Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Bảy ân huệ Thánh Linh – ƠN SÙNG HIẾU

Administrator
2019-05-16 08:29 UTC+7 26
Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kito hữu”, Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299. Mục 3: ƠN SÙNG HIẾU Ơn Sùng hiếu được xếp ở cấp thứ ba trong hệ trật các nhân đức, tính từ dưới đi lên: sau hai nhân đức thuộc về cảm […]

Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kito hữu”,
Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299.

piety-gift-of-spirit-e1557970080314-1726495156.jpg

Mục 3: ƠN SÙNG HIẾU

Ơn Sùng hiếu được xếp ở cấp thứ ba trong hệ trật các nhân đức, tính từ dưới đi lên: sau hai nhân đức thuộc về cảm xúc (tham dục và nộ dục), chúng ta bước lên nhân đức công bình thuộc về ý chí. Dưới khía cạnh tu đức, ơn sùng hiếu được đặt ở cấp thứ ba, bởi vì mang tính tích cực, nhắm đến tương quan trực tiếp với Thiên Chúa (điển hình qua việc cầu nguyện), sau hai ân huệ trước đây mang tính tiêu cực (cải hoán khỏi tội lỗi và vượt qua rụt rè để can đảm bước đi theo Chúa). Dưới một mặt khác, ơn sùng hiếu cũng có thể được đặt liền kề với ơn kính sợ, xét vì cả hai bổ túc cho nhau trong thái độ của con người đối với Thiên Chúa, và cách riêng bởi vì “sùng hiếu” là một sự giải thích mà bản dịch LXX (và Vulgata) thêm vào bản gốc Hípri của Isaia 11,2-4 để tránh khỏi lặp lại hai lần “kính sợ Chúa”. Dù sao, trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên nói đôi lời nhận xét về từ ngữ.

I. Từ ngữ

Trong tiếng La tinh, ơn huệ này được gọi là pietas, và được chuyển sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ: sùng hiếu, sùng mộ, thảo hiếu (nếu xét như là ân huệ Thánh Linh); hoặc mộ đạo, đạo đức (nếu xét như những hành vi biểu lộ lòng tôn kính Thiên Chúa).[1]

1. Trong tiếng La tinh cổ điển, pietas ám chỉ những tâm tình kính trọng, yêu mến, tận tâm dành cho những người đã có công lao sinh sản và dưỡng dục mình: cha mẹ, ông bà, tổ tiên, tổ quốc. Ta có thể coi như là tương đương với chữ “hiếu” (trung hiếu, hiếu thảo) trong luân lý Đông phương.

2. Thánh Augustinô mở rộng việc áp dụng từ ngữ này vào mối tương quan với Thiên Chúa (tương đương với eusebia trong tiếng Hy lạp), ám chỉ lòng tôn kính, nhiệt thành phụng thờ Thiên Chúa cũng tương tự như lòng hiếu thảo dành cho cha mẹ. Thần học luân lý coi đó như là một nghĩa vụ thuộc về nhân đức công bình, và được đặt tên là nhân đức thờ phượng (religio).[2]

3. Dần dần, pietas cũng được áp dụng cho tấm lòng trắc ẩn, thương xót, dành cho những người nghèo khổ, đáng thương. Trong tiếng Pháp và tiếng Anh, ta thấy có hai từ ngữ mang ý nghĩa khác nhau tuy cùng bắt nguồn từ một gốc La tinh: piété / pitié (Pháp); piety / pity (Anh); còn tiếng Ý (pietà) và Tây ban nha (piedad) dùng cùng một từ với hai ý nghĩa.

Tóm lại, từ “pietas” có thể hiểu theo ba nghĩa:

i) Lòng sùng hiếu đối với Thiên Chúa, được biểu lộ qua việc thờ phượng; đây là đối tượng chính của ân huệ Thánh Linh đang bàn.

ii) Lòng thảo hiếu đối với cha mẹ (pietas filialis), được sách GLCG đề cập khi giải thích điều răn thứ tư (số 2214-2220).

iii) Lòng trắc ẩn thương người.

Nhân tiện cũng xin lưu ý về việc chuyển dịch các từ ngữ:

religio được hiểu về “nhân đức thờ phượng” (chứ không phải là tín ngưỡng hoặc tôn giáo);

– pietas có thể hiểu về “lòng đạo đức” (sùng hiếu) hoặc “việc đạo đức”, thuộc phạm vi phụng tự. Như vậy, “đạo đức” ở đây khác hẳn với “đạo đức” hiểu như là “luân lý” (ethica, moralis), chẳng hạn như khi nói: đạo đức gia đình, đạo đức học đường, đạo đức nghề nghiệp).

II. Bản chất

A. Khái niệm

Trước hết, chúng ta ôn lại vài khái niệm Kinh thánh, sau đó chúng ta sẽ đề cập đến khái niệm thần học của ơn sùng hiếu.

1. Kinh thánh

Như vừa nói trên đây, từ pietas mang nhiều ý nghĩa, và có thể áp dụng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa hoặc giữa con người với nhau, cách riêng đối với những người mà ta mắc nợ công ơn sinh thành. Trong tiếng La tinh, lúc đầu pietas được áp dụng trong xã hội loài người, rồi sau đó mới mở ra đến tương quan đối với Thiên Chúa. Trong Kinh thánh, ra như thứ tự bị đảo lộn: pietas (hay nói đúng hơn hesed trong tiếng Hípri) bắt nguồn từ Thiên Chúa: Ngài là Đấng nhân hậu, từ bi, trung tín với lời hứa. Khi được nhìn thấy Chúa tỏ hiện trên núi Sinai, ông Môsê đã thốt lên: “Đức Chúa, Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi…” (Xh 34,6-7). Dĩ nhiên, ta chỉ có thể nói đến lòng hiếu thảo của con người đối với Thiên Chúa, chứ không thể nào nói rằng Thiên Chúa “hiếu thảo” đối với con người. Bản dịch Việt ngữ của nhóm Phụng vụ Giờ Kinh dùng từ “nhân nghĩa”.

a) Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người

Trong Cựu ước, tình thương của Thiên Chúa với dân Israel được diễn tả qua nhiều hình ảnh của người thân trong gia đình: tình yêu của người cha (Xh 4,22-23), tình yêu của người mẹ (Is 49,15-16; 66,12-13), tình yêu của người chồng (Hs ch 2-3).

Trong Tân ước, tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ đặc biệt nơi Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô gọi đó là “mysterium pietatis”, một thuật ngữ khó chuyển dịch sang Việt ngữ[3]: “Người xuất hiện trong thân phận người phàm, được Thánh Linh chứng thực là công chính (nhờ sự phục sinh); Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tôn kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (1Tm 3,16).

Bằng lời nói và việc làm, Đức Giêsu đã chứng tỏ Thiên Chúa là người cha quan tâm chăm sóc đến con cái, cách riêng là những người tội lỗi. Để đáp lại, con người được mời gọi hãy sống tín thác vào Cha nhân lành, và cũng biết chia sẻ cảm nghiệm bằng cách yêu thương những anh chị em đồng loại. Chúng ta không cần dài dòng về điểm này.

b) Lòng hiếu thảo của con người

Trong tiếng La tinh cổ điển, pietas được hiểu về lòng thảo hiếu đối với những bậc sinh thành. Đây là một nghĩa vụ luân lý. Kinh thánh chứa đựng khá nhiều giáo huấn về điều này. Việc tôn kính cha mẹ được ghi vào “điều răn thứ bốn” (Xh 20,12). Nghĩa vụ này bao hàm “ân tình và tín nghĩa” (hesed – emet), được diễn tả qua việc lắng nghe lời dạy của cha mẹ (Cn 4,1-4), phục vụ các ngài, kể cả sau khi các ngài đã qua đời (bổn phận mai táng: St 47,29-31). Cựu ước để lại hai tấm gương về hiếu thảo nơi ông Tobia và bà Ruth.

“Ân nghĩa” cũng được thực hành trong tương quan xã hội, qua việc nhã nhặn ôn tồn trong lời nói và cử chỉ, lịch thiệp, trung tín. Ngôn sứ Mikha tóm tắt những bổn phận của con người vào ba điều: “thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa” (Mk 6,8). Thật vậy, đối với ngôn sứ Hôsêa, lòng đạo đức không hệ ở những nghi lễ bên ngoài, nhưng cốt tại tình yêu bên trong (Hs 6,6) kèm theo việc thực thi công bình (Hs 12,7). Dù sao, đối với người Do thái, các việc “đạo đức” có thể quy về ba mối: bố thí, ăn chay, cầu nguyện (x. Tb 12,8-9; Mt 6,2.5.18).

Lời dặn dò sau đây của thánh Phaolô cho ông Timôtê về sự thực hành pietas có thể hiểu về tương quan với Thiên Chúa và với đồng loại: “Hãy luyện tập pietas (lòng đạo đức), vì lòng đạo thì lợi ích mọi bề, bởi Thiên Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như trong tương lai cho kẻ có lòng đạo đức” (1Tm 4,8).

c) Lòng sùng hiếu đối với Thiên Chúa

Thật khó xác định nguồn gốc ưu tiên giữa hiếu thảo với Thiên Chúa và hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăng, chính khi cảm nghiệm về “tín nghĩa ân tình” của Thiên Chúa mà ta cũng muốn kéo dài sang các tương quan xã hội? Hay là khởi đi từ cảm nghiệm hiếu thảo đối với tổ tiên mà ta kéo dài sang Thiên Chúa?

Trên thực tế, Thiên Chúa đã tự mặc khải như là người thân thuộc trong gia đình, và cũng muốn cho ta tỏ lòng vâng phục, tôn kính cũng như đối với cha mẹ: “Con phải kính trọng cha; tôi tớ kính trọng chủ. Vậy nếu Ta là cha, thì đâu là lòng kính trọng Ta?” (Ml 1,6).

Trong Tân ước, chúng ta đã được mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta, và chúng ta thực sự là con Thiên Chúa (1Ga 3,1). Đây không phải là một chuyện tự nhiên nằm ở bản tính của con người, nhưng là một ân huệ đi theo đức tin. Vì thế, chúng ta cần đến ơn của Thánh Linh để biến đổi tâm trạng từ nô lệ sang con cái (Gl 4,6; Rm 8,14)

2. Thần học

Từ những khái niệm của Kinh thánh, chúng ta tạm định nghĩa ân huệ thứ ba như sau:

Sùng hiếu là ân huệ của Thánh Linh, để gợi lên trong ý chí của chúng ta tấm lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa như là Cha, và tâm tình huynh đệ phổ quát đối với tất cả mọi người bởi vì họ là những anh chị em của ta và con cái của cùng một Cha Đấng ngự trên trời.

a) Đối tượng của ân huệ này là tâm tình hiếu thảo đối với Thiên Chúa. Khi nói đến “tâm tình” chúng tôi muốn nói đến tác dụng của ơn này, – đó là ý muốn -, nhằm phân biệt với những ơn huệ tiếp theo (chỉ giáo, minh luận, thâm hiểu, cao minh) tác dụng đến lý trí. Tuy nhiên, ở đây “tâm tình” không đồng nghĩa với tình cảm hoặc cảm xúc, là những điều tuy có thể nhiệt thành bồng bột nhưng rồi cũng chóng nguội! Ân huệ Thánh Linh tác dụng vào ý muốn, chứ không chỉ vào cảm xúc.

b) Con người có nghĩa vụ tự nhiên phải thờ phượng Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên mình và những gì chung quanh ta. Nhân đức “thờ phượng” (religio) bao gồm những hành vi mà con người bày tỏ lòng tôn sùng Thiên Chúa: cầu nguyện, thờ lạy, hy lễ, khấn hứa. Đó là những hành động phát xuất từ ý thức về những bổn phận tự nhiên của con người đối với Đấng đã ban cho ta sự sống và muôn ơn khác. Ân huệ Thánh Linh nâng cao nhân đức tự nhiên ấy lên hàng thần linh, khi tỏ cho ta thấy rằng Thiên Chúa còn là Cha của chúng ta nữa, và Ngài muốn chúng ta bày tỏ những tâm tình hiếu thảo của người con. Tác động này của Thánh Linh được thánh Phaolô diễn tả như sau:

Phàm ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa, Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên ‘Abba, Cha ơi’… Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Thần khí cầu thay nguyện giúp chúng, bằng những tiếng rên siết khôn tả. (Rm 8,14-15.26).

c) Một cách gián tiếp, ân huệ này cũng chi phối những mối tương quan đối với tha nhân nữa, khi nó giúp chúng ta đối xử với họ như là những anh chị em, bởi vì tất cả đều là con cái của một Cha chung trên trời.

Như vậy, theo quan điểm của thánh Tôma, ơn sùng hiếu liên quan đến nhân đức công bình,[4] xét vì nó giúp ta thực hành những nghĩa vụ đối với “tha nhân”, khởi đầu từ Thiên Chúa, rồi đến các người thân nhân trong gia đình, rồi mở rộng đến toàn thể nhân loại. Nói cách khác, ơn sùng hiếu là một ơn mang tính “gia đình”, giúp ta thi hành các nghĩa vụ theo tinh thần gia đình, dựa trên mối tình hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha.

B. Sự cần thiết

Ơn sùng hiếu khai mở cho chúng ta một tâm tình mới trong mối dây liên lạc với Thiên Chúa và tha nhân. Với Thiên Chúa, chúng ta tôn kính Ngài với tâm tình con thảo đối với Cha hiền chứ không phải chỉ như Chủ tể vạn vật. Tâm tình này được diễn tả qua những hành vi thờ phượng, cách riêng là cầu nguyện. Cầu nguyện không còn là một nghĩa vụ bị áp đặt nhưng là “một cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn, năng dành thời giờ để ở một mình với Đấng mà ta biết rằng Ngài yêu thương ta” (T. Têrêsa Giêsu, được Sách GLCG trích dẫn ở số 2709).

Tâm tình này còn mở rộng đến những “họ hàng” của Chúa, tựa như Kinh thánh (cuốn sách ghi chép Lời Chúa), các phúc nhân (những người được chia sẻ vinh quang với Chúa), những anh chị em đồng loại đang trên đường tiến về nhà Cha, cách riêng những người đau khổ cùng cực. Thậm chí nó còn làm thay đổi cách thức chúng ta đối xử với các thụ tạo vô tri vô giác, giống như thánh Phanxicô Assisi gọi mặt trời, mặt trăng, nước lửa, cây cối, thú vật… như là anh chị em.

C. Những công hiệu

Ơn sùng hiếu mang lại nhiều công hiệu cho linh hồn.

  1. Tình hiếu thảo với Cha trên trời. Linh hồn hiểu thấm thía những lời của thánh Phaolô: “Anh em đã không lãnh nhận tinh thần nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng anh em đã lãnh nhận tinh thần nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Abba, Cha ơi! Chính Thần khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,15-16). Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu là một chứng nhân của ân huệ này: mỗi khi nghĩ đến chân lý này là chị khóc. “Một lần kia, một tập sinh vào phòng của chị, và ngạc nhiên vì sắc mặt khác thường của chị. Chị đang mải mê làm việc, thế mà cứ như đang chiêm niệm sâu xa. Tập sinh hỏi chị: “Chị đang nghĩ gì vậy?”. Chị giáo trả lời: “Chị đang suy gẫm về kinh Lạy Cha. Thật êm dịu biết bao khi kêu Thiên Chúa là Cha chúng ta! Thế rồi, nước mắt tràn ra.”[5]
  2. Phó thác mọi sự trong tay Cha nhân lành. Khi linh hồn đã cảm nhận được tình phụ tử, thì sẽ tin tưởng phó thác mình cho Cha. Linh hồn được hưởng bình an mà không có gì làm mất được. Linh hồn không xin cũng không khước từ điều chi liên quan đến sức khỏe hay bệnh tật, đời sống ngắn ngủi hay lâu dài, được an ủi hay phải khô khan, được sung sức hay phải kiệt lực, được khen ngợi hay bị chê bai… Điều duy nhất mà linh hồn khao khát ước mong là sao cho hết mọi người nhận biết mình là con cái Thiên Chúa, và sống xứng với danh dự ấy, để tôn vinh Cha trên trời.
  3. Nhận ra nơi tha nhân một người con của Thiên Chúa và một người em của Đức Kitô. Đây là một hệ luận về việc trở nên nghĩa tử nhờ ân sủng. Nếu Thiên Chúa là Cha chúng ta thì tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa và anh em trong Đức Kitô, trong hiện thể hoặc ít là trong tiềm năng. Tuy nhiên, các linh hồn được ơn sùng hiếu mới nhìn nhận và sống đạo lý ấy, và thật là kỳ diệu! Họ yêu thương tất cả mọi người với lòng âu yếm bởi vì nhận ra là những anh chị em của mình trong Đức Kitô, do đó họ mong ước sao cho mọi người đều được phúc lành của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã bộc lộ tâm tình ấy khi viết cho các tín hữu Philípphê (4,1): “Bởi vậy, hỡi anh em thân mến, lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tội, Anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy”.

Một khi đã mang những tâm tình như vậy, linh hồn sẽ dấn thân vào đủ thứ công việc thương xót nhằm đến những người bạc phước, vì động lòng trắc ẩn với những người anh em của mình. Họ không quản ngại chấp nhận các hy sinh mà sự phục vụ đòi hỏi, bởi vì họ làm tất cả cho Đức Kitô. Duy chỉ nhờ có ơn sùng hiếu, họ mới dám làm những công việc xả kỷ anh hùng như vậy, tuy rằng đối với họ, xem ra dễ dàng. Giả như có ai hỏi vì sao họ làm như vậy, thì câu trả lời đơn giản là: “vì tất cả mọi người đều là anh em của tôi”. Dĩ nhiên, nhờ ơn sùng hiếu, kể cả những mối tình máu mủ tự nhiên cũng trở nên thắm thiết hơn, vì mang một màu sắc mới: chúng trở thành những hành vi của nhân đức thờ phượng dành cho Thiên Chúa.

  1. Tôn kính những người hoặc đồ vật có liên quan đến tình phụ tử của Thiên Chúa hoặc tình huynh đệ Kitô hữu. Nhờ có ơn sùng hiếu, lòng tôn kính Đức Trinh nữ Maria sẽ được nên hoàn hảo vì là Người Mẹ của Đức Giêsu, người anh cả của gia đình con cái Chúa; một cách tương tự như vậy, lòng tôn kính đối với các thiên thần và các thánh nhân cũng được kiện toàn hơn vì họ là những anh chị đã được hưởng hạnh phúc trong nhà Cha trên trời. Các linh hồn đang được thanh luyện cũng được nhớ đến để cầu nguyện vì họ là những người đang chịu đau khổ. Nhờ được củng cố bởi ơn sùng hiếu, nhân đức thờ phượng sẽ giúp chúng ta tiếp xúc với những đồ vật thánh cách kính cẩn hơn: Kinh thánh là sứ điệp mà Cha trên trời gửi cho chúng ta để bày tỏ ý muốn của Ngài; các vật dụng thánh (chén thánh, bình đựng Mình Thánh…) là những dụng cụ sử dụng vào việc tôn vinh danh Chúa.

III. Chân phúc tương ứng: hiền hậu

Ơn sùng hiếu có liên hệ với chân phúc dành cho những kẻ hiền lành: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4).[6]

Như đã nói trên đây, ơn sùng hiếu không những liên quan đến bổn phận của chúng ta là con cái đối với Thiên Chúa là Cha, nhưng còn liên quan đến những bổn phận của chúng ta đối với tha nhân nữa. Trong đời sống xã hội, tiêu chuẩn hướng dẫn là nhân đức công bình. Tuy nhiên, thánh Tôma đã nhận xét rằng bầu khí xã hội sẽ rất căng thẳng nếu áp dụng đúng nguyên tắc “ba cọc ba đồng”: bên cạnh những nghĩa vụ theo đức công bình giao hoán, còn có những nghĩa vụ nảy sinh do tình nghĩa nữa, chẳng hạn như: biết ơn, hòa nhã, thành thực.[7] Tương quan với tha nhân cần được hướng dẫn bởi tình nghĩa nữa, như đã nói trên đây. Đó là nói trên bình diện tự nhiên; nhờ ơn sùng hiếu, ta biết rằng tha nhân không còn là người xa lạ nữa, nhưng là anh chị em của ta. Từ đó, Thánh Linh thúc giục chúng ta hãy tỏ ra hiền từ, dịu dàng trong lời nói, cách cư xử với những người ta gặp gỡ. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Hãy học cùng Thầy vì Thầy khiêm nhường và hiền hậu” (Mt 11,29). Người đã thể hiện trong cuộc đời lời nói của Isaia về người đầy tớ Giavê: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây sậy bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12,19-20). Thánh sử Mátthêu cũng áp dụng tính từ “hiền hậu” cho Chúa Giêsu khi thuật lại việc Người vào Giêrusalem, ngồi trên lừng con lừa (Mt 21, 5) ứng nghiệm với lời ngôn sứ Dacaria (9,9-10). Người thật là vua Mêsia, nhưng không phải là vị vua oai phong quyền lực, tiền hô hậu hét. Người giống với hình ảnh của con chiên không mở miệng khi bị mang đi xén lông (Is 53,7-8).

Người cũng khuyên các môn đệ hãy cư xử như vậy trên đường truyền giáo: “Thầy sai anh em như chiên vào giữa sói rừng” (Lc 10,3). Người không chấp nhận thái độ của hai anh em Giacôbê và Gioan, “con nhà thiên lôi”, khi họ muốn sai lửa từ trời xuống đốt làng mạc những dân không đón tiếp họ (Lc 9,54; Mc 3,17). Cần phải chinh phục Nước Trời bằng khí cụ của tình yêu, tha thứ. Ơn sùng hiếu để giúp chúng ta nâng đỡ lẫn nhau, mang lấy gánh nặng của nhau. Và đó là bí quyết để “lấy điều thiện để thắng sự ác” (Rm 12,21).

IV. Thực hành

Chúng ta xét đến khía cạnh tiêu cực (nết xấu trái nghịch) cũng như khía cạnh tích cực (những phương thế chuẩn bị)

A. Tiêu cực

  1. Các sách luân lý đối chọi “lòng đạo” (pietas) với “vô đạo” (impietas). Lòng đạo đức (sùng hiếu) dâng lên Thiên Chúa với tâm tình con thảo những gì thuộc về Cha trên trời. Đối lại là những tội vi phạm nghĩa vụ ấy, bằng cách này hay cách khác.
  2. Mặt khác, ơn sùng hiếu mở rộng tâm hồn để đối xử hết lòng nhân ái với tha nhân vì họ là con cái của Thiên Chúa; vì thế thánh Grêgôriô đối chọi ơn ấy với trái tim chai đá, phát sinh từ tật ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, chứ không thiết tha gì đến người khác. Họ chẳng quan tâm gì đến những nỗi khổ của tha nhân, không muốn giúp đỡ tha nhân; trái lại, họ không thể chịu đựng những khuyết điểm nơi người khác và dễ gây gỗ với tha nhân, hoặc nuôi dưỡng lòng hậm hực hiền thù với tha nhân. Tính “vô cảm” này biểu hiện nơi những kẻ muốn làm bá chủ thế giới và không ngại xây dựng sự nghiệp trên sự đau khổ của những dân nghèo, hoặc những nhà tư bản chỉ nghĩ đến việc làm giàu và không ngại khai thác sức lao động của các công nhân, hoặc nơi những con người ham mê nhục dục và khóa cửa lòng đối với các giá trị tinh thần.

B. Tích cực

Ngoài những phương thế chung để chuẩn bị cho tất cả các ân huệ Thánh Linh, những điều dưới đây liên quan cách riêng đối với ơn sùng hiếu.

  1. Vun trồng tinh thần nghĩa tử Thiên Chúa. Không có chân lý nào được các sách Tin mừng nhấn mạnh cho bằng Thiên Chúa là Cha. Nguyên bài giảng trên núi đã ghi lại 14 lần. Có thể nói rằng đặc trưng của Tân ước (nghĩa là của Kitô giáo) là mặc khải Thiên Chúa là Cha, và thái độ tương ứng về phía con người là tâm tình của con cái. Chính vì vậy mà ta cần vun trồng tinh thần con cái đối với Thiên Chúa. Dĩ nhiên Thiên Chúa là Chủ tể vạn vật, là Thẩm phán công minh, nhưng tiên vàn Ngài là Cha của chúng ta. Ơn Kính sợ đã in vào tâm hồn ta lòng tôn kính (chứ không phải sợ sệt, sợ hãi) đối với Thiên Chúa; ơn sùng hiếu bổ túc với tâm tình hiếu thảo và tín thác. Dù sao, đây không phải là kết quả của những nỗ lực tự nhiên, nhưng chúng ta cần được ân huệ Thánh Linh thì mới có khả năng sống tinh thần đó. Chúng ta hãy xin Thánh Linh bàn cho ta tinh thần nghĩa tử; theo gương của chân phúc Columba Marmion, chúng ta có thể gắn lời cầu đó với một câu kinh cụ thể, chẳng hạn như khi cúi đầu đọc kinh “Vinh danh” ở cuối mỗi thánh vịnh. Chúng ta cũng hãy tập sống như những con thảo của Thiên Chúa, bằng việc làm mọi việc để làm vui lòng Cha trên trời.
  2. Vun trồng tinh thần huynh đệ phổ quát với hết mọi người. Trên đây, chúng ta đã thấy là một hiệu quả của ơn sùng hiếu là nhìn hết mọi người như là con cái của cùng một Cha. Đó là một ơn huệ Thánh Linh. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ân huệ ấy bằng cách tập luyện sống tâm tình ấy, bằng cách cố gắng mở rộng con tim để ôm ấp tất cả thế giới bằng tình yêu. Thánh Phaolô đã nhiều lần nhắc nhở các tín hữu: “Nhờ đức tin vào Đức Kitô Giêsu, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, anh em đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hoặc Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,26-28).
  3. Nhìn nhận tất cả mọi vật, kể cả vật vô tri, như thuộc về ngôi nhà của Cha. Đây là công hiệu của ơn sùng hiếu, như ta thấy nơi thánh Phanxicô Assisi đã ôm một cái cây vì là một người anh em của mình trong Chúa. Thánh Phaolô Thánh giá ngây ngất trước những bông hoa trong vườn, bởi vì chúng nói cho mình biết về Cha trên trời. Thánh Têrêsa Hài Đồng khóc sướt mướt khi thấy một gà mẹ ủ bầy con dưới cánh, và nhớ lại hình ảnh của sách Tin mừng được Chúa Giêsu sử dụng để bộc lộ tâm tình của Thiên Chúa, kể cả đối với những đứa con vô ơn tệ bạc (x. Mt 23,37). Tuy chúng ta chưa đạt đến trình độ ấy do ơn sùng hiếu, nhưng chúng ta cố gắng nhìn vạn vặt dưới ánh sáng đức tin như là tài sản thuộc về Cha trên trời. Ta sẽ đối xử với chúng như là “đồ vật thánh”. Điều này lại càng đúng hơn nữa khi chúng ta chạm đến những đồ vật được sử dụng vào việc thờ phượng: nhà thờ nhà thánh, bàn thờ, chén lễ, áo lễ, tượng thánh.
  4. Vun trồng lòng tín thác vào Thiên Chúa. Đây là một công hiệu của ơn sùng hiếu. Đang khi chờ đợi lãnh nhận ân huệ ấy, chúng ta hãy cố gắng tập luyện trong khả năng của chúng ta, bằng cách xác tín rằng Thiên Chúa là Cha nhân lành, ngài không để điều gì xấu xảy ra cho chúng ta. Chúng ta bình thản đón nhận mọi biến cố xảy ra trên đời, sức khỏe hay bệnh tật, hòa bình hay chiến tranh, sốt sắng hay nguội lạnh… Trong mọi hoàn cảnh, linh hồn lặp lại lời phó thác: “Xin vâng”, hoàn toàn tin tưởng vào ý muốn của Cha, tin rằng Ngài luôn muốn điều tối ưu cho con cái, kể cả giữa những điều mà cái nhìn hạn hẹp của ta coi là độc dữ.

————————————————-

[1] Chẳng hạn như các việc “đạo đức bình dân” (pietas popularis) được sách GLCG đề cập ở các số 1674-1676; 2688: các kinh kính Đức Mẹ, đeo ảnh thánh, tôn kính các di tích thánh, rước kiệu…

[2] X. ĐSTL XII, trang 155-157. Sách GLCG số 2095-2122.

[3] Nhóm GKPV dịch là “mầu nhiệm của đạo thánh”; Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “mầu nhiệm của chân đạo”; Cha An-Sơn Vị dịch là “huyền nhiệm sùng hiếu”.

[4] Về những nhân đức họ hàng với đức công bình, xem ĐSTL XII, trang 153-154.

[5] X. Chuyện một linh hồn, chương 21.

[6] Thánh Tôma (Summa Theologiae II-II, q.121, a.2) nhận xét rằng sự tương hợp này do thánh Augustinô thiết lập dựa theo thứ tự liệt kê trong Kinh thánh (thứ hai), chứ nếu xét về nội dung, xem ra nên kết nối ơn sùng hiếu với chân phúc “đói khát công chính” (thứ bốn) và chân phúc của “kẻ biết xót thương” (thứ năm).

[7] X. ĐSTL XII, trang 154.