Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những Nẻo Đường Tâm Linh: Linh Đạo Dòng Thánh Thể

Administrator
2018-09-23 09:29 UTC+7 28
Giuse Trần Văn Diệu, OP. Giuse Lý Văn Thưởng, OP.   DẪN NHẬP Trong Lời ngỏ của một tập sách nhỏ có tựa đề : “Cha Thánh Eymard và Hội dòng của ngài” do Miền các Thánh Tử đạo Việt Nam ấn hành năm 2000. Lm Vinh-sơn Nguyễn Văn Hoà, SSS., Bề trên Miền viết rằng: […]


Giuse Trần Văn Diệu, OP.

Giuse Lý Văn Thưởng, OP.

 

DẪN NHẬP

Trong Lời ngỏ của một tập sách nhỏ có tựa đề : “Cha Thánh Eymard và Hội dòng của ngài” do Miền các Thánh Tử đạo Việt Nam ấn hành năm 2000. Lm Vinh-sơn Nguyễn Văn Hoà, SSS., Bề trên Miền viết rằng:

“Thánh Thể, món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban cho con người để Ngài mãi mãi là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Thể là Bí tích ban sự sống cho Giáo Hội qua từng thời đại, cho mỗi cá nhân người người Ki-tô hữu trên bước đường tiến về Thiên quốc. Thế nhưng, con người, nhất là trong những thế kỷ văn minh vượt bực này, dễ quên đi sự hiện diện lặng lẽ của Đức Giê-su nơi Nhiệm tích Thánh Thể. Thánh Eymard, dù sinh ra và sống cách chúng ta đã gần 200 năm (1811-1868) nhưng người vẫn đang là vị ngôn sứ thực khẩn thiết cho thế giới hôm nay về niềm tin vào Chúa Giê-su, một Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người… Vai trò ngôn sứ của thánh Eymard cho Đức Ki-tô còn mãi nhập thể trong nhân loại nơi Nhiệm tích vô cùng cao quý này.”

Và gần đây, trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, công bố vào Thứ Năm Tuần Thánh ngày 17 tháng 4, 2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết rằng việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ có một giá trị vô song đối với đời sống của Hội Thánh, nó nối kết chặt chẽ với việc cử hành Hy tế Tạ ơn. Vì thế, Đức Thánh Cha yêu cầu các vị mục tử phải có trách nhiệm khuyến khích, đồng thời nêu gương sáng về việc tôn sùng Thánh Thể, và đặc biệt việc trưng bày Thánh Thể, cũng như việc tôn thờ Đức Ki-tô hiện diện trong hình Thánh Thể. Đây là một việc làm đã được cổ võ bởi gương sáng của nhiều vị Thánh, nổi bật là thánh An-phong-sô Li-guo-ri, bởi vì : trong số các việc đạo đức, thì việc thờ phượng Đức Giê-su trong Thánh Thể là cao cả nhất sau các bí tích, việc mà Thiên Chúa yêu thích nhất và đem lại lợi ích cho chúng ta. Thánh Thể là một kho tàng vô giá : không những nhờ việc cử hành mà còn nhờ việc cầu nguyện trước Thánh Thể ngoài Thánh lễ, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với chính nguồn mạch của ân sủng.[1]

Và hôm nay, trong bầu khí mà cả Giáo Hội hoàn vũ cử hành “Một Năm Đặc biệt của Bí Tích Thánh Thể” từ tháng 10, 2004 đến tháng 10, 2005, nhóm thuyết trình xin giới thiệu với anh em đôi nét chính yếu về Linh đạo của một Hội dòng chuyên phụng sự Thánh Thể. Đó là Dòng Thánh Thể, do thánh Pierre-Julien Eymard sáng lập vào năm 1856.

I. SƠ LƯỢC VỀ ĐẤNG SÁNG LẬP VÀ VIỆC HÌNH THÀNH DÒNG THÁNH THỂ

Thánh Pierre-Julien Eymard sinh ngày 4 tháng 2, 1811 tại La Mure d’Isère, nước Pháp. Ngài lãnh tác vụ linh mục ngày 20 tháng 7 năm 1834 trong giáo phận Grenoble, được bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Chatte và sau đó là cha sở họ đạo Monteynard. Đang khi còn làm vụ giáo xứ, vào năm 1839 ngài xin gia nhập Dòng Đức Mẹ Thừa Sai. Nhà Dòng đã trao cho cha lần lượt những chức vụ quan trọng. Trong thời gian này, có hai biến cố quan trọng xảy ra đã ảnh hưởng sâu xa vào đời sống thiêng liêng của cha Eymard. Hai ơn này đều phát nguồn từ Phép Thánh Thể.

Ơn thứ nhất ngài nhận được nhờ đọc các thư của bà Marie Eustelle Harpain, người có lòng yêu mến cách đặc biệt đối với Bí Tích Thánh Thể, và đã chết như một vị thánh vào năm 1842.[2]

Ơn thứ hai xảy ra vào ngày 25 tháng 5, 1845, nhằm ngày Lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô khi cha Eymard được mời kiệu Mình Thánh Chúa trong cuộc rước long trọng qua các đường phố Lyon và ngài đã xúc động mãnh liệt trước sự Hiện Diện Thực của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể. Ngay từ giây phút ấy tâm hồn cha Eymard đã rộng mở trước chiều kích về Chúa Ki-tô và ngài khát vọng chinh phục được cả thế giới cho Chúa Ki-tô.[3]

Trong khi làm Bề trên Tỉnh của Dòng Đức Mẹ, cha Eymard đã viếng thăm cộng đoàn Paris, lần đầu tiên ngài gặp một số hội viên của Hội Chầu Đêm, đặc biệt là Bá Tước Raymond de Cuers, một sĩ quan Hải quân nổi tiếng, sau này trở thành linh mục, bạn đồng hành đầu tiên trong việc sáng lập Dòng Thánh Thể và là vị BTTQ kế nhiệm thánh Eymard, và người thứ hai là cha Herman Cohen, nhạc sĩ dương cầm người Do thái, vị sáng lập ra Hội Chầu Đêm dành cho nam giới tại Paris. Cả hai đều là những người mới trở lại sau nhiều năm ơ hờ đạo nghĩa. Cha Eymard hết sức cảm phục các vị này về sự dấn thân trong việc tổ chức các giáo dân chầu Thánh Thể ban đêm.[4]

Và một ngày kia, đang khi cầu nguyện tại đền Đức Mẹ ở Fourvière, Lyon, ngài cảm thấy xúc động mãnh liệt về tư tưởng : các linh mục triều bị bỏ rơi trong đời sống thiêng liêng ; giáo dân thiếu huấn luyện ; người ta thiếu lòng sùng kính đối với Bí Tích Cực Thánh và những tội xúc phạm đến Bí Tích cao cả này. Và, có lẽ, từ đây cha Eymard đã được khơi mở một ơn gọi mới (1851), điều này đã được cha Eymard hồi tưởng lại trong cuộc Tĩnh Tâm ở Maurice vào cuối đời. Ngài viết : “Chúa hiện diện một mình nơi Phép Thánh Thể, không một dòng tu nào săn sóc đến Người, tôn kính Người và làm vinh danh Người. Tại sao lại không có tổ chức nào, như Dòng Ba chẳng hạn ?”[5] Những tư tưởng này luôn thôi thúc ngài, vì thế, ngài quyết định thành lập một Hội dòng Ba dành cho nam giới chuyên lo việc tôn thờ đền tạ. Công cuộc này được phát triển dần dần và cuối cùng đã đi tới quyết định thành lập một dòng tu chuyên biệt để tôn thờ và truyền bá lòng sùng kính Thánh Thể.[6]

Vì không thể thực hiện được công cuộc này đang khi vẫn còn là một tu sĩ Dòng Đức Mẹ Thừa Sai, nên buộc lòng cha Eymard phải xin ra khỏi dòng. Ngày 13 tháng 5,1856, được coi là ngày chính thức thành lập Dòng Thánh Thể, với việc cha Eymard đặt Mình Thánh Chầu trọng thể trong một nhà nguyện nhỏ ở ngoại ô Paris. Dòng tu mới này đã được Tổng Giám mục Sibour, Paris chấp nhận cho hoạt động trong Giáo phận của ngài. Sau đó, năm 1863, Dòng được Đức Giáo hoàng Piô IX châu phê và trở thành một trong những dòng Giáo hoàng của Hội thánh.

Cũng tại Paris, với sự trợ lực của Mẹ Marguerite Guillot, cha Eymard cũng đã thành lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể năm 1858.

Toàn thể cuộc sống và hoạt động của thánh Eymard đều hướng về một mục tiêu duy nhất là Thánh Thể. Ngài đã đạt tới một nhãn quan mới và tuyên xưng : Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh và xã hội : “ngoài Chúa Giê-su Thánh Thể ra, không còn một trung tâm nào khác”.[7]

II. Ý NGHĨA LINH ĐẠO

1. Sống sung mãn Mầu nhiệm Thánh Thể

Chúng ta biết rằng chính tên gọi của Dòng nói lên ý nghĩa linh đạo. Trọng tâm linh đạo của thánh Eymard cũng như Dòng của ngài đó là Thánh Thể. Thánh Eymard viết rằng : “Chúng ta phải trở về với nguồn sống, đó không nguyên chỉ là Chúa Giê-su lịch sử, hay Chúa Giê-su vinh hiển trên trời, nhưng đặc biệt là Chúa Giê-su trong Thánh Thể”. Lý tưởng của cha Eymard và các tu sĩ của ngài là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy để Đức Ki-tô được hiển trị và vinh quang Thiên Chúa được tỏ rạng trên trần gian.[8] Vì những gì các tu sĩ Thánh Thể khởi sự nơi trần gian này, thì cũng sẽ thực hiện ở trên trời, cùng một việc phụng sự, cùng một tình yêu. Chỉ có điều khác biệt, và đó là điều khác biệt duy nhất là hình thức : Trên trời, Chúa chúng ta ở trạng thái vinh quang, trong khi nơi Phép Thánh Thể, Người ẩn mình dưới bức màn tình yêu. Như vậy, ơn kêu gọi mà các tu sĩ Thánh Thể nhận được hệ tại tác vụ của mình là kẻ tôn thờ, vì đối với họ, chầu Chúa (cầu nguyện trước Thánh Thể) không nguyên chỉ là việc cầu nguyện thoáng qua. Họ chầu Chúa nhân danh Giáo Hội. Chính Giáo Hội uỷ thác cho họ để thực hiện công cuộc ấy nhân danh Giáo Hội. Vì thế, mỗi tu sĩ Dòng Thánh Thể sẽ cầu nguyện ít nhất mỗi ngày một giờ trước Thánh Thể.[9]

Ngay từ giai đoạn đầu tiên, trong các bản thảo Hiến Pháp của dòng được viết ra dưới ảnh hưởng của de Cuers (1853-1855), thì việc chầu Thánh Thể liên lỉ được so sánh với việc canh thức của những người lính canh. Việc Canh Thức này là một nét sống động trong Dòng của cha Eymard, quan niệm về “phận vụ quân sự” được rửa tội thành “nhân đức thờ phượng” (nhân đức kính Chúa), nằm trong nền tảng của “lời Khấn Thánh Thể”. Lời khấn này bao gồm việc tự trao ban toàn bộ chính mình cách liên lỉ, trong Hội dòng, cho việc phụng sự Đức Giê-su Ki-tô Thánh Thể, bằng việc chầu đền tạ liên lỉ, và dùng chính đời sống mình làm hiện vật với Đức Giê-su trong Bánh Thánh, để các kẻ có tội trở lại. Tu sĩ nào mà lời khấn này trói buộc mãi mãi với nhà tạm sẽ chỉ sống bằng đời Thánh Thể của Chúa Giê-su cùng với Mẹ Maria.[10] Bởi vì, chính Đức Ma-ri-a là thầy dạy chúng ta trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Ki-tô, và Mẹ cũng là “nhà tạm đầu tiên” trong lịch sử. Mẹ đã mang Đức Giê-su trong cung lòng cho nên với tước hiệu là Mẹ Chúa Giê-su Thánh Thể,[11] Mẹ đã ca ngợi Chúa Cha “qua” Đức Giê-su, nhưng Mẹ cũng ca ngợi Ngài “trong” Đức Giê-su và “với” Đức Giê-su. Đó cũng chính là “tâm tình tạ ơn” đích thực của mỗi người tín hữu.[12]

2. Thánh Thể, trung tâm của đời sống

Trong cuộc đại Tĩnh tâm ở Rome vào tháng 3, 1865, đây được coi là cuộc tĩnh tâm quan trọng nhất, cha Eymard viết : “Thánh Thể phải luôn chiếm địa vị tối thượng trong mọi lãnh vực”. Vì thế, ngài xác định đặc điểm căn bản của đời sống Ki-tô hữu, đó là phải luôn đặt sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Thánh Thể làm trung tâm của đời sống và mọi hoạt động. Trung thành với thần học thời hậu Công đồng Trentô, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Thánh Thể và tính cách độc đáo của Nhiệm Tích này. Thánh Thể chính là cá vị của Chúa, hay nói cách khác, Thánh Thể là chính Chúa Ki-tô. Từ nguyên lý ấy, ngài rút ra những khẳng định biểu lộ niềm tin sâu xa và vững chắc của ngài đối với Thánh Thể : “Thánh Thể chính là Chúa Giê-su của quá khứ, hiện tại và tương lai… Phúc thay tâm hồn nào biết tìm kiếm Chúa Giê-su nơi Thánh Thể thần linh, và biết tìm kiếm mọi sự nơi Chúa Giê-su trong Bánh Thánh”.

Khi đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện cá vị của Chúa Giê-su trong Thánh Thể, cha Eymard nhận biết rằng, sự hiện diện này là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta dấn thân cho sứ vụ tông đồ : “Ơn hoạt động tông đồ chính là niềm tin vào Chúa Giê-su. Người ở đó, vì thế hãy đến với Người, nhờ Người và trong Người”.

Niềm tin này được nuôi dưỡng bằng đời sống suy gẫm Lời Chúa. Chầu Thánh Thể là một hình thức cầu nguyện đặc biệt mà cha Eymard đề nghị với các tu sĩ của ngài cũng như mọi tín hữu. Đó là một trong những phương thế hữu hiệu để Tình yêu Chúa Ki-tô thấm nhập vào tâm hồn. Hình thức cầu nguyện này phát nguồn từ Thánh Lễ, hay nói đúng hơn, đó là Thánh Lễ kéo dài. Vì thế, cha Eymard đề nghị với các tu sĩ của ngài một phương pháp cầu nguyện dựa theo bốn mục đích của Hy Lễ Thánh Thể. Phương pháp này nhằm mục đích “hiện tại hoá các Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô qua hình thức tôn thờ Thánh Thể cao quý nhất” ; qua việc chăm chú lắng nghe và tuân theo Chúa Thánh Thần để được tấn tới trong sự hồi tâm và trong đức ái khi ở dưới chân Chúa” (Hiến Pháp # 16-17).[13]

Trong Luật Sống # 21 của các tu sĩ Dòng Thánh Thể viết rằng : “Chúng ta đã được kêu gọi để sống thành cộng đoàn Thánh Thể. Nhờ ơn gọi và qua lối sống, chúng ta tìm cách làm chứng rõ hơn nữa về sức sống của Đức Ki-tô, sức sống vẫn tuôn tràn nơi Bí Tích Thánh Thể. Trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, việc cử hành lễ tưởng niệm Chúa luôn chiếm vị trí trung tâm. Đấy là khởi điểm cho chúng ta bắt đầu am hiểu về Thánh Thể cũng là nguồn khởi điểm cho đời sống cầu nguyện và dấn thân của chúng ta”. Nói cách khác, các tu sĩ Thánh Thể nhìn nhận việc cử hành thánh lễ và cầu nguyện trước Thánh Thể là trung tâm của đời sống cá nhân và cộng đoàn.

3. Thánh Thể, thần lương hằng ngày

Cha Eymard đã hết sức nhiệt tâm và không ngừng cổ võ việc rước lễ thường xuyên. Trong một bản văn nổi tiếng được viết vào năm 1863, ngài diễn tả cách rõ rệt vai trò chính yếu của Thánh Thể : “Hãy xác tín rằng lễ hy sinh của Thánh Lễ và sự hiệp thông với Mình Thánh Chúa là nguồn sống và cùng đích của toàn thể đạo giáo, vì thế mỗi người đều có bổn phận phải làm thế nào để lòng sùng kính, các nhân đức và tình yêu của mình trở nên những phương tiện giúp ta đạt tới mục tiêu sau đây là : cử hành các Mầu Nhiệm thần linh các xứng đáng và trung thành lãnh nhận Nhiệm Tích này”.

Cha Eymard đã phá thông lệ của thời đại ngài về việc rước lễ thường xuyên. Nhiều vị mục tử thời cha Eymard, viện lẽ để tôn kính Bí Tích Thánh Thể, nên đã ngăn cản các tín hữu tham dự thường xuyên vào Bàn Tiệc Thánh. Vì thế, trong một bức thư, cha Eymard viết : “Những ai muốn bền đỗ, hãy đến lãnh nhận Chúa, Người là Bánh nuôi dưỡng đem lại sức mạnh và ơn nâng đỡ cho ta. Hội Thánh mong ước như vậy và khuyến khích ta rước lễ hằng ngày. Công đồng Trentô đã minh định điều đó. Có người nói : Phải hết sức thận trọng… Nhưng chúng ta có thể đáp lại : Nếu lâu lâu mới dùng Của Ăn này, thì làm sao có thể coi đó là của ăn hằng ngày được, mà phải coi đó là của ăn đặc biệt. Vậy đâu là lương thực hằng ngày để dưỡng nuôi tôi ?”.

Vấn đề trên, sau này đã được Công đồng Vatican II đề cập và Công đồng đã khuyên “giáo dân tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo hơn bằng cách rước Mình Thánh Chúa, trong cùng một Thánh lễ sau khi linh mục rước lễ rồi”. Làm như vậy Công đồng đặc biệt thúc đẩy thực hiện một ước nguyện khác của các nghị phụ Công đồng Trentô là, để tham dự mầu nhiệm Thánh Thể cách đầy đủ hơn, thì “trong mỗi Thánh lễ, các tín hữu tham dự phải thông hiệp, không những bằng tâm tình thiêng liêng, mà còn bằng việc lãnh Bí Tích Thánh Thể nữa”.[14]

Như vậy, Rước Lễ phải là nền tảng của đời sống Ki-tô hữu: “Hiệp Lễ trước hết phải là mục tiêu của đời sống Ki-tô hữu. Bất cứ việc đạo đức nào không chút quan hệ với Hiệp Lễ đều không hướng về mục tiêu chính của đời sống”. Rước Lễ cách thức hữu hiệu sẽ biến đổi cuộc đời ta : “Chúa ngự vào lòng ta cách nhiệm tích để sống trong ta cách thiêng liêng”. Đó là những ghi chú mà cha Eymard viết trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rôma 1856. Trong Luật Sống §29 viết rằng : “Bánh rượu đã thành Thánh Thể vẫn không ngừng nhắc nhở chúng ta về Bữa Tối của Chúa, về việc tạ ơn của Hội Thánh và hy lễ ngợi khen của toàn thể nhân loại. Một cách độc đáo, bánh rượu ấy cho chúng ta thấy rõ sự hiện diện của Đức Ki-tô, Đấng đã đổ tràn đầy sự sống của Người vào trong chúng ta khi trao ban cho chúng ta Thần Khí của Người”.

4. Thánh Thể, nguồn mạch của thế giới mới

Vào năm 1861 cha Eymard viết rằng: “Đời sống hoàn toàn chiêm niệm không thể là đời sống Thánh Thể trọn vẹn được, vì lò lửa cần phải có lửa”. Là một kẻ tôn thờ, ngài cũng là một tông đồ nhiệt thành của Thánh Thể và ngài đã vạch ra những đường lối để làm tôn vinh Mầu Nhiệm này. Và chúng ta có thể tóm lược trong mấy điểm chính sau:

a. Canh tân đời sống Ki-tô hữu

Nhiệm vụ này không nguyên chỉ nhắm vào công cuộc khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết hay thờ ơ lãnh đạm đối với đời sống đức tin, mà còn nhắm vào công cuộc phục hồi những yếu tố cốt yếu của đời sống Ki-tô hữu bị vùi lấp dưới hàng ngàn hàng vạn việc đạo đức hình thức và trống rỗng nữa. Trong bản thảo đầu tiên của Thủ bản Huynh Đoàn Thánh Thể, cha Eymard đưa ra nguyên tắc : “Con người là tình yêu giống hình ảnh Thiên Chúa. Vậy cũng giống như con người là tình yêu thế nào, thì con người cũng là sự sống như vậy”. Rồi ngài giải thích : “Mọi tình yêu đều có khởi điểm, trung điểm và cùng đích”. Từ nguyên tắc này, ngài rút ra yếu tố căn bản cho sự lớn mạnh của đời sống thiêng liêng: “Để tâm hồn sốt mến được lớn mạnh hơn trong đời sống của Đức Giê-su Ki-tô, điều quan trọng trước hết là tâm hồn ấy phải được nuôi dưỡng bằng chân lý thần linh và thiện hảo của tình yêu Chúa, nhờ vậy, tâm hồn ấy mới có thể tấn tới từ ánh sáng đến tình yêu, rồi từ tình yêu đến nhân đức”.[15]

b. Bí tích tình yêu

Các dòng tu cha Eymard sáng lập đều được mời gọi sống theo tình yêu mà bí tích của tình yêu là Thánh Thể, nghĩa là Thánh Thể là dấu bề ngoài của Tình Yêu Thiên Chúa. Ngài viết trong Hiến Pháp : “Vì thế, đối với mọi tu sĩ của chúng ta, tình yêu đối với Chúa Giê-su Thánh Thể phải là quy luật tối cao, là đối tượng của lòng nhiệt thành và là dấu chỉ đặc biệt của sự thánh thiện”. Ở một chỗ khác cha Eymard viết rằng điều làm ngài xúc động hơn hết về ơn gọi Thánh Thể là tình yêu từ bi và thương xót của Chúa, chính vì tình yêu ấy mà Người không những đã chịu đựng ta, bất kể sự nguội lạnh và lãnh đạm của ta, hơn nữa Người còn bao bọc ta bằng tình yêu dịu dàng, đổ tràn muôn ân huệ xuống trên ta và hằng ngày đón nhận ta vào bàn tiệc của Người, nơi Phòng Tiệc Ly của Tình yêu.[16]

Chúng ta biết rằng, trong các hình ảnh được cha Eymard sử dụng, thì hình ảnh về Phòng Tiệc Ly được ngài sử dụng thường xuyên hơn hết. Như vậy, ngài phải thường xuyên chiêm niệm về hình ảnh này và hẳn là tâm hồn ngài xúc động biết bao khi suy gẫm về Bữa Tiệc Ly, khi cố gắng thấu hiểu tình yêu nơi tâm hồn Chúa Giê-su lúc Người lập Phép Thánh Thể. Đây là suy niệm căn bản đã đem lại cho ngài tất cả mọi giáo huấn về tình yêu và lòng tri ân đối với Chúa. Vì chúng ta thấy rằng Phòng Tiệc Ly: nơi Thánh Thể được thiếp lập; nơi tình yêu được ban tặng ; nơi tình yêu được truyền dạy; nơi quy tụ cộng đoàn huynh đệ; nơi tôn thờ Thánh Thể ; nơi biến đổi nhờ Thánh Thần và là nơi ban hành sứ vụ.[17]

c. Nước Thánh Thể

Lý tưởng cha Eymard uỷ thác cho các con cái thiêng liêng của ngài là “làm cho khắp bốn phương cháy lên ngọn lửa tình yêu Thánh Thể”. Đó là ý nghĩa của thành ngữ “Nước Thánh Thể”. Thành ngữ này được cha Eymard sử dụng thường xuyên trong các tác phẩm của ngài. Trong một bài báo được đăng trên tờ Le Très Saint Sacrament do chính ngài sáng lập, có tựa đề là “Kỷ nguyên Thánh Thể” ngài viết : “Tệ hại lớn lao nhất của thời đại chúng ta là người ta không đến với Chúa Giê-su Ki-tô là chính Đấng Cứu Độ và là Thiên Chúa. Họ từ bỏ nền tảng duy nhất, giới luật duy nhất, nguồn Ơn Cứu Độ duy nhất… Vậy phải làm gì ? Chúng ta phải trở về nguồn sống, đó không nguyên chỉ là Chúa Giê-su lịch sử, hay Chúa Giê-su vinh hiển trên trời, nhưng đặc biệt là Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Phải đưa Người ra khỏi bóng tối để một lần nữa Người có thể chiếm địa vị thủ lãnh của xã hội Ki-tô giáo… Ước chi Nước Thánh Thể được lan rộng …”[18]

d. Trung tâm của sự hiệp nhất và tha thứ

Chúng ta biết rằng Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải liên kết chặt chẽ với nhau. Vì Thánh Thể làm cho Hy tế Cứu chuộc trên Thánh Giá nên hiện diện, bằng cách làm cho nó tồn tại mãi cách bí tích, điều đó có nghĩa là từ bí tích này phát sinh một nhu cầu hoán cải liên tục,[19] từ đó chúng ta tham dự một cách trọn vẹn vào Hy tế Thánh Thể. Thánh Phao-lô viết rằng Đức Ki-tô đã phá đổ mọi bức tường ngăn cách (xc. Ep 2,14) và kiến tạo sự hiệp nhất. Thánh Thể là bí tích tuyệt hảo của sự hiệp nhất đoàn dân Thiên Chúa, vì nó là biểu hiện hoàn hảo nhất và nguồn mạch vô song của sự hiệp nhất. Khi cử hành Hy tế Thánh Thể, Hội Thánh cầu xin Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót ban cho con cái Người tràn đầy Thánh Thần để họ trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô.[20] Như vậy, trong tình hiệp nhất ấy, mỗi người được mời gọi sống như một người anh em giữa những người anh em theo nghĩa đầy đủ nhất trong cộng đoàn. Bên cạnh đó, giữa những thử thách và yếu đuối, cộng đoàn tu được mời gọi đổi mới không ngừng dưới ánh sáng Lời Chúa và trong bầu khí lắng nghe nhau.[21]

5. Thánh Thể, Bí Tích Sự Sống

Công đồng Vatican II tuyên bố cách xác đáng rằng Hy tế tạ ơn là “nguồn mạch và chóp đỉnh của của đời sống Ki-tô hữu”. “Thật vậy, Phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh: đó là chính Đức Ki-tô, Người là mầu nhiệm Phục sinh và bánh hằng sống của chúng ta. Người ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã nên sống động nhờ Thánh Thần và ban sự sống cho con người”.[22]

Thánh Thể là chính sự sống của con người. Thánh Thể là trung tâm cho cuộc sống của ta. Tất cả mọi người, bất phân biệt chủng tộc hoặc tiếng nói, tất cả đều có thể đến cử hành các ngày lễ của Hội Thánh. Thánh Thể ban cho ta luật sống, đó là luật bác ái, nguồn mạch của sự sống. Vì thế, Thánh Thể tạo nên mối giây ràng buộc ta với nhau, đó là mối tình ruột thịt thiêng liêng. Tất cả đều cùng ăn một bánh, cùng uống một chén, tất cả đều là khách đồng bàn của Chúa Giê-su Ki-tô… Quả thực, Thánh Thể là chính sự sống của các tâm hồn và của xã hội, cũng như mặt trời là nguồn sống của thể xác và trái đất. Không có mặt trời trái đất sẽ khô cằn. Chính mặt trời làm cho trái đất được phì nhiêu, tươi tốt và phong phú… Tuy nhiên, mặt trời này cũng phải tuân phục Mặt Trời Tối Cao là Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng soi sáng cho mọi người đến trong trần gian và cũng chính Người, nhờ Thánh Thể, Bí Tích của sự sống, tác động tận đáy tâm hồn người ta để biến họ thành những gia đình và dân tộc Ki-tô hữu. Ôi hạnh phúc thay ! Hạnh phúc biết bao tâm hồn nào đến uống nơi Mạch Nước Hằng Sống này, tâm hồn nào thường xuyên ăn Bánh Trường Sinh này ![23]

6. Thánh Thể, giải phóng con người

Việc dấn thân phục vụ đáp cứu những nhu cầu của người nghèo, người bị áp bức và đau khổ cũng là sứ vụ của các tu sĩ Dòng Thánh Thể. Qua nhiều thời kỳ cho đến nay, các tu sĩ Dòng Thánh Thể đã và đang mang bình an và sự chữa lành của Chúa Giê-su Thánh Thể đến cho các bệnh nhân và những người đang hấp hối tại các bệnh viện nhằm giúp họ thắng vượt những nỗi sợ hãi, đau đớn và sầu khổ. Theo gương đấng sáng lập, là người không xa lạ gì với các anh chị em lượm rác và các trẻ em quậy phá trên các đường phố Paris thời đó, các tu sĩ Thánh Thể ngày nay đang hoà mình với với những người bị áp bức, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội để khám phá ra sứ vụ riêng của họ trong các cấu trúc xã hội tội lỗi, nơi mà nhân phẩm và nhân quyền của nhiều người đang bị tước đoạt.

Vì thế, sự hiện diện của Chúa Ki-tô khi cử hành Thánh Thể đòi hỏi các tu sĩ Dòng Thánh Thể phải trở thành những ngôn sứ cho thời đại hôm nay. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong Lời được công bố kêu gọi họ phản ứng trước tình trạng thờ ơ với tôn giáo, với đạo nghĩa đang lan tràn trong xã hội hiện đại. Sự hiện của Đức Ki-tô trong bánh và rượu thúc bách họ đấu tranh chống lại đói nghèo và thói chạy theo vật chất của con người ngày nay. Sự hiện diện của Đức Ki-tô trong cộng đoàn tham dự phụng vụ Thánh Thể giúp họ biết trân trọng và đón nhận người khác. Sứ vụ giải phóng của họ trong Chúa Ki-tô khuyến khích họ nâng đỡ nhau khi phải đối diện với những bất công. Thánh Thể kêu gọi họ đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa khoái lạc và nạn phân biệt đối xử với phụ nữ.[24]

III. NHẬN ĐỊNH

Chúng ta có thể nói rằng ngày nay việc đặt và chầu Thánh Thể không chỉ riêng dòng Thánh Thể nhưng còn có rất nhiều các giáo xứ, các cộng đoàn và các dòng tu khác vẫn trung thành hàng ngày, hằng tuần hay hằng tháng thực hiện công việc tôn sùng Nhiệm Tích cao quý này.

1. Giá trị của việc cầu nguyện trước Thánh Thể

Từ trước đến nay, nhiều người đã và đang khám phá ra mạch nguồn của sức sống Ki-tô hữu qua việc cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể. Giá trị của việc cầu nguyện trước Thánh Thể là giúp cho cộng đoàn và cá nhân các tín hữu có cái nhìn hiểu biết hơn về sự hiện diện của Đức Ki-tô mà họ gặp gỡ trong thánh lễ. Thứ đến, nhờ tác động quyền năng của Chúa Thánh Thần, việc cầu nguyện ấy giúp các cá nhân thêm nghị lực để tìm kiếm và đạt đến sự tổng hoà các tương quan trong cuộc sống. Tiếp theo, việc cầu nguyện trước Thánh Thể giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện đích thực (real presence) của Chúa dưới hình thức mới, nơi những con người giống như những miếng vụn trong cuộc sống của những người thuộc thành phần thiểu số, nơi những nhân vị thường bị xã hội đối đãi như những miếng vụn bị thải đi, như những vật thừa thãi. Sau cùng, cầu nguyện trước Thánh Thể còn giúp củng cố việc đào luyện thần trí luôn quy hướng về Chúa Ki-tô cả khi tôn thờ lẫn lao tác.

Vậy cầu nguyện trước Thánh Thể chính là tiếp tục tiến trình “Thánh Thể hoá” cuộc sống của tín hữu. Đó là thời gian linh thánh chúng ta có thể cảm nếm, thích nghi, nội tâm hoá và tháp nhập được với sự viên mãn của Mầu nhiệm Thánh Thể. Điều này đúng với ý tưởng của thánh Âu-tinh về Thánh Thể: Chúng ta sẽ trở nên như chính mầu nhiệm chúng ta cử hành. Và thánh Eymard đã cảm nghiệm mạnh mẽ trong đời ngài rằng: cầu nguyện và hiệp thông Thánh Thể sẽ mạc khải cho chúng ta thấy tình yêu của Chúa dành cho con người thật mãnh liệt và dồn dập. Việc cầu nguyện ấy cũng làm cho chúng ta tan biến trong vinh quang của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng được công bố và biểu tỏ nơi Thánh Thể.[25]

2. Giáo hội Việt Nam hôm nay sống Mầu nhiệm Thánh Thể như thế nào?

Ngày xưa, thánh Eymard và cha de Cuers tin rằng sự đổi mới thế giới Ki-tô giáo và làm sống lại đức tin phải được đặt nền tảng trên Thánh Thể. Cụ thể là việc đổi mới Giáo hội Pháp đòi hỏi mọi tầng lớp, đặc biệt tầng lớp cầm quyền, phải được nhận ra một cách công khai sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể. Đó là một phương tiện tuân giữ giới răn thứ nhất, và để thực hiện được điều này cách tốt nhất là bằng một lễ nghi và việc tôn sùng thích hợp trong các nhà chầu Thánh Thể.

Trong Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 2004 về Giáo hội sống Mầu nhiệm Thánh Thể các Đức Giám mục nói lên lòng mong ước và mối bận tâm làm thế nào để Mầu nhiệm Thánh Thể được toả sáng trong Giáo hội tại Việt Nam hôm nay. Các ngài kêu mời sự quyết tâm trở về với cội nguồn của mọi sinh hoạt Giáo Hội, là Mầu nhiệm Thánh Thể, để từ đó chúng ta kín múc sinh lực cho một sự dấn thân quảng đại, và để loan báo Tin Mừng trong thiên niên kỷ mới. Muốn thực hiện được những mong muốn đó trước hết, Giáo hội phải sống hiệp thông để trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô. Bởi vì sự hiệp thông Thánh Thể đưa đến xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo hội như lời thánh Tông đồ viết : “Chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Thứ đến, Giáo hội phải sống tình yêu tự hiến khởi đi từ chính tình yêu tự hiến của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô. Bởi vì chính Mầu nhiệm Thánh Thể làm nên một Giáo hội biết yêu thương, cho nên Giáo hội tự hiến trở nên lương thực bồi bổ cho cộng đoàn nhân loại mỗi ngày thêm lớn mạnh như Giáo hội được nuôi sống bằng thân Mình bị nộp, bằng Máu bị đổ ra và bằng Thần Khí của Đức Ki-tô. Tiếp theo, Giáo hội phải sống chia sẻ như tấm Bánh là chính Thân Mình Đức Ki-tô được bẻ ra cho mọi người thông phần. Sự chia sẻ là một hành vi bác ái thể hiện tình huynh đệ Ki-tô giáo. Các Đức Giám mục kêu gọi mọi thành phần trong Giáo hội địa phương hãy quan tâm đến nhau, hãy chia sẻ cho nhau những của cải tinh thần cũng như vật chất và giúp đỡ những người hoạn nạn yếu đau, nhất là những người nghèo, để Giáo hội thực sự trở thành Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo.

3. Dòng Thánh Thể tại Việt Nam

Dòng Thánh Thể đến Việt Nam năm 1970. Cộng đoàn đầu tiên được thiết lập năm 1973 và trở thành Miền Dòng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 1992 trực thuộc Tỉnh Dòng Phi Luật Tân. Như vậy, chúng ta thấy rằng các tu sĩ Dòng Thánh Thể tại Việt Nam còn “rất trẻ” với số nhân sự khiêm tốn khoảng 40 linh mục và tu sĩ. Do mối quan hệ khăng khít giữa Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể cho nên việc đào tạo và huấn luyện các thừa tác vụ phụng vụ được coi trọng nhất. Ngoài ra, các tu sĩ Dòng Thánh Thể còn tổ chức các buổi chầu Thánh Thể thường kỳ tại các giáo xứ trực thuộc Dòng và những buổi tĩnh tâm cho các giới. Việc hoạt động dấn thân phục vụ người nghèo, những nhóm công nhân nhập cư, những bệnh nhân tại một số bệnh viện và giới trẻ cũng là những mối ưu tư của các tu sĩ Dòng Thánh Thể.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người mong ước là những trung tâm tĩnh nguyện,[26] đây là một trong 9 hoạt động ưu tiên của Hội dòng,[27] ở đó họ có một không gian và thời gian riêng biệt bên Thánh Thể Chúa, vẫn chưa thực sự đáp ứng một cách đầy đủ và phổ biến cho nhu cầu tâm linh của con người thời đại hôm nay. Có thể trên đây chỉ là một nhận định phiến diện của “kẻ ngoại đạo”. Nhưng thiết nghĩ, Dòng Thánh Thể phải làm sao đẩy mạnh được ưu thế của mình để giúp người khác đến kín múc được sức sống từ trong di sản phong phú ấy và nhờ đó họ có thể trở nên những nhân chứng đích thực cho quyền năng đổi mới của Thánh Thể đối với Giáo hội và xã hội.[28]

KẾT LUẬN

Như vậy, chúng ta thấy rằng việc ra đời một Hội dòng tu sĩ tận hiến cho việc tôn sùng Thánh Thể và chầu liên lỉ trước Bí Tích Thánh Thể trong tinh thần đền tạ đã mang lại cho Giáo hội một sức sống mới là những hoa trái thiêng liêng cho đời sống đức tin của Giáo hội. Có thể nói, chính việc tôn thờ Chúa Giê-su Thánh Thể mà Giáo hội được đổi mới nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chính nhờ việc suy niệm, chiêm ngắm và thinh lặng bên Thánh Thể đã giúp chúng ta kín múc được sự bình an trong tâm hồn, nhận ra tình thương của Chúa Ki-tô là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Nhờ đó Giáo hội múc nguồn sự sống từ Đức Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể ; nhờ Người Giáo hội được nuôi dưỡng và nhờ Người Giáo hội được soi sáng. Thánh Thể vừa là một mầu nhiệm đức tin vừa là một “mầu nhiệm ánh sáng”. Bất cứ nơi nào Hội Thánh cử hành Thánh Thể, người tín hữu có thể một cách nào đó sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau: “mắt của họ được mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31).[29]

Sau hết, Thánh Thể đem lại cho xã hội Ki-tô giáo sức mạnh để tuân giữ luật tôn trọng, để thực hành bác ái đối với tha nhân như chính Chúa đã làm và Người cũng muốn hết thảy mọi người phải tôn trọng và yêu thương nhau. Chính vì thế Người đã đồng hoá mình với họ : “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho Ta vậy” (Mt 25,40). Và hơn thế nữa, Người là Đấng vô hạn lại chấp nhận ở trong một tấm bánh hữu hạn để ở giữa chúng ta. Một nghịch lý đức tin!

 

Tài liệu tham khảo

1/. Donal Cave, Nghiên cứu nguồn gốc Dòng Thánh Thể, Vol. IV, De Cuers – Eymard, Rôma, 1991.

2/. Dòng Thánh Thể Việt Nam, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma, Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể.

3/. Dòng Thánh Thể, Luật Sống, 2001

4/. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, 17-4-2003.

5/. Miền các Thánh Tử đạo Việt Nam, Cha Thánh Eymard và Hội dòng của ngài, 2000.

6/. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rô-ma.

7/. Sr. Catherine Marie Caron, SSS., Thuyết trình về Linh đạo Eymard, Việt Nam, 1999.

8/. Giáo hội sống Mầu nhiệm Thánh Thể, Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 2004.

9/. Công đồng chung Vatican II, Bản dịch Việt ngữ của Phân khoa Thần học, Giáo hoàng Học Viện thánh Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, 1972.

 

 

 

[1] Xc. Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 25.

[2] Xc. Sr. Catherine Marie Caron, SSS., Thuyết trình về Linh đạo Eymard, tr. 19-20.

[3] Xc. Sr Catherine Marie Caron, SSS., Tlđd., tr. 20-21.

[4] Xc. Donal Cave, Nghiên cứu nguồn gốc Dòng Thánh Thể, Vol. IV, De Cuers – Eymard, tr. 3.

[5] Xc. Sr Catherine Marie Caron, SSS., Tlđd., tr. 22.

[6] Xc. Dòng Thánh Thể, Luật Sống # 2, 2001.

[7] Xc. Dòng Thánh Thể Việt Nam, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma, Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể, tr. 7.

[8] Xc. Dòng Thánh Thể, Luật Sống # 1, 2001.

[9] Xc. Dòng Thánh Thể, Luật Sống # 29.

[10] Xc. Donal Cave, Tlđd., tr. 19-20.

[11] Xc. Dòng Thánh Thể, Luật Sống # 14.  

[12] Xc. Gio-an Phao-lô II, Tlđd, số 55-58.

[13] Xc. Dòng Thánh Thể Việt Nam, Tlđd., tr. 8-9.

[14] Xc. Quy chế Tổng quát sách lễ Rô-ma, tr. 11.

[15] Xc. Dòng Thánh Thể Việt Nam, Tlđd., tr. 11-12.

[16] Xc. Tlđd.,.

[17] Xc. Sr Catherine Marie Caron, SSS., Tlđd., tr. 50-113.

[18] Xc. Dòng Thánh Thể Việt Nam, Tlđd., tr. 11-14.

[19] Xc. Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Tlđd., số 37.

[20] Xc. Tlđd., số 43.

[21] Xc. Luật Sống # 8+9

[22] Xc. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Đời sống và Sứ vụ các Linh mục Presbyterorum Ordinis, số 5 & 6, (Bản dịch Việt ngữ của Phân khoa Thần học, Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, 1972.)

[23] Xc. Dòng Thánh Thể Việt Nam, Tlđd., tr 14-16.

[24] Xc. Cha thánh Eymard và Hội Dòng của ngài, tr. 8-10.

[25] Xc. Tlđd., tr. 12-17.

[26] Xc. Dòng Thánh Thể Việt Nam, Luật Sống # 42.

[27] Xc. Dòng Thánh Thể Việt Nam, Qui chế chung, số 34.2.

[28] Xc. Cha thánh Eymard và Hội Dòng của ngài., tr. 4.

[29] Xc. Gioan Phao-lô II. sđd., số 6.