Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Linh đạo Phan-sinh

Administrator
2022-09-19 00:01 UTC+7 27
Linh đạo “đồng hành – đồng nghị” của các Dòng tu. Nhằm chuẩn bị cho Thượng hội đồng giám mục sắp tới về “đồng hành – đồng nghị” (synodality), văn phòng Tổng thư ký xin các dòng tu trình bày kinh nghiệm trong linh đạo của mình. Sau những bài về linh đạo thánh Augustinô […]

Linh đạo “đồng hành – đồng nghị” của các Dòng tu.

Nhằm chuẩn bị cho Thượng hội đồng giám mục sắp tới về “đồng hành – đồng nghị” (synodality), văn phòng Tổng thư ký xin các dòng tu trình bày kinh nghiệm trong linh đạo của mình. Sau những bài về linh đạo thánh Augustinô và dòng Đa Minh, hôm nay xin gửi “linh đạo dòng Biển đức”

——————

Linh đạo Phan-sinh

Fr. Giulio Cesáreo, OFM Conv

Phân định trong Linh đạo Phan-sinh

Tôi tin rằng, một vài sự xem xét về cuộc đời và linh đạo của thánh Phanxicô Assisi là cần thiết để hiểu được linh đạo Phan-sinh cũng như sự đóng góp của nó cho tiến trình đồng nghị hiện nay. Trên thực tế, thánh Phanxicô vẫn tiếp tục là một nguồn cảm hứng ngay cả đối với những người đương thời chúng ta. Suy cho cùng, lịch sử của trường phái Phan-sinh (Franciscanism) cũng có thể được coi như một sự bất lực và thất bại trong sự phân định cộng đoàn: những căng thẳng từ năm 1400 đến năm 1500 giữa hai khuynh hướng (Viện tu – Conventuals và Nhiệm nhặt – Observants) trong cùng một dòng Phanxicô đã không thể đi đến sự hòa giải, mà trái lại còn dẫn đến sự phân chia, gãy đổ vào năm 1521 giữa khuynh hướng Viện tu và khuynh hướng Nhiệm nhặt, tựa như 2 gia đình riêng biệt, chia tách và hoàn toàn tự trị. Tình trạng này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong dòng Anh em Hèn mọn và dòng Anh em Hèn mọn Viện tu. Chắc chắn từ những kinh nghiệm đau thương này, chúng ta có thể rút ra rất nhiều bài học cho chủ đề của chúng ta.

Kinh nghiệm cá nhân của thánh Phanxicô Assisi

Từ các dấu ấn tiểu sử cũng như từ các tác phẩm của thánh Phanxicô, chúng ta có thể trực cảm một vài yếu tố thiết yếu về cách thức phân định thánh ý Thiên Chúa của bản thân ngài (và của các anh em, các môn đệ và những ai bước theo ngài). Trên thực tế, ngay từ khởi đầu cảm nghiệm tôn giáo của mình, thánh Phanxicô đã mang trong mình nhu cầu phân định để hiểu được điều gì phải làm và điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Tôi sẽ nêu bật một vài điểm quan trọng với các con số, bằng cách liệt kê sơ lược, và tôi hy vọng nó cũng sẽ rõ ràng hơn.

1. Chính thánh Phanxicô tuyên bố trong Di chúc của ngài rằng: chẳng có ai nói cho ngài biết phải làm điều gì, nhưng chính Đấng Tối Cao đã mặc khải cho biết rằng ngài cần phải sống theo hình mẫu của Tin mừng. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm này nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với một người mắc bệnh phong cùi mà thánh Phanxicô cảm nhận bản thân ngài được truyền cảm hứng để ôm hôn người ấy. Từ tiểu sử của thánh nhân, chúng ta biết rằng nguồn cảm hứng này và ý thức sống theo Tin mừng (cách riêng nơi bài giảng sai các tông đồ trong bối cảnh các mối phúc: hãy ra đi, loan báo Tin mừng, đừng mặc hai áo cũng đừng mang gậy, v.v.) đã thật sự chín muồi khi ngài nghe đọc bài Tin mừng trong Thánh lễ, tại nhà thờ Porziuncola, trong một câu chuyện tương tự như trình thuật của thánh Athanasiô về việc kêu gọi thánh Antôn viện phụ + 356).

2. Cũng từ tiểu sử của thánh nhân, chúng ta còn biết rằng, khởi đầu sự hoán cải và những lựa chọn đầu tiên đi theo Tin mừng của ngài đã được thúc đẩy bởi một giấc mơ, nhận được ở Spoleto – trong cuộc hành trình đến Puglia để tham gia một chiến dịch quân sự và giành được danh hiệu hiệp sĩ – nơi mà Chúa đã hiện ra với ngài và hỏi ngài: Phanxicô, con muốn phục vụ người đầy tớ hay ông chủ? Phanxicô trả lời: Con muốn phục vụ ông chủ. Rồi Chúa nói tiếp – vẫn trong giấc ngủ: vậy con hãy quay trở lại Assisi, ở đó con sẽ được cho biết phải làm gì.

3. Một trong những đặc điểm của tiến trình phân định vốn luôn diễn ra trong cuộc đời thánh Phanxicô đó là sự chứng nhận của Giáo hội. Bị thân phụ đưa ra tòa trước đức giám mục Assisi vì đã cho người nghèo một số tiền lớn cùng các loại vải quý giá, Phanxicô đã công khai tự lột bỏ quần áo, trả lại cho thân phụ và đặt mình dưới sự bảo vệ của đức giám mục – người đã tiếp nhận ngài và chứng thực sự tốt lành của nguồn cảm hứng thiêng liêng mà ngài đang bước theo.

4. Vài năm sau, sau khi đã quy tụ những người bạn đồng hành đầu tiên quanh mình, Phanxicô đến Rôma để xin Đức Giáo hoàng Innocentê III châu phê phong cách và hình thức sống của anh em ngài (sẽ trở thành một phác thảo cho bản tu luật tương lai của các Anh em Hèn mọn). Trên thực tế, đó chỉ là trích dẫn một vài câu trong sách Tin mừng, trở thành bản văn gợi hứng cho cảm nghiệm thiêng liêng mới của các anh em này.

5. Có một chuyện quan trọng khác liên quan đến chủ đề của chúng ta. Một vài năm sau khi bắt đầu trải nghiệm đời sống của những người Hèn mọn, thánh Phanxicô cảm thấy do dự không biết có nên tiếp tục công việc rao giảng lưu động hay sẽ lui về cuộc sống ẩn sĩ. Nhân cơ hội này, ngài đã xin một số người đáng tin cậy (một vài bạn đồng hành và thánh nữ Clara Assisi) cầu nguyện để ngài được Chúa hướng dẫn trong vấn đề này. Câu chuyện này ra như gợi lại một ít động lực của sự lựa chọn giữa điều tốtđiều tốt hơn, đặc điểm của tuần linh thao thứ hai của thánh Inhaxiô.

6. Về cuối đời của thánh nhân, có những căng thẳng lên cao trong nội bộ Dòng về cách giải thích tu luật và về lối sống huynh đệ bắt nguồn từ trải nghiệm bản thân của thánh Phanxicô. Cả trong trường hợp này, mặc dù theo cái nhìn con người, ngài cảm thấy bị gạt sang một bên bởi một nhóm lãnh đạo mới của Dòng (x. câu chuyện rất nổi tiếng mang tên “Niềm vui Hoàn hảo”), và ngài cũng nhận thấy rằng tình huynh đệ nơi anh em đang tự xa rời khỏi lý tưởng ban đầu của ngài – ngay cả trong trường hợp này, ngài vẫn chạy đến (không phải là không có cam go) với phán quyết của Giáo hội được biểu lộ qua Đức Hồng y Bảo trợ, lúc đó là Hồng y Ugolino, người sẽ sớm trở thành Giáo hoàng Grêgôriô IX. Hướng đi là chấp nhận tiến trình sống thành tu viện mà các giáo hoàng đòi hỏi các dòng hành khất phải tuân giữ.

7. Ở một vài khoảnh khắc của cuộc đời khi thánh Phanxicô lâm bệnh, và để chăm sóc ngài, anh em “buộc” ngài phải giảm bớt việc khổ hạnh, thì ngài nghĩ rằng tiêu chuẩn về sự minh bạch là điều cốt yếu: người ta nhớ lại câu chuyện vì trời lạnh nên anh em mong muốn ngài chấp nhận cho khâu một mảnh da lông thú vào tấm áo dòng để che phần bụng của ngài. Thánh Phanxicô đã chấp nhận với điều kiện là bộ da này phải nằm ngoài chiếc áo để có thể nhìn thấy được, hầu tránh nguy cơ đạo đức giả.

Đối với tôi, từ những điều vừa nói, có thể nhận ra một số đặc điểm cơ bản của tiến trình phân định trong cuộc đời thánh Phanxicô và trở thành gia sản của linh đạo phát xuất từ ngài.

a) Tiến trình phân định không bao giờ bắt đầu từ những câu hỏi mơ hồ (do đầu óc sáng chế), nhưng từ những khơi gợi cụ thể của cuộc sống, từ những cảm hứng và suy nghĩ vốn nảy sinh trong cuộc gặp gỡ giữa các nhu cầu và những khơi gợi của cuộc sống với ước muốn chân thành và sâu sắc được làm đẹp lòng Thiên Chúa, cũng như để thực thi thánh ý Người.

b) Thánh Phanxicô luôn luôn lắng nghe Giáo hội, vì ngài tin rằng Thiên Chúa bày tỏ thánh ý Người trong Giáo hội (ngay cả khi ý Chúa khác với quan điểm của chính thánh Phanxicô): dù là qua các thể chế của Giáo hội (giám mục, Giáo hoàng, hồng y bảo trợ), hay là qua tiếng nói của những người nam và người nữ được Thiên Chúa gửi tới, và cuối cùng là ở nơi những lời nói và cử chỉ của những người đơn sơ và thấp bé nhất. Người ta nhớ lại câu chuyện thánh Phanxicô khẳng định ngài sẵn sàng vâng lời một tập sinh mới vào Dòng, vì Thiên Chúa thích bày tỏ thánh ý Người nơi những kẻ tầm thường và bé nhỏ nhất.

c) Sự phân định là một tiến trình diễn ra liên tục trong suốt cuộc đời thánh Phanxicô và dẫn ngài dần dần từ bỏ chính mình, ngay cả từ bỏ trực giác ban đầu về ơn gọi của ngài, nhằm tiến tới sự gắn bó triệt để và toàn diện với Chúa Kitô phục sinh.

Trên thực tế, đối với mục đích suy tư của chúng ta hiện nay, cả tiến trình phân định cá nhân lẫn cộng đoàn trong cuộc đời của thánh Phanxicô và trong cộng đoàn Phan-sinh sơ khai có ý nghĩa đặc biệt. Trên thực tế, trong những năm cuối đời của thánh nhân, người ta nói về một “cơn cám dỗ to lớn” đã hành hạ thánh Phanxicô trong khoảng hai năm. Các sử gia đương thời cho rằng, đó là sự vất vả để chấp nhận những thay đổi về “đặc sủng” trong nếp sống huynh đoàn Hèn mọn (được Giáo hội ủng hộ), một nếp sống mà thánh Phanxicô và những anh em đồng hành đầu tiên của ngài đã coi như sự phản bội lý tưởng ban đầu. Dường như cơn cám dỗ này nằm ở chỗ muốn dựa trên căn tính và đặc sủng sáng lập của mình (và đặc điểm rõ ràng và chắc chắn theo sát Tin mừng) để áp đặt quan điểm và ý muốn của mình lên nhóm các anh em “cải cách”. Thánh Phanxicô đích thân “giải quyết” cơn cám dỗ sử dụng các “ân huệ của Thiên Chúa” để áp đặt lên chính mình, thông qua cảm nghiệm huyền bí được in năm dấu thánh, nhờ đó ngài hiểu rằng ơn gọi gắn chặt với Chúa Kitô chịu đóng đinh (cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô, theo lối nói của thánh Phaolô) chứ không phải sử dụng của cải thiêng liêng để lao vào cuộc chiến trần tục (chính xác là sự áp đặt ý muốn và quan điểm của mình). Một cách nào đó, đây là sự chuyển tiếp nhằm kiểm chứng (trí tuệ, ý chí và tình yêu) vốn thuộc về tuần linh thao thứ hai của thánh Inhaxiô. Như tôi đã đề cập trước đó, câu chuyện về “Niềm vui Hoàn hảo” cách nào đó là hoa trái chín muồi của nhận thức mới này và của sự gắn bó trong thân xác của thánh nhân với sự Phục sinh của Chúa Kitô, xét về phần Anh Phanxicô: một sự nhận thức và gắn bó vốn, cùng một thời điểm, là kết quả của sự phân định và tiêu chuẩn đúng đắn cho những lựa chọn và thái độ mới, cả cá nhân lẫn cộng đoàn.

Kinh nghiệm cộng đoàn của thánh Phanxicô và của cộng đoàn Anh em Hèn mọn đầu tiên

Trên thực tế, như chúng ta biết, câu hỏi chính liên quan đến bất kỳ sự phân định nào là câu hỏi về tiêu chuẩn được sử dụng, sự “cảm nếm” Thiên Chúa, như rất nhiều tác giả tâm linh định nghĩa nó. Sự cảm nếm này thật sự đụng chạm đến cách thức mà lý trí và trái tim gắn kết với sự Vượt qua của Chúa Kitô, ngõ hầu sự Vượt qua này có thể biểu lộ không chỉ trong đời sống cá nhân mà còn trong các biến cố của đời sống cộng đoàn và giáo hội. Chìa khóa cho sự phân định của cộng đoàn trước hết là sự gắn bó đích thực với biến cố Vượt qua của Chúa Kitô trong đời sống của mình. Thánh Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh và cho thấy nhận thức này trong quyển Những lời khuyên bảo (Admonitions) của ngài (có lẽ đó là những lời huấn dụ dành cho anh em, không những trong bối cảnh của các công hội, các buổi họp, mà chắc hẳn còn trong cuộc sống thường ngày; và nó cũng được coi là có hơi hướng giống với các Mối phúc Phan-sinh). Trong các bản văn này, hướng đến các anh em quy tụ trong một cuộc họp (thường để đưa ra quyết định), một yếu tố được lặp đi lặp lại nhiều lần là sự năng động giữa tinh thần của xác thịttinh thần của Chúa (theo thuật ngữ của thánh Phanxicô: spirito della carne e spirito di Dio). Theo ngôn ngữ ngày nay, hai tâm thức này một mặt có thể được gọi là tinh thần thế gian (spiritual worldliness), và mặt khác là tâm thức giáo hội / cộng đoàn. Tinh thần của xác thịt, mà thánh Phanxicô cảnh báo anh em phải chống lại nó, chính là sự cám dỗ và khuynh hướng bảo vệ chính mình trên hết, ngay cả qua các việc đạo đức, các ân huệ thiêng liêng, các nhân đức của chính mình, v.v.. Đối lại, tinh thần của Chúa thì không phải là thần khí của xác thịt. Ngược lại, tinh thần (viết thường bởi vì hoàn toàn ám chỉ đến một loại tâm thức) của Chúa là logic Vượt qua của một hạt giống biết rằng nếu nó không chết, thì nó vẫn trơ trọi một mình và không sinh bông hạt. Trong trường hợp này, tiêu chuẩn của điều thiện và điều ác không phải nằm ở bản thân mà là các mối tương quan: về cơ bản, đó là mối tương quan với Chúa. Mối tương quan này mang tính trung gian, được xác minh và nuôi dưỡng bởi mối tương quan với anh chị em của chúng ta và ngược lại. Do đó, thánh Phanxicô nhận rằng những sự lựa chọn theo Tin mừng chỉ có thể được nâng đỡ nhờ sự tăng trưởng của mỗi cá nhân và cộng đoàn trong một tâm thức thế này: trong truyền thống Phan-sinh của chúng tôi, chúng tôi đã bảo tồn thói quen đồng hành với các tiến trình của sự phân định cộng đoàn, với các nẻo đường đào luyện thiêng liêng vốn nuôi dưỡng và đào sâu sự gắn bó chân thành với cuộc Vượt qua của Chúa Kitô, xét như là tiêu chí cho sự đơm hoa kết trái của đời sống của chính mình trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, bởi vì sự gắn bó này không bao giờ là điều hiển nhiên.

Sự tiến triển và việc thực hành phân định trong đời sống của cộng đoàn Phan-sinh ngày nay

Trong bối cảnh văn hóa – xã hội mà Dòng chúng tôi xuất hiện (rõ nhất là vào cuối thời Trung cổ ở Ý), tình huynh đệ luôn được đặc trưng bởi dấu ấn mạnh mẽ về tinh thần dân chủ. Các quyết định quan trọng[1] luôn phải là kết quả của sự đồng thuận của số đông, chứ không được dùng quyền bính mà áp đặt. Tất cả đều có chung một nhận thức rằng, thẩm quyền cao nhất là tu nghị (hoặc: công hội, capitulum, chapter dù ở cấp địa phương, cấp tỉnh dòng hay toàn dòng) đối với thẩm quyền cá nhân của bề trên địa phương (guardian), bề trên giám tỉnh (provincial minister) và bề trên tổng quyền (general minister). Trong một cấu trúc dạng này – mà thẩm quyển cao hơn là thẩm quyền của công hội – vấn đề về việc nhất trí và phân định một cách chậm rãi và kiên nhẫn của cộng đoàn là điều thiết yếu. Các công cụ chính nhằm chiều hướng ấy là: 1/ sự chia sẻ thông tin minh bạch về vấn đề muốn nhắm tới; 2/ các nghiên cứu chuyên sâu đặc biệt mà phần lớn thường được giao phó cho các bên thứ ba “bên ngoài” để có được sự công tâm, đặc biệt là trong các cuộc hội họp huynh đệ ngoại thường hay đặc biệt; 3/ khả năng chia sẻ những ý kiến ủng hộ và phản đối trong các nhóm nhỏ và cuộc họp chung. Sau đó, các quyết định thường được chuyển đến công hội chính để xem xét, diễn ra vào một ngày sau đó, ngõ hầu có đủ thời gian để xem xét các quyết định cho kỹ càng và mỗi quyết định có thể nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Trong một tiến trình kiểu này, các xung đột và khác biệt về quan điểm là điều thường xảy ra, và đường lối tiếp cận, một lần nữa, vẫn là động lực của sự kiên nhẫn vốn được thể hiện qua những điều sau đây:

a) Con đường “thanh luyện” cá nhân và cộng đoàn khỏi sự chú ý quá mức đến cái tôi của mình, để đạt tới một tầm nhìn mang tính Tin mừng và cộng đoàn về các vấn đề (sự đào luyện tâm linh và trí tuệ về vấn đề này).

b) Lắng nghe tất cả những người có liên quan (ở cả ba cấp độ: cá nhân, nhóm nhỏ và toàn thể).

c) Lưu ý tới các nhu cầu mà những người bất đồng chính kiến đã bày tỏ (sự bất đồng chính kiến vẫn luôn được bày tỏ cách tự do), và sự bất đồng chính kiến này được coi là hữu ích để hiểu sâu hơn về các vấn đề, và để phát triển các quyết định nhận được nhiều sự đồng thuận nhất có thể.

d) Hoãn lại quyết định – tuy nhiên, cần lưu ý đến nguy cơ trở thành bất động – cho đến khi một tầm nhìn chung (thậm chí cần có tầm nhìn chung trước một quyết định) trở nên rõ ràng. Để tránh nguy cơ trở thành bất động, cơ quan thẩm quyền có thể thiết lập các khung thời gian hợp lý để đưa ra quyết định.

a/ Một ví dụ của tiến trình này là việc soạn thảo các khoản Hiến pháp mới của Dòng, liên quan đến tất cả anh em và tất cả các cộng đoàn (trong khoảng 4 năm) thông qua các bảng câu hỏi và việc chia sẻ các bản thảo làm việc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Kế tiếp, bản thảo cuối cùng được giao cho một ủy ban có các chuyên viên. Sau cùng, bản văn được phê chuẩn bởi 3 thẩm quyền theo trình tự: vị Tổng quyền cùng với ban cố vấn, Tổng tu nghị, và cuối cùng là Bộ Tu sĩ. Toàn bộ tiến trình mất khoảng 7 năm.

b/ Một ví dụ khác: Để tránh nguy cơ trở thành bất động, có lúc sự quyết định được giao cho tu nghị của một thẩm quyền cao hơn. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như quyết định giảm quy mô một số tỉnh dòng của chúng tôi, cấp địa phương không thể giải quyết được. Do đó, sự phân định đã được thực hiện, và quyết định giảm quy mô đã được đưa ra bởi tổng tu nghị. Quyết định chung này giúp cho các cộng đoàn và anh em có liên quan có thể đón nhận chính quyết định đó (đón nhận cách sẵn sàng, theo một cách nào đó). Chắc hẳn, một sự gắn bó tương tự sẽ không xảy ra nếu việc quyết định được đưa ra bởi cá nhân vị Tổng quyền hay ban tổng cố vấn.

Trong bối cảnh này, một trong những vai trò chính của thẩm quyền của bề trên là khuyến khích tiến trình lắng nghe nhau, khuyến khích sự tham gia của cá nhân và cộng đoàn, đồng thời giúp lắng nghe những yêu cầu khách quan, chẳng hạn những yêu cầu của Giáo hội.

Một trong những nguy cơ khác của phương pháp Phan-sinh này chắc hẳn là nguy cơ của tính hơi khái quát: người ta đồng ý về các nguyên tắc hoặc giá trị chung, nhưng khó chuyển sang cấp độ thực thi hơn, do bối cảnh sống của anh em có những khác biệt về văn hóa, xã hội và giáo hội.

Tóm lại, tôi tin rằng các yếu tố then chốt trong bối cảnh suy tư của chúng ta ngày nay bao gồm:

a) Chăm lo việc đào luyện tâm linh nhằm nuôi dưỡng các lựa chọn dưới ánh sáng Tin mừng trong logic Vượt qua theo tinh thần cộng đoàn (tinh thần của Chúa, theo kiểu nói của thánh Phanxicô) và không dựa trên các tiêu chí của thế gian (ngay cả trong lãnh vực tâm linh).

b) Lắng nghe mọi người và phát triển ý muốn quan tâm – trong mức độ có thể – đến mọi nhu cầu được bày tỏ, kể cả nhu cầu của những người bị gạt ra bên lề.

c) Khuyến khích sự bày tỏ mang tính xây dựng của những quan điểm bất đồng.

d) Đây là logic của sự nhất trí: cho phép điều tốt được lựa chọn và thực thi để làm nổi bật theo chiều hướng từ dưới lên, nhờ cuộc đối thoại kiên nhẫn và cởi mở, trong phạm vi có thể, hầu hướng tới sự đồng thuận của toàn bộ.

————————-

[1] Trong bối cảnh xã hội của sự đô thị hóa và của sự phát triển các thành phố vào thế kỷ XIII, các giáo hoàng đã nhìn thấy trong các dòng khất sĩ (gồm cả các anh em Phan-sinh) một cội nguồn quý giá cho việc loan báo Tin mừng và chăm sóc đời sống thiêng liêng cho các tầng lớp đô thị mới. Tuy nhiên, điều này đã làm cho lối sống nguyên thủy biến thành một đời sống định cư một chỗ và tu viện – không phải lối sống hành khất – được đảm bảo bằng việc sở hữu các loại thu nhập kinh tế, trong các tu viện lớn, qua các Studia để nghiên cứu và giảng dạy thần học cho các ứng sinh. Và tất cả những điều này, so với cuộc sống lưu động và “buông bỏ để Chúa quan phòng” của lối sống Phan-sinh thời sơ khai, có vẻ như là một sự phản bội thực sự.