GIÁO HỘI HỌC – ECCLESIOLOGY
(THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI)
Linh mục F. Gómez Ngô Minh, S.J.
***
***
***
PHẦN I: NGUỒN GỐC GIÁO HỘI
CHƯƠNG I: GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA (Ep. 1, 3-14)
CHƯƠNG II: CHIỀU KÍCH BA NGÔI CỦA GIÁO HỘI
CHƯƠNG III: CHUẨN BỊ GIÁO HỘI TRONG CỰU ƯỚC
CHƯƠNG IV: ĐỨC GIÊSU VÀ TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP GIÁO HỘI
***
PHẦN II: BẢN TÍNH CỦA GIÁO HỘI
“Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và Ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Ðức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần khí” (Eph 2:19-22 ).
***
CHƯƠNG VI
GIÁO HỘI LÀ DÂN THIÊN CHÚA
“Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Người đoáùi thương (Cv 10:35). Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Người muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện”.[1]
DẪN NHẬP
Dân Thiên Chúa là danh hiệu đặc thù và ưu tuyển được Công Đồng Vatican II dùng để chỉ về Giáo Hội. Hiến chế tín lý về Giáo Hội dành cả chương hai cho chủ đề này. Bởi Giáo Hội là một mầu nhiệm, nên lý trí loài người không thể am tường trực tiếp qua khái niệm trừu tượng được; vì thế, Công Đồng dùng những ẩn dụ hoặc hình bóng của Kinh Thánh để mô tả thực thể của Giáo Hội. Hình bóng thứ nhất là “Dân Thiên Chúa”.
Danh hiệu này cho thấy tiến trình liên tục trong lịch sử cứu độ. Israel vẫn tồn tại trong Giáo Hội, với tư cách là dân được chọn hầu mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại. Ðã là “một dân tộc”, tất Giáo Hội mang tính chất xã hội và lịch sử.
Ðàng khác, danh hiệu này cũng ám chỉ đến một số chủ đề trong Cựu Ước, như: lời hứa, giao ước, niềm mong đợi Ðấng Mêsia,v.v… và tất cả, một cách nào đó, đều quy chiếu về Giáo Hội. Như thế, Giáo Hội thừa kế truyền thống cùng những lời hứa của Cựu Ước, và là đích điểm mà Cựu Ước nhằm tới. Thật vậy, Ðấng Mêsia Israel hằng chờ mong là chính Ðức Giêsu, Ðấng lấy máu mình mà ký kết Giao ước mới, và qua đó đã triệu tập dân mới của Thiên Chúa. Israel “cũ” là dấu tiên báo về Israel “mới” là Giáo Hội.
I. ISRAEL: DÂN THIÊN CHÚA
“Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Nkm 13:1; Ds 20:4; Ðnl 23:1tt), cũng vậy, dân Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dt 13:14) được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô (x. Mt 16:18)”.[2]
Trong Kinh Thánh, Israel được gọi là “’am” (tiếng Do Thái có nghĩa là “dân”), và được dịch ra tiếng Hy Lạp bằng từ “laós”. Trong khi đó, các dân tộc khác được gọi là “goyim” và được dịch ra tiếng Hy Lạp là “éthne”. Hai từ này nói lên một sự khác biệt về phương diện cứu độ.[3]
1. Nguồn gốc
Lịch sử của Israel cũng tương tự như mọi dân tộc khác. Chỉ khác là Thiên Chúa đã can thiệp trực tiếp vào trong dòng đời các tổ phụ, đã “giải phóng” họ và “ban” cho họ một đất nước, vì Ngài đã “tuyển chọn” họ cách nhưng không giữa muôn dân. “Không phải vì các ngươi đông hơn các dân khác hết thảy mà Yahweh đã đem lòng quyến luyến các ngươi, và đã chọn các ngươi: thật ra, các ngươi là dân ít người hơn mọi dân. Nhưng vì Yahweh đã yêu mến các ngươi và vì Người đã giữ lời thề Người đã tuyên thệ với cha ông các ngươi; chính vì thế mà với bàn tay mạnh Yahweh đã đem các ngươi ra khỏi nhà tôi mọi, khỏi tay Pharaoh, vua Ai Cập” (Ðnl 7:7-8). Vì lòng thương này, Thiên Chúa chăm sóc Israel với tình phụ tử và gọi họ bằng “con” (x. Xh 4:20; Hs 11:1). Rồi Thiên Chúa đã “kết giao” với họ trên núi Sinai để đặt Israel làm Dân riêng của Người (x. Ðnl 29:9-12). Vậy, hai yếu tố cấu tạo nên Dân Thiên Chúa là ơn tuyển chọn và giao ước.
2. Vì thuộc về Thiên Chúa
Israel là của riêng Chúa Yahweh, tùy thuộc vào Người trong mọi sự, như tạo vật đối với Tạo Hóa: sự tuyển chọn được sánh với một tác động sáng tạo đặc biệt. Israel là vườn nho Yahweh mến chuộng (x. Is 5:1t; Tv 80:9), là sản nghiệp (x. Ðnl 9:26), là đàn chiên (x. Tv 23; Ed 34;.v.v…), và là sở hữu riêng của Người (x. Ðnl 14:2). Khi Thiên Chúa phân chia mặt đất cho muôn dân, Người dành một cõi đặc biệt cho Israel, Dân của Người (x. Ðnl 32:8-9). Vì thế, Ðức Yahweh được gọi là Thiên Chúa riêng của Israel (x. Lv 11:12; Lc 1:68), đến nỗi được Người gọi là “dân Ta” và được gọi Người là “Chúa tôi” (x. Hs 2:24). Do đó, Israel là một “dân được thánh hiến” (x. Ðnl 14:4), nghĩa là một dân “thánh”: trong Kinh Thánh, từ “thánh” có nghĩa là “dành riêng cho Thiên Chúa” như một điều không thuộc về phạm vi phàm tục nữa. Vì thuộc về “dân thánh” (theo nghĩa tôn giáo), nên các tín hữu phải trở nên “thánh” [theo nghĩa luân lý] (x. Lv 11:44-45).
c. Đặc tuyển và phổ quát
Biện chứng giữa chủ nghĩa đặc tuyển và khuynh hướng phổ quát đã trải dài suốt cả tiến trình lịch sử Israel: do việc Thiên Chúa chọn riêng Israel, nhiều người có thể nghĩ là Người ruồng bỏ các dân khác. Cũng do vậy mà Israel đã cố sống biệt lập (x. Ds 23:9). Lúc chiếm hữu đất Palestin, họ theo chính sách “hïerem, anathema”, nghĩa là hủy diệt hết thổ dân (x. Lv 27:28-29; Gs 6-7; 1Sm 15;.v.v…); sau cuộc lưu đày, Esdras cũng lập luật buộc người Do Thái sống biệt lập (x. Er 10:11-12). Các tiên tri cũng nói lên những sấm ngôn kết án lương dân (x. Is 13-27; Gr 46-51; Ed 25-32;.v.v…). Tuy nhiên, yếu tố phổ quát vẫn tiềm ẩn ở trong ơn đặc tuyển; Israel không chỉ là một sắc tộc. Yahweh chọn Abraham chính là để ban phúc lành cho muôn dân (x. St 12:2-3). Người gốc Do Thái tự huyết thống vẫn có thể bị gạch bỏ khỏi Israel, và một người “ngoại” cũng có thể được thâu nhận, tùy vào lòng trung tín đối với Yahweh (x. Ðnl 27-28). Ơn huệ Thiên Chúa ký thác nơi Israel phải tỏa lan tới hết mọi người: “Sẽ xảy ra là: Vào những ngày mai sau, núi nhà Yahweh sẽ nên kiên vững trên đỉnh đầu hết các núi non, nhắc cao quá các gò nỗng. Hết thảy mọi nước sẽ tuôn đến, và đông đảo các dân sẽ đổ về. Chúng nói: Nào! Ta hãy lên núi Giavê, đến nhà của Thiên Chúa Jacob thờ, để Người dạy ta đường lối Người, để theo nẻo đi của Người, ta tiến bước…”. (Is 2:2-3); hoặc: “Các nước hết thảy hãy cùng nhau hợp lại, và các dân hãy tề tựu… Các ngươi là chứng tá của Ta! Sấm của Yahweh, tôi tớ của Ta mà Ta đã chọn, ngõ hầu các ngươi nhận biết và tin vào Ta…” (Is 43:9-10; x. Ed 37:28). Vì vậy, ơn đặc tuyển hàm dung và biểu hiện vai trò cùng sứ mạng cứu độ mà Israel đảm nhận đối với muôn dân.
II. GIÁO HỘI NHƯ ISRAEL MỚI
Giáo Hội sơ khai đã ý thức là mình thừa kế các lời hứa Thiên Chúa đã nói với Israel. Thực ra toàn bộ Cựu Ước là hình bóng và là giai đoạn chuẩn bị cho Tân Ước (x. 1Cr 10:6.11); do đó, Giáo Hội hiểu rõ mình là dân mới của Thiên Chúa (x. Rm 9:25-29; 11:1-5; Gl 6:16).[4]
Trong Công Đồng Jerusalem, thánh Giacôbê nói: “Thưa anh em, xin nghe tôi đây: Ông Simon đã thuật lại cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang Danh Người. Những lời các ngôn sứ cũng phù hợp với điều ấy…” (Cv 15:13-14). Ngài thấy là Cựu Ước đã đạt đến mức thành tựu với sự việc dân ngoại trở lại. Phêrô, Phaolô và Barnaba cũng đều tán đồng ý kiến của Giacôbê. Mọi dân tộc đều được kêu mời gia nhập Giáo Hội, như Thiên Chúa khôn ngoan đã tiên liệu. Mối kình địch giữa các dân ngoại (tà éthne) và dân riêng (laós) của Thiên Chúa không còn nữa, vì nay mọi tín hữu đều là “người đồng hương với các thánh” (Ep 2:19-20).
Ngay từ đầu, thánh Phaolô đã xác tín rằng những người vốn không thuộc Israel, thì nay vẫn có thể trở thành dân Thiên Chúa và được thừa kế các lời hứa Người đã cam kết với Abraham (x. Rm 9:25-30). Dân mới này chính Ðức Kitô đích thân gầy dựng và lấy máu mình mà chuộc lại: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã tỏ hiện, đem ơn cứu độ đến cho mọi người… Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:11-14). Ðoạn này ám chỉ đến Xh 15:13: Như Yahweh đã giải phóng Israel khỏi Ai Cập và làm cho trở thành dân riêng của Người, thì cũng thế, Ðức Giêsu tự hiến mình làm giá chuộc để giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi.
Dân Israel được thiết lập qua giao ước Sinai; Dân mới phát sinh từ giao ước mới, được đóng ấn bằng máu của Chiên vượt qua là Ðức Kitô. Và nếu có một giao ước mới, ắt phải có một lề luật mới và một dân mới. Thánh Phêrô kết luận như sau: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người… Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa…” (1Pr 2:9-10). Theo vị tông đồ này, Giáo Hội không những là một dân tộc đích thực, nhưng còn là dân tộc duy nhất của Thiên Chúa, vì được xây dựng trên hòn đá góc tường duy nhất là Ðức Kitô (x. 1Pr 2:4-5). Như vậy, Giáo Hội sơ khai quả đã thấy mình có những nét đặc trưng của Dân Thiên Chúa, và vì thế thật sự là “dòng dõi Abraham, thừa kế theo lời hứa”, nghĩa là “Israel của Thiên Chúa” như thánh Phaolô đã viết (x. Gl 3:9; 6:16).
“Israel của Thiên Chúa” là “Giáo Hội của Thiên Chúa”, một danh hiệu thay thế cho “qahal Yhwh” trong Cựu Ước. Dân tộc này khác với “Israel theo xác thịt” (1Cr 10:18), vì là một cộng đồng “trong Ðức Giêsu Kitô” (1Tx 2:14). Ðức Giêsu là nền móng cùng là môi trường sinh sống của Giáo Hội; mà Ngài là “dòng dõi duy nhất của Abraham” (Gl 3:16), nên “những ai ở trong Ngài” thì đều trở nên dòng tộc của Abraham. Trong thư Galata, thánh Phaolô minh giải rằng đức tin làm cho trở nên con cái Abraham, chứ không phải là xác thịt; Gioan Tẩy giả đã cảnh cáo cho người Do Thái biết là Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá trở thành con cái Abraham (x. Mt 3: 9), và vì họ từ chối không chịu tin nhận Ngài, Ðức Giêsu nói là Thiên Chúa đã chuyển vương quốc cho “một dân tộc khác biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21: 43). Thánh Phaolô đã dám nói thẳng là: “không phải tất cả con cháu Abraham [phát sinh từ Israel] đều là dân Israel” (Rm 9: 6): vậy, tùy vào lòng tin mà biết đâu là con cái giả và đâu là con cái thật của Israel. Vì ý thức như thế, nên các Kitô hữu sơ thời đã áp dụng cho Giáo Hội các tước hiệu của Israel xưa, như: “những người được chọn”, “các thánh”, “những người được yêu thương”,.v.v… (Cl 3:12). Từ “eklektoì” (“những kẻ được chọn”) đã trở thành tên gọi của các Kitô hữu thời đầu (x. Rm 8:33; 2Tm 2:10: Tt 1:1; 1Pr 1:1; 2:9; 5:13; 2Ga 1-3).
Tước hiệu “thánh” cũng có ý nghĩa tương tự, tức là công dân của Israel thật. Trước hết, có “các thánh” ở Jerusalem (x. Cv 9:13) mà tông đồ Phaolô đã đến phục vụ (x. Rm 15:25). Ngoài thành thánh còn có “các thánh” như ở Lydda (x. Cv 9:32), ở Japho (x. Cv 9:41), và ở cả các nước ngoại; các tín hữu gốc lương dân cũng là “thánh”, như ở Colossae (x. Cl 1:2), ở Ephesians (x. Ep 1:1), Corinthians (x. 1Cr 1:2),v.v… Như thế có nghĩa là họ là Dân riêng của Thiên Chúa, và dù “họ ở trong thế gian,… nhưng lại không thuộc về thế gian” (Ga 17:6tt) phàm tục.
III. “DÂN THIÊN CHÚA” TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM
Buổi đầu, Giáo Hội giữ liên lạc mật thiết với dân Do Thái, nên danh xưng “dân Thiên Chúa” là một cách gọi rất quen thuộc. Nhưng với thời gian, cách gọi như thế đã bị quên dần đi, nhất là ở trong thần học; cả đến trong phụng vụ cũng chỉ còn được dùng đến rất ít, rải rác ở một vài nơi. Trong lễ quy Roma (Kinh nguyện Thánh Thể I), có câu “… chúng con là tôi tớ Chúa cùng toàn thể dân thánh Chúa, kính nhớ cuộc khổ hình hồng phúc…”. Thần học cận kim đã phục hồi danh xưng và chủ đề về “dân Thiên Chúa”: nỗ lực này đã được Công Đồng Vatican II tiếp nhận và khai triển.[5]
Chương ba của Lược đồ De Ecclesia đã bàn về chủ đề “dân Thiên Chúa và các giáo dân” qua hai phần: phần một về các giáo dân, phần hai về dân Thiên Chúa. Nhưng trong Hiến chế về Giáo Hội thì chương bàn về Dân Thiên Chúa là chương II, tức là sau chương (I) đề cập đến Mầu nhiệm Giáo Hội, và trước chương (III) viết về Giáo phẩm. Sự kiện này mang một ý nghĩa Giáo Hội học.
Khi gọi Giáo Hội là “dân” Thiên Chúa, Công Đồng muốn nêu bật sự kiện Giáo Hội bén rễ vào cả trong lịch sử cứu độ lẫn trong lịch sử loài người: Giáo Hội cùng mang thân phận với con người, và sống trong tầm tác động của ảnh hưởng hỗ tương với loài người. “Bụi trần của lịch sử” đã để lại trong Giáo Hội những di sản vinh quang cũng không thiếu mà đen tối cũng quả là nhiều, và Giáo Hội nhận trách nhiệm về mọi điều tốt xấu đã do mình tạo ra. Mang tính lịch sử, Giáo Hội đang từng bước hình thành, chưa hoàn tất; đã, đang, và sẽ tiếp tục biến đổi; đàng khác, Giáo Hội sống cộng sinh với xã hội loài người: Công Đồng Vatican II nhận định rằng “Giáo Hội biết mình đã nhận được rất nhiều từ nơi lịch sử và đà tiến hóa của nhân loại”; giữa Giáo Hội và các nền văn hóa bao giờ cũng có một quan hệ trao đổi hỗ tương, với kết quả là “Giáo Hội có thể được phong phú thêm và thực sự đang được giàu có thêm nhờ đà tiến hóa của cuộc sống xã hội nhân loại”.[6]
Nhưng vì là “dân Thiên Chúa”, nên trên hẳn chiều kích xã hội lịch sử, Giáo Hội còn và trước tiên, mang chiều kích siêu nhiên nữa: bởi, nếu được Thiên Chúa chọn, thì chính là để đảm nhận và thực hiện một sứ mạng đối với thế gian. Nói khác đi, dù một đàng, khác với thế giới, Giáo Hội vẫn phải có mặt ở giữa trần gian, và vì thế cùng lúc là đối tượng của thần học cũng như của xã hội học: cả hai phải đi đôi với nhau.
Dân Thiên Chúa đây là “dân của giao ước mới”, được gây dựng thành chung quanh bàn tiệc thánh. Ðể rời riêng một mình thì khái niệm “dân Thiên Chúa” khó mà hiểu được, vì thế cần phải được bổ túc bằng khái niệm “thân thể Ðức Kitô”. Dân này không chỉ là một tổ hợp, nhưng còn là một tổng thể sinh động nhờ Thần Khí: Ngài đem lại cho các phần tử cũng cho toàn dân Chúa một hướng năng động siêu việt, nhiệm mầu, thần nghiệm,… Có thể tóm lược như sau các đặc điểm của Dân Thiên Chúa:[7]
Dân Thiên Chúa có những đặc tính rõ ràng, phân biệt họ với tất cả những tập thể tôn giáo, chủng tộc, chính trị hoặc văn hóa trong lịch sử:
– Họ là dân “của Thiên Chúa”: Thiên Chúa không là của riêng một dân tộc nào. Nhưng Người tạo cho mình một dân tộc từ những người trước kia không phải là một dân tộc: “một giống nòi được tuyển chọn, một hoàng tộc chuyên lo tế tự, một dân thánh” (1Pr 2:9).
– Người ta trở nên “thành viên” của Dân này, không phải do huyết thống nhưng “được sinh ra từ trên”, “bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3:3-5), nghĩa là nhờ tin vào Ðức Kitô và nhờ Phép Rửa.
– Dân này có vị “Thủ Lãnh” (Ðầu) là Ðức Kitô (Ðấng được xức dầu, Mêsia), vì cùng được xức dầu bởi một Chúa Thánh Thần, chảy từ đầu xuống thân, nên dân này là dân Mêsia.
– “Thân phận” dân này là phẩm giá của những người con tự do của Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong một đền thờ.
– “Luật” của họ là giới răn mới: phải yêu thương nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13:34). Ðó là “luật mới” của Chúa Thánh Thần (Rm 8:2; Gl 5:25).
– “Sứ mạng” của dân này là làm muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5:13-16). “Dân này là hạt giống tốt nhất giúp toàn nhân loại hiệp nhất, hy vọng và được cứu độ”.
– Cuối cùng, “cứu cánh” của Dân là “Nước Thiên Chúa được khai nguyên trên trần gian và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Người hoàn tất trong ngày thế mật”.
IV. NHÂN HỌC VỀ DÂN THIÊN CHÚA
Trước hết, hãy thử phân tích những yếu tố nhân loại cấu thành Giáo Hội.[8]
1. Giáo Hội gồm hết mọi tín hữu
Hiến chế tín lý Lumen Gentium nhấn mạnh rằng: Giáo Hội, trước hết, là một cộng đồng hợp thành do bởi hết thảy mọi tín hữu. Và chỉ sau đó, mới có thể phân biệt để nói đến những thành phần khác nhau như: giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ,.v.v… Xét về mặt cá nhân cấu thành, Ðức Giáo Hoàng cũng là một phần tử trong Dân Thiên Chúa, là không hơn không kém, một tín hữu như bất cứ tín hữu nào khác. Giáo Hội sơ khai đã dùng từ “laós” (“dân”), để tự xưng tên của mình và để phân biệt mình với các lương dân. Khoảng chừng thế kỷ thứ III, trong Giáo Hội đã bắt đầu thấy có sự kiện phân biệt giáo dân với giáo sĩ, và dùng từ “dân” (populus) để chỉ riêng về giáo dân; rồi đà phân biệt đó đã dần dần đi đến chỗ tách biệt hai phía thành ra những “giai cấp” khác nhau.[9]
“Dân Thiên Chúa” nói lên một khái niệm căn bản: với tính cách là chi thể của Ðức Kitô, mọi tín hữu đều bình đẳng như nhau. Trong Giáo Hội, “mọi người đều có Ðức Kitô làm Ðầu”.[10] Những khác biệt trong Giáo Hội, dù có thật, nhưng nếu hiểu theo nhãn quan của quyền bình đẳng căn bản ấy, thì cũng chỉ là phụ thuộc, và chỉ có ở trong bình diện chức vụ và phận sự. Giáo Hội không phải đơn thuần là giáo phẩm, không chỉ gồm có giáo phẩm, và cũng chẳng phải là của giáo phẩm.
Mọi Kitô hữu đều nhận được những ân huệ khác nhau của Thánh Linh, nhưng chỉ với một mục đích chung là xây dựng Thân thể [Ðức Kitô] và phục vụ lẫn nhau (x. 1Cr 14:3.5.12; 2Cr 12:19; Ep 4:12.29). Nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa là sống hiệp thông trong mọi sự, chia sẻ mọi sự với nhau (x. 1Cr 12:26), để vinh quang Thiên Chúa tỏa sáng và để phục vụ mọi anh chị em.
Hàng giáo sĩ (trong tiếng Hy, La: “klèros”, “clerus”, có nghĩa là phần riêng, lãnh vực riêng) đã lãnh nhận thiên chức đặc biệt để phục vụ. Nhờ thiên chức này, hàng giáo sĩ trở nên những “chuyên viên phục vụ” trong Giáo Hội. Họ có thể sống nhờ công lao phục vụ của mình (x. Lc 10:7; 1Tm 5:18), tuy nhiên không phải vì vậy mà đi khai thác Giáo Hội như “của riêng mình”. Giáo phẩm có phận vụ chia sẻ “bánh Lời Chúa” với anh chị em, phân phát các bí tích, cùng sống những điều kiện trong trạng huống chung của cuộc sống cộng đoàn, và tự hiến mình cho dân Chúa (x. 2Cr 12:14-15).
2. Giáo Hội hợp thành từ những con người yếu đuối
Dù là “dân thánh của Thiên Chúa”, Giáo Hội vẫn “ôm ấp những kẻ có tội ở trong lòng mình… nên phải không ngừng tự thanh luyện mình”.[11] Bao lâu còn đi trên đường lữ thứ trần gian, thì bấy lâu Giáo Hội vẫn còn tiến bước giữa những cám dỗ và đau thương, và hằng ý thức rằng bất cứ tín hữu nào, dù ở địa vị nào, thì cũng đều có thể sa ngã hệt như David hay Phêrô vậy.
Như xưa kia, Israel thèm thuồng những nồi thịt, những củ hành củ tỏi của Ai Cập; thì ngày nay, Giáo Hội cũng bị cám dỗ thèm khát những đặc quyền đặc ân của hàng quý phái, muốn có quyền bính tựa như một cường quốc, hoặc muốn giữa độc quyền về ân sủng và chân lý. Các tiên tri đã phải chiến đấu chống lại những cám dỗ ấy trong Israel, cám dỗ thường được các tiên tri giả khích động thêm (x. Gr 23:9-22), và Israel đã không chịu lắng nghe các tiên trị thật (x. Is 42:18tt). Trong Giáo Hội cũng có những tiên tri giả, mà Ðức Giêsu đã cảnh cáo phải coi chừng (x. Mt 24:24t). Mỗi thế hệ đều có những hạng thày giả, ăn nói bùi tai dân chúng (x. 2Tm 4:3), rao giảng một thứ phương thức cứu độ dễ dãi nhưng lại… sai lầm.Do đó, bao giờ Giáo Hội cũng phải ý thức về thực trạng hữu hạn và tội lỗi của mình, biết rằng mình đang trên đường tìm kiếm chứ chưa chiếm hữu trọn được chân lý toàn vẹn, và cần phải tự thanh luyện không ngừng, nhờ thống hối và canh tân. Lịch sử Giáo Hội ghi đậm đầy dẫy những sơ sót, phản bội, lầm lẫn, xảo trá,… của các con cái Thiên Chúa! Giáo sĩ nhan nhản “chưng bày” những ghen tị, tham vọng; còn giáo dân thì lắm lúc chỉ biết sống đạo theo hình thức, theo lối mê tín, hoặc là cứ mãi mập mờ, vô tri vô thức trước những điểm cơ bản trong nội dung giáo lý đức tin; rồi hai phía lại còn ngờ vực lẫn nhau!
Tuy nhiên, những người yếu đuối ấy cũng biết khiêm hạ nhìn nhận những khiếm khuyết của mình và hằng ra sức tiến lên trên đường thánh thiện. Trong Giáo Hội, không bao giờ là không có những người thánh.
3. Chiều kích xã hội
Như mọi con người, người Kitô cũng sống chiều kích xã hội. Chính ơn cứu độ của Ðức Kitô cũng mang tính chất xã hội: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người một cách riêng rẽ, nhưng Nguời muốn quy tụ họ lại thành một dân tộc…”.[12] Ơn cứu độ đã kết tinh trong một cơ chế, một cộng đoàn xã hội, trong dân Chúa là “bí tích hữu hình của sự hiệp nhất”. Mỗi người chịu trách nhiệm không những đối với chính bản thân của mình, nhưng còn đối với hay theo tương quan liên đới với hết mọi anh chị em khác nữa, tức là điều xấu một người gây ra sẽ ảnh hưởng xấu đến các anh chị em khác; và ngược lại, làm tốt thì tạo ảnh hưởng tốt cho tất cả. Ngoài ra, đã là tương quan liên đới tất có qua có lại, có gây/làm ra và có chịu/nhận vào những hậu quả của những chuyện tốt xấu của nhau.
Như thế, Giáo Hội được cấu tạo nên bởi những tương quan biện chứng giữa cá nhân và cộng đoàn, giữa đức tin và việc cam kết cụ thể, cũng như giữa đời sống của dân Chúa và kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi phần tử: vậy, cần phải lưu ý tới cả hai phía và phải giữ quân bình đúng đắn giữa hai thái cực. Nếu nhấn mạnh quá về mặt xã hội, thì có thể làm cho Giáo Hội thành một quốc gia trong quốc gia, và sẽ bóp nghẹt sức phát khởi tự nhiên của các tín hữu, cả trong tư cách là giáo dân lẫn trong tư thế là công dân.
Ngược lại, nếu đi quá xa theo hướng cá nhân, thì lại dễ bị rơi vào lối sống đức tin theo kiểu cá nhân chủ nghĩa, tức là cứ để mặc cho mỗi người dựa theo lương tâm của mình mà quyết định lấy một mình trong việc sống đạo, bất chấp chân lý khách quan và nhu cầu của các anh chị em khác; từ thái độ này sẽ phát sinh những gương mù và bè phái (x. Mt 18:6-7; Rm 14:3.21; 1Cr 8:13,.v.v…). Càng sống xã hội tính của cộng đoàn (Giáo Hội tính), thì người Kitô càng lớn lên trong bản thân của cá nhân mình. Giáo Hội không phải là một hội đoàn đơn thuần hình thành do bởi ý muốn của các phần tử. Bởi, là một thân thể, Giáo Hội có trước những chi thể: Giáo Hội lớn lên từ Ðầu là Ðức Kitô. Nói khác đi, Thiên Chúa mời gọi mỗi người gia nhập Giáo Hội. Không có ơn gọi làm người Kitô ở ngoài Giáo Hội: một Kitô hữu đơn độc, riêng lẻ là một điều mâu thuẫn. Rồi cũng khỏi cần phải nói chi đến những người Kitô ngang nhiên đứng lên chống lại Giáo Hội!
V. MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA ĐỀU BÌNH ĐẲNG
Sở dĩ trong Hiến chế Lumen Gentium, chương (II) bàn về Dân Thiên Chúa đã được đặt trước chương (III) đề cập đến Hàng Giáo phẩm, thì chính là để nêu bật sự bình đẳng cơ bản trong Giáo Hội.[13]
“Thế nên, chỉ có một Dân Thiên Chúa được Người tuyển chọn: ‘chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa’ (Ep 4:5)… Các chi thể chung hưởng cùng một phẩm giá vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, cùng một ơn gọi trở nên trọn lành, cùng một ơn cứu độ, cùng một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội, không còn có sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, về địa vị xã hội hay giới tính, vì lẽ ‘không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, bởi anh em hết thảy chỉ là một trong Chúa Giêsu Kitô’ (Gl 3:28; x. Cl 3:11)”.[14]
1. Ðức Kitô là Ðầu
Ðó là phẩm tính đầu tiên của Dân Thiên Chúa, là đặc điểm phân biệt dân cũ và dân mới. Và về phương diện Giáo Hội học, đó cũng là dấu gạch nối giữa hai hình ảnh, tức là Dân Thiên Chúa và Thân thể Ðức Kitô.
Trong thời Cựu Ước, muốn gia nhập dân Thiên Chúa thì phải tin vào Yahweh và chịu cắt bì. Còn bây giờ là lúc “thời gian đã viên mãn”, thì điều kiện gia nhập lại được gióng lên với sứ điệp: “hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Tin Mừng này loan báo cho biết rằng Ðấng “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” của lời hứa xưa chính là Ðức Giêsu Kitô. Tin vào Ngài có nghĩa là tin vào chính Yahweh: “Nếu các con tin vào Thiên Chúa thì cũng hãy tin vào Thầy” (Ga 14:1). Israel là dân tộc Yahweh đã đắc thủ cho Ngài (Tv 74:2); còn Giáo Hội là dân tộc mà Ðức Kitô “đã mua chuộc bằng giá máu của chính mình” (Cv 20:28). Trước kia, Yahweh là thủ lãnh từ bi của dân Ngài (x. Xh 15:13) và là thủ lãnh duy nhất (x. Ðnl 32:12); còn bây giờ, Ðức Kitô là thủ lãnh độc nhất (x. Mt 2:6), là Ðầu của Giáo Hội. Ðang trên đường lữ hành, dân mới này tiến theo bước Vị Lãnh Ðạo của mình là Ðức Kitô.
Vậy, Ðức Kitô là thủ lãnh, là Ðấng phát khởi, là “Ðấng khai mở và kiện toàn đức tin” (Dt 12:2), là “vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa… tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2:10): có theo Ngài, thì các tín hữu mới nên xứng đáng với Ngài (x. Mt 10:38). Tựa như đoàn chiên đi theo mục tử (hình ảnh tuyệt hảo về một dân tộc), thì những “con chiên” bước theo Ðức Kitô là Mục tử nhân lành (x. Ga 10:4tt). Về phương diện này, trong Giáo Hội (“đoàn chiên”), mọi giáo hữu đều như nhau: tất cả đều phải bước theo Ðức Kitô cho đến cùng đích chung, là sự “thánh thiện không giai cấp” của Giáo Hội.[15] Mọi người đều đã chịu cùng một phép Rửa làm cho họ thành công dân của Dân này. Mọi người đều lãnh nhận cùng một Thần Khí (Thần Khí của Ðức Kitô) và nhờ Ngài họ trở nên anh chị em của nhau trong Ðức Kitô: tất cả đều đã “nên đồng hình đồng dạng với” Ðức Kitô (x. Rm 8:29). Như xưa, các hoàng đế hay các vị danh tướng ghi ấn dấu riêng lên trên binh lính hoặc gia nhân của mình, thì Ðức Kitô, Vị Lãnh Ðạo, cũng đóng ấn của Ngài trên mỗi phần tử của Dân Ngài (“Dấu” ở đây có nghĩa là Thần Khí: x. 2Cr 1:22; Ep 1:13; 4:30). Sách Khải Huyền trình tả về Dân mới này của các tôi tớ Thiên Chúa, của những người đã được đóng ấn trên trán: tổng số là 144 ngàn từ mọi chi tộc Israel (x. Kh 7:3-4): con số được coi là hoàn hảo. “Ấn tín” này là tên gọi của chúng ta: vì “Ðức Kitô” là thủ lãnh, nên chúng ta được mang danh tước là “Kitô hữu”.
Danh hiệu “Kitô hữu” đem lại phẩm giá chung cho tất cả mọi tín hữu trong Giáo Hội, trước khi xét đến các chức vụ. Công Đồng trích lời thánh Augustinus nói rằng: “Tôi sợ hãi khi nghĩ mình là gì đối với anh em, nhưng lại được an ủi khi nghĩ mình là gì cùng với anh em. Vì đối với anh em tôi là Giám mục; nhưng cùng với anh em tôi là Kitô hữu. Giám mục là danh tước do chức phận, Kitô hữu là danh hiệu do ân sủng. Làm Giám mục là một mối nguy, còn làm Kitô hữu là được cứu độ”.[16]Thánh Leo Cả cũng đã thốt lên: “Hỡi Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình”.[17] Còn Công Đồng thì xác định là: “Tất cả những ai thuộc về Dân Thiên Chúa, đều được hưởng phẩm giá Kitô hữu đích thực”.[18] Tóm lại, quyền bình đẳng trong Dân Thiên Chúa là một đặc ân cao quý phát nguyên từ sự nghiệp cứu độ phong phú Ðức Kitô đã hoàn thành, và mọi Kitô hữu đều cùng được chia sẻ.
2. Phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa
Phẩm giá căn bản của người Kitô là được làm con cái Thiên Chúa trong và nhờ Ðức Kitô. Sự kiện này làm cho thánh Gioan ngỡ ngàng chia sẻ: “Hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và thực sự là như thế” (1Ga 3:1). Làm con cái Thiên Chúa có nghĩa là Kitô hữu đã nhận được một bản tính mới, như thánh Phêrô viết: “Anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống” (1Pr 1:23), “nhờ đó anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1:4). Vì thế, thánh Gioan gọi Phép Rửa là cuộc tái sinh bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3:5-6). Căn cứ vào “bản tính” mới ấy, Giáo Hội có đủ lý do để tự xưng là Dân tộc mới đã được tuyển chọn, còn các Kitô hữu thì ý thức rõ là mình được hưởng quyền tự do của người con (x. Rm 8:21).
“Tự do” đối nghịch với “nô lệ”. Ðức Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi ách tội lỗi (x. Rm 6:15tt) và lề luật (x. Gl 5:1tt), cũng như khỏi lề luật và hình phạt của tội lỗi cùng sự chết (x. Dt 2:15). Thật vậy, bạo quyền tệ hại nhất là bạo quyền của tội lỗi: nó trói buộc con người vào vòng nô lệ (x. Rm 6:20; 8:2,.v.v…). Bất cứ lối giải phóng nào, nếu không đưa con người ra khỏi ách tội lỗi, thì đều là giải phóng giả hiệu, vì ách nô lệ chính hiệu vẫn còn nguyên. Ðức Giêsu nói: “Nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8:36). Tự do Ðức Kitô ban là tự do trong sự thật: lầm lạc, lừa đảo, cuồng tín,… chỉ làm nền, làm môi trường sinh sôi nẩy nở cho tình trạng tôi đòi; vì thế, Ðức Giêsu nói thêm: “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:32). Là nhầm lớn những ai tưởng rằng mình càng biết ít (về luật lệ, về giáo lý) thì càng được tự do làm gì thì làm mà lương tâm vẫn yên tâm, “bình an…”. Tự do Kitô giáo là ở chỗ dấn thân, chứ không phải do ở sự việc không cam kết: tự do vì dám đảm nhận trách nhiệm, chứ không phải vì khéo lẩn tránh trách nhiệm; tự do nhờ thành thật, chứ không phải là nhờ giả hình. Tự do Kitô không chỉ là “tự do khỏi bị…” mà còn là “tự do để được…”.
Vậy thì ai là người tự do? Câu trả lời thông thường là: người tự do là người đã thoát khỏi vòng bạo quyền chính trị; đó là tự do của công dân. Triết gia khắc kỷ thời xưa sẽ trả lời: tự do là tự chủ, là thoát khỏi ách của đam mê và cảm xúc; đó chỉ là tự do bên trong. Ngộ giáo sẽ trả lời: tự do là nhờ đạo giáo mà thoát khỏi quyền lực của “những yếu tố vũ trụ” chi phối trần gian. Ðành rằng tự do là rất phức tạp, tuy nhiên, không vì thế mà bó tay chịu trận, không dám tìm hiểu.
“Tự do khỏi…”. Trước hết, con người thường bị ràng buộc bởi chính mình, bởi những thèm muốn, thói quen, khuynh hướng,… riêng của mình; thánh Phaolô cũng đã kể lại kinh nghiệm cá nhân của ngài về điểm này (x. Rm 7:18-24). Có người – và không thiếu! – lại còn rơi vào vòng nô lệ của thế gian: giàu sang, danh vọng, quyền thế, ý thức hệ,.v.v… Ðức Giêsu nói: “Ai phạm tội là nô lệ của tội” (Ga 8:34).
Lề luật cũng có thể trở thành một bạo chúa, như thấy rõ qua kinh nghiệm dân Do Thái. Trong thư Galata, thánh Phaolô trình bày giáo huấn về chủ đề này: Ðức Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi ách của Luật (Luật Do Thái). Bây giờ, chúng ta không còn sống dưới chế độ của lề luật, mà là của ân sủng. Từ nguyên tắc này, tông đồ đã rút ra kết luận: “Tôi được phép làm mọi sự”, nhưng ngài thêm là: “Tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi” (1Cr 6:12). Cần phải có lề luật: cho quốc gia cũng như cho Giáo Hội. Thánh Phaolô nói: “Lề luật là thánh” (Rm 7:12)… và ngài nghiêm cách dạy là: “mỗi người phải phục tùng chính quyền…” (Rm 13:1; x. 1Tm 2:2), và phải vâng phục những vị lãnh đạo trong Giáo Hội (Dt 13:17); nhưng là với tinh thần mới, vì chúng ta làm mọi sự theo “luật Ðức Kitô” (Gl 6:2). Thánh Gioan nói: “tội lỗi là ‘phi luật’ (anomía)” (1Ga 3:4).[19]
Tuy nhiên, Lề Luật cũng có thể nghẽn tinh thần: “văn tự thì giết chết” (2Cr 3:6). Người Kitô tự do biết rằng Lề Luật phải nhường bước cho tinh thần.[20]
Tự do – tức là giải thoát – khỏi cả sự chết nữa ư? Người Kitô hay người vô thần hiển nhiên là như nhau: ai ai cũng đều phải chết. Tuy nhiên, sự chết thể lý có liên quan huyền nhiệm với tội lỗi, vaø chính Chúa Kitô đã hủy trừ mối liên hệ đó. Còn sự chết thiên liêng thì thánh Phaolô gọi là “lương bổng mà tội lỗi trả” (Rm 6:23), và cảnh cáo: “Nếu anh em sống theo xác thịt thì sẽ phải chết” (Rm 8:13). Ðức Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi sự chết theo hai phương diện ấy: khi sống lại Ngài đánh thắng thần chết, kể cả cái chết thể lý của xác thịt, và do đó giải phóng chúng ta khỏi mối lo âu sợ hãi trước cái chết. Trong phép Rửa chúng ta trở nên một với Ðức Kitô trong sự chết để cũng được nên một với Ngài trong sự sống lại (x. Rm 6:5-9; 1Cr 15:20-22). Nhờ sống hy vọng như thế, người Kitô không còn coi sự chết như là “kẻ thù vô địch”, không còn phải sợ hãi trước cái chết; trái lại, lúc đó sự chết có thể biến thành “Tin Mừng” như thánh Phaolô nói: đối với tôi chết là một thắng lợi (x. Pl 1:21), trước tiên là vì có qua cửa chết mới vào tới nhà Cha, và thứ đến là vì có chết mới có điều kiện để được sống lại vinh hiển. Chẳng thế mà thánh Phaolô đã hiên ngang thốt lên: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15:54). Một khi không còn sợ gì nữa, tất người Kitô được hoàn toàn tự do (x. Rm 8:31-39).
Tự do của người Kitô cũng còn tùy vào thái độ căn bản xác đáng đối với của cải muôn vật: đó là kết quả của việc biết dựa theo ánh sáng đức tin mà nhận thức đúng mức về giá trị thật của mọi sự vật và sự việc; tiêu cực mà nói, đó là thái độ không dính bén đối với mọi sự (x. 1Cr 7:29-31), và tích cực mà nói, thì đó là thái độ chấp nhận Ðức Kitô làm chủ toàn bộ cuộc sống chúng ta; còn Ngài: Ngài sẽ làm cho chúng ta nên chủ của mọi sự (x. 1Cr 3:21-23). Không còn gì là cấm kị đối với những ai sống trong tình yêu của Ðức Kitô.
Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là phóng túng (x. Gđ 4). Trước hết, tự do con người là tự do của một tạo vật; chỉ một mình Thiên Chúa mới có tự do tuyệt đối. Tự bản tính, con người là hữu hạn và bị giới hạn: do khả năng ít ỏi, do cảnh huống thời gian và không gian, do di truyền… và nhất là do những người khác. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do; có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5:13). Hơn nữa, mạc khải còn giúp cho hiểu ra cái nghịch lý nơi con người: con người chỉ toàn vẹn hoàn thành chính mình khi biết tự hiến mình cho người khác, chỉ chiếm được chính mình khi dám đánh mất mình đi, chỉ sống được khi dám chịu chết đi… (x. Mt 10:38; Ga 12:25). Thì tự do cũng vậy: con người chỉ được giải phóng hoàn toàn khỏi những quyến rũ ràng buộc khi biết chấp nhận làm tôi tớ phục vụ sự công chính (x. Rm 6:17-18), hoặc là nói như thánh Giacôbê, khi “tuân giữ luật trọn hảo của tự do” là luật Chúa (Gcb 1:25): luật này hệ tại ở chỗ chọn lấy điều thiện, dấn thân cho Ðức Kitô trong anh em, luyện mình nên người hoàn hảo theo hình ảnh Ðức Kitô, là con người hoàn hảo.[21]
Cuối cùng, còn phải hỏi tiếp là: Giáo Hội có phải là một môi trường tự do không? Có nhiều anh chị em không cảm thấy tự do trong Giáo Hội! Dĩ nhiên là phải có những người cầm đầu (x. Cv 20: 28; Rm 12: 8; 1Cr 12: 28; Dt 13: 17,v.v…), có những thầy dạy (x. 1Tm 2: 7; Ep 4: 11,v.v…), có những người cha (x. 1Cr 4: 15)… nhưng trên hết, mọi người đều là anh em và phải tỏ ra là như thế (x. Mt 23: 8). Cần phải có luật, vì luật vốn là tốt (x. Rm 7: 12.14), nhưng có người có cảm tưởng là luật điều đã có quá nhiều rồi. Ðó là chưa nói đến thái độ nệ luật quá đáng đến độ bóp ngạt mất những tài năng và sáng kiến. Rồi có khi còn nhân danh một quan niệm hẹp hòi về chân lý mà nghi ngờ các nhà thần học và chú giải, làm cho họ phải bỏ dở công tác nghiên cứu. Trong nhiều tầng lớp và phạm vi, quả Dân Thiên Chúa còn mang không phải là ít vết hằn của não trạng nô dịch. Bao lâu Giáo Hội còn giữ cái “dạng thể do cuộc cải cách Gregorio nắn nên” [22]thì bấy lâu vẫn còn khó mà thực sự trở thành “dấu chỉ tự do” cho thế giới được.[23]
3. Lề Luật: Yêu mến như Ðức Kitô đã mến yêu[24]
Dân Israel có luật do Yahweh lập; dân mới cũng có “điều răn mới” của Ðức Kitô (Ga 13:34); Công Đồng Vatican II đã có dịp nhắc lại điều đó. Sở dĩ con người có bản tính xã hội là vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa: một Thiên Chúa “Ba Ngôi”; mà dây nối kết Ba Ngôi chính là Tình yêu, cho nên tình yêu cũng phải là dây kết hợp phần tử trong loài người thành một xã hội. Triết gia Aristotle có cái nhìn rất đúng khi cho rằng, để sống với đồng loại, người văn minh cần quý chuộng và trao đổi tình bạn. Nói đến tình nghĩa là nói đến chia sẻ, cho đi; vì thế, thái độ ích kỷ, chỉ biết giữ chặt lấy của cải cho một mình mình, sẽ làm cho sợi dây liên kết trong xã hội bị cắt đứt đi.
Chúa Yahweh muốn chữa lành vết thương ấy nên đã ban bố luật yêu thương: “Hãy yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19:18; x. Mc 12:31; Rm 13:9; Gl 5:14; Gcb 2:8). Lòng ích kỷ đã từng thu hẹp luật này lại bằng cách giải thích “thân cận” là đồng bào của mình. Chúa Yahweh lại phải sửa sai: “Hãy đối đãi ngoại kiều như đồng loại” (Xh 23:9; x. Lv 19:33; Ðnl 10:19). Một lần nữa, con người tiếp tục bóp méo lý tưởng của Thiên Chúa bằng cách tìm cớ để phân tách, chia rẽ (x. Ðnl 23:3-6; Ps 139:21-22); nhưng Chúa Yahweh vẫn một mực dạy là: Hãy giúp kẻ thù, nếu gặp con bò của kẻ thù đi lạc thì hãy dẫn dắt cho chủ nó, đừng làm ngơ nếu thấy lừa của kẻ thù bị rơi xuống hố (x. Xh 23:4-5).
Ðức Giêsu nhấn mạnh là phải yêu kẻ thù, để nên giống như Cha trên trời là Ðấng ban phát ơn lành cho hết thảy mọi người không phân biệt lành dữ (x. Mt 5:44-45). Thế thì, so với Cựu Ước, có gì mới lạ hơn đâu? Có mới ở chỗ bây giờ là luật của con cái Thiên Chúa (noi gương Cha trên trời) và cần phải lấy lòng hiếu thảo tử hệ mà thi hành; vì thế, Ðức Giêsu dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34), tức là noi theo gương người Con! Hơn nữa, điều mới lạ là khi yêu mến người khác, không những người Kitô yêu mến giống Ðức Giêsu, nhưng còn yếu mến chính Ngài nữa, vì Ngài đồng nhất hóa chính mình với mọi người, với những anh em hèn mọn nhất.[25] Tình yêu này bắt nguồn từ “bản tính mới” mà người Kitô lãnh nhận khi chịu phép Rửa. Thật ra, “nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta, Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5:5): đó là tình Chúa yêu ta, chứ không phải tình ta yêu Chúa. Vậy, nếu biết giữ vững và sống thật tình yêu ấy, thì chúng ta sẽ yêu mến với tình thương của chính Thiên Chúa; hoặc nói cách khác, Thiên Chúa yêu mến qua tấm lòng của các con cái Người. Cho nên, điều quan trọng không phải là ở chỗ người Kitô giữ tương quan với người này hay người kia, cho bằng ở chỗ họ giữ quan hệ mật thiết với Thiên Chúa. Người là Cha của họ và hằng muốn cứu rỗi hết thảy mọi người trong nhân loại (x. 1Tm 2:4); thế nên, Người muốn nhờ con cái mình tỏ tình yêu ấy cho hết mọi người. Không phải vì con người đáng yêu nên được Thiên Chúa yêu thương, nhưng phải nói ngược lại: chính nhờ được Thiên Chúa yêu thương nên con người trở thành đáng yêu: tình yêu của Chúa là ân huệ thuần túy sáng tạo. Vì vậy, người Kitô yêu mến người khác, chủ yếu không phải là vì họ tốt, nhưng là để nhờ tình mến ấy, họ trở nên xứng đáng với tình yêu (x. Ga 4:4tt).
Những suy tư trên đây có thể xem ra là chuyện lý tưởng, chỉ dành cho các bậc thánh sống. Sống thật như vậy thì thế gian cho là điên dại (x. 1Cr 1:23). Ngoài ra, lịch sử lại còn chứng tỏ cho thấy là mẫu “luật” kia đã làm như thất bại, và chưa bao giờ Giáo Hội đã thực sống toàn vẹn lối sống như thế.
Ðó chính là thảm cảnh! Và đó cũng là tội của Giáo Hội. Thế nhưng, dẫu sao đi nữa thì Giáo Hội cũng không thể bỏ rơi lý tưởng kia được: bởi bỏ nó đi là phản bội Ðức Kitô! Thế hệ nào rồi cũng phải cố sống thế một lần nữa, để cho thế gian được cứu rỗi.
Công Đồng trích dẫn tiên tri Jeremiah chép rằng: “… ta sẽ khắc luật pháp ta trong tâm can chúng, sẽ ghi chép vào con tim chúng” (Gr 31:31-34).[26] Nghĩa là luật tình yêu ấy không phải một cái gì ghép thêm từ bên ngoài, nhưng là cái tự phát từ nội tâm. Mặt khác, thánh Phaolô nói rằng đó là hoa trái của Thánh Linh đã được ban cho chúng ta (x. Rm 5:5; 15:30; Col 1:8,.v.v…), Thánh Linh mà Công Đồng Vatican II gọi là “linh hồn” của Giáo Hội:[27] nếu bỏ luật tình yêu đi, thì Giáo Hội sẽ như xác không hồn. Tình yêu tiềm chứa sức năng cả dám liều mình và gánh nhận nguy cơ; luật pháp loài người (luật đời cũng như Giáo luật) nhằm mục đích chủ yếu là làm cho giảm đi những nguy cơ, những liều lĩnh; lề luật ấy bảo đảm trật tự, dự phòng mọi tình huống ngộ biến xảy ra, nên không thích sự tự phát, không dành chỗ cho tình yêu. Trong Giáo Hội, những luật nhân tạo bao giờ cũng chỉ là việc làm “cực chẳng đã”. Luật tình yêu của con cái Thiên Chúa mang sẵn trong mình nguy cơ gây xáo trộn; nhưng biết đâu một Giáo Hội ít trật tự mà nhiều tình yêu hơn lại chẳng là một Giáo Hội tốt hơn.
VI. DÂN THIÊN SAI ÐANG TRÊN ÐƯỜNG LỮ HÀNH
Hiến chế Lumen Gentium gọi Giáo Hội là “Dân Thiên sai”,[28] nghĩa là dân của Ðấng Thiên sai, của Ðức Kitô. Dân tộc này ở vào “thời đại cuối cùng”, đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Ðức Kitô, cũng như đang sống thân phận lữ hành hướng tới thời hoàn tất cánh chung.[29]
“Thiên sai” có nghĩa là gì? Ðó thành ngữ dịch từ “Mêsia” (Hipri) hoặc “Khristós” (Hy Lạp), tức là “Kitô”, có nghĩa là được “xức dầu”, và chỉ về nhà vua Israel trong tư thế là vị đại diện của Yahweh (x. 1Sm 9:16). Những lúc gặp khủng hoảng, dân Israel hằng hy vọng Chúa Yahweh sẽ sai một “Vị được xức dầu” (Thiên sai) để phục hồi tình trạng thịnh vượng an bình; niềm hy vọng ấy biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau.[30]Ngày nay, trong những tiếng nói châu Âu đã thành tục hóa, từ ngữ này được dùng để chỉ những phong trào “giải phóng” cả tôn giáo lẫn chính trị; nhưng vẫn quy chiếu về với truyền thống Do Thái-Kitô. Vậy, dựa theo truyền thống ấy, một tác giả đã định nghĩa “phong trào giải phóng cứu tinh” như thế này: đó là “viễn cảnh về một thế giới công bằng và hạnh phúc (chiều kích nhân học), mà lời hứa của Thiên Chúa làm cho trở thành một khả năng khách quan (chiều kích thần học); nhờ lòng vâng phục, con người được Thần Khí đổi mới (chiều kích thần khởi và đạo đức học), và được mời gọi để hiện thực hóa viễn cảnh ấy”.[31]Ðó là cả một chương trình đã được trao phó cho Giáo Hội.Giáo Hội là thân thể của Ðấng được xức dầu (Mêsia, Thiên sai), tức là Dân thiên sai vậy. Ðược xức dầu do chính Thần Khí xuống trên nhóm tông đồ (x. Cv 2), và mọi phần tử cũng đều được xức dầu qua các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Mãi cho đến hồi thế mạt, Giáo Hội có bổn phận phải tiếp tục thực thi sứ mạng Ðức Kitô đã trao phó.
Trước hết, Dân Thiên sai mang trong mình một niềm hy vọng: “Vì thế, tuy hiện nay chưa bao gồm hết toàn thể nhân loại và đôi khi còn tỏ ra như là một đàn chiên nhỏ, thì dân tộc thiên sai ấy cũng vẫn là mầm mống đầy sức năng nhất của hiệp nhất, hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại”.[32] Trong một thế giới lộ rõ thất vọng, lạc mất hướng, lẫn lộn giá trị nhân văn với siêu việt, dân Kitô phải xác tín làm chứng cho những giá trị ấy. Như thế nào? Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân nhận định: “Tự bản chất của chúng, một số công việc có thể biểu lộ tình yêu cách sống động. Chúa Kitô đã muốn những việc đó làm dấu chỉ cho sứ mệnh thiên sai (x. Mt 11:4-5)”;[33] và tiếp sau đó văn kiện đã nhắc đến những công việc Ðức Giêsu đã thực hiện cho người khác. Sắc lệnh về đời sống linh mục xác định cụ thể hơn: Chúa Kitô lấy “việc rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ và yếu đuối làm biểu chứng cho công tác thiên sai”.[34] Là Dân thiên sai, Giáo Hội có bổn phận trở nên “một dân cho muôn dân”, nghĩa là dấn thân cho mọi người được sống như Thiên Chúa muốn; hoặc nói cách khác, cho vương quyền Thiên Chúa đến được với họ. Năng lực của Dân Thiên Chúa mang tính chất ly tâm, tức hướng về với các dân khác trong muôn dạng dịch vụ, nhằm xây dựng Nước Chúa giữa họ, ngõ hầu họ cũng hưởng được ơn công chính, niềm hạnh phúc và bình an (shalom), bởi Ðức Giêsu đã tậu chuộc họ. Thế giới hiện nay đang trở nên ngày càng thống nhất hơn; Giáo Hội là “bí tích” của sự hiệp nhất và hiệp thông trong toàn thể gia đình nhân loại.[35]
Bởi là Dân thiên sai “tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo”.[36] Phải cất cao tiếng rao truyền cho thiên hạ nghe biết Tin Mừng cứu độ. Kinh Thánh gọi Ðấng Thiên sai là “niềm hy vọng của muôn dân” (Mt 12:21; Rm 15:12); giờ đây Dân thiên sai phải quyết tâm sống và hành động làm sao để có thể đưa Ðức Kitô đến với những ai “không có niềm hy vọng” (1Tx 4:13). Ấy là công trình của toàn thể Dân Chúa: “Giữa tất cả các tín hữu vẫn có bình đẳng thật sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu nhằm xây dựng thân thể Chúa Kitô”.[37] Ðức Kitô muốn Giáo Hội phải là niềm hy vọng cho thế giới; nhưng thực tế cho thấy là nhiều người trong thế giới không còn tín nhiệm Giáo Hội; chính vì thế, dân Kitô càng cần phải cải thiện không ngừng.
Dân thiên sai lữ hành sẽ về tới vương quốc cánh chung, lúc mà Thiên Chúa hoàn tất việc đổi mới mọi sự. Tuy nhiên, Công Đồng dạy rằng cuộc canh tân vũ trụ không chỉ là một việc của tương lai, mà còn là của hiện tại nữa, vì đã được khởi đầu ở trong Giáo Hội.[38] Nghĩa là Giáo Hội cấu thành với những yếu tố nhất nhất dứt khoát xác định, và sẽ tồn tại mãi cho đến thời đại cuối cùng ấy; vì thế, sẽ không có một Giáo Hội nào khác kế tiếp thay thế Giáo Hội này cả.
Nhưng mọi sự Giáo Hội có ở nơi dương thế này “đều phải hướng về thành đô tương lai chúng ta đang tìm kiếm”,[39] vì thế cần phải ý thức rằng giá trị của những thực tại trần thế ấy chỉ là tương đối.[40] Hiện trạng lữ hành làm cho Giáo Hội nhìn lại Israel trong thời ở giữa hoang mạc để rút tỉa kinh nghiệm: một đàng, tránh đừng hối tiếc về quá khứ, một hãy hướng về tương lai; và đàng khác, tiên liệu hầu ứng phó với những khó khăn, vì biết là sẽ bị cám dỗ và bách hại từ phía các thế lực trần gian, như sách Khải Huyền đã miêu tả (x. Kh 13:1-7). Giáo Hội đang chiến đấu chống lại “mầu nhiệm tội ác” (2Tx 2:7) hằng cố kết nạp mọi lực lượng của sự dữ (x. Kh 19:9; 20:7tt): Hiến chế Gaudium et Spes gọi đó là “cuộc chiến cánh chung”.[41] Nhưng Ðức Kitô, Ðầu của Giáo Hội, khẳng định rất rõ là Ngài “đã thắng thế gian” (Ga 16:33; x. 1Ga 5:4).
Giáo Hội không được “định cư” ở thế gian, mà phải không ngừng tiến bước.[42] Như người bộ hành đường xa, Giáo Hội không mang được những thứ hành trang cồng kềnh cản bước đi…; như David vóc dạc nhỏ không mặc được binh giáp của Saul to lớn (x. 1Sm 17:38-39), Giáo Hội không ôm nổi những thứ trang bị nặng nề không cần thiết cho cuộc chiến giữa trần gian. Thế nhưng, ngày nay, Giáo Hội đang sống với không biết bao nhiêu cơ chế, lề luật, truyền thống…: thật khó lòng nhúc nhích được. Không thể nào Giáo Hội lại trói buộc thiên mệnh của mình vào một thời đại, một nền văn hóa, một nền triết hoặc thần học,.v.v… được; nhưng ngược lại, phải ra sức giữ cho mình được hoàn toàn tự do đối với hết mọi thực tại của thế gian đang biến đổi này… (x. 1Cr 7:31; 1Ga 2:17).
VII. DÂN TƯ TẾ
“Khi gia nhập Dân Thiên Chúa bằng đức tin và Phép Rửa, chúng ta dự phần vào ơn gọi vô song của Dân ấy: ơn gọi tư tế. Ðức Giêsu Kitô được cất nhắc làm thượng tế giữa loài người, đã làm cho Dân mới thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Ngài. Thực vậy, những người đã lãnh Phép Rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành đền thờ thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh”.[43]
Hiến chế Lumen Gentium là văn kiện đầu tiên của một Công Đồng, xác nhận chức tư tế phổ quát: toàn thể Dân Chúa là tư tế, và mọi cá nhân Kitô hữu đều tham dự vào chức tư tế ấy. Ðồng thời, Công Đồng Vatican II cũng xác quyết: “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về cả yếu tính, song cả hai đều bổ túc cho nhau”.[44]
Công Đồng Trento (năm 1563) đã kết án học thuyết của Luther cho rằng mọi người Kitô đều là tư tế như nhau,[45] và sau này Giáo lý của Công Đồng Trêntô cũng đã đề cập đến giáo lý về hai bậc tư tế trong Giáo Hội.[46]
1. Giáo lý Kinh Thánh
Israel là một dân tư tế (x. Xh 19:6), Thiên Chúa đã tuyển chọn và tách riêng ra, nghĩa là thánh hiến để lo việc phụng tự trong thế gian và làm chứng tá giữa muôn dân (x. Ðnl 7:6; 26:19). Dạng tư tế cơ bản ấy không cản trở việc có chức tư tế độc quyền của nhà Aaron. Cựu Ước còn cho thấy Yahweh đã trừng phạt Ðatan và Abiron để làm gương, khi các ông này nhân danh chức tư tế cộng đồng mà nổi loạn chống lại “đặc ân” của hàng tư tế (x. Ds 16-17).
Thư Do Thái gọi Ðức Giêsu là thượng tế “theo phẩm trật Melchizedek” (Dt 5:10), nghĩa là theo một cách khác hẳn với hàng tư tế Do Thái hay dân ngoại. Vậy, có Ðầu là tư tế, ắt thân thể cũng là tư tế. Tân Ước không gọi các “công chức” của Giáo Hội là tư tế: họ được gọi là giám sự, niên trưởng, kẻ hầu, thủ lãnh,.v.v…; nhưng tổng thể Giáo Hội lại được gọi là tư tế (hiereys): Sách Khải Huyền chép rằng: Ðức Kitô “đã yêu mến chúng ta và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế…” (Kh 1:6; x. 5:10). Trong “vương quốc thiên niên”, các Kitô hữu sẽ làm tư tế cho Thiên Chúa và Ðức Kitô (x. Kh 20:6). Thánh Phêrô áp dụng cho Giáo Hội phẩm tính tư tế của Israel và coi cộng đồng Kitô như một đoàn thể tư tế (hieráteuma) (x. 1Pr 2:4-10).[47]Như thế, Tân Ước xác nhận: một mặt, chỉ có một vị tư tế duy nhất là Ðức Kitô, và mặt khác, mọi Kitô hữu đều thông phần vào chức tư tế của Ngài. Phẩm chất tư tế “thiêng liêng” hoặc “chung” ấy là như thế nào?
a/. Dịch vụ tư tế: vai trò trung gian
Khó mà xác định cho rõ được “phẩm chất tư tế” là gì, vì tựa như một cơ quan sống động, phẩm chất ấy cũng cần phải thích nghi với hoàn cảnh. Trong Cựu Ước, nói chung, chức năng tư tế được gắn liền với vai trò làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người, trung gian hai chiều: thay mặt dân mà dâng “lên” Chúa Yahweh nghi thức phụng tự, hy lễ, kinh nguyện,… và thay mặt Thiên Chúa truyền “xuống” cho dân Người những sấm ngôn của Người (như Moses, chẳng hạn). Moses chúc phúc cho chi tộc Lêvi rằng: “Chúng chỉ giáo phán quyết của Người cho Jacob và thánh chỉ của Người cho Israel; chúng thượng hương lên mũi Người, và trên tế đàn của Người, chúng tiến dâng của lễ thượng hiến” (Ðnl 33:10). Vì thế, tiên tri Malakhi gọi các tư tế là “sứ giả của Thiên Chúa” và đòi họ phải sống thánh thiện, vì chức năng tư tế đặt họ vào trong vòng thân cận với Ðấng Chí Thánh, phải có tri thức và phải trung thành truyền dạy Lời Chúa (x. Ml 2:7-9). Các tư tế được đứng trước mặt Chúa (ở Ðền thờ) và chuyển lại cho dân phước lành của Người; đó là cơ nghiệp của họ, nghĩa là họ không có chức năng nào khác ở trong dân Chúa (x. Ðnl 10:8-9). Thiên Chúa đã chọn họ và trao cho họ chức năng như thế không phải vì muốn tách họ ra khỏi dân chúng, nhưng là để họ – một phần trong dân – có thể chuyên tâm lo việc phụng tự cho toàn dân.
b/. Ðức Kitô là Ðấng Trung Gian Duy Nhất
Theo Tân Ước, giữa Thiên Chúa và nhân loại chỉ có một vị trung gian duy nhất là Ðức Giêsu Kitô: đây là đặc nét chính yếu của Kitô giáo (x. 1Tm 2:5). Do bởi bản tính, Ngài là “cây cầu” [48]nối liền giữa Thiên Chúa với loài người, vì Ngài vừa có chân bên phía “bờ Thiên Chúa” vừa có chân bên phía “bờ con người”. Thư Do Thái miêu tả tác vụ của Ðức Giêsu là làm “trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn” (Dt 8:6), nghĩa là “của một giao ước mới” (Dt 9:15; 12:25) mà Ngài đã đóng ấn với máu thánh của Ngài. Vậy, trong cương vị là thượng tế, Ngài đã lấy máu của mình mà vào cung thánh trên Trời một lần cho mãi mãi, hầu chuộc tội nhân loại và lập giao ước vĩnh viễn (x. Dt 9:15-28). Vì Ngài không chết nữa, nên phẩm vị tư tế và trung gian cứu độ là vĩnh cửu và không cần đến một vị trung gian nào khác nữa (x. Dt 7:20-25). Dù “đã băng qua các tầng trời”, nhưng Ngài vẫn mãi mang theo kinh nghiệm người phàm và, vì thế, Ngài vẫn là vị trung gian hằng “biết cảm thương những nỗi yếu hèn” (Dt 4:14-16) của loài người. Ngài là Ðấng trung gian mạc khải, không chỉ vì Ngài là thầy, là ngôn sứ, giảng lời Chúa, mà còn chính vì Ngài là Lời nhập thể. Ngài là tư tế duy nhất cùng là lễ vật duy nhất cho đến muôn đời; Ngài dâng một hy lễ duy nhất trên bàn thờ thập giá, và truyền cho Giáo Hội “nhắc lại” hy lễ ấy cho tới khi Ngài đến lại (x. 1Cr 11:23-26). Giáo Hội là thân thể của Ngài, một thân thể tư tế và lễ vật, hằng được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Thánh Thể.
c/. Dân tộc tư tế
Ngày xưa, tiên tri Isaia đã nói với dân Israel rằng: “các ngươi sẽ được gọi là tư tế của Yahweh; người ta sẽ gọi các ngươi là thừa tác viên của Thiên Chúa” (Is 61:6). Trong Tân Ước, thánh Phêrô và sách Khải Huyền áp dụng sấm ngôn ấy cho Giáo Hội. Một cách gián tiếp, thư Hipri cũng quy ứng chức năng tư tế cho các Kitô hữu, khi viết “chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh nhờ máu Ðức Giêsu” (Dt 10:9; x. 12:18-24), vào nơi mà chỉ các tư tế mới được vào. Thánh Phaolô cũng nhận định tương tự khi gọi các tín hữu là “Ðền thờ Thiên Chúa hằng sống” (1Cr 3:16-17; 6:19; Ep 2:21-22; Rm 8:9). Mà đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi dành cho Thiên Chúa, nơi các tư tế thi hành tác vụ của mình: các Kitô hữu đều nhận được phẩm giá tư tế, nhưng vẫn còn nhiều tác vụ và chức năng cá biệt khác ở trong cộng đoàn.[49]
2. Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II
Công Đồng đã trình bày giáo lý về phẩm giá tư tế của các Kitô hữu, đặc biệt là trong các số 10 và 11 của Hiến chế tín lý về Giáo Hội.[50]
“Những người đã lãnh nhận Phép Rửa, nhờ ơn tái sinh và việc xức dầu của Thánh Thần, thì được thánh hiến để trở thành nhà ở thiêng liêng và chức tư tế thánh”.[51]
Công Đồng chỉ đơn thuần nhắc lại giáo thuyết của các Giáo phụ.[52]Origène viết: “Bất kỳ ai đã được tẩy rửa bằng việc xức dầu của bí tích Thánh Tẩy thì đều là tư tế, như thánh Phêrô đã từng công bố trước toàn thể Giáo Hội”.[53]Và thánh Augustinus nói rằng: “Tất cả những ai thuộc về thân thể của Vị tư tế tối cao và chính thật, đều được thánh hiến, vì họ đều đã được xức dầu”.[54]Trong Thông điệp Mediator Dei, Ðức Giáo Hoàng Piô XII viết: “Ðừng ngạc nhiên khi thấy các tín hữu được nâng lên đến một phẩm cách như vậy, vì một khi được rửa tội, các Kitô hữu đều được cùng nhau làm thành những chi thể của Nhiệm thể Ðức Kitô tư tế. Và nhờ được ghi dấu sâu trong linh hồn, các tín hữu được hiến thánh để lo việc phụng tự đối với Thiên Chúa. Ðó là cách thức họ thông phần vào chính chức tư tế của Ðức Kitô tùy theo đấng bậc của họ”.[55]
Tắt một lời, Phép Rửa thông ban, trước hết, một phẩm chất tư tế cho đời sống Kitô, và sau đó là khả năng thông phần vào tác vụ phụng tự Kitô.
– Cuộc đời Kitô trở thành “hy lễ ngợi khen” dâng lên vinh quang Thiên Chúa. Mọi hành động, mọi việc làm trong đời người Kitô đều là những hành vi của chi thể Ðức Kitô tư tế. Thánh Phaolô viết: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa; đó quả là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12:1). Việc từ thiện đối với anh chị em mình, tông đồ cũng gọi là “thừa tác vụ” (leiturgía: 2Cr 9:12), tức là như việc làm trong Ðền thờ. Như nơi bản thân Ðức Giêsu, sống chết đều là hy lễ, thì cũng vậy, người Kitô ý thức mọi sự trong đời mình đều mang ý nghĩa của việc phụng tự đối với Thiên Chúa: nếu sống là hiệp thông với Vị Thượng tế, thì chết cũng vậy. Như xưa tư tế đổ rượu trên bàn thờ cùng với lễ vật (x. Xh 29:49-41), thì nay thánh Phaolô cũng coi cuộc sống như đang trút sạch dần… tựa như rượu cúng hiến xưa (x. Pl 2:17). Mà nếu sống là vậy, thì huống chi là chết: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế…” (2Tm 4:7). Cho nên, hoặc là chết vì Ðức Kitô (tử đạo), hoặc là chết trong Ðức Kitô (chết lành) đều là những cách thức hiến tế chính mình trên bàn thờ Thiên Chúa.
Nhiệm vụ đặc thù của người Kitô là biến thế gian thành lễ vật dâng lên Chúa Cha: tác vụ đó được gọi là “cung hiến thế gian”.[56] Vì vậy, việc dấn thân cho các công tác xã hội (thuộc lãnh vực chính trị, kinh tế, khoa học,.v.v…) mang được một ý nghĩa và một giá trị mới, nếu người Kitô biết hiệp thông mật thiết với Ðức Giêsu thượng tế.
– Nhờ được rửa tội, người Kitô mới có “khả năng” cử hành bí tích hôn phối: qua trung gian của việc vợ chồng trao phó cuộc đời cho nhau, Thiên Chúa ban ân sủng cho họ; họ là tư tế trong “Giáo Hội tại gia” (ecclesia domestica),[57] khiến gia đình trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Vả lại, chức tư tế chung cũng trao ban khả năng lãnh các bí tích khác (ví dụ: một người lương dân mà rước Thánh Thể, thì chỉ là ăn một miếng bánh thường mà thôi!). Vì là tư tế, nên người Kitô mới có “quyền” lãnh nhận các bí tích. Giáo luật xác định: “Các tín hữu có quyền được lãnh nhận từ các chủ chăn sự trợ giúp nhờ các của cải thiêng liêng của Giáo Hội, nhất là Lời Chúa và các Bí tích” (khoản 213). Nhờ bí tích Thêm sức và Thánh thể, cuộc khai tâm thành tựu; người Kitô “có quyền phụng thờ Thiên Chúa theo các qui định của lễ điển riêng…” (khoản 214).
Tột đỉnh của việc phụng tự là Lễ Tạ Ơn. “Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo, các tín hữu dâng lên Thiên Chúa Lễ vật thần linh, và cùng với Lễ vật ấy họ dâng lên Người chính mình họ”.[58] Người Kitô không chỉ đi “xem” Lễ (!), bởi họ có một vai trò tích cực: là chi thể Ðức Kitô và là phần tử của Giáo Hội, họ cử hành Lễ. Trong tư cách là giáo dân, họ làm nên cộng đoàn Giáo Hội địa phương: cùng với cộng đoàn, linh mục hoặc Giám mục mới có thể hành Lễ: trong phụng vụ, các vị không bao giờ xưng “tôi”, song bao giờ cũng cùng xưng là “chúng tôi”. Truyền thống nói rất rõ về điểm này. Trong tác phẩm viết về vụ tranh luận với Triphô Do Thái, thánh Justinus tử đạo xác tín là lời tiên tri Malakhi 1:11 ứng nghiệm trong Giáo Hội hằng liên lỉ cử hành Thánh Lễ, vì toàn thể dân Kitô đều cùng dâng lễ.[59]Còn thánh Irenée dạy: Thánh Lễ là hy lễ của Giáo Hội, tụ hợp dưới quyền của Giám mục, là người có quyền đọc lời nguyện trên lễ vật.[60]Vì thế, thánh Gregorio Cả mới dám nói là nếu không có dân chúng cùng dâng lễ vật, thì linh mục truyền phép bánh và rượu không hợp luật.[61]Dù kết án Luther vì phủ nhận việc thành sự của Thánh Lễ “riêng”, (hoặc vì không có cộng đoàn hoặc vì chỉ một mình linh mục rước Lễ), thì Công Đồng Trento cũng vẫn dạy rằng Thánh Lễ vốn mang tính chất “công”,[62] túc là hy lễ của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội.
Tư tế cũng có vai trò làm trung gian cho Lời Chúa, và còn phải đảm nhận nhiều tác vụ cụ thể khác trong đời sống Kitô, như sẽ thấy bàn tới sau đây, trong đề mục “dân tiên tri và vương giả”.
3. Quan hệ giữa chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác
Công Đồng dạy rõ rằng: “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về trật bậc, mà còn về yếu tính nữa, song cả hai lại bổ túc cho nhau”.[63]
Khi toàn thân Giáo Hội thi hành nhiệm vụ làm trung gian (bí tích) cứu độ cho thế gian, thì tất cả các tín hữu đều hoạt động như một. Khi trong Giáo Hội dân Thiên Chúa cử hành Lễ Tạ ơn (là dấu chỉ và nguyên nhân của sự hiệp nhất) thì Giáo Hội hoạt động theo trật tự, tựa như trong thân thể: tay không phải là chân, mắt không thay thế mũi; mỗi cơ quan làm việc của nó. Thánh Phaolô áp dụng ẩn dụ này cho Giáo Hội: trong Giáo Hội, có tiên tri, có thầy giáo, có chủ tịch,… nhưng không phải ai nấy đều là tông đồ, không ai cũng có ơn trị bịnh, không ai cũng là người chủ tọa,.v.v… (x. 1Cr 12). Những chức năng khác nhau giữ địa vị và có tác dụng khác nhau, nhưng tất cả đều liên đới với nhau. Tất cả những chức năng này có chung cùng một nguồn gốc là Ðức Kitô và Thần Khí. Cả hai – chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác – đều bắt rễ từ những ấn tích không tẩy xóa được: ấn tích của bí tích Rửa Tội và ấn tích của bí tích Chức thánh. Cả hai đều là ơn nhưng không, chứ không phải những quyền lợi. Khác với những chức tước xã hội trần tục, chức tư tế thừa tác không bắt nguồn từ dân chúng, nhưng từ Ðầu Giáo Hội là Ðức Kitô. Buổi đầu, nhóm tông đồ vừa là “mầm mống của Israel mới” vừa là “nguồn gốc của hàng giáo phẩm”.[64] Như con người khi lớn lên, tất cả những cơ quan và tài năng khác nhau phát triển, thì Dân Chúa cũng vậy. Cả hai loại tư tế đều phát sinh từ chức tư tế của Ðức Kitô; nhưng lại thông phần “cách” khác nhau vào chức tư tế duy nhất ấy; còn chức Giám mục và chức linh mục, thì thông phần theo “cấp độ” khác nhau.Chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác được lập nên cho nhau; nhưng tương quan giữa hai phía thì khá phức tạp, nhất là vì (ngay cả trong Công Đồng Vatican II) đã không được phân tích rõ để cho thấy trong giáo phẩm, những gì thuộc chức tư tế và những gì chỉ thuộc lãnh vực hành chánh hoặc quản trị. Bí tích Truyền Chức Thánh cung hiến một người cho thân thể Ðức Kitô: để chủ tọa Lễ Tạ ơn (Thánh Thể) và để chủ tọa cộng đoàn (Nhiệm thể). Dịch vụ tư tế thừa tác không có cứu cánh ngay nơi mình, nhưng hoàn toàn là nhằm phục vụ Dân Chúa. Chức thánh (Giám mục, linh mục, phó tế) nằm trong chức năng mẫu tính của Giáo Hội: ban sự sống, thêm sức mạnh, nuôi dưõng, chữa lành, thánh hiến… Còn chức tư tế chung là nền móng của chức tư tế đặc biệt: nếu không có phép Rửa, thì cũng chẳng có được Giám mục.
VIII. DÂN TIÊN TRI VÀ VƯƠNG GIẢ
“‘Dân thánh của Thiên Chúa tham dự chức năng ngôn sứ của Ðức Kitô’: nhờ cảm chức siêu nhiên của đức tin của toàn thể Dân Chúa, của giáo dân cũng như của hàng giáo phẩm, khi ‘gắn bó hòan toàn với đức tin đã được truyền lại cho Dân thánh chỉ một lần là đủ’,[65] khi tìm hiểu, đào sâu nội dung đức tin ấy, và khi trở nên chứng nhân của Ðức Kitô giữa đời”.[66]
Thành ngữ nói “tiên tri” thường được hiểu là “tiên đoán” về tương lai. Truyền thống Do Thái-Kitô quan niệm ơn tiên tri hoặc vị tiên tri, cách phức tạp: nhờ được kinh nghiệm về Thần Khí hay là được Thần Khí tác động, họ có thể tuyên sấm nhân danh Thiên Chúa, hoặc thay mặt Người mà điều khiển Dân Chúa trong những lúc khủng hoảng, thường là qua lời nói. Ở đây, chỉ xin bàn đến ý nghĩa của chức năng ấy trong Giáo Hội.
Chức năng sứ ngôn phát sinh từ ơn chung nhận qua phép Rửa, và từ đoàn sủng riêng do Thần Khí phân phát.[67] “Tiên tri” nói chung là một hiện tượng tôn giáo đã từng có trong nhiều xã hội, và đặc biệt là trong truyền thống Do Thái-Kitô giáo.[68]Ðức Giêsu được coi như một vị sứ ngôn (x. Mc 8:28,.v.v…),[69]vì Ngài cư xử như các tiên tri xưa: chuyển đạt cho dân chúng Lời Thiên Chúa và kêu họ trở lại, lên án những bất công và bảo vệ người dân thấp hèn yếu thế, dấn thân phục vụ Thiên Chúa và toàn dân cho đến chết.
Giáo Hội sơ khai đã kế nhiệm Ðức Kitô: ngày lễ ngũ tuần, Thần Khí đã xuống trên toàn thể cộng đoàn (x. Cv 2), và cả nhóm đã làm chứng cho Chúa, tức là “nói tiên tri”. Trong các thế hệ đầu tiên, nhiều cộng đoàn đã có những tiên tri: hoặc một người tiên đoán những khó khăn như Agabo (x. Cv 11:27-28; 21:19-11), hoặc nhiều người cùng làm thủ lãnh (x. Cv 15:22.32), hay là làm giảng viên như Philiphê và bốn con gái của ông (x. Cv 21:8-9); Phaolô cũng được lãnh nhận ơn ấy (x. Cv 13:1; 1Cr 14:18; 2Cr 12:1-4). Trong cộng đoàn, họ là những cố vấn được Thần Khí linh hứng, hoặc là những người, do tác động của Thần Khí, thốt lên những lời đột khởi, nhưng bao giờ cũng là để xây dựng cộng đoàn (x. 1Cr 14:4), và vì thế họ được cộng đoàn thẩm xét, phân định (x. 1Tx 5:20-21, 1Cr 14:29-33). Nhưng chẳng bao lâu sau, những tiên tri này đều biến mất; và trong thế kỷ thứ III, hầu như không còn thấy nhắc đến hiện tượng tiên tri nữa.[70]
Một “dân tiên tri” là một dân được linh hứng, được Thần Khí tác động chi phối. Nếu ngày trước, Israel là một dân tiên tri, vì qua lịch sử và thiên mệnh lạ lùng của mình, họ đã từng đóng vai làm chứng cho Yahweh (họ trung trực hay không, thế gian hiểu hay không, lại là một chuyện khác), thì bây giờ Giáo Hội cũng có thiên mệnh làm tiên tri như vậy. Qua lối sống và nỗ lực kiên trì bảo toàn những giá trị, qua việc phụng tự và dịch vụ Lời Chúa, qua công tác dấn thân phục vụ người nghèo một cách vô vị lợi,.v.v… Dân Thiên Chúa tất sẽ làm cho thế giới suy nghĩ, chất vấn và đặt vấn đề về những giá trị trần tục. Mọi giáo hữu có quyền dùng lời mà loan báo “những kỳ công của Thiên Chúa”, như Origène nói, nghĩa là những biến cố của mầu nhiệm cứu độ.[71]Ðối với tương lai, Dân tiên tri này loan báo lời hứa về “Nước Thiên Chúa” ở mức hoàn thành sung mãn trong thời cánh chung. Hơn nữa, tương lai ấy một phần nào, đã sẵn hiện diện ở trong Giáo Hội ngày nay rồi.[72]
Trong Giáo Hội, “ơn xức dầu” của Thần Khí tỏ lộ qua “cảm thức đức tin” của toàn thể “dân tiên tri” này, là nền móng của ơn bất khả ngộ. Vì đã nhận ơn này, nên dân Chúa được gọi là “cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1Tm 3:15). Từ đó, Dân Chúa có nhiệm vụ làm chứng cho chân lý trước mặt thế gian, qua dịch vụ Lời Chúa.[73]
Thỉnh thoảng, chức năng ngôn sứ cũng hóa thân nơi một vài cá nhân lạ thường hoặc rất thường.[74]Nếu tiên tri có được kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa – kinh nghiệm mà truyền thống gọi gọi là “linh thị, mạc khải, sứ ngôn” – thì chính để xây dựng Giáo Hội. Nhưng khác với các ngôn sứ trong ở Cựu Ước, các tiên tri Kitô không nhận được những mạc khải mới, song được linh hứng để giải thích mạc khải trong một cách thức mới. Họ có giác quan linh nghiệm để nhận ra ý Chúa và giải thích “những dấu chỉ thời đại”. Theo mẫu gương của Jeremiah, các tiên tri trong Giáo Hội thường là người khiết tịnh, trọn vẹn hiến thân phục vụ Thiên Chúa. Công Đồng Vatican II nói rằng, đời sống tu hành “tỏ hiện như là dấu hiệu huy hoàng của Nước Trời”,[75] và vì thế cũng như là một “sự kiện tiên tri” báo trước về “những của cải trên Trời”.[76] Cách khiêm tốn và thông thường hơn, bất cứ tín hữu nào, nhờ ơn tiên tri, cũng đều có quyền và nhiệm vụ chia sẻ Lời Chúa với những người chưa biết Người, hoặc với những người cần được nghe, và kiên trì bảo vệ những giá trị của Tin Mừng ở giữa một xã hội không sống theo đường lối của Thiên Chúa.
XIX. CHỨC NĂNG VUƠNG GIẢ
Chúa Kitô… mọi vật phải suy phục Ngài cho đến khi Ngài cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự (x. 1Cr 15:27-28). Ngài cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ… Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng Nước Ngài, Nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình. Trong Nước này, chính tạo vật cũng được giải thoát khỏi thân phận làm nô lệ sự hư đốn, để được hưởng tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8:21). Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Ngài truyền cho các môn đệ thật lớn lao: “Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em thì thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3:23).[77]
Dựa vào quyền bính toàn năng của Ðức Kitô Vua, phẩm tính vương giả Kitô là nguồn mạch của sự tự do các con cái Thiên Chúa: ở trong thế giới, người Kitô sống như là được hưởng gia nghiệp của anh cả. Vì Ðức Kitô chia sẻ quyền ấy với các môn đồ, nên họ có quyền để tiếp tục công trình xây dựng vương quốc Thiên Chúa giữa lòng lịch sử. Dù vương quốc đã hiện diện cách nhiệm mầu ở trong Giáo Hội, nhưng còn chỉ như là một mầm giống, thế nên dân Thiên Chúa đã được nhận quyền năng cùng nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng cho xong theo hai phương diện: truyền giáo và đổi mới thế gian. Trong Giáo Hội, chức năng vương giả là nguồn của các chức vụ cai trị; các Kitô hữu có thể có vai trò trong việc cai quản cộng đoàn. Sở dĩ dân Kitô đòi cho được quyền rao giảng Tin Mừng ở khắp nơi, thì không phải vì dựa trên một thứ nhân quyền do một tổ chức quốc tế nào đó công bố và nhìn nhận, song là vì Ðức Kitô đã chia sẻ vương quyền của Ngài cho họ (x. Mt 28:19-20). Mà vương quyền này còn cho phép đòi hỏi “toàn địa cầu phải quy phục để gia đình loài người có được một cuộc sống đầy tình người hơn”.[78] Vì thế người Kitô có thể dựa vào phẩm chất vương giả này mà dấn thân vào việc nghiên cứu khoa học, phát triển các tài nguyên, xây dựng một xã hội phong phú hơn,.v.v… vì tin chắc rằng “với những dịch vụ ấy, họ chuẩn bị chất liệu cho Nước Trời”.[79] Khi người Kitô làm việc cho xã hội thấm nhuần những giá trị của Tin Mừng, là họ hợp tác với vương quyền của Ðức Kitô để Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự.
X. DÂN THIÊN CHÚA: GIÁO HỘI VÀ ISRAEL
Trong lịch sử, tương quan giữa Giáo Hội và dân Do Thái đã trải qua giai đoạn khá sóng gió và xáo trộn. Cuối thế kỷ thứ nhất, những người Do Thái theo Ðức Kitô đều bị “tuyệt thông” khỏi cộng đồng Israel. Trong Tân Ước và qua tác phẩm của các Giáo phụ, cũng đọc thấy được một cuộc tranh luận và bút chiến xảy ra giữa hai bên. Suốt nhiều thế kỷ, thiểu số người Do Thái sống rải rắc giữa đa số tín hữu Kitô giáo cũng đã bị kỳ thị và lắm khi còn bị bách hại nữa; cho tới gần đây, thần học Kitô nói chung, vẫn còn coi dân Do Thái như là đã bị Thiên Chúa truất quyền thừa kế.[80]
Các tông đồ và Giáo Hội sơ khai đều hoàn toàn là người Do Thái. Lúc đầu họ sống như các người Do Thái sùng đạo: đi đến Ðền thờ Jerusalem và giữ Luật Moses. Nhưng khi thấy Israel, nói chung, từ chối không chịu nhận Ðức Kitô, họ bắt đầu sống riêng ra và, rốt cuộc, đã tách biệt. Người Kitô lấy những bản văn Kinh Thánh viết về “dân đặc chọn” và ứng dụng vào Giáo Hội, như: 2Cr 6:16-18; Dt 8:7-13; hoặc 1Pr 2:9-10. Trong Tân Ước, còn đọc thấy những đoạn chẳng hạn như: Lc 22:20; 1Cr 11:25; 2Cr 3:6; Dt 8:13 hay 9:15; 12:24; gợi ý đưa đến kết luận cho là Cựu Ước đã lỗi thời, và đã ra vô hiệu (x. Dt 8:13). Việc này làm lòng Phaolô quặn đau như cắt: ngài không hiểu hết nổi (x. Rm 9-11). Phaolô tưởng rằng “Israel theo xác thịt” (1Cr 10:18) thì khác với “Israel của Thiên Chúa” (Gl 6:16) là Giáo Hội, vì những con cái đích thực của Abraham chính là người Kitô (x. Gl 3:28-29).
Dẫu vậy, thánh Phaolô vẫn xác tín là Thiên Chúa không ruồng bỏ Israel (x. Rm 11:1): trước hết là vì có một phần nhỏ trung thành (những người tin nhận Ðức Kitô), và thứ đến là vì Thiên Chúa trung thành hằng giữ ý định cứu độ họ (x. Rm 11:11-12).[81]
Công Đồng Vatican II gọi Giáo Hội là “Dân mới của Thiên Chúa”, là thành quả của giao ước mới,[82] và phân biệt giữa “Israel theo xác thịt” và “Israel mới”;[83] tuy nhiên, Công Đồng công nhận “Dân của Tân Ước có những dây liên kết linh thiêng với dòng tộc Abraham”.[84] Công Đồng cũng “rất lấy làm đau lòng trước những thái độ ghen ghét, những vụ đàn áp và hết mọi dạng chủ nghĩa bài Do Thái…”.[85] “Dù Giáo Hội là Dân mới của Chúa, thì cũng không phải vì thế mà được coi người Do Thái như là bị Thiên Chúa ruồng bỏ và nguyền rủa, làm như thể đó là kết luận rút tỉa ra được từ Kinh Thánh. Vì thế, mọi người phải lo làm sao để khi trình bày giáo lý và khi rao giảng Lời Chúa, thì tránh cho khỏi truyền thụ bất cứ điều gì không thích hợp với chân lý Tin Mừng và tinh thần Chúa Kitô”.[86] Văn kiện này đã làm cho thay đổi hẳn, theo chiều hướng tốt, những quan hệ giữa Giáo Hội và Do Thái giáo, và từ đó, cuộc đối thoại giữa hai bên đã khởi sự.[87]
Thần học hiện đại có khuynh hướng coi Giáo Hội và Israel như một Dân Thiên Chúa duy nhất, dù ly khai và sống trong hai giai đoạn – kế tiếp mà khác nhau – của lịch sử cứu độ; cả hai là con cái Abraham, nhưng theo những cách thức khác nhau.[88]Trong dịp ngỏ lời với người Do Thái tại hội đường Roma, năm 1986, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng: Giáo Hội có quan hệ “nội tại” với Do Thái giáo, “Người Do Thái là anh em chúng tôi và tôi có thể nói, một cách nào đó, là đàn anh của chúng tôi”.[89]Kinh Thánh của họ là Cựu Ước của chúng ta. Từ dân Do Thái phát sinh các tổ phụ, các tiên tri, các tông đồ, Ðức Maria và Ðức Giêsu! Dân Kitô mọc lên tựa như gốc được tháp ghép vào thân cây “chính” là Israel (x. Rm 11:17). Giáo Hội và người Do Thái phải song hành trên đường lịch sử như những người anh em hăm hở hướng về cùng một tiêu đích là “Jerusalem trên Trời” và cùng hy vọng một ngày kia tất cả “sẽ chen vai thích cánh mà phụng thờ Thiên Chúa”.[90]
[1]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9a; Xem: Grillmeier, A., “People of God” trong Commentary on the Documents of Vatican II, vol. I, Chương II, Burns and Oates/Herder and Herder 1966, tr. 153-185.
[2]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9c.
[3]Xem: Bertram, G. và Schmidt, K.L., éthnos, ethnikós và ekklesia trong Theol. Diction. of the New Tesament; Strathmann, H., laós, ibid,; Martin-Achard, R., Israesl et les nations. La perspective missionnaire de l’A.T., Neuchatel, 1954; Toma C., Teologia cristiana dell’ebraismo, Torino, Marietti 1983.
[4]Trilling, W., Das wahre Israel, Muenchen 1964; Antón, A., La Iglesia de Cristo, Madrid 1977, pp. 316-341; 529-553; Sales, M., Le Corps de l’Église, Paris: Fayard 1989; Preuss, Hans D., Old Testament Theology, vol. I, Louisville: Westminster, J.K. Press 1995.
[5]Congar, Y., “L’Eglise Peuple de Dieu” trong Concilium 1965, số 1; Idem., Le concile de Vatican II: Son Église, Peuple de Dieu et Corps de Christ, Paris 1984.
[6]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 44.
[7] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 782.
[8]Xem: Vidal, M., L’Église, Peuple de Dieu dans l’histoire des hommes, Paris: Centurion 1975.
[9]Xem: Semeraro, M., Con la Chiesa nel mondo. Il laico nella storia, nella teologia, nel magistero, Roma 1991.
[10]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9.
[11]Ibid., số 8c.
[12]Ibid., số 9a.
[13]Xem: Parent, R., Une Église de baptisés, pour surmonter l’opposition clercs-làcs, Paris: Cerf 1987.
[14]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 32b.
[15]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 39-40.
[16]Sermo 340.1; Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latinh), 38. pp. 1483; Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 32 cuối.
[17] Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latinh), 54. pp. 192.
[18]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 18a.
[19]Xem: Barret, C.K., Freedom and Obligation. A Study of the Epistle to the Galatians, London: SPCK, 1985; Dunn, J.D.G., Christian Liberty. A New Testament Perspective, Grand Rapids: W.B.Eerdman’s Publ., 1993.
[20]Erdo, P., “Law and the theological reality of the Church”, The Jurist 56 (1996), pp. 128-160.
[21]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 22.
[22]Xem: “La figure grégorienne de l’Église” trong Lafont, G., Imaginer l’Église Catholique, Paris: Cerf 1995, Ch. II.
[23]Xem: Tác phẩm tập thể La libertà oggi, Milano 1986.
[24]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9b.
[25]x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 8b.
[26]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9a.
[27]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 7g; Ðức Giáo Hoàng Léon XIII đề cập đến ý này trong Thông điệp Divinum illud (năm 1897, DS 3328) trích thánh Augustinusoxe (PL 38.1231D) mà Hiến chế Lumen Gentium nhắc lại.
[28]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9b.
[29]Congar, Y.,Le peuple Messianique, Paris 1975.
[30]Về “Messianism” xin xem : Massaux E., (ed.), La venue du Messie. Messianisme et eschatologie, Paris (Rech.Bibl. 6) 1962; Coppens, J., Le Messianisme royal (Lectio divina 54), Paris 1968; idem., Le Messianisme et la rélève prophétique, Paris: Duculot-Grembloux, 1974.
[31]Rizzi, A., Messianismo nella vita quotidiana, Torino: Marietti 1981, pp. 57.
[32]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9b.
[33]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 8a.
[34]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 6c.
[35]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 1; GS 45a)
[36]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2a.
[37]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 32c.
[38]Ibid., số 48c.
[39]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 2.
[40]x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 39.
[41]Ibid., số 37b.
[42]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 14a; 48c; Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 6a; Hiến chế Dei Verbum, số 7c; Hiến chế Gaudium et Spes, số 39.
[43]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 10; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 784.
[44]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 10b; Michalski, M., The relationship between the universal priesthood of the baptized and the ministerial priesthood of the ordained in Vatican II and subsequent theology…, N.Y.: Lewiston 1996.
[45] Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 1767.
[46]Catechismus concilii Tridentini II, ch 7, n. 284.
[47]Xem: Baehr, J., “Priest, High Priest” trong C. Brown (ed.), New Testament Theology, III, Grand Rapids: Zondervan Pub. 1971.
[48]Bằng tiếng Latinh, Pontifex = “Thượng tế” là một từ có nghĩa là “người xây cầu” (làm trung gian).
[49]Thử xem một quan điểm Tin Lành: Torrance, Th.F., Le sacerdoce royal, Delachaux et Niestlé 1958; và một quan điểm Công Giáo: Collins, John N., Diakonía: Reinterpreting the Ancient Sources, New York 1990; idem., Are All Christians Ministers?, Sydney 1992.
[50]Xem: Parenteau, A., La vie religieuse chrétienne, t. I: Le sacerdoce fondamental des baptisés, Montréal 1982; Eastwood, The Priesthood of All Believers, 1989; Adinolfi, M., Il sacerdozio commune dei fedeli, ed. Antonianum, Roma 1983; Drilling, Peter J., “Common and Ministerial Priesthood in Lumen Gentium article 10”, Irish Theol. Quart., 53 (1987), pp. 81-99; Tillard, J.-M.., “Sacerdoce” trong Dictionnaire de Spiritualité, Fasc. 91, 1988, pp. 1-37; Letour-neax, D., “Le sacerdoce commun et son incidence sur les obligations et les droits des fidèles en général et des laucs en particulier”, Revue de Droit Canonique 34 (1989), pp. 155-194.
[51]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 10.
[52]Xin xem: Schmaus, M., Katholische Dogmatik, III, B. số 238 (Munchen 1957).
[53]Homiliae in Leviticum 9.9; PG 12, pp. 521-522.
[54]Quaest. in evangel. 2.40, PL 35, pp. 1355.
[55] Mystici Corporis: AAS 39 (1943), pp. 554.
[56]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 34.
[57]Ibid., số 11b.
[58]Ibid., số 11a.
[59]Apologia I, 65-67, PG 6, pp. 745-746.
[60]Adversus haereses 4.17.5.
[61]Moralia 25.15, PL 76.328; Dialogi 4.58 và 59, PL 77. 425tt.
[62] Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 1747.
[63]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 10b.
[64]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 5a.
[65]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 12.
[66]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 785.
[67]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 12b.
[68]Xin xem: Aune, David E., Prophecy in Early Christianity and the Ancient Mediterranean World, Grand Rapids 1983; Belnkinsopp, J., History of Prophecy in Israesl, Philadelphia-London 1984; Asurmendi, J., Le prophétisme des origines à l’époque moderne, Paris 1985.
[69]Xem: Cousin, J., Le prophète assassiné, Paris 1976; Grelot, P., L’espérance juive à l’heure de Jésus, Paris 1978.
[70]Xem: Ash, J.L., “The Decline of Ecstatic Prophecy in the Early Church”, Theol. Studies 37 (1976), pp. 227-252.
[71]Xem: Origène, Homiliae in Leviticum 9.9: Migne, Patrologia Graeca (Bộ Giáo phụ Hy Lạp), 12, pp. 522.
[72]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 48.
[73]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 44b.
[74]Reeves, M., The Influence of Prophecy in the Later Middle Ages, Univ. of Notre-Dame Press 1993; Panagopoulos J., (ed.), Prophetic Vocation in the New Testament and Today, Leiden 1977; Bandera, A., “La Iglesia lugar del profetismo”, Ciencia Tomista 106 (1979), pp. 3-40.
[75]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 1a.
[76]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 44c.
[77]Ibid., số 36.
[78]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 38.
[79]Ibid., số 38.
[80]Xin xem: Kagedan I.J., “Judaism” trong Latourelle R., và Fisichella R., (eds), Dictionary of Fundamental Theology, New York, Crossroad 1994, pp. 533-560; Wilson, Steph.G., Related Strangers: Jews and Christians 70-170 CE, Minneapolis: Fortress Pr. 1995.
[81]Xem: Von Balthasar, H.U., Church and World, Herder & Herder 1976, Ch. 4: “The Church and Israesl”; Harrington, D., Paul on the mystery of Israesl, Collegeville, MN: the Liturgical press 1992.
[82]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9a; x. số 13a; 26a; Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 4f.
[83] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9c.
[84] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 4a.
[85]Ibid., số 4g.
[86]Ibid., số 4f.
[87]Xem: “Catholiques et Juifs: Un nouveau regard. Notes de la Commission du Saint Siège pour les relations avec le judaðsme”, La Docum.Cathol. 82 (1985), pp. 733-738; Fisher E.J., and Klenick L., (eds), In Our Time: The Flowering of Jewish-Catholic Dialogue, Paulist Press, 1990.
[88]Xem: Mussner Fr., Traité sur les Juifs, Paris: Cerf 1981; Routhier G., “… et ainsi tout Israesl sera sauvé”, Romains 11:25-32, Paris: Cerf 1984; Sales M., Le Corps de l’Église, Paris: Fayard 1989.
[89]La Docum. Cathol.83 (1986), pp. 437.
[90]Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 4d.