Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mt 5,17-37: Thứ Bậc Các Giá Trị Theo Đức Giêsu

Administrator
2018-09-23 04:19 UTC+7 22
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.   Bản Văn Tin Mừng: Mt 5,17-37 [1] 17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất […]


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mt 5,17-37 [1]

17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

27 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. 28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. 29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. 30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục.

31 “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. 32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

33 “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. 34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. 35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. 36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. 37 Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

***

1.- Ngữ cảnh

Chúng ta đang ở trong “Bài Giảng Trên Núi” hay “Bản Hiến Chương Nước Trời” (Bài diễn từ thứ Nhất của Tin Mừng Matthew). Hôm nay, chúng ta đi vào Phân đoạn chính, có thể gọi bằng nhan đề “Sự công chính của Nước Trời hay là Sống như con cái của Chúa Cha” (Mt 5,17–7,12). Riêng bản văn được đọc hôm nay (Mt 5,17-37) thuộc về phần đầu của phân đoạn này, một phân đoạn được các nhà chú giải mệnh danh là “Đức công chính dồi dào” (Mt 5,20-48). Bản văn nói đến bốn cặp đối nghĩa (trong số sáu cặp đối nghĩa: Mt 5,20-48).

Phần này như đang ngầm trả lời một số câu hỏi: Những việc tốt nào phải rạng sáng lên nơi các môn đệ Đức Giêsu? Qua những việc tốt lành này, cách thức hiện hữu nào của Cha trên trời được người ta biết đến?

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

     1) Đức Giêsu mạc khải ý muốn của Thiên Chúa (Mt 5,17-20);

     2) Đức Giêsu dạy về cách cư xử với người thân cận (Mt 5,21-48);

          a) Các hành động trực tiếp làm cho người thân cận (Mt 5,21-37):

               – Các xung đột với người thân cận (Mt 5,21-26),

               – Cách cư xử đối với phụ nữ (Mt 5,27-32),

               – Tương quan với sự thật (Mt 5,33-37),

          b) Các phản ứng trước cách cư xử của người khác (Mt 5,38-48).

Bản văn dùng trong Phụng vụ hôm nay không đọc đoạn 2.b).

3.- Vài điểm chú giải

– Luật Moses hoặc lời các Ngôn sứ (17): Đây là cách người Do Thái gọi bộ Kinh Thánh của họ (tức Cựu Ước theo quan điểm Kitô giáo; x. Mt 7,12; 11,13; 22,40).[2]

– Kiện toàn (17): Khi nói về một lời nói hay một lời loan báo, “pléroò” có nghĩa là “hiện tại hóa”; khi nói về một lệnh truyền, “pléroò” có nghĩa là “thi hành”. Matthew dùng động từ này (pléroò / plérosai) 16 lần, mà có 12 lần là để đưa vào các câu trích Kinh Thánh. Các đoạn văn Kinh Thánh ấy được coi như được hiện tại hóa trong biến cố Giêsu, vì biến cố này vén mở cho thấy một ý nghĩa mới của bản văn. Đức Giêsu khẳng định rằng: Người hoàn tất Kinh Thánh, có nghĩa là Người đưa Kinh Thánh dến chỗ hoàn chỉnh, đạt ý nghĩa trọn vẹn. Người thực hiện Kinh Thánh không phải bằng cách “thi hành” những khoản luật sát mặt chữ, nhưng bằng cách vượt quá Kinh Thánh, đưa lại cho Kinh Thánh một ý nghĩa mới (x. các câu 20-48). Như thế, câu 17 khẳng định có sự tiếp nối sâu xa từ Cựu Ước sang Tân Ước, đồng thời cho thấy Tân Ước vượt quá những giới hạn và những bất toàn của Cựu Ước.

– Một chấm một phết (18): Dịch sát là “không một chữ i hoặc một cái sừng”, tức là con chữ “yod” trong bảng chữ cái Hipri. Đây là con chữ nhỏ nhất.

– Ai bỏ… ai dạy… ai tuân hành (19): Câu này khiến ta có thể giả thiết, là trong Hội Thánh sơ khai, có nhiều khuynh hướng hoặc phong trào thiêng liêng liên hệ đến việc tuân giữ Luật mới.

– Không ăn ở công chính hơn các Kinh sư (20): Dịch sát là “sự công chính của anh em không dồi dào/vượt (perisseuein) hơn (pleion, “more”) các Kinh sư.

– Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp (32): “Ngoại trừ trường hợp porneia” (x. Mt 19,9).[3] Có hai cách giải thích từ “porneia” này:

+ (1) Đây là những nố hôn nhân bất hợp pháp, chẳng hạn do họ máu, mà Luật Moses cấm (Lv 18,6-18).[4] Các Kinh sư gọi các hôn nhân này là “zơnouth”, Bản Kinh Thánh Hy Lạp LXX dịch là “porneia”. Bởi vì các hôn nhân loại này không thành pháp, nên hai người phối ngẫu phải rời xa nhau. Đây là cách giải thích của giới Công Giáo. Nhưng có những tác giả cho rằng, có thể áp dụng nghĩa ấy cho Cv 15,20,[5] chứ ở trong Matthew thì không có gì chắc chắn cả.

+ (2) Hiểu “porneia” theo nghĩa thông thường là sự hư đốn về tính dục, tức ngoại tình (moikeia). Đây là cách giải thích của Tin Lành và Chính Thống, và một số tác giả Công Giáo.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu mạc khải ý muốn của Thiên Chúa (17-20)

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cho biết ý muốn của Ngài qua Luật và các Ngôn sứ: những gì chính Ngài muốn thực hiện (sấm ngôn và lời hứa: x. Mt 11,13)[6] và những gì loài người phải làm (Luật). Đức Giêsu tuyên bố rằng, ý nghĩa của việc Người ngự đến, trong tư cách của Người là Đấng được Thiên Chúa cử đến, là đưa Luật và lời các Ngôn sứ, mạc khải về ý muốn của Thiên Chúa, đến chỗ hoàn tất. Không có gì trong Luật và lời các Ngôn sứ lại bị triệt tiêu và loại bỏ, mà cũng chẳng phải chỉ được xác nhận trong hình thức cũ. Đức Giêsu đưa đến sự hoàn tất; nơi Người, Thiên Chúa thực hiện lời Ngài đã hứa (x. Mt 1,22t; 2,15;…).[7] Như thế, Đức Giêsu chính là Nhà Lập Pháp đích thật mà Thiên Chúa đã cử đến cho loài người mọi thời; so với Người, Moses chỉ là người tiền hô thôi. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy cách vĩnh viễn họ phải sống như thế nào. Lề Luật chưa được kiện toàn không phải vì nó không diễn tả ý muốn của Thiên Chúa, nhưng vì diễn tả cách bất toàn hoặc cách không thích đáng.

Điều mà Thiên Chúa đã yêu cầu qua Luật và lời các Ngôn sứ được gom lại thành điều này: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12), và có thể được tóm lại trong điều răn yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận (Mt 22,37-40).[8] Đức Giêsu nêu bật rằng: trước mọi sự, Thiên Chúa muốn lòng từ bi thương xót (Mt 9,13; 12,7).[9] Với các “cặp đối nghĩa” (5,21-48), câu “Còn Thầy, Thầy bảo anh em” được nhắc lại 6 lần (Mt 5,22.28.32.34.39.41); qua đó, Đức Giêsu khẳng định với uy quyền của Thiên Chúa, để giải thích đâu là lối cư xử phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn họ phải sống một sự công chính “dồi dào” hơn các Kinh sư và người Pharisee (Mt 5,20).

Vì Đức Giêsu là Đấng truyền đạt vĩnh viễn ý muốn của Thiên Chúa Cha, chúng ta không thể không cần đến Người. Cuộc sống cá nhân phải hình thành từ các giáo huấn của Người. Chúng ta thuộc về Nước Trời hay không, còn là tùy thuộc vào việc chúng ta tuân giữ sự công chính mà Người đã dạy hay không.

* Đức Giêsu dạy về cách cư xử với người thân cận (21-37)

Trong các giáo huấn, Đức Giêsu quan tâm đặc biệt tới ba đề tài:

– Các xung đột với người thân cận;

– Cách cư xử đối với phụ nữ;

– Tương quan với sự thật.

Cứ mỗi lần, Đức Giêsu lại đặt giáo huấn của Người đối lập với giáo huấn của Cựu Ước. Các luận điểm mà Người đưa ra phải được hiểu như làm mẫu, chứ không phải là những trình bày rốt ráo về các đề tài.

Đoạn 5,21-26 liên hệ đến việc thắng vượt các xung đột. Chỉ đến câu 26, chúng ta mới biết đây là thứ xung đột gì: một chủ nợ không kiên nhẫn được nữa, đã muốn đưa con nợ ra tòa để ép người ấy trả nợ. Loại xung đột này là điển hình cho mọi thứ căng thẳng và cho các lối xử sự phát xuất từ đó. Theo cách triệt để nhất, người ta giải quyết một xung đột bằng cách loại trừ người kia. Cựu Ước đã kết án cách xử sự này bằng lệnh cấm: “Không được giết người”. Cách giải quyết xung đột kiểu này là sai; để chứng tỏ như thế, luật pháp đã quy định hình phạt xử tử. Nhưng có những hình thức xử sự khác khi có xung đột: nổi giận, thù hằn sâu sắc và sỉ nhục, tấn công hay đả thương bằng lời nói. Đức Giêsu kết án cả các kiểu cư xử này. Phải hết sức tránh, không những hành vi xấu xa, mà cả sự xấu xa trong tim và những lời nói xấu xa. Đừng để xung đột đẩy tình yêu ra khỏi con tim, đầu độc con tim, hoặc đưa đến chỗ đầu độc cộng đoàn bằng những lời độc địa. Đức Giêsu nhắc đến các tòa án để cảnh giác; Người nhắc theo thứ tự tăng dần: từ tòa án địa phương, đến tòa án cao nhất ở trần gian (Thượng Hội Đồng), và cuối cùng là tòa án của Thiên Chúa.

Ở đây, Đức Giêsu không hề muốn công bố một quy định pháp lý phải theo sát mặt chữ: trong trường hợp nổi giận thì phải theo cách này mà tính; trong trường hợp chửi bới thì phải theo cách kia,… Người muốn nói rằng, sự thiếu sót đối với người thân cận và giải pháp sai lầm người ta lấy trong các xung đột không chỉ bắt đầu với việc giết người, nhưng bắt đầu trước đó. Đức Giêsu cũng muốn nói rằng, người ta phải ra sức tránh, không những hành vi xấu xa, mà cả trái tim xấu xa và lời nói xấu xa. Người cũng muốn nói rằng, các xung đột và căng thẳng không làm suy yếu tình yêu đối với người thân cận ở bất cứ mức độ nào và bất cứ cách nào.

Chúng ta phải luôn chứng tỏ tình yêu này, không những trong việc ngăn cản sự dữ, mà còn trong việc tích cực tìm hòa giải. Đức Giêsu vừa nói đến việc tránh để cho các xung đột kịch phát. Bây giờ, bằng các ví dụ (Mt 5,23-25), Đức Giêsu trình bày những hình thức tích cực nên theo để vượt qua các xung đột, đó là sự hòa giải, và Người nêu bật ý nghĩa của việc hòa giải. Để hòa giải, Đức Giêsu nói thậm chí phải ngưng dâng lễ vật, điều này cho thấy tầm quan trọng, tính ưu tiên của việc hòa giải. Nếu người ta phải tìm cách nhắm đến sự hòa giải cho bằng được trong khi đang trên đường tiến về tòa án, điều này cho thấy việc hòa giải là chuyện cấp bách và cần thiết, và bõ công để người ta ra sức đạt cho được. Tiến trình mà Đức Giêsu đề nghị để thắng vượt các xung đột là tiến trình của tình yêu và hòa giải. Dĩ nhiên, để hòa giải được, cần phải có hai hoặc nhiều người, và không phải chỉ cần một bên đồng ý là được: nó giả thiết có sự sẵn sàng của cả bên kia. Mỗi bên phải ra sức làm tối đa để đạt được sự hòa giải. Phần nói về “đức công chính”, đó mới chính là “tiếng gọi duy nhất thúc bách người ta đi tới hòa giải và tình bằng hữu với người thân cận”.

Đoạn văn tiếp theo nói đến cách cư xử đối với phụ nữ, đối với vợ người khác (các câu 27-30) và với vợ của mình (các câu 31-32). Quyền lực chung quyết trong lãnh vực này không thể nào lại là những sức mạnh tự nhiên và bộc phát của ham muốn và khoái lạc tính dục. Cựu Ước đã đặt ra một giới hạn rõ ràng cho các sức mạnh này khi cấm ngoại tình. Theo Lv 20,10,[10] tội ngoại tình sẽ bị xử tử. Cùng với sự sống của người thân cận, người ta cũng phải tôn trọng vô điều kiện sự hiệp thông sự sống người đó có với vợ họ. Và cũng như đối với sự sống của người thân cận, ở đây, Đức Giêsu cũng đặt một giới hạn mà thật ra đã có từ trước và yêu cầu một sự tôn trọng sâu xa hơn nữa. Sự tôn trọng này luôn phải có, không những trong hành động, mà cả trong ước muốn. Đức Giêsu cũng đang xác định một thứ bậc rõ ràng các giá trị. Nếu trước đây, Người đã nói rõ là sự giận dữ, chua cay, lời nói thâm độc,… phải luôn luôn nhường bước cho sự hòa giải và hiệp thông huynh đệ với người thân cận, thì bây giờ, Người tuyên bố rằng, không những thú vui tính dục, mà cả các ước muốn tính dục cũng cần phải được chế ngự, nghĩa là vùng hiệp thông sự sống của người khác không được vi phạm bất cứ cách nào.

Lời khuyến khích “thà móc mắt phải”“chặt tay phải” cho thấy giá trị này quan trọng đến đâu. Dĩ nhiên, không được hiểu các lời này theo nghĩa sát mặt chữ: bởi vì không phải là con mắt phạm tội, nhưng là con người với ý ngông và ý chí của mình! Đức Giêsu muốn nói rằng, chúng ta không được bỏ mặc các giác quan của chúng ta cho chúng, nhưng phải hướng dẫn cách sử dụng chúng cho có trách nhiệm. Đức Giêsu cho thấy rằng, bảo vệ được các giá trị ấy không phải là chuyện dễ, có khi phải chấp nhận những can thiệp sâu xa và từ bỏ đau đớn. Nhưng điều này rất quan trọng: chỉ khi ta tôn trọng sự hiệp thông sự sống của người khác, Thiên Chúa mới nhìn nhận chúng ta trong ngày phán xét.

Khi liên hệ đến cách cư xử với vợ người khác và tôn trọng sự hiệp thông sự sống của người khác, thì cũng đồng nghĩa nhắm đến việc cư xử đối với vợ của chính mình và đối với sự hiệp thông sự sống với vợ mình. Trong Cựu Ước, có quy định là, người ta có thể ly dị vợ, nhưng phải có chứng thư ly dị, để chứng tỏ rằng người phụ nữ đã có một tư cách dân sự mới, không còn là người kết hôn nữa. Tuy nhiên ở đây, Đức Giêsu lại xác định một thứ bậc mới cho các giá trị: “Sự hiệp thông sự sống với vợ mình là một điều thiện hảo không thể chuyển nhượng; người chồng phải bảo vệ, duy trì và vun đắp sự hiệp thông ấy. Người chồng không được rẫy vợ mình: tương ứng với sự tôn trọng tuyệt đối sự hiệp thông sự sống của người khác, là sự bảo vệ tuyệt đối sự hiệp thông sự sống với vợ mình”. Dưới ánh sáng của lệnh cấm rõ ràng không được ly dị mà Đức Giêsu công bố theo Mc 10,11t, Lc 16,18 và 1Cr 7,10t,[11] cùng với câu minh định rằng: “ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp”, thì không thể hiểu là một ngoại lệ. Đức Giêsu không muốn nói: anh em không được rẫy vợ anh em trong bất cứ trường hợp nào, ngoại trừ trong trường hợp ngoại tình. Chữ “hôn nhân bất hợp pháp” ở đây rất có thể có nghĩa là những dây hôn bất hợp pháp do một quan hệ họ hàng rất gần (Lv 18,6-18; x. Cv 15,29; 1Cr 5,1).[12] Giải gỡ những dây liên kết này không phải là vi phạm lệnh cấm ly dị.

Đề tài thứ ba liên hệ đến sự thật (Mt 5,33-37). Trong lãnh vực này, vấn đề phát sinh do sự kiện là mỗi người lệ thuộc những khẳng định của người thân cận, và đồng thời, chúng ta là những con người, chúng ta không trong suốt với nhau. Cá nhân không thể tự mình biết tất cả những gì là quan trọng đối với mình hoặc biết bằng sức riêng của mình; người ấy lệ thuộc những khẳng định và lời hứa của người thân cận. Tuy nhiên, những khẳng định này có thể không tương hợp với các sự kiện và khác nhau trong vô vàn sắc thái. Lời nói và mọi hình thái truyền thông có thể được sử dụng không những để truyền tải sự thật, mà còn để lừa dối. Sự thiệt hại cho người thân cận do những lời dối trá, lừa đảo và không giữ lời hứa là không thể tiên liệu và trầm trọng. Để ngăn chặn được thiệt hại này, người ta sẵn sàng buông lời thề thốt. Nhưng bởi vì ở đây cũng lại có thể phát sinh vấn đề dối trá, mới có lệnh cấm nghiêm khắc không được thề gian. Qua việc thề, người ta muốn diễn tả là chính Thiên Chúa, là Đấng tuyệt đối chân thật và chắc chắn không lừa dối, có thể làm chứng cho sự thật của lời khẳng định của chúng ta hoặc sự khả tín của lời chúng ta hứa; do đó, người ta có thể tín nhiệm. Đồng thời, ai nại đến Thiên Chúa để làm chứng cách dối trá thì sẽ bị án phạt. Việc nại đến Thiên Chúa phải khiến người ta nói sự thật, và điều này khiến người ta có thể tin tưởng những ai lệ thuộc những khẳng định này.

Ngược lại, Đức Giêsu bảo “hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’” (x. Gc 5,12); Người yêu cầu một dây liên kết vững bền và trực tiếp với sự thật, không cần nại đến bất cứ hình thái lời thề nào. Thiên Chúa không có việc gì mà phải đóng vai làm chứng, và càng không đóng vai người hù dọa kẻ khác bằng hình phạt. Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối chân thật và tuyệt đối xứng đáng với niềm tin của chúng ta, tỏ mình ra như là điển hình cho chúng ta (x. Mt 5,48).[13] Nơi chúng ta, không được có sự khác biệt giữa những gì đang có trong thâm tâm mình dưới dạng kiến thức, ý kiến, ý hướng,… và những gì chúng ta tỏ ra bên ngoài. Như thế, chúng ta công nhận sự thật, và người thân cận tránh khỏi thiệt hại.

+ Kết luận

Bằng uy quyền đầy đủ của Người, Đức Giêsu không áp đặt những luật võ đoán, nhưng cho thấy một thứ bậc thang mới các giá trị. Mỗi khuynh hướng ích kỷ dưới dạng hiềm khích hoặc không chấp nhận giao hòa, dạng các ước muốn tính dục, tìm kiếm lợi lộc cá nhân qua việc lừa dối, đều phải biến mất. Mỗi cung cách xử sự phải phục vụ tình huynh đệ với người thân cận, phục vụ sự hiệp thông sự sống, quan tâm bảo vệ sự thật. Một cung cách xử sự như thế coi người thân cận là anh em và chị em và thật sự đưa họ về với Cha chung.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đọc bản văn này, chúng ta nhận ra Đức Giêsu khẳng định tư cách tối cao của Người; Người là Thiên Chúa. Người có quyền trên “Luật dạy người xưa”, tức là chính Cựu Ước; bởi vì Luật đó là bản văn mà Thiên Chúa dùng làm trung gian với con người và được chính con người viết ra; còn Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời, trực tiếp đến dạy dỗ loài người. Chúng ta có thực sự sẵn sàng đón tiếp Người chăng?

2. Những gì Đức Giêsu đã nói không được hiểu như là một danh mục đầy đủ các quy định, càng không phải là một luật phải theo sát mặt chữ. Chẳng hạn, Người chỉ nói đến cách cư xử của phái nam đối với phái nữ, chứ không nói đến cách cư xử của phái nữ đối với phái nam; điều này không có nghĩa là phái nữ không có thiếu sót gì trong lãnh vực này. Người không muốn nói rằng, chúng ta chỉ phải tránh những kiểu cư xử đã được nhắc đến minh nhiên. Người đã nêu đặc tính của một thái độ tổng quát, và chúng ta phải dựa theo đó mà cư xử trong lãnh vực liên hệ.

3. Đức Giêsu đặc biệt giáo huấn về ba lãnh vực: các xung đột giữa anh em, cách cư xử với phụ nữ và tôn trọng sự thật. Chúng ta được mời gọi xét lại cách chúng ta sống dưới ánh sáng của ba giáo huấn này. Thiếu tôn trọng các nguyên tắc của ba lãnh vực này, con người vừa thiếu kính trọng đối với Thiên Chúa, vừa thiếu kính trọng đối với anh chị em mình. Nếu chúng ta sống giáo huấn của Đức Giêsu, chúng ta giữ được “Luật và lời các Ngôn sứ”, tức là giữ được nòng cốt giáo huấn của Kinh Thánh.

4. Đây là một đòi hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ: Họ phải có một lối sống “dồi dào hơn” sự công chính của giới Kinh sư và Pharisee. Đây là một sự trổi vượt về “lượng”: các môn đệ phải “làm hơn”; và “hơn” ở đây là đi xa hơn trong việc tuân giữ cốt lõi của Luật (x. các câu 38-48: điều răn “Yêu Thương”). Đây cũng còn là một sự trổi vượt về “phẩm”: các môn đệ không hoàn tất Luật theo cách vị luật, nhưng bằng con tim (Mt 23,25-28; x. 5,27-28),[14] như những người con của Cha Trên Trời (Mt 5,45-48).[15]

 

 

 

 

 

 


[1] Bản văn Kinh Thánh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] x. Mt 7,12; 11,13; 22,40: 12 “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó. 11 13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. 22 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.

[3] x. Mt 19,9: 9 Tôi nói cho các ông biết: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

[4] Lv 18,6-18: 6 Không người nào trong các ngươi được đến gần một người bà con ruột thịt để lột trần chỗ kín của nó. Ta là ĐỨC CHÚA. 7 Ngươi không được lột trần chỗ kín của cha ngươi và chỗ kín của mẹ ngươi: đó là mẹ ngươi, ngươi không được lột trần chỗ kín của nó. 8 Ngươi không được lột trần chỗ kín của vợ của cha ngươi: đó là chỗ kín của cha ngươi. 9 Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em ngươi, dù là con gái của cha ngươi hay con gái của mẹ ngươi, sinh tại nhà hay sinh ở ngoài; ngươi không được lột trần chỗ kín của chúng. 10 Ngươi không được lột trần chỗ kín của cháu nội gái hay cháu ngoại gái ngươi, vì đó là chỗ kín của ngươi. 11 Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em cùng cha khác mẹ với ngươi: đó là chị em ngươi, ngươi không được lột trần chỗ kín của chúng. 12 Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em gái của cha ngươi: đó là ruột thịt của cha ngươi. 13 Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em gái của mẹ ngươi: đó là ruột thịt của mẹ ngươi. 14 Ngươi không được lột trần chỗ kín của chú bác ngươi; ngươi không được đến gần vợ của chúng: đó là bác gái, là thím ngươi. 15 Ngươi không được lột trần chỗ kín của con dâu ngươi: đó là vợ của con trai ngươi, ngươi không được lột trần chỗ kín của nó. 16 Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em dâu ngươi: đó là chỗ kín của anh em ngươi. 17 Ngươi không được lột trần chỗ kín của một người đàn bà và của con gái nó; ngươi không được lấy cháu nội gái hay cháu ngoại gái của nó để lột trần chỗ kín của chúng: đó là ruột thịt của nó; đó là tội ác tày trời. 18 Ngươi không được lấy chị em của vợ ngươi mà gây ra cảnh ghen tuông, khi lột trần chỗ kín của chúng, lúc vợ ngươi còn sống.

[5] Cv 15,20: 20 nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết.

[6] x. Mt 11,13: 13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri.

[7] x. Mt 1,22t; 2,15;…: 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ. 2 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

[8] Mt 22,37-40: 37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “ Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.

[9] Mt 9,13; 12,7: 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. 12 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.

[10] Lv 20,10: 10 Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử.

[11] Mc 10,11t: 11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình”.

Lc 16,18: 18 “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

1Cr 7,10t: 10 Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng.

[12] x. Cv 15,29: 29 “Kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh”.

1Cr 5,1: 1 Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!

[13] x. Mt 5,48: 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

[14] Mt 23,25-28: 25 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch. 27 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. 28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!”.

[15] Mt 5,45-48: 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.