Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Mc 16,1-8 [1]
1 Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. 2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
3 Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” 4 Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. 5 Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng ; các bà hoảng sợ. 6 Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! 7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” 8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
***
1.- Ngữ cảnh
Ba lần Đức Giêsu tiên báo không chỉ là tiên báo Khổ Nạn. Người đã luôn nói về trọn cuộc hành trình của Người và luôn luôn đặt biến cố Phục Sinh như là chặng cuối của hành trình này. Cuộc hành trình của Đức Giêsu không kết thúc với cuộc Thương Khó và cái chết, nhưng bằng cuộc Phục Sinh, bằng sự sống chan hòa ở nơi Thiên Chúa.
Thật ra, ở phân đoạn Mc 16,1-8, tác giả không mô tả cuộc Phục Sinh, nhưng kể về cách thức ba phụ nữ nhận được sứ điệp Phục Sinh. Khởi điểm là lòng trung thành bền bỉ của họ đối với Đức Giêsu. Các bà này đã được nhắc đến lần đầu ở Mc 15,40t và 15,47.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1/. Các bà đi ra mộ (16,1-5);
2/. Sứ điệp Phục Sinh (16,6-7);
3/. Phản ứng của các bà (16,8).
3.- Vài điểm chú giải
– Sáng tinh sương…, các bà ra mộ (2): Các phụ nữ này là những người đã chứng kiến cuộc đóng đinh Đức Giêsu (Mc 15,40), và có hai bà đã xem chỗ Đức Giêsu được mai táng (15,47). Mc đang đề cập đến những sự kiện với các nhân vật. Đàng khác, việc mua dầu thơm (ngay khi hết ngày sa-bát, tức là vào chiều thứ bảy sau khi mặt trời lặn), và việc các bà đến mộ từ sáng sớm để ướp xác Đức Giêsu, chứng tỏ các bà không hề có một ý tưởng gì về sự sống lại. Thông thường, người Do Thái ướp thi hài bằng dầu ô-liu, chứ không chỗ nào cho biết họ ướp bằng một hỗn hợp thuốc thơm, ngoại trừ khi tẩm liệm một vị vua (2 Cr 16,14). Người Do Thái cũng không biết tập tục ướp xác như người Hy Lạp. Có lẽ tác giả muốn cho hiểu rằng các bà có ý làm một việc gì đó để bảo quản thi hài Đức Giêsu. Dù sao, ý định xức dầu (aleipsôsin) đưa trở lại với hoạt cảnh 14,3-9. Nếu việc xức dầu ở Bêtania hướng về cái chết của Đức Giêsu, thì bây giờ ý định của các bà là xức dầu cho thi hài Đức Giêsu lại dẫn vào truyện Phục Sinh.– Tảng đá lăn ra một bên (4): Các bà đã sửng sốt ghi nhận là “tảng đá đã lăn ra một bên rồi”. Khi ghi chú rằng “tảng đá ấy lớn lắm”, tác giả muốn nhấn mạnh thêm sự ngạc nhiên của các bà. Chúng ta ghi nhận thái bị động “đã được lăn ra” (apokekylistai, thì hoàn-thành thái bị động của động từ apokyliô) để nói về một sự can thiệp của Thiên Chúa. Sự hiện diện của người thanh niên mặc áo trắng ở bên trong mộ xác nhận ý nghĩa này.
– Một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ (5): Người thanh niên ngồi bên phải, tức là ngồi về phía thuận lợi, khiến ta linh cảm tới những điều tốt lành; chính xác hơn, là ở trong một vị trí có uy quyền của Thiên Chúa (x. 12,36; 14,62). Bộ áo trắng là đặc điểm của những người được chấp nhận cho ra trình diện trước nhan Thiên Chúa, ở đây cho hiểu là người này là một nhân vật thuộc thiên giới (x. Kh 6,11; 7,9.13; Mc 9,3). Nỗi kinh hoàng sợ hãi (exethambêthêsan, aor. pass. ekthambeô; x. 1,27; 9,15; …) là phản ứng thông thường của con người khi tiếp cận với thế giới thần linh. Giống như trong các cuộc thần hiển Cựu Ước, sứ thần lên tiếng là để trấn an (c. 6a).
– Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi (6bc): Động từ zêtein, “tìm”, ở trong TM II chỉ được dùng trong liên hệ với Đức Giêsu, mà thường là trong một bối cảnh không thân thiện (8,11t; 11,18; 12,12; 14,1.11.55). Cả trong những lần khác (1,37; 3,32; 16,6), việc “tìm” này không đưa đến kết quả mong muốn bởi vì rõ ràng người ta có một quan niệm không thích đáng về bản thân Đức Giêsu. Sứ thần nhắc lại kiếp sống trần thế của Đức Giêsu (trong Mc, tên Giêsu được nhắc đến 81 lần): số phận này được tổng hợp bằng hai từ “người Nadarét” (x. cả 1,9; 1,24; 10,47; 14,67) và “chịu đóng đinh” (stauroun, “đóng đinh”: 15,13.14.15.20.24.25, luôn luôn được dùng để chỉ kết cuộc cuộc đời của Đức Giêsu theo yêu cầu của đám đông, được quan Philatô quyết định và được toán lính thi hành). Tác giả nhấn mạnh sự đối lập giữa “bị đóng đinh” (thái bị động từ phía loài người; x. 9,31) và “đã trỗi dậy” (thái bị động từ phía Thiên Chúa). Đây là lời khẳng định chan chứa niềm vui về chiến thắng của Đức Giêsu trên sự chết. Tấn bi kịch Thương Khó đã đến hồi kết thúc: Thiên Chúa đã làm cho Đấng-bị-đóng-đinh được sống-lại (êgerthê, aorist passive: thái bị động chỉ hành động của Thiên Chúa).
– Người không còn ở đây nữa (6d): Đây là mặt trái của lời “Người đã trỗi dậy (sống lại) rồi”. Lời thứ nhất giải thích lời thứ hai. Nếu Người đã sống lại, không có gì lạ nếu Người không còn ở đây nữa. Lời Chúa giải quyết một bí mật mà loài người không giải quyết được.
– Chỗ đã đặt Người đây này (6d): Nghĩa là các bà cứ việc ghi nhận là Người không còn ở đây nữa. Điều này, con người có thể kiểm chứng. Nhưng sứ điệp Phục Sinh đưa người ta vào trong một thế giới vượt quá họ. Việc các bà đi ướp xác Đức Giêsu không còn ý nghĩa nữa. Các bà phải hướng tâm trí về một thực tại khác.
– Nhưng các bà hãy đi nói (7): Tiếp theo lời công bố Tin Mừng Phục Sinh là sứ mạng cùng với một lời hứa. Khúc quanh được ghi dấu bằng liên từ “nhưng” (alla): không được bận tâm đến thi hài của Đức Giêsu nữa, để mà cứ đi tìm Người trong mộ; bây giờ các bà có một nhiệm vụ khác. Ta nhớ lại sự suy sụp của các môn đệ và Phêrô; bây giờ cần phải tiếp đón và quy tụ họ lại. Các bà được đề nghị đi chuyển sứ điệp cho các môn đệ. Đây là một sứ mạng giới hạn, bởi vì chính các môn đệ và đặc biệt là Phêrô, mới trở thành chứng nhân có thẩm quyền về sự Phục Sinh của Đức Giêsu, nhờ những cuộc hiện ra của chính Người. Dù vậy, sứ thần cũng cung cấp cho các bà phần nội dung chính của sứ điệp.
– Với các môn đệ Người và ông Phêrô: Cụm từ này đưa vào lại những nhân vật có tư cách xác định đã vắng mặt trong 14,50 (dịch sát,“tất cả các ông bỏ Người mà trốn”: chỉ là một nhóm vô danh, không có tên gọi “môn đệ”) và kể từ 14,72 trong trường hợp của Phêrô. Tên Phêrô được nhắc lại ở đây lần cuối cùng trong một truyện dài đã bắt đầu với lời Đức Giêsu kêu gọi ở 1,16-18. Ta đã tưởng truyện ấy phải vĩnh viễn chấm dứt do ba lần chối Thầy (14,29-31.66-72), nhưng tên Phêrô lại được nhắc lại ở đây để nêu rõ rằng lời mời các môn đệ đến gặp gỡ Đức Giêsu ở Galilê và tất cả những gì hàm chứa trong đó như sự tha thứ, tiếng gọi mới và sự hiệp thông được tái lập với Đức Giêsu, cũng có giá trị cho Phêrô. Liên từ “và [ông Phêrô]” không chỉ để nối hai chi câu, nhưng còn nhắm nhấn mạnh (“và cả … / và nhất là …”).
– Người sẽ đến Galilê trước các ông: Nội dung của sứ điệp người thanh niên cung cấp là vừa quay trở lại lời tiên báo của Đức Giêsu trong 14,28 (“Thầy sẽ đến Galilê trước anh em”) vừa hướng tới phía trước, tới những cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh tại Galilê sau khi các môn đệ đã rời Giêrusalem mà đi về đó (x. Mt 28,9-10). Lời thông tin này có giá trị như một tiếng gọi mới. Việc “đi trước” là động tác tiêu biểu của vị thầy. Trong lời “Thầy sẽ đến trước” có hàm chứa lời mời gọi lại bước đi theo Người. Trước đây, Đức Giêsu đã đi trước (proagôn) những người theo Người, dẫn họ đi trong tình trạng kinh hoàng và sợ hãi, trên “con đường” lên Giêrusalem là nơi Người chịu đau khổ và chịu chết (10,32), còn nay Người đi trước (proagei) các môn đệ Người, để dẫn họ trở lại nơi họ đã sống hiệp nhất với Người trước khi bỏ rơi Người (Đức Giêsu luôn dẫn đầu các môn đệ. Chỉ trong cuộc Thương Khó, Người mới bị người ta dẫn đi mà thôi: 14,53; 15,1.16.20.21). Lời này tái lập tương quan giữa vị thầy và các môn đệ, tái lập sự hiệp thông giữa Đức Giêsu và các môn đệ.
– Các ông sẽ được thấy Người: Nói rằng tại Galilê, các môn đệ sẽ được thấy Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng đã bị đóng đinh, có nghĩa là các ông sẽ có thể hoàn toàn hiểu Người và tin vào Người (như viên sĩ quan, khi thấy cách Đức Giêsu chịu chết, đã có thể tuyên xưng đức tin; x. 15,39). Khi trở lại Galilê mà gặp Đức Giêsu, các môn đệ sẽ có thể tái lập tư cách môn đệ của họ, bằng cách chối bỏ chính mình, vác thập giá mà bước theo Đức Giêsu, để có thể cứu được mạng sống khi chấp nhận mất mạng vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng (8,34-38); các ông lại có thể tiếp tục công việc loan báo Tin Mừng và chữa lành mọi người (13,10; 14,9). “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (1,1) và “con đường của Đức Chúa” nhằm cứu độ thế giới, đã được thể hiện nhờ “con đường” của Đức Giêsu (1,2-3) sẽ phải được tiếp tục, mở rộng và nối dài bởi các môn đệ hôm nay đang đi theo “con đường” năng động của Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng vẫn đang đi trước họ và dẫn họ trở lại và và đi xa hơn Galilê.
– Các bà chẳng nói với ai, vì sợ quá (8): Các từ ekstasis và phobos thường là phản ứng của con người trước cuộc thần hiển xảy ra trong phép lạ (4,41; 5,15.33.42). Cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu, đỉnh cao của cuộc thần hiển này, tạo ra một nỗi kinh hoàng lớn lao. Câu 8 được kết cấu rất khéo: có hai hành vi của các bà, đó là chạy trốn và giữ thinh lặng, luôn ở thì quá khứ aorist; mỗi hành vi đó lại có kèm một lý do, luôn luôn được đưa vào bằng gar (“bởi vì”) và luôn luôn ở thì vị-hoàn. (1) “Họ… chạy trốn (ephygon, aor.), vì (gar) họ run rẩy và sợ ngất người ra (eichen, vị-hoàn). (2) Và họ đã chẳng nói (eipan, aor.) với ai, vì (gar) họ sợ (ephobounto, vị-hoàn)” (NTT). Phải chăng các bà từ chối chu toàn sứ mạng được giao phó?
Để giải thích được sự thinh lặng này, cần lưu ý đến tất cả quan niệm của Tin Mừng. Sự thinh lặng này chẳng phải là nhằm giải thích rằng vì sao người ta đã không biết đến mộ trống trong một thời gian; cũng chẳng phải là để làm nổi các môn đệ như là những người loan báo Tin Mừng Phục Sinh chính thức. Trong các lệnh im lặng sau các phép lạ, chúng ta đã thấy là người ta không giữ được, cứ nói ra. Nếu ở đó, người ta đã không giữ được sự thinh lặng được yêu cầu, ở đây người ta lại giữ thinh lặng khi đã được giao nhiệm vụ loan báo. Phục Sinh chính là thời điểm từ đó người ta không được thinh lặng nữa (9,9). Trong bài tường thuật, tác giả Mc đã không theo con đường của kêrygma để đưa độc giả đến chỗ hiểu đầy đủ, để đưa các môn đệ đến chỗ chấp nhận niềm tin Phục Sinh. Ngài đã cố tình làm như thế. Có thể do ngài không có trong tay một số tài liệu chi tiết; nhưng ngài còn muốn làm điều khác. Ngài giả thiết là Đức Giêsu có hiện ra với Phêrô và các môn đệ tại Galilê, nhưng đến cuối Tin Mừng của ngài, điều này vẫn còn là chuyện sẽ đến. Sự hiểu biết đầy đủ chỉ đến sau 16,8. Tin Mừng muốn truyền đạt niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng chỉ có thể dẫn đến ngưỡng của niềm tin này thôi.
Phải chăng tác giả Mc muốn kết thúc Tin Mừng ở đây, với cụm từ “vì sợ quá” (ephobounto gar)? Đa số các nhà chú giải hiện nay cho là như thế: ephobounto gar vừa là kết thúc của đoạn tường thuật về ngôi mộ trống vừa kết thúc toàn Tin Mừng. Nếu như vậy, rất có thể là vì tác giả cho là người ta có biết những cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh (14,28; 16,7). Một tác phẩm có thể kết thúc với gar, “vì” (x. P. W. van der Host, Journal of Theological Studies 23 (1972) 121-124). Mc có kết thúc những câu truyện bằng những lời bình với gar (6,52; 14,2) và bằng những đoạn mô tả cảm xúc của các nhân vật (6,52; 9,32; 12,17).
Tác giả TM II đã kết thúc ở đây với các phụ nữ không phải vì các bà có sứ mạng loan báo sứ điệp cho bằng là vì các bà đã tiếp cận cách đặc biệt với mầu nhiệm mà Lời Chúa sẽ cứ vén mở mãi trong lòng Giáo Hội. Những gì các bà không nói ra được vì sợ hãi quá, sẽ được mạc khải dọc quyển TM II (chân tính của Đức Giêsu, Vương Quốc Thiên Chúa, ơn cứu độ được thực hiện nhờ cuộc Khổ Nạn của Con Người), và sẽ được các chứng nhân có thẩm quyền loan báo công khai sau này.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Các bà đi ra mộ (1-5)
Các bà này có mặt trên đồi Sọ. Từ xa, các bà đã chứng kiến Đức Giêsu chết trên thập giá; các bà cũng có mặt khi an táng Người. Tác giả không ghi lại bất cứ hành động nào của họ; ngài chỉ nói là các bà có mặt và chứng kiến cái chết của Đức Giêsu: như là những chứng nhân, mở mắt nhìn rõ. Nhưng sự hiện diện của họ thật đáng lưu ý, khi mà tất cả các môn đệ đều đã bỏ trốn hết. Khi Đức Giêsu bị bắt, đối với các ông, mọi niềm hy vọng đều sụp đổ tan tành (x. 14,50). Ngược lại, dường như các phụ nữ này gắn bó với Đức Giêsu không bằng những chờ đợi và hy vọng, nhưng nhờ lòng trung thành. Sự trung thành này thúc đẩy các bà làm cho người quá cố điều còn có thể làm được: ướp xác. Thế là sáng tinh sương sau ngày sa-bát, các bà ra mộ. Có lẽ mặt trời ở đây được nêu ra như biểu tượng của sự sống, đối lại với đêm, là biểu tượng của sự chết. Các bà đến từ thập giá và đi ra mộ. Các bà đã chứng kiến cái chết tàn bạo của Đức Giêsu, nên các bà chờ đợi gặp một người chết. Các bà đã được chuẩn bị như thế để gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Tảng đá đã được lăn ra: hình ảnh này có một ý nghĩa biểu tượng, có nghĩa là quyền lực của cái chết đã bị đánh tan. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ: các điểm này chứng tỏ các bà đang tiếp cận với các yếu tố thuộc thiên giới. Đây là một sứ thần.
* Sứ diệp Phục Sinh (6-7)
Bây giờ các bà được “người thanh niên” loan báo rằng Đức Giêsu người Nadarét, đã chịu đóng đinh, đã được Thiên Chúa cho sống lại. Đối với các độc giả của Mc, lời khẳng định này có một âm vang rất đặc biệt, bởi vì khiến họ nhớ đến Tin Mừng đã được rao giảng cho họ. Trong các bài diễn từ của sách Công vụ, cặp đối lập Khổ Nạn – Phục Sinh là đặc điểm của sứ điệp Kitô giáo nguyên thủy (Cv 2,23-24; 3,15; 4,10; 5,30; 10,39-40; 13,28-30). Hơn nữa, tên “người Nadarét” nằm trong những bài giảng và lời tuyên xưng đức tin thời ấy (Cv 2,22; 4,10; Lc 24,19). Vậy, khi Mc nhắc lại những lời này của sứ thần, cũng như khi Lc nhắc lại những lời của Phêrô cũng với những từ ngữ ấy (Cv 4,10), các độc giả của hai vị, vì đã quen với lối nói ấy, đã nhận ra kiểu diễn tả căn bản của niềm tin họ. Họ đã nhận được cách diễn tả này từ lời các tông đồ rao giảng. Nay khi đọc TM Mc, họ nhận được từ miệng của nhân vật huyền bí, họ nhận từ Lời Chúa.Các lời của Đức Giêsu mà “người thanh niên” nhắc lại ở ngay sau bữa tối cuối cùng: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em” (14,27-28). Đây lại chính là câu truyện trong đó Đức Giêsu cũng loan báo Phêrô chối Thầy (x. 14,30). Trong cùng một câu truyện, Đức Giêsu tiên báo ba biến cố: các môn đệ bỏ rơi Thầy, Phêrô chối Thầy và cuộc gặp gỡ Galilê. Bằng ba lời “đón trước” này, Người cung cấp rõ ràng ý nghĩa của các biến cố: sự thất bại của các môn đệ và của Phêrô sẽ không ngăn cản được cuộc gặp gỡ Galilê. Quả thật, Phêrô và các môn đệ không ở ngang tầm với thập giá cho dù họ khăng khăng tự phụ, điều này vẫn không ngăn cản Đức Giêsu tiên liệu cho họ một tương lai. Sự thất trung của Phêrô không ngăn cản được sự trung thành của Đức Giêsu.
Tư cách của Phêrô trong tương lai chỉ được củng cố nếu ông chấp nhận những thay đổi trong tương quan với Đức Giêsu và các môn đệ khác. Trước tiên, thay đổi trong tương quan với Đức Giêsu: để có thể đi Galilê, Phêrô phải tin tưởng vào những lời Đức Giêsu nhắc lại cuộc hẹn đó qua miệng các phụ nữ. Ông phải bỏ đi thái độ tự phụ đã tỏ ra với Thầy: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Rồi trong tương quan với các môn đệ khác, Phêrô phải hiểu rằng ông chỉ sống được tình liên đới với họ nếu bỏ đi sự tự phụ cho rằng ông khá nhất: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không” (14,29). Chính vì thế ông được người thanh niên trong mộ kể tên ra sau các môn đệ. Thứ tự đó cuối cùng chỉ lấy lại thứ tự Đức Giêsu đã theo. Ở 14,26-31, Đức Giêsu đã loan báo sự vấp ngã của các môn đệ, và nhất là Phêrô. Ở 14,50.66-72, các môn đệ đã bỏ rơi Đức Giêsu, và nhất là Phêrô đã chối Người. Còn ở 16,7: các bà phải đi loan báo cho các môn đệ, và nhất là Phêrô, rằng ông đã được khôi phục tư cách. Hơn bất cứ ai khác, Phêrô đã trải nghiệm sự mỏng dòn của mình. Nhưng cũng hơn bất cứ ai khác, ông cũng đã trải nghiệm về ân huệ là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh tại Galilê. Nếu tên ông có được người thanh niên nhắc đến sau, chính là vì ơn tha thứ lớn lao hơn hơn bởi vì ông đã phạm tội nặng hơn, nay phải giúp ông đoạn tuyệt vĩnh viễn với mọi tự phụ tự mãn.
* Phản ứng của các bà (8)
Tác giả đã kết thúc bài tường thuật về mồ trống và cả quyển Tin Mừng bằng công thức ephobounto gar. Đây là một kết mở, được hiểu như một lời mời đọc lại Tin Mừng. Điều này đúng, nếu hiểu việc đọc lại như là một khuyến khích diễn tả ra trong đời sống thực tế, như là sự sẵn sàng đáp lại yêu cầu bước theo Đức Giêsu dọc theo hành trình từ Galilê về Giêrusalem, được phác họa ra trong Tin Mừng.
+ Kết luận
Không phải là một sự ngẫu nhiên nếu trong TM II, vị sứ thần nhắc lại những công thức thuộc về lời rao giảng hoặc giáo huấn mà các độc giả đã biết. Tác giả muốn nhắc họ lưu ý đến Lời Chúa, Lời này vẫn tiếp tục đi đến với họ và “ban cho họ mầu nhiệm” (x. 4,11) Đức Kitô Phục Sinh, nhờ Tin Mừng vẫn luôn được loan báo và được sống trong Giáo Hội.
Tới lượt chúng ta, chúng ta được mời lấy đức tin mà nhận lấy sứ điệp Phục Sinh của Giáo Hội, như là Lời Chúa được ngỏ với chúng ta hôm nay nữa. Chúng ta hãy đón nhận sứ điệp này như là mạc khải về thực tại Ơn Cứu Độ đã được thực hiện và được cống hiến ngay từ bây giờ cho loài người nơi Đức Kitô Phục Sinh.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Tuy các phụ nữ chỉ chờ đợi gặp một thi hài, các bà cũng đã ở trong tình trạng được chuẩn bị mà đón nhận sự đảo lộn tình thế. Ai không mở ra với Đức Giêsu chịu đóng đinh, thì không được chuẩn bị thích đáng mà gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
2. Tại nơi mà sự khôn ngoan loài người phải chấm dứt, thì tại đó Thiên Chúa sẽ can thiệp. Tại nơi mà các kẻ chống đối người công chính nghĩ rằng đã vĩnh viễn thắng được người ấy, Thiên Chúa lại tuyên bố rằng Ngài đứng về phía người công chính và sẽ cứu người ấy. Không bao giờ tiếng nói cuối cùng lại thuộc về cái chết, nhưng thuộc về tình yêu và quyền lực của Thiên Chúa. Thiên Chúa không gìn giữ Đức Giêsu khỏi cái chết, cũng như không gìn giữ chúng ta khỏi đau khổ và cái chết, nhưng Ngài đã cho Đấng chịu đóng đinh sống lại, Ngài quan tâm không để cho cái chết trở thành kết cục tối hậu, Vì thế, Ngài giữ cho Đức Giêsu khỏi bị tàn rữa trong cái chết. Bằng cách đó, Ngài tỏ bày trọn vẹn quyền chúa tể vương giả của Ngài. Đứng trước cái chết, mọi quyền lực người phàm đều chấm dứt; ngược lại, xuyên qua cái chết, Thiên Chúa ban sự sống tràn đầy trong cuộc hiệp thông với Ngài.
3. Mầu nhiệm Vượt Qua được ghi dấu ấn là sự trung thành ở nhiều cấp độ. Các bà được thúc đẩy đi đến thập giá và mộ Đức Giêsu do sợi dây tình người liên kết họ bền chặt với Đức Giêsu, do lòng trung thành của họ; nhờ đó, họ là những người đầu tiên được biết sứ điệp Phục Sinh. Thiên Chúa không bỏ rơi Đức Giêsu: vì Đức Giêsu đã trung thành với ý muốn của Chúa Cha cho đến chết trên thập giá, Chúa Cha vận dụng quyền lực của Ngài mà cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Và Đức Giêsu Phục Sinh vẫn trung thành với các môn đệ: Người “sẽ đến Galilê trước các ông”. Đức Giêsu đã tin tưởng vào Thiên Chúa, và Người đã không phải thất vọng; các môn đệ, cho dù đã sa ngã, vẫn có thể tin tưởng vào Đức Giêsu. Trong biến cố Phục Sinh, sự trung thành được tôn vinh.
4. Đối với các môn đệ, niềm vui Phục Sinh được tăng gấp đôi, do hai nguyên nhân: đời sống mới của Chúa Giêsu và sự hiệp thông được tái lập với Người. Nếu không có sự hiệp thông này, sứ điệp Phục Sinh hẳn chi làm tăng thêm nỗi ê chề và buồn phiền của các ông và hẳn chỉ làm cho lòng các ông ngập tràn tuyệt vọng. Chỉ có sự tha thứ mới mở cho họ cánh cửa đón lấy niềm vui Phục Sinh khi họ được gặp gỡ và hiệp thông với Đức Chúa Phục Sinh.
5. Phản ứng của các bà cho hiểu rằng Phục Sinh không phải là một đại lễ của niềm vui hời hợt, không đòi hỏi gì. Lối xử sự của các bà cho thấy rằng trong sứ điệp về sự Phục Sinh của Đức Giêsu, các bà đã gặp quyền lực của Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta cũng không thể cho rằng mình đã được sứ điệp này chạm tới và đã hiểu được chút gì, nếu chúng ta vẫn chưa bị rúng động như thế. Từ cơn rúng động đó, niềm vui chân chính mới trào dâng: vui vì thấy công trình của Thiên Chúa, vui vì thấy sự sống của Đức Giêsu, vui vì thấy tất cả sự trung thành đã nói trên.
[1] Bản văn Tin Mừng do nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển ngữ