Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

BIỂU LỘ CẢM NGHIỆM TÂM LINH QUA HÀNH ĐỘNG – Mục I. CÁC LỄ NGHI

Administrator
2019-04-03 06:55 UTC+7 26
(Trích Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập I) Nhập đề Trong chương trước, chúng ta đã nghiên cứu sự biểu lộ cảm nghiệm tâm linh qua lời nói: hoặc lời diễn tả bản chất Thực tại huyền nhiệm (thần thoại), hoặc lời ngỏ với Thực tại huyền nhiệm (lời cầu). Bên cạnh lời […]

(Trích Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập I)

Nhập đề

Trong chương trước, chúng ta đã nghiên cứu sự biểu lộ cảm nghiệm tâm linh qua lời nói: hoặc lời diễn tả bản chất Thực tại huyền nhiệm (thần thoại), hoặc lời ngỏ với Thực tại huyền nhiệm (lời cầu). Bên cạnh lời nói, con người còn diễn đạt cảm nghiệm bằng hành động nữa. Thực ra, chúng ta phân biệt “ngôn ngữ” và “hành động” để nghiên cứu, chứ trên thực tế, cả hai gắn liền với nhau. Thần thoại không phải là truyện cổ tích giải trí, nhưng được thuật lại trong khung cảnh lễ nghi nhằm giúp cho các tín hữu thông hiệp với thực tại thần linh. Điều này càng rõ rệt hơn nữa khi nói tới lời nguyện: trên bình diện cá nhân, lời nguyện thường kèm theo những cử chỉ biểu lộ tâm tình sợ hãi hoặc kính mến, sầu muộn hoặc hân hoan, âu lo hoặc biết ơn; trên bình diện cộng đoàn, các lời nguyện diễn ra trong khung cảnh của lễ nghi, (hoặc cũng có thể nói ngược lại: không có lễ nghi nào mà không có lời nguyện).

Các hành động biểu lộ cảm nghiệm tâm linh được đặt tên chung là “lễ nghi” (ritus). Các lễ nghi không chỉ giới hạn trong vài cử chỉ, nhưng còn kèm theo vài khung cảnh được điển chế, về thời gian và không gian, đưa đến việc thiết lập những lễ hội, nơi thờ tự, được trang trí bởi những ảnh tượng. Đó là những đề tài sẽ được trình bày trong chương này, gồm bốn mục: 1) Lễ nghi. 2) Thời gian cử hành lễ nghi. 3) Nơi cử hành lễ nghi. 4) Tượng ảnh.

Mục I. Các lễ nghi

Trong các ngành nhân văn học, một cuộc tranh luận đã xảy ra trong thế kỷ XX chung quanh bản chất của lễ nghi. Môn nhân chủng học muốn tìm biết nguồn gốc của các lễ nghi: từ lúc nào con người bắt đầu các lễ nghi cúng tế thần linh? Môn nhân văn học đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa lễ nghi “tôn giáo” với lễ nghi “dân sự”. Các nhà phân tâm học bàn đến lễ nghi như là những cử điệu máy móc, lặp đi lặp lại cách vô ý thức. Khoa xã hội học chú ý những chức năng của lễ nghi đối với đời sống cộng đồng.

Thực ra, các khía cạnh vừa nêu đều hàm ngụ trong những từ Hán việt được sử dụng để dịch danh từ Rite (Pháp) hoặc Ritual (Anh): lễ nghi, nghi lễ, nghi thức.

Lễ là cách bày tỏ sự kính trọng, chẳng hạn như chắp tay vái lạy. Hơn thế nữa, lễ không chỉ giới hạn vào vài cử chỉ thân thể, nhưng còn chi phối tất cả cung cách cư xử, chẳng hạn như khi nói đến lễ phép, lễ độ, lễ nghĩa. Cổ nhân đã chẳng nói “tiên học lễ, hậu học văn” đấy ư? Nho giáo đã xếp “lễ” vào hàng ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín); đồng thời Kinh Lễ là một trong sách cổ điển được đức Khổng tử san định (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Nhạc, Kinh Lễ, Kinh Xuân thu). Nói cách khác, lễ bao hàm không những tương quan với các thần linh, mà cả tương quan xã hội nữa. Lễ giữ vai trò giáo dục tâm tình con người, biết ăn ở hợp với nhân đạo, chứ không buông thả theo bản năng.

Lễ còn mang một ý nghĩa nữa khi được ghép với “hội”: lễ hội. Nó gợi lên hình ảnh một tổ chức long trọng, quy tụ sự tham dự của cộng đồng. Lễ hội gắn liền với “hội hè, đình đám”, nói lên sự gặp gỡ, tụ họp. Dĩ nhiên là nó không chỉ giới hạn vào phạm vi tôn giáo, chẳng hạn khi chúng ta mừng Lễ Quốc khánh, Lễ Độc lập. Trong gia đình thì có Lễ cưới (hay đám cưới, hôn lễ), Lễ tang (đám tang).

Qua khái niệm về những ý nghĩa của “lễ”, chúng ta nhận thấy rằng một đàng nó không chỉ giới hạn vào lãnh vực tâm linh, đàng khác nó chi phối cuộc sống con người xét như cá nhân cũng xét như cộng đoàn. Những khía cạnh đó cũng các học giả bàn đến khi nghiên cứu các chiều kích của lễ nghi tôn giáo. Chúng tôi xin trình bày ba điểm: bản chất, sự phân loại, chức năng.

I. Bản chất

Một cách tương tự như cụm từ “Lễ” trong Hán việt, cụm từ Rite (gốc bởi chữ phạn rita: hợp với khuôn khổ) trong ngôn ngữ Tây phương cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau, và không chỉ giới hạn vào phạm vi tôn giáo.

1/ Dưới một góc độ tiêu cực, tiếng “rite” được hiểu là những nghi thức rườm rà, ước lệ, nếu chưa nói là giả dối. Chẳng hạn như khi hai người gặp nhau thì phải bắt tay hoặc hôn hít, mặc dù trong bụng đang hậm hực tức tối; hoặc vào dịp đầu năm, người ta tổ chức tiệc tùng cầu chúc những lời tốt đẹp nhất, tuy dù ai ai cũng dư biết rằng các lời chúc đó khách sáo không thua gì các lời hứa hẹn của các chính khách vào mùa tuyển cử! Hiểu theo nghĩa là hình thức bề ngoài, rite được dùng như đồng nghĩa với “cérémonie” (nghi thức, nghi lễ). Dù sao, chúng ta cũng nên biết là việc tuân hành các nghi lễ này không phải chỉ diễn ra dựa theo tập tục, nhưng còn được ấn định bởi luật lệ. Điển hình là tất cả các chính phủ đều thiết lập Sở Nghi lễ để phụ trách các cuộc tiếp tân ngoại giao. Việc thiếu sót trong phạm vi này không những chỉ gây tai tiếng (thất lễ) và có thể mang theo hậu quả tai hại (cắt đứt ngoại giao, chiến tranh).

2/ Tại sao con người phải tuân giữ những cử chỉ vô nghĩa, khách sáo, câu nệ như vậy? Đã có những lối giải đáp khác nhau cho câu hỏi này.

– Theo ông Sigmund Freud, lễ nghi được coi như phản ánh của một tâm bệnh. Con người bị những động lực của Vô thức thúc đẩy phải thi hành những cử chỉ vô nghĩa (ritualisme). Nói cách khác, con người càng tuân theo nghi thức bao nhiêu thì càng chứng tỏ mình bị vô thức điều khiển bấy nhiêu. Sự trưởng thành tâm lý đòi hỏi ta phải gỉam bớt những cử chỉ đó, để sống chân thực với chính mình. Nghi thức tượng trưng cho hành động vô thức, vô nghĩa.

– Đối lại với chủ trương đó, một ý kiến khác cho rằng các nghi thức không hoàn toàn vô nghĩa. Khi được đặt ra, nghi thức nào cũng có ý nghĩa của nó; nhưng theo dòng thời gian, người ta đánh mất ý nghĩa nguyên thủy cho nên nghi thức trở thành vô nghĩa. Cử chỉ bắt tay khi gặp gỡ nhau có lẽ bắt nguồn từ việc xòe tay ra nhằm chứng tỏ rằng ta không cầm khí giới giết hại. Dù sao, cho dù người thực hành các nghi thức không hiểu các ý nghĩa của nó đi nữa, nó không phải là phản ánh của sự bệnh hoạn tâm lý; ngược lại, nó góp phần vào sự quân bình tâm lý. Thực vậy, con người không phải chỉ sống nhờ tư duy và sản xuất lao động, nhưng cũng cần những khoảnh khắc thư dãn, tiêu khiển, những hành động không tính toán, không vụ lợi, mang tính chất biểu tượng hơn là duy lý.

– Hơn thế nữa, cần phải ghi nhận vai trò tích cực của các nghi thức trong mối tương quan xã hội. Các nghi thức giúp cho các phần tử trong cộng đồng biết cách đối xử với nhau hợp theo khuôn khổ, nề nếp. Một khi mỗi người giữ đúng vị trí của mình, thì cộng đồng cảm thấy yên ổn. Nói khác đi, các lễ nghi cần được phân tích trong bối cảnh tương quan xã hội, chứ không nên chỉ đánh giá trên bình diện tâm lý cá nhân.

3/ Các nghi thức chi phối con người xét như cá nhân cũng như xét như cộng đoàn. Thí dụ từ tảng sáng khi mới ngủ dậy, đã phải chào thăm sức khỏe những người trong nhà; kế đó khi ngồi vào bàn ăn, cũng phải tuân giữ phép tắc “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Liệu có thể phân biệt được nghi thức nào mang tính cách “tôn giáo”, và những nghi thức “không tôn giáo” (dân sự) hay không? Không dễ gì trả lời cho câu hỏi này. Dĩ nhiên, ai cũng nhận thấy rõ sự khác biệt giữa một cuộc biểu tình nhân lễ Quốc khánh với cuộc rước kiệu Đại hội Lavang. Tuy nhiên, việc nhận định tính cách tôn giáo của một đám tang thì không đơn giản như vậy: không thể nói rằng chỉ đám tang nào được cử hành tại đình chùa, nhà thờ thì mới mang tính cách tôn giáo; dù một cuộc truy điệu diễn ra ở đài liệt sĩ đi nữa thì nó cũng mang tính cách tín ngưỡng, bởi vì giả thiết rằng một cái gì của người chết vẫn còn tồn tại (dù gọi là hồn thiêng, vong linh, hay tên gì đi chăng nữa). Một cách tương tự như vậy, khó phủ nhận tính cách tín ngưỡng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong gia đình, hoặc các lễ kính thành hoàng!

Xét vì khó xác định lằn ranh giới giữa nghi thức “tôn giáo” với nghi thức “không tôn giáo”, cho nên không thiếu người đồng hoá cả hai, tuy với hai lập luận ngược chiều. Một ý kiến (Robertson Smith) cho rằng trong các bộ tục nguyên thủy chỉ có các nghi lễ xã hội mà biểu tượng là totem (vật tổ); sau đó, người ta biến vật tổ ra thần thánh, tạo ra các nghi lễ tôn giáo. Đối lại, một chủ trương khác cho rằng trong các xã hội cổ thời, tất cả các nghi thức đều là thánh thiêng, từ việc sinh đẻ, cưới hỏi, tang chế. Do ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần cận đại, người ta mới tạo ra các nghi lễ dân sự để trám vào lỗ hổng của chiều kích linh thiêng.

4/ Cuộc tranh luận về sự phân biệt giữa nghi lễ tôn giáo và nghi lễ dân sự chắc còn kéo dài đến vô tận. Dưới cặp mắt của nhà xã hội học, thực là khó xác định biên cương của các nghi lễ. Đối chiếu giữa nhà thờ với đài liệt sĩ, giữa hành hương thánh địa với việc thăm viếng lăng Bác Hồ thì tương đối còn dễ hiểu; nhưng có tác giả còn coi tuồng kịch, trận đá banh cũng là một nghi lễ nữa.

Dựa theo các tác giả của môn hiện tượng luận tôn giáo (Rudolph Otto; Gerardus Van der Leeuw; Joachim Wach; Mircea Eliade), chúng ta tạm giới hạn các nghi lễ tôn giáo vào khung cảnh của chúng, bao gồm: địa điểm, thời gian, truyền thống, và nhất là sự thông hiệp với một Thực tại huyền nhiệm.

– Lễ nghi tôn giáo được cử hành do một cộng đồng tín hữu, cùng chia sẻ một niềm tin.

– Lễ nghi tôn giáo diễn ra tại một địa điểm (chẳng hạn: nhà thờ) và vào một thời gian (chẳng hạn: Chúa nhật) mang một ý nghĩa riêng đối với tôn giáo đó

– Nhất là lễ nghi tôn giáo nhắm đưa các tín hữu vào thông hiệp với Thực tại huyền nhiệm. Thực vậy, không phải tất cả các buổi hội họp tại địa điểm tôn giáo vào một thời gian tôn giáo đều nhằm cử hành nghi thức tôn giáo. Thí dụ như các Kitô hữu có thể họp nhau tại nhà thờ vào chúa nhật để thảo luận về cách điều hành giáo xứ. Đó chưa phải là lễ nghi tôn giáo. Việc cử hành lễ nghi diễn ra khi họ bước sang phần cầu nguyện (nghe đọc Lời Chúa, cử hành Thánh thể).

II. Phân loại

Có nhiều tiêu chuẩn được đưa ra để phân chia các loại lễ nghi, dựa theo mục tiêu của người cử hành, dựa theo thời gian cử hành.

A. Xét về mục tiêu

Tuy rằng mục tiêu của các lễ nghi là kết hiệp với Thực tại huyền nhiệm, nhưng có nhiều phương thế và giai đoạn nhằm đạt tới mục tiêu đó. Một cách tổng quát, có thể mô tả các nghi lễ dựa theo tiến trình sau đây: trước hết, cần phải loại trừ những gì ô uế tội lỗi; kế đó là tiến dâng phẩm vật; sau cùng là kết hiệp[1].

1/ Đứng đầu các nghi thức thanh tẩy là sự trừ tà (apotropê, gốc hy lạp): xua đuổi các tà ma, lực lượng xấu xa. Lịch sử các tôn giáo ghi nhận nhiều biểu tượng của nghi thức này, chẳng hạn như đốt pháo, đánh trống, khua chiêng, giật chuông. Sự xua đuổi tà ma cũng được thực hiện qua cử chỉ, tựa như: nhổ nước bọt, lè lưỡi, giơ tay lên. Cử chỉ của người Kitô hữu chấm vào nước thánh và làm dấu thánh giá khi bước vào nhà thờ là một vết tích trừ tà, được ghi lại từ thế kỷ III (Tertullianô, Cyrillô Giêrusalem).

2/ Các nghi thức trục xuất, loại trừ (eliminatio) nhằm di chuyển tội lỗi của con người sang một đồ vật khác. Thời xưa, người ta quan niệm tội lỗi như một đồ vật (sự xấu xa) có thể tháo gỡ, và quẳng ném sang chỗ khác hay trút sang vật khác. Lễ nghi xá tội của đạo Do thái còn mang vết tích của quan niệm đó: tội lỗi của toàn dân được trút lên đầu một con dê và đuổi nó vào sa mạc (Lv 16,20tt).

Việc cởi giầy dép trước khi bước vào cung thánh, việc lột bỏ áo sống, cắt tóc cạo đầu, cũng có thể xếp vào loại nghi thức trục xuất.

3/ Các nghi thức thanh luyện (purificatio) giả thiết một quan niệm cao cấp hơn về tội lỗi: tội không phải là một đồ vật nhơ bẩn nhưng là ý chí lệch lạc cần được uốn nắn. Từ đó, có những nghi thức thống hối diễn tả qua nhiều hành vi bày tỏ sự đau đớn tựa như: chay tịnh, canh thức, kiêng khem, tiết chế, vv; hoặc qua những biểu tượng tắm rửa, rảy nước.

4/ Các nghi thức vừa rồi được coi như “tiêu cực”, theo nghĩa là loại bỏ những gì bất xứng với sự thánh thiêng. Sang khía cạnh tích cực, chúng ta có thể kể đến việc hiến dâng. Trong tương quan xã hội, chúng ta chẳng biếu tặng các người thân thuộc hoặc cấp trên những “của ngon vật lạ” để bày tỏ lòng quý mến biết ơn đấy ư? Dĩ nhiên là đằng sau cử chỉ đó có thể ẩn nấp hậu ý khác, đó là mong được che chở của cấp trên (có đi có lại). Những tâm tình đó cũng phản ánh trong tương quan với các thần linh.

– Tục lệ dâng hoa trái đầu mùa hoặc thú vật đầu lòng (primitiae, premices) xuất hiện ở nhiều dân tộc, và được Kinh thánh kể lại vào thời nguyên thủy của nhân loại (Sách Sáng thế chương 4: Abel và Cainô), và trở thành định chế của đạo Do thái (Xh 13,2; 23,19). Nó có thể bày tỏ lòng biết ơn với Đấng Tạo hoá; đồng thời nó cũng có thể hàm ngụ ý tưởng cầu khẩn sự chúc lành cho các hoa trái họăc dòng dõi kế tiếp.

– Hầu như tôn giáo nào cũng có nghi thức cúng tế (oblatio), với những lễ phẩm khác nhau tùy địa phương: động vật, bông hoa, trái cây, cơm bánh, rượu nước. Ý nghĩa của chúng khá phức tạp. Nó có thể biểu lộ lòng quý mến biết ơn qua việc dâng tặng những phẩm vật quý giá nhất. Nó cũng có thể là một thứ “hối lộ” thần linh để cầu lợi (do ut des). Nó cũng có thể mang ý nghĩa chu cấp cho các thần linh, bởi nghĩ rằng các vị (cách riêng các tổ tiên) cũng có những nhu cầu như chúng ta.

5/ Trong số các nghi thức hiến dâng hay cúng tế, các nhà nghiên cứu lịch sử tôn giáo dành một mục riêng biệt cho các hy lễ (sacrificium), với những dạng thức và mục tiêu khá đa dạng.

– Xét về mục tiêu, có thể phân biệt: hy lễ tạ ơn, khấn hứa, đền tội, cầu khấn.

– Xét về lễ phẩm. Ngoài hoa trái và súc vật, lễ phẩm có thể là chính con người: nhi đồng, trinh nữ, tù binh. Những người này (cũng như súc vật) bị giết để tế thần. Ý nghĩa của chúng thay đổi tùy nơi tùy thời. Đừng kể các bộ tộc có tục lệ ăn thịt người (chứ không phải là hy lễ tôn giáo), sự sát tế tù binh có thể mang ý nghĩa tạ ơn (vì được thần linh giúp thắng trận), xá tội (xin thần linh nguôi giận vì tội ác mà địch quân đã gây ra), hoặc chỉ là ma thuật (máu quân thù chứa đựng sức sống). Cũng nên biết là dần dần, các hy lễ sát tế sinh mạng được thay thế bằng thú vật, hoặc hình nộm, hay đồ vật (thí dụ dâng tiền).

– Lịch sử các tôn giáo cũng ghi nhận những phong trào bài trừ các hy lễ vật chất và đề cao hy lễ tinh thần. Chẳng hạn như Kinh thánh đã hơn một lần đề cao sự tuân phục luật Chúa (1Sm 15,22), lòng sùng mộ (Hs 6,6) lên trên các lễ tế. Thậm chí có những ngôn sứ không ngần ngại tuyên bố rằng Thiên Chúa tởm ghét các hy lễ (Amos 5,22; Tv 50,9-13; 49). Trong bối cảnh đó, người ta chuyển hướng sang các hy lễ tinh thần (Rm 12,1), chẳng hạn như: hy lễ ngợi khen, tạ ơn (Tv 50,14.23). Ngoài việc thi hành các hành vi bác ái, nhiều người còn muốn dâng hiến trót đời để phục vụ Thiên Chúa và đồng loại: đây là hiện tượng đời tận hiến.

6/ Những nghi thức biểu lộ sự kết hiệp với Thực tại huyền nhiệm mang nhiều dạng thức khác nhau:

– có khi là cử chỉ đụng chạm, hôn kính ảnh tượng thánh;

– có khi là lãnh nhận một biểu tượng của ân lộc thánh: xức dầu thánh;

– có khi là tham dự hy lễ thông hiệp (bữa tiệc thánh).

– có khi là diễn lại hành động của thần linh (tuồng, kịch), hoặc đồng hoá với thần linh (thần nhập, tựa như khi lên đồng).

Dĩ nhiên, người tín hữu kết hiệp với Thực tại huyền nhiệm không những chỉ qua các nghi lễ, nhưng còn qua việc cầu nguyện, như đã trình bày trong chương trước (cầu nguyện ngôn sứ / cầu nguyện thiền định).

B. Xét về thời gian

Dựa theo thời kỳ cử hành, chúng ta có thể phân biệt những lễ hội định kỳ và không định kỳ. Những lễ định kỳ được tổ chức vào những thời đã được ấn định dựa theo chu kỳ thiên nhiên hay theo một lịch của tôn giáo; đối lại là những lễ không định kỳ.

1/ Những lễ hội gắn liền với chu kỳ thiên nhiên

– Dựa theo các mùa trong năm (tứ thời bát tiết), hoặc theo vận hành tinh tú: các nghi thức vào dịp đầu tháng (sóc vọng), đầu năm, vv.

– Dựa theo sinh hoạt của cộng đồng. Chẳng hạn như đối với dân du mục: lúc bắt đầu mùa xuân, di chuyển đàn súc vật đến đồng cỏ mới. Đối với các xã hội nông nghiệp: đầu mùa, xuống đồng (tịch điền), gieo giống, thu gặt.

2/ Lễ hội dựa theo niên lịch phụng vụ, kỷ niệm một biến cố lịch sử của một siêu nhân hay của cộng đoàn: ngày sinh nhật (khánh đản) của vị lập đạo hay của nhà vua, ngày hiển linh (siêu thăng), chiến thắng, tuẫn tiết, vv. Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này khi nghiên cứu các “lễ tiết” (mục II).

3/ Ngoài những lễ nghi dựa theo niên lịch, còn có những lễ nghi dựa theo những biến cố của cuộc đời, được gọi là Lễ nghi đời người. Đó là những chặng chuyển tiếp (rites de passage) trong cuộc sống con người: sinh, trưởng thành, kết hôn, qua đời.

a) Gắn với việc sinh con là những lễ nghi dành cho song thân, cách riêng là bà mẹ. Bà phải kiêng cữ, tránh đụng chạm tiếp xúc. Sau khi đứa trẻ chào đời, nhiều nghi thức được đặt ra liên quan đến việc nhìn nhận đứa trẻ vào gia đình (thí dụ: đặt tên).

b) Những nghi thức khai tâm (rite of initiation) đánh dấu việc gia nhập vào sinh hoạt cộng đồng. Đứa trẻ (trai hay gái) được tách biệt ra khỏi gia đình làng xóm, và dẫn đến một nơi biệt lập (thí dụ rừng sâu) dưới sự hướng dẫn của một bậc lão thành. Cậu hay cô bé được truyền thụ những truyền thống của bộ tộc, cũng như được huấn luyện về nghề nghiệp, về chức năng làm vợ chồng, cha mẹ. Sau khi đã trải qua cuộc trắc nghiệm chứng tỏ sự trưởng thành, người trẻ được dẫn về làng để trình diện, và qua lễ nghi khai tâm, chàng (nàng) được thâu nhận như dân đinh. (Dựa theo tục lệ này, nhiều tôn giáo hay hội đoàn cũng ấn định một thời kỳ khai tâm cho các tân hội viên).

c) Hôn nhân (hôn lễ). Trong các xã hội hiện đại, người ta phân biệt hôn nhân tôn giáo (những lễ nghi cử hành tại nhà thờ) với hôn nhân dân sự (những nghi thức theo tập tục tại gia đình). Trong xã hội cổ truyền, thực khó phân biệt hai khía cạnh đó. Việc kết hôn kèm theo nhiều nghi thức trừ tà, tế gia tiên, vv.

d) Qua đời (tang lễ). Khi chó mèo chết thì chúng ta đào lỗ chôn chúng để tránh mùi hôi thối; nhưng khi con người chết, thì dân tộc nào cũng có những nghi lễ tang ma. Các nghi lễ này không những tri ân tưởng niệm người quá cố, nhưng còn bộc lộ niềm tin rằng hồn của họ còn sống, và cần được phụng dưỡng.

Thoạt tiên, xem ra ý nghĩa của các “lễ nghi đời người” dễ hiểu: vào những giai đoạn đánh dấu cuộc đời, con người muốn cầu khẩn thần linh hộ phù. Tuy nhiên, A. Van Gennep đã nêu bật tầm quan trọng của các lễ nghi đó dưới khía cạnh cộng đồng xã hội[2]. Các lễ nghi này gíup cho cộng đồng tái lập sự quân bình tiếp theo sự xáo trộn gây ra do một phần tử: hoặc vừa mới sinh ra, hoặc là đến tuổi trưởng thành và tham gia trực tiếp vào sinh hoạt tập thể, hoặc thiết lập gia thất, hoặc đã lìa bỏ cộng đoàn.

4/ Những lễ nghi “không định kỳ” thì không theo một lịch nhất định, nhưng tùy theo nhu cầu của cộng đoàn: lễ cầu đảo, cầu an, khi gặp hạn hán, chiến tranh. Nhu cầu cá nhân cũng có thể là cơ hội của các lễ nghi thuộc loại này (chẳng hạn như bệnh tật, quỷ ám, vv.). Sau khi thoát cơn hoạn nạn thì lại có lễ nghi tạ ơn.

C. Lễ nghi và lễ phép

Trong tiếng Hán việt, tiếng “lễ” còn được hiểu như là cử chỉ bày tỏ sự kính trọng. Theo nghĩa này, chúng ta cũng có thể kể thêm những cử chỉ diễn tả tâm tình khi tiếp xúc với Thực tại Huyền nhiệm: cúi đầu hay ngẩng đầu; nhắm mắt hay ngước mắt; xòe tay, giang tay, chắp tay; bái gối, quỳ gối, phủ phục, sấp mình xuống đất, vv. Những cử chỉ đó có thể diễn ra trong thinh lặng (chẳng hạn như thiền định) hoặc kèm theo những lời nguyện; chúng có thể tự phát hoặc được quy định.

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử tôn giáo[3], các cử chỉ khi cầu nguyện phản ánh phần nào niềm tin của họ. Những ai tin vào thần linh ngự trên trời thì đứng thẳng người, giơ tay lên trời, và đôi khi hướng mắt về trời. Đây là cử chỉ gặp thấy nơi các tín đồ Do thái mà chúng ta thể đọc trong các thánh vịnh (Tv 63,4; 88,9). Các Kitô hữu cũng lấy lại truyền thống đó, nghĩa là đứng thẳng và giang tay (xc 1Tm 2,8). Ông Tertullianô giải thích là họ bắt chước cử chỉ của Đức Kitô giang tay trên thập giá. Cử chỉ quỳ gối và phủ phục có lẽ phát nguồn từ tín ngưỡng thờ đất, ra như muốn kết hợp với Thổ thần. Về sau, nó được chuyển ý nghĩa, đó là bộc lộ thái độ khiêm tốn, hạ mình xuống đất.

Đó là giả thuyết về thời xa xưa; ngày nay do sự tiếp xúc giữa các nền văn hoá và các tôn giáo, thật khó mà phân biệt đâu là cử chỉ đặc trưng của mỗi tôn giáo. Các tín đồ thường áp dụng những cử chỉ bày tỏ lòng cung kính theo truyền thống văn hoá của mình khi đến trước các thần linh (chẳng hạn như qùy gối, phủ phục, bái sâu, vv). Việc ngước mắt, giang tay lên giả thiết niềm tin vào Đấng Tối cao ở trên đầu của mình. Việc nhắm mắt chắp tay trước ngực không những giúp chúng tập trung chú ý, nhưng còn muốn biểu lộ niềm tin rằng Thực tại Huyền nhiệm hiện diện nơi thâm tâm của mình.

Tại một vài tôn giáo, các cử chỉ cầu nguyện được quy định rành mạch chứ không tự phát. Chúng ta thử lấy một thí dụ nơi Hồi giáo. Việc cầu nguyện ban sáng kèm theo các cử chỉ sau đây (gọi là raka’at). Tín đồ đứng thẳng, hướng mặt về đền thờ Mecca:

1/ Giang thẳng tay lên dường như bịt hai tai lại (takbir), và đọc lời tuyên xưng đức tin: Allah ku akbar (Thượng đế – Allah- là Đấng Cao cả).

2/ Hai tay úp sấp trước bụng (qiràa) và đọc những chương đầu sách Coran, hoặc ít là các lời mở đầu: “Nhân danh Thiên Chúa từ bi lân tuất. Chúc tụng Thiên Chúa là Chủ tể vạn vật, Đấng từ bi đại lượng, Đấng chủ tọa cuộc chung thẩm. Chúng tôi phụng thờ Ngài, chúng tôi kêu cầu Ngài giúp đỡ, Xin dẫn dắt chúng tôi trong đường ngay nẻo chính”. Sau đó lại giang tay lên ngang vai (takbir) và đọc: “Thượng đế là Đấng Cao cả”.

3/ Cúi gập mình, hai tay chạm đầu gối (rukù) và đọc ba lần: “Ngợi khen Thượng đế là Chúa toàn năng”.

4/ Đứng thẳng (qiyyàm) và đọc: “Thiên Chúa lắng nghe kẻ chúc tụng Ngài. Lạy Chúa, xin ngợi khen Ngài”.

5/ Lại đưa tay úp vào tai (takbir) và đọc: “Thượng đế là Đấng Cao cả”.

6/ Phục lạy úp mặt xuống đất (sugiud) và đọc ba lần: “Ngợi khen Thiên Chúa là Đấng Tối cao”.

7/ Quỳ gối, thân tựa lên trên gót chân (giulùs), đọc: “Thượng đế là Đấng cao cả”.

8/ Phục lạy lần nữa (sugiud): “Ngợi khen Thiên Chúa là Đấng Tối cao”.

9/ Đứng thẳng người (qiràa), và đọc những lời cầu xin Thiên Chúa ban bình an, tha thứ.

III. Vai trò của nghi lễ

Khoa hiện tượng học tôn giáo tìm hiểu ý nghĩa và mục tiêu của các lễ nghi. Một chiều hướng khác, khởi đầu với Bronislaw Malinowski và A. R. Radcliffe-Brown[4], chú trọng tới vai trò chức năng (vai trò: function) của nó.

Nhìn dưới khía cạnh tôn giáo, mục tiêu của lễ nghi nhằm giúp con người thông hiệp với Thực tại huyền nhiệm. Con người muốn vượt qua biên cương của thời gian, của phù du, để tìm đến chân trời vĩnh cửu, bất diệt. Mối tương quan này diễn ra nơi thẳm sâu của tâm hồn, khó diễn tả thành ngôn từ. Tuy vậy, nó cũng để lại nhiều hậu quả nơi cuộc sống cá nhân và cộng đoàn, có thể tóm lại như sau:

1/ Đối với cá nhân. Sự tham dự lễ nghi (cách riêng nhờ sự tiếp xúc với Thực tại huyền nhiệm), có khả năng tái sinh và chữa trị, mang lại cho tâm hồn và thể xác sự an lành. Ngoài ra, lễ nghi cũng có giá trị giáo dục: tu tâm dưỡng tính, làm chủ dục tính đam mê.

2/ Đối với cộng đoàn. Việc cử hành lễ nghi gắn chặt mối dây liên kết giữa các phần tử trong cộng đoàn, nhờ việc gây ý thức về sự liên đới của tất cả mọi người xét về nguyên ủy hoặc sinh mạng. Các lễ nghi cũng là phương tiện để cho cộng đoàn giáo dục các phần tử, giúp họ biết cách cư xử đúng theo vị trí của mình, nhờ vậy bảo toàn được trật tự. Đó là một lý do vì sao Sách Lễ được xếp vào hàng Ngũ kinh của Khổng giáo.

3/ Nhiều dân tộc hay tôn giáo còn mở rộng thêm nhãn giới cho đến toàn thể vũ trụ. Việc cử hành lễ nghi dựa theo chu kỳ thiên nhiên nhằm đến việc bảo đảm sự vận hành điều hoà của thời tiết.

———————————–

[1] F. Heiler, Le religioni dell’umanità, Jaca Book Milano 1985, trang 188-274.

[2] A. Van Gennep, Les rites de passage, Paris 1909. V. Turner, The Ritual Process, London 1967. M. Eliade, Rites and Symbols of Initiation, New York 1965.

[3] M. Guerra, Storia delle religioni, La Scuola, Brescia 1989, p.288.

[4] B. Malinowski, A Scientific Theory of Culture and other Essays, Chapel Hill 1944. A.R. Radcliffe-Brown, Structure and Function in Primitive Society, London 1968.