Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thánh Têrêsa Avila

Administrator
2018-10-14 14:11 UTC+7 27
Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017), tr. 377-389. Đây là nhà cải tổ vĩ đại dòng Cát Minh, người đã nỗ lực hết mình để hướng dẫn chị em sống đúng tin thần đan tu. Thánh nữ là nhà thần bí vĩ đại, để lại rất nhiều […]

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017), tr. 377-389.

Đây là nhà cải tổ vĩ đại dòng Cát Minh, người đã nỗ lực hết mình để hướng dẫn chị em sống đúng tin thần đan tu. Thánh nữ là nhà thần bí vĩ đại, để lại rất nhiều tác phẩm, tiêu biểu nhất là quyển “Lâu Đài Nội Tâm,” giải thích hành trình tâm linh của một Kitô hữu tiến tới sự hoàn thiện. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 02 tháng 02 năm 2011 để nói về cuộc đời và tư tưởng của thánh nữ.

*****

Anh chị em thân mến,

Trong những bài giáo lý trước đây, tôi đã chia sẻ về các vị Giáo phụ trong Hội Thánh, những nhà thần học lớn và nhiều người nữ thời Trung Cổ. Tôi đã có cơ hội để suy nghĩ thấu đáo hơn về những vị được tuyên phong là “Tiến Sĩ Hội Thánh,” dựa trên đạo lý trổi vượt của các ngài. Hôm nay, tôi xin được tiếp tục trình bày chủ đề này. Tôi sẽ giới thiệu một vị rất nổi bật về linh đạo Kitô giáo cho mọi thời – đó là thánh nữ Têrêsa Avila, cũng được biết đến với danh hiệu thánh Têrêsa Giêsu.

Thánh Têrêsa, tên gọi đầy đủ là Têrêsa de Cepeda y Ahumada, sinh ở Avila, Tây Ban Nha, năm 1515. Trong quyển tự truyện, thánh nữ có đề cập đến một vài chi tiết thời thơ ấu của ngài. Ngài được sinh ra trong một đại gia đình lớn, cha mẹ là “những người sùng đạo và hết lòng kính sợ Thiên Chúa.” Thánh nữ có 3 chị em gái và 9 anh em trai.

Khi còn bé, chưa đủ chín tuổi, Têrêsa đã có cơ hội đọc về cuộc đời của các vị tử đạo, và điều này đã truyền cho cô bé một cảm hứng mãnh liệt, khát khao được phúc tử đạo, đến độ Têrêsa chạy nhanh ra khỏi nhà, muốn được chết như một chứng nhân tử đạo và tiến lên cõi trời (x. Vida, 1,4); cô bé nói với cha mẹ: “Con muốn nhìn ngắm Thiên Chúa.”

Một vài năm sau, Têrêsa phải nói về việc đọc sách thời thơ ấu của mình, và ngài chia sẻ rằng, nhờ đọc sách, bản thân mới khám phá ra con đường chân lý, được gồm tóm trong hai nguyên tắc nền tảng.

Một mặt, “tất cả mọi sự trên thế gian này sẽ qua đi,” trong khi, mặt khác, duy chỉ Thiên Chúa mới tồn tại “mãi muôn đời,” một chủ đề được lặp lại nhiều lần trong các bài thơ nổi tiếng nhất của Têrêsa:

Đừng để sự gì làm bạn lo lắng,
Đừng để điều chi làm bạn hoảng sợ,
Tất cả mọi sự kìa đang qua đi:
Thiên Chúa vẫn không bao giờ thay đổi.
Kiên trì giúp ta đạt được tất cả.
Có Thiên Chúa, ta chẳng thiếu thốn gì;
Chỉ mình Người lấp đầy tâm hồn ta.

Khi Têrêsa chừng mười hai tuổi, thì thân mẫu qua đời, và thánh nữ đã tha thiết nài xin Đức Maria Rất Thánh Đồng Trinh trở nên Mẹ của mình (x. Vida, 1,7).

Vào thời niên thiếu, Têrêsa tìm đọc những sách phàm tục, dẫn đến mấy trò tiêu khiển vô bổ, nhưng tới lúc đi học ở trường Santa María de las Gracias de Ávila của các nữ tu dòng thánh Augustinô, Têrêsa đọc nhiều sách thiêng liêng, đặc biệt là tìm hiểu các tác phẩm kinh điển về linh đạo của thánh Phanxicô, từ đó tiến dần đến đời sống thanh tịnh và cầu nguyện.

Được hai mươi tuổi, Têrêsa gia nhập đan viện Nhập Thể của dòng Cát Minh ở tại Avila. Trong đời sống tu trì, ngài lấy danh hiệu là “Têrêsa Giêsu.” Ba năm sau, người nữ tu trẻ đã ngã bệnh nặng đến nỗi hôn mê bất tỉnh bốn ngày, trông như thể đã qua đời (x. Vida, 5,9).

Khi chiến đấu với bệnh tật thể xác, Têrêsa cũng nhận thấy một cuộc chiến chống lại sự yếu đuối muốn cưỡng lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong nội tâm. Thánh nhân viết: “Tôi đã ước mong được sống, nhưng tôi nhận thấy rõ ràng rằng, không phải mình đang sống, mà đúng hơn mình đang vật lộn với bóng dáng của tử thần; không một ai cho tôi sự sống, và tôi cũng không thể nắm giữ được sự sống. Chính Đấng có thể cho tôi sự sống đã không đến trợ giúp tôi vì những lý do tốt lành; tôi biết, đã nhiều lần Thiên Chúa dẫn tôi trở về với Người, và tôi vẫn thường lìa xa Người” (Vida, 7,8).

Vào năm 1543, Têrêsa mất đi những người thân thuộc, gần gũi với mình; cha của thánh nhân qua đời và tất cả các anh chị em ruột, từng người một, dần di cư đến châu Mỹ. Mùa Chay năm 1554, lúc đó Têrêsa được ba mươi chín tuổi, đạt đến ngưỡng cao nhất của cuộc chiến chống lại những yếu đuối của bản thân. Việc tình cờ tìm thấy bức tượng “Đức Kitô bị thương tích nặng nề” đã để lại dấu ấn sâu đậm trên cuộc đời thánh nhân (x. Vida, 9).

Trong giai đoạn đó, Têrêsa đã cảm nhận sâu sắc tư tưởng và tâm tình của thánh Augustinô trong quyển “Tự Thuật,” thế rồi ngài mô tả về ngày hệ trọng với kinh nghiệm thần bí của mình: “…cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa ập đến trên tôi thật bất ngờ, đến nỗi tôi không hồ nghi chút nào rằng, Thiên Chúa ở trong tôi, và tôi hoàn toàn chìm đắm trong Người” (Vida, 10,1).

Song song với bước tiến triển trong nội tâm, Têrêsa bắt đầu ấp ủ ý tưởng thực hiện một cuộc cải tổ dòng Cát Minh: Năm 1562 ngài thiết lập Tu viện Cát Minh cải tổ đầu tiên ở Avila, với sự ủng hộ của đứcgiám mục thành phố, đức cha Don Alvaro de Mendoza, và không lâu sau đó cũng nhận được sự chấp thuận của cha Gioan Baotixita Rossi, Tổng quyền dòng Cát Minh lúc bấy giờ.

Suốt những năm tiếp theo, Têrêsa tiếp tục thiết lập những Tu viện Cát Minh dành cho nữ, tất cả 17 Tu viện. Cuộc gặp gỡ giữa Têrêsa với Gioan Thánh Giá mang tính nền tảng quyết định. Cùng với thánh Gioan Thánh Giá, Têrêsa đã thiết lập Tu viện đầu tiên dành cho những anh em Cát Minh cải tổ ở Duruelo, cách Avila không xa.

Năm 1580, Têrêsa nhận được sự chấp thuận của Tòa thánh, công nhận dòng Cát Minh cải tổ của ngài là một tỉnh dòng độc lập. Đây là khởi điểm cho dòng Cát Minh không đi giày.[1]

Thật vậy, cuộc đời dương thế của Têrêsa kết thúc khi ngài đang ở giữa giai đoạn hoạt động cải tổ của mình. Thánh nhân qua đời vào buổi tối ngày 15 tháng 10 năm 1582, ở Alba de Tormes, sau khi thiết lập nữ tu viện Cát Minh ở Burgos, lúc đang trên đường trở về Avila. Mấy lời khiêm tốn cuối cùng thánh nhân thốt lên: “Sau tất cả mọi sự, tôi ra đi như một người con của Giáo Hội”. Têrêsa tiếp tục thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Đức Lang Quân của con, thời điểm mà con hằng chờ đợi bấy lâu đã đến. Đây chính là lúc con được gặp gỡ Ngài, lạy Chúa của con.”

Têrêsa đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Giáo Hội, dù rằng chỉ sống ở Tây Ban Nha. Ngài được đức giáo hoàng Phaolô V phong chân phước vào năm 1614 và được đức giáo hoàng Grêgôriô XV ghi danh vào sổ bộ các thánh vào năm 1622. Và vị tôi tớ của Thiên Chúa, đức chân phước giáo hoàng Phaolô VI tuyên phong ngài là “Tiến Sĩ Hội Thánh” vào năm 1970.

Tuy không nhận được một sự giáo dục mang tính hàn lâm, khoa bảng, nhưng Têrêsa Giêsu đã tiếp thu rất nhiều từ giáo huấn của các nhà thần học, các vị trí thức, và các thầy dạy tâm linh. Là một văn sĩ, Têrêsa luôn trung thành viết những điều mà bản thân đã trải nghiệm hoặc đã nhìn thấy nơi kinh nghiệm của những người khác,[2] hay có thể nói rằng, Têrêsa viết trên những hiểu biết mà bản thân đã thủ đắc.

Têrêsa có cơ hội thiết lập nhiều mối tương quan thân hữu thiêng liêng với nhiều vị thánh, và đặc biệt là với thánh Gioan Thánh Giá. Đồng thời, ngài cũng nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng việc đọc sách về các vị Giáo phụ, như thánh Giêrônimô, thánh Grêgôriô Cả, và thánh Augustinô.

Trong số các tác phẩm quan trọng nhất của thánh nhân, chúng ta nên đề cập trước tiên đến toàn bộ tự truyện của ngài, El libro de la vida, Têrêsa gọi đây là “Quyển Sách Về Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa” (Libro de las misericordias del Senor). Tác phẩm này được Têrêsa viết trong tu viện Cát Minh tại Avila năm 1565, kể lại tiểu sử và mô tả hành trình tâm linh, từng bước dẫn đưa linh hồn thánh nhân đến sự phân định về một “bậc thầy của những điều thiêng liêng,” thánh Gioan Avila. Mục đích của Têrêsa là nhấn mạnh đến sự hiện diện cũng như hành động của một Thiên Chúa đầy lòng xót thương trong cuộc đời ngài. Bởi thế, tác phẩm này thường trích những lời Têrêsa đối thoại với Thiên Chúa trong phút giây cầu nguyện. Điều này làm cho tác phẩm thêm lôi cuốn, bởi thánh nhân vừa kể lại chi tiết, vừa giải thích những kinh nghiệm sâu sắc về mối tương quan với Thiên Chúa.

Năm 1566, Têrêsa viết tác phẩm “Đường Trọn Lành” (El Camino de Perfección). Ngài đã gọi cuốn sách này là “Những Lời Hướng Dẫn Và Khuyên Nhủ Của Têrêsa Giêsu Dành Cho Các Nữ Tu” (Advertencias y consejos que da Teresa de Jésus a sus hermanas). Cuốn sách này được soạn cho 12 tập sinh của tu viện Cát Minh, tước hiệu thánh Giuse, ở Avila. Têrêsa đề nghị với các chị em một chương trình nghiêm ngặt sống đời chiêm niệm để phục vụ Giáo Hội, và cội nguồn của nếp sống ấy là các nhân đức và tinh thần cầu nguyện theo Tin Mừng. Trong số các đoạn nổi bật nhất phải kể đến là phần “Chú Giải Kinh Lạy Cha,” như khuôn mẫu cho đời sống cầu nguyện.

 Tác phẩm thần bí nổi tiếng nhất của Têrêsa là “Lâu Đài Nội Tâm” (El Castillo interior). Ngài viết tác phẩm này vào năm 1577 khi vẫn còn trẻ. Tác phẩm là một lối giải thích khác về hành trình tâm linh của chính thánh nhân, đồng thời cũng là tập sách về các điều lệ mang đến khả năng phát triển tròn đầy đời sống Kitô hữu đến mức hoàn thiện, dưới sự tác động của Thánh Thần.

Têrêsa quan tâm đến cấu trúc của một lâu đài với bảy căn phòng như hình ảnh của nội tâm con người. Đồng thời, ngài đưa ra biểu tượng về sự lột xác của con tằm chuyển biến thành con bướm, nhằm nhấn mạnh sự chuyển biến từ tự nhiên đến siêu nhiên.

Thánh nhân lấy cảm hứng từ Sách Thánh, cụ thể là Diễm Ca, để đi đến hình ảnh sau hết vềvị “Hôn phu và Hôn thê,” có thể miêu tả ở căn phòng thứ bảy, bốn khía cạnh quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu: thuộc về Ba Ngôi, thuộc về Đức Kitô, thuộc về con người, và thuộc vềGiáo Hội.

Thánh Têrêsa dành trọn tâm huyết cho quyển “Sách Các Nền Tảng” (Libro de la fundationes), viết vào giữa những năm 1573 và 1582, về các hoạt động của ngài như Đấng sáng lập dòng Cát Minh cải tổ. Trong quyển sách này, ngài nói về đời sống của một cộng đoàn tu sĩ mới hình thành. Quyển sách này, cũng như quyển tự truyện của thánh nhân, được viết để đặc biệt tôn vinh công trình và tác động của Thiên Chúa trong việc thiết lập những Tu viện mới.

Không dễ tóm tắt đời sống tâm linh sâu sắc và nổi bật của thánh Têrêsa trong vài lời. Tôi chỉ muốn đề cập mấy điểm trọng yếu.

Thứ nhất, thánh Têrêsa nói đến các nhân đức Tin Mừng như là nền tảng cho mọi Kitô hữu và cho đời sống con người, cụ thể là thái độ từ bỏ chiếm hữu, khó nghèo Tin Mừng, và điều này liên hệ đến tất cả chúng ta; rồi đến đức ái dành cho tha nhân như một yếu tố quan trọng của đời sống cộng đoàn và đời sống xã hội; tiếp đó, đức khiêm nhường tựa như tình yêu dành cho chân lý; đức kiên nhẫn như hoa trái của lòng can đảm Kitô giáo; đức cậy, điều mà thánh nhân miêu tả là niềm khát khao nguồn nước hằng sống. Chúng ta cũng không quên những đức tính nhân bản mà thánh nữ chỉ dạy: thái độ nhã nhặn, thành thật, khiêm hạ, lịch sự, luôn niềm nở và cư xử có văn hoá.

Thứ hai, thánh Têrêsa cho thấy một sự hòa hợp thẳm sâu với những nhân vật vĩ đại trong Kinh Thánh và niềm khát khao lắng nghe Lời Chúa. Trên tất cả, thánh nữ cảm nhận một sự tương đồng, gần gũi nào đó với vị hôn thê trong sách Diễm Ca, với thánh Phaolô Tông đồ, cũng như với Đức Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn và với Đức Giêsu trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Thế rồi, thánh nhân nhấn mạnh việc cầu nguyện quan trọng đến mức nào. Ngài nói: “Cầu nguyện có nghĩa là sống tình bằng hữu, thường xuyên chuyện trò thân mật với Thiên Chúa, Đấng chúng ta nhận biết và rất mực yêu thương chúng ta” (Vida 8,5). Quan niệm của thánh Têrêsa tương đồng với câu định nghĩa của Thánh Tôma Aquinô về đức mến, là “amicitia quaedam hominis ad Deum,” tình bằng hữu giữa con người với Thiên Chúa, Đấng chủ động đi bước trước, trở nên bạn hữu của con người; tình bằng hữu giữa con người với Thiên Chúa luôn khởi đi từ phía Thiên Chúa, Đấng là nguyên uỷ vạn vật.[3]

Cầu nguyện là sự sống và nó tiến triển dần dần qua mỗi bước tăng trưởng của đời sống Kitô hữu. Cầu nguyện ban đầu là khẩu nguyện, rồi nội tâm hóa bằng suy niệm, cho đến khi kết hợp trong tình yêu với Đức Kitô và với Ba Ngôi. Hẳn nhiên, trong quá trình tiến triển, đỉnh cao của cầu nguyện không phải là loại bỏ đi các cách cầu nguyện trước đó, đúng hơn là dần đào sâu mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng làm chủ toàn bộ đời sống con người.

Hơn một đường lối sư phạm, giáo huấn của thánh Têrêsa là “cuộc khai mở” đích thực đời sống cầu nguyện: thánh nhân dạy cho những ai đọc các tác phẩm của ngài biết phải cầu nguyện thế nào, bằng việc cầu nguyện với những lời có trong sách ấy. Thật vậy, ngài thường ngắt quãng sự đơn điệu, nhàm chán của những lời giải thích trong sách bằng vài lời cầu nguyện tự phát.

Một chủ đề khác nữa mà thánh Têrêsa nói đến là vai trò quan trọng của nhân tính Đức Kitô. Thực vậy, đối với Têrêsa, đời sống Kitô hữu chính là mối tương quan cá vị với Đức Giêsu vốn đạt đến cực điểm trong sự kết hiệp với Người nhờ ân sủng, lòng mến, và hoàn toàn bắt chước Người. Vì tầm quan trọng của nhân tính Đức Kitô, thánh nhân hằng suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô gắn liền với bí tích Thánh Thể như là sự hiện diện của Đức Kitô trong Giáo Hội đối với đời sống của mọi tín hữu, và như là trung tâm điểm của Phụng vụ. Thánh Têrêsa dành trọn tình yêu tuyệt đối cho Giáo Hội: trình bày một “Cảm thức Giáo Hội” (sensus Ecclesiae) rất sống động, mặc dầu thánh nhân đứng trước sự chia rẽ và mâu thuẫn rất lớn bên trong Giáo Hội vào thời đại của ngài.

Thánh Têrêsa đã cải tổ dòng Cát Minh với ý định phục vụ và bảo vệ “Giáo Hội Công Giáo Rôma thánh thiện,” tự nguyện hiến dâng cuộc đời của mình cho Giáo Hội (x. Vida, 33,5).

Một khía cạnh thiết yếu sau cùng về giáo huấn của thánh Têrêsa điều mà tôi muốn nhấn mạnh là sự trọn lành, như toàn bộ khát vọng và cùng đích của đời sống Kitô hữu. Thánh nhân có một ý niệm rất rõ ràng về sự trọn hảo của Đức Kitô, được thực hiện qua các Kitô hữu. Kết thúc của hành trình Lâu Đài Nội Tâm, trong “căn phòng” cuối cùng, Têrêsa mô tả về sự trọn hảo này, đạt đến việc cư ngụ của Chúa Ba Ngôi, trong sự hợp nhất với Đức Kitô, qua mầu nhiệmNhân Tính của Người.

Anh chị em thân mến, thánh Têrêsa Giêsu là một thầy dạy thực thụ của đời sống Kitô hữu cho mọi người qua mọi thời. Trong xã hội chúng ta, nhiều nơi thường thiếu vắng những giá trị tâm linh, thánh Têrêsa dạy chúng ta hãy trở thành những chứng nhân bất khuất của Thiên Chúa, về sự hiện diện và hành động của Người. Thánh nhân dạy chúng ta hãy thực sự khát khao hướng về Thiên Chúa, Đấng hiện hữu nơi sâu thẳm trong tâm hồn, lòng khát khao này giúp chúng ta nhìn ngắm Thiên Chúa, tìm kiếm Thiên Chúa, đi vào cuộc trò chuyện với Người và trở nên bạn hữu của Người.

Đây là tình bằng hữu mà tất cả chúng ta cần đến, điều mà chúng ta phải kiếm tìm lại mỗi ngày không ngơi nghỉ. Cầu mong cho gương sáng của thánh Têrêsa, sự chiêm niệm thâm sâu và hoạt động có hiệu quả của thánh nhân, khích lệ chúng ta mỗi ngày biết dành ra một khoảng thời gian thích hợp để cầu nguyện, rộng mở tâm hồn cho Thiên Chúa, kiếm tìm Thiên Chúa, nhận biết Thiên Chúa, khám phá tình bằng hữu của Thiên Chúa và đạt được sự sống đích thực; thật thế, nhiều người trong chúng ta vẫn tự nhủ: “Tôi không sống, tôi không sống thực sự, bởi vì tôi không thi hành những điều cốt yếu nhất trong cuộc đời tôi.”

Vì thế, thời gian dành để cầu nguyện không phải là khoảng thời gian vô bổ, đó chính là khoảng thời gian cho con đường sự sống mở ra; con đường mở ra để học biết từ nơi Thiên Chúa một tình yêu mãnh liệt dành cho Người, dành cho Giáo Hội và quyết lòng thực thi đức ái với tha nhân.

—————————————–

[1] Têrêsa đã cộng tác với thánh Gioan Thánh Giá thành lập tất cả 15 tu viện dành cho nam giới. Người ta ví rằng, đây là thời kỳ trăm hoa đua nở của các dòng khổ tu nam cũng như nữ, nhất là ở Tây Ban Nha.

[2] Lời Dẫn trong quyển Đường Trọn Lành

[3]Summa Theologiae II-II, 23, 1.