Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Các Ưu Phẩm Của Thiên Chúa Theo Thánh Tôma Aquinô

Administrator
2018-09-23 09:04 UTC+7 27
Phêrô Trịnh Minh Phú, OP. biên soạn     Dẫn nhập Tự bản chất, con người là một hữu thể tôn giáo. Thật vậy, sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo (SGLCG) viết rằng: “Niềm khao khát Thiên Chúa được khắc ghi trong trái tim con người vì con người được tạo dựng bởi […]


Phêrô Trịnh Minh Phú, OP. biên soạn

 

 

Dẫn nhập

Tự bản chất, con người là một hữu thể tôn giáo. Thật vậy, sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo (SGLCG) viết rằng: “Niềm khao khát Thiên Chúa được khắc ghi trong trái tim con người vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng về Người. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Người, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm”.[1]

Thánh Tôma đã dành cả cuộc đời của mình để khao khát tìm kiếm chân lý, và Chân Lý Tuyệt Đối chính là Thiên Chúa. Điều này được thể hiện qua số lượng các tác phẩm đồ sộ của thánh nhân. Trong số đó tiêu biểu nhất là Tổng luận thần học Summa Theologica (ST). Đối với thánh Tôma, Thiên Chúa là khởi nguyên và cùng tận của vạn vật. Người là nguồn mạch và là chóp đỉnh của mọi sự hiện hữu. Do đó, câu hỏi đầu tiên mà thánh Tôma đặt ra là về Thiên Chúa, trái ngược với những ai nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ là vấn đề Đức tin.

Trong Summa Theologica, sau khi đã chứng minh Thiên Chúa thực hữu qua Ngũ Đạo, thánh Tôma cho thấy Ngũ Đạo của ngài tuy khởi đi từ những phương thức khác nhau nhưng đều hồi quy về một đích điểm, một chóp đỉnh là Hữu Thể Tuyệt Đối. Qua Ngũ Đạo, thánh Tôma chẳng những chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa mà còn đã cho chúng ta tìm hiểu yếu tính của Thiên Chúa qua các ưu phẩm của Người.

Thuật ngữ: attribute ưu phẩm

Bên cạnh thuật ngữ ưu phẩm, người ta còn sử dụng nhiều thuật ngữ khác, mang ý nghĩa tương đồng, chẳng hạn như: thuộc tính (predicate), phẩm tính (quality), đặc tính (property, characteristic). Tuy nhiên, trong bài viết, chúng ta sẽ sử dụng thuật ngữ ưu phẩm attribute, vì thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn. Trước hết, attribute xuất phát từ tiếng Latin, bởi hai từ ad: hướng đến, vào, cho.. và động từ tribuere: dành cho, quy cho, giành cho, phân phối, phân chia… Hiểu theo nguyên nghĩa, thuật ngữ này có nghĩa là một điều gì đó được quy hoặc gán cho một chủ thể. Ta xem xét thuật ngữ này theo các nghĩa sau: (1). Một đặc tính của sự vật. Theo ngôn ngữ học, thuật ngữ này diễn tả như là một tính từ, mệnh đề hoặc cụm tính từ. Ví dụ như tính ngọt là một attribute của mật ong, suy tư là một attribute của con người. (2). Theo Logic, attribute được sự dụng đồng nghĩa với predicate (thuộc từ). ví dụ: cái ghế này màu nâu. Nâu là một attribute của cái bàn. (3). Theo siêu hình học, attribute có thể được phân chia như cái thuộc về yếu tính, tất yếu, bất tất, phụ thuộc.[2]  

Tuy nhiên, khi dùng attribute cho Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu ý nghĩa thuật ngữ này như thế nào? Lẽ tất nhiên, không thể hiểu ưu phẩm của Thiên Chúa theo các nghĩa vừa diễn giải ở trên. Theo W. Tozer, attribute của Thiên Chúa không chỉ là những ưu phẩm hay phẩm tính của Thiên Chúa, đúng hơn Thiên Chúa là và Thiên Chúa như thế nào[3]. Attributes không nên được xem xét như những thành phần của Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là toàn bộ sự hữu của Người, tức yếu tính. Thế thì theo thánh Tôma, quan điểm của ngài về các ưu phẩm của Thiên Chúa như thế nào? Các ưu phẩm được phân chia ra sao? Các ưu phẩm có khác biệt với nhau và khác với yếu tính của Người hay không? Chúng ta sẽ xem xét quan điểm của ngài cách chi tiết hơn. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu về quan điểm của thánh Tôma về các ưu phẩm của Thiên Chúa, chúng ta hãy tìm hiểu quan điểm của triết học, Kinh Thánh và sự tiến triển của lịch sử Giáo hội.

 

I. Các ưu phẩm của Thiên Chúa trong Triết học

1.Triết học cổ đại

1.1. Platon

Quan điểm về Thiên Chúa của Platon không rõ ràng. Ông không chấp nhận lối suy nghĩ sai lầm khi xem vũ trụ như một cố máy khổng lồ. Ta có thể sắp xếp quan điểm của Platon như sau: Trên hết là Thượng Đế hay Thiên Chúa, Đấng sống động nội tại. Kế đến là Thần Tạo Hóa, Đấng làm nên vũ trụ. Rồi đến linh hồn vũ trụ và các thần hữu hình.[4]

Tuy nhiên, theo học thuyết Linh Tượng của Platon, Thiên Chúa hay Thượng Đế cũng chỉ là một Linh Tượng mà ông gọi là Thiện Thể. Thế nên, Thiên Chúa của Platon không được xem là siêu việt, nhưng vĩnh viễn và hằng cửu vì đó là bản tính của linh tượng. Ngoài ra, Platon còn trình bày một số ưu phẩm của Thượng Đế như công chính hoàn toàn, thông minh tuyệt vời. Ngài là nguồn hạnh phúc vô tận. Tuy nhiên, Platon cho rằng Thiên Chúa hay Thượng Đế không phải là một ngôi vị nhưng nhưng là một thứ tiềm lực của vũ trụ.

1.2. Aristotle

Aristotle cho rằng mọi chuyển động đều phải có một động cơ để chuyển động nó. Động cơ đó hoặc nội tại hoặc ngoại tại do một động cơ khác. Trong trường hợp thứ hai, ta cần phải đi ngược lên để tìm ra động cơ đã làm chuyển động nó. Tuy nhiên, ta không thể cứ đi mãi mà phải dùng lại nơi một động cơ khởi thủy. Aristotle gọi động cơ này là “Động Cơ Bất Động”, tức là Thiên Chúa.

Trước hết, Thượng Đế của Aristotle không phải là Thượng Đế siêu nghiệm, mang hình dáng con người như Do Thái giáo hay Kitô giáo. Thế nên, Thượng Đế của Aristotle không biết yêu thương hay thương xót vì nếu như thế Người sẽ chịu tác động của đối tượng khác. Thượng Đế hằng cửu, không ai tạo dựng Người. Nơi Người, không có sự biến đối nào. Thêm vào đó, Thiên Chúa là Hiện Thể Thuần Túy; nơi Người, không có tiềm thể, Người là Hoàn Bị Tuyệt Đối vì không có bất cứ một sự bất toàn nào. Thượng Đế là Tư Tưởng Thuần Túy, Người không vương một chút khiếm khuyết nào, vì Người là tư tưởng luôn hiện thể. Điểm đáng lưu ý là theo Aristotle, Thượng Đế không biết gì đến thế giới vì biết một đối tượng là đồng hóa với đối tượng đó.[5]

Như vậy, hình ảnh Thiên Chúa hay Thượng Đế của Aristotle cũng không phải là một ngôi vị sống động nhưng chỉ là một Động Cơ mà thôi. Tuy cách nhìn của ông về Thượng Đế không thích hợp với các tín điều trong Kinh Thánh, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà thần học thời trung cổ, đặc biệt là thánh Tôma[6].

2.Triết học trung cổ

Đặc tính của triết học thời trung cổ là mang tính thần học[7]. Các tác phẩm thời trung cổ thường sự dụng những thuật ngữ và các ý tưởng của triết học chẳng hạn như; Plato hay Aristotle, để trình bày các vấn nạn về Đức tin, liên quan đến các học thuyết Kitô giáo. Thời kỳ này, triết học được gọi là nô tỳ của thần học (ancilla Theologica). Liên quan đến Thiên Chúa, triết học thời kỳ này bàn đến các vấn đề sau:

Triết học bàn đến bản tính của Thiên Chúa và cách thức để các ưu phẩm được gán cho Người, ví dụ như: đơn thuần, hoàn bị, bất biến, vô biên, yêu thương…Thêm vào đó, triết học bàn đến vấn đề sự dữ. Thật ra các triết gia cổ điển đã nghiên cứu về bản chất của sự dữ trước đó, nhưng vấn đề đặt ra là Thiên Chúa toàn năng và toàn tri thì tại sao lại có sự dữ hiện hữu. Ngoài ra, triết học bàn đến ý trí tự do, Thiên Chúa có thể biết trước được tương lai, làm sao giải thích được sự tương hợp với ý chí tự do của con người. Thánh Tôma Aquinô là đại diện tiêu biểu nhất của triết học- thần học trong thời kỳ này.

3.Triết học cận đại

Triết học thượng cổ là triết học đặt trọng tâm nơi vũ trụ. Có thể gọi nó là triết học về vũ trụ, hoặc triết học về hữu thể. Triết học trung cổ thì cố gắng tạo ra mối tương quan hài hòa với giữa đức tin và lý trí. Trong khi đó, triết học cận đại lại đặt trọng tâm nơi cogito, có thể gọi tắt là triết học của tri thức. Cho nên có thể nói rằng, Thượng Đế của triết học cận đại là lý trí. Hai đại diện tiêu biểu của của triết học cận đại là René Descartes và Immanuel Kant.

3.1. René Descartes

Descartes nổi tiếng với câu nói bất hủ: Cogito, ergo sum. Sự tìm kiếm đưa ông đến ý tưởng về một Thiên Chúa vô hạn. Quả vậy, trong tác phẩm Những suy niệm về triết học đệ nhất, ông nói rằng Thiên Chúa là “Hữu Thể Hoàn Bị Tối Cao”. Từ đó, ông chứng minh Thiên Chúa hiện hữu như sau: Không thể có cái gì lớn bằng Thiên Chúa mà không có cơ sở thật trong lý luận. Descartes cho rằng sự tồn tại của một hữu thể hoàn hảo bao hàm trong những ý tưởng về hữu thể ấy, cũng như sự bằng nhau của ba góc đối với hai góc vuông được bao hàm trong một ý tưởng về một tam giác[8]. Vì Thiên Chúa chân thật, nên Người không muốn làm cho con người thất vọng. Do đó, Thiên Chúa bảo đảm sự thật cho bất cứ điều minh mạch và rõ ràng đối với lý trí và nhận thức của con người.[9]

3.2. Immanuel Kant

Immanuel Kant trình bày quan điểm về Thiên Chúa thông qua hai tác phẩm: cuốn Phê bình lý trí thuần tuý và Phê bình lý trí thực hành. Theo đó, Thiên Chúa là một ý tưởng hoàn toàn được biểu tượng bởi ý tưởng. Kant chủ trương rằng tri thức đích thực không thể vượt qua kinh nghiệm, Hơn nữa, vì tôn giáo và đạo đức, chúng ta cần đến những ý niệm về Thiên Chúa, linh hồn, tự do và bất tử[10]. Và như vậy, ta chỉ có thể suy tưởng về Người chứ không thể biết Người. Cho nên Kant đã phê bình và phá huỷ tất cả những kiểu chứng minh duy lý về Thiên Chúa. Do đó, ông không cho một kiểu chứng minh nào có giá trị hết. Kết quả: ta không biết gì về Thiên Chúa: cho nên nói Người có cũng vô lý; và chối bảo Người không có, cũng vô lý[11]. Nguyên tắc đời sống đạo đức của Kant được xây trên những câu tôn chỉ mà ông gọi là những mệnh lệnh tuyệt đối, và tất cả những lệnh truyền đó đều có tính cách bắt buộc. Như vậy nguyên bản tính của nền đạo đức học đó không cần giả thiết một Thiên Chúa nào hết: con người tự do và tự cảm thấy mình cần phải sống theo những mệnh lệnh giáo điều kia.

Như vậy, Thiên Chúa của Kant và Descartes chỉ là một vị Thiên Chúa suy tưởng. Sự thất bại của duy lý ở chỗ con người đã muốn giảm trừ Thiên Chúa thành một đối tượng của lý trí: con người không truy nhận một cái chi vượt trên sức suy tưởng của nó.

4.Triết học hiện đại

Trong khi triết học cận đại kéo dài đến hết thể kỷ XIX, thì một số trào lưu, cái nhìn hiện đại, đã bắt đầu trong thể kỷ đó và cho đến nay. Trong đó ta có thể kể ra một số chuyển biến quan trọng như sau: khủng hoảng vật lý học Newton, khoa học bị giảm giá, luận lý học có nhiều khám phá mới, phương pháp luận, và đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện… đã tạo ra những chuyển hướng trong lối suy tư triết học[12].

Nếu như triết học cận đại muốn giảm trừ Thiên Chúa vào trong suy tư, thì triết học hiện đại lại mở ra một quan điểm mới về Thiên Chúa. Theo đó, các triết gia hiện đại cho rằng: sở dĩ triết học đã không đưa Thượng Đế đến cho nhân loại, mà còn làm cho nhiều người trở nên hoài nghi, hoặc vô thần, là vì triết học đã muốn chứng minh một cái không thể nào chứng minh được. Kierkegaard là một đại diện tiêu biểu trong thời hiện đại. Ông cho rằng: suy tư triết lý không thể nào tách khỏi nền tảng duy nhất của một con người có đức tin. Người ta không thể cho niềm tin vào trong ngoặc để tự do suy tư. Sống niềm tin đích thực, đó cũng là một sự can đảm chấp nhận những đòi hỏi của niềm tin trong mọi chiều kích cuộc sống, và suy tư lẫn thực hành.

 

II. Các ưu phẩm của Thiên Chúa trong Kinh Thánh

Bằng kinh nghiệm Đức tin, các tác giả Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy những ưu phẩm của Thiên Chúa qua việc Người can thiệp vào lịch sử cứu độ. Chúng ta sẽ khám phá một số ưu phẩm trong các bản văn Cựu Ước và Tân Ước.

1.Hằng cửu

Xh 3, 14: “Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.”

Tv 102, 13 : “Nhưng lạy Chúa, muôn đời Ngài ngự trị, trải bao thế hệ, thiên hạ nhắc đến Ngài.”

Hr 13, 8: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.

2.Thiện hảo

Xh 34, 6-7: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ”

Tv 25, 8: “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân”

Gc 1, 17: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng

3.Thánh thiện

Is 6, 3: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa. (Xh 3, 5-6; Tv 99, 2-3; 1 Sm 2, 2).

Kh 4, 8: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến…”

4.Bất biến

Mk 3, 6: “Chính Ta là Đức Chúa, Ta không hề thay đổi; còn các ngươi là con cái Gia-cóp, các ngươi vẫn là thế”.

Gc 1, 17: “Nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng.”

5.Công bình

St 18, 25: “Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?”(Xh 34, 6).

Nk 9, 32-33: Chúa thật là công bình trong mọi việc xảy đến cho chúng con,vì Ngài đã xử sự theo lẽ thật, còn chúng con, chúng con lại đã làm điều dữ. (Tv 99, 4).

Rm 1, 32: “Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy. ( 1 Pr 1, 17).

6.Yêu thương

Đnl 7:7-8 : “Chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaô, vua Ai Cập”

Ga 4,4-8, 16: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (Rm 5, 5-8; 8, 35, 38).

7.Thương xót

Tv 6, 4: “Lạy Chúa, xin trở lại mà giải thoát con, cứu độ con, bởi vì Ngài nhân hậu” (Hr 4, 16; Rm 9, 23,24).

1 Pr 1, 3: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (Tt 3, 5; Ep 2, 4).

8.Toàn năng

Gr 3, 17 : “Lạy Đức Chúa, Chúa Thượng của con, này Ngài đã tạo thành trời đất bằng sức mạnh vĩ đại và cánh tay uy quyền của Ngài. Không có gì mà Ngài không làm được” (Tv 115, 3).

Mt 19, 26: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” (Mc 14, 36; Ep 1, 11; Hr 1, 3).

9.Toàn tri

Tv 147, 5 : Chúa chúng ta thật là cao cả, uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường!” (Ed 11, 5).

Rm 11, 33: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! (Cv 15, 8; 1 Ga 3, 20; Hr 4, 13; Rm 2, 16).

10.Hiện diện khắp chốn

1 V 8, 27 : “Có thật Thiên Chúa cư ngụ dưới đất chăng? Này, trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài,” (G 11, 7-9; Tv 139, 7-10; Tv 90, 1-2)

Gr 23, 24: “Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy. Sấm ngôn của Đức Chúa. Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn hay sao? Sấm ngôn của Đức Chúa.”

11.Công chính

Tv 145, 17: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.”(St 18, 25; Tv 19, 7-9;)

Gr 9, 24: “Này, sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ hạch tội mọi kẻ cắt bì mà kể như không”

12.Tự hữu

Xh 3, 14 : “Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” ( Tv 90, 2)

Ga1, 4: “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” ( Ga 5, 26; Cl 1, 15-17).

13.Tối cao

St 14, 19 : “”Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” (Xh 18, 11; Tv 115, 3)

Mt 10, 29 : “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. “(Rm 9, 15; Ep 1, 11; 1 Pr 3, 17).

14.Siêu vượt

Is 55, 9: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 57, 15; Tv 113, 5-6;).

Ga 8, 23 : “Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này”.

 

III. Các ưu phẩm của Thiên Chúa trong lịch sử Giáo hội

Để nhận thấy sự gia tăng rõ rệt các danh mục của các ưu phẩm, ta hãy xem xét và đối chiếu tín biểu thời các giáo phụ và các tín biểu thời Trung Cổ.

1.Các Tín biểu

Trong các thể kỷ đầu, chúng ta thấy các tín biểu như: Tín biểu Cêsarê, tín biểu Nixêa[13], tín biểu Nixêa-Constantinopolis kê ra một ưu phẩm: Toàn năng (παντοκράτωρ, omnipotens). Tính từ này ít xuất hiện trong Kinh Thánh (Kh 1, 8; 2 Cr 6, 16-18). Tuy nhiên, các bản văn Kinh Thánh có bàn đến quyền năng của Thiên Chúa (Lc 1, 37; Mt 19, 26; Cr 1, 24-25). Tính từ “toàn năng” được đưa vào kinh Tin kính các thể kỷ đầu có lẽ vừa chống lại các thế lực chính trị tự cho là toàn năng vừa chống lại phái ngội đạo. Lời tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng nhằm nói đến một điều tất cả mọi sự đều dưới quyền của Thiên Chúa. Mọi biến cố cá nhân hay lịch sử đều trong tay Người. [14]

Ngoài ra, các giáo phụ cũng sử dụng triết học Hi Lạp để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và dùng các hạn từ của triết học để diễn tả các ưu phẩm của Người: siêu việt, hằng hữu, vô hình, bất biến, căn nguyên của mọi chuyển động để trả lời cho những thách đố của các tôn giáo đa thần[15].

2.Kinh Tin Kính thời trung cổ

Công đồng Lateranô IV (1215) được triệu tập từ ngày 11-30/11/1215. Trong ba khóa họp, Công đồng đã tán thành các quyết định liên quan đến các công cuộc giải phóng Đất Thánh và cải cách Giáo Hội, các định nghĩa nhằm chống lại thuyết nhị nguyên của phái Albigense và Catha, và viện phụ Joachim de Fiore. Tín biểu viết rằng: “Chúng tôi vững vàng tin và đơn giản tuyên xưng rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, đích thức, vĩnh cửu, toàn năng, bất biến, không ai có thể nắm bắt và diễn tả, là Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần, Ba Ngội Vị nhưng là một yếu tính tuyệt đối đơn giản….”[16]. Qua tín biểu Quicumque, ta thấy các nghị phụ Công đồng dùng các thuật ngữ triết học để nói đến các ưu phẩm của Thiên Chúa, có thể liệt kê các ưu phẩm đó như sau: đích thực, vĩnh cửu, vô biên, bất biến, toàn năng, không ai thấu hiểu được, duy nhất tuyệt đối đơn thuần… Danh sách các ưu phẩm này cũng được lặp lại trong hiến chế Dei Filius của Công đồng Vaticano I.

3.Thời Kinh viện

Như đã nói, với việc du nhập triết học vào việc tìm hiểu Đức tin, thần học Kinh viện khảo sát ưu phẩm của Thiên Chúa cách hệ thống hơn. Khởi đi từ bản tính Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, người ta tìm hiểu các ưu phẩm ám tàng trong quan niệm đó, cách riêng tạo ra sự khác biệt với thụ tạo. Ta có thẻ rút ra các ưu phẩm sau đây: đơn thuần , toàn hảo, vô biên, bất biến, tốt lành, vô hạn, hiện diện khắp chốn, hằng cửu.

Các ưu phẩm được phân chia theo các tiêu chuẩn như sau:[17]

Tuyệt đối (absoluta) và tương đối (relativa): Tuyệt đối là chỉ áp dụng cho Thiên Chúa, tương đối khi xét tương quan với thụ tạo.

Khẳng định (affirmativa) và phủ định (negativa): Khẳng định khi xét như bắt nguồn từ Thiên Chúa, phủ định nhằm khẳng định tính siêu việt của Người.

Không thể thông đạt (incommunicabilia) hoặc có thể thông đạt (communicabilia): Theo nghĩa chúng có thể thông đạt với thụ tạo hay không.

Các ưu phẩm thuộc bản tính (entitiva) và các ưu phẩm thuộc hành động (operativa). Cách phân chia này chúng ta sẽ nhận thấy nơi thánh Tôma.

 

IV. Các ưu phẩm của Thiên Chúa theo thánh Tôma

A. Khái quát các ưu phẩm Thiên Chúa

Thánh Tôma bàn luận về vấn đề này trong Questio 13, liên quan đến các danh xưng của Thiên Chúa. Bởi vì sự hữu của Thiên Chúa trước hết phải được xem xét bởi chính Người, sau đó là khả năng của chúng ta hiểu biết về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nhiều điểm khác nhau về các ưu phẩm này chẳng hạn như lập trường của phái duy danh khi họ cho rằng sự phân biệt giữa các ưu phẩm của Thiên Chúa thuần túy là một sự phân biệt của ngôn từ. Hệ luận kéo theo là các danh xưng của Thiên Chúa đồng nghĩa với nhau[18]. Chính vì lẽ đó, chúng ta phải xem xét quan điểm của thánh Tôma về các ưu phẩm của Thiên Chúa cách tổng quát.

Trong vấn đề về các ưu phẩm của Thiên Chúa, tất cả các thần học gia đều phân biệt giữa các hoàn bị tuyệt đối đơn thuần và các hoàn bị hỗn hợp và tương đối. Tuy nhiên, một số thần học gia chưa phân biệt rõ ràng những ưu phẩm của Thiên Chúa với hành động tự do của Thiên Chúa và các Ngôi Vị, vì mặc dù các hoàn bị hỗn hợp không hàm bất cứ một bất toàn nào, nhưng chúng không phải là các hoàn bị tuyệt đối đơn thuần xét theo nghĩa chặt[19].

Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu các ưu phẩm, chúng ta cần phải hiểu biết khái quát về bản tính của Thiên Chúa.

1.Bản tính của Thiên Chúa

Thánh Tôma nói chúng ta không thể nào nhận biết bản tính Thiên Chúa xét chính bản tính nội tại của Người. Các thiên thần và các phúc nhân chiêm ngắm hiểu một phần nhờ ánh sáng vinh quang do Thiên Chúa ban mà thôi. Thánh Tôma viết: “Thiên thần trông thấy yếu tính của Thiên Chúa nhưng không trông thấy mọi sự”[20]

Tuy nhiên, thánh nhân cho thấy rằng con người có thể nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí tự nhiên bên cạnh ân sủng. Quả vậy, Ngũ đạo của ngài không chỉ chứng tỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa mà còn cho chúng ta một cái nhìn về bản tính Thiên Chúa.[21] Để nói về Thiên Chúa, Thánh Tôma đúc kết học thuyết về phép loại suy (analogia) từ tác phẩm Các Danh thánh của Pseudo Dionysius[22]. Thật vậy, chúng ta nói về Thiên Chúa bằng cách loại suy bởi vì thụ tạo giống Thiên Chúa ở một khía cạnh nào đó. Từ đó, ngài đưa ra ba quy tắc để nhận biết Thiên Chúa:

1/ Quy tắc phủ định (negationis via): Loại bỏ những khiếm khuyết nơi thụ tạo: Thiên Chúa vô biên, bất tử, bất biến… Thánh Tôma viết: “Người ta đạt đến trình độ tri thức cao nhất về Thiên Chúa khi họ biết rằng họ không biết Người”[23]

2/ Quy tắc khẳng định (affirmationis via): Chỉ áp dụng những điều tốt đẹp: Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là chân, thiện, mỹ…

3/ Quy tắc siêu việt (eminentiea via): áp dụng cho Thiên Chúa những sự toàn thiện tuyệt đối: toàn năng, toàn thiện, chí thánh… Thánh Tôma viết rằng: “Những danh xưng chỉ về Thiên Chúa, theo lối phủ định, không mảy may biểu thị bản thể của Người, nhưng giải trừ điều gì đó khỏi Người, còn có những danh xưng tích cực được quy gán theo cách siêu việt và khẳng định cho Thiên Chúa.”[24]

Thánh Tôma sử dụng những quy tắc này để luận bàn các ưu phẩm của Thiên Chúa như đơn thuần, bất biến, hằng cửu, vô hạn…Một điều chúng ta phải chân nhận rằng ngôn ngữ con người có giới hạn không thể nào diễn tả được bản tính của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là bất khả diển tả và bất khả thấu hiểu đối với lý trí của chúng ta. Người là Hữu Thể Lập Hữu (ipsum esse subsistens), còn chúng ta là hữu thể được thông dự. Tuy nhiên, đối với Tôma, một định nghĩa đúng nhất cho bản tính Thiên Chúa là biến cố Thiên Chúa mặc khải Danh Người cho ông Môsê: “אֶהְיֶ֖ה אֲשֶׁ֣ר אֶֽהְיֶ֑ה – TA LÀ ĐẤNG TA LÀ”(Xh 3, 14), mà thánh nhân gọi là “Chân Lý Tối Thượng” (Sublimis Veritas)[25]. Mạc khải này chiếu sáng toàn bộ học thuyết Tôma và là nền tảng để thánh nhân triển khải các học thuyết của ngài về Thiên Chúa.[26]

2.Định nghĩa ưu phẩm của Thiên Chúa theo thánh Tôma

Để tránh sự nhầm lẫn vừa đề cập ở trên, chúng ta cần phải định nghĩa thuật ngữ “ ưu phẩm của Thiên Chúa” theo quan điểm của thánh Tôma. Ưu phẩm của Thiên Chúa là một hoàn bị tuyệt đối đơn thuần vốn hiện hữu tất yếu và mô thể nơi Thiên Chúa, được suy luận từ những gì chúng ta nhận thức như là cấu thành nên yếu tính của Thiên Chúa.[27]

Sau đây chúng ta sẽ giải thích định nghĩa này như sau:

Chúng ta đề cập đến một ưu phẩm theo nghĩa chặt của thuật ngữ này, vì đôi khi theo một nghĩa không chính xác, thuật ngữ này nhắm đến tất cả những gì được quy gán cho Thiên Chúa cách không tất yếu hay tương đối.

Một ưu phẩm được gọi là hoàn bị tuyệt đối không loại trừ các hoàn bị được đặt tên liên quan đến các các thụ tạo như: quan phòng, thương xót, công chính, toàn năng, nhưng loại trừ mối tương quan của Thiên Chúa mà thuật ngữ ưu phẩm không áp dụng vì các mối tương quan không chung cho các Ba Ngôi, vì ưu phẩm là một đặc tính của bản tính Thiên Chúa và chung cho Ba ngôi.

Một ưu phẩm được gọi là hoàn bị tuyệt đối đơn thuần nhằm giải trừ những hoàn bị hỗn hợp và tương đối vốn bao hàm sự bất toàn xét về mặt yếu tính. Theo nghĩa chặt, hoàn bị tuyệt đối đơn thuần thì không có một bất hoàn nào trong khái niệm chính thức của nó[28].

Ưu phẩm được khẳng định là hiện hữu cách mô thể và tất yếu nơi Thiên Chúa, để các hoàn bị hỗn hợp có thể bị giải trừ. Những hoàn bị này chỉ hiện diện minh nhiên nơi Thiên Chúa vì Người có thể tạo ra chúng nơi các thụ tạo. Theo cách đó, sự sống được chính thức quy cho Thiên Chúa, chứ không phải là cho thú vật, hay hữu thể có lý tính.

Ưu phẩm được khẳng định là xuất phát từ yếu tính và không thể tách biệt khỏi yếu tính của Thiên Chúa hay nói cách khác ưu phẩm của Thiên Chúa đồng nhất với yếu tính của Người, để giải trừ quan niệm ưu tiên về bản tính Thiên Chúa. Theo cách đó, ưu phẩm của Thiên Chúa được định nghĩa một cách rõ ràng.[29]

3.Phân loại các ưu phẩm của Thiên Chúa

Các thần học gia không hoàn toàn đồng thuận với nhau liên quan đến việc phân chia các ưu phẩm. Một số quá nhấn mạnh đến các ưu phẩm xét chúng tương quan với chúng ta, một số khác nhấn mạnh đến các ưu phẩm xét khi chúng liên quan đến Thiên Chúa tự thân.

Thánh Tôma đã khám phá một cách thức phân chia tốt hơn, bằng cách phân biệt những ưu phẩm thuộc về bản thể Thiên Chúa và những ưu phẩm nhắm đến hoạt động của Người[30]. Trong các ưu phẩm thuộc bản thể Thiên Chúa, chúng ta có: đơn nhất, trọn hảo, tốt lành, vô hạn, tốt lành, hiện diện khắp chốn, hằng cửu, duy nhất. Trong loại thứ hai, chúng ta có: toàn tri, chân lý, yêu thương và công bằng. Cách phân chia này căn bản và nền tảng vì nó nhấn mạnh nhiều hơn đến Thiên Chúa xét nơi chính Người hơn là chúng ta được liên kết với Người. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu chi tiết các ưu phẩm này trong phần kế tiếp.

4.Cách thức phân biệt các ưu phẩm với nhau và ưu phẩm với bản tính của Thiên Chúa

Có ba quan điểm tiêu biểu và đây là kết quả của những cách thức giải quyết vấn đề về những sự phổ quát và loại suy các danh xưng của Thiên Chúa. Trước hết, chúng ta hãy xem xét các quan điểm đối cực sau đây:

1. Các nhà duy danh thừa nhận chỉ một sự phân biệt thuộc lý trí giữa các ưu phẩm của Thiên Chúa. Họ đưa ra hai lý do quan điểm này sau đây: tính phổ quát không hiện diện cách nền tảng nơi sự vật, chỉ có cá thể mới hiện hữu. Nơi các sự vật này, không có sự tương đồng thực sự, cốt yếu và bất biến theo loài, giống và đặc tính siêu nghiệm. Từ đó xét về mặt loại suy, không thể gán bất cứ một điều gì cho Thiên Chúa hoặc thụ tạo ít nhất là theo nghĩa chính xác, nhưng chỉ có thể theo cách ẩn dụ và biểu tượng. Từ quan điểm trên, các danh xưng của Thiên Chúa đồng nghĩa và điều này trái ngược với lý trí, Kinh Thánh và truyền thống. Vì có thể nói rằng, Thiên Chúa trừng phạt vì thương xót và tha thứ vì công chính. Đây là chủ trương sự phân biệt lý định thuần túy.

Thánh Tôma khẳng định rằng không phải tất cả các danh xưng gán cho Thiên Chúa đều mang nghĩa ẩn dụ, vì một số danh xưng được áp dụng cho Thiên Chúa theo cách loại suy, và không phải các danh xưng của Thiên Chúa đều đồng nghĩa[31]. Quan điểm của phái duy danh đã phá vỡ phép loại suy hữu thể và dẫn đến tính dị nghĩa của hữu thể.

2. Tuy nhiên, Scotus khẳng định rằng yếu tính của Thiên Chúa phân biệt với ưu phẩm và các Ngôi Vị, và ông cho rằng sự phân biệt thực sự và chính thức thuộc về bản tính của sự vật, giữa các ưu phẩm của Thiên Chúa, vốn có trước khi chúng ta suy xét về chúng. Chỉ trong cách thức này, theo Scotus, chúng ta có thể khẳng định Thiên Chúa trừng phạt vì công chính và không phải vì lòng thương xót của Người. Điều này cho thấy hai ưu phẩm này phân biệt thực sự và chính thức nơi Thiên Chúa, trước khi chúng ta xem xét chúng. Sự phân biệt này của Scotus là phân biệt thực sự và vì vậy nó đi ngược lại với tính đơn thuần tuyệt đối của Thiên Chúa, dẫn đến phép đơn nghĩa hữu thể và đối nghịch với của phái duy danh là dị nghĩa hữu thể. Đây là chủ trương sự phân biệt thực định.

3. Một quan điểm phổ biến giữa các thần học gia là quan điểm duy thực ôn hòa của thánh Tôma. Thánh Tôma nói rằng yếu tính Thiên Chúa phân biệt với các ưu phẩm và bản tính Thiên Chúa “không phải trong sự thật nhưng trong lý trí”. Ngài nói về một sự phân biệt tiềm ẩn trên thực tế bởi vì những hoàn bị tuyệt đối khác nhau được tìm thấy nơi thụ tạo thì cùng được diễn tả cách tương tự trong sự trội vượt của bản tính Thiên Chúa. Sự trội vượt của bản tính Thiên Chúa đơn thuần nhưng lại đa phức một cách tiềm ẩn và tất cả các hoàn bị đơn thuần tuyệt đối đều chứa đựng trong bản tính Thiên Chúa cách mô thể và vượt trội.

Như vậy theo thánh Tôma, sự phân biệt giữa các ưu phẩm Thiên Chúa được gọi là tiềm ẩn hay lý định có nền tảng tiểu đảng, nghĩa là một sự phân biệt không thuộc bản tính giải trừ hay bị giải trừ, nhưng là ám tàng và hiển minh. Do đó, tất cả các hoàn bị bao hàm lẫn nhau một cách hỗ tương và mỗi ưu phẩm lại chứa đựng các ưu phẩm khác một cách thực sự và tiềm ẩn.

Nói tóm lại, các ưu phẩm được gán cho Thiên Chúa cách loại suy và chúng hiện hữu cách mô thể và trội vượt nơi Người, nhưng giữa các ưu phẩm với nhau và giữa mỗi ưu phẩm với yếu tính của Thiên Chúa chỉ có sự phân biệt tiềm ẩn hay lý định có nền tảng tiểu đảng. Ta có thể diễn tả ngắn ngọn như sau: các ưu phẩm hiện diện chính thức nơi Thiên Chúa, nhưng chúng không chính thức phân biệt[35].Sự phân biệt này bảo toàn được sự đơn thuần tuyệt đối của Thiên Chúa, đồng thời cũng bảo đảm khoa học về Thiên Chúa. lại hoàn toàn ăn khớp với ngôn ngữ loài người.

B.Các ưu phẩm Thiên Chúa theo thánh Tôma

Trong Summa Theologica, sau khi chứng minh Thiên Chúa thực hữu qua Ngũ Đạo (Questio 2), thánh Tôma trình bày các ưu phẩm của Thiên Chúa bắt đầu từ Questio 3 đến Questio 26. Như đã nói ở trên, thánh Tôma phân chia các ưu phẩm thành hai loại: các ưu phẩm thuộc bản tính Thiên Chúa (Questio 3-11) và các ưu phẩm thuộc hành động (Questio 12-26.)

1.Các ưu phẩm theo bản tính

1.1. Đơn thuần

Tổng quan: Thánh Tôma trình bày tính đơn thuần của Thiên Chúa trong Questio 3. Ngài chứng minh tính đơn thuần của Thiên Chúa khi viện dẫn Ngũ Đạo: thứ nhất Động Cơ Bất Khả Biến, và chứng minh ưu phẩm này theo cách tiệm tiến từ thấp lên cao, thứ tự như sau: (1) Phải chăng Thiên Chúa là vật thể?; (2) Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của mô thể và chất thể?; (3) Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của yếu tính hay bản tính và chủ thể?; (4) Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của yếu tính và hiện hữu?; (5) Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của giống và dị điểm?; (6) Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của chủ thể và phụ thể? (6) Phải chăng nơi Người có sự phức hợp của chủ thể và phụ thể?; (7) Phải chăng Người là phức thể cách nào đó hay hoàn toàn đơn thuần?; (8) Phải chăng Người có thể kết hợp với vật khác? Trong ba mục cuối cùng, ta sẽ thấy thánh Tôma bác bỏ thuyết đa thần bằng cách khẳng định Thiên Chúa là Hữu Thể Lập Hữu được ngài trình bày trong mục 4.

Luận giải: Theo thánh Tôma, khi nói về tính đơn thuần của Thiên Chúa, chúng ta nói Thiên Chúa không được cấu thành từ các bộ phận, hoặc các thành tố. Trước hết nơi Thiên Chúa, không có bất cứ một phức hợp chất thể nào, vì Người không phải là vật thể hay thân xác. Một thân xác phải phụ thuộc vào chuyển động và thay đổi, còn Thiên Chúa là Biến Căn Đệ Nhất Bất Khả Biến. Hơn nữa, một thân xác luôn ở trong tình trạng tiềm thể, còn nơi Thiên Chúa, không có một chút tiềm thể nào, Người là Hiện Thể Thuần Túy[36]. Vì thế, Người không phải là phức hợp của tiềm thể và hiện thể.

Vì Thiên Chúa không phải là thân xác, Người không được cấu thành từ một yếu tính hay bản thể được gắn chặt nơi một chủ thể cá biệt. Vật thể có bản tính và yếu tính vận hành của nó, chúng ta không thể nói vật thể là bản tính của nó. Nhưng Thiên Chúa không có bất cứ điều gì, nếu có Người sẽ có tiềm thể và Người sẽ phải nhận điều đó từ một hữu thể có trước. Không có một hữu thể nào có trước Hữu Thể Đầu Tiên. Thánh Tôma viết: Thiên Chúa là Tác Căn Đệ Nhất, cho nên, Thiên Chúa là mô thể của yếu tính mình và không có phức hợp của chất thể và mô thể”[37]. Do đó, Thiên Chúa là Hiện Thể Thuần Túy. Người là yếu tính, là bản tính, là sự sống của chính Người.

Thiên Chúa là sự hiện hữu của chính Người. Các thụ tạo, vật thể và thiêng liêng bao gồm yếu tính và hiện hữu. Nhưng bởi vì Thiên Chúa là Hữu Thể Đệ Nhất, không có một điều gì trước Người mà nhờ đó yếu tính của Người đón sự hiện hữu. Thánh Tôma viết: “ vì chúng ta đã quyết Thiên Chúa là Tác Căn Đẹ Nhất. Cho nên, tuyệt nhiên nơi Thiên Chúa, hiện hữu không thể khác yếu tính” và “ nơi Thiên Chúa không có tiềm thể”[38]. Thế nên, nơi Thiên Chúa, hiện hữu và yếu tính là tuyệt đối và đồng nhất với nhau.

Chúng ta hiểu biết và định nghĩa một thụ tạo bằng cách biết về giống và dị điểm loại biệt của nó. Nhưng Thiên Chúa không thuộc về một giống nào cả. Thiên Chúa là tuyệt đối và duy nhất. “Thiên Chúa là nguyên khởi của mọi hữu thể, cho nên xét như nguyên khởi, Thiên Chúa không bị gồm thâu trong giống nào”[39]. Thế nên, nơi Thiên Chúa, không có sự phức hợp của giống và dị biệt.

Thiên Chúa cũng không bao gồm bản thể và phụ thể. Bản thể của thụ tạo thì có những phụ thể. Nó ở trong tình trạng tiềm thể để đón nhận phụ thể và chịu sự biến đổi nơi phụ thể. Nhưng Thiên Chúa không ở trong tiềm thể để đón nhận hay phải trải qua bất cứ điều gì trong sự hiện hữu bản thể của Người. Thánh Tôma nói rằng“Nơi Thiên Chúa không thể chịu thụ tác vì Người là Căn Nguyên Đệ Nhất”[40]. Thiên Chúa là Hiện Thể Thuần Túy. Thế nên, Người không có phụ thể nào.

Thiên Chúa không bao gồm các phần hay các thành tố nào. Nói cách khác, người đơn thuần tuyệt đối. Chúng ta biết rằng mọi phức thể thì có sau các thành tố và lệ thuộc vào chúng[41]. Thiên Chúa là Hữu Thể Đệ Nhất, Người không theo sau bất cứ điều gì. Người cũng không lệ thuộc vào hành động của bát cứ nguyên nhân nào.Vì Thiên Chúa là Hiện Thể thuần Túy, nên Người đơn thuần tuyệt đối.

Thiên Chúa đơn thuần tuyệt đối không thể là thành tố của bất cứ điều gì. Vì Người là Tác Căn Đệ Nhất. Phàm chi là thành phần của một phức thể thì không thể là Tác Căn Tự Thân Đệ Nhất. Thế nên Thiên Chúa không phải là thành tố của bất cứ điều gì.[42]

1.2. Hoàn bị

Tổng quan: Sau khi bàn tính đơn thuần của Thiên Chúa, thánh Tôma bàn đến sự hoàn bị của Thiên Chúa trong Questio 4. Trong Questio này gồm có ba mục (1) Phải chăng Thiên Chúa là Đấng hoàn bị? (2) Phải chăng Thiên Chúa là hoàn bị về mọi mặt dến độ gồm thâu nơi mình nhwunxg hoàn bị của mọi vật? (3) Phải chăng có thể nói các vật thụ tạo thì giống với Thiên Chúa? Trong mục thứ ba, chúng ta sẽ thấy những nền tảng của phép loại suy giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Liệu rằng Thiên Chúa quá hoàn bị đến nỗi không có thụ tạo nào giống với Người hay sao.

Luận giải: Hữu Thể Đệ Nhất phải tự hữu. Không có hữu thể nào mà nhờ đó Hữu Thể này đón nhận hiện hữu. Hữu Thể Tự Hữu, hay Hiện Thể Thuần Túy hiện hữu do sự siêu vượt hay hoàn bị vô biên. Hiện Thể Đơn Thuần nghĩa là hoàn bị tuyệt đối. Do đó, Thiên Chúa là Hoàn Bị Tuyệt Đối. Ta hãy xem xét quan điểm này theo một cách thức khác. Có các hoàn bị nơi thụ tạo- sự hiện hữu, sự sống… Các hoàn bị này được trao ban cho thụ tạo nhờ Đấng có các hoàn bị này để trao ban, nghĩa là Tác Căn Đệ Nhất. Các hoàn bị này phải được hiện hữu nơi Tác Căn Đệ Nhất cách thích hợp với Hiện Thể Thuần Túy, nghĩa là các hoàn bị này phải hiện hữu tuyệt đối nơi Thiên Chúa như đồng nhất với yêu tính của Thiên Chúa[43]. Thể nên, Thiên Chúa là hoàn bị tuyệt đối hoặc đơn thuần.

Các hoàn bị của thụ tạo không thể hiện hữu nơi Thiên Chúa như những phụ thể, vì Thiên Chúa không có phụ thể. Thánh Tôma viết: “Thiên Chúa là Tác căn Đệ Nhất của vạn vật, cho nên các hoàn bị của các vật phải hàm chứa sắn trong Thiên Chúa cách trác tuyệt”[44]. Các hoàn bị này chỉ có thể hiện hữu như đồng nhất với yếu tính của Người.

Các thụ tạo giống với Thiên Chúa bằng cách loại suy, bởi vì các thụ tạo có các hoàn bị một cách giới hạn, Vì Thiên Chúa hữu thể do yếu tính, còn các vật khác là do thông dự. nên các hoàn bị hiện diện nơi Thiên Chúa một cách vô hạn và trội vượt, đồng nhất với yếu tính, hiện hữu và bản thể của Người [45].

1.3.Thiện hảo

Tổng quan: Thánh Tôma trình bày ưu phẩm này trong Questio thứ 6, gồm 4 mục. Hai mục đầu tiên bàn luận liệu rằng Thiên Chúa có tốt lành và Người là Sự Thiện tối cao hay không. Hai mục sau luận bàn về việc phải chăng chỉ mình Thiên Chúa thiện hảo theo yếu tính và phải chăng nhờ sự thiện hảo của Người mà mọi vật được sự thiện hảo.

Trong Questio này, chúng ta thấy rằng thánh Tôma khởi xướng bằng cách khẳng định và siêu việt, bởi vì thiện hảo là một ưu phẩm tích cực. Thánh nhân nại đến lý chứng thứ hai trong Ngũ Đạo: Nguyên Nhân Tác Thành Đệ Nhất và từ đó hậu nhiên minh chứng rằng Căn Nguyên này là Sự Thiện Hảo tự yếu tính.

Luận giải: Thiên Chúa là căn nguyên của mọi sự hiện hữu và do đó, người là căn nguyên của mọi sự thiện hảo nơi thụ tạo. Các sự vật hữu hạn theo cách thức và giới hạn biểu lộ sự thiện hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối. Người là căn nguyên tối hậu của mọi sự thiện hảo.[46]

Thiên Chúa là sự thiện tối cao. Sự thiện nơi thụ tạo luôn được thông truyền, thế nên đó là sự thiện hảo bị giới hạn. Sự thiện hảo của thụ tạo không thể tiến đến sự thiện hảo vô biên của Thiên Chúa[47].

Chỉ có Thiên Chúa là sự thiện theo yếu tính, vì chỉ một mình Thiên Chúa là hiện hữu tất yếu và sự thiện tất yếu, thụ tạo có sự thiện hảo. Thiên Chúa là Thiện Hảo[48].

Bởi vì sự thiện hảo của Thiên Chúa là căn nguyên thiện hảo nơi sự vật, mà mọi thụ tạo được gọi là thiện hảo do sự mô phỏng thiện hảo của Thiên Chúa[49].

1.4. Vô hạn

Tổng quan: Sau khi nghiên cứu về sự đơn thuần và thiện hảo của Thiên Chúa, chúng ta đi đến ưu phẩm vô hạn của Người. Vô hạn được luận bàn ở Questio 7 bởi đây là một dạng thức hoàn bị của bản tính và của ưu phẩm Thiên Chúa. Thánh Tôma dùng Ngũ đạo: lý chứng số 1: Hữu Thể Lập Hữu, để chứng minh Thiên Chúa như nguyên lý chuyển động và như Tác Căn Đệ Nhất của vạn vật. Thế nên, Người là Đấng Vô Hạn cao cả nhất và vô cùng tuyệt đối. Questio này bàn đến 4 mục: (1) Phải chăng Thiên Chúa là Đấng vô hạn?; (2) Ngoài chính Người, còn có chi vô hạn chăng?; (3) Có thể có chi vô hạn về đại lượng chăng?; (4) Phải chăng các vật có phả đa vô hạn?

Luận giải: Khi gọi Thiên Chúa là vô hạn, thì chúng ta muốn nói Thiên Chúa không bị giới hạn theo bất cứ cách thức nào. Tất cả các thụ tạo đều hữu hạn. Bất cứ vật gì được đón nhận đều giới hạn bởi chủ thể cho và khả năng của chủ thể nhận[50]. Thế nhưng, sự hiện hữu của Thiên Chúa không phải được nhận, vì Người là Hiện Hữu Tự Hữu. Không có bất cứ điều gì trước Người để nhờ đó Người có thể đón nhận bát cứ điều gì. Do đó, không có gì giới hạn được Thiên Chúa, không có gì có thể tạo ra biên giới cho sự hoàn bị tự hữu của Người, Vì vậy, Thiên Chúa là vô hạn trong sự hoàn bị. Vì Người là Hữu Thể Tuyệt Đối, nên Người là Vô Hạn tuyện đối.

Chỉ mình Thiên Chúa là vô hạn. Thánh Tôma viết: “Các thụ tạo đều có cái được gọi là vô hạn tiềm thể bởi vì không có một giới hạn cố định đối với khả năng tiếp nối và đa dạng nơi chúng”[51]. Ví dụ như khúc gỗ là một vật hữu hạn với hình dạng hữu hạn, nhưng không có giới hạn đối với số hình dạng được trao ban cho nó. Thiên Chúa là Hiện Thể Thuần Túy nên chỉ mình Người là vô hạn hiện thể.

Không có sự vật nào có thể là vô hạn. Vì vô hạn của vật thể sẽ là sự vô hạn trong định lượng, mà định lượng thì luôn luôn giới hạn[52]. Ngay cả vật thể toán học cũng phải được suy nghĩ như chứa đựng trong những đường thẳng và mặt phẳng.

Không thể có một con số vô hạn hiện thể. Một con số luôn có sự vô hạn tiềm thể vì nó có thể được nhân lên và chia cách vô hạn. Cái gì là vô hạn hiện thể không thể được tăng lên hoặc giảm đi, nhưng con số có thể được thêm vào hoặc bớt đi[53]. Thế nên, không có sự phả đa vô hạn.

1.5. Hiện diện khắp chốn

Tổng quan: Thánh Tôma luận bàn ưu phẩm này trong Questio 8. Trong đó, ngài xem xét cách thức Thiên Chúa nội tại trong thế giới thụ tạo nhưng đồng thời lại siêu việt. Chúng ta cũng sẽ phân biệt sự nội tại này với thuyết đa thần, xét vì tính nội tại này thuộc về thế giới chứ không phải xét vì nguyên nhân chất thể và mô thể của thế giới thụ tạo.

Questio này được đặt ngay sau uu phẩm vô hạn của Thiên Chúa, bởi vì ưu phẩm hiện diện khắp chốn sẽ được đặt nền trên ưu phẩm đó. Questio này gồm bốn mục: (1) Phải chăng Thiên Chúa ở trong mọi vật?, (2) Phải chăng Thiên Chúa ở khắp nơi? (3) Phải chăng Thiên Chúa ở khắp nơi do yếu tính, quyền năng và sự hiện diện?; (4) Phải chăng ở khắp nơi là thuộc tính riêng Thiên Chúa?

Luận giải: Thiên Chúa hiện diện trong mọi vật như một tác nhân hiện diện trong vật, nơi nó hoạt động. Người là nguồn gốc của mọi hiện thể nơi thụ tạo[54]. Vì vậy, Người phải hiện diện nơi thụ tạo để phát sinh và bảo tồn hiện thể này, vì vì hiện thể của thụ tạo thì không tự phát sinh hoặc tự bảo tồn. Do đó, Thiên Chúa hiện diện nơi mọi sự vật theo một cách thức hoàn hảo nhất, không bị giới hạn bởi sự vật và không bị đồng nhất với sự vật.

Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi vì Người vô hạn. Nếu một một nơi nào khả thể loại trừ Thiên Chúa, thì nó sẽ áp đặt cái hữu hạn nên Đấng Vô Hạn. Vì điều này là không thể, nên Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Người không bị giới hạn bởi nơi mà người hiện diện vì Người không bị hàm chứa trong một nới sự vật thể[55].

Cách thức Thiên Chúa hiện diện nơi chốn và sự vật: (a) Thiên Chúa hiện diện nơi sự vật do quyền năng vì mọi vật đều ở dưới quyền Người, (b) Thiên Chúa hiện ở trong sự vật vì sự hiện diện của Người vì mọi vạt đều đực phơi bày và tỏ lộ trước mắt Người, (c) Người ở trong mọi vật do yếu tính như nguyên nhân hiện hữu của chúng[56].

Chỉ mình Thiên Chúa có thể hiện hữu mọi nơi, vì Người vô hạn và tuyệt đối[57]. Thiên Chúa ở mọi nơi và mọi vật bằng toàn bộ hiện hữu của Người, không phải phần ở đây, phần ở kia. Vì Thiên Chúa không bao gồm các phần. Do vậy, Thiên Chúa hiện diện mọi nơi một cách tuyệt đối, và sự hiện diện như vậy chỉ thuộc về Hữu Thể Tuyệt Đối mà thôi.

1.6. Bất biến

Tổng quan: Từ chân lý Thiên Chúa là Hữu Thể Lập Hữu, chúng ta suy diễn Người tuyệt đối đơn thuần, hoàn bị, thiện hảo và vô biên, hiện diễn khắp chốn. Vì thế, thánh Tôma chứng minh Thiên Chúa bất biến. Đến Questio này, ngài phi bác hoàn toàn thuyết đa thần. Thánh Tôma bàn Questio về ưu phẩm bất biến của Thiên Chúa trong hai mục (1) Phải chăng Thiên Chúa thì bất biến tuyệt đối?, (2) Phải chăng bất khả biến là ưu phẩm riêng của Thiên Chúa?.

Luận giải: Bất biến có nghĩa là không thay đổi, là sự sung mãn của Hữu Thể Lập Hữu, là sự hoàn thiện tột đỉnh. Việc Thiên Chúa bất biến là hệ quả của sự vô hạn và Hiện thể tuyệt đối của Người. Cái gì thay đổi thì hữu hạn, vì thay đổi là tăng thêm hay bớt đi. Cái gì thay đổi thì ở trong tình trạng tiềm thể, và nơi Thiên Chúa không có tiềm thể chút nào. Do đó, Thiên Chúa bất biến. Sự bất biến nơi Thiên Chúa là một hoàn bị tuyệt đối, nghĩa là Thiên Chúa không thiếu bất cứ cái gì mà một sự thay đổi có thể lấp đầy. Vì Thiên Chúa là Hiện Thể Thuần Túy, nên Người thì bất biến tuyệt đối[58].

Chỉ một mình Thiên Chúa bất biến, vì chỉ mình Người vô hạn và hiện thể tuyệt đối. Theo một cách nào đó, mọi thụ tạo đều thay đổi vì thụ tạo giới hạn.[59] Ngoài Thiên Chúa, tất cả mọi vật đều được biểu lộ bởi tiềm thể. Thiên Chúa, Đấng là Hiện Thể Đơn Thuần thì bất biến tuyệt đối.

1.7. Hằng cửu

Tổng quan: Thánh Tôma trình bày ưu phẩm hằng cửu của Thiên Chúa trong Questio 10. Questio này bao gồm 6 mục, và có thể chia thành hai chủ đề trọng tâm: ba mục đầu xem xét về tính hằng cửu, củ thể là, tính hằng cửu là gì, phải chăng Thiên Chúa thì hằng cửu, phải chăng hằng cửu là ưu phẩm riêng của Thiên Chúa. Ba mục sau bàn đến sự khác biệt giữa hằng cửu và thời gian, giữa trường cửu và hằng cửu, phải chẳng chỉ có một trường cửu cũng như chỉ có một thời gian và một hằng cửu, đồng thời ngài còn bản đến bản thể các thiên thần và linh hồn, vốn là bất biến mặc dù có khởi đầu.

Luận giải: Thánh Tôma viết: “Hằng cửu được nhận biết bằng hai điều. Thứ nhất phàm chi ở trong hằng cửu thì bất tất, nghĩa là vô thủy vô chung, nghĩa là không có khởi đầu không có kết thúc. Thứ hai là hằng cửu thì không có kế tiếp, vì toàn thể đều hiện hữu một trật”[60].

Vì Thiên Chúa bất biến, nên Người không phụ thuộc vào thời gian vốn bao gồm sự thay đổi liên tục. Và bởi vì Thiên Chúa là vô hạn, nên Người không bị giới hạn bởi những chung điểm được gọi là khởi đầu và kết thúc[61].

Chỉ mình Thiên Chúa mới hằng cửu, vì chỉ mình Người mới bất biến và vô hạn. Một số thụ tạo được gọi là hằng cửu theo nghĩa chúng không bao giờ kết thúc, đó là các hữu thể thiêng liêng. Nhưng nói theo nghĩa chặt, hằng cửu thuộc một mình Thiên Chúa mà thôi, và đồng nhất với yếu tính của Thiên Chúa[62].

Hằng cửu và thời gian không như nhau. Thời gian là một vấn đề của trước và sau, của quá khứ và tương lai. Còn hằng cửu là hiện tại bất biến toàn hảo. Do vậy, hằng cửu liên quan đến sự vô hạn và vì vậy nó đồng nhất với Hiện Thể Thuần Túy[63].

Thời gian là một sự tiếp nối liên tục của các sự kiện và chuyển động có thể đếm được và được xem xét với việc tham chiếu trước và sau. Nhưng hằng cửu thì hiện hữu mà không có sự tiếp nối hoặc chuyển động. Bên cạnh thời gian và hằng cửu, còn có trường cửu mà ta gán cho các thụ tạo thiêng liêng. Các thụ tạo này có khởi đầu nhưng không có sự thay đổi về bản thể và không có kết thúc[64].

Người có thể nói một thời này để phân biệt với thời khác. Ví dụ như: thời Trung Cổ, ngày của mẹ… , nhưng tự bản chất thời gian chỉ là một. Tương tự, trường cửu tự nó là một, mặc dù xét một cách ngẫu nhiên, trường cửu có thể được gia tăng bằng cách quy nó cho hữu thể trường cửu này hoặc hữu thể trưởng cửu kia[65].

1.8. Duy nhất

Tổng quan: Thật ra, thánh Tôma đã nghiên cứu đến tính duy nhất của Thiên Chúa trong Questio thứ 3 liên quan đến tính đơn thuần của Thiên Chúa. Vì tính duy nhất là sự không bị phân chia của hữu thể. Trong Questio thứ 3, thánh Tôma chứng minh Thiên Chúa là Hữu Thể Tuyệt Đối không bị chia cắt và không thể phân chia vì Người không được cấu thành từ chất thể và mô thể, yếu tính và hiện hữu, bản thể và phụ thể.

Ngũ Đạo của thánh Tôma đã chứng minh có Thiên Chúa, đồng thời cũng chứng minh chỉ có một Thiên Chúa. Con đường số 1 đưa chúng ta đến Biến Căn Bất Khả Biến. Con đường thứ hai đưa đến Tác Căn Bất Thụ Tác. Con đường thứ năm đưa chúng ta đến Trí Tuệ.

Questio này bao gồm 4 mục: (1) Một có thêm gì vào hữu thể chăng? (2) “Một” và “nhiều” có tương phản nhau hay không?; (3) phải chăng Thiên Chúa duy nhất tuyệt đối?

Luận giải: Sự đơn nhất nghĩa là duy nhất. Một hữu thể không thể nhân lên hoặc phân chia thành đa phức nơi chính mình. Phân chia một hữu thể thành các bộ phận là phá hủy sự đơn nhất và sự hiện hữu của nó[66]. Hiện hữu và duy nhất thì đồng nhất với nhau mặc dù có sự phận biệt thuộc lý trí giữa chúng.

“Một” và “nhiều” tương phản nhau. “Nhiều” có có thể được tính toán và đo lường nhờ đơn vi, nghĩa là nhờ “một”. Đa phức khi được đo lường được gọi là số lượng. Do đó, số lượng thì tương phản với “một” vốn đo lường quyết định số lượng[67].

Khi chúng ta nói về sự duy nhất của Thiên Chúa, nghĩa là có một Thiên Chúa và không thể có hơn một Thiên Chúa. Thiên Chúa là vô hạn và số nhiều của vô hạn là điều bất khả thể. Thế nên không thể nhận thức rằng có nhiều hơn một Thiên Chúa[68].

Bởi vì hiện hữu và “một” thực sự đồng nhất. Hệ quả là hữu thể càng hoàn hảo thì đơn nhất càng hoàn hảo. Thiên Chúa là Hữu Thể Tuyệt Đối nên Thiên Chúa là Đơn Nhất Tuyệt Đối[69].

2.Các ưu phẩm theo hoạt động

2.1. Tri thức của Thiên Chúa

Tổng quan: Sau khi bàn về bàn về sự thực hữu (q. 3) và bản tính của Thiên Chúa, thánh Tôma bàn đến những sinh hoạt của Người. Hoạt động theo sau hiện hữu và cách thức hoạt động là tùy thuộc vào cách thức hiện hữu.

Có hai thứ hoạt động: nội cố, tiềm tàng trong chính Thiên Chúa; và ngoại thị, là theo hiệu năng , nghĩa là phát sinh những công hiệu bên ngoài bản thể Thiên Chúa.

Trong Questio này, thánh Tôma nại đến Ngũ đạo: con đường số 4 đề chứng minh Thiên Chúa thực hữu, như Hữu Thể tuyệt định và vô hạn, Hữu Thể thuần túy, Hữu thể do yếu tính, viên mãn tự hữu, trong đó hàm chứa sự hoàn bị của mọi hữu thể.

Trong Questio 14 này, thánh Tôma bàn đến tri thức của Thiên Chúa, có thể tựu trung lại trong bốn điểm sau: (1) liệu rằng có trí năng nơi Thiên Chúa và bản chất của trí năng đó là gì?; (2) Đối tượng đầu tiên của tri thức Thiên Chúa (a. 2,3,4); (3) đối tượng thứ hai ( a. 5- 13) cách thức tri thức của Thiên Chúa hoạt động: rõ ràng, đa dạng, suy diễn, thực hành ( a. 14, a.16).

Luận giải: Tri thức là một hoàn bị. Vì Thiên Chúa là Hoàn Bị Vô Biên, tất cả các hoàn bị đơn thuần hiện hữu nơi Thiên Chúa cách mô thể và trội vượt, đồng nhất với yếu tính bất khả phân chia của Thiên Chúa[70]. Thế nên, nơi Thiên Chúa, có sự hiểu biết vô hạn. Chính xác hơn, Thiên Chúa là Tri Thức Vô Hạn.

Thiên Chúa biết chính mình cách hoàn bị. Vì tri thức của Thiên Chúa không phải là cái mà Thiên Chúa có, nhưng tri thức của Người là cái Thiên Chúa là[71].

Tri thức của Thiên Chúa về chính mình là khả tri[72]. Vì, sở dĩ Thiên Chúa nhận biết là vì Người ở trong hiện thể và hoàn toàn tách biệt với mọi chất thể và tiềm thể. Cho nên hiển nhiên, Thiên Chúa khả tri thế nào thì Người cũng nhận biết chính mình như thế. Vậy, Thiên Chúa thấu hiểu chính mình cách khả tri.

Sự hiểu biết Thiên Chúa là yếu tính và bản thể của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa, trí tuệ, điều khả tri, ảnh niệm và chính việc hiểu biết đồng nhất với yếu tính và bản thể không phân chia của Thiên Chúa[73].

Thiên Chúa biết mọi sự, tức là mọi thụ tạo, bởi vì Thiên Chúa là tri thức vô biên. Khi biết chính mình, Thiên Chúa biết quyền năng sáng tạo vô biên của Người; và do đó Người biết tất cả mọi thụ tạo. Khi Thiên Chúa biết ý chí sáng tạo của Người, thì Người biết tất cả mọi loài thụ tạo đã hiện hữu, đang hiện hữu và sẽ hiện hữu. Tri thức của chúng ta được lãnh hội bằng cách học hỏi. Chúng ta biết sự vật không phải bằng cách nhận biết chính mình, nhưng bằng cách nhận thức những gì nơi chính các sự vật đó, Thiên Chúa biết sự vật cách hằng cửu, con người biết sự vật chỉ sau khi chúng hiện hữu ở đó, và được đưa vào phạm vị quan năng nhận thức. Tri thức của Thiên Chúa là sáng tạo, còn con người là tri thức thụ nhận[74].

Thiên Chúa biết mọi sự cách rõ ràng, hiển minh, chi tiết nhất một cách hoàn bị. Bởi vì tri thức vô biên thì khả tri, nên nó đồng nhất với yếu tính của Thiên Chúa, và do đó hoàn bị nhất trong mọi khía cạnh[75].

Thiên Chúa không cần suy diễn[76], bởi vì tri thức của Thiên Chúa về các sự vật đồng nhất với yếu tính của Người, nên tri thức của Người là hằng cửu, vô hạn, hoàn hảo, khả tri và đồng thời một cách tất yếu.

Vì tri thức của Thiên Chúa về thụ tạo là một với ý chí sáng tạo của Người, nên tri thức này thực sự là căn nguyên của mọi thụ tạo. Vì tri thức của Thiên Chúa có thể được xem như là sự chuẩn thuận của ý chí sáng tạo của Người, nên tri thức sáng tạo này được gọi là tri thức chuẩn thuận[77].

Thiên Chúa biết mọi sự cả trong hiện thể và tiềm thể[78]. Trong thị kiến hằng cửu, Thiên Chúa biết mọi sự đã, đang và sẽ hiện hữu. Đây được gọi là tri thức thị kiến. Thiên Chúa cũng biết mọi sự vật tiềm thể, đã và sẽ không hiện hữu. Đây là tri thưc hiểu biết đơn thuần của Thiên Chúa.

Thiên Chúa biết mọi sự, mọi hiện hữu.Vì vậy, Thiên Chúa biết mọi sự thiện hảo. Và vì thế, Thiên Chúa biết nơi nào sự thiện hảo thiếu vắng. Do đó, Người biết sự dữ. Vì sự dữ là sự khuyết phạp điều thiện hảo vốn phải hiện hữu[79].

Tri thức của Thiên Chúa là hoàn bị nhất bởi vì nó là một với chính Người. Thiên Chúa biết mọi sự nơi hiện hữu, các tương quan tiềm thể và hiện thể, loại, cá thể, các thành tố của chúng. Người biết mọi sự mà sự vật sẽ, cố thể và sẽ là trong mọi tình huống và dưới mọi điều kiện[80].

Nhờ tri thức thị kiến, Thiên Chúa biết mọi suy nghĩ của con người và các thiên thần vốn sẽ tồn tại đến vô cùng vô tận[81]. Theo nghĩa này, Thiên Chúa biết “các hữu thể vô hạn”.

Nhờ tri thức thị kiến, Thiên Chúa biết cái được gọi là những tương lai bất tất. Ví dụ Thiên Chúa biết tôi sẽ nói gì và tôi sẽ gặp ai. Những điều này ở trong tương lai và chúng thì ngẫu nhiên. Thế nên, Thiên Chúa biết những tương lai bất tất[82].

Thiên Chúa biết mọi yếu tính của sự vật; do đó, Người biết tất cả những gì có thể nói chính xác về sự vật. Thiên Chúa biết mọi chủ thể và tất cả các thuộc tính được thể hiện trong lời phát biểu hoặc phán đoán về sự vật. và Người biết chính các phán đoán đó[83].

Tri thức của Thiên Chúa không thay đổi vì nó là một với yếu tính bất biến của Người[84]. Nơi Thiên Chúa, không có sự tiếp cận hoặc đánh mất tri thức tri thức.

Tri thức được gọi là trừu tượng khi nó nhận biết về sự vật là. Tri thức được gọi là thực hành khi nó nhận thức về sự vật hoạt động. Tri thức của Thiên Chúa về chính Người là trừu tượng. Còn tri thức của Người về sự vật vừa trừu tượng vừa thực hành. Tri thức của Thiên Chúa về sự dữ là thực hành xét vì Người biết cách để tránh sự dữ, hoặc cho phép hoặc hướng sự dữ để sự thiện hảo có thể xuất hiện từ đó[85].

2.2. Chân lý

Tổng quan: Trước hết, thánh Tôma nghiên cứu chân lý cách khái quát và sau đó về Chân Lý Thiên Chúa. Trong Questio 16, thánh Tôma bàn đến chân lý theo 8 mục: (1). Phải chăng chân lý có noi sự vật hay chỉ nơi trí khôn? (2) phải chăng chân lý có nơi trí khôn phối hợp và phân chia? (3) so sánh chân lý với hữu thể (4) So sánh chan lý với điều thiện hảo; (5) phải chăng Thiên Chúa là chân lý? (6) mọi vật đều chân thật với một chân lý duy nhất hay nhiều ?(7) về sự hằng cửu của chân lý (8)về sự bất khả biến của chân lý. Lưu ý, thánh Tôma nại đến Ngũ đạo qua con đường thứ tư để luận bàn đến các mức độ chân lý cho đến Chân Lý Tối Cao, tức là Thiên Chúa.

Luận giải: Chân lý là sự tương hợp của sự vật và lý trí[86]. Chân lý cư ngụ cách mo thể trong lý trí vốn phán đoán đúng đắn về sự vật thực sự là. Thật vậy, đây là chân lý của sự suy tư. Cũng có cái được gọi là chân lý hữu thể học. Nó hệ tại trong sự hòa hợp tất yếu giữa sự vật và trí năng của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa biết mọi sự một cách hoàn bị, nên sự vật phụ thuộc vào tri thức này để hiện hữu thậm chí có khả thể hiện hữu.

Chân lý thuộc mô thể và chân lý thuộc lý trí hiện diện trong phán đoán đích thực của lý trí trong thực tại. Nếu lý trí thụ tạo phán đoán sai lầm, thì nó hiện diện trong trạng thái sai lầm của lý trí. Chân lý không hiện diện trong ý tưởng hoặc khái niệm của lý trí, nhưng trong phán đoán mà nhờ đó lý trí tuyên bố đồng thuận và bất đồng về các ý tưởng và thực tại mà các ý tưởng này trình bày[87].

Một sự vật khả tri và có thể được nhận thức và được tuyên bố bởi lý trí xét ở mức độ nó hiện hữu. Vì phàm chi là hữu thể thì càng khả chi bấy nhiều. Từ đó, hiện hữu và điều chân thật thực sự đồng nhất. Giữa chúng, chỉ có một sự phân biệt thuộc lý trí, chứ không phải thực tế[88].

Theo thực tế, thì điều thiện hảo và chân thật đồng nhất với hữu thể, nhưng khác nhau về lý tính. Theo đó, điều chân thật, xét cách tuyệt đối có trước thiện hảo. Vì điều chân thật thì liên hệ với nhận thức còn điều thiện hảo thì liên hệ đến dục vọng, nên theo lý tính điều chân thật có trước thiện hảo[89].

Thiên Chúa biết mọi sự cách hoàn bị khi Người biết chính mình. Ở đây chúng ta có sự hòa hợp tuyệt đối giữa người biết và đối tượng được biết. Thật vậy, sự hòa hợp này là sự đồng nhất. Chúng ta không chỉ nói rằng có chân lý trong trí năng của Thiên Chúa, hoặc Thiên Chúa có chân lý, phải nói rằng Thiên Chúa là Chân Lý[90]. Thiên Chúa là Chân Lý, hằng cửu, tuyệt đối, tối cao và hiện hữu đồng thời xét vì đồng nhất với bản tính và bản thể bất khả phân chia của Thiên Chúa.

Tất cả chân lý hiện diện trong trí năng của Thiên Chúa. Nhiều chân lý có thể hiện diện nơi lý trí thụ tạo. Nhiều chân lý có thể hiện diện trong cùng một lý trí, nhưng số lượng của chúng có thể gia tăng khi lý trí tạo ra ngày càng nhiều phán đoán chính xác.

Chỉ một mình nơi Thiên Chúa, chân lý mới hằng cửu. Con người có thể biết sự vật mà chúng chân thật một cách hằng cửu, và những sự vật này được cho biết là chân thật nơi chính chúng. Nhưng những chân lý này là chân thật chỉ vì Thiên Chúa biết hằng cửu các chân lý này là chân thật[91].

Chỉ trong Thiên Chúa bất biến, chân lý mới bất biến. Sự hiểu biết của con người không phải là sự lãnh hội bất biến. Lý trí thụ tạo có thể xem thường một số chân lý được nhận biết nào đó, hoặc quên những chân lý một khi đã được nhận thức. Những chân lý của Thiên Chúa thì hoàn toàn bất khả biến, và do chân lý này mà các vật tự nhiên được gọi là chân thật.[92]

2.3. Yêu thương

Tổng quan: Questio 20 nghiên cứu về tình yêu của Thiên Chúa xét như là hoạt động chính yếu của ý chí Thiên Chúa. Về tình yêu, thánh Tôma bàn đến bốn mục: (1) Nơi Thiên Chúa, có tình yêu chăng?, (2) Thiên Chúa có yêu mọi vật chăng? (3) Người có yêu điều nọ hơn điều kia chăng?, (4) Người có yêu những vật hoàn hảo hơn chăng?.

Luận giải: Nơi nào có ý chí, nơi đó có tình yêu. Vì tình yêu là hoạt động nền tảng của ý chí. Vì Thiên Chúa là ý chí, nên Thiên Chúa là tình yêu[93].

Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi sự vật hiện hữu vì các sự vật này hiện hữu nhờ ý chí của Thiên Chúa, tức là tình yêu của Người muốn sự hiện hữu, yếu tính và bản thể của các sự vật, nên Người yêu mến mọi vật[94]. Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa khác với tình yêu của con người. Tình yêu của con người bị lôi cuốn đến những sự vật xét vì sự thiện hảo mà con người tìm thấy nơi sự vật đó, còn tình yêu của Thiên Chúa tạo nên sự thiện hảo nơi sự vật.

Thiên Chúa yêu mến một số thụ tạo này hơn một số thụ tạo khác, vì Người trao ban sự hoàn bị cho các sự vật này nhiều lớn hơn các sự vật khác[95]. Ví dụ cây cối có sự hoàn bị lớn hơn sự vật vô sinh, động vật có sự hoàn bị lớn hơn thực vât, và con người có sự hoàn bị lớn hơn động vật. Trong mỗi trường hợp, sự hoàn bị càng lớn thì tình yêu Thiên Chúa dành cho thực tại đó càng lớn.

Thiên Chúa muốn và yêu mến các các thụ tạo này hơn các thụ tạo khác xét vì các thụ tạo này có sự thiện hảo lớn hơn xuất phát từ ý chí của Thiên Chúa[96].

2.4. Công bằng và thương xót

Tổng quan: Sau khi tìm hiểu tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta nghiên cứu công bằng và thương xót. Vì hai ưu phẩm này hiện hữu nơi ý chí của Thiên Chúa, hoạt động của ý chí là tình yêu. Vấn đề đặt ra là các nhân đức trụ có nơi Thiên Chúa không. Chắc chắn là không vì chúng hàm chứa sự bất toàn, lệ thuộc và thấp kém. Nhưng đức công bằng và lòng thương xót, được thanh lọc khỏi mọi khuyết điểm, có thể và thực sự có nơi ý muốn của Thiên Chúa.  

Trong Questio 21, thánh Tôma bàn luận trong 4 mục: (1), Nơi Thiên Chúa có đức công bằng chăng?, (2) Đức công bằng của Người có thể được gọi là chân lý chăng?, (3) Nơi Thiên Chúa có lòng thương xót chăng, (4) nơi mọi công trình của Thiên Chúa, đức công bằng và lòng thương xót đều rạng ngời chăng?

Luận giải: Thánh Tôma khẳng định có hai loại công bằng. Thứ nhất là công bằng cung và cầu, gọi là công bằng giao hoán, như mua bán và những hiệp định trao đổi. Nơi Thiên Chúa không có sự trao đổi sự thiện hảo giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Tất cả thiện hảo đều phát xuất từ Thiên Chúa. Loại thứ hai được gọi là công bằng phân phối, bao gồm sự trao ban thiện hảo theo nhu cầu của đối tượng thụ lãnh. Đây là sự công bằng nơi Thiên Chúa, Đấng trao ban thiện hảo cho tất cả mọi sự hiện hữu bất cứ điều gì hợp với tình trạng của hữu thể[97].

Đôi khi, công bằng của Thiên Chúa được gọi là chân lý xét vì nó đáp ứng các nhu cầu được nhận biết của thụ tạo và chân lý thuộc về sự hiểu biết[98].

Khi trao ban sự thiện hảo cho thụ tạo, Thiên Chúa biểu lộ sự thiện hảo của Người, khi đáp ứng những nhu cầu của thụ tạo, Thiên Chúa biểu lộ sự công bằng. Khi trao ban tất cả những gì hữu ích, Thiên Chúa biểu lộ lòng quảng đại, và khi trao ban những gì chống lại đau khổ và khiếm khuyết, Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót của Người[99].

Trong tất cả công trình của Thiên Chúa, công bằng và thương xót rất hiển nhiên[100]. Công bình và thương xót là những hoàn bị đơn thuần, và đồng nhất với yếu tính của Thiên Chúa. Khi sáng tạo, Thiên Chúa loại bỏ đau khổ của sự không hiện hữu, đây là thương xót. Khi cung cấp mọi thứ mà thụ tạo cần đến, Thiên Chúa biểu lộ sự công bằng.

3.Một số nhận định về thần học thánh Tôma liên quan các ưu phẩm của Thiên Chúa.

Thánh Tôma luôn sử dụng lý trí và mạc khải để tìm hiểu Thiên Chúa và các thụ tạo. Thật vậy, nếu thánh nhân chỉ đơn thuần dùng triết học hay lý trí để tìm hiểu về Thiên Chúa thì đó chỉ là Thiên Chúa của suy tư, của triết lý. Còn nếu thánh Tôma chỉ dùng mạc khải để trình bày về Thiên Chúa, thì vô hình chung, Thiên Chúa lại trở nên huyền hoặc và thiếu thuyết phục. Với khả năng hiểu biết phi thường về kho tàng mạc khải của Kinh Thánh và Tông truyền đồng thời với lý trí tổng hợp, phân tích, đối chiếu, suy luận sắc sảo và chặt chẽ, thánh Tôma đã làm cho thần học và triết học không còn mãu thuẫn với nhau nữa vì cả hai cùng phản ánh một thực tại là Chân Lý Tối Thượng.

3.1.Vai trò của lý trí

Đối với thánh Tôma vai trò của lý trí rất quan trọng. Người ta không thể suy nghĩ hợi hơt rồi vội vàng đưa ra kết luận. Lý trí phải trải qua một quá trình suy tư lâu dài. Khởi đầu bằng việc thiết lập các tiền đề bằng những luận cứ vững chắc của triết học. Sau đó lý trí có nhiệm vụ bảo vệ các tín điều. Tiếp đó, lý trí có nhiệm vụ đúc rút ra những chân lý mới từ các chân lý được mạc khai. Cuối cùng. Nhiệm vụ của lý trí là cố gắng hiểu biết và lý giải mạc khải càng rõ ràng càng tốt. Ví dụ từ chân lý “Thiên Chúa là Hữu Thể Lập Hữu”, bằng nhưng suy luận của triết học cùng với Kinh Thánh và các giáo phụ, thánh Tôma đã luận giải các ưu phẩm của Thiên Chúa như: đơn nhất, bất biến, vô hạn, duy nhất…

3.2.Vai trò của Kinh Thánh

Thánh Tôma khẳng định mạc khải của Thiên Chúa phải tìm kiếm trong Thánh Kinh như nguồn mạch chính. Kinh Thánh có thẩm quyền tuyệt đối. Thật vậy, trong Tổng luận Thần học Summa Theologica, thánh Tôma luôn luôn sụ dụn g, tham chiếu và đặt nền trên Kinh Thánh. Tuy nhiên, ngài quả quyết phải hiểu Kinh Thánh một cách đúng đắn. Ngài luôn tuân phục thẩm quyền của Giáo Hội vì Giáo Hội hiểu chính xác hơn với sự trợ giúp của Tông Truyền. Trong đó, Đức Giáo Hoàng là người quyết định các vấn đề đức tin.

Như vậy, đối với thánh Tôma, Kinh Thánh vai trò vô cùng quan trọng trong suy tư thần học của ngài.

3.3. Thế giá của các giáo phụ

Đọc qua Tổng luận Thần học Summa Theologica, người ta thấy thánh Tôma trích dẫn rất nhiều tư tưởng của các giáo phụ, không những ở Tây Phương mà còn cả ở Đông Phương. Ví dụ trong Questio 4 bàn về sự hoàn bị của Thiên Chúa, thánh Tôma trích dẫn tư tưởng: thánh Grêgôriô, Dionysiô. Tuy nhiên, vị giáo phụ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với Tôma là thánh Augustinô (trích 250 lần trong Tổng luận). Khi trích dẫn các giáo phụ, thánh Tôma cho thấy rằng ngài trân trọng thế giá và truyền thống của các giáo phụ, bởi các ngài là những người đã gìn giữ Đức tin qua những giai đoạn đầy khó khăn của Giáo hội.

Tóm lại. triết học-thần học của thánh Tôma luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong Giáo hội vì tư tưởng của ngài về căn bản là đúng, làm sáng tỏ giáo lý mạc khải cách tuyệt mỹ, sự dụng Kinh Thánh và giáo phụ rất nhiều, sau cùng tổng hợp vừa sáng sửa vừa hoàn chỉnh sâu sắc.[101]

Kết luận:

Qua cách trình bày các ưu phẩm của Thiên Chúa, thánh Tôma cho thấy Thiên Chúa là Đấng đầy yêu thương, luôn đồng hành và giúp đỡ con người trong mọi biến cố cuộc đời. Chính nơi Ngài mà chúng ta trở nên sung mãn ngõ hầu đạt tới cứu cánh đời mình. Thiên Chúa không chỉ hiện hữu thuần tuý, bất động, nhưng là một Hữu Thể Tuyệt Đối có sự duy nhất giữa ý chí và lý trí, giữa hiện hữu và yếu tính. Ngài mang trong mình những ưu phẩm tuyệt đối. Thiên Chúa hiện hữu và bản tính của Người không phải là bất khả tri đối với trí tuệ con người, nhưng với lý trí con người có khả thể nhận biết Người, dù không trọn vẹn.

Viết về tầm ảnh hưởng của thánh Tôma, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “ Để làm sáng tỏ hơn nữa các mầu nhiệm cứu độ, các sinh viên phải học hỏi, thấm nhuần các mầu nhiệm ấy với sự giúp đỡ của lý trí suy tư, dưới sự hướng dẫn của thánh Tôma”[102] và “ Hội thánh luôn tìm cách chứng minh rằng đức tin và lý trí đều làm chứng cho sự thống nhất của mọi chân lý. Giáo hội theo đuổi mục tiêu này theo phương pháp của các thày dạy tiền bối, nhất là thánh Tôma Aquinô.”[103] Quả vậy, nghiên cứu và học hỏi thần học của thánh Tôma sẽ giúp chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa vì Người là cùng đích cuộc đời.

 

 

 

 


[1] SGLCG, bản dịch của UBGLĐT-HĐGMVN, (Hà Nội: Tôn giáo, 2010), số 27.

[2] Peter A. Angeles, “Attribute”, Dictionary of Philosophy (New York: Hamper Collins, 1992), tr. 24.

[3] W. Tozer, The Attributes of God: The Their Meaning in the Christian Life(SanFrancisco: Harper, 1978), tr. 1.

[4] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử Triết học Tây Phương, tập 1 (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 1998) tr. 185-186.

[5] Samuel Enoch Stuff & Donald Abel, Lịch sử triết học và các luận đề, (Tp. HCM: Tồng hợp, 1998), tr. 81-82.

[6] William F. Lawhead, Hành trình khám phá thế giới triết học Phương Tây, (Hà Nội: Từ điển Bách khoa, 2012), tr. 98.

[7] Frederick Copleston, S.J, A history of Philosophy, volume II: Medieval Philosophy, (New York: Doubleday, 1993), tr. 2- 6.

[8] x. Samuel Enoch Stuff & Donald Abel, Nhập môn triết học Phương Tây, biên dịch Lê Văn Hy (Tp.HCM: Tổng Hợp, 1998) tr. 48.

[9] x. William F. Lawhead, Hành trình khám phá thế giới triết học Phương Tây (Hà Nội: Từ điển Bách khoa, 2012), tr. 244-247.

[10] x. Dagobert. D. Runes, Lịch sử triết học: Từ cổ đại đến cận đại (Tp. HCM: Văn hóa Thanh niên, 2009), tr. 408.

[11] x. Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant (Sài Gòn: Văn Việt, 1974) tr. 288.

[12] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử Triết học Tây Phương, tập IV: Thời hiện đại (Học viện Đa Minh, 1998) tr. 3-6.

[13] Adabert-G. Hamman, Để đọc các Giáo phụ (Tp.HCM: Tôn Giáo, 2014) tr. 120.

[14] Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2012), tr. 385.

[15] Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập II: Thời các giáo phụ (Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình, 2016), tr. 193.

Xem thêm Heinrich Denzinger, Tín biểu và định tín của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực Đức tin và phong tục, tập 1 ( Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2013).

[16] Heinrich Denzinger, Tín biểu và định tín của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực Đức tin và phong tục, tập 1 ( Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2013), tr. 451.

[17] Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2012), tr.387.

x. Millar J. Erickson, Christian Theology (Michigan: Baker Book House, 1990), tr. 266-267.  

[18] ST, I, q.13 a. 4.

[19] Reginal Garrigou Lagrange, O.P., The one God: The commentary on the first part of St. Thomas theological Summa,( New York: Fontibus Company, 1943), tr. 157.

[20] ST, I, q. 12, a 8.

[21] Joshep M. de Torre, Christian Philosophy (Manila: Sinag-tala, 1980), tr. 138.

[22] Pseudo Dionysius là tác giả vô danh vào cuối thể kỷ IV. Ông là một ẩn sĩ dưới bút danh Areopagita (Cv 17, 34) mà các cuộc nghiên cứu đến nay vẫn chưa nhạn dạng được . Ông viết bốn tác phẩm trong đó có Bàn về Danh Xưng Thiên Chúa. Thánh Tôma đã đúc kết phép loại suy từ tác phẩm này.

x. Adabert-G. Hamman, Để đọc các Giáo phụ (Tp.HCM: Tôn Giáo, 2014) tr. 258.

[23] De Potentia, 7. 5 ad. 14

[24] ST, I, q. 13 a. 2.

[25] ST, I, q.13.a.11. Thánh Tôma viết: “dicendum quod hoc nomen Qui est triplici ratione est maxime proprium nomen Dei.”

[26] Etiene Gilson, The Christian Philosophy of St. Thomas Aquinas, (Indiana: Notre Dame, 2013), tr. 95.

[27] x. ST, I, q. 13, a. 3 hay ST, I, q. 13, a. 3 a.4, ad 2, 3.               

[28] Reginal Garrigou Lagrange, O.P., The one God: the commentary on the first part of St. Thomas theological Summa ( New York: Fontibus Company, 1943), tr. 164.

[29] x. ST, I, q. 4. a.3

[30] x. ST, I, phần giới thiệu q. 13 và q. 14.

[31] x. ST, I, q.13, a. 3.

[32] Reginal Garrigou Lagrange, O.P., The one God: the commentary on the first part of St. Thomas theological Summa,( New York: Fontibus Company, 1943), tr. 167.

[33] x. ST, Ia, q. 28, a.2.

[34] x. ST, q. 13, a.4,5.

[35] Reginal Garrigou Lagrange, O.P., The one God: the commentary on the first part of St. Thomas theological Summa,( New York: Fontibus Company, 1943), tr. 170.

[36] x. ST, I, q. 3, a.1

[37] x. ST, I q. 3, a.2. 3.

[38] x. ST, I, q. 3, a. 4.

[39] x. ST, I, q. 3, a. 5

[40] x. ST, I, q. 3, a.6

[41] x. ST, I, q. 3, a. 7

[42] x. ST, I, q. 3. a.8

[43] x. ST, I, q. 4. a.1

[44] x. ST, I, q. 4. a.2

[45] x. ST, I, q. 4. a.3

[46] x. ST, I, q. 6. a.1

[47] x. ST, I, q. 6. a.2

[48] x. ST, I, q. 6. a.3

[49] x. ST, I, q. 6. a.4

[50] x. ST, I, q. 7. a.1.

[51] x. ST, I, q. 7. a.2.

[52] x. ST, I, q. 7. a. 3, ad. 1.

[53] x. ST, I, q. 7. a.4, ad. 3.

[54] x. ST, I, q. 8. a.1.

[55] x. ST, I, q. 8. a.2.

[56] x. ST, I, q. 8. a.3, ad. 1,2,3,4.

[57] x. ST, I, q. 8. a.4.

[58] x.ST, I, q. 9. a.1.

[59] x. .ST, I, q. 9. a.2.

[60] ST, I, q. 10. a.1.

[61] x. ST, I, q. 10. a.2.

[62] x.ST, I, q. 10. a.3.

[63] x. ST, I, q. 10. a.4.

[64] x. ST, I, q. 10. a.5

[65] x. ST, I, q. 10. a.6, ad. 3.

[66] x. ST, I, q. 11, a. 1, ad. 1

[67] x. ST, I, q. 10, a.2.

[68] x. ST, I, q. 10, a.3.

[69] x. ST, I, q. 10, a.4.

[70] x. ST, I, q. 14, a.1, ad. 1.

[71] x. ST, I, q. 14, a.2.

[72] x. ST, I, q. 14, a.3.

[73] x. ST, I, q. 14, a.4.

[74] x. ST, I, q. 14, a. 5.

[75] x. ST, I, q. 14, a. 6.

[76] x. ST, I, q. 14, a. 7.

[77] x. ST, I, q. 14, a. 8.

[78] x. ST, I, q. 14, a. 9.

[79] x. ST, I, q. 14, a.10.

[80] x. ST, I, q. 14, a.11.

[81] ST, I, q. 14, a.12.

[82] x ST, I, q. 14, a.13.

[83] x ST, I, q. 14, a.14

[84] x ST, I, q. 14, a.15.

[85] x. ST, I, q. 14, a.16.

[86] x. ST, I, q. 16, a. 1.

[87] x. ST, I, q. 16, a. 2.

[88] x. ST, I, q. 16, a. 3

[89] x. ST, I, q. 16, a. 4

[90] x. ST, I, q. 16, a. 5

[91] x. ST, I, q. 16, a. 6.

[92] x. ST, I, q. 16, a. 8

[93] x. ST, I, q. 20, a. 1.

[94] x. ST, I, q. 20, a. 2.

[95] x. ST, I, q. 20, a. 3

[96] x. ST, I, q. 20, a. 4.

[97] x. ST, I, q. 21, a. 1.

[98] x. ST, I, q. 21, a. 2.

[99] x. ST, I, q. 21, a. 3.

[100] x. ST, I, q. 21, a. 4.

[101] E. J. Gratsch, Tổng quát về Summa Theologiae, Bd. Fr. Tôma Trần Ngọc Túy, O.P. (Tp.HCM: Học viện Đa Minh, 2009-2010), tr. 22.

[102] Vaticanô II, Optatam totius, số 16.

[103] Vaticanô II, Gravissimum educationis, số 10.

***************************************

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1.Kinh Thánh

Kinh Thánh. Bản dịch của nhóm CGKPV. Hà Nội: Tôn giáo, 2011.

2.Tài liệu huấn quyền

Công đồng Vaticanô II. Bản dịch của UBGLĐT-HDDGMVN. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.

Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo.Bản dịch của UBGLĐT-HĐGMVN. Hà Nội: Tôn giáo, 2010.

3.Sách

Tôma Aquino. Summa Theologica. Phần I: Thiên Chúa Nhất Thể, vấn đề 1- 26. Bd. Joakim Nguyễn Văn Liêm và các tgk. Tp.HCM: Học viện Đa Minh, 2002.

Reginal Garrigou Lagrange, O.P. The one God: the commentary on the first part of St. Thomas theological Summa. New York: Fontibus Company, 1943.

Paul J. Glen. A Tour of Summa of St. Thomas Aquinas. Illinois: Tan Books and Publisher Inc, 1993.

Francis Selman. A basic introduction to the thought of Saint Thomas Aquinas. Indiana: Notre Dame, 2007.

Tổng quát về Summa Theologica. Bd. Fr. Tôma Trần Ngọc Túy, O.P. Tp.HCM: Học viện Đa Minh, 2009-2010.

Brian Davies. The thought of Thomas Aquinas. New York: Oxford University Press, 1993.

Gerard J. Hughes. The Nature of God. New York: Routledge, 1995.

Phan Tấn Thành. Mầu nhiệm Thiên Chúa . Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2012.

Heinrich Denzinger. Tín biểu và định tín của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực Đức tin và phong tục. Tập 1.Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2013.

Phan Tấn Thành. Về Nguồn. Tập II: Thời các giáo phụ. Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình, 2016.

Adabert-G. Hamman. Để đọc các Giáo phụ. Bd. Minh Thanh Thủy và Lm. Trần Ngọc Anh. Tp.HCM: Tôn Giáo, 2014.

Frederick Copleston, S.J. A history of Philosophy. Volume II: Medieval Philosophy. New York: Doubleday, 1993.

Joshep M. de Torre. Christian Philosophy. Manila: Sinag-tala, 1980.

Etiene Gilson. The Christian Philosophy of St. Thomas Aquinas. Indiana: Notre Dame, 2013.

Samuel Enoch Stuff & Donald Abel. Lịch sử Triết học và các Luận đề. Tp. HCM: Tồng hợp, 1998.

William F. Lawhead. Hành trình khám phá thế giới triết học Phương Tây. Hà Nội: Từ điển Bách khoa, 2012.

Nguyễn Trọng Viễn. Lịch sử Triết học Tây Phương. Tập 1, 2, 3, 4. Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 1998.

The Attributes of God: The Their Meaning in the Christian Life. SanFrancisco: Harper, 1978.

Samuel Enoch Stuff & Donald Abel, Nhập môn triết học Phương Tây. Bd. Lê Văn Hy. Tp.HCM: Tổng Hợp, 1998.

Trần Thái Đỉnh. Triết học Kant. Sài Gòn: Văn Việt, 1974.

Richard H. Popkin & Avrum Stroll. Philosophy made Simple. New York: Doubleday, 1993.

4. Từ điển

Peter A. Angeles. Dictionary of Philosophy. New York: Hamper Collins, 1992.

John C. Trauman. Latin and Enghish Dictionary. New York: Bantam Book, 2007.