HANH LUYỆN TRÁI TIM
THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO
Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V,
(Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương)
Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388.
Mục VIII. Hám danh
Nói theo quan điểm nhân-học cổ điển Hy-lạp, hai tật xấu cuối cùng (hám danh và kiêu ngạo) nằm ở “phần thượng” (nghĩa là lý trí), khác với các tật xấu trên đây thuộc về “phần hạ”.
Trong tiếng Hy-lạp, nết xấu thứ bảy được đặt tên là Kenodoxia, ghép bởi hai từ “kenos” (rỗng, hư ảo) và “doxa” (ý kiến, danh giá). Dịch sát với nguyên ngữ ta có thể giải thích như là kẻ đi tìm kiếm “hư danh”, tìm một hình ảnh (ý kiến) hư ảo về mình (vana gloria, vanitas); nói gọn là “hám danh”, nghĩa là ham mê danh vọng, thích được lừng danh nổi tiếng.
I. Bản chất
Theo ông Cassianus, tuy tật hám danh mang nhiều dạng thức, nhưng có thể xếp vào hai loại chính sau đây, dựa theo đối tượng mà mình muốn được khen ngợi: danh giá thế tục hoặc danh giá tinh thần.
1/ Trong loại thứ nhất, con người muốn được thiên hạ cảm phục về một giá trị trần tục, chẳng hạn như: sắc đẹp, giọng ca, thân thể, y phục, trang sức; hoặc một tài nghệ nào đó trong lãnh vực kinh doanh, chính trị, khoa học.
Vì muốn thu hút kéo sự thán phục cho nên ta sẽ tìm cách phô trương cho thiên hạ thấy những điều vừa nói: khoe tài, khoe sắc, khoe của. Dĩ nhiên điều này giả thiết rằng đương sự cũng ham mê sắc dục, ham tiền, nghĩa là mắc phải những tham dục đã nói trên đây. Thánh Grêgôriô Nyssa (De virginitate IV,5) và thánh Maximus Confessor (Capita de caritate cent. III,83) còn móc nối “hám danh” với “hám quyền” (philarchía): người ta đi tìm danh vọng bởi vì muốn được chiếm giữ một địa vị cao cấp trong xã hội. Khỏi nói ai cũng biết là kẻ nào đang nắm quyền hành thì cũng mong được người ta kính nể tôn trọng địa vị mà mình đang nắm giữ.
Dù sao, các sư phụ cũng nhìn nhận rằng nhiều người không chỉ muốn được nổi tiếng vì có tiền, có sắc, có quyền mà thôi; sự hám danh cũng xảy ra trong giới trí thức nữa: muốn được nổi nang về tài cao, học rộng, thông minh, văn hay chữ tốt, vv. Vì thế, họ sẽ dồn hết tâm lực vào việc nghiên cứu học hành, mong sao chiếm được danh tiếng lẫy lừng.
2/ Những nhà tu hành có thể bĩu môi trước những cuộc tranh đua để chiếm những vòng hoa chóng tàn vừa nói (tiền tài, địa vị, danh vọng, sắc đẹp, vv). Nhưng Cassianus cảnh cáo rằng các bậc chân tu vẫn còn nguy cơ rơi vào tật háo danh dưới một dạng khác, đó là muốn cho thiên hạ biết đến công đức của mình, những công cuộc thao luyện khổ chế của mình, nói tắt một lời, muốn được nổi danh là “thánh thiện”. Loại hám danh thứ hai này còn nguy hiểm hơn loại thứ nhất trăm lần, bởi vì nó bám sát vào bậc chân tu, nghĩa là kẻ nghĩ rằng mình đã thoát tục, diệt hết các dục vọng rồi!
Đối với các sư phụ, loại hám danh thứ hai này mới thật đáng sợ, bởi vì nó rất tinh vi, khó nhận thấy, và không ai dám tự hào rằng mình đã diệt trừ được nó. Cassianus đưa ra một sự so sánh ngộ nghĩnh, khi ví việc chiến đấu tính hám danh như là lột củ hành: vừa bóc được một lớp vỏ này thì lại gặp một lớp vỏ mới, và các lớp vỏ bọc sẽ tồn tại bao lâu còn củ hành (Inst. XI,4). Climacus tiếp lời như sau: “Mặt trời chiếu sáng cho muôn vật như thế nào, thì tật hám danh cũng len lỏi vào hết mọi ngóc ngách như vậy. Khi giữ chay, tôi cảm thấy tự mãn vì đã giữ chay; khi ngưng giữ chay, tôi tự hào vì nhận thấy mình khôn ngoan. Khi mặc đồ sang trọng, tôi tự mãn vì chưng diện; khi mặc đồ rách rưới, tôi tự mãn vì khó nghèo. Khi tôi mở miệng, thì tôi tự mãn vì đã lên tiếng; khi câm miệng thì tôi cũng lại hãnh diện vì đã lặng thinh. Nó giống như cái bẫy với ba mũi nhọn: chạy đàng nào cũng mắc phải nó” (Scala XXI, 5). Ong Evagrius kết luận như sau: “Không tài nào thoát khỏi được tật hám danh; bởi vì vào chính lúc khoe rằng mình thoát được nó là chính lúc mình rơi vào chiếc tròng mới của nó” (Pratikos 30).
Xét cách khách quan, tật hám danh, dù ở loại thứ nhất hay ở loại thứ hai, cũng đều là xấu do chính tên gọi được đặt cho nó, ám chỉ cái “hư ảo”, nghĩa là giả dối chứ không hiện hữu. Thánh Phaolô gọi sự huênh hoang háo danh là “điên rồ” (xc. 2Cr 12,11). Ta có thể giải thích sự điên rồ như là một thứ đảo lộn trật tự. Sự lệch lạc của tật hư danh nằm ở chỗ làm sai trật mục đích của các công việc. Khi làm công việc nào thì ta cũng nhắm tới một mục tiêu; mục tiêu trở thành động lực tâm lý thúc đẩy ta bắt tay vào việc, và cái mục tiêu này cũng mang lại giá trị luân lý cho công tác thực hiện. Nói chung, con người cần quy hướng tất cả cuộc đời và mọi hoạt động về với Thiên Chúa như là cứu cánh tối hậu. Vì thế mọi hoạt động của ta đều nhằm đến việc làm vinh danh Chúa, nghĩa là đưa chúng ta đến chỗ kết hiệp với Thiên Chúa. Sự xấu bắt đầu len lỏi vào công việc của ta từ lúc ta không còn tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa nữa, nhưng lại tìm kiếm vinh danh cho mình. Đó là điều mà thánh Tông đồ đã viết, khi trích dẫn lời của Giêremia 9,22: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31; 2Cr 10,17). Niềm tự hào được coi là chính đáng khi “ở trong Chúa” nghĩa là khi đưa con người đến kết hiệp với Thiên Chúa; nếu cắt đứt mối liên hệ đó thì nó trở thành sai quấy, “tự hào theo xác thịt” (xc. 2Cr 11,18).
II. Hậu quả
Trong đường tu đức, sự hám danh là nết xấu khó biết và khó chừa hơn cả, bởi vì nó theo đuổi cả những bậc chân tu lão luyện, như vừa nói. Điều trớ trêu là chính nhờ có nó mà nhiều đan sĩ mới chịu khó tu hành luyện tập: nó trở thành động lực thúc đẩy nhà tu hành nỗ lực với công cuộc khổ chế, chuyên chăm cầu nguyện (trái ngược với các tu sĩ lừng khừng, nạn nhân của tật akêdia).
1/ Sự hám danh thúc đẩy các đan sĩ nỗ lực để tiến đức. Tiếc rằng tính ham danh len lỏi vào các công việc lành thánh để huỷ diệt giá trị của chúng. Thực vậy, các công tác tu đức trở thành hão huyền khi được thực hiện dưới sự thúc đẩy của tính háo danh: ta làm việc lành để tìm vinh dự cho mình, chứ không phải là tìm vinh danh Chúa. Những công tác như vậy chẳng khác chi công dã tràng?
2/ Ngoài việc huỷ hoại thành quả của mọi nỗ lực tiến đức, tính hám danh gây tác hại cho chính bản thân chúng ta bởi vì nó làm lệch lạc các mối tương quan với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân.
a) Trong mối tương quan với Thiên Chúa: kẻ tìm hư danh chứng tỏ rằng mình đi tìm danh giá cho mình, chứ không đặt vinh quang Chúa làm cứu cánh cho mọi hoạt động nữa. Dựa trên lời Phúc âm: “các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5,44), Climacus cho rằng đàng sau tính hám danh có sự thiếu lòng tin nơi Thiên Chúa (Scala XXI, 28). Theo ông, bởi vì thiếu tin tưởng nơi Thiên Chúa, cho nên chúng ta đặt niềm tin nơi thế gian: chúng ta cầu mong cho họ lưu ý đến ta, quý mến ta, trân trọng ta.
b) Trong mối tương quan với bản thân: kẻ tìm hư danh đã bị lệch lạc trong phán đoán của mình. Họ đi tìm giá trị tuyệt đối ở vật thụ tạo là cái gì chóng qua: họ muốn được tâng bốc vì sắc đẹp, sức khoẻ, địa vị, tài năng, đức độ của mình, vv. Tất cả những điều đó đâu có bền vững chi? Dựa trên các đoạn Kinh thánh Cựu ước (xc. Is 40,6-7) cũng như Tân ước (xc. 1Cr 7,31), thánh Gioan Kim-khẩu sánh tật đi tìm hư danh như cuộc đuổi hình bắt bóng, bỏ lửa tìm khói: có gì chóng tàn như là hư danh? Nó ví được như cơn bụi mà gió thổi lên, như giấc chiêm bao tan tành khi thức dậy (Expositio in Ps. 4,6). Sự suy tư này áp dụng cho loại hư danh thứ nhất. Đối với loại thứ hai, thì Climacus cũng vạch ra sự giả trá của nó, theo nghĩa là chúng ta đã đánh giá sai lạc về bản thân: ta tự gán cho mình những nhân đức không phải của ta, đang khi ta lại nhắm mắt không biết nhìn thấy những đam mê tật xấu của chính mình (Scala XXI, 20). Nói thế có phải là bi quan không? Climacus trả lời là không, bởi vì một đàng nguồn gốc các nhân đức là Thiên Chúa chứ không phải là chính ta; đàng khác ngày nào mà ta hãnh diện về các nhân đức mà mình đã thủ đắc được thì chúng chẳng còn là nhân đức nữa.
c) Trong mối tương quan với tha nhân: kẻ mắc tật hám danh rơi vào tình thế mâu thuẫn. Một đàng nó mong được người ta để ý tới mình, và như vậy là nó tuỳ phục họ, chịu lệ thuộc vào sự đánh giá của họ. Đàng khác, nó muốn được đặt lên cao hơn họ, chứ không chịu xếp ngang hàng hoặc ở dưới họ. Từ đó nảy sinh ra nhiều tâm trạng giằng co: mình muốn chiều theo thị hiếu của thiên hạ để được họ thán phục; thế nhưng không ai bảo đảm rằng thiên hạ sẽ phục ta hoặc sẽ chê ta. Trong cuộc cạnh tranh về danh giá này, không thể nào tránh được sự ghen tương, ganh tị, dèm pha, bêu xấu, vv. Một điều chắc chắn là kẻ nào ưa khoe khoang, tự quảng cáo tâng bốc, thì ít khi nhận được sự ca ngợi chân thành mà chỉ có sự tâng bốc nịnh bợ giả dối mà thôi.
Tóm lại, kẻ nào mắc tính ham danh là làm khổ cho chính mình: một đàng, khổ sở vì phải tìm cách phô trương cho thiên hạ thấy những điều mình muốn họ thán phục; đàng khác, khổ sở vì ít khi ta đạt được danh giá mà mình mất công tìm kiếm. Rút cục, tâm hồn luôn sống trong cảnh bị dày vò bất an.
III. Chữa trị
Xét vì có những điểm chung giữa tật hám danh và tự phụ, cho nên chúng tôi sẽ gộp chung sự chữa trị cho cả hai, sau khi phân tích bản tính và hậu quả của tính tự phụ.