Gioan Phêny Ngân Giang, OP.
Xuất hiện vào hậu bán thế kỷ thứ III, phong trào đan tu phát triển mạnh mẽ và lan toả trong toàn bộ đời sống Giáo hội. Cùng với phong trào này, nhiều khuôn mặt Giáo phụ đã toả sáng trong lối sống đan tu cùng với vai trò và tầm quan trọng của các đan viện. Thánh Antôn xuất hiện như là vị “tổ phụ của các đan sĩ” với phong trào ẩn tu. Ngài là người khai mào con đường đi vào sa mạc, sống đời đơn độc như Chúa Kitô để tìm gặp Thiên Chúa. Trong khi đó, thánh Pakhôm lại là người khai sinh đời tu cộng đoàn, lấy đức vâng lời làm chuẩn mực. Tuy chưa có lời khấn nhưng đây là đời tu nhấn mạnh đến sự suy niệm Thánh kinh, sống khổ chế cách chừng mực và làm việc cộng đoàn. Tuy nhiên, đến thánh Basiliô, chúng ta mới có thể nói đến một “linh đạo đan sĩ” đích thực. Quả vậy, sự đóng góp của ngài cho đời đan tu được bộc lộ qua việc thích nghi, cải tổ và tổ chức thành cơ cấu đời sống cộng tu. Không ai đã làm hơn và có ảnh hưởng lớn đối với đời đan tu hơn thánh Basiliô. Do ngài mà có những “những luật đời đan tu”. Chúng ta cùng tìm hiểu về những đóng góp của ngài qua những phân tích sau.[1]
1. Thánh Basiliô: Đời đan tu và bản tu luật[2]
Những bước đầu trong hành trình tìm đến với đời sống đan tu của Basiliô đã có những ảnh hưởng quan trọng trong đóng góp của ngài vào lối sống này. Có thể nói đây là bối cảnh làm phát sinh những những chọn lựa cũng như khởi đầu cho việc soan thảo bản tu luật của Basiliô sau này.
Quả vậy, vì cảm kích lời khuyên bảo của người chị là Macrina, Basiliô đã rời bỏ nghiệp dạy học, lánh về miền Annesois. Tại đây, ngài cùng một số đồng bạn sống đời tu trì khắc khổ. Có thể nói lý tưởng đời tu lúc đầu của Basiliô chịu ảnh hưởng bởi một nhà khổ tu ở Tiểu Á là Eusthathius, từng là giám mục Sebaste, thuộc Armênie. Chính Eusthathius đã cổ động việc trở về sống triệt để những yêu sách của Tin mừng. Basiliô vì thế cũng đã thử nghiệm qua lối sống tu trì khắc khổ này. Dù rất quý mến Euthathius, nhưng từ năm 375, ngài đã cắt đứt liên lạc với giám mục này bởi vì ông không chịu nhìn nhận thiên tính của Chúa Thánh Thần.Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong bối cảnh này mà Basiliô đã soạn thảo ra một bản luật quen gọi là “bản luật của thánh Basiliô”, một bản văn không nhằm vạch ra cách tổ chức cộng đoàn cho bằng thu thập những giáo huấn của Tân ước hầu giúp các Kitô hữu sống đúng ơn gọi của mình. Quyển sách được đặt tên là “Những quy luật đạo đức” (Regulae Morales hay Moralia: ta êthika) gồm 1500 câu xếp đặt theo đề tài, nhằm giải thích ý nghĩa ơn gọi Kitô hữu. Có thể nói thêm rằng, bản luật này đầu tiên là bản sơ thảo (Parvum Ascetikon) gồm 203 câu vấn đáp. Sau đó, để thích nghi với hoàn cảnh mới trong việc tổ chức cộng đoàn, ngài duyệt lại bản sơ thảo và cho ra đời bản “luật dài” (Magnum Ascetikon, Regulae fusius tractatae) gồm 55 chương, phân biệt với một bản văn khác gọi là “luật ngắn” (Regulae brevius tractatae) gồm 318 câu vấn đáp về những đề tài khác nhau. [3]
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng góp phần vào cái nhìn của Basiliô giúp ngài đề ra một lối sống tu trì chừng mực hơn đó là việc ngài phải đảm nhận công tác mục tử đang khi vẫn rất khao khát nếp sống đan tu. Chính khi là một đan sĩ dấn thân vào công tác mục tử, quan niệm đan tu của Basiliô được tách rời khỏi nếp sống ẩn sĩ và gắn liền với cuộc sống trong Giáo hội.
2. Một lối sống Tin mừng cách chừng mực[4]
Một mặt, bị thu hút bởi lý tưởng sống triệt để của Eusthathius, nhưng mặt khác, Basiliô cũng nhận thấy đây là một lối sống Tin mừng có phần thái quá. Quả vậy, lòng nhiệt thành của Eusthathius đã đưa ông đến những chủ trương cực đoan. Ông chủ trương sự độc thân và khó nghèo là lý tưởng đặt ra cho hết mọi Kitô hữu. Thế nên, người ta coi thường việc lập gia đình so với lý tưởng độc thân hay vì lý tưởng khó nghèo mà bỏ bê công ăn việc làm, chẳng màng đến nghĩa vụ xã hội. Chính Basiliô đã phải tìm cách đối thoại, thay vì lên án, để giúp họ sống đời tâm linh phù hợp với tinh thần Phúc âm hơn.
Bên cạnh đó, có thể nói, đóng góp chính của Basiliô cho phong trào đan tu có lẽ là việc đề ra lối sống theo Tin mừng có trật tự, chừng mực hơn so với chủ trương sống theo Tin mừng cách triệt để, thái quá của Eusthathius. Trong Grandes Règles, khoản 18, ngài cho thấy tinh thần phải có để sống Tin mừng cách đúng đắn và chừng mực ra sao. Quả vậy, một lối sống Tin mừng chừng mức là không thái quá đưa đến chỗ cực đoan, nhưng đàng khác lối sống ấy vẫn phải đáp ứng những yêu sách mà Tin mừng đòi hòi. Bản văn trong khoản luật 18 cho thấy một lựa chọn trong việc ăn uống, qua đó, ngài giáo huấn về tinh thần vừa tự do thanh thoát không câu nệ hay phân biệt vừa cho thấy một lối tu trì chừng mực và quân bình: “Chúng ta nên dùng những gì người ta dọn cho chúng ta. Không nghi ngờ gì, chúng ta thấy rằng thái độ nơi những người Hy-lạp là thiết yếu của sự sùng mộ hầu làm chủ thân thể: ‘Thật vậy, người Hy-lạp tránh sự thái quá’ (1Cr 9,25); nhưng không nên rơi vào sai lầm của những ai mà lương tâm bị đốt cháy và, sau đó, kiêng khem những thực phẩm mà Thiên Chúa làm nên để cho mọi kẻ tin sử dụng trong tâm tình tạ ơn (1Tm 4,2-3). Vì vậy, khi có dịp, cần chạm đến từng món ăn cách vừa đủ để bày tỏ qua cái nhìn về tất cả mà đối với người thanh sạch tất cả đều sạch (Tt 1,15), rằng tất cả những gì Thiên Chúa làm nên đều tốt và rằng người ta không phải bỏ đi cái mà người ta dùng với tâm tình tri ân: ‘vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện đã thánh hoá những thứ đó’ (1Tm 4,4-5). Một cách khách quan, chúng ta thực hiện điều ấy theo cách này: một mặt chúng ta sử dụng theo nhu cầu những gì rất đơn giản, thiết yếu cho cuộc sống, trong khi tránh tất cả sự nhàm chán, và mặt khác chúng ta phải kiềm chế khỏi mọi điều chỉ đề làm hài lòng nó. Như thế, chúng ta làm cùn đi sự kích thích của khoái lạc, chúng ta sẽ tránh cho mình lỗi lầm về những điều mà một lương tâm không còn nhạy bén, và chúng sẽ thoát khỏi sự ngờ vực thái quá theo nghĩa này hay nghĩa khác: ‘Thánh Tông đồ nói tại sao sự tự do của tôi lại bị xét xử bởi lương tâm kẻ khác?’ (1Cr 10,29)…” (Grandes Règles, khoản 18).
Như vậy, khi phân tích các tác phẩm của ngài về đời sống đan tu, người ta nhận thấy một sự tiến triển từ đề xướng lúc đầu theo Tin mừng cách đơn thuần, chịu ảnh hưởng cách nào đó của lý tưởng Eusthathius, đến việc tổ chức được hình thành, chẳng hạn, qua chức vụ của một vị bề trên. Tất cả những điều này được ngài triển khai và trả lời lần lượt trong các khoản của “những bộ luật đan tu”.
3. Luật thánh Basiliô: Thần học và linh đạo về đời đan tu
a. Cổ võ nếp sống cộng tu[5]
Basiliô đã có cái nhìn mới mẻ về đời đan tu. Ngài quan tâm cách đặc biệt đến chiều kích cộng đoàn trong đời sống này. Đây là yếu tố mà theo ngài đời ẩn tu không thể mang lại và thiếu xót. Quả vậy, trong Grandes Règles, khoản 7, cho thấy: “… chúng ta là một thân mình duy nhất, có Đức Kitô làm đầu, và chúng ta là chi thể của nhau, mỗi người góp phần của mình, chúng ta chỉ đi vào trong kiến trúc của một thân mình duy nhất trong Thánh Thần do bởi sự hoà thuận”.[6] Chính nhờ đời sống chung, theo ngài, mỗi người mới san sẻ cho nhau đặc sủng mà Thánh Thần ban tặng để xây dựng cộng đoàn và phục vụ lẫn nhau. Trong khi đó, đời sống biệt lập giống như một rào cản khiến cho ngay cả chuyện chia vui sẻ buồn cũng là điều bất cập: “Nếu như mỗi người trong chúng ta chọn sự cô tịch, nhưng không phục vụ lợi ích chung theo như lòng Chúa muốn, nhưng chỉ thoả mãn sở thích của mình, thì làm sao chúng ta có thể, khi bị xâu xé và phân tán như vậy, gìn giữ được sự tương trợ và sự phục vụ lẫn nhau của những chi thể và sự phục vụ đối với đầu của chúng ta là Đức Kitô? Bởi vì, trong đời một đời sống biệt lập, thì không thể chia vui được với ai đang được ca ngợi, cũng như không thông cảm được với ai đang đau khổ, mỗi người không thể nào biết được hoàn cảnh của người bên cạnh”.[7]
Hơn thế, theo Basiliô, đặc sủng là điều gì mà mỗi người tuỳ vào vị thế của mình được ban tặng hầu xây dựng và nối kết với các đặc sủng của những người khác, vì lẽ, không ai nhận được tất cả mọi đặc sủng thiêng liêng: “… một người không thể nào nhận được tất cả mọi đặc sủng thiêng liêng, Thánh Thần phân phát những ơn của ngài tùy theo mức độ đức tin của mỗi người; nhưng trong đời sống chung, đặc sủng riêng của mỗi người trở nên lợi ích chung cho tập thể”.[8] Thế nên, nếu sống riêng lẻ, đặc sủng ra như bị trở nên vô ích vì sự chôn vùi đặc sủng ấy nơi mỗi cá nhân sống cô độc. Do vậy, nếu sống giữa một tập thể lớn, thì đang khi đặc sủng cá nhân được hưởng trọn, mà mỗi người còn làm gia tăng đặc sủng ấy khi chia sẻ nó cũng như được nhận lại các đặc sủng của những người khác: “Người sống riêng lẻ có thể có một đặc sủng, nhưng người đó làm cho đặc sủng đó ra vô ích bởi sự vô dụng của mình bằng cách chôn vùi đặc sủng đó trong chính mình. Anh em tất cả đều đọc Phúc âm, anh em biết rằng người đó gặp nguy hiểm như thế nào. Trong khi người sống giữa tập thể lớn thì hưởng đặc sủng riêng của mình, làm cho đặc sủng đó gia tăng khi chia sẻ nó, và cũng hưởng được đặc sủng của những người khác như là của chính mình”.[9]
Vậy nên, theo Basiliô, cần hướng đến một đời sống đan tu cộng đoàn hơn là đời sống cô độc. Chính nơi cộng đoàn, như ngài nói, đây là bãi chiến trường để tiến bộ, luyện tập thường xuyên và thực hành chuyên chăm các giới răn của Chúa, vì lẽ, đây cũng là một cộng đoàn huynh đệ: “Bãi chiến trường, con đường chắc chắn của tiến bộ, sự luyện tập thường xuyên, sự thực hành chuyên chăm những giới răn của Chúa, đó cũng chính là một cộng đoàn huynh đệ. Cộng đoàn này hướng về vinh quang của Thiên Chúa theo như huấn lệnh của Chúa Giêsu Kitô”.[10] Như vậy, có thể nói, Basiliô có cái nhìn hướng về chiều ngang, nghĩa là tình huynh đệ “một lòng một ý”, dựa theo lý tưởng của cộng đoàn Giêrusalem (Cv 2,44; 4,32). Do đó, bản luật của thánh Basiliô không phải là một văn kiện pháp lý về thể chế cộng đoàn cho bằng kim chỉ nam thực hành Phúc âm. Mặt khác, lý tưởng của cộng đoàn đan tu là thể hiện sự thông hiệp, một khuôn mẫu mà Giáo hội luôn nhắm tới.[11]
b. Tổ chức đời đan tu[12]
Tuy không chủ trương soạn thảo một bộ luật trình bày cách thức tổ chức đời sống đan tu cộng đoàn, nhưng luật thánh Basiliô lại phản ảnh nét Tin mừng như một kim chỉ nam cho việc sống đời tu theo những chuẩn mực Tin mừng. Lối sống này được ngài thể hiện qua những khoản luật hay qua những lá thư được viết ra. Chúng ta có thể đọc thấy trong đó những nét chính cho việc tổ chức đời sống tu trì này ở những khía cạnh: sự hoàn hảo của đời tu thể hiện qua việc làm mọi sự vì vinh quang Thiên Chúa, tinh thần trách nhiệm, sống đức ái và sự khổ chế; việc tổ chức các giờ kinh nguyện và nhất là những đòi hỏi về nơi chốn cho việc tu trì.
– Sự hoàn hảo và việc khổ chế
Trước hết, sự hoàn hảo của đời tu được thể hiện là: “Mỗi người khi đã được bề trên chấp thuận, hãy làm mọi sự cách khôn ngoan, xác tín, cả đến việc ăn, việc uống, tin chắc rằng ấy là vinh quang Thiên Chúa”. Sau là, trong cách cư xử và làm việc, mọi người tôn trọng người có trách nhiệm, đồng thời ý thức công việc mình làm, không vì sự ganh ghét hay cạnh tranh: “Không được bỏ việc này sang việc nọ khi không được người có trách nhiệm điều động chấp thuận… Ai có việc nấy, không được xen vào việc ở ngoài phạm vi của mình, trừ khi những người có trách nhiệm xét rằng có ai đó cần được giúp đỡ. Không ai tự tiện lân la qua các chỗ làm việc khác. Tuyệt đối không được làm gì vì lòng ganh ghét hay cạnh tranh với người khác”.[13] Có thể nói, phương thế làm cho sự hoàn hảo này nên trọn cũng phát xuất bởi một đòi hỏi về sự khổ chế. Mục đích của việc khổ chế là sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, tuân giữ trung thành và nghiêm nhặt các giới răn. Sự khổ chế được thực hiện qua đời sống đơn độc, sự cô tịch và sự từ bỏ hầu giúp người tu sĩ tháp nhập vào Chúa Kitô và được tự do hoàn toàn (Grandes Règles, khoản 8).
– Các giờ cầu nguyện
Bên cạnh đó, trong các khoản luật của mình, thánh Basiliô cũng cho thấy ngài đã định khung cho việc cầu nguyện hằng ngày vào các giờ đã định. Quả vậy, ngài cho thấy sự thiết yếu phải giữ các giờ kinh cầu nguyện trong các cộng đoàn huynh đệ mà không được phép lơ là hay bỏ qua: “… không phải bởi vì đã có luật cho mọi người phải tạ ơn mọi lúc, và vì bản chất và lý trí chứng tỏ cho chúng ta thấy sự cần thiết của việc tạ ơn đó mà chúng ta lơ là những giờ cầu nguyện đã được thiết lập cách chính thức trong những Huynh đoàn, và đã được chọn cho chúng ta, vì lợi ích đặc biệt của Chúa đã được nhắc lại bởi mỗi giờ kinh”. Hơn thế, các giờ kinh được chia nhỏ ra trong toàn bộ thời gian của một ngày, kể từ giờ kinh sáng của hôm trước cho đến trước bình mình của ngày hôm sau. Có thể đọc thấy những điều này trong Grandes Règles, khoản 37 của ngài như sau: “Trước hết, giờ kinh sáng dành dâng cho Chúa những động tác đầu tiên của linh hồn, bởi vì không nên lo lắng điều gì trước khi vui thoả tâm hồn mình trong Chúa… Vào giờ thứ ba, người ta sẽ đứng cầu nguyện, và người ta sẽ qui tụ Huynh đoàn, ngay cả khi những người này và những người kia còn phải bận rộn với những công việc khác nhau… Chúng tôi cũng thấy cần phải cầu nguyện vào giờ thứ sáu, bắt chước những thánh đã nói rằng : « Buổi chiều, buổi sáng và vào giữa ngày, tôi sẽ trình bày và sẽ kể lại nỗi khốn khổ của tôi, và Chúa sẽ nghe tiếng tôi »… Giờ thứ chín cũng phải được dành riêng cho việc cầu nguyện, theo như các tông đồ đã dạy trong sách Công vụ… Vào cuối ngày, chúng ta cảm tạ Chúa vì những ơn lành đã đón nhận và những việc lành mà chúng ta đã thực hiện được tốt đẹp… Vào lúc đêm xuống, chúng ta cũng phải cầu nguyện lần nữa… Còn đối với nửa đêm, Phaolô và Silas chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng cũng phải cầu nguyện… Sau hết, còn phải dậy một lần nữa để cầu nguyện trước lúc bình minh, ngõ hầu ngày không bắt chợt chúng ta đang ngủ yên trong giường”.[14]
– Nơi chốn tu trì
Song song với việc định hình các giờ kinh nguyện, ngài đặc biệt quan tam đến nơi chốn tu trì. Gắn liền với khung cảnh đời tu là sự cô tịch. Chính sự cô tịch này, theo ngài, khiến các đam mê thiếp ngủ và lý trí thoát khỏi những bận rộn bởi chúng: “Sự cô tịch rất có lợi cho chúng ta, vì nó làm cho các đam mê thiếp ngủ, và cho lý trí được rảnh rang dứt bỏ chúng hoàn toàn khỏi tâm hồn”. Thế nên, đòi hỏi của việc tu trì là cần được gắn liền trong một khung cảnh thuận lợi. Khung cảnh ấy làm cho việc tu luyện được liên tục mà không gián đoạn: “Vậy ước gì, chốn tu trì phải được như chỗ của chúng ta, xa khỏi cảnh thế gian hỗn tạp, ngõ hầu, không có gì từ bên ngoài vào làm gián đoạn việc ta tu luyện. Sự thao luyện lòng đạo này nuôi dưỡng linh hồn bằng những tư tưởng thần linh”. Nhờ vậy, sự an tĩnh nơi khung cảnh sẽ dẫn tâm hồn đến việc khám phá ra bổn phận của mình. Bổn phận ấy là kín múc nơi kho tàng Sách Thánh những qui tắc xử thế, những hình ảnh sống động về cuộc sống theo Chúa mà bắt chước và dõi theo: “Sự an tĩnh là bước đầu của việc thanh luyện tâm hồn. Con đường lớn dẫn tới việc khám phá ra bổn phận, ấy là sự suy niệm các Sách Thánh được linh hứng. Chính nơi đó ta sẽ tìm thấy những qui tắc xử thế, và hạnh của các chân phúc mà Thánh kinh truyền lại cho chúng ta là những hình ảnh sống động về cuộc sống theo Chúa, những hình ảnh đó được đưa ra là để ta bắt chước theo việc lành của các ngài”.[15]
c. Lý tưởng đức vâng phục, đức ái trong đời sống cộng đoàn và tình hiệp thông với Giáo hội[16]
Có thể nói, Basiliô có cái nhìn về lý tưởng đức vâng phục và đức ái sát với Tin mừng. Đối với ngài, tiên vàn đức vâng phục là nhắm đến Thiên Chúa. Người tu sĩ chỉ tuân phục các giới răn của Chúa qua sự giải thích của những người đã nhận được đặc sủng. Bề trên giúp cho bề dưới phân định để biết đâu là ý Chúa chứ không đơn thuần truyền khiến mệnh lệnh. Trong Grandes Règles, khoản 30, ngài nói: “Những bề trên chăm sóc anh em với tinh thần nào? Bề trên không tự hào vì chức vụ của mình, vì sợ mất đi lời chúc phúc dành cho những người khiêm nhường (Mt 5,3), hay vì sa vào mù quáng trong kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ (1Tm 3,6); nhưng được tin rằng: lãnh đạo tức là phục vụ. Chính bề trên chăm sóc kẻ bị tổn thương, nạo sạch mủ nơi vết thương và sử dụng những phương thế tuỳ theo bản chất của điều xấu mà ngài gặp thấy, không một chút kiêu căng nào trong sự phục vụ, nhưng ngài tìm thấy ở đó một khuôn mẫu khiêm nhường, sự ân cần và lo lắng hết mức. Cũng vậy, bề trên khi được tín cẩn giao cho việc quan tâm chữa lành sự hiệp thông, như là người tôi tớ của mọi người phải đáp lời cho từng người, phải chấp nhận những mối ưu tư và lo lắng. Chính khi đó, bề trên đạt đến mục tiêu thật sự của mình, theo lời của Đức Kitô: ‘Ai muốn làm đầu mọi người phải là người rốt hết và phục vụ mọi người’ (Mc 9,34)”.
Rốt cuộc, điểm cốt lõi nhất trong đời tu là bắt chước Đức Kitô trong việc bỏ mình và vâng lời cho đến chết. Ngài đã viết trong luật của mình như sau: “Vâng phục đến mức để nhận ra điều xứng hợp làm hài lòng Thiên Chúa. Thánh Tông đồ đã dạy chúng ta khi trưng dẫn mẫu gương vâng phục của Đức Kitô ‘Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá’ (Pl 2,8), và thêm rằng: ‘Anh em cũng vậy, hãy có tâm tình của Đức Giêsu Kitô’ (Pl 2,5)” (Petites Règles, khoản 116). Ở khoản 119, ngài viết rằng: “Làm sao có can đảm để nhận lãnh cùng những nguy hiểm hầu tuân giữ luật của Đức Kitô? Trước hết, chúng ta nhớ rằng chính Đức Kitô vì chúng ta đã vâng lời Cha cho đến chết (Pl 2,8). Kế đến, chúng ta sẽ thể hiện giá trị của luật thánh mà theo Sách Thánh là đời sống vĩnh cửu (Ga 12,50). Cuối cùng, chúng ta đặt niềm tin vào lời của Đức Kitô: ‘Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất và ai đánh mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng sẽ cứu được mạng sống ấy’ (Mc 8,35)” (Petites Règles, khoản 119).
Bên cạnh đó, về đời sống đức ái trong cộng đoàn, Basiliô chủ trương rằng các tu sĩ phải thực thi đức ái không những là giữa anh em với nhau, mà còn với tất cả mọi người. Đức ái như vậy nêu cao giá trị Tin mừng cũng như tình hiệp thông trong Giáo hội. Trong ba khoản đầu tiên của Grandes Règles, ngài trình bày về đề tài đức ái: thứ tự đức bác ái, quy vào việc mến Chúa và yêu thương người thân cận: “Tôi đã nói với anh em rằng luật kết thành trong chúng ta những hạt mầm mà luật ấy cấy trồng và nuôi dưỡng. Hãy yêu thương người thân cận như chính mình, vì chúng ta thấy rằng Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta thiên hướng ấy cũng như việc thực thi nó một cách tự nhiên” (Grandes Règles, khoản 3). Thế nên, công đoàn Basliô được gọi là “huynh đoàn” (fraternitas, adelphotês) và các thành viên coi nhau như “anh em” (fratres).
Tóm lại
Thánh Basiliô đã đem vào đời sống đan tu Đông Phương một bầu khí mới, mở đường cho việc thực hành đời tu không chỉ nơi cộng đoàn Basiliô mà còn vươn tới cả đời đan tu Tây Phương sau này. Với bản tu luật, thánh Basiliô cho thấy khuôn mẫu đời tu của cộng đoàn là hoạ lại Giáo hội tiên khởi ở Giêrusalem. Lý tưởng đời tu của các đan sĩ là sống Phúc âm trọn vẹn, theo gương Đức Kitô. Tất cả khuôn mẫu và lý tưởng này được ngài xây dựng trên cơ sở một đời sống cộng tu, trong đó tình bác ái huynh đệ được đề cao. Trên nền tảng của một đời sống chừng mực theo Tin mừng, ngài cho thấy sự hoàn hảo của đời đan tu qua một “linh đạo đan sĩ” thật sự. Ngài cỗ võ một nếp sống cộng tu, tổ chức sinh hoạt cộng đoàn qua các giờ kinh nguyện, thực hành khổ chế theo một lý tưởng vâng phục và đức ái trọn hảo. Cuối cùng, theo ngài, một lý tưởng và hình thức tu trì như vậy vừa làm triển nở đặc sủng Thánh Thần nơi mỗi người, vừa góp phần xây dựng một cộng đoàn hướng về vinh quang Thiên Chúa, như Chúa Kitô mong đợi.
[1] Lê Văn Chính, Giáo trình Giáo phụ học (ĐCV Giuse, 2009), tr. 232-235.
[2] Lê Văn Chính, Giáo trình Giáo phụ học (ĐCV Giuse, 2009), tr. 233-235. Jacques Liébaert & Michel Spanneut, “Giáo phụ” (ĐCV Giuse, knxb), tập 2, tr. 25-26. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh (Roma, 2006), tập 5, tr. 122-123.
[3] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh (Roma, 2006), tập 5, tr. 124.
[4] Lê Văn Chính, op. cit., tr. 235. Jacques Liébaert & Michel Spanneut, op. cit., 26. Phan Tấn Thành, op. cit., 122-123.
[5] Lê Văn Chính, op. cit., tr. 235; 240-243. Phan Tấn Thành, op. cit., 128.
[6] Lê Văn Chính, op. cit., tr. 240-241.
[7] Ibid.
[8] Ibid.
[9] Ibid.
[10] Ibid.
[11] PhanTấn Thành, Đời sống tâm linh (Roma, 2006), tập 6, tr. 45-47.
[12] Lê Văn Chính, op. cit., tr. 240-244. Jacques Liébaert & Michel Spanneut, op. cit., 27-28. Phan Tấn Thành, op. cit., 129.
[13] Lê Văn Chính, op. cit., tr. 243-244.
[14] Ibid., tr. 241-242.
[15] Ibid., tr. 243.
[16] Phan Tấn Thành, op. cit., 128-130.