Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thinh Lặng Và Cầu Nguyện

Administrator
2018-09-23 09:30 UTC+7 8
Phan Tấn Thành Trích: Đời sống Tâm Linh – tập IV – “Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo”, Phương Đông, 2015, trang 401-415     Việc đối chiếu giữa các phương pháp cầu nguyện nơi các tôn giáo Ấn độ và nơi các đan sĩ Đông phương đã thúc đẩy các tác giả […]


Phan Tấn Thành

Trích: Đời sống Tâm Linh – tập IV – “Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo”, Phương Đông, 2015, trang 401-415

 

 

Việc đối chiếu giữa các phương pháp cầu nguyện nơi các tôn giáo Ấn độ và nơi các đan sĩ Đông phương đã thúc đẩy các tác giả thần học tâm linh tìm cách diễn tả truyền thống Kitô giáo hợp với tâm thức của con người thời đại. Dĩ nhiên, việc cầu nguyện cần được lồng trong tòan thể đời sống Kitô giáo, với việc tuân giữ các giới răn Chúa và thực tập nhân đức. Nhưng việc cầu nguyện cũng cần lưu ý đến khía cạnh tâm lý và xã hội của con người thời nay: làm thế nào tạo ra một khung cảnh thuận tiện cho việc cầu nguyện? Đời sống cầu nguyện tăng trưởng như thế nào?

Cha Conrad de Meester, dòng Cát-minh, đã tìm cách trả lời cho hai câu hỏi đó, với đề tài: “thinh lặng và cầu nguyện”[1]. Con người thời nay cần học thinh lặng, cũng như cần học cách cầu nguyện. Dĩ nhiên, con người thời nay cần những chỉ dẫn thực hành, chứ không chỉ những nguyên tắc lý thuyết.

I. Thinh lặng

Trong tất cả các tôn giáo, kinh nghiệm từ ngàn xưa đều đặt sự thinh lặng như một điều kiện tiên quyết cho việc cầu nguyện. Trong xã hội hiện nay, sự thinh lặng không những chỉ cần thiết cho việc cầu nguyện, mà còn cần thiết cho sức khỏe tâm thần (những tiếng ồn ào của máy móc, âm thanh làm hại dây thần kinh không ít) cũng như cho tương quan xã hội (biết lắng nghe nhau). Dù sao, cần biết là có nhiều cấp độ thinh lặng (từ ngọai giới đến nội tại), cũng như có những thứ thinh lặng trái nghịch với việc cầu nguyện. Thực vậy, có thứ thinh lặng xấu, có thứ thinh lặng tốt, có thứ thinh lặng không tốt không xấu. Sự thinh lặng không có giá trị tuyệt đối; nó chỉ là phương tiện phát biểu một giá trị khác (hoặc phản giá trị).

1/ Giá trị thinh lặng

Có thứ thinh lặng “xấu”, thinh lặng “tốt”, thinh lặng “trung lập”.

– a) Thinh lặng được coi là xấu khi nó gây tác dụng tiêu cực. Đó là sự thinh lặng của giận hờn, không thèm trao đổi ngay cả một lời chào thăm. Đó là sự thinh lặng của thù hận, ngấm ngầm lập mưu để trả thù hay phá họai. Đó là sự thinh lặng của lãnh đạm, không quan tâm đến tha nhân. Đó là sự thinh lặng của cố chấp, không chịu lắng nghe ý kiến của người khác. Đó là sự thinh lặng của kiêu ngạo, không thèm mở miệng nói chuyện với hạng người bị đánh giá là thấp kém. Đó là sự thinh lặng của tự ti mặc cảm, biết mình thua kém nhưng không dám mở miệng thú nhận. Đó là sự thinh lặng thấp thỏm sau khi đã phạm lỗi và sợ những hậu quả của nó. Đó là sự thinh lặng buông xuôi, van xin hai chữ “bình an” vì quá chán ngán mệt mỏi.

Những thinh lặng vừa kể nhằm che đậy một khuyết điểm, mà ta không muốn cho ai thấy.

– b) Thinh lặng được coi là “trung lập” khi nó không bao hàm một lầm lỗi luân lý, nhưng lắm khi nó hạn chế họat động; tuy nhiên, nếu biết lợi dụng thì có thể trở nên tốt. Đó là sự thinh lặng của tâm trạng hồi hộp chờ đợi một chuyện sẽ xảy đến. Đó là sự thinh lặng của một biến cố bất ngờ làm ta sững sờ đến cổ họng tắt nghẽn. Đó là sự thinh lặng vì nhút nhát, không biết ăn nói. Đó là sự thinh lặng của đầu óc trống rỗng, không có gì để trao đổi chia sẻ.

– c) Những thứ thinh lặng tích cực

Thinh lặng được coi là tích cực khi nó phát sinh từ một cảm nghiệm hồng phúc. Đó là sự thinh lặng của lòng kính trọng, khi đứng trước một người đáng kính mà ta muốn lắng nghe đón nhận. Đó là sự thinh lặng của lòng khâm phục, khi chứng kiến một cảnh tuyệt diệu. Đó là sự thinh lặng của lòng biết ơn khi không biết dùng lời lẽ nào đền đáp được lòng tốt của ân nhân. Đó là sự thinh lặng của lòng yêu mến, khi hai người yêu đã tâm đắc rồi, không cần dài lời giải thích nữa.

Như vậy, sự thinh lặng có thể là tốt hay xấu tùy theo giá trị mà nó bộc lộ. Cũng có thể ví sự thinh lặng như một nô bộc: công việc của nó tùy theo ông chủ nào sai khiến. Trong nhãn giới của Kitô giáo, sự thinh lặng được coi là tốt khi nào nó phục vụ tình yêu. Xét vì tình yêu có ba đối tượng (bản thân, tha nhân, Thiên Chúa), cho nên cũng có thể nói đến ba hướng phục vụ

– Thinh lặng phục vụ bản thân: nó giúp ta hồi tâm, trở về với chính mình. Sự thinh lặng cần thiết để suy nghĩ, đắn đo trước khi nói năng và hành động.

– Thinh lặng phục vụ tha nhân: nó giúp ta lắng nghe người khác, giúp cho họ chia sẻ những tâm tư ý nghĩ, và giúp cho ta cảm thông yêu mến.

– Thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, để đón nhận Lời của Chúa, để đáp lại Đấng mời gọi ta đến kết hiệp với Ngài.

Sự thinh lặng có giá trị khi phục vụ tình yêu. Điều này giả thiết chúng ta phải nỗ lực nhiều để vượt qua tật ích kỷ, muốn áp đặt cái “tôi” giả tạo lên trên hết mọi người. Sự thinh lặng đòi hỏi sự rèn luyện lâu dài. Thực vậy, sự thinh lặng không chỉ là “không mở miệng”, nhưng còn bao hàm nhiều lãnh vực khác nữa.

2/ Những “vùng” thinh lặng

Chúng ta sống trong một thế giới ồn ào. Tuy nhiên, phải thú nhận rằng có những tiếng động cho chính ta gây ra hoặc đi tìm. Ngược lại, ta có thể tạo ra sự thinh lặng, hoặc cố gắng đi tìm nó.

– (a) Thinh lặng môi trường. Ta có thể tạo ra thinh lặng trong môi trường ta sinh sống bằng cách hạn chế những tiếng động: đóng cửa nhè nhẹ, giảm âm thanh radio, đừng la lối..

– (b) Thinh lặng thiên nhiên. Ta có thể đi tìm một khung cảnh thinh lặng trong thiên nhiên (núi cao, bờ hồ, cánh đồng), hoặc lúc tĩnh mịch của ban đêm. Đây cũng là khung cảnh thuận tiện cho việc cầu nguyện nữa.

– (c) Thinh lặng thân the. Truyền thống tu hành các tôn giáo đều nói đến sự thinh lặng của thân thể: từ dáng đi nhẹ nhàng cho đến cử chỉ khoan thai, và nhất là thinh lặng của miệng lưỡi. Thinh lặng của miệng lưỡi không phải là không la lối om sòm, nói năng luyên thuyên mà thôi, nhưng còn là không nói những lời công kích nhạo báng, những lời nói xấu dèm pha, những lời gây chia rẽ thù óan.

– (d) Thinh lặng con tim. Những thứ thinh lặng trên đây liên quan đến tiếng ồn ào ở bên ngòai. Thinh lặng con tim chi phối những ồn ào ngay ở bên trong tâm hồn ta: ồn ào của bao nhiêu ý tưởng, ồn ào của những hình ảnh tưởng tượng, ồn ào của những cảm xúc (thương, ghét, vui, buồn, thích, chán, hờn, tủi, giận, mê, vv..). Chính đây mới là khu vực mà ta phải thiết lập sự thinh lặng để cầu nguyện. Nếu thiếu sự thinh lặng con tim, thì sự thinh lặng ngọai cảnh không giúp ích gì.

– e) Thinh lặng của Thiên Chúa. Như đã nói, ta cần tập thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận chân thân phận của chúng ta trước mặt Chúa, để hồi tưởng những ân huệ mà Chúa ban cho ta. Mặt khác, ta cũng cần làm quen với sự thinh lặng của Chúa nữa. Trong tiến trình cầu nguyện, ta sẽ gặp những lúc mà Chúa giữ thinh lặng. Lúc ấy, sự thinh lặng của Chúa thực là nặng nề, tựa như Đức Giêsu đã cảm thấy ở trên thập giá, với cảm giác bị bỏ rơi. Thiên Chúa nói qua sự thinh lặng của Ngài, một mầu nhiệm sâu thẳm.

3/ Thực tập thinh lặng

Những điều vừa nói đã gợi ý cho việc thực tập thinh lặng chẳng hạn như:

– giảm bớt tiếng động trong cử chỉ, hành động;

– đắn đo cân nhắc trong lời nói;

– tìm một nơi thanh vắng để hồi tâm suy nghĩ …

Tuy nhiên, còn một lãnh vực nữa mà cả những tu sĩ hăng say nhiệt thành cũng cần thực tập, đó là “im họat động”. Những công tác tông đồ lắm lần trở nên chủ nhân chiếm đọat hết mọi ý tưởng và thời giờ của ta, khiến ta trở thành nô lệ cho chúng. Vô tình chúng ta phục vụ các công tác chứ không phải là phục vụ Thiên Chúa hoặc tha nhân. Điều này khá rõ khi chúng ta trở thành những con người bị xâu xé với công việc dồn dập, đến nỗi không còn thời giờ để tiếp đón tha nhân, và nhất là để tiếp đón Thiên Chúa. Vì thế tập thinh lặng có nghĩa là tạm ngưng công việc, để có cơ hội nhìn nhận Chúa đang hiện diện trong đời ta, đồng thời dâng lên Chúa những dự án, lo âu cũng như thất bại. Ta làm việc cho Chúa, chứ không phải cho ta. Sự thinh lặng này hàm ngụ tâm tình phó thác tất cả cho Thiên Chúa nhân lành.

Tóm lại, thinh lặng không phải là giữ miệng không nói, nhưng còn tượng trưng cho những nỗ lực của con người nhằm tạo ra một khung cảnh thuận tiện cho việc cầu nguyện. Ta có thể coi đó như chặng đầu của tiến trình cầu nguyện, đặt nặng những cố gắng và luyện tập về phía con người.

Đối lại, chặng thứ hai nêu bật khía cạnh “hồng ân”, nghĩa là ân huệ của Thiên Chúa, tuy vẫn không lọai trừ cố gắng của con người.

II. Cầu nguyện

Tác giả dựa theo học thuyết về cấp độ cầu nguyện của thánh Têrêsa Avila (Tự thuật, Đường trọn lành, Lâu đài nội tâm) và những cuộc thanh luyện của thánh Gioan thánh giá (Lên núi Carmêlô, Đêm tối tăm, Bài ca tâm linh, Lửa bốc của tình yêu) để mô tả ba giai đọan tiến triển của đời sống cầu nguyện như sau, hoặc ba “cánh cửa” dẫn đến sự cầu nguyện.

1/ Cửa thứ nhất

Cầu nguyện là một khuynh hướng tự nhiên của mọi thọ tạo. Đó chẳng phải là một hồng ân đó sao, bởi vì nó bắt nguồn từ một niềm khao khát mà Chúa gieo vào lòng mỗi người (xc. Rm 8,26). Dù sao, đối với người Kitô hữu, cầu nguyện còn là một hồng ân bởi vì nó gắn liền với các nhân đức tin-cậy-mến. Cầu nguyện là một hình thức thực hành các nhân đức đó. Cầu nguyện là nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình, và muốn mở cửa đón tiếp Ngài, hàn huyên tâm sự với Ngài.

Tuy rằng ta có thể cầu nguyện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, nhưng thân phận con người đòi hỏi chúng ta một thứ kỷ luật: cần dành ra một khỏang thời gian để cầu nguyện, dài ngắn tùy điều kiện của mỗi người. Chúng ta sẽ ngưng các họat động khác, và dành riêng khỏang thời gian đó cho Chúa, để sống dưới sự hiện diện của Chúa, cảm nhận tình thương của Ngài, tâm sự với Ngài. Chúng ta hãy để cho Ngài soi sáng lên cuộc đời của ta, cho ta thấy những thiếu sót vụng về của ta. Chúng ta cũng đừng ngần ngại chấp nhận sự thật về chính mình, để rồi xin Ngài tha thứ, canh cải. Chúng ta lặp lại sự tín thác vào Chúa, để cho Ngài hướng dẫn đời ta.

2/ Cửa thứ hai

Cấp độ thứ nhất mới chỉ là bước đầu của đời cầu nguyện. Tuy phải nhìn nhận là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng ta cũng phải gắng sức nhiều, từ chỗ tập thinh lặng cho đến tập sống dưới sự hiện diện của Chúa. Mặc dù khó, nhưng ta cảm thấy phần nào nó nằm trong tầm tay của mình. Đôi khi ta cũng cảm nhận được vài kết quả của việc cầu nguyện.

Sang đến cấp độ thứ hai, Thiên Chúa sẽ can thiệp mạnh hơn vào việc cầu nguyện của ta. Ở đây, ta có thể gọi là “cầu nguyện thiên phú” (infuse). Tuy nhiên, sự can thiệp của Thiên Chúa cũng gây ra những đau khổ cho linh hồn. Thực vậy, Thiên Chúa muốn thanh luyện linh hồn để đưa nó lên cao hơn; nhưng ít người dám chấp nhận những cuộc thanh luyện đó.

Sự thanh luyện có thể mang nhiều hình thức khác nhau. Hình thức đau đớn nhất được thánh Gioan thánh giá đặt tên là “đêm tối”. Trước đây, linh hồn được hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa, và có cảm tưởng như đã thân mật với Chúa lắm rồi. Bỗng nhiên, Thiên Chúa trở thành xa lạ. Linh hồn cảm thấy mình rơi vào bóng tối, không còn ánh sáng hướng dẫn, cũng chẳng còn gì để nương tựa. Trong cơn thử thách đó, linh hồn dễ chán nản bỏ cuộc, cho rằng bao nhiêu công sức chẳng mang lại kết quả gì. Từ đó, họ trở về với lối sống “xác thịt” trước đây, tuy rằng những thú vui giả tạo này không làm thỏa mãn con tim của họ.

Tại sao Chúa lại rút lui như vậy? Đó là vì muốn giúp cho linh hồn tiến đến gần Chúa hơn. Ngài muốn cho linh hồn tìm đến gặp Ngài, chứ không phải tìm những cảm giác ngon ngọt cho mình. Ngài muốn cho linh hồn tiến chỗ cầu nguyện bằng đức tin, hy vọng, chúc tụng. Để đạt tới mục tiêu đó, linh hồn không những cần gạt bỏ những gì khả giác, mà còn phải tỏ ra khiêm tốn hơn, để cho Chúa hành động, thay vì dựa vào sức riêng của mình.

Thực vậy, mới đầu xem ra Thiên Chúa đã rút lui vào cõi thinh lặng, nhưng kỳ thực Ngài vẫn tác động, tuy rằng Ngài họat động cách âm thầm thinh lặng. Việc cầu nguyện cũng trở nên “đơn giản’, không chỉ bởi vì ít ý ít lời nhưng còn bởi vì không còn cảm giác nữa. Linh hồn phó mặc cho Chúa hành động. Phải thú nhận rằng thái độ “phó mặc” gây ra nhiều khó chịu, bởi vì linh hồn có cảm giác là mình không làm gì hết; các quan năng (lý trí, óc tưởng tượng, tình cảm) thấy mình mất đối tượng cho nên dễ làm lọan. Đây là lúc linh hồn học tập để gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng tuyệt đối, không bám víu vào bất cứ thọ tạo nào nữa, dù chỉ là một hình ảnh, một tư tưởng, một tình cảm của mình về Thiên Chúa.

Chính trong khung cảnh thinh lặng đó mà Thiên Chúa họat động và biến đổi linh hồn, để nó có khả năng yêu mến Chúa ở một cấp độ cao hơn.

Sau “đêm tối của giác quan” (hay “đêm tối của cảm giác”) thánh Gioan thánh giá còn nói đến một sự thanh luyện nữa, gọi là “đêm tối tinh thần”. Sự thanh luyện này không chỉ diễn ra trên bình diện thuần túy “tinh thần”, xét vì nó có thể xảy đến qua một đau khổ thể xác, hoặc những vết thương tâm lý (tang tóc, vu khống, thất bại). Sự thanh luyện được đặt tên là “tinh thần” bởi vì nhắm giúp cho “tinh thần” được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Cho đến nay, linh hồn đã được thanh luyện khỏi tội lỗi, nhưng vẫn còn mang vết tích của con người cũ. Đàng khác, tuy gọi cuộc thanh luyện là “đêm tối”, nhưng thánh Gioan thánh giá cũng lưu ý rằng đó là nhìn về phía con người, chứ không phải về phía Thiên Chúa. Vào giai đọan này, Thiên Chúa được ví như mặt trời rực rỡ, vì thế mà cặp mắt của ta bị lòa vì không chịu đựng nổi vẻ rực rỡ đó. Chính vì thế mà nó cần được thanh luyện, ngõ hầu có khả năng đón nhận Tình yêu của Chúa. Tác giả cũng còn ví với ngọn lửa đốt củi: nếu củi còn ẩm ướt chưa khô thì sẽ bốc khói và “rên rỉ”. Sự thanh luyện của Chúa gây cho đau đớn cho linh hồn như là ở trong lửa luyện tội vậy.

3/ Cửa thứ ba

Cửa thứ ba dẫn đến sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa. Linh hồn sẽ cảm nhận nhiều hơn sự hiện diện của Thiên Chúa, được diễn tả qua việc tuân theo ý Chúa cách vô điều kiện, và bén rễ sâu trong mọi nhân đức. Linh hồn để do Thánh linh dẫn dắt trên đường mến Chúa, và có thể thốt ra như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống nữa, song Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Việc cầu nguyện của họ sẽ tràn đầy niềm hoan hỉ tri ân “tất cả là hồng ân”; linh hồn chú ý đón nhận những gì Thánh Linh gợi lên. Linh hồn yêu mến Chúa với “tình yêu tinh ròng”, và làm tất cả mọi sự do tình yêu thúc đẩy. Họ có khả năng vừa giữ vai trò Maria vừa giữ vai trò của Marta: dù giữa những công tác bề bộn của họat động tông đồ, tâm trí họ vẫn duy trì sự kết hiệp với Thiên Chúa. Chính sự kết hiệp này là nguồn mạch cho công tác tông đồ và mang lại cho họat động những kết quả mà Chúa muốn, bởi vì chính Chúa tác động qua họ.

 

 


[1]Conrad de Meester, Mon me a soif de Toi. Silence et prire, Le Sarment, Paris,2001.