Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mc 1, 14 – 20: Đức Giêsu Hành Động Nhờ Trung Gian Các Môn Đệ

Administrator
2018-09-23 04:28 UTC+7 26
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.   Bản Văn Tin Mừng: Mc 1,14-20 [1] 14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và […]


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mc 1,14-20 [1]

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. 17 Người bảo họ : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

***

I.- NGỮ CẢNH

Bài Tin Mừng này lấy phần cuối của Lời tựa (Bản tóm tắt hoạt động rao giảng của Đức Giêsu tại Galilê, cc.14-15) và phần đầu của hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê (cc. 16-20).

Tin Mừng không phải là bản công bố một loạt các chân lý rõ ràng và tách biệt. Ngược lại, đây là một bản tường thuật lôi kéo độc giả vào, đặt câu hỏi cho độc giả, gây ra những nỗi ngờ vực và những câu hỏi. Nhưng chính là nhờ cứ tiếp tục tự hỏi trong công việc giải thích, mà độc giả–thính giả trở thành môn đệ Đức Giêsu, sẵn sàng bước đi đàng sau Thầy. Đọc lần đầu tiên, hoặc đọc những đoạn rời rạc, độc giả thấy ý nghĩa của Tin Mừng không rõ ràng. Do đó độc giả cần có can đảm đọc tiếp, và cứ để cho những thắc mắc mở ra và chờ đợi các câu trả lời đến dần dần.

Cùng với việc Đức Giêsu xuất hiện, hành trình của các môn đệ cũng bắt đầu. Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên tại bờ hồ Galilê. Qua các hành động của Người, Nước Thiên Chúa cũng đến gần.

II.- BỐ CỤC

        Bản văn gồm hai đoạn nhỏ có thể văn khác nhau:

       1) Một “bản  tóm tắt” công việc rao giảng  của Đức Giêsu tại Galilê (1,14-15):

                 a- nơi chốn và thời gian (c. 14a),

                 b- chính “bản tóm tắt” (cc. 14b-15);

       2) Bài tường thuật việc Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (1,16-20):

                 a- Đức Giêsu thấy (cc. 16.19),

                 b- Đức Giêsu gọi: đến, theo (cc. 17.20a),

                 c – Các ông đáp: từ bỏ và đi theo (cc. 18-20b).

Người ta thường coi “bộ ba” Gioan Tẩy Giả – Phép Rửa – Cám Dỗ như một phần Mở của TM Mc, còn “bản tóm tắt” là khởi đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Toàn bản văn chúng ta đang khảo sát là phần khai mạc sứ mạng của Đức Giêsu với khởi đầu công việc rao giảng của Ngài và việc kêu gọi các môn đệ. Trong Mc, có nhiều đoạn nhắc lại và nối kết hai điểm này: x. 3,7-12.13; 6,6b.7-12).

Tuy nhiên, người ta cũng có thể coi 1,1-15 là một khối, được đóng khung bởi hai từ “Tin Mừng” (cc.1 và 15) (x. Gnilka). Sang phần kế tiếp, tác giả đưa vào một phần mới với “biển hồ Galilê”. Như thế, có thể nói, nhờ lối cấu trúc đóng khung, ta hiểu lúc đầu Tin Mừng được giới thiệu tổng quát, sau sẽ được giới thiệu chi tiết.

Các câu 14-15 long trọng giới thiệu các lời nói đầu tiên của Đức Giêsu theo Mc, do đó, cần lưu ý đến tầm quan trọng của những lời này. Trong MtLc, Đức Giêsu đã nói trước khi đi vào đời sống công khai: qua ba mẩu đối thoại với quỷ (Mt 4,3-10; Lc 4,3-12); trước đó, Mt 3,14-15 kể lại mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu với Gioan Tẩy Giả, còn Lc 2,48-49 kể lại mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu với Đức Maria tại Đền Thờ. Những lời đầu tiên của Đức Giêsu có ý nghĩa đối với nền thần học MtLc, thì hẳn cũng có ý nghĩa đối với nền thần học Mc… Nhưng bản văn song song đích thực chính là lời nói công khai đầu tiên của Đức Giêsu được ba Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại:

1) So sánh Mc với Mt

Mt 4,17 Mc 1,14-15
Đức Giêsu rao giảng Đức Giêsu bắt đầu rao giảng
Tin Mừng của Thiên Chúa: Thời kỳ đã mãn
Anh em hãy sám hối
vì Nước Trời đã đến gần Triều Đại (Nước) Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng

Công thức của Mt thì ngắn và mờ nhạt hơn công thức của Mc. Điểm nòng cốt (Nước Thiên Chúa và hoán cải) được đóng khung bởi hai yếu tố bổ sung: “thời kỳ đã mãn”, và “anh em hãy tin vào Tin Mừng”.

Ngay trong bản văn Mt, câu nói ngắn ngủi của Đức Giêsu đã được Gioan Tẩy Giả nói trước đó: Tác giả Mt dùng cách đó để khẳng định sự tiếp nối của các sứ mạng (việc rao giảng của Gioan chuẩn bị cho việc rao giảng của Đức Giêsu, và việc rao giảng của các môn đệ nối dài sứ điệp của Thầy). Nhưng vì thế, khi so sánh với bản văn Mt, ta thấy bản văn Mc phong phú hơn, độc đáo hơn, đặc biệt với từ  “Tin Mừng” đặt trên môi miệng Đức Giêsu.

2) So sánh Mc với Lc (Lc 4,14-15)

Tác giả Lc nói rằng Đức Giêsu giảng dạy nhưng không ghi lại một lời nào của Người; ngược lại, ngay sau đó, trong câu truyện hội đường Nadarét (4,16-30), Đức Giêsu đọc đoạn văn Is 61, mà theo Lc, là cả môt chương trình. Mà Lc lại dùng động từ “loan báo Tin Mừng” (euangelizomai) (Lc thích dùng động từ này hơn là danh từ “Tin Mừng”). Đây là điểm song song đáng lưu ý với bản văn Mc. Trong cả hai bản văn, quang cảnh khai mạc cuộc đời công khai của Đức Giêsu là một Tin Mừng.

Mc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “Tin Mừng” (HL. euangelion) khi ngài dùng từ này mà đóng khung bản văn của ngài: “Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” và “anh em hãy tin vào Tin Mừng”. Từ ngữ “Tin Mừng” được lặp lại ba lần để đóng khung hai đoạn văn trong cùng một phân đoạn, khiến ta hiểu đây là “từ chìa khoá” vừa của phần Mở vừa của “bản tóm tắt”. Đàng khác, nếu từ “Tin Mừng” đóng khung những lời nói đầu tiên của Đức Giêsu, điều này có nghĩa là, muốn hiểu những lời này, ta phải đi từ “Tin Mừng”.

III.- VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

– Tin Mừng (14.15): Tác giả dùng từ ngữ “Tin Mừng” ở dạng tuyệt đối (= không có bổ ngữ theo sau) 5 lần, mà ta có thể phân phối thành hai loạt: trong quan hệ với việc rao giảng cho Dân ngoại (13,10; 14,9; 16,15) và khi nói về việc các môn đệ bị bách hại và phải biết hy sinh  (8,35; 10,29). Trong hai bản văn cuối cùng, đáng lưu ý là “Tin Mừng” được đặt song song với Đức Giêsu: “vì tôi và vì Tin Mừng”, y như là một sự đồng hoá. Tin Mừng được nói đến y như là một nhân vật. Trong tác phẩm Mt, từ ngữ này chỉ được dùng 3 lần trong thuật ngữ “Tin Mừng về Nước Trời”, còn Lc thì không bao giờ sử dụng. Hẳn đây là sáng kiến của riêng tác giả Mc. Nhưng cũng rất có thể là ngài đã nhận lấy ý niệm này từ Phaolô, vì vị tông đồ đã sử dụng từ ngữ “Tin Mừng” khoảng 60 lần, và có tới khoảng 30 lần dùng từ ngữ này ở thể tuyệt đối (Các bản văn chính: 1 Tx 2; 1 Cr 9; Rm 1; 15; Pl 1 và 4). Từ ngữ này có nhiều nghĩa:

+ Việc loan báo một sứ điệp hạnh phúc: nội dung của sứ điệp này;

+ Hoạt động truyền giáo của tông đồ Phaolô nơi Dân ngoại;

+ Giá trị tối cao mà thánh Phaolô phải đón nhận vì vượt quá ngài vô cùng;

+ Nhất là, đây luôn luôn là một thực tại sống động, năng động, một biến cố đang diễn tiến: sự xuất hiện của vinh quang (2 Cr 4,4), sự mạc khải đức công chính của Thiên Chúa đang hoạt động để cứu độ loài người (Rm 1,16). Phaolô có thể nói rằng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa quyền năng do phục sinh từ cõi chết” (Rm 1,4) hoặc Tin Mừng là “quyền năng của Thiên Chúa để cứu thoát mọi kẻ tin” (Rm 1,16). Nhìn theo quan điểm cứu độ, Phaolô cũng như Máccô đồng hoá Đức Giêsu và Tin Mừng (so sánh Mc 1,14-15 với Rm 1,1-5.16).

Các độc giả của Phaolô, sống trong đế quốc, đã quen với những từ ngữ như “quang lâm”, “giáng lâm”, “tiền hô”, “công bố” (HL. kêrygma)… Nhưng tư tưởng của Phaolô không bắt nguồn trực tiếp từ nghi thức đón tiếp hoàng đế, mà là từ một nền tảng Cựu Ước: từ các câu  chuyện các vua Saun, Đavít và Salômôn (x. 1 Sm 31; 2 Sm 1,4; 1 V 1) trong đó Tin Mừng có ý nghĩa là chiến thắng, giải phóng, sự hiển ngự của một vị vua. Đặc biệt từ sách Sách Yên Ủi Israel (Is 40–55) trong đó có từ ngữ “Tin Mừng”: hai lần ngài đã quy về Is 52,7 (x. Rm 10,15; Ep 6,15). Sách II Isaia đã dùng từ “Tin Mừng” mà áp dụng cho một biến cố cụ thể: biến cố giải phóng những người lưu đày, nhờ chiến thắng của vua Kyrô và sắc lệnh cho phép họ hồi hương và tái thiết Đền Thờ. Khi giải phóng Dân Người, Đức Chúa (Yhwh) tỏ ra cho Dân ngoại thấy Người là Đấng Cứu độ đầy quyền lực, là Đấng công chính, Đấng yêu thương. Thiên Chúa đã thiết lập triều đại của Người khi tích cực can thiệp mà cứu độ Dân Ngài và tỏ mình ra cho họ. Vậy Tin Mừng là việc công bố cho muôn dân biết cuộc đăng quang này của Thiên Chúa.

Đối với Phaolô và cả Mc nữa, Tin Mừng là một cuộc đăng quang hoàng đế, là một triều đại bắt đầu (x. Rm 1,1-4). Nhưng nếu Phaolô đặt biến cố đăng quang vào lúc Đức Giêsu chết và sống lại, Mc lại đưa biến cố ấy ra trước, đặt vào đời sống công khai của Đức Giêsu. Đối với Mc, quyền lực của Đấng Phục Sinh đã được bày tỏ cách kín ẩn trong những lời nói và việc làm của Đức Giêsu trần thế. Được loan báo trong bản tóm tắt, Tin Mừng sẽ được bung ra trong những bài tường thuật kế tiếp: lời rao giảng với uy quyền, cuộc chiến đấu chống Satan, các phép lạ và, có thể, trước tiên, việc chọn lựa các môn đệ. Từ đó, biến cố cứu độ khởi đầu cho Triều Đại của Thiên Chúa (“Tin Mừng của Thiên Chúa”: Mc 1,14) chính là bản thân Đức Giêsu (“Tin Mừng Đức Giêsu Kitô”: 1,1) đang hành động và rao giảng, Người chính là “Triều-Đại-hiện-thân” (Origiênê). Như Phaolô nói, và như Mc đã hiểu rất đúng: Tin Mừng của Thiên Chúa, chính là Con của Người. Và Đức Giêsu có thể nói: “Triều Đại (Nước Thiên Chúa) đang ở đó” bởi vì chính Người đang ở đó.

Sự song song giữa hai bản văn của Phaolô (Rm 1,1-5 và Rm 1,16-17) và Mc (Mc1,14-15) còn cho thấy một yếu tố khác nữa: lời đáp của con người với biến cố cứu độ hệ tại một thái độ duy nhất, đức tin. Hoán cải, chính là tin vào Tin Mừng, nghĩa là đón nhận Tin Mừng và dấn thân phục vụ Tin Mừng.

– Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ: Trong Mt, có một bản văn hầu như tương tự bản văn Mc, còn trong Lc, hoàn cảnh khác hẳn: đây là một bản văn độc đáo với ba yếu tố: giảng dạy đám đông, mẻ cá lạ lùng và việc kêu gọi Phêrô. Có thể nói bài tường thuật về việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên đã có trong truyền thống ở dạng độc lập.

Đọc lướt qua, chúng ta có ấn tượng đây là một sự kiện tầm thường. Đọc kỹ hơn, ta thấy hoàn cảnh không đơn giản mấy. Trong thực tế, có hai bài tường thuật nhỏ, khá giống nhau, ta có thể đọc riêng rẽ, nhưng chúng được nối kết với nhau về thời gian, nơi chốn và hoàn cảnh, làm thành một khối rất thống nhất.

Nói là hai bài tường thuật vì các đoạn văn này được xây dựng theo cùng một mẫu, theo cách lược đồ (làm bảng nhất lãm thì thấy rõ). Ta có thể đọc thêm bài tường thuật về ơn gọi của Lêvi (x. 2,14) để thấy những đặc điểm tương tự.

Phêrô-Anrê

Giacôbê-Gioan

Lêvi

1. Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê Đi xa hơn một chút         Đi ngang qua (trạm thu thuế)
2. Người thấy Simon với em là Anrê Người thấy Giacôbêvới người em là Gioan Người thấy Lêvi con Anphê
3. đang quăng lưới xuống biển vì họ làm nghề đánh cá đang vá lưới ở trong thuyền đang ngồi ở đó (trạm thu thuế)
4. Người bảoCác anh hãy theo tôi (tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá) Người liền gọi các ông Người bảo ông Anh hãy theo tôi
5. Lập tức hai ông bỏ chài lưới Và các ông bỏ cha mình là Dêbêđê (ở lại trên thuyền với những người làm công) Ông đứng dậy
6. mà đi theo Người mà đi theo Người đi theo Người

Có hai yếu tố không đổi: khi đi ngang qua, Đức Giêsu thấy ai đó với nghề nghiệp; Người kêu gọi, người ấy bỏ nghề, đi theo Người. Đây là cái khung trong đó ta chỉ cần thay đổi tên người được gọi và kiểu sống của kẻ ấy.

Trong thực tế, sự song đối không hoàn toàn sít sao. Nếu đọc các bài tường thuật từ trái qua phải, ta nhận thấy rằng, cứ sang một cột, lại mất đi một yếu tố. Nhưng dù cho hai bài tường thuật đầu vừa theo một lược đồ tương tự vừa có thể tách rời nhau, ta vẫn có thể nói rằng dường như chúng không được viết độc lập với nhau; trái lại, chúng bổ túc cho nhau rất khéo. Cho dù công thức “họ làm nghề đánh cá” được dùng cho Simôn và Anrê, ta vẫn hiểu rằng Giacôbê và Gioan cũng làm nghề ấy. Mỗi bài mô tả một phương diện của nghề đánh cá (quăng lưới; vá lưới) nhưng cả hai mới cung cấp một bức hoạ đầy đủ về nghề này. Muốn biết bốn người đã bỏ gì lại, phải cộng các chi tiết của hai bài: lưới, thuyền, cha; nghĩa là: nghề nghiệp và gia đình. Nhưng đặc biệt hai câu 17 và 20 soi sáng lẫn nhau: Lời hứa “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người” chỉ được ngỏ với Simôn và Anrê, nhưng rõ ràng cũng có liên hệ đến Giacôbê và Gioan. Câu “Người gọi các ông” (bản văn 2) không nhắc lại “Các anh hãy theo tôi” (bản văn 1). Câu 17 xác định đối tượng của việc Đức Giêsu kêu gọi (một sứ mạng), còn c. 20 giải thích lời mời gọi bước theo Đức Giêsu (một ơn gọi). Như thế, những chi tiết hơi khác nhau trong hai bài lúc đầu đã khiến người ta nghĩ đến những bài tường thuật tiểu sử, nhưng vì đặc tính đúc sẵn của chúng, có lẽ phải coi đây là một thể văn riêng. Nhiều nhà chú giải cho rằng bài tường thuật này đã dựa theo một bài mẫu là ơn gọi ngôn sứ Êlisa (x. 1 V 19,19-21). Những điểm giống nhau giữa hai bản văn cho thấy tác giả đã dựa vào sách 1 Vua, những chỗ khác nhau cho thấy rằng ngài cũng có quan điểm riêng của ngài.

+ Giống nhau: Hai bản văn có cùng một cấu trúc, hầu như có cùng những từ ngữ giống nhau: Êlia (như Đức Giêsu) đi qua, gặp một người đang làm việc, mời người ấy đi theo mình. Người môn đệ mới liền bỏ nghề và cha mà đi theo Thầy. Trong trường hợp Êlisa, điểm thứ năm chi tiết hơn: ông huỷ tất cả những gì liên hệ với cuộc sống trước đây, và ông từ giã cha mẹ (= hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ). Điều lạ lùng là yếu tố này chỉ được nhắc lại trong một bài tường thuật về một ơn gọi hụt do Lc viết (9,61-62) ở cuối một chuỗi ba câu truyện (Mt chỉ ghi giữ hai truyện đầu: Mt 8,18-22): Ở đây ta gặp lại lời xin được từ giã gia đình và lời nói về “cái cày”. Như vậy, dường như truyền thống liên hệ đến ơn gọi của Êlisa, bằng ảnh hưởng trực tiếp nhưng cũng bằng tương phản, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc sáng tác các bài tường thuật về ơn gọi trong Tin Mừng. Các điểm khác nhau còn cho thấy rõ điều này hơn.

+ Khác nhau:

(1) Từ biệt cha mẹ. Câu trả lời của Êlia có thể có vẻ hàm hồ, nhưng Do Thái giáo coi lời ông như một lời cho phép. Còn trong ba bài tường thuật của Lc (9,57-62), Đức Giêsu không chấp nhận bất cứ sự chậm trễ nào. Trong cuộc kêu gọi các ngư phủ, không hề có lời nào cho thấy họ xin từ biệt cha mẹ. Ngược lại, mọi sự đi theo chiều hướng một sự đoạn tuyệt tận căn.

(2) Êlia “gặp thấy” Êlisa gần như do tình cờ và dùng một cử chỉ mà mời ông đi theo. Ngược lại, Đức Giêsu “thấy” những kẻ Người gọi, một cái nhìn diễn tả một sự lựa chọn trước; ngoài ra, Người còn nói một lời (“Hãy theo tôi”) chứng tỏ uy quyền tuyệt đối của Người.

(3) Êlisa đi theo Êlia chỉ như một người tôi tớ; còn bốn người được Đức Giêsu kêu gọi, thì được Người cho biết sẽ giao cho họ một sứ mạng. Các từ ngữ gợi ý một sự chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng trong thực tế Đức Giêsu xác định một sự thay đổi hoàn toàn chiều hướng sống.

Đức Giêsu làm cho bốn ông trở thành “ngư phủ lưới người” chính là trọng tâm, xoay quanh đó là bài tường thuật ơn gọi nhằm một sứ mạng. Chúng ta nhận thấy có những điểm nổi bật:

+ Sáng kiến của Đức Giêsu cho thấy uy quyền tối cao và tính hữu hiệu của lời Người. Không phải là người môn đệ đi tìm một vị thầy dạy suy tư, nhưng là Đức Giêsu đi bước trước. Như Yhwh đã thấy Môsê, đã nhận ra Giêrêmia, Đức Giêsu thấy, chọn và gọi những kẻ Người muốn. Ngay từ đầu, Người đã xử sự như thầy và chúa tể.

+ Lời đáp của kẻ được gọi: tuyệt đối vâng lời Đức Giêsu, như trường hợp các ngôn sứ; đoạn tuyệt trọn vẹn với hoàn cảnh trước đó (gia đình và nghề nghiệp); dâng mình hoàn toàn cho Đấng kêu gọi để sống với Người một cuộc sống mới.

+ Đức Giêsu kêu gọi để giao phó một sứ mạng. Đối với Giáo Hội tiên khởi, bài tường thuật này là nền tảng cho quyền bính tông đồ. Sứ mạng của các ông không đến từ các ông, nhưng từ một tiếng gọi và nó bén rễ trong sự kiện các ông đã bước theo Đức Giêsu.

– “Kẻ lưới người như lưới cá” (halieis anthrôpôn) (c. 17): Tại Sumer (thiên niên kỷ iii) và tại Mari (thiên niên kỷ ii), trong một ngữ cảnh nói về chiến tranh, tấm lưới cá là một dụng cụ giúp đạt chiến thắng trên kẻ thù và là biểu tượng diễn tả việc Thượng Đế thực thi công lý. Trong nhiều bản văn ngôn sứ, đặc biệt Gr 16,16; Kb 1,14-15, ta thấy những tư tưởng và hình ảnh này liên hệ đến việc Yhwh phán xét Israel: trong dụ ngôn chiếc lưới (x. Mt 13,47-49), hình ảnh ám chỉ cuộc chọn lọc trong ngày tận thế. Nhiều cách diễn giải: “you  will catch men as if you were catching fish” (Barrow Eskimo), “just like you catch fish, I will make catch men (San Blas), “give power to bring men” (Black Bobo), “make you become ones who are men bringers (Moré), “fishers who fish (or catch) men” (Bratcher & Nida).

– “Lập tức hai ông bỏ …”: Tác giả Mc chỉ áp dụng hai lần động từ HL aphiêmi, “leave, abandon”; “rời bỏ, bỏ rơi” cho các tông đồ (ở đây và 14,50). Có lẽ ngài muốn nói: bỏ của cải mình cũng chẳng ích gì nếu lại bỏ rơi Đức Giêsu trước cái chết, hay chỉ “theo Người xa xa” (14,54). Kể từ việc tuyên xưng đức tin tại Xêdarê và lời loan báo Khổ Nạn lần đầu, Mc đưa vào vào đề tài con đường (x. 8,27. “Con đường” đánh dấu các chặng lên Giêrusalem: 9,33; 10,32). Nhưng trên con đường này, mặc dù đi đàng sau, các môn đệ không muốn theo Đức Giêsu tiến về cuộc Khổ Nạn. Ngược lại, người môn đệ chân chính, là anh mù Báctimê, khi đã thấy, thì theo Đức Giêsu trên con đường này (10,52). Kể từ nay, bước theo Đức Giêsu, chính là vác thập giá (x. 8,34). Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan chỉ thực sự đi theo Đức Giêsu khi mang Tin Mừng đến cho mọi người (x. 1,38; 2,15), và hy sinh mạng sống “vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng” (8,35).

IV.- Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN

* Tóm tắt hoạt động rao giảng của Đức Giêsu tại Galilê (14-15)

Trước khi ghi nhận các chi tiết thuộc về đời sống công khai của Đức Giêsu, Mc tóm tắt hoạt động của Người bằng cc. 14-15. Biến cố Gioan Tẩy Giả bị bắt đã kết thúc hoạt động của ông. Đức Giêsu, trước đây đã được Gioan ban phép rửa cho (1,9-11), nay trở lại Galilê và tại đó, Người bắt đầu công trình của Người. Sứ điệp Người phải truyền đạt được xác định ngay từ đầu là Tin Mừng của Thiên Chúa: Tin Mừng đến từ Thiên Chúa và Tin Mừng nói về Thiên Chúa. Đây là Tin Mừng tuyệt hảo được Thiên Chúa thông ban cho ta và nói với ta về tương quan Người muốn thiết lập với ta. Đức Giêsu cho biết rằng những gì Thiên Chúa đã hứa, nay đang trở thành hiện thực. Thời gian đang khởi đầu với lời loan báo và hoạt động của Đức Giêsu là thời gian của sự hoàn tất, thời gian của hoạt động đặc biệt của Thiên Chúa. Tất cả những điều này khiến chúng ta vui mừng và tin tưởng.

* Gọi bốn môn đệ đầu tiên (16-20)

Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã chứng tỏ Người là vị Tôn sư và Chúa tể. Người không giải thích cho các môn đệ biết chương trình hoạt động của Người, Người không đề nghị hay hứa hẹn, không tìm cách thuyết phục, Người chỉ đơn giản kêu gọi bước theo Người. Ngoài ra, bởi vì ngoại trừ trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu không làm gì mà không có các môn đệ. Điều này có hai ý nghĩa:

1) Ngay khi xuất hiện, Đức Giêsu tạo lập một cộng đoàn, một gia đình (x. 3,20-35) gồm các môn đệ, để họ “ở với Người và để Người sai đi” (3,14).

2) Các ông là những người tiếp nối công trình của Người, các ông phải làm chứng về những hoạt động của Người. Người ta trở thành môn đệ khi đón nhận tiếng gọi của Đức Giêsu. Mở lòng ra liên tục với tiếng gọi này chính là đặc điểm thường hằng của người môn đệ.

Ở đây, chúng ta ghi nhận Simôn nổi lên như người thứ nhất trong anh em do chính sáng kiến của Đức Giêsu (sẽ có lúc tên ông không được nêu ra đầu tiên nữa: x. 16,7); chính Người đã tách ông ra khi thiết lập Nhóm Mười Hai, Người đã đổi tên Simôn thành “Phêrô”  (x. 3,13-19).

+ Kết luận

Vậy bài tường thuật này có một ý nghĩa thần học. Nhưng còn giá trị lịch sử thì sao? Dường như bài này đã gây nhiều vấn nạn, và các Tin Mừng viết sau (như LcGa) đã trình bày việc kêu gọi đúng thực tế hơn. Dù vậy, bên kia tính chất lược đồ thần học, bài này cũng phản ánh những nét lịch sử:

– Các môn đệ đã thực sống quanh Đức Giêsu (“bước theo, đi đàng sau” là động từ xác định quan hệ của một nhóm môn đệ với một vị thầy (Rabbi).

– Con người Đức Giêsu có sức thu hút người ta đi theo Người vô điều kiện (nhiều đoạn Mc cho thấy như vậy).

– “Bước theo” Đức Giêsu có nghĩa là dấn thân trọn vẹn vào một cuộc phiêu lưu.

– Có thể coi câu nói “những kẻ lưới người” là câu nói của chính Đức Giêsu, vì không có bản song song trong truyền thống kinh sư Do Thái hay Hy Lạp.

V.- GỢI Ý SUY NIỆM

1. Tác giả muốn nêu bật sự nối tiếp giữa cuộc đời Đức Giêsu và Giáo Hội. Cuộc đời Đức Giêsu được giới thiệu bởi một vị Tiền Hô “bị nộp”. Cuộc đời các ông cũng sẽ được mạc khải bởi một Đấng “bị nộp” và “sống lại”. Đọc câu truyện hôm nay, thực sự phải nhận ra, đây chính là Đấng Phục Sinh vừa xuất hiện trên bờ biển, liên kết con người vào Tin Mừng bằng lời quyền năng của Ngài. Kể từ nay, Galilê chính là toàn trái đất, và bốn vị tông đồ là cộng đoàn mênh mông gồm những người bước theo Đức Giêsu.

2. Người Kitô hữu hôm nay cũng là những người đã nhận được lời kêu gọi: “Hãy theo tôi”. Họ không tự ý ra trình diện Đức Giêsu, không thỉnh nguyện được tham gia vào công trình của Người. Đức Giêsu cũng không nhận họ như là những cộng sự viện có tiền lương và có thời gian nghỉ hè. Người kêu gọi họ. Tiếng gọi của Người rất đòi hỏi, nhưng đưa lại trọn vẹn ý nghĩa cho cuộc đời họ.

3. Đức Giêsu không đề nghị cho họ một chương trình đã được hoạch định sẵn, nhằm thuyết phục họ là dấn thân theo chương trình ấy là chuyện hợp lý. Người gọi họ đến với Người. Thật ra tiếng gọi của Người cũng là một mệnh lệnh: điểm quy chiếu và định hướng duy nhất cho họ là bản thân Đức Giêsu. Người đi trước họ, và họ phải bước theo Người. Nội dung cơ bản của tiếng gọi, tức của cuộc sống mới của các môn đệ, là sự quy hướng về Đức Giêsu, sự hiệp thông đời sống với Người. Người môn đệ ký thác vào sự hướng dẫn của Người.

4. Tiếng gọi này đặt người môn đệ vào trong một tương quan riêng tư với Đức Giêsu, làm cho người ấy trở nên thành viên của một cộng đoàn và tạo ra tương quan của người ấy với những người được gọi khác. Đi theo Đức Giêsu không phải là từng cá nhân riêng lẻ, nhưng là một cộng đoàn các môn đệ. Nhưng không phải là các môn đệ mà là Đức Giêsu, bằng tiếng gọi của Người, xác định ai thuộc về cộng đoàn này.

5. Tiếng gọi này là một lời mời để cho Người đào tạo: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (c. 17). Người trao cho họ một nhiệm vụ mới và Người chuẩn bị họ. Họ sẽ dẫn những người khác đi trên cùng một nẻo đường mà họ đang theo, tức sống hiệp thông với Đức Giêsu.

 


[1] Bản văn Tin Mừng do nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển ngữ