Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mc 1,7-11: Đức Giêsu Chịu Phép Rửa

Administrator
2018-09-23 04:28 UTC+7 23
Lm. FX Vũ Phan Long, OFM.     I. NGỮ CẢNH Có thể theo giáo sư G. Gnilka mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở đầu của Tin Mừng Máccô: phần này đăt trọng tâm vào “Tin Mừng” (x. cấu trúc đóng khung với từ “Tin Mừng “ ở đầu và cuối đoạn). […]


Lm. FX Vũ Phan Long, OFM.

 
 
I. NGỮ CẢNH

Có thể theo giáo sư G. Gnilka mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở đầu của Tin Mừng Máccô: phần này đăt trọng tâm vào “Tin Mừng” (x. cấu trúc đóng khung với từ “Tin Mừng “ ở đầu và cuối đoạn). Bản văn 1,7-11 chúng ta đọc hôm nay liên kết lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa với việc Đức Giêsu chịu phép rửa, khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thật ra hai phần này biệt lập với nhau; chúng ta thấy được điều này qua chi tiết dẫn nhập “hồi ấy” và qua sự kiện tác giả mô tả thêm một lần nữa việc Gioan làm phép rửa trong sông Giođan. Tuy kể lại phép rửa Gioan, bản văn lại không tương ứng hoàn toàn với các từ ngữ và cách kết cấu của c. 5.

II. BỐ CỤC

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1/ Lời loan báo của Gioan (1,7-8);

2/ Phép rửa của Đức Giêsu (1,9-11):

a. Biến cố lịch sử: Đức Giêsu chịu phép rửa (9-10),

b. Thị kiến khải huyền: Cuộc thần hiển (10-11).

III. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

Ông rao giảng (7): Ekêryssen, do động từ Hy Lạp kêryssein, “công bố; loan báo”, ở thì vị hoàn (imperfect), để diễn tả đây là một hoạt động thường xuyên của Gioan. Chúng ta đến đỉnh cao của đoạn văn này, bởi vì chỉ đến đây, Gioan mới lên tiếng mà chỉ cho thấy Đấng ông làm Tiền Hô cho.

Đấng quyền thế hơn tôi (7): Có lẽ danh xưng này ám chỉ đến Is 40,10 (“Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng [= đến với sức mạnh], tay nắm trọn chủ quyền”). Sự tương phản giữa hai bên lớn đến nỗi Gioan “không đáng cởi quai dép cho Người”, mà đây là công việc thấp hèn đến nỗi một nô lệ Do Thái cũng không buộc phải làm cho chủ (sách Mishna) (x.Mt 3,11; Lc 3,16; Ga 1,15.27.30; 3,30; Cv 13,25).

– Phép rửa (8): Cho dù Gioan có thuộc về phong trào Êxêni ở Qumrân hay không, phép rửa của ông tương tự phép rửa của người Êxêni, nhất là ở điểm cả hai phép rửa đều diễn tả một sự hoán cải nội tâm, sự hoán cải này vừa là hành vi của con người vừa là ân huệ của Thiên Chúa, cũng như chuẩn bị các tâm hồn đón tiếp Thiên Chúa sắp đến can thiệp vào thời cánh chung. Tuy nhiên, Gioan khác người Êxêni ở hai điểm: không nghĩ rằng tội lỗi gây nên một sự ô nhơ nơi thân xác; không buộc các hối nhân phải sống một năm thử thách; chỉ ban phép rửa một lần, vì đây là hành vi chuẩn bị cuối cùng để đón Đấng Mêsia ngự đến.

– Trong Thánh Thần (8): Các bản văn Nhất Lãm song song (Mt 3,11; Lc 3,16) đọc là “trong Thánh Thần và lửa”. Có lẽ lúc đầu, câu này có hình thức là “gió và lửa” để mô tả biến cố Triều Đại cánh chung của Thiên Chúa ngự đến. Mc chỉ quan tâm đối lập nghi thức chuẩn bị của Gioan với việc thiết lập Nước Thiên Chúa nhờ hoạt động của Đức Kitô, mà không nói đến phán xét. Nhờ đó, Người đưa lại cho “phép rửa trong Thánh Thần” ý nghĩa tích cực là một cuộc tái sinh bên trong.

Hồi ấy (9): dịch sát là “trong những ngày ấy”.
 
– tựa chim bồ câu (10): Cả ba TMNL đều nói đến điểm này, với hôs (“giống như”) để so sánh (riêng Mt dùng hôsei để nhấn mạnh). Lc còn xác định rằng Thần Khí đã ngự xuống “dưới một hình dáng” (sômatikê eidei, “in bodily form”; x. Lc 3,22).
 
Tại sao con bồ câu lại trở thành biểu tượng của Thần Khí? Chúng ta không có câu trả lời rõ ràng. Rất có thể hành động bay lượn của Thần Khí trên mặt nước nguyên thủy trong St 1,2 đã gợi ra hình ảnh một cánh chim bay lượn (tương tự trong Đnl 32,11), nhưng bản văn ấy không nói là một con bồ câu (trừ một bản văn thuộc truyền thống kinh sư). St 8,8 thì nói rằng Nôê đã thả một con bồ câu, nhưng lại không hề khẳng định rằng con bồ câu này là hình ảnh của Thần Khí. Giáo sư X. Léon-Dufour cho rằng con bồ câu có thể gợi ra tình yêu của Thiên Chúa (x. Dc 2,14; 5,2) hoặc cuộc tạo dựng mới (x. St 1,2).
 
Trong truyền thống Do Thái, con bồ câu có một ý nghĩa biểu tượng, liên hệ đến Israel, đặc biệt với Israel đang lưu đày (Hs 7,11; 11,11; Is 60,8; Tv 55,7-8; 68,13; 74,19;Dc 1,15; 2,14; 5,2; 6,8) và cũng được nền văn chương Ngụy thư hoặc kinh sư sử dụng. Từ đó giáo sư A. Feuillet cho rằng con bồ câu đi xuống và ngự trên Đức Giêsu tượng trưng và tiên báo điều sẽ là hoa trái chính yếu của cuộc đổ tràn Thần Khí: đó là việc thành lập Israel mới, cộng đoàn hoàn hảo của thời đại ân phúc. Vậy, điều được diễn tả không phảu trự tiếp là Thần Khí, mà là hậu quả đối với Dân Thiên Chúa, khi Thần Khí hiện diện nơi Đức Giêsu. Cũng như vào ngày lễ Ngũ Tuần, các lưỡi lửa không trực tiếp tượng trưng Thần Khí, mà là các ngôn ngữ mà các tông đồ dưới ơn Thần Khí soi sáng, sẽ nói ra, và sâu xa hơn, tượng trưng công việc phúc âm hóa thế giới, thì cũng vậy, con bồ câu trong Phép Rửa diễn tả ý tưởng này là Dân thiên sai phải chọn điểm khởi hành nơi bản thần Đức Giêsu-Mêsia, là Vua và Tôi tớ của Đức Chúa (YHWH).
 
Giả thuyết này cũng hấp dẫn, nhưng thật khó áp dụng vào bản văn Mc. Hẳn là bản văn St 8,8 vẫn có thể giúp ích: con bồ câu được thả ra mà không có chỗ đậu, phải trở lại tàu Nôê, phải chăng muốn nói rằng trong một thời gian dài, Thần Khí không có chỗ đậu là một người nào, cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện? Dù sao, ít ra chúng ta có thể nói rằng Thần Khí rất gần gũi với Đức Giêsu, trong tư cách là Đấng Mêsia đi rao giảng Nước Thiên Chúa, và điều này lại khiến chúng ta nhớ tới Is 42,1.
 
– ngự xuống trên Người (10): Mt, Lc va Ga đều nói rằng Thần Khí ngự xuống “trên” (epi; Mc: eis) Đức Giêsu. Các nhà chú giải thường nghĩ đến Is 11,1-2a: “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này”.
 
IV. Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN

* Lời loan báo của Gioan (7-8)

Tương hợp với câu trích Is nói về tiếng nói của người loan báo, hoạt động của Gioan được mô tả như là một việc “hô to [như anh mõ làng]”; “công bố”; “phổ biến” (kêryssein). Hành vi này đưa ông đến gần Đức Giêsu (1,14.38t), các môn đệ (3,14; 6,12), Tin Mừng (13,10; 14,9), các sứ giả đức tin (1,45; 5,20; 7,36). Cùng với sự đối lập giữa phép rửa của ông với phép rửa của Đấng Mêsia, ông loan báo “Đấng quyền thế hơn (= Đấng mạnh hơn [ông])” đang đến. Phép rửa của ông không phải là một nghi thức có sức tha tội (Bí tích Rửa tội), nhưng là phương thế giúp người ta bày tỏ lòng thống hối và quyết tâm thay đổi đời sống.
 
* Phép rửa của Đức Giêsu (9-11)

Phần này với phần trên biệt lập với nhau. Chúng ta thấy được điều này qua chi tiết dẫn nhập “hồi ấy” và qua sự kiện tác giả mô tả thêm một lần nữa việc Gioan làm phép rửa trong sông Giođan: tuy kể lại phép rửa Gioan, bản văn lại không tương ứng hoàn toàn với các từ ngữ và cách kết cấu của c. 5. Dường như tác giả Mc quan tâm đặc biệt đến miền Galilê; do đó, ngài đã nêu bật rằng Đức Giêsu đến từ một miền khác với miền xuất phát của các đám đông đến với vị Tẩy Giả.
 
Bản văn này liên kết một biến cố lịch sử với một thị kiến khải huyền. Biến cố lịch sử là phép rửa Đức Giêsu nhận bởi tay Gioan. Thị kiến khải huyền cho biết Đức Giêsu là ai. Người đến từ làng Nadarét. Đối với Mc, điều quan trọng là làng ấy thuộc về miền Galilê. Nhưng Nadarét lại được coi như địa điểm từ đó Đức Giêsu đến “trong những ngày ấy” (= “hồi ấy”, PVCGK). Chi tiết mông lung về thời gian này, tuy quy về quá khứ, lại đưa lại cho việc Đức Giêsu xuất hiện một đặc tính long trọng.
 
Tại sao Đức Giêsu lại đến chịu phép rửa bởi tay Gioan, khi mà Người không có tội lỗi gì? Chính sứ mạng của Người đưa Người đến chỗ sẵn sàng liên đới với các tội nhân, tự đồng hóa với họ. Tác giả Mc, cũng như hai tác giả LcMt, không muốn tường thuật cho chúng ta chuỗi các biến cố đã xảy ra hôm ấy. Tác giả chỉ muốn dạy chúng ta biết Đức Giêsu là ai bằng cách vận dụng ba hình ảnh mà các độc giả thời ngài hiểu rất rõ:

1/ Hình ảnh “trời xé ra”. Hình ảnh này nhắc đến Is 63,15-19: trong đoạn văn này, vị ngôn sứ xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống”, nghĩa là chấm dứt tình trạng thinh lặng của Ngài và đừng ở xa cách Dân Ngài nữa. Ông xin Thiên Chúa lại mở lòng ra và lại tỏ ra là bạn hữu của nhân loại. Khi dùng hình ảnh này, Mc muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống công khai của Đức Giêsu đánh dấu khởi đầu cuộc hòa giải giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và chúng ta.

2/ Hình ảnh “con bồ câu” đưa chúng ta trở lại với những gì đã xảy ra vào thời gian Lụt hồng thủy (St 8). Vào lúc đó, trời bị đóng lại và có sự thù nghịch giữa Thiên Chúa và loài người. Con bồ câu với cành ô-liu cho biết là sự sống đã tái sinh trên mặt đất, nghĩa là Thiên Chúa đang thôi giận loài người, hòa bình đã được phục hồi.

3/ Tại sao Thần Khí lại được so sánh với một con bồ câu? Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa (YHWH) ban quyền lực của Ngài cho các ngôn sứ, làm cho các ngài nên can đảm và có khả năng hoàn tất các nhiệm vụ Ngài ký thác (x. Is ch. 6; Gr 1,6-10). Vào ngày nhận phép rửa, Đức Giêsu cũng đã được tấn phong và nhận quyền lực đó để chu toàn sứ mạng. Tại Israel, từ lâu rồi, đã vắng bóng những con người của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ cuối cùng đã qua đời cách đây 300 năm. Trời đã đóng lại, y như thể Thiên Chúa không còn muốn nói với Dân Ngài nữa. Thần Khí Đức Chúa giống như một con bồ câu bay cùng khắp mà không tìm ra được một ai để có thể đậu lên. Khi cho Thần Khí của Ngài xuống trên Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài đã tìm ra con người theo ý Ngài, và nay một lần nữa, Ngài lại ngỏ lời với một con người.

Ngoài ra, có hai chi tiết cần để ý vì có ý nghĩa thần học sâu sắc:

Nơi Đức Giêsu chịu phép rửa là bờ sông Giođan. Chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước rằng Dân Israel được Giôsuê hướng dẫn, đã đi qua sông Giođan trước khi bước vào Đất Hứa. Ở đây Mc giới thiệu Đức Giêsu như Giôsuê mới dẫn dắt Dân mới của Thiên Chúa (trong tiếng Híp-ri, tên “Giêsu” cũng là tên “Giôsuê”).

Thời điểm Đức Giêsu nhận Thần Khí (“khi Người vừa ra khỏi nước”, chứ không phải lúc Người còn đứng trong dòng sông, như nhiều bức họa diễn tả). Sau khi qua sông Giođan, Giôsuê được đầy thần khí của Thiên Chúa để ông có thể dẫn đưa Dân vào Đất Hứa. Với Đức Giêsu cũng thế: khi vừa ra khỏi nước, Người nhận Thần Khí cùng với quyền lực của Thiên Chúa để có thể hướng dẫn dân Thiên Chúa đi đến tự do. Con đường đó thế nào, tác giả Mc sẽ dần dần viết ra.

* Kết luận

Rất có thể giai thoại này là một kỷ niệm về tình trạng căng thẳng giữa các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của Đức Giêsu: họ tranh cãi để xem vị Thầy nào cao trọng hơn. Các môn đệ Gioan cho rằng vị Tẩy Giả cao trọng hơn vì đã ban phép rửa cho Đức Giêsu; còn các môn đệ của Đức Giêsu thì khẳng định rằng chính Đức Giêsu mới là Con Thiên Chúa và có Thần Khí chan hòa. Dù sao, ở đây còn có một bài học khác nữa. Các Kitô hữu tiên khởi khó mà chấp nhận được rằng Đức Giêsu lại chịu phép rửa. Phép rửa của Gioan là đễ diễn tả quyết tâm thống hối, và do đó người Pharisêu, vì nghĩ rằng họ công chính, chẳng bao giờ nghĩ rằng họ cần phải nhận phép rửa. Thế mà Đức Giêsu lại nhận phép rửa, khi mà Người là Con Thiên Chúa, Người hoàn toàn trong sạch! Đức Giêsu đã chịu phép rửa ngay lúc bắt đầu cuộc sống công khai, thật ra là để đứng vào hàng ngũ những kẻ tội lỗi, đồng hóa với họ. Đấy là một chọn lựa của Người, của chính Thiên Chúa.
 
Sau lễ Giáng Sinh, phụng vụ nói đến khởi đầu cuộc sống công khai của Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là Người Tôi Trung cùa Chúa Cha; Người sẽ đưa lại một quan hệ được đổi mới giữa chúng ta với Thiên Chúa
 
V. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Người Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.
 
2. Đức Giêsu đã sẵn sàng đứng vào hàng các tội nhân, tự đồng hóa với họ, trở nên một người như họ, trong khi Người hoàn toàn trong sạch. Chúng ta, là những người có tội, phải chăng chúng ta lại xa cách anh em y như thể sợ rằng không ai biết cho sự lành thánh của chúng ta! Chúng ta có biết đồng cảm với những người có cuộc sống không thành công chăng? Một Kitô hữu có được phép lên án người khác chăng? Thầy chí thánh chúng ta đi theo không bao giờ trách mắng những kẻ tội lỗi, Người đồng cảm với họ, Người bảo vệ họ và ngay từ đầu, Người đứng vào hàng ngũ của họ. Đấy là những điểm khiến các môn đệ Đức Giêsu phải suy nghĩ.
 
3. Chúng ta thuộc về đoàn dân mới của Thiên Chúa, đoàn dân đang tiến bước, có Đức Giêsu là Vị thủ lãnh đầy Thần Khí. Thầy chí thánh đang dẫn chúng ta đi về đâu? Chúng ta phải bước theo Người với cung cách nào? Tác giả Mc sẽ trả lời các câu hỏi này cho chúng ta dọc theo năm phụng vụ với Tin Mừng của ngài, và mời gọi chúng ta can đảm bước theo Đức Giêsu, là “con đường” đưa chúng ta về với Thiên Chúa.
 
4. Chúng ta cũng đã nhận phép rửa tội, chúng ta cũng có Thánh Thần, chúng ta cũng có chức năng vương đế. Chính vì thế, chúng ta phải biết cộng tác với Đức Giêsu, Đấng hướng dẫn chúng ta, bằng cách chế ngự tính mê tật xấu của riêng mình, đồng thời giúp anh chị em chúng ta thắng vượt các trở ngại khiến họ không thong dong bước theo Đức Giêsu được.
 
5. Thánh giám mục Maximô thành Turinô (?-khoảng 420) đã giảng trong Lễ Hiển Linh như sau: “Hôm nay, Chúa Giêsu đã đến nhận phép rửa. Người đã muốn rửa mình trong dòng nước Giođan. Có lẽ có người sẽ nói: ‘Người là Đấng Thánh, tại sao Người lại muốn được ban phép rửa?’ Vậy xin nghe đây. Đức Kitô được ban phép rửa không phải để được nước thánh hóa, nhưng để chính Người thánh hóa nước và thanh tẩy bằng hành động cá nhân các dòng nứơc Người chạm tới. Vậy ở đây là việc thánh hiến nước hơn là thánh hiến Đức Kitô. Bởi vì, kể từ khi Đấng Cứu Thế được rửa, tất cả các dòng nước trở thành trong sạch nhằm phép rửa của chúng ta; nguồn được thanh tẩy là để cho ân sủng được ban cho các dân tộc sẽ đến sau đó. Vậy Đức Kitô là người đầu tiên bước đến phép rửa để cho các dân Kitô hữu không ngần ngại bước đi theo Người.
 
Và ở đây tôi hé thấy một mầu nhiệm. Cột lửa lại đã không đi trước qua Biển Đỏ để khuyến khích con cái Israel bước theo sau đó sao? Cột lửa ấy đã đi qua nước trước tiên để vạch ra con đường cho những người theo sau. Theo chứng từ của thánh tông đồ Phaolô, biến cố này đã là một biểu tượng của phép rửa tội (1 Cr 10,1t). Hầu chắc đây là một thứ phép rửa trong đó người ta được bao phủ bởi các đám mây và được nâng đỡ bởi các làn nước. Và tất cả những điều đó đã được hoàn tất bởi cũng một Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng bây giờ đi trước các dân tộc Kitô hữu trong cái cột là thân thể Người, như Người đã đi trước con cái Israel qua biển trong cột lửa. Cũng cái cột ấy, xưa kia đã ban ánh áng cho mắt những người bước đi, nay ban ánh sáng cho con tim các tín hữu. Khi xưa, cột ấy đã vạch ra trong các sóng nước một con đường vững chắc, bây giờ cột ấy đang củng cố các bước chân đức tin trong cuộc thanh tẩy này”.