Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mc 13,33-37: Người Giữ Của Canh Thức Ban Đêm

Administrator
2018-09-23 04:28 UTC+7 23
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.   1.- Ngữ cảnh Bài này rút từ Diễn từ cánh chung (ch. 13) của Tin Mừng Máccô là chương nói về những vấn đề của thời buổi cuối cùng. Diễn từ này kết thúc bằng một lời kêu gọi khẩn thiết hãy tỉnh thức. Lời kêu gọi này […]


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 
1.- Ngữ cảnh

Bài này rút từ Diễn từ cánh chung (ch. 13) của Tin Mừng Máccô là chương nói về những vấn đề của thời buổi cuối cùng. Diễn từ này kết thúc bằng một lời kêu gọi khẩn thiết hãy tỉnh thức. Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những người đang được Đức Giêsu ngỏ lời với (13,3), nhưng nhắm đến tất cả mọi người (13,37). Lời kêu gọi này được tác giả Mc nêu bật bằng hình ảnh người giữ cửa.

Vậy “tỉnh thức” trong Mc 13 có nghĩa là gì? Là không “ngủ” (c. 36). Nhưng hẳn không  phải chỉ có nghĩa đen ấy.

2.- Bố cục

Đoạn văn này được bố cục theo kiểu cấu trúc đồng tâm (chuyển hoán), với đỉnh cao là c. 35:

a : Lời kêu gọi “tỉnh thức” gửi đến các môn đệ (c. 33);
b : Dụ ngôn người chủ đi xa (c. 34);
c : Lặp lại lời kêu gọi mở đầu và áp dụng theo dụ ngôn (c. 35);
b’: Tiếp nối dụ ngôn người chủ đi xa trở về (c. 36);
a’: Lặp lại lời kêu gọi “tỉnh thức” mở đầu, và gửi đến mọi người (c. 37).

Chúng ta cũng có thể thấy đây là một kết cấu song song, nhằm làm nổi bật ý tưởng ta không biết thời gian quang lâm; do đó, có hệ luận: phải tỉnh thức.


 
Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức (33a) Vậy anh em phải canh thức (35a)
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến (34c) vì anh em không biết khi nào (35b)
phải canh thức (34c) không được ngủ (36b)
3.- Vài điểm chú giải

– Hãy tỉnh thức (33): Tác giả dùng động từ lạ agrypnete, đồng nghĩa với động từ quen thuộc grçgoreite; đây là mộttừ của nền văn chương khôn ngoan (G 21,32 LXX; Cn 8,34; Dc 5,2; Kn 6,15; Hc 36,16. Các bản Tân Ước khác cũng có dùng: Lc 21,36; Ep 6,18; Dt 13,17).

Cũng như người kia trẩy phương xa…, và ra lệnh cho người giữ cửa (34): Có một điểm gây thắc mắc: Nếu ông chủ đi phương xa, thì “để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ” là hợp lý rồi. Còn “chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” là cách bố trí của người đi vắng trong một thời gian ngắn. Tại sao lại chỉ lưu ý đến việc “canh thức” ban đêm? Ở đây tác giả Mc nối kết nhiều truyền thống: những lời Đức Giêsu kêu gọi tỉnh thức, dụ ngôn những nén bạc (Mt 24,42; 25,13-15; Lc 12,36-38; 19,12-13), với dụ ngôn người giữ cửa của riêng ông cộng với truyền thống kinh sư về ý nghĩa của “đêm”. Trong TM Mc, không có dụ ngôn “những nén bạc” như trong MtLc.    

– Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng (35): Người Rôma chia một đêm thành 4 canh, mỗi canh kéo dài 3 giờ. Còn người Do Thái quen chia đêm thành 3 canh (x. Tl 7,19; Lc 12,38). Nhưng tại sao bài Tin Mừng lại chỉ chú trọng đến “đêm”?

Trong nền văn chương Do Thái giáo, thời gian hiện tại thường được coi như một “đêm”, còn tương lai được ví với một “ngày” hoặc một “buổi sáng”. Những câu Cựu Ước nói về “đêm” theo nghĩa đen thường được áp dụng cho “đêm” của thế gian này. Chẳng hạn lời ông Bôa nói với bà Rút: “Hãy qua đêm ở đây” (R 3,13) được Rabbi Meir (#150 sau CN) trích quy chiếu về “thế gian hoàn toàn là đêm tối ấy” (Rút R. 6,4). Các kinh sư thường áp dụng từ ngữ “canh khuya” trong Tv 92 (“Thú vị thay… được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya”) cho thời gian hiện tại (Midr. Tv 92,7). Sách Talmud chú giải câu Tv 104,20a như sau: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối” là câu nhắm đến thế giới hiện nay, được so sánh với đêm tối.

Giống như các kinh sư, thánh Phaolô đã dùng những ý tưởng về “đêm” để mô tả thời kỳ hiện tại cho đến ngày Quang Lâm (Rm 13,12). Vì thế, ông đã kêu gọi người Rôma: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy” (13,11), vì ơn cứu độ đã gần họ hơn khi họ mới tin, vì “đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12; x. 1 Tx 5,5tt). Ông còn nói: “Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1 Tx 5,2). Hình ảnh “kẻ trộm đến ban đêm” không có trong nền văn chương Do Thái, mà chỉ có trong Tân Ước thôi (Mt 24,42-44; Lc 12,39t; 2 Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15). Đây là một yếu tố thuộc truyền thống Ki-tô giáo bắt nguồn từ Đức Giêsu. Từ đó ông khuyên người Thêxalônica hãy tỉnh thức (1 Tx 5,6).          

Vậy lời kêu gọi hãy tỉnh thức chờ đợi ông chủ trở về vào một lúc nào đó trong đêm khuya phải được hiểu theo chiều hướng này.

Nhưng làm thế nào dung hòa được hai chi tiết “trẩy phương xa” (đi lâu) và “về lúc chập tối” (đi ngắn hạn)? Trong văn chương Do Thái giáo, có một dụ ngôn na ná với dụ ngôn Mc 13,34tt: Một bà chủ nhà có một nữ tỳ Êtióp. Chồng bà vượt biển đi xa. Suốt đêm, người nữ tỳ nói với bà: “Tôi đẹp hơn bà, đức vua yêu tôi hơn bà”. Bà chủ đáp: “Đến sáng rồi chúng ta sẽ biết ai là người đẹp hơn, ai là người được đức vua yêu thương”. Bài tường thuật tiếp: Các dân nước nói với Israel: “Các hành vi của chúng tôi thật đáng khen, và Đấng Thánh – xin chúc tụng Ngài – hài lòng về chúng tôi”. Rồi bài quy chiếu về Is 21,12 mà giải thích rằng “buổi sáng” đang đến là thời gian tương lai (Dân số R. 16,23 [70b]).

Bài dụ ngôn này cũng có những chỗ không ăn khớp với nhau, và có những chi tiết giúp hiểu bài Mc: đêm tối chính là thời gian hiện tại với những phiền muộn mà dân Chúa phải gánh chịu.

– Phải canh thức (36): Trong nền văn chương Do Thái giáo, chủ đề “canh thức” được đề cập đến trong một viễn tượng quốc gia. Israel lúc đó đang bị các vương quốc của thế gian áp bức, chà đạp. Nhưng trong tương lai cánh chung, hoàn cảnh sẽ đảo ngược, Israel sẽ chiến thắng, sẽ nhận được danh dự và vinh quang. Đó là “ngày”.

Trong Tân Ước, giọng điệu ái quốc này không còn nữa. Nay người tín hữu phải chiến đấu “với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này” (Ep 6,12). Thế gian đang nằm dưới quyền của thần dữ (1 Ga 5,19). Thế gian đã quay lưng lại với Ngài, là nguồn ánh sáng. Vì thế, thời gian hiện tại chính là thời kỳ của bóng tối và đêm khuya.

Tuy nhiên, khi Đức Giêsu đến, sấm ngôn Is 9,1 nói về ánh sáng đã ứng nghiệm (x. Mt 4,16). Đức Giêsu là ánh sáng soi chiếu trần gian (x. Lc 2,32; Ga 1,5; 8,12; 12,46). Ai tin vào Đức Giêsu, Đấng Mêsia, thì không phải ở trong bóng tối (Ga 12,46; x. 3,19; Cv 26,18; Cl 1,13; 1 Pr 2,9; Ep 5,8). Nhưng dù đã được giựt ra khỏi vương quyền của bóng tối (Cl 1,13), dù đã trở thành con cái ánh sáng và ban ngày (1 Tx 5,5), người ấy vẫn còn sống trong thời gian của “đêm tối”, vẫn còn ở trong một hoàn cảnh có thể bị cám dỗ, có thể sa ngã, bị tà thần của thế gian hiện tại nắm bắt lại. Để mình bị những sức mạnh thế gian chiến thắng, buông mình theo những chuyện thế gian, đó chính là “mê ngủ”. Trong dụ ngôn, “giấc ngủ” tương ứng với “đêm”: “giấc ngủ” thuộc về “đêm”, bởi vì người ta ngủ ban đêm.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Lời kêu gọi “tỉnh thức” gửi đến các môn đệ (33)

Lời kêu gọi mở đầu này xác định chủ đề của đoạn văn: Phải tỉnh thức. Các môn đệ của Đức Kitô cần phải canh thức, bởi vì họ không biết ngày giờ (“thời ấy”) của cuộc Quang Lâm.

* Dụ ngôn người chủ đi xa (34)

Điểm chính của dụ ngôn là: ngày trở về của ông chủ là biến cố người ta không thể tiên liệu. Ông có thể về bất cứ lúc nào: chính khía cạnh này buộc người giữ cửa phải canh thức liên tục. Nhưng ông cũng có thể đi lâu: chính vì thế các gia nhân cứ phải sinh hoạt để điều hành các công việc của nhà và sinh lợi cho chủ. Các môn đệ của Đức Giêsu vừa là “các gia nhân” vừa là “người giữ cửa”; họ phải vừa làm việc vừa canh thức. Có thể hiểu đây là các vị lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu.

* Lặp lại lời kêu gọi mở đầu và áp dụng theo dụ ngôn (35)

Lời kêu gọi được lặp lại như một điệp khúc, nhưng ở đây, công thức “khi nào thời ấy đến” đã được giải thích bởi công thức song song “khi nào chủ nhà đến”. “Thời ấy” chính là lúc chủ nhà trở về, tức ngày Quang Lâm của Đức Giêsu. Tác giả diễn tả sự bấp bênh cách biểu tượng theo cái khung một ngày: “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”.  

* Tiếp nối dụ ngôn người chủ đi xa trở về (36)

Các môn đệ của Đức Giêsu đang ở trong “đêm”, nhưng họ không được “ngủ”; họ vẫn sinh hoạt bởi vì ông chủ có thể về ngay trong đêm nay. Họ phải canh thức. Bởi vì biến cố ông chủ trở về thay đổi mọi sự, ta hiểu “làm việc” là “cùng làm việc”. Đức Giêsu đang hành động trong thế giới để đưa đến mộtnhân loại mới. Người lôi kéo con người vào làm việc với Người, làm cho họ thành những đầy tớ phục vụ hoạt động của Người. Nhưng để có thể cộng tác với Đức Giêsu, họ phải tỉnh thức để nhận ra những gì Người đang làm.

* Lặp lại lời kêu gọi “tỉnh thức” mở đầu, và gửi đến mọi người (37)

Lời kêu gọi ở đây chính là lời kêu gọi ở c. 33 được lặp lại. Cùng với lời kêu gọi ở c. 33, lời kêu gọi ở c. 37 này “đóng khung” toàn bài, đã xác nhận toàn bản văn bên trong được triển khai theo chủ đề “Sự tỉnh thức”. Nhưng đến đây, lời kêu gọi được gửi rộng rãi đến tất cả mọi người, nghĩa là không chỉ dành cho các vị lãnh đạo cộng đoàn, nhưng cũng được gửi đến toàn thể cộng đoàn Kitô hữu.
 
+ Kết luận

Vậy, “phải canh thức”! Đang khi tiến đi trong thế giới của đêm đen, người tín hữu được mời gọi thực hiện ơn gọi của mình và ân huệ đã nhận, đó là được làm con cái ánh sáng, mắt đăm đăm hướng về ngày chủ trở lại và về “ngày” đang đến. Sự canh thức ở đây mang tính cánh chung: hoàn toàn quay hướng về phía trước, về biến cố Đức Kitô sắp ngự đến trong tương lai. Theo nghĩa này, người tín hữu không thể canh thức nếu không chấp nhận chiến đấu (Rm 13,11tt; các vũ khí: 1 Tx 5,6-8; 1 Cr 16,13; Ep 6,10-20; 1 Pr 5,8t). Canh thức như thế là ngay từ bây giờ, sống trước đời sống tương lai (x. Rm 13,13). Thái độ cánh chung không khiến người ta phủ nhận thế giới, nhưng giúp người ta có một thái độ tự do lành mạnh, thanh thoát đối với tất cả những gì thuộc về thế giới, không sợ hãi loài người, không tìm danh vọng, không khắc khoải trước gian khó, đau khổ và cái chết (x. 1 Cr 4,3t).

5.- Gợi ý suy niệm

1. “Canh thức” trong đêm tối của thời gian hiện tại trong khi chờ đợi Đức Giêsu trở lại, chính là đang sống trong tư cách những người đã được giải thoát, bởi vì bất cứ khi nào đến, Đức Giêsu sẽ bằng lòng nếu thấy các môn đệ của Người đang sẵn sàng với Người. “Canh thức” chính là mộtcách thức thường hằng người Kitô hữu theo mà sống trong thế giới.

2. Canh thức như thế cũng là sống trong niềm vui. Niềm vui này không hề lệ thuộc những chuyện thay đổi của thế gian, vì nó trào vọt ra từ một nguồn mạch vĩnh hằng là chính Đức Giêsu Phục Sinh. Canh thức như thế còn là sống trong bình an, cho dù có gặp phong ba bão táp, bởi vì chính Đấng Phục Sinh đã cam đoan: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Cuối cùng, canh thức như thế cũng là sống niềm hy vọng, bởi vì cái nhìn của chúng ta luôn nhắm về phía trước, về thế giới đang đến, về “ngày” đang lại gần.

3. Tác giả Lohmeyer mô tả canh thức bằng câu nói: “Đời sống của người đạo đức không diễn tiến trong những trạng thái thiu thiu ngủ, những giấc mơ và những đam mê, nhưng trong nỗ lực dấn thân luôn luôn chăm chú và điều độ của con tim nhân loại”. Còn Schweizer định nghĩa canh thức là như “thái độ trong đó con người luôn luôn chờ đợi với tinh thần trách nhiệm Đức Chúa đến và không để mình bị sao nhãng trong thái độ sẵn sàng thường hằng này đối với Ngài bởi bất cứ điều gì”. Đấy là cách tốt để sống giáo huấn của Đức Giêsu.