Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

BIỂU LỘ CẢM NGHIỆM TÂM LINH QUA HÀNH ĐỘNG – MỤC II. LỄ TIẾT

Administrator
2019-04-05 14:24 UTC+7 26
Mục II. Lễ tiết Khi bàn về sự phân loại các lễ nghi, chúng tôi đã phân biệt những lễ nghi được cử hành định kỳ và những lễ nghi không định kỳ. Đàng sau những lễ nghi định kỳ ta có thể khám phá mối tương quan giữa thời gian với Thực tại Huyền […]

Mục II. Lễ tiết

Khi bàn về sự phân loại các lễ nghi, chúng tôi đã phân biệt những lễ nghi được cử hành định kỳ và những lễ nghi không định kỳ. Đàng sau những lễ nghi định kỳ ta có thể khám phá mối tương quan giữa thời gian với Thực tại Huyền nhiệm. Đối với các tín đồ, vài thời điểm được ghi nhận là “linh thiêng”, thuận tiện để tiếp xúc với Thực tại Huyền nhiệm, và vì thế mà các lễ nghi được tổ chức.

Thực ra, khi nói đến thời gian, chúng ta nên ghi nhận có hai thứ “thời gian”: thời gian vật lý và thời gian tâm lý. Thời gian vật lý là đơn vị đo lường sự vận chuyển của các tinh tú (chẳng hạn: ngàynăm là những đơn vị tính theo vòng mặt đất xoay chung quanh mình và chung quanh mặt trời); dưới khía cạnh này thì ngày nào năm nào cũng ngang nhau. Thời gian tâm lý thì khác: nó dài ngắn khác nhau tùy theo tâm trạng con người (chẳng hạn như tục ngữ: nhất nhật tại tù thiên niên tại ngoại: một ngày ngồi trong tù thì lâu như một ngàn năm ở bên ngoài), và nhất là thời gian mang một ý nghĩa: có ngày vui ngày buồn (thí dụ ngày sinh nhật thì khác với ngày giỗ; ngày nghỉ thì khoan khoái hơn ngày làm việc). Chính trong bối cảnh của thời gian theo nghĩa tâm lý mà ta có thể hiểu được thời gian “tâm linh”: những giây phút mang tính cách linh thiêng, những ngày mang ý nghĩa đặc biệt, xét trong mối tương quan với thế giới thần linh. Các tôn giáo dành vài thời gian đặc biệt cho các hành động tâm linh (chẳng hạn: cầu nguyện, chay tịnh, kiêng cữ, tế lễ), dựa trên chu kỳ thiên nhiên hay dựa trên những biến cố lịch sử nào đó.

I. Dựa theo chu kỳ thiên nhiên

Các lễ hội được tổ chức dựa theo chu kỳ thiên nhiên, được gán với biểu tượng của sự sinh sản, phồn thực hay chết chóc.

1/ Các dân tộc đều có lễ hội vào dịp đầu năm (nguyên đán, tân niên), tùy theo cách tính dương lịch, âm lịch (Tết nguyên đán). Đây là cơ hội để lên chùa hay đền, để cầu xin khấn vái thần linh phù hộ cho công ăn việc làm trong năm mới. Nên biết là ngày đầu năm được dân Babylon mừng lễ tạo dựng vũ trụ.

2/ Những tôn giáo thờ mặt trời quen mừng các lễ vào dịp xuân phân, hạ chí, thu phân hoặc đông chí. Như chúng ta đã biết, người Kitô giáo mừng lễ Chúa Giáng sinh thay thế cho ngày lễ đông chí của đạo Mặt trời ở Rôma.

3/ Chung quanh mặt trăng cũng có nhiều lễ, đặc biệt là vào đầu tháng (sóc) và giữa tháng (vọng), được coi như lễ nghỉ tại vài nơi, hoặc là thời để ăn chay. Tại Việt Nam, ngoài tết nguyên đán, còn có những lễ rằm tháng 7 (Vu lan báo hiếu), rằm tháng 8 (Trung thu).

Đừng kể những ngày lễ được ấn định vào một vài dịp trong năm, người Rôma cổ thời (và nhiều dân tộc khác) còn dâng kính mỗi ngày cho một tinh tú được coi như thần, mà vết tích còn để lại nơi tên gọi hiện nay ở tiếng Pháp (Tây ban nha, Italia): Lundi (Lunae dies: mặt trăng), Mardi (Martis dies: thần Mars, hoả tinh), Mercredi (Mercurii dies: thần Mercuriô, Thủy tinh), Jeudi (Jovis dies: thần Jupiter, Mộc tinh), Vendredi (Veneris dies: thần Venus, Kim tinh), Samedi (Saturnii dies: thần Saturnô, Thổ tinh); trước đó, ngày chúa nhật được gọi là ngày mặt trời (dies Solis), còn được duy trì trong tiếng Anh (Sunday) và tiếng Đức (Sonntag).

Ngoài ra, cũng không nên quên tập tục của nhiều nơi tin rằng có những ngày “tốt” (hên, lành) và những ngày “xấu” (xui, dữ), dựa theo mối liên lạc với thần lành hay quỷ dữ, hoặc với tinh tú. Các Kitô hữu mới trở lại đạo cũng còn duy trì tập tục đó, khiến thánh Phaolô đã khiển trách nhiều lần (Rom 14,5; Gl 4,5; Cl 2,16-20).

II. Dựa theo biến cố lịch sử

Các lễ được tổ chức để kỷ niệm một biến cố đặc biệt liên quan đến lịch sử của tôn giáo. Thường các lễ này được mừng hằng năm, nhưng cũng có thể được mừng theo quãng cách dài hơn (hai, ba, mười năm, vv.). Nên biết là xét về nguồn gốc, rất có thể là một lễ đã trước đây được tổ chức dựa theo chu kỳ thiên nhiên, nhưng sau đó được gắn thêm một ý nghĩa mới. Một thí dụ cụ thể là tại Việt Nam, có lẽ vào ngày rằm tháng 7 và rằm tháng 8 lúc đầu chỉ là những lễ hội thường lệ vào dịp trăng tròn, nhưng sau đó được truyền thống dân gian gắn thêm ý nghĩa “xá tội vong nhân” hoặc “sự tích chú Cuội”.

Chúng ta hãy điểm qua những lễ chính của vài tôn giáo hoàn cầu.

1/ Phật giáo. Lễ Phật đản ngày rằm tháng 4 âm lịch (vesaka vừa mừng ngày sinh, ngày “thành Phật” cũng như ngày nhập niết bàn của Đức Thích ca Mâu ni). Có nơi khác mừng Phật đản vào mồng 8 tháng 4 và ngày Đức Phật vào Niết bàn vào ngày 15 tháng 4. Ngoài ra, các Phật tử giữ chay vào ngày đầu tháng và ngày rằm. Hàng năm các tăng sĩ trải qua một thời gian ba tháng ở yên để chuyên tu học, gọi là thời “an cư” (hay kết hạ).

2/ Do thái. Lễ quan trọng nhất là Vượt qua (Pesach), kỷ niệm cuộc xuất hành ra khỏi đất Ai cập, đánh dấu sự chấm dứt cảnh nô lệ. Bảy tuần lễ sau đó là lễ Ngũ tuần (Hag Shavuôt) kỷ niệm giao ước trên núi Sinai. Lễ Lều (Hag ha-Sukkôt) mừng vào tháng 9 gợi lại thời kỳ tạm trú trước khi vào đất hứa. Theo các sử gia, ba lễ này bắt đầu từ lễ mùa xuân của dân du mục, lễ gặt hái vào mùa hè và mùa thu của các nông dân, rồi sau đó được gán một ý nghĩa gắn liền với lịch sử cứu độ. Các lễ khác: lễ ánh sáng (hannukkah) kỷ niệm việc thanh tẩy đền thờ sau cuộc khởi nghĩa của ông Giuđa Macabêo; lễ xá tội (Yom Kippur) mang tính cách sám hối, được cử hành vào dịp đầu năm theo lịch Do thái (thường vào khoảng tháng 9-10 dương lịch). Nên biết là người Do thái cũng mừng lễ Tân niên (Rosh hashanah). Hàng tuần, ngày shabbat “hưu lễ” được dành vào việc cầu nguyện (Xc Xh 20,8-10; Đnl 5,12-15).

3/ Kitô giáo. Biến cố quan trọng nhất là cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, được mừng hàng năm trùng với lễ Vượt qua của người Do thái tuy với một ý nghĩa mới. Biến cố Phục sinh cũng được cử hành hàng tuần vào ngày thứ nhất được gọi là “ngày của Chúa” (Dies Domini: Chúa nhật) kế sau ngày shabbat của người Do thái). Với dòng thời gian, con số các lễ tăng lên, lấp đầy cả “năm phụng vụ”. Như đã nói trên đây, lễ Chúa Giáng sinh được mừng từ thế kỷ thứ IV tại Rôma thay thế cho lễ kính Mặt trời cử hành vào dịp đông chí. Ngoài ra còn những dịp lễ khác kính nhớ các mầu nhiệm của Đức Kitô. Nhiều tín hữu dành ngày thứ sáu hàng tuần vào việc khổ chế để kính nhớ cuộc Tử nạn của Đức Kitô.

4/ Hồi giáo. Hai đại lễ hàng năm là lễ Hy sinh (‘id al adha) tưởng niệm việc tổ phụ Abraham hy tế con trai (Ismael chứ không phải Isaac); và lễ Khai trương (‘id al fitr) sau khi mãn tháng chay (ramadan)Lễ ban sách Coran. Hàng tuần, ngày thứ sáu được coi là lễ, và các tín đồ tụ họp nhau để tuyên xưng đức tin.

Kết luận

Như đã nói ở đầu, thời gian vật lý thì khác, còn thời gian tâm lý thì khác. Thời gian tâm lý hàm chứa một ý nghĩa gắn liền với tâm trạng vui buồn, những kỷ niệm của cá nhân hay cộng đồng. Trong bối cảnh đó, thời gian cũng được nhìn trong mối tương quan với Thực tại huyền nhiệm, thậm chí có nơi gán cho thời gian tính cách tuyệt đối nữa. Thực vậy, khoa tôn giáo đối chiếu nói đến hai lối hình dung thời gian: cái nhìn vòng tròn (circular, hoặc cyclical: chu kỳ) và cái nhìn đường thẳng (linear).

1/ Theo cái nhìn vòng tròn, thời gian xoay vần tựa như bốn mùa trong năm (xuân hạ thu đông). Con người cũng không thoát ra khỏi định luật đó: ai ai cũng trải qua cái kiếp sinh, bệnh, lão tử. Và chết rồi lại đầu lại sang kiếp khác, bắt đầu một chu kỳ mới. Vũ trụ cũng bị chi phối bởi chu kỳ này, tuy nó không phải chỉ kéo dài 4 mùa trong năm nhưng có thể cả ngàn vạn năm.

Trong viễn ảnh này, thời gian (hiểu theo nghĩa là chu kỳ xoay vần, hoặc vòng luân hồi) ra như có sức huyền vi, bao trùm vạn vật. Nói cách khác, thời gian mang tính cách tuyệt đối, coi như là Thực tại huyền nhiệm.

2/ Theo cái nhìn đường thẳng, thời gian có khởi đầu và có lúc kết thúc. Điều này giả thiết rằng thời gian không phải là cái gì tuyệt đối, nhưng nó chỉ là thụ tạo, bởi vì nó lệ thuộc vào Thiên Chúa. Thiên Chúa là chủ tể thời gian. Thời gian không xoay vần tự động, nhưng chất đầy những biến cố nặng tính cách lịch sử.

Hai quan điểm đó giải thích phần nào hai tiêu chuẩn ấn định các ngày thánh (cử hành lễ nghi): dựa theo chu kỳ thiên nhiên hay dựa theo biến cố lịch sử. Tuy nhiên như đã thấy trên đây, hai tiêu chuẩn đó thường trà trộn với nhau. Một đàng, các lễ mừng biến cố lịch sử cũng được mừng hàng năm chứ không phải một lần trong đời; đàng khác, nhiều lễ mừng biến cố lịch sử bắt nguồn từ một lễ theo chu kỳ thiên nhiên rồi sau đó được gắn thêm một ý nghĩa mới liên quan đến lịch sử cứu độ.

Dù sao, tác giả sách Huấn ca (33,7-9) đã cho thấy hai lập trường khác nhau giữa các tín hữu về ý nghĩa các ngày lễ, và bên nào cũng có lý. Một bên nói rằng ngày nào cũng như ngày nào, bởi vì ngày nào cũng thuộc về Chúa. Bên kia thì cũng chấp nhận như vậy nhưng muốn thêm rằng chính Chúa đã ấn định một vài ngày hoặc vài thời tiết để thánh hoá chúng, tô điểm cho thêm đẹp.

Sau cùng, chúng ta cũng đừng quên rằng khi tham dự vào các lễ nghi tôn giáo, con người ra như muốn vượt ra khỏi giới hạn của thời gian, để kết hiệp với Thực tại huyền nhiệm vĩnh cửu.

Mục III. Linh địa

Các lễ nghi tôn giáo được cử hành tại những địa điểm dành riêng cho việc thờ tự, tạm gọi là “linh địa”. Dĩ nhiên là có những quan niệm khác nhau về linh địa tùy theo tập tục của mỗi nền văn hoá và tôn giáo. Có khi một địa điểm được coi là “linh địa” bởi vì gắn với sự xuất hiện của chính Thực tại huyền nhiệm; có khi địa điểm đó được chỉ định như biểu tượng của một khoảng không gian tách rời khỏi chốn phàm tục.

I. Những nơi thánh

Có thể xếp các nơi thánh dựa theo nhiều tiêu chuẩn: từ những chốn lộ thiên cho đến những ngôi nhà che mái; từ những am miếu dựng bên đường cho đến những thánh điện nguy nga; từ những bàn thờ đặt ở tư gia cho đến những trung tâm hành hương chiếm diện tích đất đai rộng lớn.

A. Khoảng đất lộ thiên

Con người cảm nghiệm sự hiện diện Thực tại huyền nhiệm qua các hiện tượng thiên nhiên (tảng đá, dòng sông, cây cổ thụ, vv). Những chốn đó được coi như chốn hẹn hò: thần linh xuất hiện ở đâu thì ta tìm đến đó để gặp gỡ. Đó là chưa nói đến những cảnh thiên nhiên hùng vĩ dễ nâng tâm hồn đến cõi siêu việt: núi cao, rừng sâu.

B. Từ bia đá tới điện thờ

Dần dần những địa điểm gắn liền với sự xuất hiện của Thực tại huyền nhiệm được đánh mốc với những bia đá. Tiến thêm bước nữa là những am miếu, điện thờ, vv

Vào thời cổ xưa, nhiều thánh điện của đạo Do thái được gắn liền với một nơi mà Chúa hiện ra với các tổ phụ: Sikhem (St 12,6-7; 33,18-20), Bethel (St 12,8; 28,10-22), Mambrê (St 13,18; 18,14; 35,27), Bersêba (St 21,22-31).

Đừng kể những địa điểm gắn liền với sự xuất hiện các thần linh, các nơi chôn cất người chết cũng được coi là “đất thánh”, bất khả xâm phạm. Các am miếu cũng được cất để kính nhớ hương hồn người đã qua đời, được phát triển thành nghĩa trang hoặc các lăng tẩm.

C. Di tích lịch sử

Dĩ nhiên các tôn giáo lịch sử cũng coi là linh địa những nơi gắn liền với cuộc đời của Đấng Khai đạo hay của một nhân vật quan trọng của tôn giáo. Chẳng hạn như đối với người Kitô giáo, quê hương của đức Giêsu được coi là Thánh địa, đặc biệt là nơi mà Người sinh ra (Belem) và nơi tử nạn (Golgota). Một cách tương tự như vậy, thánh địa của các tín đồ Hồi giáo là La Mecca, nơi mà đức Mahomet qua đời năm 632. Việc hành hương về La Mecca (tối thiểu một lần trong đời) là một trong những bổn phận chính yếu của các tín đồ đến tuổi trưởng thành, bất luận nam nữ.

D. Nghệ thuật kiến trúc

Tại linh địa, nhiều điện thờ được dựng lên, dĩ nhiên là chịu ảnh hưởng không nhỏ của văn hoá địa phương. Tuy nhiên cũng có thể khẳng định ngược lại: các điện thờ, đền chùa là những công trình văn hoá vào bậc nhất của một dân tộc. Thử hỏi: giả như loại bỏ đền Đế thiên đế thích, các tháp Chàm, các chùa Thái và Miến, thì không hiểu còn gì đáng kể của nền văn minh Angkor, Champa, Mianmar nữa không?

Mặt khác, nếu linh địa được tách rời khỏi nơi tục trần, thì các điện thờ cũng mang một hình thù khác với những kiến trúc khác. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ các nhà thờ Kitô giáo được cất vào hồi thế kỷ IV dưới sự bảo trợ của hoàng đế Constantinô. Các thánh đường được đặt tên là basilica (dịch là vương cung thánh đường) lấy khuôn mẫu từ các pháp đình, nơi hội họp. Tuy nhiên, vài chi tiết đã được thích nghi nhằm nêu bật sự khác biệt giữa một thánh đường với một hội trường, chẳng hạn như bàn thờ, toà giảng, đó là chưa nói đến các bức tranh họa trang trí trên trần và dọc theo các bức tường để giúp cho các tín hữu dễ nâng lòng lên tới cõi siêu việt.

Một vài thánh đường Kitô giáo được cất trên một di tích thánh (thí dụ bên thánh địa, hoặc trên mồ các thánh tử đạo); tuy nhiên, đa số các thánh đường được cất tại các giáo xứ không gắn liền với một linh địa nào hết. Địa điểm được chọn vì lý do thực dụng mà thôi. Ngoài ra, cũng nên biết là trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, người ta rất chú trọng đến việc chọn hướng khi cất thánh đường, làm sao cho để các tín hữu có thể quay mặt về hướng Đông khi cầu nguyện. Vài giáo phụ giải thích việc quay mặt về hướng Đông là hướng về Đức Kitô, mặt trời công chính, bừng lên ánh sáng hy vọng nhờ cuộc Phục sinh. Tuy nhiên, xem ra việc hướng về mặt trời khi cầu nguyện là một tập tục khá phổ biến nơi nhiều dân tộc. Nên biết là các tín đồ Hồi giáo thì quay mặt về La Mecca khi cầu nguyện.

II. Những quan điểm khác nhau về nơi thánh

Mặc dù tôn giáo nào cũng có những nơi thánh, những địa điểm ghi dấu sự xuất hiện của thần linh, hoặc ít là địa điểm dành cho việc cử hành lễ nghi, nhưng không phải mọi tôn giáo đều đánh giá tầm quan trọng các nơi đó như nhau: từ giá trị tuyệt đối sang giá trị tương đối cho đến mức bài trừ.

1/ Nơi nhiều tôn giáo cổ truyền, các đền thờ được coi như cung điện nơi mà các thần linh ngự trị. Vì thế người ta không tiếc công tiếc của trong việc xây cất các đền thờ nguy nga (trong đó tính cách phô trương hào nhoáng góp phần không nhỏ).

2/ Nơi đạo Do thái, ta có thể ghi nhận một quan điểm khác. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất, chủ tể của vũ trụ. Vì thế Ngài không thể nào bị “nhốt” trong một đền thờ, dù có nguy nga đến mấy đi nữa. Thánh điện được cất lên vì con người chứ không phải vì Thiên Chúa. Đền thờ tạo ra một khung cảnh giúp con người dễ cầu nguyện, nhất là các buổi cầu nguyện chung. Đó là tư tưởng mà vua Salomon đã biểu lộ vào dịp cung hiến đền thờ Giêrusalem (1V 8,23.27). Trong lịch sử đạo Do thái, không thiếu lần các ngôn sứ lên tiếng chỉ trích việc tôn sùng đền thờ, và họ cảnh cáo rằng Thiên Chúa có thể rời bỏ đền thờ (Gêrêmia chương 7; Edêkiel 10,18).

3/ Với Kitô giáo, ta có thể ghi nhận thêm bước nữa. Đức Giêsu tự xưng là đền thờ của Thiên Chúa: chính bản thân Ngài là đền thờ của Thiên Chúa (Ga 1,14; 2,19-21). Dựa theo tư tưởng đó, thánh Phaolô viết rằng chính các tín hữu là đền thờ của Thiên Chúa (1 Cr 6,10-17; Ep 2,22). Điều này có thể hiểu về cả cộng đoàn các tín hữu, biểu hiệu của những viên đá sống động làm nên đền thờ Thiên Chúa (1Pr 2,5) vừa có thể hiểu về bản thân của mỗi người Kitô hữu (1 Cr 3,16-17). Theo Phúc âm thánh Gioan, nếu ai yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ luật Ngài, thì người đó ở lại trong Thiên Chúa; hơn thế nữa chính Thiên Chúa đến ngự ở trong họ (Ga 14,23).

Thiết tưởng nên nhớ là trong gần suốt ba thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu không nghĩ đến việc xây cất đền thờ riêng. Trọng tâm được đặt nơi cộng đoàn các tín hữu: cộng đoàn tụ họp cầu nguyện ở đâu thì đấy là “giáo hội” (ecclesia), dù là chốn lộ thiên hay tại tư gia (Rm 16,5; 1Cr 16,19). Về sau, khi những thánh đường được cất lên thì chúng cũng mang tên là “giáo hội” (ecclesia, église, church), nghĩa là nơi tụ họp cộng đồng tín hữu. (Trong tiếng Việt dịch là “nhà thờ” thì không đúng).

4/ Thực ra không những Kitô giáo mà kể cả vài luồng huyền đạo (gặp thấy nơi nhiều tôn giáo khác nhau) đã nhấn mạnh đến “đạo nội tâm”: ta hãy trở về với đáy nội tâm thì mới mong gặp gỡ và kết hiệp với Thực tại huyền nhiệm. Những lễ nghi bên ngoài hoặc những thánh điện đồ sộ có nguy cơ chỉ tạo ra một thứ đạo đức hời hợt, vụ hình thức.

5/ Dù sao các quan điểm vừa rồi không tất nhiên loại trừ nhau, nhưng cần được bổ sung cho nhau. Tuy rằng cốt yếu của tín ngưỡng là đạo tại tâm, nhưng các địa điểm tụ họp để cử hành lễ hội không hẳn là vô dụng. Đừng kể việc cộng đồng tăng thêm vẻ uy nghiêm long trọng cho buổi lễ, những khung cảnh thiên nhiên hoặc nghệ thuật của các thánh điện cũng giúp tâm hồn dễ cầu nguyện. Như đã thấy trên đây, thánh điện còn có thể hiểu cả theo nghĩa tinh thần: cộng đồng các tín hữu là một thánh điện; mỗi tín hữu là một đền thờ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể nói một cách tương tự về việc hành hương. Đành rằng vào hồi nguyên thủy, việc hành hương gắn sự hiện diện của thần linh với một địa điểm nhất định; vì thế cần phải đến nơi đó thì mới có thể tiếp xúc với thần linh được. Tuy vậy, cho dù khi chuyển qua niềm tin vào Thiên Chúa hiện diện khắp nơi chứ bị không đóng khung vào nơi nào, thì khái niệm “hành hương” vẫn còn được sử dụng với một ý nghĩa được thanh luyện: trót cả cuộc sống của con người là một cuộc hành hương (lữ hành) về với Chúa, về quê trời (Pl 3,20), về thành đô thiên quốc (Dt 12,22). Tôn giáo đã chẳng được ví như “đạo”, nghĩa là con đường dẫn đến hạnh phúc đấy ư?

Theo sách Khải huyền, mai sau trên thiên quốc sẽ không còn đền thờ nữa, bởi vì các tín hữu sẽ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền: họ hiện diện trước mặt Chúa và Chúa ở với họ (Kh 21,22).

Mục IV. Ảnh tượng

Các nơi thờ tự thường được trang trí với những ảnh tượng tôn giáo. Các ảnh tượng cũng không thể thiếu khi cử hành các lễ nghi tôn giáo. Cũng như các đền thờ, những ảnh tượng vừa chịu ảnh hưởng của môi trường văn hoá nhưng đồng thời cũng là những kho tàng văn hoá mỹ thuật của dân tộc.

I. Những hình thức hình dung các thần linh

Việc hình dung các thần linh không phải là chuyện đơn giản. Nếu là các “nhân thần”, nghĩa là những con người lịch sử (tổ tiên của gia đình, các vị anh hùng của dân tộc) thì việc vẽ hình tạc tượng tương đối còn dễ; còn các vị thần vô hình thì làm thế nào để hình dung được?

Một cách khái quát, có thể nói được là các nền văn minh nguyên thủy diễn tả các thần linh qua các biểu tượng, chẳng hạn như những hòn đá, những cột trụ. Dần dần các viên đá hoặc khúc cây được đẽo gọt thành những bức tượng mang hình người. Dĩ nhiên, với sự tiến triển của mỹ thuật, thì việc vẽ ảnh đúc tượng cũng được hoàn bị hơn.

Các ảnh tượng mang hai chức năng chính: một đàng, chúng tượng trưng cho nhân vật được tôn kính; đàng khác, đôi khi chúng cũng chứa đựng một sức mạnh huyền bí, ra như thần linh đã nhập vào ảnh tượng. Từ đó, trong việc tôn kính ảnh tượng, ta cũng có thể nhận thấy hai động lực khác nhau.

1/ Ảnh tượng được tôn kính vì tính cách tượng trưng của nó, ra như nó là “đại diện” cho nhân vật. Điều này cũng có thể áp dụng cho các bức ảnh của các lãnh tụ được treo tại các công sở. (Đối lại là việc giật đổ, hạ bệ các bức tượng, dày đạp hình ảnh kẻ thù để biểu lộ sự phản đối, căm thù).

2/ Ảnh tượng được tôn kính vì tính cách linh thiêng của nó, ra như chúng chứa đựng cái gì linh thiêng. Các tín đồ đến khấn vái, cắm hoa, dâng hương đốt nến trước bức tượng ảnh, thậm chí còn cung cấp lương thực, y phục trang sức cho bức tượng nữa. Trong bối cảnh như vậy, ta dễ hiểu có những phản ứng chống lại việc thờ ngẫu tượng (idolatria), dưới nhiều cấp độ.

II. Việc bài trừ ảnh tượng

Ở đây, chúng tôi không nói đến việc đập phá ảnh tượng của các tôn giáo khác dưới danh nghĩa bài trừ tà thần mê tín, nhưng chỉ giới hạn vào những khuynh hướng đả kích ảnh tượng ngay trong nội bộ của tôn giáo mình, với nhiều lý do khác nhau.

1/ Một lý do xem ra đơn giản hơn cả là tại vì các ảnh tượng không thể nào hình dung trung thực chân dung của Thực tại huyền nhiệm. Nói cách khác, các ảnh tượng là những bức chân dung giả dối. Giả như nếu muốn hình dung Thực tại huyền nhiệm thì chỉ có thể sử dụng những biểu tượng mà thôi. Thiết tưởng đó là lý do vì sao nhiều tôn giáo thích dùng biểu tượng, chẳng hạn như: Mặt trời, tia sáng, con mắt để chỉ Thượng đế; hoặc chữ Vạn, bánh xe luân hồi, hoa sen trong Phật giáo; Thập giá, Tam giác trong Kitô giáo, vv. Có lẽ cũng trong viễn ảnh đó mà nhiều tôn giáo hình dung các thần linh với những hình tượng quái gở (đầu người mình vật; hoặc hai ba đầu, bảy sừng, vv), nhằm nêu bật tính cách siêu việt của các thần linh.

2/ Một khuynh hướng khác cảnh giác sự sai lầm của việc thờ kính ảnh tượng: Cần phải tôn kính ảnh tượng theo nghĩa là chúng tượng trưng cho nhân vật được tôn kính, chứ không phải vì chúng chứa đựng cái gì huyền bí bên trong.

3/ Hai khuynh hướng vừa nói không tuyệt đối loại bỏ ảnh tượng hoặc việc tôn kính ảnh tượng, nhưng chỉ muốn duy trì việc tôn kính ảnh tượng trong tầm mức hợp lý. Một khuynh hướng nghiêm khắc hơn, cấm luôn cả việc đúc ảnh tượng. Chúng ta có thể đan cử ba trường hợp của đạo Do thái, đạo Hồi, và đạo Kitô.

a) Đạo Do thái

Ngoài những đoạn văn chế diễu các ngẫu tượng của các tôn giáo khác (chẳng hạn như Is 44,10; Hs 4,17), chúng ta thấy một mệnh lệnh ngăn cấm tạc tượng kể cả tượng Chúa: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như ở dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4; Lv 26,1; Đnl 27,15). Tuy nhiên, ngay từ đầu sách Sáng thế, chúng ta đọc thấy rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người “theo hình ảnh” của Ngài (St 1,26). Phải chăng tác giả Sách thánh muốn các tín đồ chú ý hơn tới việc tôn trọng đồng bào của mình, những hình ảnh sống động của Thiên Chúa, hơn là đốt hương cúng tế các tượng đá?

b) Đạo Hồi giáo.

Cũng như đạo Do thái, Hồi giáo tuyệt đối ngăn cấm việc trưng bày ảnh tượng (dù là ảnh của Chúa hay của các ngôn sứ). Khi Hồi giáo được truyền bá sang Ấn độ, nhiều nhà cải cách tôn giáo tại đây cũng lên tiếng bài trừ các ảnh tượng, thí dụ như các ông Kabir, ông Nanak và phái Sikh.

c) Đạo Kitô.

Trong những thế kỷ đầu tiên, do ảnh hưởng của truyền thống đạo Do thái, các Kitô hữu tỏ ra dè dặt với việc trưng bày ảnh tượng, tuy rằng Tân ước đã gọi đức Giêsu là “hình ảnh Thiên Chúa” (Hb 1,3). Dần dần các ảnh tượng được du nhập do ảnh hưởng của các đan sĩ Đông phương, và được nhiều giáo phụ (Basiliô, Gioan Đamascô) bênh vực. Sau khi vùng Cận đông bị Hồi giáo xâm chiếm, phong trào bài trừ ảnh tượng được phát động, đạt tới cao điểm vào năm 730, khi hoàng đế Lêô Isauricô ra lệnh loại bỏ hết các ảnh tượng khỏi thánh đường. Từ đó mở đầu cuộc tranh đấu giữa hai phe bênh và chống việc trưng bày ảnh tượng (iconoclasmus), kéo dài cho tới công đồng Nixêa II năm 787. Công đồng này cho phép vẽ ảnh tượng bởi vì nhờ mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa vô hình đã mang khuôn mặt hữu hình nơi Đức Kitô. Tuy nhiên cần phải phân biệt giữa sự thờ lạy dành cho Thiên Chúa, và sự tôn kính dành cho các ảnh tượng. Dù sao, nguy cơ thờ ngẫu tượng luôn đe dọa các tín hữu, một đàng do những động lực vô thức của tín ngưỡng dân gian, đàng khác vì tục truyền kể lại những lần Chúa hiện ra từ một bức tượng (chẳng hạn như Chúa Kitô hiện ra với thánh Phanxicô từ tượng thập giá).

Trước khi kết thúc, thiết tưởng nên nói đôi lời về Phật giáo. Các đền thờ Phật giáo dung nạp rất nhiều bức tượng hình dung những chặng đời khác nhau của Đức Thích ca Mâu ni. Việc tôn kính ảnh tượng được mặc nhiên chấp nhận. Tuy vậy, trường phái Zen không ngại đòi hỏi môn sinh phỉ nhổ vào ảnh đức Phật, bởi vì muốn cho thấy sự cách biệt giữa ảnh tượng với bản thân của đức Phật.

Ngoài các ảnh tượng hình dung các thần linh, các tôn giáo còn ghi nhận việc tôn kính các di tích thánh (thí dụ hài cốt của các thánh nhân). Ngoài ra, đối với Kitô giáo, còn có các bí tích (các đồ vật thánh được coi là biểu tượng ban ơn thánh). Đến đây chúng ta bước sang một lãnh vực khác, thuộc niềm tin của các tôn giáo.