Richard Landes
Trích Thời sự Thần học, Số 75 – 02/2017
——————————
NHẬP ĐỀ
Cánh chung luận (Eschatology) là đạo lý về những thực tại cuối cùng. Đây là một thuật ngữ thuộc các tôn giáo Tây phương (Đạo Do thái, Kitô, Islam) liên quan đến niềm tin về sự kết thúc của lịch sử, sự phục sinh, thời đại của Đấng Mêsia, và sự thưởng phạt. Các nhà nghiên cứu lịch sử các tôn giáo đã áp dụng thuật ngữ CCL cho những chủ đề tương tự nơi các tôn giáo sơ khai, các nền văn minh ở Địa-trung-hải và Trung đông cũng như cho các tôn giáo bên Đông phương. Những khuôn mẫu cánh chung cũng được gặp thấy nơi các phong trào giải phóng chính trị. Các chủ đề CCL được gắn liền với những quan niệm về sự tận cùng: linh hồn bất tử, phục sinh, luân hồi, tận thế. Những đề tài cánh chung có thể liên quan đến cá nhân hay tập thể, thậm chí đến cả toàn thể nhân loại và vũ trụ. Các đề tài ấy có thể tác dụng đến hoạt động chính trị. Những ai chỉ chú trọng đến cánh chung cá nhân thì thường không muốn dính líu đến chính trị: họ cho rằng sau khi chết, mỗi người sẽ chịu phán xét về các hành vi cá nhân. Đối lại, những quan điểm cánh chung tập thể thường gợi lên sự dấn thân chính trị để thay đổi thế giới, chuẩn bị cho việc thiết lập công lý trên thế giới vào thời sau hết.
Dù sao, quan điểm CCL bắt nguồn từ Kinh thánh của đạo Do thái, đặt nặng các biến cố lịch sử. Thế nhưng các đạo khác lại có quan điểm về “lịch sử” khác hẳn với Kinh thánh: họ không nghĩ rằng lịch sử có một “chung cục” (tận cùng), nhưng họ quan niệm thời gian theo mô hình của “chu kỳ hủy diệt và tái sinh”. Vì thế, chúng ta nên phân biệt hai thứ CCL: “huyền thoại” (mythical) và “lịch sử” (historical).
A. CCL huyền thoại và lịch sử
1/ CCL “huyền thoại” quan niệm thời gian như một chu kỳ. Vào lúc khởi nguyên, các luật lệ và trật tự đã được thiết lập. Thế nhưng, lề luật và trật tự bị suy thoái và vũ trụ rơi vào hỗn mang; vì thế cần phải quay trở về thời khai nguyên vũ trụ để được cứu vãn. Hoạt động của các thần linh và của con người nhằm chống lại sự hỗn mang để đưa vũ trụ trở về thời nguyên sơ. Nói khác đi, CCL huyền thoại có thể định nghĩa như là “huyền thoại quay về khởi nguyên” (myth of the eternal return), trở về với thời buổi hoàng kim lúc ban đầu. Việc trở lại này được diễn ra qua các buổi lễ nghi phụng tự lặp lại thủơ nguyên sơ.
2/ Trái lại, CCL “lịch sử” không dựa trên những gì đã diễn ra vào thời nguyên sơ, nhưng đặt nền trên những biến cố lịch sử, và tiến tới tương lai. Lịch sử không lặp lại, nhưng sẽ tìm thấy ý nghĩa trong sự viên mãn tương lai.
Ta có thể nhận ra CCL lịch sử nơi niềm tin của đạo Do thái. Niềm tin dựa trên cuộc Xuất hành và nhắm đến sự tỏ lộ vinh quang Thiên Chúa cho mọi dân tộc. CCL Kitô giáo cũng mang tính lịch sử. Niềm tin dựa trên cuộc Phục sinh của Đức Kitô và hướng đến việc thiết lập triều đại Thiên Chúa cách vĩnh viễn.
B. Những dạng thức của CCL lịch sử: cứu tinh, thiên niên, khải huyền
CCL lịch sử có thể được diễn tả qua một trong ba dạng thức sau đây: cứu tinh, thiên niên, khải huyền. Cả ba dạng thức này bắt nguồn từ đạo Do thái và đạo Kitô, nhưng được các nhà xã hội học đã mở rộng đến các trào lưu tương tự nơi các tôn giáo khác hoặc các phong trào chính trị.
1/ Dạng thức Cứu tinh (messianism gốc bởi messiah, mashiah trong tiếng Do thái có nghĩa là: người được xức dầu), nhắm đến một nhân vật cứu tinh; vị này dẫn dắt dân Chúa đang bị chèn ép đến một tương lai tốt đẹp hơn. Sứ điệp mang tính cách giải phóng xã hội.
2/ Dạng thức Khải huyền (apocalypticism, gốc Hy lạp có nghĩa là: vén màn) hứa hẹn một sự can thiệp bất ngờ của Thiên Chúa đến hủy diệt thế giới này, và thay thế bằng một thế giới mới được xây dựng trên đức công chính của Thiên Chúa. Khuôn mẫu của mô hình này là sách Đaniel trong Kinh thánh Do thái và sách Khải huyền trong Kinh thánh Kitô giáo. Nên biết là có khá nhiều tác phẩm khải huyền trong cả hai tôn giáo ấy tuy không được nhìn nhận vào sổ quy thư, thí dụ như: các sách ông Enoch, sách Esdras II, Khải huyền của thánh Phêrô.
3/ Dạng thức Thiên niên (millennialism gốc Latinh có nghĩa là một ngàn năm) hướng đến việc thiết lập một vương quốc thái bình thịnh vượng ở trên địa cầu này, trong đó Chúa Kitô và các thánh nhân ngự trị, sau khi đã tiêu diệt mọi quyền lực sự dữ (Sách Khải huyền chương 20). Đặc trưng của dạng thức này là nhấn mạnh đến chiều kích tập thể của nhân loại ở trên đời này, thay vì đề cao chiều kích cá nhân ở nơi vĩnh hằng. Các nhà nhân học nhận thấy đề tài này xuất hiện nơi nhiều phong trào tôn giáo bên Tin lành (thí dụ: Cơ đốc phục lâm, Chứng nhân Giêhova) cũng như trào lưu văn hóa ngoài ảnh hưởng Kitô giáo.
I. CCL TRONG CÁC NỀN VĂN MINH SƠ KHAI VÀ CÁC TÔN GIÁO Á CHÂU
A. Các Tôn Giáo Sơ Khai
Mặc dù các tư tưởng cánh chung và cứu tinh bắt nguồn từ truyền thống của đạo Do thái và Kitô, nhưng những ý tưởng tương tự cũng gặp thấy ở nơi nhiều xã hội trên thế giới. Chẳng hạn như cư dân ở đảo Adaman (vịnh Bengal, Ấn độ dương) cho rằng tận thế sẽ xảy ra do lệnh của thần Puluga truyền cho một trận động đất nổi lên, làm phá hủy trái đất và chiếc cầu trên trời. Lúc ấy, các linh hồn của người chết sẽ sống lại, và sẽ hưởng cuộc sống hạnh phúc, không còn bệnh tật và chết chóc nữa. Vài bộ tộc thổ dân bên Úc cho rằng tận thế sẽ xảy ra khi nào trật tự luân lý do các thần đã quy định không còn được tuân giữ nữa.
Một vài dân tộc quan niệm thời cứu tinh như là nguyên tổ (thần linh hoặc tổ tông) sẽ trở lại. Dân Gabon (miền xích đạo châu Phi) tin rằng Kmvum (nguyên tổ) trước kia sống với họ, nhưng cách cư xử của họ đã gây ra “cuộc chia ly”. Họ tin rằng ngày trở về của nguyên tổ sẽ mang lại hạnh phúc, thịnh vượng. Cũng vậy, dân Tatar (Trung Á) tin rằng Tengere Kaira Khan (Thiên Hoàng) trước đây sống dưới trần thế, sẽ trở lại để phán xét mọi người theo việc làm của họ. Dân Salish (Đông Bắc Hoa kỳ) tin rằng trước khi lìa trần thế, Đấng Tạo hóa đã hứa với ông tù trưởng rằng ngài sẽ trở lại thế giới này vào ngày tận thế, và nhân loại sẽ được sống hạnh phúc.
Từ khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, đôi khi quan điểm cổ điển về việc trở về thời nguyên thủy được pha trộn với đề tài cứu tinh, pha lẫn màu sắc chính trị là lật đổ các chế độ thực dân, chẳng hạn như phong trào do ông Simon Kimnangu lãnh đạo ở Congo năm 1921 hoặc phong trào của ông Isaiah Shembe bên Nam Phi năm 1911.
B. Các tôn giáo Á châu
Các tôn giáo ở Nam Á châu không có CCL lịch sử giống như Tây phương, nhưng họ cũng có những CCL cá nhân hay phổ quát.
1/ Ấn giáo
CCL phổ quát của Ấn giáo có thể mô tả như là sự xoay vần của vũ trụ, nhưng không có tận cùng. Đặc trưng của nó là những “chu kỳ vũ trụ” (kalpas) với những thời khai nguyên và tàn lụi, tạo dựng và phá hủy. Mỗi kalpa bao gồm 2000 “đại kiếp” (mahayugas), mỗi đại kiếp kéo dài 4.320.000 năm, chia thành bốn “tiểu kiếp” (yugas), với khoảng cách không đều nhau, từ dài đến ngắn. Chúng ta đang sống vào yuga thứ tư, gọi là kaliyuga (sa đọa, không kiếp) dài 432.000 năm, và sẽ kết thúc với sự tan rã. Thời gian sẽ được kết thúc bởi kalki, lần giáng thế cuối cùng của thần Vishnu; sau đó sẽ đến thời hoàng kim của công chính và hòa bình.
CCL cá nhân cũng được trình bày theo lối chu kỳ: sinh – tử – tái sinh. Đạo lý cánh chung liên quan đến các chu kỳ ấy, và cách thức để giải thoát khỏi các chu kỳ (moksha). Chu kỳ bị chi phối với karma (nhân quả: các hành vi gây ra những hậu quả ở đời này và đời sau), quyết định số phận của mỗi linh hồn. Sau khi chết, các linh hồn có thể được đưa vào thiên cung hay địa ngục, tùy theo các đức hạnh hoặc nết xấu, trước khi chịu đầu thai làm người, thú vật, côn trùng hoặc thảo mộc. Tuy nhiên, một vài linh hồn cực kỳ xấu xa sẽ bị kết án trừng phạt vĩnh viễn: một vài linh hồn sẽ được cứu độ, nghĩa là được đưa lên trời cao với các thần linh, nơi họ được hưởng niềm vui. Trong Ấn giáo cận đại, sự cứu độ được giải thích như là linh hồn được đồng hóa với Thượng đế, nhờ lấy lại ý thức toàn vẹn mà linh hồn đã bị mất khi còn chịu giam trong thân xác: linh hồn (atman) nhận thức sự đồng hóa với Tuyệt đối (brahman), nhờ vậy nó được giải thoát khỏi vòng quả báo và đầu thai.
2/ Phật giáo
Phật giáo bao hàm một CCL cứu độ. Giáo lý nhà Phật dựa trên quan niệm rằng mọi sự đều là đau khổ và vô thường: thế giới này ảo ảnh, và sự bám víu vào thế giới chỉ mang lại khổ đau. Đó là chân lý nòng cốt của Tứ diệu đế, bao gồm cả con đường giải thoát khỏi đau khổ. Để diệt trừ đau khổ và được giải thoát khỏi vòng luân hồi, đức Phật Thích Ca đã đề ra bát chính đạo, nhờ đó con người đạt tới nirvana (tiếng Phạn có nghĩa là: dập tắt). Như vậy, mục tiêu của Phật giáo là cánh chung, theo nghĩa là liên quan đến số phận của cá nhân con người.
Trong Phật giáo cũng có những quan điểm khác nhau về CCL. Chẳng hạn hình ảnh cứu tinh có thể nhận thấy phái Đại thừa, qua những vị Bồ tát khước từ nhập niết-bàn để giúp các chúng sinh cũng đạt tới trạng thái đó; hoặc quan niệm về Đức Di Lặc Bồ tát (Maitreya). Ở Trung Hoa, có nơi tin rằng Đức Di Lặc đã hoặc sắp giáng trần, và niềm tin này đã dẫn tới việc thành lập những hội bí mật chống lại chính quyền.
C. Các nền văn minh cổ đại ở Địa Trung Hải
Các nền văn minh Ai cập và Hy lạp cổ đại mang quan niệm về thời gian một chiều. Vì thế người ta quan niệm rằng tận thế chỉ xảy đến một lần. Sau cuộc phán xét chung, một thế giới mới và thánh thiêng trường cửu sẽ được thiết lập. Các tôn giáo này cũng đề cập đến số phận các cá nhân trong âm phủ (hades) tối tăm.
II. CCL TRONG CÁC TÔN GIÁO TÂY PHƯƠNG
A. Đạo Zoroaster
CCL là một chủ đề trọng tâm của tôn giáo này: lịch sử thế giới là một cuộc giao tranh giữa các lực lượng Sáng và Lành chống lại các lực lượng Tối và Dữ. Trong khung cảnh của cuộc giao tranh hoàn vũ này, đạo Zoroaster đã phát triển những truyền thống về Vị Cứu tinh, tập trung vào vị sáng lập là ngôn sứ Zarathustra (tiếng Ba tư, viết theo tiếng Hy lạp là Zoroaster). Theo vài học giả, vị này xuất hiện muộn nhất là thế kỷ VI trước CN; một số học giả khác ấn định thời gian sớm hơn vào khoảng thế kỷ XVI-XIII trước CN. Ông đã khai trương cho thời kỳ cuối cùng của lịch sử thế giới (mỗi thời kỳ kéo dài 3000 năm). Tiếp theo ông, cứ mỗi thiên niên kỷ sẽ xuất hiện 3 vị “cứu tinh” nữa. Người cuối cùng (tên là Saoshiant) sẽ ra đời vào ngày tận thế. Ông sẽ được Thiên Chúa trao sứ mạng phục hưng thế giới và phục sinh người chết. Tiếc rằng thời gian trôi qua mà tận thế vẫn chưa đến, cho nên đạo Zoroaster biến thành tôn giáo nhị nguyên, và trở thành tôn giáo chính thức của đế quốc Ba-tư.
B. Islam
Theo sử học truyền thống, Islam không phải là một tôn giáo mang tính Cứu tinh. Theo những học giả khác, vào lúc đầu Islam là một tôn giáo khải huyền, và ông Muhammad là ngôn sứ loan báo “Ngày của Thiên Chúa”. Vài đề tài khải huyền của Kitô giáo (phán xét, phục sinh, quang lâm của Đức Giêsu) được nói đến trong Kinh Coran. Ngoài ra, giáo lý của dòng Shia chấp nhận CCL thiên niên và cứu tinh; còn dòng Sunna thì bài bác thuyết thiên niên nhưng chấp nhận thuyết cứu tinh.
Chắc hẳn do ảnh hưởng của Kitô giáo mà ngay từ đầu, đạo Islam đã tin vào một vị thiên sai chấn hưng đức tin (Mahdi): vị ấy có thể là một miêu duệ của Muhammad hoặc là chính đức ʿĪsa (Giêsu) trở lại. Kế đó là cuộc phán xét chung: người lành được lên thiên đàng, kẻ dữ phải xuống hỏa ngục. Giai đoạn trước ngày tận thế là thời kỳ đen tối, khi mà chính Thiên Chúa cũng lìa bỏ trái đất.
Mặc dù tất cả các người Islam đều tin vào sự xuất hiện của vị Mahdi, nhưng dòng Sunna cho rằng điều ấy là truyền thuyết chứ không phải là tín điều. Tuy vậy, vào những lúc khủng hoảng chính trị hoặc tôn giáo, thì đó đây nổi lên những người tự xưng là Mahdi (chẳng hạn như ở Sudan năm 1881 để chống lại chế độ đô hộ của người Anh). Còn dòng Shia thì tin rằng vị Mahdi sẽ trở lại; tuy vậy cũng có những phong trào ly khai, tạo ra những giáo phái mới, tựa như phái Druze, và Baha’i.
Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ III của kỷ nguyên Hồi giáo, một khuôn mặt cứu tinh khác đã hình thành: mujaddid, vị phục hưng cộng đồng Islam trở về sự tinh ròng sơ thủy. Không như các Madhi, vị mujaddid sẽ trở lại vào cuối mỗi thế kỷ. Vì thế không lạ gì mà cuối mỗi thế kỷ lại nổi lên các phong trào cải cách, canh tân. Ta có thể coi đó như là biểu hiện của quan điểm cánh chung khải huyền và cứu tinh.
C. Do thái giáo
Chúng tôi xin phân chia làm 3 thời kỳ: 1/ Thời xưa. 2/ Thời tiếp xúc với văn minh Hy lạp (Hellenistic). 3/ Thời Trung đại và cận đại.
1/ Thời xưa
Lòng tin của người Do thái dựa trên lời hứa của Thiên Chúa (St 1,1-3); lời hứa này nuôi dưỡng niềm hy vọng vào tương lai khi mà các lời hứa sẽ được hoàn tất. CCL của đạo Do thái bắt đầu từ lời Thiên Chúa hứa với ông Abraham sẽ ban cho ông và con cháu “một miền đất mênh mông, chảy sữa với mật ong” (Xh 3,8). Theo Ngũ thư, lời hứa bao gồm dân số đông đúc và tài sản phong phú cũng như sự chúc lành và hiện diện của Thiên Chúa (St 49,8-12; Ds 23,21; Đnl 33,13-17). Người Do thái giải thích sự bại trận trước quân thù (Assyria thế kỷ VII trước CN; Babylon thế kỷ VI trước CN) không phải vì sức mạnh của các lực lượng này, nhưng vì Thiên Chúa trừng phạt tội bất trung với lề luật. Trong bối cảnh đó, nảy ra khái niệm “Ngày của Giavê”, khi Thiên Chúa can thiệp để đánh tan các đế quốc và cứu thoát đoàn dân trung tín. Lòng tin này nuôi dưỡng niềm hy vọng vào vị cứu tinh xuất thân từ dòng dõi vua Đavit (2Sm 7).
Thực ra, giữa những cảnh hoang tàn của thế kỷ VIII trước CN, các ngôn sứ đã phát biểu nhiều mô hình cánh chung, gắn liền với “Ngày của Giavê” (Am 5,18). Ông Isaia nói đến sự phán xét phổ quát (Is 4,3; 6,13; 11,11; 37,31) trước khi Thiên Chúa cứu độ. Tuy nhiên, có khi ơn cứu độ được gắn liền với vị Cứu tinh (Is 7-12), có lúc mang tính cách thiên niên, khi mà các dân tộc sẽ đúc rèn khí giới thành cuốc thành cày, nghĩa là các dụng cụ phục vụ giai cấp thống trị biến thành dụng cụ phục vụ các nông dân. Những lời hứa này đã nuôi dưỡng niềm hy vọng của Israel sau khi đất nước bị chiếm đóng, dân tộc bị phát lưu: không những kẻ lưu đày sẽ được hồi hương, mà những người công chính thuộc muôn dân sẽ được cứu chuộc. Đó sẽ là một cuộc tạo dựng mới, một trái tim mới, một giao ước mới (Gr 31; Ed 36; Is 41 và 51).
Sách Đaniel (thế kỷ VI trước CN) bắt đầu sử dụng ngôn ngữ của biểu tượng và các ẩn số mà văn chương khải huyền của đạo Do thái và Kitô sẽ khai triển, chẳng hạn như “vương triều của Con Người”, tiếp theo sự sụp đổ của vương quốc thứ bốn của thế giới (x.chương 2 và 7). Như vậy, vị cứu tinh sẽ mang tên là “Con Người”, vừa hoàn tất lịch sử dân Israel vừa kết thúc lịch sử thế giới. Đặc trưng của sách Đaniel là tính cách “khải huyền”, nhấn mạnh đến sự can thiệp của Thiên Chúa trên thế giới này, để kiến tạo một kỷ nguyên hoàn toàn khác biệt với những thực tại của lịch sử. Quan điểm này khác với quan niệm của các ngôn sứ ở nhiều điểm, chẳng hạn như: sự can thiệp của Thiên Chúa hoàn toàn không tùy thuộc vào sự chuẩn bị của con người; sự can thiệp của Thiên Chúa xảy đến để cứu vãn thế giới đang rơi vào tuyệt vọng trước sự thống trị của sự dữ. Ngoài ra, sách Đaniel cũng gợi lên những trào lưu (trong đạo Do thái và những đạo khác) thích truy tầm ý nghĩa của các ẩn số, các nhân vật huyền bí, kể cả các thiên sứ.
2/ Thời tiếp xúc với văn minh Hy lạp
Trong suốt thời gian bị ngoại bang chiếm đóng (nhà Seleucid, đế quốc Roma và Byzantin, từ khoảng năm 200 trước CN đến năm 638 CN), vị cứu tinh trở thành trọng tâm của niềm hy vọng cánh chung.
Nhóm Qumran mong đợi hai vị cứu tinh: một Mêsia tư tế thuộc dòng Aaron và một Mêsia vua thuộc dòng Đavit. Hai vị này mang nhiệm vụ là tổ chức một trật tự chính trị xã hội phù hợp với ý Chúa. Tuy nhiên, dần dần vai trò của vị Mêsia vua trở thành huyền bí hơn, và được đồng hóa với Con Người (theo sách Đaniel 7,13) từ trời xuống để cứu vớt dân Chúa. Vào thời Công nguyên, hình ảnh khải huyền của Con Người đã khơi lên nhiều phong trào cách mạng chống lại sự đô hộ của đế quốc Rôma. Tuy nhiên, sau những sự thất bại của các cuộc khởi nghĩa, người ta bỏ qua hình ảnh khải huyền. Sách Mishna (k. năm 200 CN) không nhắc đến vị ấy nữa.
3/ Thời trung đại và cận đại
Trong dòng lịch sử, nhiều phong trào cứu tinh đã nổi lên, dựa trên sự tính toán của sách Đaniel, chẳng hạn như: Abū ʿĪsā al-Iṣfahānī (thế kỷ VIII) và David Alroy (thế kỷ XII) ở Ba tư, các phong trào mêsia ở các cộng đồng Do thái Tây Âu (thế kỷ XI và XII). Niềm tin vào Đấng Mêsia đã được đưa vào danh sách “13 tín điều” của triết gia Maimonides thời Trung đại.
Vào thời cận đại, người Do thái vẫn duy trì niềm tin vào sự cứu thoát thế giới tuy không nhấn mạnh đến cá nhân của vị Mêsia nữa. Cần phải nhìn nhận rằng chính niềm tin ấy đã nâng đỡ dân tộc trải qua bao nhiêu nỗi thăng trầm của lịch sử. Mặt khác, tuy quan điểm cứu tinh mang tính cách tâm linh huyền nhiệm, nhưng luôn bao hàm chiều kích chính trị xã hội. Thiết tưởng, đó là lý do của sự tham gia của nhiều người Do thái vào các phong trào cải cách, giải phóng xã hội trên thế giới (đừng quên rằng Marx là một người Do thái).
Mặt khác, Kinh thánh của đạo Do thái ít đề cập đến CCL cá nhân. Người ta không tôn kính người chết, cũng chẳng có quan niệm rõ ràng về cuộc sống sau khi chết. Niềm hy vọng về sự phục sinh để chịu phán xét (Đn 12,2) không biểu lộ lòng trông mong được cứu độ cho bằng niềm hy vọng vào sự chiến thắng của công lý cũng như niềm hy vọng rằng những người công chính sẽ được hưởng hoa trái trong vương quốc thiên niên.
D. Kitô giáo
Kitô giáo kế thừa quan niệm cánh chung lịch sử từ đạo Do thái. Nhưng CCL của Kitô giáo mang tính “cứu tinh” hay “khải huyền” hay “thiên niên”?
1/ Tân ước
Xưa nay, người ta vẫn cho rằng CCL của Kitô giáo mang tính “Cứu tinh”, bởi vì Đức Giêsu Nazareth đã được các môn đệ đầu tiên nhìn nhận như là “Kitô” (tiếng Hy-lạp Christos có nghĩa là kẻ được xức dầu, tương đương với Mesiah trong tiếng Do thái). Các sách Tin mừng cho thấy rằng Người thuộc dòng dõi vua Đavit (Lc 2,11). Người quả thật là Đấng cứu tinh của nhân loại.
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XX, nhiều nhà sử học cố gắng cho thấy rằng các bản văn Tân ước cũng hàm chứa CCL khải huyền và thiên niên. Thậm chí, Alfred Loisy chủ trương rằng Đức Giêsu rao giảng “triều đại Thiên Chúa” (Nước Trời) theo nghĩa khải huyền. Tiếc rằng các môn đệ đã vỡ mộng khi thấy giáo chủ của mình bị hành hình, và rồi họ đã sửa đổi thành quan niệm về Mêsia: vương quốc Thiên Chúa là một thực thể nội tại, tâm linh, chứ không phải là vương quốc chính trị. Đức Giêsu là Mêsia Con Thiên Chúa, chứ không phải là nhà cách mạng xã hội. Người bị giết không phải như một lãnh tụ cách mạng bị phản bội, nhưng như người Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, chết để cứu chuộc trần gian. Thánh Phaolô mở rộng tầm ảnh hưởng của Đức Kitô đến toàn thể nhân loại, chứ không chỉ giới hạn vào Israel. Nhờ sự chuyển hướng này mà Kitô giáo được tách rời khỏi đạo Do thái, và không bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá đền thờ Giêrusalem.
Vương quốc Thiên Chúa đã được thực hiện rồi, nhưng không theo nghĩa chính trị xã hội mà theo nghĩa tâm linh: con người được giải thoát khỏi tội lỗi và được giao hòa với Thiên Chúa. Vương quốc Thiên Chúa đã trở thành hiện thực trong lãnh vực tinh thần, và sẽ được hoàn tất khi Đức Kitô quang lâm.
Dù sao, não trạng khải huyền đã ăn sâu vào văn hóa Do thái, cho nên cũng còn gây ảnh hưởng trên các tác giả Tân ước. Họ quan niệm rằng thế giới này ở dưới quyền lực của sự dữ. Quyền lực của sự dữ cần phải bị tiêu diệt trước khi Đấng cứu tinh xuất hiện. Vì thế, cuộc quang lâm cũng được báo trước bằng những điềm thiêng dấu lạ (x. 1 Tx 4,16-17; Mc 13; Mt 24; Lc 21). Một cách cụ thể hơn nữa, các Kitô hữu ở thế kỷ I phải đương đầu với một thực trạng bi đát: ngoài cảnh những kẻ nghèo khổ bị bóc lột, họ còn bị bách hại vì đức tin bởi Đế quốc Roma. Đâu là sự thiết lập vương quốc Thiên Chúa? Trong bối cảnh đó, dựa trên đạo lý khải huyền của Đaniel, thánh Gioan biên soạn sách Khải huyền: Đức Kitô chính là Con Người, xuất hiện từ trời để thi hành sự xét xử và tiêu diệt các lực lượng sự dữ. Tác giả trình bày chân dung Đức Kitô như là Thẩm phán, khác với chân dung hiền hậu của các sách Tin mừng.
Tóm lại, theo vài sử gia, CCL Kitô giáo bắt đầu với quan điểm khải huyền, sau đó chuyển sang cứu tinh, nhưng rồi du nhập quan điểm thiên niên dưới một dạng khác. Cách riêng, sách Khải huyền của thánh Gioan lại xen thêm quan điểm thiên niên (chương 20, 1-6). Chắc hẳn đây là lý do vì sao nhiều Giáo hội không chấp nhận sách Khải huyền vào sổ quy thư. Cũng nên biết là chỉ có sách Khải huyền của thánh Gioan được nhận vào Tân ước, đang khi trong những thế kỷ đầu tiên có nhiều quyển Khải huyền được lưu hành (thí dụ của thánh Phêrô, Phaolô, Tôma).
2/ Hội thánh tiên khởi
Mặc dù các nhà lãnh đạo Giáo hội không chấp nhận thuyết thiên niên, nhưng đó đây có những phong trào truyền bá quan niệm này dưới nhiều hình thức.
Vào khoảng năm 156, ông Montanus tự xưng là ngôn sứ của giao ước thứ ba để loan báo một kỷ nguyên của Thánh Linh. Ông tiên báo thành phố Giêrusalem thiên quốc sắp sửa xuống trên thị trấn Phrygia (nay thuộc Thổ-nhĩ-kỳ). Phong trào này bành trướng mạnh mẽ trong đế quốc Roma và thu hút nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có Tertullianô. Không ít vị mục tử đã dẫn đoàn chiên lên sa mạc để nghênh đón Chúa Kitô quang lâm.
Để phản ứng lại những tai hại của thuyết thiên niên, các tác giả Kitô giáo tìm ra nhiều giải pháp.
– Giải thích 1000 năm theo nghĩa lịch sử tạo dựng (thí dụ Thư của ông Barnabê): Một ngàn năm ám chỉ thời kỳ mà Thiên Chúa nghỉ ngơi. Đối với Thiên Chúa, ngàn năm cũng giống như một ngày (Tv 90,4). Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày, đến ngày thứ bảy thì ngài nghỉ ngơi. Tương tự như vậy, lịch sử thế giới sẽ kéo dài 6 ngàn năm; sau đó sẽ là ngàn năm an bình thịnh vượng. Ông Hippolitô (thế kỷ III) cho rằng Đức Kitô giáng trần năm 5500 (AM: anno mundi, năm của thế giới, nghĩa là kể từ lúc tạo dựng vũ trụ). Vì thế tính cho đến thời của ông thì đã tới năm 5700, cho nên chỉ còn 300 năm nữa là Đức Kitô sẽ quang lâm.
– Ông Origene cho rằng Vương quốc Thiên Chúa tỏ hiện trong tâm hồn của người tín hữu, chứ không phải ở trên thế giới.
– Một thời cơ may mắn là kể từ hoàng đế Constantinô, đế quốc Rôma bắt tay với Giáo hội. Có những người coi đây như là thời kỳ an bình mà sách Khải huyền nói đến: pax Romana christiana.
Dù sao, như sẽ thấy sau, thuyết thiên niên thỉnh thoảng vẫn còn trở lại trong lịch sử Giáo hội dưới nhiều hình thức.
3/ Thánh Augustinô
Thánh Augustino (354-430) góp phần vào việc giải quyết thuyết thiên niên bằng hai cách.
– Một đàng, ngài chống lại những khuynh hướng đồng hóa chính quyền Rôma với Nước Thiên Chúa ở trần gian. Vị thánh tiến sĩ nhắc nhở rằng lịch sử diễn ra trên hai bình diện: trên trời và dưới đất. Thành đô trên trời, biểu hiện của sự trọn lành thánh thiện và kết hợp với Thiên Chúa, không thể nào nhìn thấy bởi những người còn ở dưới trần thế này, nơi mà thiện và ác trà trộn lẫn nhau. Sự hoàn thiện thiên niên không thể nào thực hiện ở dưới trần. Chỉ vào thời cánh chung, thiện và ác mới được tách rời. Bao lâu còn ở trên đời này, chúng ta không thể biết chính xác chừng nào sẽ tận thế hoặc tận thế xảy ra như thế nào. Mặt khác, đừng nên hiểu thiên niên như là thời đại thái bình trên địa cầu, nhưng là thời đại bình an ở trên trời; thời đại ấy đã được khai mào với việc Thiên Chúa thiết lập Giáo hội. Thánh Augustinô đã tránh đồng hóa vương quốc Thiên Chúa với đế quốc Roma, vì thế các tín hữu không bị giao động khi đế quốc sụp đổ trước sự tấn công của quân man di năm 410.
– Đàng khác, thánh Augustinô đã sống gần kề năm 500, mà theo sự tính toán của ông Hippolytô, sẽ đến lúc Chúa quang lâm. Ngài cho xét lại cách tính toán, lùi lại năm Chúa Giáng sinh là 5190 AM (chứ không phải là 5500 AM), vì thế năm 6000 AM sẽ xảy ra vào năm 801 CN (thay vì 500). Kế hoạch “hoãn binh” này (được đặt tên là AM II) đã trấn an người đương thời, khiến họ dần dần quên luôn cả kỷ nguyên thiên niên sau năm 6000.
4/ Thuyết thiên niên vào thời Trung đại và Cải cách
Mặc dù ảnh hưởng của thánh Augustinô rất lớn trong Giáo hội, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều chấp nhận những lối giải thích cánh chung của ngài. Các giáo hội Đông phương vẫn tiếp tục đồng hóa vương quốc Thiên Chúa với Đế quốc Rôma. Bên Tây phương, nhiều người đồng hóa vương quốc Thiên Chúa với đế chế Charlemagne. Đó là chưa kể những phong trào nổi lên loan báo Chúa Kitô sắp quang lâm, cách riêng vì dựa trên lời tiên đoán về năm 6000 AM.
Lần này, thánh Bêđa (k.673-735) lại sửa cách tính của ông Hippolytô, theo đó Chúa Giêsu giáng sinh vào năm 3952 AM (chứ không phải là năm 5500), vì thế mãi đến năm 2048 mới tròn 6000 năm. Dù sao, thay vì tính Chúa Giáng sinh theo năm vũ trụ (Anno Mundi), từ nay ta sẽ lấy năm Chúa Giáng sinh (Anno Domini = AD) làm khởi điểm cho lịch sử nhân loại. Thế nhưng, những ai áp dụng lối tính này thì lại rơi vào cơn khủng hoảng vào năm 1000, mà họ dễ móc nối với thuyết thiên niên. Trên thực tế, nhiều phong trào đã nổi lên tại châu Âu vào lúc sắp chấm dứt thiên niên kỷ, hoặc loan báo thái bình thịnh vượng hoặc, ngược lại, loan báo Quỷ vương ra đời, chuẩn bị ngày tận thế. Trong khi mà vào năm 1009, al-Ḥākim tàn phá mộ thánh ở Gierusalem, gây bao nỗi kinh hoàng, thì năm 1033, nhiều hội nghị nhân dân nhóm họp tuyên bố hòa bình, và mở lại con đường hành hương sang thánh địa. Điều này gây ra một não trạng mới, đó là thuyết thiên niên không tất yếu tùy thuộc vào sự can thiệp từ trời, nhưng con người có thể góp phần nhờ nỗ lực của mình.
Thế rồi năm 1000 cũng trôi qua; xem ra thuyết thiên niên không còn hấp dẫn nữa. Thế nhưng một nguồn hứng mới nảy lên do thần học lịch sử của viện phụ Gioakim de Fiore (k.1130-1202). Theo ngài, lịch sử nhân loại gồm 3 thời kỳ: a) thời Luật lệ của Cựu ước; b) thời Phúc âm của Tân ước; c) thời của Thánh Linh bắt đầu từ nay. Tác giả tiên đoán nhiều biến cố sẽ xảy ra vào năm 1260. Học thuyết này đã thu hút được nhiều cảm tình, và nhiều người dựa vào đó để giải thích các thiên tai, biến cố chính trị (chẳng hạn cơn dịch đen, chiến tranh 100 năm, vv.) theo viễn tượng của ngày Quỷ vương ra đời, báo trước tận thế.
Những khuynh hướng khải huyền và thiên niên tiếp tục xuất hiện vào các thế kỷ sau đó, đặc biệt là vào thời Cải Cách của ông Luther hồi thế kỷ XVI (Thomas Muentzer và cuộc khởi nghĩa của nông dân vào năm 1525 mang tính thiên niên; còn Luther thì gọi Giáo hoàng là quỷ vương được nói trong sách Khải huyền).
III. KHOA HỌC THIÊN NIÊN
Bước sang thế kỷ XVII, sự phát triển của khoa học, – dựa trên lòng tin tưởng vào khả năng của lý trí -, xem ra đã đẩy lui những ý tưởng bi quan về lịch sử của thời Trung đại. Nỗi lo sợ về tận thế đã nhường chỗ cho viễn tượng tiến bộ khoa học. Tuy nhiên, dưới khía cạnh CCL, thực ra chỉ là một sự chuyển hướng từ quan điểm khải huyền sang quan điểm thiên niên. Các triết gia thời Phục hưng tin rằng lời tiên đoán về thiên niên hạnh phúc trên trái đất đã bắt đầu được thực hiện nhờ các phát minh khoa học. Vì thế người ta đặt tên là “thiên niên khoa học” (scientific millennialism): sự hoàn thiện trên thiên quốc được diễn tả thành thuyết “không tưởng” (utopia) trong lãnh vực khoa học và xã hội. Tư tưởng này cũng được du nhập vào thần học Tin lành thế kỷ XVIII, điển hình nơi Joseph Mead, Daniel Whitby: vương quốc Thiên Chúa đang đến trên thế giới; có người (như Samuel H. Cox) còn đồng hóa Nước Chúa với sự trù phú nguyên liệu của đất nước Hoa kỳ.
Thế nhưng huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Có những nhà thần học nhận thấy rằng giấc mơ thiên nhiên của Kinh thánh đã được khoa học thực hiện. Đối lại, khoa học cho rằng Kinh thánh thiếu xác thực và chẳng còn giá trị gì nữa. Điều này đã gây ra phản ứng nơi một luồng bảo thủ trong các giáo hội Tin lành bên Hoa kỳ: họ bám vào chữ đen của Kinh thánh, chống lại mọi thứ giải thích “khoa học”. Không lạ gì mà khuynh hướng khải huyền lại chỗi dậy qua những giáo phái “Cơ đốc phục lâm” tiên đoán việc Chúa quang lâm với những tính toán năm tháng đích xác.
IV. CCL THỜI CẬN ĐẠI
Văn hóa Tây phương thời cận đại muốn thoát ly khỏi ảnh hưởng tôn giáo, và chủ trương “thế tục hóa” trong lãnh vực pháp luật, chính trị và xã hội. Tuy nhiên, khi phân tích nguồn gốc của các tư tưởng cách mạng chính trị và kinh tế, các sử gia nhận thấy ảnh hưởng rất lớn của truyền thống Kitô giáo. Các tư tưởng của các triết gia thời Khai sáng liên quan đến sự tiến bộ của nhân loại hướng tới hòa bình thịnh vượng bắt nguồn từ các tư tưởng cứu tinh và thiên niên của Kitô giáo. Ông Immanuel Kant mô tả tình trạng của hòa bình vĩnh cửu như là “triết học thiên niên”. Trong bản “Tuyên ngôn Cộng sản” (năm 1848), Karl Marx và Friedrich Engels chỉ trích các nhà tiên phong của chủ nghĩa xã hội (Henri de Saint-Simon, Robert Owen, Charles Fourier) vì các ông chịu ảnh hưởng của thuyết thiên niên Kitô giáo; họ bị chê là mơ ước một thứ Gierusalem mới từ trời xuống. Thế nhưng Bertrand Russell lại vạch cho thấy rằng chính ông Karl Marx cũng đang thích nghi quan niệm cứu tinh (mêsia) của đạo Do thái cho chủ nghĩa xã hội, cũng giống như trước đây thánh Augustinô đã áp dụng cho Kitô giáo: duy vật biện chứng giữ vai trò của Thiên Chúa, giai cấp vô sản giữ vị trí của dân được tuyển chọn, đảng Cộng sản đứng vào chỗ của Giáo hội, cuộc cánh mạng tương đương với cuộc Quang lâm, và thiên đường cộng sản chính là thời đại thiên niên.
Sang thế kỷ XX, thần học cánh chung được đổi mới nhờ những nghiên cứu Kinh thánh của các ông Johannes Weiss, Albert Schweitzer (đầu thế kỷ), Karl Barth và Rudolf Bultmann (giữa thế kỷ). Mặt khác, những cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế đã gây ra những băn khoăn về niềm hy vọng (x. Ernst Bloch, Nguyên lý hy vọng, 1959; Jurgen Moltmann, Thần học hy vọng, 1965). Cũng nên ghi nhận những mơ ước xây dựng một thế giới đại đồng, huynh đệ, hòa bình … biểu lộ phần nào hình ảnh thiên niên.
Khi năm 2000 cận kề, những phong trào khải huyền lại lan tràn, dự phóng ngày tận thế. Nhờ các phương tiện truyền thông xã hội này, người ta nhận ra rằng các phong trào này không chỉ tác động tại các xã hội chịu ảnh hưởng Kitô giáo, mà cả bên thế giới Hồi giáo, đạo Do thái và các lục địa khác.
———————————
Thư tịch tổng quát
Michael Barkun, Disaster and the Millennium (1974, reprinted 1986);
Frederic J. Baumgartner, Longing for the End: A History of Millennialism in Western Civilization (1999);
Peter Brown, The Cult of the Saints: Its Rise and Function in Latin Christianity (1981, reissued 1983);
Rudolf Bultmann, The Presence of Eternity: History and Eschatology (1957, reprinted 1975; also published as History and Eschatology, 1957, reissued 1975);
Kenelm Burridge, New Heaven, New Earth: A Study of Millenarian Activities (1969, reissued 1986);
Mircea Eliade, The Myth of the Eternal Return (1954; originally published in French, 1949);
Stephen Jay Gould, Questioning the Millennium: A Rationalist’s Guide to a Precisely Arbitrary Countdown, rev. ed. (1999);
Richard Landes, Heaven and Earth: The Varieties of Millennial Experience (2011);
R.A. Markus, Saeculum: History and Society in the Theology of St. Augustine, rev. ed. (1988);
Arthur P. Mendel, Vision and Violence (1992, reissued 1999);
Stephen D. O’Leary, Arguing the Apocalypse: A Theory of Millennial Rhetoric (1994, reissued 1998);
Jeffrey Burton Russell, A History of Heaven: The Singing Silence (1997);
Michael J. St. Clair, Millenarian Movements in Historical Context (1992);
Eugen Weber, Apocalypses: Prophecies, Cults, and Millennial Beliefs Through the Ages (1999);
Wilson D. Wallis, Messiahs: Their Role in Civilization (1943);
Gayraud S. Wilmore, Last Things First (1982).