GIÁO HỘI HỌC – ECCLESIOLOGY
(THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI)
Linh mục F. Gómez Ngô Minh, S.J.
***
***
***
PHẦN I: NGUỒN GỐC GIÁO HỘI
CHƯƠNG I: GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA (Ep. 1, 3-14)
CHƯƠNG II: CHIỀU KÍCH BA NGÔI CỦA GIÁO HỘI
CHƯƠNG III: CHUẨN BỊ GIÁO HỘI TRONG CỰU ƯỚC
CHƯƠNG IV: ĐỨC GIÊSU VÀ TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP GIÁO HỘI
***
PHẦN II: BẢN TÍNH CỦA GIÁO HỘI
CHƯƠNG VI: GIÁO HỘI LÀ DÂN THIÊN CHÚA
CHƯƠNG VII: GIÁO HỘI LÀ NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ
***
CHƯƠNG VIII
GIÁO HỘI LÀ MỘT BÍ TÍCH
Giáo Hội ở trong Ðức Kitô như là bí tích hoặc dấu chỉ và là khí cụ của dây kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và giữa toàn thể nhân loại”.[1]
Nhận thức và giới thiệu Giáo Hội là một bí tích quả là một điểm khám phá tốt đẹp và hữu ích của Công Đồng Vatican II, giúp mô tả rõ mối tương quan giữa Giáo Hội và Ðức Kitô. Tương tự như Ðức Kitô là bí tích của Chúa Cha (Ngài là hình ảnh “hữu hình” của Thiên Chúa “vô hình”: Cl 1: 15), thì cũng vậy, Giáo Hội là thực tại hữu hình làm biểu tượng cho Ðức Kitô, là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Ngài, và là dụng cụ Ngài dùng để thực hiện công trình cứu độ suốt giữa dòng lịch sử loài người.
Hiến chế Lumen Gentium áp dụng khái niệm “bí tích” cho Giáo Hội theo nghĩa loại suy, chứ không theo đơn nghĩa như khi nói về “bảy bí tích”. Thời trước Công Đồng Vatican II, nhiều tác giả cũng đã từng dùng đến khái niệm này. Ðó chỉ là hình thức phản ánh một quan niệm cổ truyền về nhiệm vụ làm trung gian được trao phó cho Giáo Hội ở trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Hiến chế về Phụng vụ khẳng quyết: “Từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo Hội”.[2] Danh xưng này được Hiến chế Lumen Gentium dùng như một cách định nghĩa Giáo Hội. Hiến chế ghi rõ: “Khi bị treo lên khỏi đất, Chúa Kitô đã kéo mọi người đến với mình. Khi từ kẻ chết sống lại, Ngài đã phái gửi Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ, và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Ngài là Giáo Hội, như là bí tích cứu độ phổ quát”.[3] “Bí tích phổ quát” này cũng được gọi là “bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ cho toàn thể và cho mỗi người”.[4] Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội được “chính thức” định nghĩa như một bí tích. Vậy, sự kiện này muốn nói gì?
I. “BÍ TÍCH GIÁO HỘI”
“Bí tích” là gì? Thần học định nghĩa: “bí tích” là “dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng”, hoặc theo Vatican II là “dấu chỉ và dụng cụ của việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa”.[5] Còn theo thánh Thomas Aquinas thì “bí tích” là “những gì có quan hệ với sự thánh thiện, trong tư cách là nguyên nhân, là dấu chỉ, hoặc là trong một dạng quan hệ nào khác”.[6]Với những loại phạm trù hiện sinh hơn, bí tích được quan niệm như là biểu tượng Thiên Chúa dùng để mời gọi con người đón nhận ân sủng mà bí tích chứa đựng. Biểu tượng này linh nghiệm vì Thiên Chúa trung thành: Người đặt Giáo Hội làm khí cụ cứu độ; thế nên, hễ ai gia nhập Giáo Hội là được đón nhận vào trong lãnh vực cứu độ, và chính Thiên Chúa đích thân đảm bảo cho người ấy nhận được ơn cúu độ, nếu biết trung thành, không từ chối, không phản bội.
Công Đồng Vatican II cố ý dùng giới từ “như” (“như” một bí tích) để nói lên chủ ý muốn áp dụng ý niệm “bí tích” cho Giáo Hội một cách loại suy, tức là theo cách khác so với “bảy bí tích” theo nghĩa quen thuộc; thế nên, không có chuyện có tám bí tích! Thần học hằng quan niệm Ðức Kitô là “bí tích cơ bản”, vì Ngài là hiện thân của Thiên Chúa vô hình, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người, là trung gian (vừa dụng cụ vừa chủ thể) của ơn cứu độ; hơn nữa, chính bản thân Ngài là ân sủng tối thượng Thiên Chúa ban cho loài người. Ðức Giêsu (con người) là trung gian làm cho chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa và nhận được mợi ơn Người ban. Công Đồng Trento dạy rằng: Các bí tích “chứa đựng ân sủng mà chúng biểu thị”;[7] có thế mới thấy rõ Ðức Kitô thật là “bí tích cơ bản”. Mà Giáo Hội là thân thể Ðức Kitô, cho nên trong Ngài và nhờ kết hợp với Ngài là Ðầu, Giáo Hội thông dự vào nhiệm vụ hay sứ mạng bí tích của Ngài.“Bí tích tính” không nói lên bản chất, song là chức năng của Giáo Hội. Không giống những dân tộc khác (như dân Việt Nam, dân Do Thái,v.v…), Giáo Hội có một chức năng biểu tượng; không giống những xã hội khác (các quốc gia, chẳng hạn), Giáo Hội không có, không mang trong mình mục đích của riêng mình: đó là “đặc tính cá biệt” của Giáo Hội.
Bí tích tính này được thông chuyển trước hết cho bảy bí tích, rồi cho Lời Chúa trong phụng vụ, cho các á bí tích, và cả cho các cơ chế của Giáo Hội nữa, dù theo những mức độ rất khác nhau.
II. NHIỆM CỤC BÍ TÍCH
Muốn hiểu rõ hơn bí tích tính của Giáo Hội, thì cần phải biết đặt Giáo Hội vào trong toàn cục kế hoạch cứu độ. Xưa nay, Thiên Chúa thường dùng những dấu hiệu để giao tiếp với con người. Tại sao lại thế? Vì Người muốn vậy, nhưng cũng còn vì bản chất của sự việc: Thiên Chúa tuyệt đối vô hình; chỉ nhờ Con của Người nhập thể, con người mới được biết Người: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một… đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Cụ thể hơn: ai thấy Ðức Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14:9): đó chính là trường hợp điển hình của bí tích chuẩn tắc. Bản tính con người bao giờ cũng cần đến những hệ thống biểu tượng để mà sinh hoạt và phát triển.[8]
Quả vậy, kế hoạch cứu độ được tóm gọn vào trong mầu nhiệm nhập thể: Thiên Chúa trở nên xác phàm, Ngài là con đường cứu độ. Ðức Kitô không chỉ là kho tàng tích chứa mọi ân sủng, không chỉ là trung gian duy nhất đưa dẫn lên với Thiên Chúa, mà còn là “mẫu mực” của những “đường lối” của Thiên Chúa nữa. Nơi Ðức Kitô, vật chất trở nên dụng cụ cứu độ; nơi Ðức Kitô, những cử chỉ và hoạt động của con người trở nên những cử chỉ và hoạt động của Thiên Chúa cứu độ; nơi Ðức Kitô, thần tính cứu rỗi chúng ta qua nhân tính. Các Giáo phụ đã cương quyết bảo vệ “nhiệm cục bí tích” khi kết án các lạc giáo khinh miệt vật chất, như là ảo thân thuyết, ngộ giáo, thuyết tân Platon, hay là thuyết nhị nguyên,v.v… tất cả đều phủ nhận các bí tích.[9]Những phong trào có khuynh hướng duy linh, như thanh giáo (Cathari, Albigeois,…), hoặc chủ trương từ chối những mối trung gian (Tin Lành, nhiều tôn phái mới,.v.v…) đều phản đối hệ thống bí tích.
Dẫu rằng, tuyệt đối mà nói: “chế độ bí tích” không nhất thiết là cần cho bản tính loài người; nhưng nếu dựa theo con người cụ thể – với bản chất vật thể và xã hội – mà nói, thì quả phải nhận là chế độ bí tích rất thích hợp với bản chất loài người. Thần học cổ điển thường nghĩ là: “Nếu Adam không phạm tội” thì bí tích cũng sẽ không có.[10] Trái lại, Francisco Suárez chủ trương rằng dù không có tội, con người cũng vẫn cần đến các bí tích để giao tiếp và trao đổi với Thiên Chúa. Vì tự nhiên, con người cần dùng đến những dấu chỉ để diễn tả lòng tôn kính và niềm tin của mình đối với Ðấng Tối Cao vô hình, cũng như để biểu hiện mối hiệp nhất tôn giáo giữa xã hội,.v.v…[11]
Thật ra, trong chương trình của Thiên Chúa, công cuộc tạo dựng và cứu chuộc chỉ là hai mặt của cùng một thực tại. Tự nhiên và siêu nhiên, bản chất con người và ân sủng Thiên Chúa, không chống đối nhau, song chặt chẽ ăn khớp với nhau. Tạïo vật là sứ giả đầu tiên Thiên Chúa phái gửi đến với con người để tường thuật vinh quang của Người (x. Tv 19:1). Qua các tạo vật, Thiên Chúa mạc khải chính mình cho con người, và qua đó chuyển ban đến lương dân ơn cứu độ của Người (x. Kn 13:1-9; Rm 1:20). Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa dùng các biến cố làm trung gian mạc khải, hệt như khi Người dùng các cơ chế hoặc các tiên tri. Thường thường Thiên Chúa giao tiếp với dân Người qua biến cố và lời nói như là hai phương cách bổ túc cho nhau.[12] Thiên Chúa vô tận, bất khả tri đối với trí lực hữu hạn loài người, vì thế chính Người đã tự đặt mình trong tầm tay nhận thức của con người qua những hình ảnh, dấu chỉ, biểu tượng.
Nhân chủng học hiện đại đã nêu bật cho thấy rằng: Tự bản chất, con người là một biểu tượng.[13] Trong thực tế, chỉ khi “ý nghĩa” của một cá nhân con người được người khác nhận là “có nhân tính”, thì người ấy mới trở nên “một kẻ nào đó”. Nhưng bất cứ “ý nghĩa” nào cũng đều phải được hiểu qua dấu chỉ. Không có dấu chỉ và biểu tượng, con người không thể sống được. Ngôn ngữ chẳng hạn là một hệ thống biểu tượng. Vì thế, đứng tách ra khỏi xã hội – là một mạng dệt từ những biểu tượng – một cá nhân không thể thành tựu chính mình được. Hơn nữa, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Nguời; bởi thế, con người biểu thị những thực tại vượt hẳn lên trên chính mình, và hướng về với một đích điểm nằm ở “phía bên kia” cá nhân mình: con người là “bí tích” của Thiên Chúa. Vì vậy, con người có thể nhận ra Thiên Chúa khi tiến sâu vào trong thâm tâm của mình, hoặc là khi nhìn vào dung mạo người khác. Và vì con người mang đậm tính chất tôn giáo, cho nên cái mạng biểu tượng kia càng giúp cho con người có được những điều kiện thuận lợi để phát huy đặc tính ấy. Bởi tôn giáo biểu hiện qua một hệ thống biểu tượng, nghĩa là một hệ thống những nghi thức, những cuộc lễ, những nơi thánh,.v.v…; nói cách khác: qua một hệ thống bí tích.
Ðã dựng nên chúng ta làm con người, Thiên Chúa cũng muốn cứu rỗi chúng ta theo kiểu cách phù hợp bản tính con người: vì con người là xác thể, nên Thiên Chúa đã dùng vật chất làm khí cụ cứu độ. Vì mang xã hội tính, nên con người được cứu rỗi trong một xã hội và qua một xã hội, tức là Giáo Hội. Vì mang chiều kích thời gian, nên con người được Thiên Chúa tự mạc khải cho biết qua lịch sử và một cách lịch sử. Vũ trụ vận hành theo đà tiến hóa, nghĩa là Thiên Chúa đã đặt sẵn ở trong vật chất một tiềm năng có sức nảy nở để phát sinh muôn loài muôn vật và hết mọi sinh linh; thì kế hoạch cứu độ cũng thế: tiềm năng tôn giáo của tạo vật sẽ phát triển để tạo thành muôn vàn dạng loại nghi thức, biểu tượng, tôn giáo,… Mặt khác, trong vũ trụ mỗi sự vật đều phát sinh từ sự vật khác, thì trong “vũ trụ cứu độ” cũng vậy và đó là hệ thống trung gian: Thiên Chúa cứu vớt qua trung gian của người khác: qua Abraham, Người cứu ông Lót khỏi thành Sodom (x. St 18:22); qua Moses, Giavê ban giao ước,.v.v…; hoặc qua trung gian của một cơ chế như: hàng tư tế, Ðền thờ, Lề luật,.v.v…
Nhưng vì con người được quyền tụ do, nên cơ chế cúu độ cũng phải hòa nhịp với khả năng tự trị này: vì thế, các bí tích không tác dụng một cách tự động, mà phải tùy vào ý hướng của thừa tác viên và tình trạng tâm hồn của người lãnh nhận.
III. ÐỨC KITÔ: BÍ TÍCH CỘI NGUỒN
Ðức Kitô là hiện thân sống động của Thiên Chúa nhân hậu (x. Tt 3:4): “Quả là lớn lao thật, Mầu nhiệm của chân đạo! (pietatis sacramentum) đã hiển hiện trong xác thịt” (1Tm 3:16). Con người Giêsu chứa đựng ân sủng tạo hóa (là chính Thiên Chúa) và ân sủng thụ tạo cao cả (là thực tại Ngôi hiệp), mà thần học gọi là “ân sủng thủ lãnh” (gratia capitalis), vì là ân sủng của Ðầu, tức là nguồn ân sủng cho toàn thân. Ðức Kitô không chỉ là dấu hiệu làm cho chúng ta biết Chúa Cha, mà là dấu hiệu “hiện thể hóa” Chúa Cha cho chúng ta; vì thế, ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha: Ðức Giêsu là bí tích của Chúa Cha. Ðàng khác, Ngài là hiện thân của mầu nhiệm cứu độ; vì thế, ai gặp Ngài, tiếp xúc và chạm vào Ngài, là được nối liền với nguồn mạch ơn cứu độ, là được lành mạnh (x. Mt 9:20-22).
Con người Giêsu là công cụ của Thiên Chúa dùng để cứu độ thế gian: công cụ hoàn hảo, vừa hoàn toàn tự do, vừa hoàn toàn quy phục thánh ý Chúa Cha. Ðức Giêsu là Ngôi Lời: như nhân vị của chúng ta chỉ hoạt động qua thể xác sống động, thì ngôi vị Ðức Kitô cũng hành động như vậy: Ngài chữa lành người phong cùi (x. Mt 8:3tt) hoặc tha thứ tội lỗi (x. Mt 9:2); Ngài muốn chia sẻ vinh quang với các bạn hữu mình (x. Ga 17:24) và mang ơn cứu độ đến cho các đồng bào từ chối đón nhận Ngài (x. Mt 23:37); và bây giờ Ngài đang không ngừng kết hiệp những gì đã bị phân tán (x. Ga 11:52; 12:32), cùng làm dụng cụ để Thiên Chúa hòa giải thế gian với chính mình (x. 2Cr 5:19). Thân xác của Ngài là nguồn trường sinh (x. Ga 6:53tt), và ngoài Ngài ra thì chẳng có được ơn cứu độ (x. Cv 4:12). “Ðức Kitô là bí tích vì Ngài phối kết một ân sủng vô hình tổng quát với một hình thể khả giác có khả năng biểu thị và ban chuyển ân sủng ấy. Là bí tích cứu độ, vì Ngài mang trong Ngài sự hòa giải qua máu Ngài, giao ước mới và chung quyết, ơn làm con Thiên Chúa trong ân sủng, niềm hy vọng được vinh hiển, bảo chứng quyền thừa kế của con cái Thiên Chúa, mối hiệp thông mật thiết với Người, và dây hiệp nhất mọi con cái Thiên Chúa thành một dân tộc, một thân thể”.[14] Giáo lý dạy rằng: “Như vậy nhân tính của Ngài được coi như ‘bí tích,’ nghĩa là dấu hiệu và dụng cụ của thần tính Ngài và của ơn cứu độ mà Ngài mang đến cho ta: những gì hữu hình trong cuộc sống trần thế của Ngài, dẫn đưa chúng ta tới mầu nhiệm vô hình về thân thế làm Con Thiên Chúa của Ngài và về sứ mạng cứu độ của Ngài”.[15] Vậy, Ðức Kitô là bí tích căn nguyên của mọi bí tích.IV. GIÁO HỘI LÀ MỘT BÍ TÍCH TRONG ÐỨC KITÔ
Như đã thấy, Vatican II gọi Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ”. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nhận định thêm rằng: Giáo Hội là “bí tích biểu hiện sứ mạng của Ðức Kitô và của Thánh Thần”,[16] và là “bí tích, nghĩa là dấu hiệu và là dụng cụ, của chính sự sống Thiên Chúa”.[17] Sở dĩ Giáo Hội là bí tích thì chính là vì Giáo Hội ở trong Ðức Kitô và tùy thuộc vào Ngài. Giáo Hội là bộ mặt xã hội của Ðức Kitô, nêu bật sự hiện diện cứu độ của Ngài ở trong thế giới: như đầu hoạt động qua thân thể, thì cũng vậy, Ðức Kitô hoạt động qua Giáo Hội.
Về một số khía cạnh, Giáo Hội giống như mầu nhiệm Nhập thể.[18] Trong Thông điệp Satis cognitum (1896), Ðức Giáo Hoàng Leo XIII viết rằng: “Như Ðức Kitô, là Ðầu và là Mẫu mực của Giáo Hội, sẽ không phải là toàn vẹn nếu chỉ được nhận biết đơn thuần qua nhân tính hữu hình của Ngài… hoặc qua thần tính vô hình của Ngài mà thôi,… vì Ngài là một trong và từ hai bản tính, hữu hình cũng như vô hình; thì cũng thế, Nhiệm thể của Ngài sẽ không phải là Giáo Hội thật nếu không có sự việc các yếu tố hữu hình kín múc sức sống và năng lực từ những ân huệ siêu nhiên vô hình”.[19] Mặt vô hình của Giáo Hội hệ tại ở sự hiện diện của Ðức Kitô và Thần Khí, như Ðức Giáo Hoàng Piô XII viết: “Ðức Kitô hoạt động trong Giáo Hội mật thiết đến độ có thể coi Giáo Hội như là một ‘ngôi vị khác’ của Ngài”;[20] và trích dẫn thánh Augustinus, Ðức Giáo Hoàng Piô XII viết tiếp: trong Giáo Hội “Ðức Kitô rao giảng Ðức Kitô”.[21] Thánh Thomas Aquinas viết: “Ðầu và các chi thể là như một ngôi vị huyền nhiệm”.[22] Vì Thần Khí hiện diện như vậy nên Công Đồng Vatican II đã dựa theo một thứ loại suy để so sánh Giáo Hội với mầu nhiệm Nhập thể.[23] Nhưng chức năng của Thần Khí trong Giáo Hội thì khác hẳn với chức năng của Ngôi Lời trong Ðức Kitô!
Trái với thần học Kinh Viện, thần học tân đại bàn luận rất nhiều về chủ đề này. Thế kỷ XIX, M. J. Scheeben đã nêu lên tính chất bí tích của Giáo Hội; nhưng có lẽ người gây được ảnh hưởng lớn nhất trong vấn đề này và có sức thu hút nhiều thần học gia lưng danh thuận theo quan điểm của mình,[24] là Otto Semmelroth.[25] Lợi điểm của ý niệm “bí tích” là ở chỗ có khả năng nêu bật thế quân bình giữa hai loại yếu tố cấu thành trong bản chất thần-nhân của Giáo Hội, tức là vừa hữu hình vừa vô hình, vừa nhân loại vừa thần thiêng, vừa xã hội vừa mầu nhiệm, vừa thể chế vừa đoàn sủng,.v.v…
Lý do cuối cùng giải thích tại sao Giáo Hội lại mang tính chất bí tích, thì cũng hệt giống như lý do giải thích tại sao có cuộc Nhập thể: là để con người nhận được ơn cứu rỗi qua con người. Muốn chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, Ðức Kitô phục sinh cần dùng đến một công cụ có tính chất lịch sử và xã hội, hiện diện ở khắp nơi và trong mọi lúc: đó là Giáo Hội.
V. DẤU CHỈ VÀ ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH
1. Dấu hiệu Ánh Sáng đã mọc lên giữa các dân tộc
Dựa theo Isaia 11:12, Công Đồng Vatican I gọi Giáo Hội là “dấu hiệu đã mọc lên giữa các dân tộc”,[26] và Công Đồng Vatican II nói rằng: ánh sáng của Ðức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt của Giáo Hội.[27] Và nếu Giáo Hội là thành xây trên núi (x. Mt 5:15), thì muôn dân có thể thấy rõ được “dấu chỉ” ấy. Dấu chỉ bí tích được cấu tạo do những yếu tố hữu hình của Giáo Hội. Nếu không có nước thì cũng chẳng có được Phép rửa; nếu không có bánh thì cũng chẳng có được Thánh Thể; vậy, nếu Giáo Hội không có những chất thể thích dụng thì cũng chẳng có được bí tích. Hiến chế Lumen gentium nói rõ là hình thể ấy, dấu chỉ ấy, là cơ cấu xã hội của Hội Thánh.[28] Kinh Tin kính nêu lên bốn đặc tính hữu hình của Giáo Hội: duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, nghĩa là những gì con người có thể cảm thấy, nhận rõ được. Nếu Giáo Hội chia rẽ, thì dấu chỉ sẽ bị phai mờ vỡ gẫy. Có thể áp dụng lời Ðức Giêsu nói qua Ga 17:21 cho hiệu năng cứu độ của bí tích tính Giáo Hội. “Hiệp nhất”trên mọi bình diện (nhóm tông đồ, xứ đạo, địa phận, Giáo Hội toàn cầu) tạo nên dấu chỉ và ảnh hưởng sâu mạnh đến hiệu năng của bí tích tính ấy: Vatican II trích dẫn lời thánh Thomas Aquinas nói rằng: “Nếu thiếu hiệp nhất, thì không thể có ơn cứu rỗi”.[29] Sự thánh thiện hữu hình có lẽ là yếu tố chủ yếu cấu tạo nên dấu chỉ: cộng đồng Kitô có yêu thương lẫn nhau, có sống tinh thần chia sẻ và dấn thân vô vị lợi, có biết cầu nguyện cùng làm chứng cho Thiên Chúa và cho niềm hy vọng siêu nhiên,.v.v… trước mắt mọi người, thì Giáo Hội mới có đủ điều kiện để thi hành chức năng làm dụng cụ cứu độ hữu hiệu giữa cuộc sống cụ thể của xã hội loài người. Ðặc tính “Công Giáo” đóng một vai trò trọng yếu trong việc xây dựng dấu chỉ theo hai mặt: một mặt, tùy thời đại và hoàn cảnh, phổ quát tính với chiều kích toàn cầu, mang một sức hấp thu mạnh mẽ; và mặt khác, đặc tính này hàm tích một sự phong phú đa dạng (mà các công tác hội nhập văn hóa và bản xứ hóa là những thí dụ cụ thể), cùng tỏ rõ cho thấy rằng trong bất cứ môi trường văn hóa xã hội nào, ân sủng cũng chỉ đổi mới chứ không làm cho con người tha hóa đi. Ðặc tính “Tông Truyền” của Giáo Hội – toàn cầu cũng như địa phương – làm cho thấy rõ bản chất chính thống của Giáo Hội; hay nói cách khác: giúp cho nhận ra đâu là Giáo Hội thật, Giáo Hội gìn giữ trọn vẹn và tinh tuyền sứ điệp Tin Mừng của Ðức Kitô, tuyên xưng đức tin của các tông đồ để lại cùng bảo toàn cơ cấu chủ yếu của Giáo Hội sơ khai, chứ không phải là một Giáo Hội nào khác… đã biến thể. Các yếu tố kia càng tỏ lộ rõ ràng thì dấu chỉ bí tích càng nên hoàn hảo, tức là càng có sức làm chứng và thuyết phục. Vì thế, Công Đồng Vatican II đã “khuyên giục con cái [Giáo Hội] ra sức thanh luyện và canh tân bản thân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội”.[30] Ngoài ra, để được như vậy thì còn cần phải tiến hành và đẩy mạnh công tác canh tân thích nghi cùng cải tiến sâu rộng những cơ cấu trong Giáo Hội.
Là dấu chỉ ân sủng, Giáo Hội có bổn phận phải làm sao để xã hội loài người nhận ra bản sắc cá biệt của mình, nhận ra mình quả là một cộng đồng đặc thù. Thánh Phaolô đòi buộc các Kitô hữu phải có thái độ và lối sống khác với những người chung quanh (x. Rm 12:2; 1Cr 10:21tt). “Trước kia anh em là tối tăm, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em là ánh sáng” (Ep 5:8): vậy, do đâu mà người ta nhận ra được sự thay đổi này? Những giá trị của Giáo Hội (lòng yêu thương, thái độ hòa giải, tha thứ, chân thật và khiêm hạ,.v.v…) thì khác hẳn với những giá trị của thế gian (tiền của, địa vị, cường quyền, khoái lạc,…): xã hội loài người có thấy được những bằng chứng cụ thể và hùng hồn đủ, để nhờ đó mà nhận ra những khác biệt kia hay không? Như mọi bí tích, Giáo Hội cũng cần phải “cử hành” – nêu bật – bí tích tính của mình. Bí tích tính của Giáo Hội được thể hiện, về mặt đối nội, qua niềm hiệp thông, tức là qua thái độ chia sẻ trong tình yêu thương; và về phía đối ngoại, qua công tác truyền giáo, tức là hành vi chia sẻ ơn cứu độ với muôn dân.2. Mỗi bí tích chứa đựng một ân sủng đặc thù
Ân sủng Giáo Hội chứa đựng là chính Ðức Kitô: Giáo Hội giới thiệu Ngài với loài người, giúp họ gặp Ngài, và hơn nữa, trở nên chi thể của Ngài, trong Giáo Hội. Nếu Giáo Hội không còn sức để chỉ cho thấy Ðức Kitô, thì là như chiếc địa bàn đã hỏng. Ngoài ra, Công Đồng Vatican II cũng đã miêu tả ơn bí tích kia như là “giây kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và là mối hiệp nhất toàn thể nhân loại”.[31] Việc kết hợp với Thiên Chúa đã thành hiện thực trong Ðức Kitô, như con cái trong Con Một; thế thì Giáo Hội phải là một gia đình mà Thiên Chúa là Cha. Hậu quả của niềm kết hợp với Thiên Chúa là mối hiệp nhất giữa loài người: Giáo Hội là khí cụ Thiên Chúa dùng để thống nhất nhân loại đã bị tội lỗi phân tán. Thiên Chúa đã tạo dựng loài người như là một đại gia đình; bây giờ Người muốn tái tạo tình đoàn kết bằng một mối hiệp nhất mới (hoàn hảo hơn) nhờ Giáo Hội, “để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của mối hiệp nhất cứu độ ấy (salutiferae unitatis)”.[32] Như thế có nghĩa là công tác thống nhất và công tác cứu rỗi ch là một. Là “bí tích phổ quát”, Giáo Hội là dụng cụ phục vụ cho công trình cứu độ toàn diện: thể chất và thiêng liêng, cá nhân và xã hội, đời này và đời sau, cho từng người cũng như cho mọi nền văn hóa, đạo đức và tôn giáo, cho mọi thứ chủ nghĩa và dạng thuyết triết lý,…
Theo thánh Thomas Aquinas, có ba chức năng trong mỗi bí tích: “Dấu hiệu lưu niệm quá khứ, tức là cuộc Ðức Kitô chịu chết; dấu hiệu chỉ về hoa quả của cuộc thương khó, tức là của ân sủng cứu độ; dấu hiệu tiên tri, nhằm báo trưóc vinh quang tương lai”.[33] Thi hành các chức năng như thế là Giáo Hội hằng nhớ đến Ðức Kitô (cử hành Lễ Tạ Ơn, rao giảng, làm chứng,.v.v…) và tiếp tục công trình cứu độ của Ngài, trong khi chờ đợi Ngài đến để hoàn tất vương quốc mà Ngài đã khai mở trong Giáo Hội. Mối “hiệp nhất cứu độ” cũng đang hiện diện ở trong Giáo Hội (một cách khiếm toàn), đang lớn lên, và sẽ đạt đến mức sung mãn trong ngày Quang lâm.
Hoa quả của Giáo Hội-bí tích là bảy bí tích, đặc biệt là các Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể. Giáo Hội sinh ra các con cái Thiên Chúa và tháp nhập họ vào thân thể Ðức Kitô. Thánh Thể là thân mình bí tích của Ðức Kitô, và bởi vậy, là môi trường kiến tạo hữu hiệu cùng thể hiện hiệp nhất hùng hồn nhất ở đời này.[34] Ðặc tính bí tích – cách riêng là trong các Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể – mang lại cho dân mới của Thiên Chúa những nét đặc trưng, không thể có được nơi các dân khác.[35]
VI. “NGOÀI GIÁO HỘI KHÔNG CÓ ƠN CỨU ÐỘ”
Trong bối cảnh suy tư ấy, thần học đã đối diện với vấùùn đề có thể nói là gai gốc, tối tăm và kinh hoàng nhất của Giáo Hội học. Truyền thống đã để lại công thức: “extra ecclesiam nulla salus”, có nghĩa là: “ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ”.[36] Như Ðức Kitô là Vị trung gian duy nhất, Giáo Hội là dụng cụ cứu độ duy nhất: truyền thống dạy như vậy. Muốn hiểu chính xác thành ngữ này thì cần phải phân biệt hai giai đoạn trong lịch sử Giáo Hội: tức là trước và sau thế kỷ XVI; vì cho đến thế kỷ XVI, Giáo Hội (tức Châu Âu) mới khám phá ra là có hàng triệu người ở Châu Á và Châu Mỹ chưa từng nghe nói về Ðức Kitô bao giờ.
Thành ngữ kia khởi phát từ thánh Cyprianius, Giám mục Cartha, rồi sau đó, thánh Augustinus đã tiếp tục dùng; hai vị áp dụng thành ngữ cho trường hợp của những người Kitô lìa bỏ Giáo Hội mà theo các tôn phái lạc giáo; lý do là vì họ phạm đến đức ái, nên đã mất ân sủng.[37] Từ khởi điểm ấy, các Giáo phụ và thần học gia Trung cổ suy diễn rộng ra để đem đặc ngữ ứng dụng vào trường hợp các người Do Thái và các lương dân. Các tác giả thường phân biệt các thời gian trước và sau Ðức Kitô: trước Ngài, Do Thái đã có lề luật làm khí cụ cứu độ; còn lương dân thì nhờ luật của lương tâm, như Kinh Thánh đã viết (x. Rm 2:15; Ga 1:9; Dt 11:6). Sau Ngài, tức là trong thời đại của Giáo Hội, dựa theo lời thánh Phaolô viết trong Rm 10:8, các Giáo phụ và tác giả ngày trước tưởng là ai trong thiên hạ cũng đều đã hay biết về Tin Mừng, vì thế các vị cứ một mực suy luận và áp dụng chặt chẽ những lời của Ðức Giêsu như được ghi lại ở trong Mc 16:15-16 và Ga 3:18: không vào Giáo Hội tức là đã từ chối Lời Chúa, và vì thế không thể được cứu rỗi.[38] Tuy nhiên, thần học Trung cổ cũng khẳng định rõ rằng không thể bị kết án nếu không cố ý phạm tội; nhưng họ tưởng là toàn cầu đã từng được nghe biết về Tin Mừng, và cũng đã quan niệm tương tự như thế đối với các anh chị em Hồi giáo.Giáo thuyết này đã được huấn quyền chuẩn phê. Công Đồng Lateran IV (năm 1215) tuyên bố: “Chỉ có một Giáo Hội toàn cầu: ở ngoài Giáo Hội này, chẳng có ơn cứu độ”.[39] Năm 1302, trong Tông sắc Unam sanctam, Ðức Giáo Hoàng Bonifacio VIII đã so sánh Giáo Hội với tàu Noah, và khẳng định là không ai ở ngoài Giáo Hội Công Giáo hoặc thuộc Giáo Hội Công Giáo nhưng lại không vâng phục Giám mục Roma mà có thể được cứu rỗi.[40] Thế kỷ XV, Công Đồng Firenze trích dẫn và phê chuẩn luận đề của Fulgentio Ruspe.[41]
Thế kỷ XVI, Châu Âu mới biết rằng vô số các dân tộc Á, Mỹ, Phi, chưa hề nghe nói đến Ðức Kitô. Tin Lành nói chung (đặc biệt là các giáo phái theo học thuyết về tiền định) đều tin là ngoài Kitô giáo không có ơn cứu rỗi. Thần học Công Giáo thì chia làm hai trường phái: phía nghiêm ngặt (đứng đầu là phái Giansenio) chủ trương rằng mọi người ngoài Kitô giáo đều xuống hoả ngục;[42] phía khoan dung (đứng đầu là Dòng Tên) thì xác tín rằng Thiên Chúa hằng ban ơn và tạo dịp cứu độ cho mọi người.[43]
Các Giáo Phụ đã từng đề cập đến việc “Rửa tội bằng ước muốn” khi một người dự tòng hoặc có lòng tin chết trước khi được lãnh nhận phép Rửa. Ðiều mới bây giờ là thần học áp dụng giáo thuyết ấy cho cả những người không biết gì về Ðức Kitô; vì thế, phải hiểu đó là một ước muốn mặc nhiên: ai sống ngay chính theo lương tâm thì được coi như có “đức tin mặc nhiên” và “ước muốn [mặc nhiên] gia nhập Giáo Hội” dù là không ý thức. Xem ra, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tỏ ý phê chuẩn quan điểm này.[44] Năm 1949, Thánh Bộ Giáo lý Ðức tin đã kết án lập trường của L. Feeney, S.J., vì vẫn còn tiếp tục chủ trương và cổ võ học thuyết Trung cổ.[45]
Căn cứ vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa (x. 1Tm 2:4), Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Nếu biết thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, biết cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong hành động của mình theo sự hướng dẫn của tiếng lương tâm, thì cả những kẻ không biết đến Tin Mừng của Ðức Kitô và Giáo Hội Ngài, nhưng lại không do lỗi mình, cũng có thể được cứu rỗi”.[46] Công Đồng đã không nói gì đến “ước muốn mặc nhiên” đối với việc gia nhập Giáo Hội. Ðàng khác, trong số 14, Hiến chế Lumen Gentiumdạy rằng: Ðức Kitô “đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép rửa”.[47] Vì vậy, một khi đã biết ý của Ðức Kitô là thế mà vẫn từ chối không chịu bước vào hoặc bỏ Giáo Hội mà đi, thì không thể có được ơn cúùu rỗi. Thế thì Giáo Hội có sửa đổi giáo lý đi không? Thưa tùy! Nguyên tắc thì không mảy may thay đổi, nghĩa là: Thiên Chúa công chính muốn cứu rỗi hết mọi người; Giáo Hội là phương tiện cần thiết; Thiên Chúa không kết án người vô tội. Nhưng quan niện về con người thì quả đã thay đổi: ngày xưa, thần học tưởng rằng mọi người đều đã được nghe Tin Mừng, và đã biết ý định của Thiên Chúa, mà có người vẫn cứ cố tình từ chối Giáo Hội,.v.v…, “thế nên” họ mắc tội. Ngày nay, ai cũng rõ là một số rất đông trong nhân loại chưa nghe biết gì về Giáo Hội, chưa hề biết Ðức Kitô là ai, và cứ theo thiện chí tự nhiên mà vững tin vào tôn giáo của mình, coi đó là chính thật, không thấy cần phải gia nhập Giáo Hội,.v.v…, và “vì thế” họ không mắc lỗi đối với ý định cứu độ của Thiên Chúa mà họ không hay biết (nói thế không có nghĩa là họ không phải trả lẽ với Thiên Chúa về các lỗi tội họ phạm trong những lãnh vực khác…).
Thần học về Thần Khí và những hiểu biết mới về tâm lý con người cũng như về các tôn giáo khác, là một số trong các yếu tố đã gây ý thức cho thấy là cần phải thay đổi tư duy. Thánh Thần tự do thổi không ai biết được là về đâu (x. Ga 3:8). Xưa nay thần học vẫn giữ nguyên tắc “gratia non alligatur sacramentis”, nghĩa là: “ân sủng không bị ràng buộc bởi các bí tích”, tức là ân sủng (Thần Khí) cũng có thể hoạt động ngoài các bí tích, cả đến ngoài bí tích là Giáo Hội. Tâm lý con người phức tạp đến nỗi, rốt cuộc, chỉ một mình Thiên Chúa mới biết rõ được mức độ trách nhiệm của mỗi hành vi con người, để công bình quy kết ai có tội ai không. Ðối với các tôn giáo, Công Đồng Vatican II đã có một nhãn quan mới, hiện rõ qua lời dạy phải lo nhận định cho đúng và đánh giá cho tích cực những gì là chân thực, thánh thiện và hay đẹp tiềm ẩn nơi các tôn giáo.[48] Còn thần học thì xác quyết là Thần Khí có thể dùng những tôn giáo khác nhau (trong mức độ chỉ một mình Ngài biết) làm khí cụ cứu rỗi cho tín đồ các tôn giáo…[49]
[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 1a.
[2]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 5.
[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 48.
[4]Ibid., số 9.
[5] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải nghĩa như sau: “Tiếng Latinh dùng hai từ “Mysterium” (mầu nhiệm) và “Sacramentum” (bí tích) để dịch từ “Mysterion” của Hy Lạp. Về sau, người ta phân biệt thuật ngữ “Sacramentum” (bí tích) để diễn tả dấu chỉ hữu hình của ơn cứu độ; thuật ngữ “Mysterium” (mầu nhiệm) diễn tả ơn cứu độ ẩn giấu dưới dấu chỉ hữu hình đó. Theo nghĩa này, chính Ðức Kitô là mầu nhiệm cứu độ: mầu nhiệm Thiên Chúa không có gì khác hơn là Ðức Kitô. Công trình cứu độ của nhân tính thánh thiện và có sức thánh hóa của Ðức Kitô là bí tích cứu độ được tỏ lộ và tác động trong các bí tích của Hội Thánh (mà các Giáo Hội Đông phương gọi là các ‘mầu nhiệm thánh’). Bảy bí tích là những dấu chỉ và những khí cụ Chúa Thánh Thần dùng để ban tràn đầy ân sủng của Ðức Kitô là Ðầu, cho Hội Thánh là Thân thể. Như thế, Hội Thánh chứa đựng và thông ban ân sủng vô hình mà Hội Thánh là dấu chỉ. Chính trong nghĩa loại suy này mà Hội Thánh được gọi là “bí tích” (số 774).
[6] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III. q.60. a.1.
[7] Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 1606.
[8]Xem: Chauvet, L.M., Du symbolique au symbole. Essai sur les sacrements, Paris 1979; Idem., Symbole et sacrement. Une relecture sacramentelle de l’existence chrétienne, Paris 1987; Van Roo, W.A., The Christian Sacrament, Roma PUG 1992; Rahner, K., “Theology of the Symbol”, Theological Investigations IV, Baltimore: Helicon Press 1966, pp. 221-252; Domergue, M., “Nhập thể và Bí tích”, Hợp Tuyển Thần Học, số 5 (1992), pp. 105-115.
[9]Ví dụ, Ignatius Antiokia, Ad Smyrn. 6; Irenaeus, Adv. haer. 4.18.5; 5.1.3,v.v…; Tertulliano, Adv. Marcionem I, 28.29; De carne Christi 9,.v.v…
[10]Chẳng hạn St. Thomas Aquinas, III. q.61, a.2; 4 Sententiarum, d.1,9.1.a2; ngài theo St. Augustino, De Genesi contra manichaeos 2.4: Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latin), 34.198.
[11]Giáo lý của Công Ðồng Trento (II, ch.1, số 14) đưa ra những lý do như sau: 1) Bản tính nhân loại cần đến giác quan để đạt tới sự vô hình; 2) Các dấu chỉ biểu lộ tôn ý của Thiên Chúa liên quan đến các lời hứa và khích lệ con người tin tưởng vào Người; 3) Nhờ các bí tích, ân sủng đến với chúng ta một cách hợp với tính nhân bản hơn; các bí tích là phương thuốc chữa trị tính yếu hèn của chúng ta; 4) Một cộng đoàn tín hữu cần có dấu chỉ chung để bảo đảm sự hiệp nhất; 5) Những bí tích là phương tiện để công khai tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người; 6) Những dấu chỉ như thế cổ võ lòng tin tưởng và tình thương giữa các tín hữu với nhau; 7) Các bí tích giúp chúng ta sống khiêm nhường: đòi con người chúng ta phải chấp nhận những dấu chỉ khả giác vì vâng lời Thiên Chúa.
[12]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 1.
[13]Xem: Guenon R., Symboles fondamentaux de la science sacrée, Paris: Gallimard 1962; Jung, C.G., L’homme et ses symboles, Laffont-Port Royal 1964; Sterckx, S., Introduction au monde des symboles, Zodiaque 1966; Bouyer, L., Le rite et l’homme, Cerf 1962; Innis, R., (ed.) Semiotics. An Introductory Anthology, Bloomington, 1985; Melchiorre, V., Simbolo e conoscenza, Milano, 1988.
[14]Y. Congar, Un peuple messianique, Paris 1975, pp. 18; xem: Schillebeeckx, E., Le Christ sacrement de la rencontre de Dieu, Paris 1960.
[15]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 515.
[16]Ibid., số 738.
[17]Ibid., số 932.
[18] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 8.
[19] Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 3301.
[20]Ðức Giáo Hoàng Piô XII, Thông điệp Mediator Dei: AAS 35 (1943), pp. 218.
[21]Sermo 354.1: Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latin), 39. 1536.
[22] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica II, q.48.2, ad 1.
[23]Ðừng quên là phép loại suy này nói lên một sự dị biệt lớn hơn là sự tương đồng, xem: Y. Congar, “Dogme christologique et ecclésiologie. Vérité et limites d’un parallèle”, trong Sainte Église, pp. 69-104.
[24]Xem về lịch sử này Bernards, M., “Zur Lehre von der Kirche als Sakrament. Beobachtungen aus der Theologie des 19. u. 20. Jahrhunderts”, trong Muenchner Theol. Zeitschr., 1969, pp. 29-54.
[25]Semmelroth, O., Die Kirche als Ur-Sakrament, Frankfurt 1953.
[26] Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 3014.
[27] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 1.
[28]Ibid., số 8a.
[29]Ibid., số 26a.
[30]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 15; Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 43df.
[31]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 1a.
[32]Ibid., số 9c.
[33] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica III, q.60, a.3.
[34]x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 26; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (Về tác vụ và đời sống linhmục), số 6.
[35]Giáo lý của Công Đồng Trento viết: “Những bí tích của Luật mới có hai chức năng này: giúp phân biệt người Kitô với người lương dân và liên kết những tín hữu cách thánh thiện và chặt chẽ” (số 156).
[36]Xem: Sullivan, Francis, S.J., Salvation outside the Church? Tracing the history of the Catholic response, Mahwah, NJ: Paulist Press 1992.
[37] St. Cypriano, De Catholicae Ecclesiae Unitate, 6 và 14; St. Augustinuso, Epistola 141.5; Epist. 185.42 và 50.
[38]Thánh Fulgentio thành Ruspe (Bắc Phi) môn đệ của St. Augustinuso viết: “Hãy tin chắc và đừng do dự rằng không những hết thảy lương dân mà còn hết thảy người Do Thái, lạc giáo và ly khai, nếu chết ngoài Giáo Hội Công Giáo, thì sẽ xuống lửa vĩnh viễn mà Thiên Chúa có sẵn cho ma quỷ và ác thần của y” (De Fide ad Petrum, 38, 79: Migne, Patrologia Latina [Bộ Giáo phụ Latin], 65.704).
[39] Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 802.
[40]Ibid., 870, 875.
[41]Ibid., 1351.
[42]Một nhóm bị kết án do đức Clemente XI (năm 1713) vì họ dạy rằng ngoài Giáo Hội chẳng có ân sủng gì, xem: Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 2429, 2305, 2308, 1311.
[43]Thánh Roberto Bellarmino viết: “Nói ngoài Giáo Hội không ai được cứu rỗi là nói về những ai không thuộc về Giáo Hội hoặc trong thực tế hoặc trong ao ước, như thần học nói đối với Thánh Tẩy” (De Controversiis Liber III. De Ecclesia Militante, c. 3).
[44]Mystici Corporis: AAS 35 (1943), pp. 242-243; Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 3821.
[45] Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 3866-3873.
[46]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 16.
[47]Ibid., số 14.
[48] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate (về các tôn giáo không Kitô giáo), số 2.
[49]Về vấn nạn phức tạp này, tạm xem: K. Rahner, “Church, Churches and Religions”, trong Theological Investigations, 18, pp. 188-195; Kunnumpuram, K., Ways of Salvation: the salvific meaning of non-Chistian Religions according to the Teaching of Vatican II, Poona 1971; Balchand, A., The Salvific Value of non-Christian Religions, according to Asian Christian Theologians writing in Asian-published Theological Journals, 1965-1970, Manila: EAPI, 1973; Panikkar, R., The Intrareligious Dialogue, New York: Paulist 1978; Swidler, L., (ed.), Toward a Universal Theology of Religion, Maryknoll NY: Orbis Books 1987; Dupuis, J., Jésus-Christ à la rencontre des religions, Paris: Desclée 1989; Mondin, B. “Ơn cứu độ trong các tôn giáo không Kitô”, Hợp Tuyển Thần Học, số 3 (1992), pp. 71-84.