tác giả không nhất trí trong việc liên kết giữa mỗi ân huệ với nhân đức. Theo vài tác giả, ơn minh luận kiện toàn đức hy vọng (cậy), nhưng thánh Tôma cho rằng nó kiện toàn đức tin; tiếp đến, ơn thâm hiểu cũng liên hệ với đức tin, còn ơn cao minh liên hệ đến đức mến.
Ngoài ra, đối với tiếng Việt, việc dịch thuật cũng không đồng nhất, có lẽ vì chưa nắm bắt bản chất của ân huệ. Trong Nghi thức Thêm sức, ơn này được dịch là “suy biết”, còn trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (bản dịch của Ủy ban Giáo lý đức tin) thì được dịch là “hiểu biết”. Vì thế thiết tưởng nên bắt đầu bằng việc giải thích từ ngữ.
I. Từ ngữ
Thật ra, xét nếu chỉ dừng lại ở từ ngữ mà thôi thì thật khó nhận thấy sự khác biệt giữa hai ân huệ thứ năm và thứ sáu.
Ân huệ thứ năm được gọi là scientia, gốc bởi động từ scire (biết), có thể dịch là: “hiểu biết, kiến thức” (tiếng Pháp: science hoặc connaissance; tiếng Anh: knowledge). Ân huệ thứ sáu được gọi là intellectus, gốc bởi động từ intelligere (hiểu, thấu hiểu), có thể dịch là: sự “thông hiểu” hoặc “thâm hiểu” (tiếng Pháp: intelligence; tiếng Anh: understanding). Một câu hỏi được đặt lên: “biết” và “hiểu” khác nhau ở chỗ nào? Đành rằng có những điều mà ta “biết” nhưng không “hiểu”, chẳng hạn các khám phá khoa học mà ta biết được qua sách vở báo chí, nhưng ta chẳng hiểu chi hết; tuy nhiên, nếu ai đã hiểu vấn đề thì hẳn là cũng biết. Phải chăng “hiểu” ở cấp cao hơn “biết”? Ở đây chúng tôi không muốn đi sâu vào khía cạnh tri-thức-luận, nhưng chỉ muốn trình bày truyền thống thần học công giáo về sự khác biệt giữa ân huệ thứ năm và thứ sáu. Cả hai đều liên quan đến đức tin; nhưng ơn thứ sáu (thâm hiểu) giúp cho chúng ta hiểu biết các chân lý đức tin, còn ơn thứ năm (minh luận) giúp cho chúng ta hiểu biết giá trị của các thực tại trần thế dưới ánh sáng đức tin. Ơn thứ bảy (cao minh) cũng liên quan đến hiểu biết, nhưng là một thứ hiểu biết cao siêu, mang tính cảm nghiệm, vì thế được liên kết với đức mến.[1]
Chúng tôi xin chọn thuật ngữ “minh luận” vì muốn nói lên ánh sáng (minh) đức tin giúp cho ta “luận” (phán đoán) về các thực tại trần thế.
II. Bản chất
A. Khái niệm
Phải thú nhận rằng Kinh thánh không phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa “biết”, “hiểu” như truyền thống thần học phân biệt ba ân huệ “tri thức”.[2] Điều chắc chắn là có sự khác biệt giữa “tri thức khoa học” liên quan đến các thực tại trần thế và “tri thức thần học” liên quan đến các thực tại thần linh, bởi vì đó là hai lãnh vực khác nhau. Mặt khác, cho dù khi đề cập đến các thực tại trần thế, Kinh thánh cũng cảnh báo ta về sự sai lệch trong việc đánh giá nó: con người dễ bị thu hút bởi vẻ đẹp của thụ tạo đến nỗi gán cho nó một giá trị tuyệt đối, thay vì nhận biết Thiên Chúa là cội nguồn của vẻ đẹp. Thêm vào đó, lý trí của ta cũng dễ trở thành mù quáng do sự thúc đẩy của đam mê.
Không lạ gì mà Kinh thánh nhắc nhở chúng ta rằng hãy cầu xin không những để được ơn hiểu biết những thực tại thần linh, mà còn ơn được khám phá sự can thiệp của Thiên Chúa trong dòng lịch sử, nhưng bằng đường lối không giống như chúng ta mường tượng.
2. Thần học
Truyền thống thần học đã xác định bản tính khác nhau của các ơn: minh luận, thâm hiểu, cao minh. Chúng tôi sẽ lần lượt giải thích các ân huệ ấy, bắt đầu với ơn “minh luận”.
Ơn minh luận được định nghĩa như sau:
Minh luận là ân huệ Thánh Linh, nhờ đó con người phán đoán đúng đắn những vật thụ tạo dưới ánh sáng của đức tin.
Ơn này mang tên là “biết” (scientia / science / knowledge), nghĩa là một tri thức siêu nhiên, do Thánh Linh soi sáng, nhờ đó con người biết nhận định đúng đắn các thụ tạo trong tương quan với cứu cánh tối hậu. Vì là một sự “hiểu biết” cho nên nó chi phối trí tuệ (chứ không phải tâm tình); tuy nhiên vì đây là ánh sáng siêu nhiên cho nên nó thuộc về phạm vi đức tin (vượt quá tầm mức của lý trí tự nhiên).
Ơn “thâm hiểu” cũng thuộc về đức tin (như sẽ nói trong ân huệ thứ sáu), nhưng đối tượng của nó là các mầu nhiệm Thiên Chúa, còn đối tượng của ơn minh luận là các thực tại trần thế.
Vai trò của ơn minh luận là đánh giá đúng đắn các thụ tạo trong tương quan với cứu cánh tối hậu của con người. Thật ra, các loài thụ tạo do Chúa làm ra đều tốt đẹp; duy có điều là do phán đoán lệch lạc, chúng ta dễ bị lạc hướng, không còn nhận ra mối tương quan giữa các thụ tạo với Thiên Chúa. Thay vì khám phá Thiên Chúa biểu lộ qua các thụ tạo, con người rơi vào tội thờ ngẫu tượng khi gán cho các thụ tạo giá trị tuyệt đối và che lấp Thiên Chúa. Tác giả sách Khôn ngoan đã nhận thấy điều đó: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hóa Công… Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13,1-3). Đó cũng là điều thánh Phaolô khiển trách dân ngoại, bởi vì tuy có thể biết Thiên Chúa qua những công trình tạo dựng, nhưng họ đã không tôn vinh cảm tạ Ngài, mà lại thờ hình tượng người phàm hoặc hình tương các loài chim chóc (x. Rm 1,20-23).
B. Sự cần thiết
Ơn minh luận trợ giúp cho đức tin. Như sẽ nói trong mục tới, đức tin được kiện toàn bởi ơn thâm hiểu, nhờ đó chúng ta nắm bắt ý nghĩa sâu xa của các chân lý mặc khải. Tuy nhiên, bên cạnh việc chiêm ngắm các mầu nhiệm (mà chúng ta tạm gọi là khía cạnh “lý thuyết”), đức tin còn phải phán đoán về mối tương quan giữa các chân lý đức tin với các thực tại hữu hình đang vây quanh ta (mà chúng ta tạm gọi là khía cạnh “áp dụng”).
Cách riêng, kể từ công đồng Vaticanô II, thuật ngữ “dấu chỉ thời đại” đã trở thành quen thuộc. Đứng trước những biến cố thời sự, những khám phá khoa học, người tín hữu cần có một thứ “bản năng siêu nhiên” để nhận ra giá trị chân chính của chúng. Thiên Chúa có thể bày tỏ ý định của Ngài qua các dấu chỉ ấy. Khổ nỗi là các thực tại trên đời này thường có hai mặt (mặt trái và mặt phải), và hai bộ mặt ấy không tách biệt rõ rệt như trắng với đen, nhưng quyện lẫn nhau. Điều cần là phải biết nhận định đúng đắn, để khỏi “vơ đũa cả nắm”, hoặc tẩy chay vì coi đó là xấu xa, hoặc nhắm mắt chạy theo thời trang!
Một bài học của quá khứ vẫn còn giá trị mãi mãi. Trong quá khứ, linh đạo của Kitô giáo chịu ảnh hưởng của các đan sĩ, xem thế gian là xấu xa tội lỗi, vì thế cần phải thoát ly. Ngược lại, ngày nay, người ta chào đón các thành tựu của khoa học kỹ thuật như là bước đầu của “thiên đường trần gian”. Cả hai lối nhìn đều bất cập. Thế gian này được Thiên Chúa dựng nên tốt đẹp và được ủy thác cho con người chăm sóc để cho nó tốt đẹp hơn. Những thành tựu của văn hóa kỹ thuật cũng góp phần vào việc xây dựng Vương quốc Thiên Chúa. Tuy nhiên, không thể nào đồng hóa đơn thuần các thành tựu ấy với Vương quốc cánh chung, xét vì chúng còn hữu hạn và lắm khi còn bị hoen ố vì tội lỗi.[3]
Cách riêng ở Việt Nam, từ sau công đồng Vaticanô II, những thuật ngữ “hội nhập văn hóa” hoặc “đối thoại tôn giáo” đã trở thành quen thuộc. Tuy nhiên, nguy cơ ở chỗ là chúng ta đi từ thái cực này đến thái cực khác. Trước đây, chúng ta tuyên xưng Đức Kitô là chân lý, cần phải tin vào Người thì mới được cứu độ; các tôn giáo khác bị đánh giá là sai lạc. Ngày nay, chúng ta trân trọng các tôn giáo khác đến nỗi đi đến kết luận rằng đạo nào cũng như đạo nào; đạo ai người ấy giữ. Đức Kitô chỉ là một nhà “lập đạo” cũng tương đương như Đức Phật thôi. Làm thế nào để đánh giá chính xác về các tôn giáo: không phải là hoàn toàn xấu xa, nhưng cũng không phải là “Đường, Chân lý, Sự sống” trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa?
C. Những công hiệu
Từ những điều vừa nói, chúng ta có thể kể ra hai công hiệu chính của ơn minh luận: một công hiệu liên quan đến việc đánh giá các thực tại trần thế, một công hiệu liên quan đến các chân lý đức tin.
1. Ơn minh luận dạy chúng ta phán đoán các sự vật thụ tạo trong tương quan với Thiên Chúa. Ơn huệ này phát sinh trong linh hồn hai chuyển động: một đàng, nó cho thấy sự rỗng tuếch của vạn vật, bởi vì chúng chỉ là hư không trước mặt Chúa; đàng khác, xét vì chúng đã được Chúa tạo dựng cho nên cũng mang dấu vết sự hiện diện của Ngài. Ơn minh luận khiến cho thánh Đa Minh khóc ròng khi nghĩ đến số phận của các tội nhân phải hư mất; đang khi đó ơn ấy đã giúp cho thánh Phanxicô Assisi sáng tác bài ca vạn vật khi nhìn ngắm thiên nhiên: tất cả đều tỏ vẻ thân thiện tốt lành (anh mặt trời, anh sói, anh lửa). Một cách tương tự như vậy, thánh Inhaxiô Loyola khi ngắm bầu trời đầy sao đã thốt lên: “Ôi, khi nhìn lên trời, tôi thấy trái đất quá tồi tệ!”; còn thánh Gioan Thánh Giá ngây ngất trước vẻ đẹp của một dòng suối róc rách hoặc cảnh mặt trời lặn. Thánh Phaolô tông đồ xem mọi sự là rác rưởi khi đối chiếu với việc chiếm đoạt Đức Kitô (Pl 3,8), còn thánh Phaolô Thánh giá khi nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa phản chiếu nơi hương thơm và màu sắc của muôn hoa thì la lên: “cánh hoa kia ơi, hãy im đi!”.
Như vậy, ơn minh luận dẫn đến hai phán đoán thoạt tiên xem ra trái nghịch nhau, nhưng suy cho cùng, hai phán đoán ấy không tương phản mà chỉ nói lên tính cách tương đối của thụ tạo:
a) Một đàng, các thụ tạo không có giá trị tuyệt đối. Chỉ có Thiên Chúa mới tuyệt đối. Khi so sánh như vậy, xem ra các thụ tạo là “hư không”, như lời của Chúa nói với thánh Catarina Siena: “Con hãy nhớ rằng: Ta là Đấng Hằng Hữu, con là hư vô!” (Legenda 92). Vịnh gia cũng thốt lên: “Ngay cả khi núi đồi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi. Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi! (Tv 90,2-6).
b) Đàng khác, các thụ tạo đã được Thiên Chúa dựng nên, và thông ban cho chúng những thiện hảo của Ngài. Dưới phương diện này, chúng là tốt đẹp. Vịnh gia cũng ca ngợi: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo những kỳ công của Ngài” (Tv 19,2). “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,4-7).
Cần có một cái nhìn quân bình giữa hai cái nhìn ấy, để đừng rơi vào hai điểm cực đoan: một bên là khinh thường vật chất (thuyết Manikê), một bên là coi vật chất là Tuyệt đối (thờ ngẫu tượng).
2. Ngoài việc đánh giá các thực tại thế trần dưới ánh sáng đức tin, ơn minh luận còn hướng dẫn chúng ta kể cả trong lãnh vực đức tin, đó là nhận biết điều gì cần phải tin hay không tin, điều gì thuộc về kho tàng mặc khải hoặc chỉ là ý kiến của dư luận. Ơn minh luận mang lại “cảm thức đức tin” giúp cho linh hồn nhận biết một đạo lý, một lời khuyên, một việc đạo đức nào đó có phù hợp với đức tin hay không.[4] Chính nhờ cảm thức đức tin này mà nhiều lần trong lịch sử Giáo hội, các giáo dân ít học nhưng lại nhạy cảm đối với chân lý đức tin. Hồng Y Henri Newman cho biết rằng trong cuộc tranh luận chống lại Ario, các giáo dân nắm chắc đạo lý đức tin hơn nhiều giám mục “quốc doanh” chịu nhượng bộ áp lực của chính quyền. Chúng ta cũng đừng quên nguồn gốc của các tín điều cận đại về Đức Maria (vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời) bắt nguồn từ những cảm thức đức tin của các tín hữu ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội. Mặc khác, nhờ ơn thâm hiểu, chúng ta đi thẳng vào trọng tâm của đức tin là Thiên Chúa, chứ không dừng lại ở các chi tiết ngoài rìa (những tập tục đạo đức bình dân, những hình thức gây ấn tượng).
III. Chân phúc tương ứng: khóc lóc
Cũng như thánh Augustinô, thánh Tôma Aquinô đặt ơn minh luận tương ứng với chân phúc dành cho kẻ khóc lóc: “Phúc cho kẻ khóc lóc, bởi vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi” (Mt 5,5).
Trong lịch sử thần học tu đức, nhiều tác giả đã bàn đến nước mắt như là một ơn huệ của Thánh Linh. Thoạt tiên, điều này xem ra nghịch lý, bởi vì một hoa trái của Thánh Thần là hoan lạc, như ta đọc thấy trong thư gửi Galat 5,22 (bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục…), và đặc biệt, tác giả sách Tông đồ Công vụ nhấn mạnh đến sự vui mừng hân hoan mà Thánh Linh ban cho các tín hữu giữa lúc gian truân thử thách. Để hiểu vấn đề, chúng ta hãy tìm hiểu những ý nghĩa khác nhau của nước mắt trong tâm lý, trong Kinh thánh, trong thần học tu đức, để cuối cùng, tìm hiểu mối liên hệ với Chúa Thánh Thần.
1. Tâm lý
Chúng ta thường gắn nước mắt với nỗi buồn và gắn nụ cười với niềm vui. Nhưng mà không hẳn lúc nào cũng vậy. Có lúc chúng ta vui quá đến chảy nước mắt. Nhiều câu chuyện đã thuật lại cảnh hội ngộ của cha con, mẹ con, vợ chồng, anh chị em sau nhiều năm xa cách hay thất lạc. Họ sung sướng quá, ôm nhau và bật lên tiếng khóc. Trong những hoàn cảnh này, nước mắt biểu lộ cảm xúc vui mừng chứ không phải là buồn phiền lo âu. Thậm chí có thể nói rằng: khi ta vui vừa vừa thì miệng nở nụ cười, còn khi nào vui quá thì nước mắt trào ra!
2. Kinh thánh
Dĩ nhiên, xét vì là một tác phẩm thuật lại các cảm tình của con người, chúng ta gặp nhiều đoạn văn mô tả nước mắt như là biểu hiệu của buồn sầu, lo lắng, tủi nhục, nhớ nhung. Chẳng hạn như đầu thánh vịnh 137, tâm trạng của người lưu đày được diễn tả như sau: “Bờ sông Babilon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion”. Hay là thánh vịnh 42, 4, “Châu lệ là cơm bánh đêm ngày / khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Xem thêm Tv 6,7-8; 39,13; 102,10). Mồ hôi nước mắt tượng trưng cho cảnh vất vả lao nhọc như ta đọc thấy trong thánh vịnh 126: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”. Tuy nhiên một ý nghĩa đặc biệt của nước mắt được truyền thống tu đức ghi nhận là tấm lòng thống hối, như chúng ta thấy cảnh của một phụ nữ tội lỗi được Luca kể lại chương 7 câu 38; và ông Phêrô cũng chảy nước mắt dàn dụa sau khi nhận ra tội của mình (Luca 22,62). Các nhà tu đức coi nước mắt như là một hồng ân bởi vì họ dựa theo bản văn của Luca 6,21 nói về các mối phúc: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười”.
3. Truyền thống tu đức
Tuy nhiên, nước mắt không chỉ là biểu hiệu của lòng thống hối mà thôi, nhưng còn mang nhiều ý nghĩa khác. Một đàng, chúng ta có thể thống hối thực tình mà không cần phải chảy nước mắt. Các giáo phụ đã dư biết điều đó rồi; việc thống hối diễn ra trong ý chí chứ không phải chỉ dừng lại ở cảm xúc. Đàng khác, nước mắt không phải chỉ diễn tả tâm tình thống hối mà còn bộc lộ nhiều tâm tình khác nữa.
Khi bàn về sự thống hối, viện phụ Gioan Climacô (thế kỷ VII) đã phân biệt nước mắt sợ hãi và nước mắt yêu thương: a) Nước mắt sợ hãi là khóc lóc vì lo sợ sẽ bị Chúa phạt xuống hỏa ngục; b) nước mắt yêu thương là khóc lóc vì đã làm mất lòng Chúa là Đấng tốt lành. Vì thế mà những dòng nước mắt này tiếp tục chảy, cho dù ta đã cải thiện thống hối. Một cách tương tự như vậy, thánh Grêgôriô Cả cũng nói tới hai thứ nước mắt, tương ứng với hai thứ sợ hãi: một thứ nước mắt sợ hãi của nô lệ, sợ bị trừng phạt; một thứ nước mắt của con cái, do lòng ước muốn những thực tại trên trời.
Thực ra, không phải chỉ có hai thứ nước mắt mà thôi. Đan sĩ Cassianô (sống vào thế kỷ IV) đã phân biệt 5 loại nước mắt: a) Loại thứ nhất, nước mắt trào ra khi nhớ đến tội lỗi; b) loại thứ hai nước mắt chảy ra vì khủng khiếp lo sợ trước cảnh phán xét và hỏa ngục; c) loại thứ ba phát xuất từ sự việc chiêm ngắm những thực tại trên trời; d) loại thứ bốn bắt nguồn từ sự đau đớn vì thấy có người chai lì trong đường tội lỗi; e) loại thứ năm bộc phát khi thấy người lành bị hoạn nạn hoặc thấy bao nhiêu tội ác trên đời này. Như vậy, Cassianô có tầm nhìn rộng rãi hơn. Bởi vì không những ông ta chỉ khóc lóc khi nghĩ đến tội của mình hay là khóc lóc vì lòng yêu mến Chúa, nhưng còn khóc lóc vì tội của người khác, khóc lóc vì muốn chia sẻ vào sự đau khổ của người khác.
Sang thế kỷ V, Gioan Apamea (cũng gọi là Jean le Solitaire) phân chia ơn nước mắt thành ba cấp độ: a) Nước mắt của “thể xác” (soma): khóc vì số phận hẩm hiu, đen bạc; khóc vì bị đối xử bất công, khóc vì tang tóc… b) Nước mắt của “linh hồn” (psyche): khóc vì sợ bị Chúa phạt, khóc vì tội lỗi của mình, khóc vì nghĩ đến các ân huệ của Chúa, khóc khi nghĩ đến cái chết… c) Nước mắt của “thần khí” (pneuma): khóc vì thán phục vẻ uy nghi của Thiên Chúa, khóc vì trầm trồ sự cao minh của Ngài.
4. Ơn huệ Thánh Linh
Việc nhận ra tác động của Thánh Linh trong ơn nước mắt không có gì khó khăn. Nguyên việc thống hối đã được coi như ơn của Chúa Thánh Thần rồi. Ngay từ trong Cựu ước, ta đã thấy tư tưởng nói đến thần khí Chúa đổi mới tâm can, canh tân con tim của ta, biến nó từ tình trạng lòng chai dạ đá sang tình trạng chung thủy mến yêu. Nếu không có ơn Chúa, con người sẽ không nhận thấy lỗi lầm của mình và sẽ không biết thống hối. Các nhà tu hành còn nhận thấy rằng các tội nhân khóc lóc tội mình là một chuyện thường tình rồi; còn người đã vào bước vào đường tu đức lại cần phải có ơn đặc biệt để biết chảy nước mắt vì lòng mến Chúa và yêu tha nhân. Thánh Têrêxa Avila đã nói tới nước mắt như là hồng ân đi kèm theo việc cầu nguyện. Trong cấp đầu tiên, nước mắt trào ra bởi vì con tim cảm xúc khi suy đến tình yêu của Chúa. Cảm xúc này còn có tính cách tự nhiên. Nhưng lên tới các cấp độ cầu nguyện cao hơn, nước mắt cứ trào ra mà ta không biết được căn do từ đâu; ắt hẳn là do ơn Chúa. Thậm chí thánh Têrêxa nói rằng lắm khi lửa mến Chúa quá mạnh đến nỗi nước mắt ra như được dội lên để cho tâm hồn được tươi mát, nhưng đồng thời thánh nữ cũng cảnh giác những ảo tưởng, đó là đừng lầm tưởng rằng có thể đo lường trình độ nhân đức với lượng nước mắt trào ra. Thánh Inhaxiô Loyola, một con người xem ra đanh thép, cũng đã nói nhiều đến ơn nước mắt. Người đã xin cho chính mình được ơn nước mắt, và khuyến khích những ai dự Linh thao cũng hãy xin ơn đó, mặc dù Người không quên nhấn mạnh rằng không nên đồng hóa nước mắt với chính lòng mến Chúa yêu người. Lòng mến này được diễn tả qua lối sống và hành động chứ không phải là qua nước mắt.
IV. Thực hành
A. Tiêu cực
Theo thánh Tôma, đối lại với ơn minh luận là tội u mê (ignorantia).[5] Lý do là vì ơn minh luận cần thiết để đánh tan những sai lầm trong lãnh vực đức tin gây ra bởi sự dốt nát. Những nguy cơ sai lầm về đức tin và luân lý rất dễ xảy ra trong đời sống, mặc dù ta đã cố gắng học hành. Trong phạm vi phổ quát và khách quan, chúng ta có thể bám vào giáo huấn của Giáo hội để khỏi bị sai lầm; nhưng trong phạm vi cá nhân và chủ quan thì nếu không có ơn Chúa giúp, ta khó lòng tránh khỏi sự sai lầm.
Thực ra, sự u mê dốt nát là lẽ đương nhiên bắt nguồn từ giới hạn của con người, và vì thế không đương nhiên là tội lỗi. Sự dốt nát chỉ trở thành tội luân lý khi ta có lỗi trong đó, và cụ thể là do sự tự phụ, khi mà ta quá tự tin vào kiến thức và hiểu biết của mình và làm ngăn trở những phán đoán mà Chúa gửi tới. Không lạ gì mà những nhà thông thái khó trở thành các nhà thần bí, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con tạ ơn Cha vì đã giấu những điều này khỏi những người khôn ngoan thông thái nhưng đã mặc khải cho những kẻ bé nhỏ” (Mt 11,25).
B. Tích cực
Những phương tiện để giúp cho ơn minh luận tác động trong linh hồn.
————————————
[1] Thánh Tôma ghi nhận sự khó khăn khi giải thích bốn ân huệ liên quan đến sự hiểu biết (chỉ giáo, minh luận, thâm hiểu, cao minh), x. Summa theologiae, II-II, q.8, a.6.
[2] Nói cách khác, “hiểu biết” và “cao minh” cũng là một, chẳng hạn như những đoạn văn sau đây: “Hạnh phúc thay người được cao minh, cũng như kẻ được sự hiểu biết” (Cn 3,13). “Thiên Chúa dùng cao minh đặt nền cho trái đất, dùng hiểu biết thiết lập các tầng trời” (Cn 3,19).
[3] X. ĐSTL XIV (Niềm Hy vọng hồng phúc), trang 282-287.
[4] Sách GLCG đề cập đến cảm thức đức tin (sensus fidei) ở các số 91-93; 99; 250; 785; 889; 904. Xem ĐSTL XI (Thần học đức tin), trang 303-304.
[5] Summa Theologiae, II-II, q.15, prol.