Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mc 1, 1: “Khởi Đầu Tin Mừng Của Đức Giêsu – Đấng Kitô – Con Thiên Chúa” (2)

Administrator
2018-09-23 04:27 UTC+7 25
ĐỨC GIÊSU MỘT CON NGƯỜI LÀNG NAZARETH Nguyên tác : Jésus un homme de Nazareth Tác giả : Marie-Emile Boismard, op. Nhà xuất bản : Le Cerf Nơi xuất bản : Paris, 1996 Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh, Chân Lý (2001) *** ***   “Khởi đầu Tin Mừng của Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, […]


ĐỨC GIÊSU

MỘT CON NGƯỜI LÀNG NAZARETH

Nguyên tác : Jésus un homme de Nazareth

Tác giả : Marie-Emile Boismard, op.

Nhà xuất bản : Le Cerf

Nơi xuất bản : Paris, 1996

Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh, Chân Lý (2001)

***

***

 

“Khởi đầu Tin Mừng của Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Các nhà chú giải thường hiểu không đúng câu này. Kỳ thực câu Tin Mừng này nhằm loan báo một trong hai chủ đề chính sẽ được khai triển trong suốt cuốn sách Tin Mừng Mác-cô : tức là chủ đề về vương quyền của Đức Giê-su vẫn tiếp tục hoạt động bất kể cái chết của Người.

TIN MỪNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Từ “Tin Mừng”, mang nặng sắc thái của trường phái Phao-lô, là từ chuyển dịch từ tiếng Hy-lạp euaggelion. Tin Mừng mà Đức Giê-su là người đầu tiên sắp công bố (Mc 1,14), và sau đó, các môn đệ sẽ công bố (Mc 13,10 ; 14,9) là gì ? Là triều đại Thiên Chúa đã đến rất gần rồi, như thánh Mát-thêu đã nói rõ : Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê “rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Mt 4,23 ; 9,35). Thánh Mác-cô cũng muốn độc giả hiểu như thế khi ông bảo rằng : Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,14-15).

Tại sao việc công bố triều đại Thiên Chúa đến lại là một tin “mừng” ? Vì triều đại Thiên Chúa đến sẽ giải phóng nhân loại khỏi mọi quyền lực của sự dữ. Ta sẽ đề cập chi tiết về điểm cốt lõi này sau. Ở đây, ta chỉ cần trở lại với bản văn Is 61,1tt là đủ rồi. Thật ra bản văn của I-sai-a không có từ “tin mừng”, mà chỉ có động từø “loan báo tin mừng”, gốc gác của danh từ “tin mừng” :

Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,…

Theo Lc 4,18-19, đấy chính là bản văn Đức Giê-su đọc trong hội đường Na-da-rét lúc Người khởi đầu sứ vụ công khai. Như thế, Đức Giê-su ý thức mình được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện công cuộc giải phóng này. Đàng khác, đó cũng chính là ý nghĩa của danh tánh Đức Giê-su “Thiên Chúa cứu thoát” (Mt 1,21).

Như vậy, ngay từ chữ thứ hai trong sách Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô đã hướng tư tưởng độc giả về chủ đề triều đại của Thiên Chúa. Và ông xác định rõ ngay sau đó là, trong chương trình của Thiên Chúa, chính Đức Giê-su là vua của triều đại mới này.

“KI-TÔ” LÀ MỘT TƯỚC HIỆU CHỈ VỀ VUA

Chúng ta vẫn nghe vẫn đọc hai tước hiệu Giê-su Ki-tô dính liền với nhau, và lâu quá hoá quen đến nỗi không còn chú ý đến nội dung sâu xa của hai từ này. Tách hai tước hiệu đó riêng ra, “Giê-su” và “Ki-tô”, thì sẽ thấy rằng tước hiệu thứ hai thực ra mới là tước hiệu dành cho Đức Giê-su. Và cũng sẽ thấy ngay đó là một tước hiệu nói về vua.

Từ “Ki-tô” chỉ là chuyển tự chứ không phải chuyển dịch một từ Hy-lạp Christos. Trong bản LXX, từ Christos là động tính từ thụ động của một động từ Híp-ri : meshias, có nghĩa là “xức dầu”. Khi chuyển tự (chứ không phải chuyển dịch) tiếng Hy-lạp, động tính từ Híp-ri này biến thành messias. Như vậy, những từ “Ki-tô” và “Mê-si-a” là những từ tương đương với nhau (x. Ga 1, 41), đều chỉ một con người đã được Thiên Chúa “xức dầu” tấn phong. Việc xức dầu như thế đã được thực hiện bằng một thứ dầu đặc biệt dành riêng cho mục đích này, như bản văn Xh 30, 22-23 đã xác định rõ. Ttrong số tất cả những người được thánh hiến bằng dầu thánh như thế, thì vị trí chính yếu, và chẳng bao lâu là vị trí độc nhất, là các vua, những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn để hướng dẫn dân của Người. Người đầu tiên thuộc dòng dõi vương giả này là vua Sa-un :

Ông Sa-mu-en lấy lọ dầu và đổ trên đầu ông Sa-un, rồi hôn ông và nói : “Chẳng phải Thiên Chúa đã xức dầu và tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao ? Chính ông sẽ cai quản dân của Đức Chúa và giải thoát dân khỏi tay kẻ thù xung quanh” (1 Sm 10,1).

Ngay trong bản văn đầu tiên này, ta đã thấy vai trò của vị thủ lãnh này là thực hiện công cuộc giải phóng dân Thiên Chúa đang bị các thù địch ức hiếp. Sau vua Sa-un, đến lượt vua Đa-vít :

Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en : “Ngươi còn khóc thương Sa-un cho đến bao giờ, khi Ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en nữa ? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường. Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người ta muốn đặt làm vua” (1 Sm 16,1).

Người con trai của Gie-sê kia chính là cậu Đa-vít, đã được ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức dầu tấn phong cậu làm vua cai trị dân Thiên Chúa (1 Sm 16,3).

Đối với Sa-lô-môn (1 V 1,39) và với tất cả các vua kế vị ông cũng thế.

Như thế, vua là người đã được “xức dầu” tấn phong nhân danh Đức Chúa. Chính xác hơn nữa, vua được coi là “người được xức dầu” tiêu biểu nhất. Vua Đa-vít đã từ chối tra tay hại vua Sa-un, mặc dù ông có cơ hội để thực hiện điều đó, bởi vì ông đã nói : “Sa-un là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong” (1 Sm 24,7 ; 26,9). Khi nguyền rủa Đa vít, Sim-y đã phạm một trọng tội đáng phải chết. Vì thực ra, “anh ta đã nguyền rủa người Đức Chúa đã xức dầu tấn phong” (2 Sm 19,22). Như thế, dù thế nào đi nữa, vua tiên vàn là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong. Chủ đề này được diễn tả rõ nhất trong Thánh vịnh 2. Thánh vịnh này sẽ có một tầm quan trọng đặc biệt trong những phần khai triển sau này :

Sao chư dân lại ồn ào náo động ? Sao vạn quốc dám bày kế viển vông ? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.

Chúng bảo nhau : “Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy, gông cùm họ,ï ta hãy quẳng đi !” Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười, Người chế nhạo bọn chúng. Rồi nổi trận lôi đình Người quát nạt, trút cơn thịnh nộ, khiến chúng kinh hoàng, rằng : “Chính Ta đã đặt vị quân vương ta tuyển chọn lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta” (Tv 2,1-6).

Như thế, những từ “đấng được xức dầu” và “vua” có cùng một nội dung như nhau : Vua là đấng được xức dầu tiêu biểu nhất của Đức Chúa. Thế mà, ta nhớ lại đi, “Đấng được xức dầu” và “Ki-tô” là hai cách diễn của cùng một từ ngữ Híp-ri là meshias, cách thứ hai “Ki-tô” là tiếng Hy-lạp.

Đối với chúng ta, những độc giả của thế kỷ XX, tước hiệu “Ki-tô” lắm khi đã mất đi ý nghĩa nguyên thuỷ. Chúng ta quá quen đến độ chỉ coi từ “Ki-tô” đơn giản là một từ đi liền với tên của Đức Giê-su mà thôi, cho nên thường chúng ta không còn thấy từ Ki-tô là một tước hiệu nữa, mà chỉ như là một tên riêng. Nói “Đức Giê-su Ki-tô”, đối với chúng ta, có lẽ cũng na ná như nói “Napoléon Bonaparte”. Thậm chí khi chúng ta quả quyết rằng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô”, hoặc “Đấng Mê-si-a”, chúng ta cũng chỉ coi hai tước hiệu này như thể tương đương với tước hiệu “Đấng cứu độ” : Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng Mê-si-a, theo nghĩa là Ngườøi đã chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và cứu chúng ta khỏi án tử đời đời. Ý tưởng này hiển nhiên không phải là sai, nhưng chỉ là ý nghĩa thứ yếu, như ta sẽ thấy sau này. Ý tưởng thứ nhất là Đức Giê-su là Đấng được Đức Chúa xức dầu tấn phong làm vua cai trị dân của Người. Đó mới chính là ý nghĩa mà thánh Mác-cô muốn diễn đạt trong câu đầu tiên sách Tin Mừng của ông.

Thật ra, thánh Mác-cô dư biết hai tước hiệu “Đấng được xức dầu” và “Đức Ki-tô” tương đương với nhau. Thánh Mác-cô đã cho các thượng tế và kinh sư chế diễu Đức Giê-su trên thập giá : “Ông Ki-tô [Đấng được xức dầu], vua dân Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15,32). Rồi ở chỗ thánh Mát-thêu kể rằng ông Phi-la-tô nói : “Giê-su cũng gọi là Ki-tô” (Mt 27,17), thì thánh Mác-cô lại dành ưu tiên cho việc giải thích, cho nên ông đã viết “vua dân Do-thái” (Mc 15,9). Ta cũng cần lưu ý rằng, trong Lc 23,2 các thượng tế và kinh sư đã tố cáo Đức Giê-su vì dám xưng mình là “Ki-tô, Vua”. Cứ cho là trong Mc 1,1 tước hiệu “Đấng được xức dầu” cũng hàm ý chỉ vương quyền của Đức Giê-su, thì ta vẫn phải chứng minh ý nghĩa của tước hiệu đó như chúng ta đã làm đối với từ “Tin Mừng” được ghép liền với tước hiệu đó : chính tin mừng về việc Nước Thiên Chúa đã đến gần là điều Thiên Chúa sắp trao phó cho Đức Giê-su thành Na-da-rét. Ta sẽ còn thấy cảnh Đức Giê-su chịu phép rửa (Mc 1,9-11) sẽ được thánh Mác-cô trình bày như việc Đức Giê-su đăng quang làm vua.

CON THIÊN CHÚA

Vậy chẳng lẽ ngay từ câu đầu tiên sách Tin Mừng Mác-cô, ta đã có ngay một lời xác quyết về thần tính của Đức Ki-tô, như phần đông các nhà chú giải thừa nhận ? Hình như không phải như thế. Chúng ta sẽ thấy là, trong Cựu ước, luôn luôn những con người (hoặc các thiên thần) được coi là “con của Thiên Chúa”, nhưng điểm đặc thù cốt yếu trong kiểu nói ấy lại là Thiên Chúa chở che đặc biệt một người hay những người mà Người nhìn nhận là con của Người. Chúng ta cũng thấy điểm ấy ngay trong phần mở đầu của sách Tin Mừng Mác-cô.

Có nhiều bản văn Cựu Ước trong đó chúng ta thấy là Thiên Chúa muốn cứu thoát dân Người bởi vì Người coi dân, xét theo tập thể, là con cái của Người. Chỉ cần dẫn một vài đoạn văn ý nghĩa nhất. Trước cuộc Xuất hành, Thiên Chúa đe dọa vua Pha-ra-ô như sau :

Đức Chúa phán thế này : con đầu lòng của Ta là Ít-ra-en. Ta đã phán với ngươi : Hãy thả con Ta ra để nó đi thờ phượng Ta. Nhưng ngươi đã từ chối không thả nó đi, thì này chính Ta sẽ giết chết con đầu lòng của ngươi (Xh 4,22-23).

Vài thế kỷ sau, ngôn sứ Giê-rê-mi-a loan báo trước hết là cuộc trở về của những người đồng bào lúc đó đang bị lưu đầy tại Át-sua : “Đức Chúa đã cứu thoát dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en !”. Rồi ông còn truyền đạt lời Thiên Chúa hứa :

Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất […] Chúng trở về nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng […] Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha, Còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng (Gr 31,7-9).

Mãi sau này, sắp tới kỷ nguyên Ki-tô giáo, tác giả sách Khôn ngoan mới nhắc lại những điềm thiêng kỳ diệu trong cuộc Xuất hành và, hoạ theo bản văn đầu tiên ta vừa dẫn trên, tác giả viết :

Những kẻ vốn không tin vì ỷ vào phù phép, khi chứng kiến cái chết của những đứa con đầu lòng, liền tuyên xưng rằng dân này là con Thiên Chúa (Kn 18,13).

Bởi vì Đức Chúa đã gầy dựng và như thể đã sáng tạo dân của Người, nên Người coi họ là con cái của mình, Người yêu thương Ít-ra-en như một người cha thương yêu con cái. Chính vì Đức Chúa coi dân của Người là con, nên Người sẽ cứu vớt họ lúc họ gặp cơn nguy biến.

Nhưng trong Cựu Ước, bao giờ mối tương quan cha-con cũng được cụ thể hoá nơi một số nhân vật tiêu biểu nhất, đặc biệt là vua, người được Thiên Chúa tấn phong để lãnh đạo và đại diện cho dân của Người. Chẳng hạn trong 2 Sm 7,9-16, Đức Chúa truyền cho ngôn sứ Na-than nói với vua Đa-vít sứ điệp sau :

Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi ; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra –, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta ; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.

Lời sấm dành cho vua Đa vít trên đây liên quan đặc biệt đến dòng dõi của nhà vua : nghĩa là tất cả những người xuất thân từ vua Đa-vít đều được Đức Chúa mời gọi kế vị vua mà cai trị. Đức Chúa sẽ ký kết với từng người thuộc dòng dõi Đa-vít một giao ước đặc biệt : “Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,14). Nghi thức nhận làm con này vốn rất phổ biến trong thế giới Đông phương cổ xưa. Thần của một dân tộc nhất định thừa nhận vị vua của dân tộc đó là con của mình, và qua đó, thần cam kết chở che bảo vệ vị vua ấy. Đây chính là điểm mà lời sấm ngỏ cho vua Đa-vít muốn diễn tả. Đức Chúa sẽ “ở với người”, một hậu duệ của vua Đa-vít, như Đức Chúa đã từng ở với vua Đa-vít (2 Sm 7,9) để giải thoát cho khỏi thù địch (2 Sm 7,11). Chính vì thế, ngai vàng của vua sẽ vững bền mãi mãi. Lời hứa bảo vệ chở che này, được tuyên ra ngay trước lời tuyên bố nhận làm nghĩa tử (2 Sm 7,13), đã được lặp lại trong phần kết của lời sấm, dưới hình thức kép để cho thấy đó là lời hứa long trọng : “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta, ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,16).

Mối tương quan “cha-con” liên kết Đức Chúa với các vua xuất thân từ vua Đa-vít diễn tả một giao ước đích thực : vua phải hành động phù hợp với thánh ý của Đức Chúa ; và ngược lại Đức Chúa cam kết bảo vệ chở che vua chống lại các kẻ thù, hầu ngai vàng vua được vững bền mãi mãi. Đấy cũng chính là những điều khoản trong giao ước giữa Đức Chúa với dân của Người : Dân cam kết giữ Lề Luật của Đức Chúa ; ngược lại, Đức Chúa hứa bảo vệ chở che dân của Người (Xh 19,3-8 ; 34,10-11). Hẳn nhiên, nếu vua không sống cho đàng hoàng, thì Đức Chúa sẽ sửa phạt vua như người cha sửa phạt con cái mình (2 Sm 7,14b), nhưng sự thử thách như thế chỉ là mau qua, chỉ là trong chốc lát thôi. Bởi vì Đức Chúa đã nhận vua làm “con”, thì thế nào Người sẽ bảo vệ vua cho khỏi tay mọi kẻ thù.

Trong thời lưu đày tại Ba-by-lon, những lời hứa của Đức Chúa như thế phỏng còn ý nghĩa gì nữa ? Xem ra chẳng còn gì ! Tác giả Tv 89 đã cay đắng than trách Đức Chúa khi nhắc lại những lời Đức Chúa hứa với vua Đa vít qua trung gian ngôn sứ Na-than :

Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đa vít, đã xức dầu thánh tấn phong người ; Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ, tay quyền năng củng cố vững vàng […] Trước mặt người, Ta sẽ nghiền nát quân cừu địch, bọn thù ghét người, Ta sẽ đập tan (Tv 89,21-24).

Tại sao Đức Chúa lại chở che bảo vệ vua Đa-vít ? Thưa là vì Người yêu thương vua như một người cha yêu thương con cái mình. Khi mở đầu bằng đề tài tình yêu, tác giả Tv 89 chỉ muốn làm cho thành minh nhiên điều đã mặc nhiên trong lời sấm của ngôn sứ Na-than :

Ta sẽ yêu thương Người và giữ lòng thành tín, nhờ danh Ta, Người được thêm uy vũ. Thế lực Người, Ta cho trải dài đến Đại Dương, chủ quyền Người, cho mở rộng tới miền Sông Cả. Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ !” Phần Ta, Ta sẽ đặt Người làm trưởng tử, cao cả hơn vua chúa trần gian […]. Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở và thành tín giữ giao ước với Người. Ta cho dòng dõi Người muôn năm tồn tại, cho ngai vàng trường cửu tựa trời xanh (cc.25-30).

Đấy cũng chính là chủ đề Tv 2 đã khai triển : “Sao chư dân lại ồn ào náo động ? Sao vạn quốc dám bày kế viển vông ? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương” (Tv 2,1-2). Bấy giờ, trong cơn lôi đình thịnh nộ, Đức Chúa long trọng tuyên phán : “Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn, lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta.” Rồi đích thân vị quân vương lên tiếng tuyên đọc sắc phong của Thiên Chúa :

Người phán bảo tôi rằng :
Con là con của Cha,
ngày hôn nay Cha đã sinh ra con.
Con cứ xin rồi Cha ban tặng
muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,
toàn cõi đất làm phần lãnh địa.
Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành,
nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm” (Tv 2,7-9).

Đồng thời với việc đặt vị quân vương Người tuyển chọn lên trị vì Xi-on, Đức Chúa tuyên bố vị quân vương là con của mình ; Đức Chúa đã sinh ra vị quân vương vào ngày Người đã đặt ông lên làm vua. Chính vì thế, Đức Chúa sẽ ban cho vua quyền lực để nghiền nát tất cả những ai nổi dậy chống lại vua ngõ hầu triều đại của vua được vững bền mãi mãi.

Với bản văn Khôn ngoan 2, 16-20, viễn tượng mở rộng hơn nhiều. Vấn đề không chỉ là những mối tương quan giữa Đức Chúa với vị quân vương mà Người đã phong lên làm vua cai trị dân của Người, nhưng còn là những mối tương quan giữa Đức Chúa với người công chính tuân giữ Luật của Thiên Chúa. Người công chính làm mồi cho những kẻ vô đạo thù ghét, vì họ đã phê phán lối sống của phường vô đạo, lối sống khinh thường mọi lề luật của Thiên Chúa. Chúng chế giễu người công chính thế này :
 
Nó coi ta như bọn lọc lừa,
tránh đường ta đi như đồ dơ bẩn.
Nó tuyên bố rằng thật lắm phúc nhiều may
hậu vận của người công chính.
Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha.
Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hòa làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.

Còn rõ ràng hơn cả những lời sấm nói về vua mà chúng ta vừa đọc trên, tước hiệu “con Thiên Chúa” bao hàm cả sự bảo vệ chở che của Thiên Chúa. Thiên Chúa phải giải thoát người công chính khỏi tay những kẻ thù muốn lấy mạng sống của họ. bởi vì Người là “Cha” của họ. Nhưng phường vô đạo không hiểu rằng, ngay cả khi người công chính có bị giết chết, thì cái chết này cũng chỉ là một hình thức bên ngoài thôi, bởi vì Thiên Chúa vẫn cho họ được sống một cuộc sống đích thực, cùng với linh hồn của họ :

Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa
và chẳng cực hình nào động tới được nữa.
Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi ;
khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc.
Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt,
Nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình.
Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt,
nhưng họ vẫn chứa chan niềm hy vọng được trường sinh bất tử
(Kn 3,1-4).

Những điều trên đây đã được viết ra trong một viễn tượng chịu ảnh hưởng học thuyết Pla-ton khá nhiều (x. Kn 9,15). Cái chết thể lý chỉ là một hình thức bên ngoài, bởi vì linh hồn con người, khi lìa bỏ thân xác, cuối cùng sẽ trở về với Thiên Chúa. Thế có nghĩa là, mặc cho bề ngoài có thế nào đi nữa, Thiên Chúa sẽ cứu độ người bị phường vô đạo giết chết.

Như thế, trong Cựu Ước, tước hiệu “con Thiên Chúa” không mang một ý nghĩa siêu việt nào, cũng không hàm ý chỉ việc con người, cho dù người đó là vua hay là người công chính, được thông dự vào bản tính Thiên Chúa, tước hiệu này chỉ nói về hoặc là vua hoặc là người công chính. Tước hiệu ấy chỉ có nghĩa là một con người nào đó : vua, hay là người công chính được Thiên Chúa nhận là con và Người cam kết bảo vệ che chở. Đây là một tước hiệu chỉ được áp dụng cho con người mà thôi, bởi vì con người yếu đuối mới cần mới xin sự bảo vệ chở che của Thiên Chúa.

Vậy thì, kiểu nói “con Thiên Chúa” trong Mc 1,1 muốn nói điều gì ? Liệu có hàm ý chỉ thần tính của Đức Ki-tô hay không ? Xem ra không. Nội dung đó vẫn không vượt quá tầm mức nội dung mà kiểu nói ấy vốn có trong Cựu Ước.

Quả thực, trong câu Mc 1,1 hai tước hiệu “Ki-tô” và “con Thiên Chúa” được nối kết chặt chẽ với nhau và hai tước hiệu này là âm vang của Tv 2, trong đó, Thiên Chúa tuyên bố với Đấng Ki-tô của Người (Đấng Người đã xức dầu tấn phong, c.2) rằng : “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (c.7). Âm vang của Tv 2,2.7 này càng có khả năng hơn vì chính c.7 của Thánh vịnh này sẽ được sử dụng lại trong Mc 1,11 trong cảnh Đức Giê-su chịu phép rửa ; bấy giờ có tiếng từ trời tuyên bố với Đức Giê-su rằng : “Con là con của Cha”. Muốn quả quyết là thánh Mác-cô đã dành cho tước hiệu “con Thiên Chúa” một ý nghĩa sâu xa hơn ý nghĩa của tước hiệu này trong Tv 2, thì cần phải có những lý chứng nghiêm túc hơn nhiều.

Vậy mà trái lại, chúng ta có một dấu rõ rệt cho thấy rằng thánh Mác-cô chỉ dừng lại ở ý nghĩa mà kiểu nói này vốn có trong Cựu Ước. Vào khoảng gần kết thúc sách Tin Mừng, thánh Mác-cô tường thuật việc viên đại đội trưởng người Rô-ma tuyên xưng đức tin lúc Đức Ki-tô vừa chết trên thập giá : “Quả thật, người này là con Thiên Chúa” (Mc 15,39 ; x. Mt 27,54). Liệu có phải thánh Mác-cô muốn cho thấy một người ngoại giáo tuyên xưng thần tính của Đức Ki-tô ? Thánh Lu-ca đã thấy rõ nguy cơ giải thích bản văn nay như thế, cho nên thánh Lu-ca đã thay đổi bằng những lời sau : “Quả thật, người này là công chính !” (Lc 23,47). Thánh Lu-ca đã thực hiện việc chuyển đổi này khi qui chiếu vào sách Khôn ngoan : “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ nó” (Kn 2,18). Cũng như trong sách Khôn ngoan, kiểu nói “con Thiên Chúa” muốn xác quyết rằng, mặc cho những dáng vẻ bên ngoài có thế nào đi nữa, Đức Ki-tô đang hấp hối trên thập giá vẫn được Thiên Chúa bảo vệ chở che : đây là một lời hứa kín đáo về cuộc phục sinh sắp tới của Đức Ki-tô, như việc khám phá thấy mộ trống chỉ cho thấy, chứ không phải là một lời quả quyết về thần tính của Đức Ki-tô.

Cần phải thêm một ghi nhận nữa. Đọc toàn bộ sách Tin Mừng của thánh Mác-cô, chúng ta sẽ không thấy một bản văn nào đã đưa đến thần tính của Đức Giê-su. Giả như thánh Mác-cô đã muốn quả quyết thần tính của Đức Giê-su ngay từ câu đầu sách Tin Mừng của mình, thì phải giải thích thế nào sự việc thánh sử, khi tường thuật lại cuộc đời vị anh hùng của mình là Đức Giê-su, đã làm thinh không nói gì về thần tính của Người ?

Ý NGHĨA CỦA MC 1,1

Giờ đây chúng ta có thể xác định rõ ý nghĩa của câu đầu tiên trong sách Tin Mừng Mác-cô : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa”.

Từ “Tin Mừng” nói về việc Nước Thiên Chúa đã đến gần. Chính Đức Giê-su là vua thực sự của triều đại Thiên Chúa trên trái đất này, bởi vì Người đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, bởi vì Người là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô. Nhưng khi ấy, chúng ta lại đứng trước một tình huống nghịch lý : làm thế nào Đức Giê-su có thể cai trị khi mà Người sắp phải chết trên thập giá ? Độc giả sách Tin Mừng Mác-cô đừng lo, Đức Giê-su cũng là “con Thiên Chúa”, đây là một tước hiệu chỉ sự che chở hữu hiệu của Thiên Chúa đối với người Thiên Chúa nhận làm con. Tước hiệu “con Thiên Chúa” là một lời hứa ban sự sống, bất kể cái chết trên thập giá.

Bấy giờ, ta dễ thấy câu đầu tiên trong sách Tin Mừng Mác-cô loan báo bố cục tổng quát như thế nào. Trong câu này, Đức Giê-su có hai tước hiệu : “Ki-tô” và “con Thiên Chúa”. Tất cả phần thứ nhất sách Tin Mừng, từ 1,4 – 9,8 có mục đích giúp độc giả dần dần hiểu rằng : Đức Giê-su thực là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô. Đỉnh cao của phần này là lời thánh Phê-rô tuyên xưng tại Xê-da-rê Phi-líp-phê : “Thầy là Đấng Ki-tô” (8,27-30). Quang cảnh Biến hình (9,1-8) có mục đích xác nhận lời tuyên xưng đức tin ấy. Còn phần thứ hai, từ 9,9 – 16,8 bàn về sự nghịch lý ta vừa nêu ở trên : vì đương đầu với kẻ thù của mình, nên Đức Giê-su bị kết án tử ; nhưng lời tuyên xưng đức tin của viên đại đội trưởng người Rô-ma, “người này là con Thiên Chúa” (15,39), muốn nói rằng : Thiên Chúa không bỏ mặc Đức Ki-tô cho sự chết thống trị (như trong Kn 2, 18), đây là một lời loan báo kín đáo về cuộc Phục sinh. Trình thuật khám phá thấy ngôi mộ trống (16,1-8) sẽ xác nhận lời loan báo này.