CONTEMPLATIO: CÁC Ý NGHĨA XƯA VÀ NAY
Phan Tấn Thành
Thuật ngữ contemplatio thì quen thuộc hơn đã bị biến báo không những khi dịch sang tiếng Việt mà còn vì được sử dụng vào những phạm vi khác nhau. Vì thế chúng tôi tạm thời giữ lại nguyên ngữ Latinh (contemplatio, contemplari, contemplativus). Trước hết, chúng ta nên ghi nhận những bối cảnh sử dụng từ ngữ; sau đó, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của nó trong Kinh thánh, truyền thống giáo phụ và thần học.
Trong các sách báo Công giáo tiếng Việt, “chiêm niệm” được dùng để dịch contemplatio trong tiếng Latinh (và các ngôn ngữ gốc từ đó: Pháp, Anh, Tây-ban-nha, Ý, vv). Nhưng có lẽ ít người đặt câu hỏi: “chiêm niệm” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là gì?[1] Mặt khác, contemplatio trong tiếng Latinh có thể được dịch ra tiếng Việt bằng nhiều từ tương đương: chiêm ngắm, quan chiêm, chiêm ngưỡng, nhìn ngắm, quán định, thiền định.
I. Việc sử dụng từ ngữ
Danh từ contemplatio được dùng trong nhiều bối cảnh khác nhau. Chúng ta ôn lại những hoàn cảnh ấy, trước khi bước vào khung cảnh thần học Kitô giáo.
1/ Trong văn chương
Danh từ contemplatio được sử dụng trong ba lãnh vực khác nhau.
a) Mỹ thuật: chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một bức tranh, một quang cảnh thiên nhiên. Sự chiêm ngưỡng là một thái độ trầm trồ thán phục, để lại một thứ an bình trong tâm hồn.
b) Triết học: trầm tư ngẫm nghĩ một chân lý trừu tượng hay hiện sinh (chẳng hạn: Hữu; Nhất; nguồn gốc vạn vật; Ý nghĩa cuộc đời; Thiện - Ác). Khác với sự suy diễn sử dụng nhiều lý luận, sự chiêm ngắm mang tính cách trực giác, đơn giản (simplex intuitus veritatis)
c) Tôn giáo: chiêm ngưỡng Thiên Chúa hoặc các thực tại siêu việt (chẳng hạn như thiền định trong các tôn giáo Ấn độ).
2/ Trong thần học Kitô giáo
Ngay trong thần học Kitô giáo, contemplatio cũng có thể hiểu về ba thực tại: một cung cách, một hình thức cầu nguyện, một nếp sống.
a) Chiêm ngưỡng như là một cung cách (thái độ, trạng thái). Điều này được áp dụng cho các phúc nhân trên trời: họ được chiêm ngưỡng nhan Chúa. Tuy vậy, khi còn sống ở trần thế này, chúng ta cũng có thể thông dự phần nào vào trạng thái đó, nhờ thái độ hồi tâm để tiếp xúc với Thiên Chúa, nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.
b) Chiêm ngưỡng như là một hình thức cầu nguyện.
- (i) Các đan sĩ từ thời Trung cổ đã mô tả diễn tiến của buổi cầu nguyện (lectio divina) thành 4 hồi: lectio, meditatio, oratio, contemplatio. Việc chiêm ngưỡng được coi như kết thúc thường tình của buổi cầu nguyện, khi ta được vui hưởng sự dịu ngọt vì được biết Chúa và mến Chúa.
- (ii) Vào thời cận đại, contemplatio được hiểu như trình độ cao cấp của đời sống cầu nguyện (oratio contemplativa). Các tín hữu bình thường chỉ biết đọc kinh (khẩu nguyện: oratio vocalis); lên cao hơn một bậc, các tu sĩ được khuyến khích thực hành tâm nguyện (suy gẫm: meditatio); sự chiêm niệm là một ân huệ Chúa ban cho một số ít người (vì thế được gọi là “thiên phú”: contemplatio infusa).
c) Chiêm niệm như là một nếp sống: đời sống chiêm niệm (vita contemplativa), thường được hiểu như là đối chọi với đời sống hoạt động (vita activa).
3/ Contemplatio và Theoria
Trong tiếng Latinh, contemplatio nguồn gốc bởi contemplum ghép bởi cum (cùng với) và templum (đền thờ). Có người giải thích là tiền đình của đền thờ, nơi mà các tư tế quan sát thiên nhiên để khám phá ý trời. Từ đó, động từ contemplari có nghĩa là nhìn xa trông kỹ; quan sát ngắm nhìn cách mê say.
Danh từ tương đương trong tiếng Hy-lạp là theoria, theo nguyên ngữ cũng có nghĩa là “nhìn ngắm, ngắm nghía”[2], và có thể áp dụng cho việc nhìn ngắm một quang cảnh thiên nhiên hoặc một nghệ phẩm. Việc nhìn ngắm này không chỉ dừng ở cấp giác quan, nhưng còn kèm theo sự suy tư của lý trí. Vì thế không lạ gì mà theoria cũng được hiểu là “lý thuyết”, đòi hỏi một sự nghiên cứu cặm cụi. Đối tượng của theoria là sự thật (chân lý) hoặc vẻ đẹp. Nên biết là danh từ thường được hiểu là “lý thuyết”, nhưng trong văn hóa Hy lạp cổ điển nó không chỉ có nghĩa là lý thuyết mà còn bao hàm tất cả mọi sinh hoạt tinh thần. Đây là công tác chuyện biệt của các triết gia (và giới trí thức nói chung), đối lại với praxis là hoạt động tay chân của giới thợ thuyền.
Các sư phụ Kitô giáo chuyển ý nghĩa danh từ sang một hướng khác, khi họ giải thích tán tự theoria ghép bởi hai từ “Theon và oran”, nghĩa là nhìn ngắm Thiên Chúa. Như vậy, nơi các đan sĩ Đông phương, ý nghĩa của từ theoria được thu hẹp lại: nó không ám chỉ bất cứ sự nhìn ngắm nào, nhưng chỉ còn tập trung vào Thiên Chúa mà thôi: chiêm ngưỡng nhan Chúa cũng như nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong vạn vật. Việc chiêm ngắm Thiên Chúa theoria cũng đồng nghĩa với cầu nguyện ở cấp độ cao nhất, tức là theologia: nói với Chúa hoặc nói về Chúa.
Tóm lại, theoria cũng như contemplatio hàm ngụ một cái nhìn, hoặc bằng giác quan hoặc bằng tâm trí. Nó hàm ngụ sự hiểu biết cũng như mộ mến.
II. Kinh Thánh
Có người đã nhận xét rằng trong Tin mừng, danh từ theoria chỉ xuất hiện một lần khi nói đến những người “chứng kiến” quang cảnh Đức Giêsu chịu chết trên thập giá (Lc 23,48). Phải chăng điều này có nghĩa là sự “chiêm niệm” không phải là một chủ đề quan trọng của Kitô giáo? Phải chăng Kinh thánh thúc giục chúng ta hãy “lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” hơn là “chiêm niệm”? Phải chăng văn hóa Do thái đặt nặng việc “lắng nghe”, đang khi văn hóa Hy lạp thích “ngắm nhìn”?
Để trả lời cho các câu hỏi đó, thiết tưởng nên phân biệt như thế này: tuy rằng danh từ “theoria” chỉ xuất hiện một lần trong Tin mừng, nhưng các từ ngữ tương đương thì được dùng rất nhiều lần, chẳng hạn như: “nhìn thấy Chúa”, “biết Chúa”. Trong Cựu ước, cách riêng là trong các thánh vịnh, chúng ta gặp nhiều lần các lời bày tỏ việc “đi tìm kiếm nhan Chúa”, hoặc ước nguyện “xin Chúa tỏ nhan thánh Ngài chứ đừng ẩn mặt” (xc. Tv 27,8-9; 42,2-3). Điều này còn được tiếp tục trong Tân ước: “Phúc cho ai có con tim trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8); “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được thấy mặt giáp mặt” (1Cr 13,12). Thánh Phaolô cũng nhiều lần cầu chúc cho các tín hữu được “biết” Thiên Chúa, một thứ hiểu biết cảm nghiệm chứ không chỉ trên lý thuyết (Cl 1,9; Ep 1,16-17). Phúc âm thứ tư dùng rất nhiều lần động từ “thấy” kèm theo với “tin”, “biết”, “yêu”[3]. Khi tông đồ Philipphê xin Chúa Giêsu tỏ Chúa Cha, thì Người đáp: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Người cũng tuyên bố rằng: “Sự sống vĩnh cửu hệ tại biết Cha là Thiên Chúa thật, và biết Đấng mà Cha đã sai đến là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Theo từ ngữ Kinh thánh, biết (tiếng Hipri là jada) là sự hiểu biết do kết quả của tình yêu mến, kết nghĩa giao duyên với ai đó, tựa như “quen biết” ở trong tiếng Việt.
Dù nói thế nào đi nữa, việc “biết” Chúa không phải là kết quả của việc truy tầm về phía con người, nhưng là do Thiên Chúa tự mặc khải qua Đức Kitô (Ga 1,18). Không ai có thể đến cùng Chúa Cha mà không qua Đức Kitô (xc. Ga 14,8-12). Đàng khác, việc “biết” Chúa không thể nào tách rời khỏi việc “mến” Chúa (1Ga 2,3-6).
III. Truyền thống
Xét theo lịch sử Kitô giáo, danh từ theoria trở thành thông dụng trong các văn phẩm kể từ ông Clementê Alexandria (+215) và Origene (+254). Sống trong văn hoá Hy lạp, nơi mà theoria được coi như hoạt động cao cấp của con người, xem hai ông muốn chứng tỏ rằng Kitô giáo cũng chẳng thua kém gì triết học. Dù sao, đây không chỉ là chuyện tuyên truyền, nhưng còn cần chứng thực nữa: các giáo phụ đã phát triển một học thuyết cũng như một hành trình về chiêm niệm Kitô giáo, với những sửa đổi không nhỏ ở những điểm sau đây:
1/ Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa chỉ được thể hiện hoàn toàn ở trên trời. Đó là một ân huệ của Thiên Chúa, chứ không phải là kết quả của nỗ lực con người.
2/ Thiên Chúa của chúng ta không chỉ là Chân Thiện Mỹ như quan niệm của các triết gia Hy lạp, nhưng là Thiên Chúa Tình yêu. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa không chỉ là một hành vi trí tuệ nhưng là liên quan đến toàn thể con người, hiểu biết và yêu mến, và hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.
3/ Trong tình trạng lữ hành, sự chiêm ngắm Thiên Chúa còn bất toàn, trải qua bức màn của đức tin (xc. 1 Ga 3,1-2; 1Cr 13,12). Do ảnh hưởng của sự tiếp xúc với văn hóa Hy lạp (qua Điônisiô Areopagita), các giáo phụ thường chú ý đến khía cạnh tri thức (hiểu biết) khi bàn đến việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa (và sự kết hiệp huyền bí). Đàng khác, không có gì khó hiều khi theoria (contemplatio) không mở rộng cho tất cả mọi người, nhưng là đặc ân dành cho một số ít, hoặc nhờ ân huệ của Thiên Chúa hay do cố gắng tập luyện.
4/ Trong văn hóa Hy-lạp, theoria được coi như công tác chuyên biệt của các triết gia. Trong truyền thống Kitô giáo, dần dần contemplatio được coi như lý tưởng của các đan sĩ. Tuy nhiên, như sẽ thấy trong phần áp dụng dưới đây, người ta cũng sớm áp dụng contemplatio cho cuộc sống khi phân biệt vita contemplativa và vita activa tượng trưng nơi cô Maria và cô Marta nói ở Lc 10,38-42.
IV. Thần học
Trong lịch sử thần học Kitô giáo, chỉ có thể ghi lại vắn tắt một vài điểm quan trọng.
1/ Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa chỉ đạt được tột đỉnh trên trời, điều được gọi là “phúc kiến” (visio beatifica). Đề tài này đã trở thành đối tượng của việc định tính Benedictus Deus của ĐTC Bêneđictô XII (năm 1336: Denz.Sch 1000-1001). Về đề tài phúc kiến, xem sách Giáo lý Hội thánh Công giáo các số 163; 1028; 1045; 1720-1722; 2546-2550.
2/ Khi phân tích bản chất của contemplatio, ta nhận thấy có hai điểm nhấn: có người nhấn mạnh đến trí tuệ (hiểu biết: cognitio), có người đề cao đến tâm tình (affectus). Thánh Tôma thường được coi như là tiêu biểu của khuynh hướng thứ nhất; ngài định nghĩa contemplatio là “một cái nhìn cắm thẳng vào chân lý” (simplex intuitus veritatis: Summa Theol. II-II, q. 180, a. 3, ad 1). Thánh Bonaventura được coi như tiêu biểu của khuynh hướng thứ hai. Thực ra, tuy có thể có vài điểm nhấn khác biệt, nhưng hai vị đều nhìn nhận tầm quan trọng của cả hai yếu tố, bởi vì một đàng Thiên Chúa vừa là Chân Lý vừa là Tình yêu, đàng khác chúng ta kết hiệp với Người bằng đức tin và đức mến, chi phối toàn thể con người, nhất là chúng ta không được phép quên rằng đức mến cao trọng nhất trong các nhân đức và tồn tại mãi mãi (Sum. Theol.II-II, q. 184, a. 1).
3/ Việc chiêm ngưỡng nhan Chúa là mục đích tối hậu của con người, hạnh phúc tuyệt đối của con người (STh II-II, q. 180, a. 4: contemplatio est finis totius humanae vitae). Bao lâu còn ở dưới trần thế, việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa là một khát vọng của con người. May thay Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta được thông dự phần nào vào lý tưởng ấy, và cũng có thể được coi như là contemplatio, như là khởi đầu của phúc kiến (STh II-II, q. 180, a. 4: inchoatio beatitudinis, quae hic incipit ut in futuro terminetur). Sự chiêm niệm này thường diễn ra trong khung cảnh cầu nguyện, và từ đó gọi là “cầu nguyện chiêm niệm” (oratio contemplativa). Có điều là trong lịch sử thần học tâm linh, có nhiều quan niệm khác nhau khi bàn về cầu nguyện chiêm niệm như sẽ thấy ở phần áp dụng dưới đây.
IV. CONTEMPLATIO: ÁP DỤNG
Mặc dù contemplatio bao trùm toàn thể cuộc đời người Kitô hữu, nhưng vào thời cận đại, thuật ngữ này thường được áp dụng vào ba lãnh vực: cầu nguyện chiêm niệm; đời sống chiêm niệm; thái độ chiêm niệm.
A. Cầu nguyện chiêm niệm
Trải qua lịch sử thần học, mối tương quan giữa cầu nguyện và chiêm niệm đã có nhiều thay đổi trong cách hiểu: vào thời Trung đại, contemplatio được coi như đích điểm của buổi cầu nguyện; vào thời cận đại, contemplatio được coi như một hình thức cầu nguyện ở cấp cao mà không phải bất cứ ai cũng đạt đến.
1/ Quan điểm thời Trung cổ
Sự chiêm niệm tự nó là một tác động đơn giản, một sự nắm bắt chân lý trực tiếp. Tuy nhiên, không như các thiên thần hiểu biết theo trực giác, loài người chúng đạt tới chân lý bằng nhiều tác động. Hơn thế nữa ở đây chúng ta không bàn về chân lý triết học nhưng là về Thiên Chúa, vì thế cần có những công tác chuẩn bị. Chúng ta hãy theo dõi việc trình bày của thánh Tôma Aquinô (Summa Theologiae, II-II, q.180).
a) Những công tác chuẩn bị: thực tập các nhân đức
Con người chúng ta gồm bởi linh hồn và thân xác, sống trong thế giới hữu hình, dễ bị lôi cuốn bởi những thực tại vật chất, cho nên không dễ gì tập trung chú ý vào những thực hại thiêng liêng. Vì thế tiên vàn, việc cầu nguyện đòi hỏi ý muốn cầu nguyện. Ý muốn không chỉ hiểu về quyết tâm cầu nguyện, mà còn bao hàm lòng yêu mến, ước ao gặp gỡ Chúa (quaestio 180, art. 1).
Mặt khác, nó đòi hỏi sự hợp tác của các nhân đức luân lý, nhằm ngăn cản những xáo trộn của cảm xúc, tạo ra một bầu khí bình an nội tâm. Nói cách khác, việc chuẩn bị cầu nguyện bao gồm việc thực hành các nhân đức luân lý (art. 2).
Hơn nữa, cầu nguyện là “nâng tâm hồn lên với Chúa”. Thế nhưng Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải là Đấng Vô Danh, nhưng là Thiên Chúa tự mặc khải qua Đức Kitô và Thánh Linh. Nói khác đi, việc cầu nguyện đòi hỏi sự vận dụng ba nhân đức hướng Chúa (tin, cậy mến), ba nhân đức thiên phú và được củng cố bằng các ân huệ Thánh Linh (cao minh, thâm hiểu, minh luận, kính sợ).
b) Các hành vi dẫn tới chiêm niệm: lectio, meditatio, oratio
Trong articulus 3, thánh Tôma phân tích bốn hành vi chính của việc chiêm niệm dựa theo mô hình của Hugues de Saint Victor (1096-1141): lectio, meditatio, oratio, contemplatio[4]. Chiêm niệm là đích điểm, các hành vi trước đó chỉ là phương tiện. Khuôn mẫu trọn vẹn của việc chiêm ngưỡng này chỉ diễn ra trên thiên đàng, còn bao lâu còn trên đường lữ hành đức tin, việc chiêm ngưỡng được chuẩn bị bằng nhiều phương thế, đó là lectio, meditatio, oratio. Nên biết là có người coi ba tác động này như phương thế chuẩn bị, có người coi đó như là những thành phần của việc chiêm niệm trong điều kiện sinh hoạt của con người hiện nay. Đã có nhiều giải thích được ra chung quanh những động tác này. Thánh Tôma quan niệm đơn giản như thế này: Lectio là đọc Sách Thánh, nghĩa là mình nghe Chúa nói; Oratio là mình nói chuyện với Chúa; Meditatio có thể thuộc cả hai bên: hoặc như là nghiền ngẫm điều mà mình mới nghe, rồi từ đó mình chuẩn bị những tâm tình sẽ thưa lại với Chúa[5]. Hiểu như vậy, không nhất thiết phải tuân hành ba động tác này theo một thứ tự chặt chẽ. Ý tưởng chính là gặp gỡ Chúa với cả trí tuệ cũng như lòng mến yêu, hay nói cách khác, đây là cơ hội để sống ba nhân đức tin, cậy, mến.
Cũng trong articulus 3, bên cạnh tiến trình bốn hành vi vừa nói, thánh Tôma còn thêm một chuỗi khác dài hơn mà ngài đã học được từ luật thánh Biển-đức (chương 48), kéo dài bước thứ nhất (lectio) ra làm ba động tác: lectio, cogitatio, studium. Công thức này có lợi điểm là coi cả việc suy tư và học hành cũng nằm trong “kế hoạch” chiêm niệm. Thật vậy, thánh Tôma đã biện minh cho việc thiết lập một dòng tu chuyên học thánh khoa, bởi vì ngoài việc góp phần vào việc rao giảng Tin mừng, việc học còn giúp cho việc chiêm niệm chân lý và thánh hóa bản thân (II-II, q. 188, a. 5).
2/ Quan điểm thời cận đại
Vào thời cận đại, contemplatio được hiểu như như trình độ cao cấp của đời sống cầu nguyện. Các tín hữu bình thường chỉ biết “đọc kinh” (khẩu nguyện: oratio vocalis); lên cao hơn, các tu sĩ được khuyến khích thực hành việc “suy gẫm” (tâm nguyện: oratio mentalis); chiêm niệm là ân huệ Chúa ban cho một số người. Việc suy gẫm bao hàm nhiều hành vi của trí tuệ (lý luận, suy diễn), còn chiêm niệm là một cái nhìn đơn thuần.
Thực ra, vài tác giả cũng còn tái phân chia cầu nguyện chiêm niệm thành nhiều cấp: chiêm niệm thủ đắc (acquisita), chiêm niệm thiên phú hoặc huyền bí (mystica, infuse). Chiêm niệm thủ đắc đạt được nhờ suy niệm, hồi tâm; còn chiêm niệm thiên phú là ân huệ Chúa ban. Dù vậy, chiêm niệm “thủ đắc” cũng dựa trên đức tin (và khai triển ánh sáng do đức tin, chứ không phải là thuần túy dựa trên lý trí tự nhiên). Thánh Têrêsa Giêsu cũng nói đến nhiều cấp độ cầu nguyện trong giai đoạn huyền bí, như chúng ta đã thấy trong bài trước: tĩnh nguyện (oracion de quietud), kết hiệp đơn giản (union simple), kết hiệp xuất thần (union extatica), kết hiệp hoàn hảo (union transformadora) hoặc kết hôn thiêng liêng (matrimonio espiritual).
Nên biết là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trở về với quan điểm cổ truyền: chiêm niệm chỉ là một trong ba hình thức cầu nguyện: khẩu nguyện (số 2700-2704); suy niệm (2705-2708); chiêm niệm (2709-2719). Bởi vì là ba hình thức (chứ không phải là ba cấp độ tiến triển) cho nên mọi tín hữu đều được mời gọi thực hành tất cả ba. Ngay cả bác nhà quê xứ Ars cũng đã biết chiêm niệm khi ông thưa với cha sở rằng: “Con nhìn Chúa và Chúa nhìn con” (số 2715).
B. Đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động
Trên đây, chúng ta đã thấy một phạm vị áp dụng đặc tính chiêm niệm là cầu nguyện. Ngoài ra, một phạm vi áp dụng nữa là nếp sống, cách riêng khi bàn về các hình thức tu trì, khi đối chọi giữa chiêm niệm và hoạt động. Thực ra sự phân biệt này bắt nguồn từ các triết gia Hy-lạp và Rôma, và đã biến thái nhiều khi được du nhập vào Kitô giáo.
1/ Triết học cổ điển
Nói chung, chiêm niệm được hiểu như là Asinh hoạt trí thức, còn hoạt động được hiểu về hoạt động chính trị xã hội. Lao động chân tay không được đếm xỉa ở đây, bởi vì là công tác dành cho hạng nô lệ.
a) Ông Aristote phân biệt hai tác động của trí tuệ: thuần lý và thực tiễn (theoria/praxis). Theo ông, trí tuệ thuần lý tiếp xúc với vũ trụ ngoại giới, nhằm khám phá sự thật (veritas, scientia); và đó chính là đời sống chiêm niệm (vita contemplativa). Còn trí tuệ thực tiễn thì hướng đến bản thân, nhằm điều khiển cuộc đời cho đứng đắn (rectitudo moralis), hoặc chế tạo vật dụng. Ông Aristote gọi đó là hành động (vita activa). Đối với ông, chiêm niệm có giá trị cao hơn hành động, bởi vì nhờ sự chiêm niệm mà trí tuệ có thể đạt thấu tới lý lẽ của vũ trụ và thậm chí tới cả Thượng đế nữa (Ethica Nicomachea, lib.VI; De anima lib.V).
b) Ông Cicêrô (do ảnh hưởng của học phái Stoa) cho rằng hành động có giá trị hơn là chiêm niệm. Đức khôn ngoan (sapientia), nhân đức cao cấp nhất, có thể đạt được nhờ thi hành các bổn phận xã hội, chứ không phải nhờ suy tư chân lý.
2/ Các giáo phụ
Nói chung, các giáo phụ Đông phương đi theo quan điểm của triết gia Aristote. Ông Origene đã đối chiếu chiêm niệm và hoạt động dựa theo tích của bà Maria và bà Marta (xc. Lc 10,38-42; Ga 11,18), và dành vị trí ưu tiên cho chiêm niệm. Các giáo phụ bên Tây phương có thiện cảm với chủ trương của ông Cicerô, quý trọng các công tác xã hội.
a) Thánh Augustinô áp dụng sự đối chiếu đời sống chiêm niệm và hoạt động vào nhiều bối cảnh khác nhau:
+ Cuộc sống hiện tại dưới thế (hoạt động) và cuộc sống mai hậu trên trời (chiêm niệm). Hai nếp sống cách xa nhau một trời một vực, và dĩ nhiên là chiêm niệm có giá trị hơn hoạt động, cũng như thực tại vĩnh cửu đáng giá hơn thực tại tạm bợ.
+ Hai khía cạnh giằng co với nhau trong cuộc đời của mỗi người tín hữu: chiêm niệm và hoạt động. Khó có thể dung hoà cả hai khía cạnh cùng một lúc. Dù sao, chiêm niệm vẫn cao hơn hoạt động.
+ Hai nếp sống của các tín hữu: đời chiêm niệm (vita otiosa) của những người nghiên cứu chân lý; đời hoạt động (vita negotiosa) của những người dấn thân vào thế sự. Tuy vậy thánh Augustinô cũng hình dung một thứ hoà hợp cả hai nếp sống đó (ex utraque composita). Đời sống chiêm niệm là tốt nhất, tuy nhiên đôi khi nhu cầu bác ái (necessitas caritatis) lại được đặt cao hơn là lòng yêu chuộng chân lý (caritas veritatis).
b) Thánh Grêgôriô Cả áp dụng sự đối chiếu vào hành trình tâm linh:
+ hoạt động có nghĩa là thực hành các nhân đức và thực hành công tác bác ái;
+ chiêm niệm có nghĩa là thực hành các nhân đức hướng Chúa.
Đó là hai chặng đường của đời sống tâm linh. Chặng thứ nhất tương ứng với giai đoạn thanh luyện và chiếu sáng; chặng thứ hai tương ứng với giai đoạn kết hiệp. Tất cả các tín hữu cần thực hành hai chặng đường ấy.
3/ Thời Trung cổ
Thánh Tôma Aquinô tổng hợp hai quan điểm của thánh Augustinô và thánh Grêgôriô, áp dụng sự đối chiếu vào hai lãnh vực: nếp sống tu trì; hành trình tâm linh (Summa Theologica, II-II, q.179-182).
a) Nếp sống tu trì. Đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động tượng trưng cho hai loại dòng tu: (i) một số dòng chuyên vào việc chiêm niệm (các ẩn sĩ và đan sĩ); (ii) một số dòng phụng sự Thiên Chúa qua các hoạt động như phục vụ bệnh nhân, và các công tác từ thiện. Xét theo đối tượng, thì dòng chiêm niệm giữ điạ vị cao hơn dòng hoạt động, bởi vì mến Chúa thì cao hơn là yêu người; tuy nhiên xét theo công trạng, thì tất cả tuỳ thuộc lòng tận tụy yêu mến khi thi hành công tác. Thánh Tôma còn nói đến loại dòng tu thứ ba nữa: đó là những dòng chiêm niệm rồi sau đó thông truyền điều chiêm niệm cho tha nhân (contemplata aliis tradere). Xét cách khách quan, đây là dòng cao cấp nhất, bởi vì phối hợp cả hai chiều kích của đức ái.
b) Hành trình tâm linh của mỗi cá nhân. Hai khía cạnh chiêm niệm và hoạt động cần bổ túc cho nhau:
- hoạt động chuẩn bị cho chiêm niệm (khổ chế chuẩn bị cho huyền bí);
- hoạt động phát sinh từ chiêm niệm (sự phục vụ tha nhân trào ra như lòng yêu mến).
4/ Thời cận đại
Chiêm niệm và hoạt động thường được hiểu về hai loại dòng tu: a) các dòng đan tu chuyên lo cầu nguyện; b) các dòng hoạt động lo làm việc tông đồ. Hậu quả là các dòng chiêm niệm thì miễn hoạt động tông đồ, còn các dòng tông đồ thì miễn chiêm niệm. Hai nếp sống coi như tách biệt, tựa như bà Maria và bà Marta vậy.
Tuy vậy, cũng có những khuynh hướng muốn bắt nhịp cầu giữa đôi bên, điển hình là câu châm ngôn của dòng Tên: contemplativus in actione (chiêm niệm trong hoạt động), được lặp lại trong các văn kiện gần đây của Toà thánh (Thông điệp Redemptoris Missio số 91; Tông huấn Vita consecrata số 74). Cần phải hiểu chính xác ý nghĩa của châm ngôn đó (tác giả là cha Jeronimo Nadal, tổng quyền dòng Tên). Tác giả không chủ trương rằng hoạt động cũng là chiêm niệm (hoạt động thay thế cho chiêm niệm); nhưng ngược lại, tu sĩ cần phải kéo dài thái độ chiêm niệm ngay cả lúc hoạt động. Dù cầu nguyện, dù hoạt động, tu sĩ cần biết duy trì sự kết hiệp với Thiên Chúa, nhìn nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi hết mọi hoàn cảnh. Điều này giả thiết rằng chúng ta đã làm quen, gặp gỡ hàn huyên với Ngài nhiều lần trong lúc cầu nguyện. Từ đó, chúng ta hãy tiếp tục kết hợp với Ngài trong hết mọi hành vi và cảnh huống cuộc đời, đồng thời cố gắng mang Ngài đến với hết mọi người mà chúng ta tiếp xúc. Đối lại, chính khi giao tiếp với trần thế như vậy, mà ta thấy những nhu cầu mới thúc đẩy ta trở về cầu nguyện cách tha thiết hơn nữa.
Mặt khác, sự chiêm niệm và sự hoạt động đều đòi hỏi một thái độ như nhau: con tim trong trắng, từ bỏ mình, khiêm tốn, ý chí ngay thẳng, ngoan ngoãn để cho Thánh Linh dìu dắt, tin yêu và hy vọng dù gặp gian nan thử thách.
5/ Các văn kiện Toà thánh
Công đồng Vaticanô II muốn sửa lại vài quan niệm lệch lạc trong quá khứ khi phân chia các dòng tu ra làm hai loại: chiêm niệm và tông đồ. Không phải như vậy: tất cả các dòng tu đều mang tính cách chiêm niệm và tông đồ (DT số 2; 5; 6), tuy rằng một số dòng dấn thân hoàn toàn vào việc chiêm niệm (DT số 7: Instituta quae integre ad contemplationem ordinantur), và một số dòng dấn thân vào công tác tông đồ (DT số 8: Instituta apostolatus operibus dedita)
Điều này được nêu bật hơn nữa trong văn kiện Chiều kích chiêm niệm của đời tu (năm 1980). Tất cả mọi tu sĩ đều phải sống chiều kích chiêm niệm, được mô tả ở số 1 như sau: chiều kích chiêm niệm là sự đáp trả Thiên Chúa bằng các đức tin, cậy, mến, nhờ đó người tín hữu đón nhận mặc khải và sự hiệp thông của Thiên Chúa hằng sống nơi Đức Kitô trong Thánh thần, hoặc như là hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa, thái độ khiêm tốn tôn thờ sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi con người, nơi các biến cố và các sự việc.
Khai triển đạo lý của công đồng Vaticanô II (DT số 8), văn kiện bàn đến mối dây liên kết chặt chẽ giữa chiêm niệm và hoạt động như sau: các hoạt động tông đồ cần phát xuất từ sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, nhắm củng cố và tăng cường cho sự kết hiệp đó (xc. số 6).
Đó cũng là điều được Tông huấn Vita consecrata (số 74) đặt tên là “linh đạo hoạt động” (spirituality of action) hoặc linh đạo tông đồ (apostolic spirituality), đã được thánh Grêgôriô Cả diễn tả như sau:
Cần phải biết rằng nếu muốn sống cho có trật tự thì cần biết chuyển từ đời sống hoạt động sang đời sống chiêm niệm; nhiều khi cũng nên từ đời chiêm niệm trở lại đời sống hoạt động, để cho ngọn lửa thắp lên trong tâm trí nhờ chiêm niệm sẽ tỏa lan trọn vẹn trong hành động. Như thế đời sống hoạt động phải đưa tới đời sống chiêm niệm và từ đó đời sống chiêm niệm, dựa trên những gì tâm trí chúng ta đã nhận biết, đưa chúng ta trở lại hành động một cách chắc chắn hơn.
C. Thái độ chiêm niệm
Hai phạm vi áp dụng vừa nói ra như chỉ giới hạn sự chiêm niệm vào việc cầu nguyện và đời sống tu trì. Trong thế kỷ XX, với việc trở về nguồn Kinh thánh, người ta đặt lại vấn đề: phải chăng sự chiêm niệm là đặc ân dành riêng cho một số người, hay là ơn gọi của tất cả các tín hữu? phải chăng sự chiêm niệm là một hình thức cao cấp của việc cầu nguyện, hay là nằm trong chính bản chất của đức tin?
Mặt khác, sự chiêm niệm không chỉ giới hạn vào những khoảnh khắc sống thân mật với Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện, nhưng nó còn chi phối tất cả cuộc đời của người tín hữu. Việc “quen thuộc” với Thiên Chúa làm thay đổi lối suy tư cũng như tâm tình của người tín hữu, khiến cho họ nhận định và yêu mến giống như Thiên Chúa. Họ không đóng khung Thiên Chúa trong khi tiếp xúc thân mật với Ngài trong buổi cầu nguyện, nhưng còn muốn nhìn ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời, trong các biến cố lịch sử, và đặc biệt là nơi những thành phần bé mọn được Đức Kitô tự đồng hóa.
Thái độ chiêm niệm này đã được khai mào qua công thức contemplativus in actione nói trên đây, và sẽ được khai triển qua linh đạo “huyền bí trong cuộc sống thường nhật” mà chúng ta đã nói qua trong bài 10 (huyền bí mở mắt) và sẽ được tiếp tục trong bài tới.
V. Tái khám phá ý nghĩa của contemplatio vào thời nay
Vào cuối thể kỷ XX, một đàng người ta tái khám phá quan điểm cổ truyền về cầu nguyện chiêm niệm; đàng khác, người ta mở rộng quan điểm về contemplatio sang các lãnh vực khác của đời sống đạo.
1/ Trở về quan điểm cổ truyền về cầu nguyện chiêm niệm
Theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992), sự chiêm niệm chỉ là một trong ba hình thức diễn tả việc cầu nguyện: khẩu nguyện (oratio vocalis: số 2700-2704), suy niệm (meditatio: 2705-2708), chiêm niệm (oratio contemplativa: 2709-2719). Bởi vì là ba hình thức (chứ không phải là ba cấp độ tiến triển) cho nên tất cả các tín hữu đều được mời gọi thực hành cả ba. Ngay cả bác nhà quê xứ Ars cũng đã biết chiêm niệm, khi ông thưa với cha sở rằng: “Con nhìn Chúa và Chúa nhìn con” (số 2715).
Theo chiều hướng đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giới thiệu kinh Mân côi như là một lối cầu nguyện chiêm niệm (oratio contemplativa), nhờ việc suy gẫm các mầu nhiệm của Chúa Kitô với cặp mắt của Mẹ Maria (tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002, số 12).
2/ Mở rộng tầm nhìn contemplatio ra đời sống
Tuy rằng cầu nguyện là một phương thế hàng đầu dẫn đến contemplatio, nhưng contemplatio không chỉ thu hẹp vào lãnh vực cầu nguyện. Thực vậy, con người gặp gỡ Thiên Chúa không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng tâm tình. Hơn nữa, việc kết hiệp với Thiên Chúa biến đổi con người nên giống Chúa hơn, biết phân định mọi việc theo lối nhìn của Thiên Chúa, chứ không theo phán đoán thế gian, biết yêu mọi người và mọi vật bằng tình yêu của Chúa, chứ không chỉ theo tiêu chuẩn coi cái tôi làm trung tâm vũ trụ. Nói cách khác, contemplatio có khả năng biến đổi con người, khiến cho họ từ nay không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho Thiên Chúa.
Như vậy cần phải mở rộng phạm vỉ trải nghiệm huyền bí, không chỉ giới hạn vào cuộc gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa lúc cầu nguyện, nhưng kéo dài mối tương quan thân mật Ngài ra suốt cuộc sống.
[1] Niệm: tưởng tới, nhớ tới; hoặc đọc thầm trong miệng. Mặc niệm: yên lặng mà tưởng nhớ tới (mặc: yên lặng). Tâm niệm: tưởng nhớ trong lòng. Ý niệm: điều mình có trong trí về một vật bên ngoài. Quan niệm: điều cảm thấy và nghĩ ngợi về một sự việc (quan: điều xem thấy, điều ý thức được. - Chiêm: ngẩng mặt trông nhìn. Chiêm ngưỡng: ngẩng đầu lên mà nhìn với vẻ thán phục.
[2] Cùng một gia đình với théa (sự nhìn ngắm), théama (quang cảnh, cảnh tượng), và có lẽ theátron (tuồng kịch)…
[3] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 51-58.
[4] Ngày nay, các nhà sử học nhìn nhận tác giả của công thức này là viện phụ Guigo II, trong tác phẩm Scala Claustralium (k.1188). Xc. Phan Tấn Thành, Cầu nguyện Kitô giáo: Lịch sử và thần học (Đời sống tâm linh VII), Phương Đông: TPHCM, 2015, trang 330-336.
[5] Sent. IV, dist. 15, q. 4, a. 1, q. 2, ad 1.